Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Lý Quang Diệu “hiến kế” ổn định Biển Đông

Tờ Asahi Shimbun đã có buổi phỏng vấn độc quyền với ông Lý Quang Diệu – vị Bộ trưởng Cố vấn mới đây đã nghỉ hưu của Singapore. Bài phỏng vấn xoay quanh các vấn đề về thảm họa ở Nhật, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cách kiềm chế Trung Quốc, quan hệ Nhật-Mỹ và Singapore-Mỹ, vấn đề tranh chấp ở biển Đông.
Với ông Lý Quang Diệu, mặc dù ông đã lạc quan rằng, Nhật Bản sẽ trỗi dậy từ những thách thức tái thiết hiện nay, nhưng ông tin là các tác động tiêu cực với nền kinh tế sẽ kéo dài vài năm hay thậm chí lâu hơn nữa.
Với Singapore, khi đối mặt với thực tế chiến lược trỗi dậy của một Trung Quốc đang gia tăng và một Nhật Bản yếu đi, dường như họ đang theo đuổi một chính sách thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ. Ông Lý hoàn toàn tán thành chọn lựa này, và nhấn mạnh: "Singapore và Mỹ cùng chia sẽ niềm tin rằng, một sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực sẽ tăng cường hòa bình và ổn định".
Cùng lúc đó, ông dự báo: "Sẽ có những thay đổi quan trọng trong cân bằng quyền lực vào 10 năm tới với sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Và sau đây là những câu trả lời của ông Lý Quang Diệu qua văn bản.
- Ông cho rằng Nhật Bản sẽ nổi lên trong giai đoạn của những thách thức to lớn này là mạnh hơn hay yếu đi?
Mạnh hơn về sự đoàn kết con người nhưng yếu đi về kinh tế.
- Trong cuốn sách mới của mình, ông chỉ ra rằng, Nhật Bản đã đối mặt với những thách thức lớn như dân số sụt giảm và sự già hóa dân số. Thảm họa 11/3 dường như làm gia tăng thách thức ấy. Ông thấy tác động 11/3 thế nào với tương lai của Nhật?
Tương lai của Nhật Bản là một nền kinh tế yếu hơn trong vài năm. Những năm suy giảm có thể tiếp tục trừ phi Nhật Bản gia tăng dân số bằng nhập cư hay tăng tỉ lệ sinh.
- Những thay đổi của Nhật sẽ tác động gì tới địa chính trị khu vực?
Nhật Bản là một nền kinh tế lớn thứ hai khu vực. Bất kể sự sụt giảm nào cũng tác động tới toàn bộ đối tác kinh tế trong khu vực.
Ông Lý Quang Diệu. Ảnh: globalpost
- Những gì chúng ta nên xem xét khi nhìn vào các tranh cãi gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác như Việt Nam và Philippines về mặt chiến lược khu vực và tham vọng của Trung Quốc?
Trung Quốc đã đề xuất giải quyết tranh chấp bằng con đường song phương. Tất cả các bên tranh chấp khác đều nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
- Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tuyên bố kế hoạch của Mỹ trong việc triển khai các tàu tuần duyên mới (LCS) đến Singapore. Singapore đã ký Thỏa thuận Khung Chiến lược (SFA) với Mỹ. Ông cho rằng Singapore cần làm nhiều hơn để tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ?
Singapore sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu của Mỹ. Singapore và Mỹ chia sẻ một sự tin tưởng rằng, sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực sẽ góp phần tăng cường ổn định và hòa bình khu vực, đồng thời cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương theo tinh thần và tầm nhìn của SFA năm 2005.
- Tuyên bố triển khai các tàu tuần duyên mới của bộ trưởng Gates cho thấy, Mỹ tin rằng, họ nhất định cần tăng cường sự hiện diện và tham gia của mình tại Đông Nam Á để cân bằng với ảnh hưởng đang trỗi dậy của Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về chiến lược cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương?
Để cân bằng với một cường quốc lớn như Trung Quốc, Mỹ cần hợp tác với Nhật và hợp tác với các quốc gia ASEAN.
- Qua Đối thoại Shangri-La, Singapore góp phần thế nào để đảm bảo an ninh trong khu vực?
Singapore là địa điểm để thảo luận về những vấn đề an ninh nhạy cảm hữu ích cho tất cả các bên liên quan. Chúng tôi cung cấp một nơi gặp gỡ trung lập mà không có sự thiên vị với bất kỳ bên nào.
- Năm nay là tròn 10 năm Đối thoại Shangri-La, và Trung Quốc cuối cùng đã quyết định cử bộ trưởng quốc phòng tham dự?
Trung Quốc ban đầu đã nghi ngờ về giá trị trao đổi thảo luận, có lẽ sẽ là mục tiêu của các câu hỏi đến từ những thành viên khác tham gia Đối thoại. Nhưng giờ đây, họ quyết định cử bộ trưởng quốc phòng tham dự. Họ cần phải tin đây là nơi hữu ích cho đối thoại, cho trao đổi các quan điểm dẫn tới việc xây dựng lòng tin.
- Gần đây, một khuôn khổ địa chiến lược mới "Ấn Độ - Thái Bình Dương" đã trở nên phổ biến với các chuyên gia chính sách. Ông có cho rằng nó có thể hữu ích hơn "châu Á - Thái Bình Dương" trong việc giải quyết các thách thức an ninh và kinh tế mà các quốc gia trong khu vực đối mặt?
Ấn Độ có thể ổn định Ấn Độ Dương. Tôi không chắc là hải quân của họ có mở rộng tầm với hiệu quả tới Thái Bình Dương.
- Ấn Độ gần đây đã rất tích cực trong việc thể hiện sự hiện diện ở Thái Bình Dương. Ông có cho rằng điều này có ích với an ninh khu vực?
Đúng, nó có lợi cho hòa bình và ổn định.
- Mặc dù có rất nhiều nỗ lực từ các nước ASEAN, nhưng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông dường như vẫn chưa tiến tới một giải pháp hòa bình. Những vụ việc gần đây xảy ra càng cho thấy tình hình bất ổn vẫn còn. Vậy các bên tuyên bố chủ quyền và những cường quốc chính trong khu vực có thể/nên làm gì để giải quyết vấn đề này?
Giải quyết vấn đề phù hợp với Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS).
- Ông đã đề cập tới tầm quan trọng của việc giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc với ổn định khu vực. Những nước khác trong khu vực gồm cả Nhật Bản và Singapore có thế và nên làm gì để đạt mục tiêu này?
Nhật Bản có thể là đối tác của Mỹ cho hòa bình và ổn định. Singapore có thể đóng một vai trò nhỏ hơn như một hòn đảo, nơi Mỹ có thể chuẩn bị đạn dược và các thiết bị quân sự khác.
- Ông nghĩ thế nào về "chiến lược hóa học" giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng trở nên tự tin khi sức mạnh quốc gia gia tăng? Ông có nghĩ một hệ thống lưỡng cực có thể bền vững và thiết thực?
Chúng ta cần chờ đợi và chứng kiến mối quan hệ ấy phát triển thế nào. Có nhiều lợi ích khi Trung Quốc hợp tác với Mỹ. Trung Quốc cần thị trường, công nghệ và bí quyết Mỹ để phát triển.
- Năm 2012 - 2013 sẽ là thời điểm nhiều nước lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có thể tiến hành thay đổi lãnh đạo. Ví dụ như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc...Có một số dự đoán về bất ổn trong khu vực. Vậy quan điểm của ông thế nào, và ông nghĩ sao để có thể ngăn ngừa tác động tiêu cực với khu vực?
Tôi không cho rằng thay đổi lãnh đạo là bất ổn. Sẽ có những thay đổi quan trọng trong cán cân quyền lực vào 10 năm tới với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-20-ly-quang-dieu-hien-ke-on-dinh-bien-dong
  • Thụy Phương (Theo asahi)

Những sự việc căng thẳng trên Biển Đông gần đây: Đã đến lúc cần Bộ quy tắc ứng xử?

Bàn về những sự việc căng thẳng trên Biển Đông thời gian gần đây, học giả Aileen S.P.Baviera vừa có bài viết đăng trên RSIS Commentaries No. 91/2011 ngày 14/6, nhan đề China and the South China Sea: Time for Code of Conduct?; hoặc trên The Manila Times.Tác giả đã nêu diễn biến những vụ việc đáng quan ngại xảy ra trên Biển Đông xuất phát từ động thái của Trung Quốc, khẳng định bản chất vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu cần có COC trong bối cảnh hiện nay và kiến nghị thái độ của các bên liên quan nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông. 
Trong những tháng qua, nhiều vụ việc xảy ra trên Biển Đông đã làm rõ hơn thực tế có vẻ như là Trung Quốc ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để gây sức ép và ảnh hưởng đối với các đối thủ có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này, đặc biệt là Philíppin và Việt Nam. 
Hồi tháng Hai, giới truyền thông đăng tải sự cố ngư dân Philíppin bị tàu Trung Quốc đe dọa và tấn công. Ngày 2/3/2011, hai tàu hải giám Trung Quốc tiếp cận cản trở hoạt động của tàu thăm dò dầu khí MV Veritas Voyager của Philíppin và đòi tàu này ngừng hoạt động tại khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Bank) – nơi họ nói là thuộc quyền chủ quyền của Bắc Kinh. 
Tiếp đó, Trung Quốc thông báo kế hoạch thả neo dàn khoan dầu khí tại vùng quần đảo Trường Sa. Cuối tháng Năm, hải quân Philíppin phát hiện nhiều cột mốc và một phao nổi tại vùng bãi cạn Amy Douglas Bank được cho là do tàu của Trung Quốc cắm, cho thấy dấu hiệu của các kế hoạch xây dựng công trình trên biển có thể được triển khai. Trong khi đó, một tàu hải giám của Trung Quốc lại tiếp cận một tàu thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), cắt phá dây cáp chuyên dụng do tàu này thả xuống vùng biển mà Hà Nội tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối ở Hà Nội. 
Đòi hỏi về chủ quyền không phải là điều gì mới mẻ, bởi đó là tranh chấp lâu dài, nơi mà một bên tranh chấp hoặc một nước nào đó có hành động gì thì các bên khác luôn có phản ứng cứng rắn. 
Nhưng điều mới mẻ chính là hành động của Trung Quốc, giờ đây lại được hỗ trợ bởi khả năng hải quân hiện đại hơn, cũng như sự thể hiện một tham vọng chủ quyền lớn hơn và tâm lý dân tộc kiên quyết hơn, điều đang được minh chứng là vấn đề gây quan ngại lớn nhất (cho ổn định khu vực). 
Trò chơi phỏng đoán cứ lặp đi lặp lại là liệu những động thái đòi hỏi chủ quyền lãnh hải gần đây được triển khai với sự nhận thức đầy đủ và ủng hộ hoàn toàn của chính quyền trung ương Bắc Kinh, hay như Stein Tonneson và nhiều ý kiến khác lập luận rằng điều đó không phản ánh một chiến lược mới của Trung Quốc, mà là “hàng loạt động thái do tham mưu sai, không được điều phối tốt và đôi khi là ngạo mạn” mà các cơ quan, bộ phận cấp dưới ở Trung Quốc tiến hành khi họ thực thi trách nhiệm của mình. Song rốt cuộc thì không có cách giải thích nào có thể mang lại sự an ủi cho các nước láng giềng của Trung Quốc. 
Thực tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố sự vi phạm chủ quyền Philíppin như một số ý kiến nêu lên là “những hoạt động nghiên cứu hải dương bình thương” và sự cố với Việt Nam cũng chỉ là “những hoạt động giám sát và thực thi pháp luật về hải dương bình thường” trong “các vùng lãnh hải của Trung Quốc”. 
Thực vậy, tờ “China Daily” hồi cuối năm ngoái từng ra thông báo rằng cơ quan giám sát hải dương của Trung Quốc (CMS) – tức Cục Hải giám đã được tăng cường thêm hơn 1.000 nhân viên, 36 tàu và nhiều trang thiết bị mới nhằm tăng cường “khả năng hoạt động”. 
Được thành lập năm 1998, CMS tuyên bố đến hết năm 2005 cơ quan này có 91 tàu tuần tra, và đến cuối năm 2010 tăng lên 300 tàu và 10 máy bay. 
Viễn cảnh về sự hiện diện to lớn đó của Trung Quốc – dù là hải quân, bán quân sự hay dân sự - tại các vùng biển tranh chấp cứ như là họ được toàn thế giới thừa nhận là thực thi pháp luật Trung Quốc một cách “bình thường” trên vùng lãnh hải “không thể tranh cãi” của họ, đều không phải là điều mà các quốc gia láng giềng có thể đón nhận. 
Và nếu tàu bè, con người và tài sản của các nước láng giềng và các công ty nước ngoài tham gia hoạt động khai thác tài nguyên có thể đều là mục tiêu đe dọa (của Trung Quốc), thì tại sao những tàu thuyền thương mại khác đi qua các tuyến đường biển liên quan lại không phải là những đối tượng bị đe dọa trong tương lai? 
Nếu những xu thế hiện tại được tiếp tục, thì các hứa hẹn tôn trọng tự do hàng hải mà Bắc Kinh vẫn thường tuyên bố sẽ là giả dối. 
Thời điểm hiện tại, Trung Quốc tỏ ra là nước có hành động phản đối mạnh mẽ nhất đối với các hoạt động thăm dò dầu khí đơn phương. Trước khi xảy ra những vụ việc gần đây nhất, Trung Quốc đã ngăn cản không cho các công ty dầu khí quốc tế như BP và ExxonMobil triển khai hoạt động thăm dò tại vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, cảnh báo rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến các dự án của chính các công ty này tại Trung Quốc. 
Các quan chức và học giả Trung Quốc cũng đang lớn tiếng nói về việc cùng phát triển, có thể điều đó cho thấy lý do đằng sau sức ép mạnh mẽ là Bắc Kinh muốn “đánh cùi chỏ” để ép Việt Nam và Philíppin quay lại đường hướng cùng khai thác, từ bỏ hoạt động thăm dò đơn phương, theo tinh thần hợp tác ba bên ban đầu về thăm dò địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philíppin. (Dự án nghiên cứu ba bên này rơi vào tình trạng mập mờ, không có nội dung dứt khoát cuối cùng vào năm 2008 sau khi bị cản trở bởi các vấn đề chính trị tại Philíppin – tác giả). 
Và nếu như vậy, đó có thể là một niềm tin khác thường, nhưng là một điều mà cả Việt Nam và Phiplíppin cần xem xét cẩn trọng xét trên đối sách cân bằng các mục tiêu về an ninh và kinh tế của mỗi nước, trong khi vẫn thúc đẩy lợi ích quốc gia và ổn định khu vực. 
Thậm chí như vậy, thì công luận đối lập ở Philíppin cũng có thể sẽ ngăn cản bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến nội dung cùng thăm dò tài nguyên tại những vùng nằm gần đất nước này nhất. 
Trước những đám mây đen căng thẳng đang tích tụ như vậy, điều cần thiết là các bên liên quan phải nghiêm túc theo đuổi các cuộc đàm phán không chỉ về các hướng dẫn triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, trong khi DOC tỏ ra không đủ hiệu lực giải quyết những sự kiện phát sinh. Cái mà chúng ta cần là Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) – văn bản chuyên biệt cho việc phòng ngừa xung đột vũ trang trên những vùng biển tranh chấp. 
Lợi ích của Trung Quốc cũng như của mỗi nước khác trên Biển Đông sẽ cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, Trung Quốc phải chấm dứt thái độ hăm họa, nếu không phải là sử dụng vũ lực trên thực địa, với mục đích gây sức ép buộc các bên tranh chấp phải thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. 
Trung Quốc phải thể hiện trách nhiệm lớn trong việc hạ nhiệt căng thẳng quân sự và khôi phục bầu không khí mang tính xây dựng cho đối thoại. 
Mặt khác, Việt Nam, Philíppin và cả khối ASEAN sẽ tích cực đưa ra những đồng thuận của mình về vấn đề Biển Đông và làm cho Trung Quốc hiểu rõ giới hạn của cách tiếp cận đa phương đã đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp, cũng như mong muốn đặt ra đối với COC.
Nghiên cứu Biển Đông (giới thiệu)
Aileen S.P.Baviera - Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Học viện Công nghệ Nanyang (Xingapo), đồng thời là giáo sư tại Trung tâm châu Á - Đại học Philíppin,

Xung quanh Đối thoại Trung-Mỹ về các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 25/6 tại Honolulu, Hawaii, Mỹ và Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành hội nghị tham vấn về các vấn đề  châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại Biển Đông và Bắc Kinh phẫn nộ trước việc Oasinhtơn ủng hộ các nước Đông Nam Á. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell (đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải chủ trì hội nghị.
Trước thềm cuộc đối thoại, Mỹ cho hay sẽ tìm cách giúp xoa dịu căng thẳng ở khu vực Biển Đông vốn có vị trí chiến lược và giàu có về mặt tài nguyên. Ông Kurt Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương nói với truyền thông ngày 24/6: “Mỹ không có ý định thổi bùng ngọn lửa ở biển Biển Đông và chúng tôi có một sự quan tâm rất mạnh mẽ trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở đây”.
Ông Campbell nói rằng ông kỳ vọng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ được nêu ra trong cuộc gặp Mỹ-Trung tại Honolulu như một phần nội dung của đối thoại chiến lược và kinh tế giữa hai quốc gia. Ông nói: “Chúng tôi đã nêu rất rõ ràng rằng Mỹ sẽ không có lập trường nào trong các vấn đề chủ quyền ở đây. Nhưng chúng tôi cũng có những nguyên tắc mạnh mẽ được thiết lập lâu dài về việc duy trì tự do hàng hải, thương mại tự do và không bị cản trở pháp lý cũng như duy trì hòa bình và ổn định”.
Ông Campbell khẳng định những nguyên tắc từ lâu này sẽ vẫn được tiếp tục và rằng Mỹ nhấn mạnh chúng trong tất cả các mối quan hệ của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói: “Thấy những ngọn lửa tranh chấp bị thổi bùng lên không phải là mong muốn của chúng tôi. Chúng tôi muốn giảm bớt những căng thẳng gần đây và làm mát những cái đầu nóng”.
Ông Campbell cũng cho biết phái đoàn Mỹ sẽ chất vấn Trung Quốc “một số câu hỏi cụ thể” về cái mà ông gọi là “đường hướng của các phát triển quân sự của Trung Quốc” cũng như yêu cầu Bắc Kinh làm rõ thêm về lập trường ngoại giao của nước này với các quốc gia láng giềng là Triều Tiên và Mianma. Trang web của hãng Thông tấn Bình luận Trung Quốc ngày 26/6 dẫn lời của nhà nghiên cứu Đào Văn Chiêu thuộc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ Trung-Mỹ, Đại học Thanh Hoa cho rằng Trung Quốc và Mỹ hiện đang đối mặt với hai vấn đề nổi cộm.
Thứ nhất, thái độ của Mỹ về tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và biển Biển Đông rất đáng quan tâm chú ý. Biển Hoa Đông và Biển Đông nên trở thành biển hợp tác, biển hữu nghị. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Trung Quốc cùng các nước như Việt Nam, Philíppin là vấn đề lịch sử hình thành. Hiện nay, thời cơ giải quyết những vấn đề này còn chưa chín muồi. Trung Quốc cần phải nhẫn nại và kìm chế.
Sự kiềm chế của Trung Quốc là biểu hiện của sự tự tin, cũng là thể hiện của chiến lược phát triển hòa bình. Nhưng Trung Quốc đồng thời cũng có quyền yêu cầu Mỹ duy trì sự trung lập, không được tùy tiện can sự vào các vấn đề tranh chấp lãnh thổ nêu trên, không được lôi kéo bên này, đả kích bên kia. Khi bày tỏ thái độ, Mỹ phải thật thận trọng, phải chú ý một cách đầy đủ tới tình hình lịch sử, nên thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc và những nước Đông Nam Á này chứ không phải là làm điều ngược lại.
Thứ hai, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bức thiết phải giảm nhiệt. Vài năm trước, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên từng là biểu hiện quan trọng của lợi ích chung Trung-Mỹ, là hợp tác chủ yếu giữa hai nước trong vấn đề phòng chống phổ biến vũ khí sát thương quy mô lớn. Từ cuối năm 2008 tới nay, đàm phán 6 bên lâm vào bế tắc. Đặc biệt là năm 2010, sau khi xảy ra sự kiện chìm tàu Cheonan và sự kiện pháo kích đảo Yeonpyeong, Mỹ-Hàn liên tục tiến hành diễn tập xung quanh bán đảo Triều Tiên, tình hình bán đảo Triều Tiên rơi vào căng thẳng kéo dài, có lúc còn đứng trước rủi ro bùng nổ chiến tranh.
Rút kinh nghiệm những sự việc đã xảy ra vào năm 2010, nhà nghiên cứu Đào Văn Chiêu cho rằng việc Trung Quốc và Mỹ tồn tại bất đồng về các vấn đề khu vực là chuyện thông thường, cần phải tăng cường giao lưu, trao đổi qua các cơ chế, tăng cường tin tưởng lẫn nhau. Trung Quốc và Mỹ cần phải tránh việc lợi dụng các diễn đàn quốc tế đột nhiên gây khó cho nhau, khiến mâu thuẫn gia tăng. Lợi ích giữa các nước trong khu vực đan xen phức tạp, mây thuẫn và bất đồng lúc nào cũng có. Đối với tranh chấp khu vực, Trung Quốc và Mỹ cần phải đóng vai trò của nhân viên cứu hỏa nhiều hơn, chứ không phải là đổ thêm dầu vào lửa.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Mỹ cần phải tránh việc kêu gọi gián tiếp bị truyền thông thổi phồng bất đồng. Năm 2010, giữa Trung Quốc và Mỹ đã nảy sinh một số tranh cãi, có vấn đề đã bị truyền thông thổi phồng, truyền thông đã kích động tình cảm nhân dân hai nước, làm bất đồng gia tăng. Việc này cần phải nỗ lực tránh.
Cuối cùng, hành động liên hợp giữa Trung Quốc, Mỹ và nước thứ ba trong khu vực phải xem xét tới cảm nhận cũng như chú ý tới lợi ích của đối phương. Mỹ thường xuyên tiến hành diễn tập quân sự với nhiều nước đồng minh trong khu vực. Nhưng các cuộc diễn tập quá nhiều, quá tập trung và quy mô quá lớn rõ ràng bất lợi cho ổn định của khu vực, chỉ có thể khiến căng thẳng khu vực leo thang.
  Theo AFP
 Mỹ Anh (gt)

http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1658-sai-lm-ca-trung-quc-trong-tranh-chp--bin-ong

Những hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc đặc biệt tại các khu vực ở Biển Đông đã gây nên những lo lắng cho các quốc gia Đông Nam Á. Điều này dẫn đến việc các quốc gia có tranh chấp đối thoại trực tiếp với Trung Quốc đi đến hợp tác với nhau để đối phó với các chiến lược của Bắc Kinh.

 
Các quốc gia ASEAN vừa đón tiếp Trung Quốc vừa e dè quốc gia láng giềng này. In-đô-nê-xi-a lần đầu tiên (ngày 8/7/2010) đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra dù rằng nước này không hề có liên quan đến tranh chấp các đảo ở Hoàng Sa hay Trường Sa.
Theo Reuters, năm 2011, Trung Quốc tăng ngân sách quân sự 12,7% lên 91,5 tỷ USD, gấp 7 lần so với năm 1999 và gần bằng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam. Ngoài việc tăng chi phí quân sự, các đơn vị dân sự liên quan đến biển cũng được tăng cường và có tầm hoạt động ngày càng xa bờ. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc đã sẵn sàng chi nhiều tỷ USD cho chiến lược biển và sẵn sàng duy trì lực lượng quân sự lớn phục vụ chiến lược này.
Trong tất cả các mục tiêu khi đề ra chiến lược tại Biển Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhận định khu vực này như là một Vịnh Arập thứ hai với trữ lượng dầu mỏ hàng chục tỉ tấn. Vì vậy Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc. Trung Quốc dựa trên khái niệm mơ hồ về "vùng nước lịch sử" mà đưa ra bản đồ đường lưỡi bò khoanh vùng biển mà Trung Quốc cho là của nước này, phớt lờ Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc.
Nhưng những tính toán mang tính chiến lược đó liệu có thực sự hiệu quả trên thực tế? Đầu tiên có thể thấy khu vực có dầu khí chủ yếu nằm ở phía nam và rìa của đường lưỡi bò. Các khu vực này rất gần đất liền của các quốc gia Đông Nam Á nên có thể thấy việc duy trì lực lượng bảo vệ ở đây với các quốc gia này là khá dễ dàng. Ví dụ điển hình khi các tàu Trung Quốc có hoạt động tại khu vực gần bờ biển Philíppin thì ngay lập tức lực lượng không quân nước này sẵn sàng bảo vệ để tàu nghiên cứu của mình tiếp tục hoạt động.
Trong khi đó, Trung Quốc khó lòng duy trì lực lượng hải quân và không quân đông đảo thường xuyên đi quá xa căn cứ của mình đặc biệt ở khu vực xa hơn nằm ở phía Nam Biển Đông. Theo tính chất địa chất khu vực này, vùng phía Bắc của Biển Đông do sụt lún trong Kỷ Đệ Tứ quá nhanh nên không thể hình thành được dầu khí.
Khu vực phía Nam lý tưởng hơn với các nguồn dầu khí chủ yếu nằm trong các khối đá gốc granit với tầng chắn là trầm tích Oligocene và Miocene. Các dạng dầu khí này cũng thuộc dạng rất khó khai thác và nhiều công ty dầu khí đã phải rút lui, nhất là với các lô dầu khí nằm ở phía Bắc của khu vực này. Không chỉ có vậy mà theo các nghiên cứu của các quốc gia trong khu vực thì trữ lượng dầu khí tại khu vực này đang có dấu hiệu sụt giảm. Các công ty dầu khí lớn của các quốc gia này đã bắt đầu phải tìm kiếm nguồn dầu khí mới tại các quốc gia xa xôi như châu Phi hay châu Mỹ để đáp ứng nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Do đó, có thể nói chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc vì dầu khí là hoàn toàn vô căn cứ và không hề có triển vọng thật sự. Không những Trung Quốc không có được nguồn lợi này mà còn càng trở nên khó khăn khi tiếp cận các nguồn tài nguyên của các quốc gia trong khu vực như trường hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc bị từ chối đầu tư khai thác tại đây.
Chính sách ngoại giao Trung Quốc luôn được nhắc đến với cụm từ "phát triển hòa bình" với chia sẻ Trung Quốc từng là nạn nhân của đế quốc. Nhưng dường như các quốc gia lân cận đặc biệt như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á đang càng ngày càng cảm thấy quan ngại trước sự đầu tư lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Cùng với nhiều tuyên bố và hành động, người ta đang thấy hình ảnh của một đế quốc đang hình thành bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế và đang chuyển sang lĩnh vực quân sự.
Các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc như các quốc gia Đông Nam Á và châu Phi bắt đầu dè dặt hơn với các khoản đầu tư bắt nguồn từ Trung Quốc với lo ngại tham vọng chính trị của các khoản tiền này.
Các tuyên bố cứng rắn và không đếm xỉa gì đến luật pháp và không tuân theo các chuẩn mực quốc tế càng làm tăng thêm nhận định rằng Trung Quốc quyết tâm trở thành một đế quốc mới bằng mọi giá bất chấp các lời lẽ mềm dẻo từ phía giới ngoại giao trong chính quyền Bắc Kinh. Cùng với việc bắt tay chặt chẽ với Pakixtan, một lần nữa Trung Quốc lại đẩy Ấn Độ vào thế phải phòng ngừa và không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ đẩy mạnh việc ủng hộ các lực lượng ly khai tại Tây Tạng và nhích lại gần hơn với Mỹ.
Như vậy, với quyết định tăng cường sức mạnh quân sự và đe dọa các quốc gia lân cận, chắc chắn hình ảnh "phát triển hòa bình" của Trung Quốc sẽ được thay bằng hình ảnh một đế quốc mới muốn thể hiện sức mạnh của mình. Điều này chưa chắc đã có lợi cho sự phát triển trung và dài hạn của Trung Quốc.
Với yêu sách ngày càng lớn, Trung Quốc đang khiến các quốc gia Đông Nam Á càng ngày càng nỗ lực trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Việt Nam và Ma-lai-xi-a đã đưa ra kiến nghị chung về đường cơ sở năm 2009 và Philíppin cũng phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc năm 2011.
Theo xu thế này, các quốc gia Đông Nam Á với tinh thần xây dựng một cộng đồng chung sẽ có thể nhanh chóng đề xuất và đạt được thỏa thuận về vùng biển chung cho khu vực Đông Nam Á. Nếu đề xuất này thành hiện thực, Trung Quốc thực sự sẽ bị cô lập trong vấn đề Biển Đông và thường xuyên phải đối phó với lực lượng tuần tra chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Theo kịch bản này, nếu các tàu của Trung Quốc gặp khó khăn khi hoạt động tại khu vực có giao thương bậc nhất này thì không những Trung Quốc không có được nguồn dầu khí tại đây mà ngay cả đường nhập khẩu dầu mỏ chủ yếu vốn phải đi qua khu vực này cũng có khả năng bị gián đoạn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của chính quốc gia này.
Sai lầm này gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của khu vực và của chính bản thân Trung Quốc. Rất đáng tiếc là chiến lược này vẫn đang tiếp tục được thi hành với mức độ ngày càng gắt gao. Nhưng các nước trong vòng tranh chấp không dễ chấp nhận khuất phục Trung Quốc. 
Như vậy, có thể nói, mong muốn lớn nhất về dầu khí của Trung Quốc chắc chắn sẽ khó đạt được. Ngoài ra khoản tiền đầu tư khổng lồ cho chiến lược biển cùng với chi phí duy trì lực lượng hải quân nhằm kiểm soát các khu vực quá xa căn cứ sẽ là gánh nặng khổng lồ cho ngân sách Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc tự đánh mất hình ảnh "phát triển hòa bình" đã xây dựng trong nhiều năm qua bằng những yêu sách phi lý dựa trên các chứng cứ không được công nhận và thái độ gây căng thẳng cùng với ngân sách quốc phòng tăng cao. Sự thay đổi này có thể sẽ khiến các quốc gia lân cận quan ngại, và đặc biệt các nước Đông Nam Á sẽ nhanh chóng tập hợp thành một khối nhằm đối phó với Trung Quốc.


  Theo BBC
 Hương Trà (gt)

Bài phát biểu của Thượng nghị sỹ McCain tại Hội thảo an ninh hàng hải Biển Đông

Tại Hội thảo an ninh hàng hải Biển Đông Thượng nghị sỹ McCain đã có bài phát biểu liên quan đên các vấn để tại Biển Đông. Tại sao điều này quan trọng đối với Mỹ? Đây là câu hỏi mà nhiều người Mỹ sẽ hỏi, đặc biệt là khi chúng tôi liên quan đến 3 cuộc xung đột đã xảy ra và khi nợ quốc gia của chúng tôi thực sự trở nên không bền vững. Tại sao Mỹ nên quan tâm đến tranh chấp lãnh hải của các nước cách xa nửa vòng trái đất?
Chắc chắn có lý do kinh tế để tham gia. Khu vực Biển Đông là nguồn quan trọng về việc làm và tài nguyên thiên nhiên có lợi cho nhiều người Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ xét rộng hơn là yếu tố chiến lược. Trung tâm địa chính trị thế giới hấp dẫn đang chuyển sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một khu vực, trong đó nhiều nước đang trỗi dậy cùng một lúc về sự giàu có và sức mạnh. Điều này tạo ra sự va chạm giữa các quốc gia, nơi các tranh chấp cũ vẫn chưa được giải quyết. Mỹ có một lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì một sự cân bằng chiến lược thuận lợi trong khu vực quan trọng này. Và trọng tâm đó là để bảo vệ sự tự do phổ quát trong việc đi lại và đi vào các vùng biển như một nguyên tắc căn bản của trật tự quốc tế.
Những nỗ lực phủ nhận tự do hàng hải trên Biển Đông đặt ra một thách thức nghiêm trọng đến trật tự quốc tế, dựa trên luật lệ, rằng Mỹ và đồng minh của chúng tôi đã duy trì trong nhiều thập kỷ. Nếu những nỗ lực này thành công sẽ cho phép một nước áp đặt tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình bằng vũ lực và biến Biển Đông thành một khu vực không cho các tàu thương mại và quân sự của các quốc gia khác, kể cả Mỹ, đi vào. Khi đó, hậu quả sẽ là thảm khốc. Điều đó có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm để làm suy yếu luật pháp quốc tế, theo cách mà những người có ý định bệnh hoạn, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ áp dụng ở nơi khác. Điều đó có thể tạo ra sự khuyến khích gia tăng quyền lực gây phiền hà khắp mọi nơi để sử dụng vũ lực, điều mà các phương tiện pháp lý và hoà bình không thể bảo đảm cho họ. Và nó sẽ đưa chúng ta đến gần hơn vào một ngày, khi hải quân Mỹ thấy rằng không thể đi vào và hoạt động một cách an toàn ở Tây Thái Bình Dương.
Vậy thì Mỹ nên làm những gì?
Thứ nhất, về lập trường của Mỹ trên Biển Đông, chúng ta nhận thấy rằng, nếu có thể, một chính sách rõ ràng có thể ổn định hơn so với một chính sách không rõ ràng. Tôi hoan nghênh Ngoại Trưởng Clinton khi tuyên bố rằng các bên tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương, và chúng ta sẽ tìm cách tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán. Đa số các nước châu Á hoan nghênh tuyên bố đó. Trên hết, đây là mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng, không phải giữa Trung Quốc với Mỹ. Tuy nhiên, rất hữu ích cho chúng ta tiếp tục nói rõ quan điểm của Mỹ, để các nước khác có thể biết, Mỹ chấp nhận những yêu sách nào, yêu sách nào chúng ta không chấp nhận, và những hành động nào chúng ta chuẩn bị để hỗ trợ các chính sách và các đối tác của chúng ta, đặc biệt là Philippines, một nước đồng minh có ký hiệp ước.
Thứ hai, Mỹ nên hỗ trợ các đối tác ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp của họ trên Biển Đông, như một phương tiện cổ vũ ASEAN đoàn kết hơn để đối mặt với Trung Quốc. Trung Quốc tìm cách khai thác sự chia rẽ giữa các thành viên ASEAN - làm cho họ chống đối nhau, để phục vụ cho kế hoạch riêng của Trung Quốc. Giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các nước ASEAN, như Malaysia và Brunei gần đây đã thực hiện, sẽ cho phép các đối tác của chúng ta thiết lập một mặt trận thống nhất hơn.
Thứ ba , Mỹ cần giúp đỡ các đối tác ASEAN tăng cường sự phòng thủ trên biển và khả năng phát hiện để phát triển và triển khai các hệ thống cơ bản như radar cảnh báo sớm và các tàu an ninh ven biển, tăng cường tập trận chung, cung cấp một hình ảnh hoạt động phổ biến hơn ở Biển Đông và khả năng đối phó tốt hơn với các mối đe dọa.
Thứ tư, Thượng viện Mỹ cần quan tâm hơn đến Công ước LHQ về Luật Biển. Tôi biết điều này không phổ biến ở một số người bảo thủ. Tôi có nghi ngờ về chính bản thân mình. Nhưng thực tế là, chính phủ các nhiệm kỳ kế tiếp của cả hai đảng đã tôn trọng những nhận xét cơ bản của Công ước, mặc dù không cần phải ký. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc đã ký công ước mà không thực hiện đúng, nhắm tới việc từ chối “không cho các nước” đi vào vùng biển quốc tế. Điều này làm cho Mỹ dựa vào ân huệ của các nước ngoài cũng như dựa vào sức mạnh lớn hơn của chính mình để bảo đảm quyền đi lại của Mỹ. Nhưng những điều này là đặc ân, không thể được xem như lúc nào cũng có sẵn, đó là lý do Hải quân Mỹ hỗ trợ mạnh mẽ Công ước LHQ về Luật Biển và tính pháp lý của nó, để bảo đảm nó phục vụ cho các hoạt động hải quân của chúng ta. Do đó, vì lý do an ninh quốc gia, Thượng viện cần phải quyết định, đã đến lúc phê chuẩn Hiệp ước Luật Biển.
Thứ năm , chúng ta cần phải chuyển sức mạnh của lực lượng Mỹ, chú trọng nhiều hơn vào những khu vực cạnh tranh mới trỗi dậy, đặc biệt là Ấn Độ Dương và Biển Đông. Tôi đã tham gia với các đồng nghiệp của tôi ở Hội đồng Quân sự Thượng viện, Thượng nghị sĩ Carl Levin và Jim Webb, để kêu gọi cho thêm thời gian đánh giá lại kế hoạch về các căn cứ của chúng ta ở NB và Guam. Tôi đã làm như thế để Mỹ không phải rút khỏi châu Á, mà là tăng cường cam kết của chúng ta đối với an ninh trong khu vực.
Không phải là Quốc hội có ý kiến về các thỏa thuận căn cứ trong khu vực, mà thực tế tình hình mới và chi phí vượt quá mức đã đặt vấn đề về các kế hoạch hiện tại của chúng ta, Quốc hội phải đặt những câu hỏi khó. Mục tiêu của chúng ta nên chuyển tới nơi có vị thế địa lý hơn, đưa quân đội rải rác ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, như Bộ trưởng Quốc phòng Gates đã mô tả và trung tâm của nỗ lực đó sẽ luôn luôn là những cam kết căn cứ của chúng ta với các đồng minh lịch sử như NB và HQ.
Cuối cùng, Mỹ phải tiếp tục các khoản đầu tư cần thiết vào khả năng phòng thủ của chúng ta, đặc biệt là lực lượng hải quân, để duy trì sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới. Chúng ta đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong nước để cắt giảm chi tiêu, gồm cả chi tiêu quốc phòng, và một số cắt giảm chắc chắn cần thiết. Những người có lý có thể không đồng ý về việc cắt giảm này, nên cắt thêm bao nhiêu. Nhưng gần đây, khi Tổng thống cam kết cắt giảm 400 tỷ USD về chi tiêu quốc phòng trong thời gian 12 năm - không có cơ sở chiến lược hợp lý về lý do tại sao con số này đã được lựa chọn hoặc những gì rủi ro gì nó sẽ gây ra, và Bộ trưởng Quốc phòng chỉ được nói về điều đó một ngày trước khi sự việc xảy ra - tôi nghĩ rằng những người có lý lẽ cũng có thể đồng ý rằng, điều này không có cách nào để lên kế hoạch quốc phòng của chúng ta. Chúng ta phải “lên kế hoạch” dựa vào chiến lược hướng dẫn, không thể dựa vào những con số tùy tiện.
Những sự kiện hiện đang xảy ra trên Biển Đông sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc định hình sự phát triển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ này. Và Mỹ phải tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đó. Về vấn đề này, tôi gặp rắc rối do các báo cáo gần đây của một số đồng nghiệp của tôi trong Quốc hội và một số ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa, cho thấy mong muốn rút khỏi thế giới và giảm các cam kết của chúng tôi ở nước ngoài. Mỹ đã mắc phải sai lầm đó trước đây, và chúng ta nên học bài học lịch sử này, không để nó lặp lại. Cuối cùng, lịch sử cho chúng ta thấy rằng, chính Mỹ được hưởng lợi lớn nhất nhờ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đó là duy trì bởi quyền lực và sự lãnh đạo của Mỹ. Chúng ta từ bỏ vai trò đó là nguy hiểm cho thế giới và cho chính chúng ta.
Nếu các bạn đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ để mang một thông điệp về nhà với các bạn, thông điệp đó sẽ là: Luôn có xu hướng cô lập ở Mỹ, nhưng người Mỹ đã bác bỏ nó trước đây, và tôi tin rằng bây giờ người Mỹ sẽ bác bỏ nó một lần nữa. Sẽ luôn có một cơ sở vững chắc của Mỹ hỗ trợ cho một chính sách quốc tế mạnh mẽ ở nước ngoài. Chính sách đó sẽ không thay đổi, kể cả ở Mỹ. Chúng tôi sẽ không rút khỏi hoặc bị đẩy ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ ở lại đó, thực hiện cam kết với bạn bè và đồng minh của chúng tôi, và chúng ta sẽ cùng nhau thành công.
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1693-bai-phat-bieu-cua-thuong-nghi-si-mccain
Tiến Anh (giới thiệu)

Hội thảo về An ninh Biển Ðông tại Mỹ

Ngày 20-21/6, tại trụ sở Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington đã diễn ra buổi hội thảo về “An ninh Biển Đông” kéo dài trong hai ngày với sự tham dự của nhiều học giả các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Australia, Mỹ, Nhật, Ấn Độ…

Ngay trong bài phát biểu mở đầu buổi hội thảo, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, John Negroponte đã nhận định: “Rõ ràng là có sự xung đột về lợi ích giữa các nước và các nước có sự diễn giải khác nhau đối với phạm vi về nguồn lợi hợp pháp trên biển. Đây cũng là trường hợp xảy ra tại Biển Đông khi nhiều nước đã bày tỏ cho các nước khác biết về quyền lợi của mình theo nhiều cách khác nhau qua ngoại giao và trong một số trường hợp là sử dụng sức mạnh quân sự để xác định và bảo vệ quyền lợi của mình”.
Bà Bonner Glaser, Giám đốc và Chủ Tịch Ban Trung Quốc học thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), đã điểm qua những sự cố mới đây tại Biển Đông và nêu lên những hành động mà bà cho là gây hấn rõ rệt của Trung Quốc. Bà Bonner nói Việt Nam khẳng định vụ cắt dây cáp các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam xảy ra trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tức khu vực trước đây chưa hề bị tranh chấp. Theo bà Bonner, những diễn biến xảy ra tại Biển Đông có liên hệ tới các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nơi mà chủ nghĩa quốc gia đã đi hơi quá đà, đặt ra một thách thức cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh trong thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền hành cho một êkíp lãnh đạo mới.
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ mở rộng hơn nữa trợ giúp về chính trị cũng như quân sự cho các nước Đông Nam Á để có thể đương đầu được với Trung Quốc trong các tranh chấp trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa này còn nói rõ rằng, Mỹ cần giúp các nước ASEAN triển khai một hệ thống báo động cảnh giới và tàu tuần duyên trong những khu vực có tranh chấp. Bên cạnh sự trợ giúp về phương tiện kỹ thuật, ông John McCain cũng nói, Mỹ cần phải hậu thuẫn về mặt chính trị cho các nước ASEAN để các nước thành viên của hiệp hội tạo được “mặt trận thống nhất hơn” trên các tranh chấp trên biển. Thượng nghị sĩ Mỹ nhận định, hiện nay Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ các thành viên ASEAN nhằm dễ bề gây sức ép và áp đặt đòi hỏi về chủ quyền của mình lên từng nước. Ông John McCain khẳng định không muốn gây bất hòa, làm sứt mẻ quan hệ hợp tác Mỹ -Trung đang có chiều hướng tốt hơn, tuy nhiên Thượng nghị sĩ Mỹ vẫn thẳng thừng chỉ trích “thái độ hung hăng” và “những đòi hỏi về lãnh thổ không có cơ sở” của Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp gần đây.
Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám Đốc Trung Tâm Nghiên cứu các vấn đề Biển Đông, thuộc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam, nhấn mạnh cần phải duy trì sự đoàn kết và nhất trí trong nội bộ ASEAN, cần có sự đầu tư của các thế lực bên ngoài, Trung Quốc cần phải cải thiện hình ảnh và các quan hệ của nước này với các quốc gia khác trong khu vực. Ông Thủy cũng cho rằng cần có một cơ chế để giúp ổn định tình hình trong bối cảnh thỏa thuận về cách hành xử ở Biển Đông không ngăn chặn được sự leo thang tranh chấp.
Đại diện của ASEAN tại hội thảo lần này là ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc Ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN. Ông Chalermpalanupap khẳng định quan điểm của ASEAN đối với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông qua hợp tác và theo luật quốc tế. Ông cũng nói đến những nỗ lực mà ASEAN đã làm nhằm đưa tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông thành một bản quy tắc có tính ràng buộc nhưng cả 20 lần đề nghị đều bị Trung Quốc từ chối. Hiện ASEAN đang đưa ra đề nghị thứ 21 liên quan đến vấn đề này. Ông Chalermpalanupap nêu quan điểm khác với đại diện từ phía Trung Quốc đối với những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua, mà ông gọi là hiếu chiến. Theo thông tin mới nhất từ ASEAN thì hiện khối này đã có kế hoạch tiếp tục bàn thảo về vấn đề này để có thể đưa COC lên một mức cao hơn. Người đại diện của ASEAN cũng cho rằng có lẽ để có thể giải quyết vấn đề Biển Đông, việc đổi tên biển từ Biển Đông thành biển Đông Nam Á hay biển hữu nghị có thể sẽ hợp lý hơn.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Đông Nam Á của Trường Đại Học New South Wales và Học Viện Quốc Phòng Australia, tin rằng vấn đề Biển Đông đã được quốc tế hóa và không còn chỉ là mối quan tâm của các nước liên hệ trong cuộc tranh chấp. Ông Thayer nói: “Nền an ninh của vùng Biển Ðông là một vấn đề quốc tế, không còn là một vấn đề địa phương chỉ tác động đến các nước tuyên bố nhận chủ quyền”. Theo giáo sư Thayer, thỏa thuận về cách hành xử trong vùng Biển Đông vẫn chưa hoàn hảo vì thỏa thuận này không có tính ràng buộc pháp lý.
Giáo sư Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đề cao sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông trước tình hình căng thẳng hiện nay. Ông Storey cho biết: “Mỹ vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Ðông. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này sẽ giúp ngăn cản các hành động gây hấn nhưng dĩ nhiên Mỹ cần phải cẩn thận giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc”.
Các học giả đến từ Nhật Bản và Ấn Độ cũng bày tỏ sự quan ngại trước những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vì cả hai nước này cũng có những tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên biển. Học giả đến từ Ấn Độ, ông Amer Latif, thuộc Trung Tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng những tranh chấp tại Biển Đông cũng làm Ấn Độ quan tâm vì thái độ hành xử của Trung Quốc ở đây cũng giúp Ấn Độ hiểu được thái độ và hành xử mà Trung Quốc có thể áp dụng với nước láng giềng Ấn Độ và với biển Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, giáo sư Su Hao, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế của trường Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh thì cho rằng Tây phương không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ ở Châu Á. Giáo sư Su Hao nói: “Những cái gọi là “quốc tế hóa”, “chủ quyền”, hay “luật quốc tế” là những khái niệm, những định nghĩa của phương Tây và mang tính “cổ truyền” trong thời hiện đại này. Các nước phương Tây lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và họ vẫn muốn duy trì sự thống trị ở vùng Biển Đông tại Châu Á. Tuy nhiên, mọi việc trên thế giới ngày ngay đang vượt ra khỏi các khái niệm của phương Tây. Có lẽ trong tương lai chúng ta nên xét lại, bỏ vấn đề tranh chấp sang một bên và tạo nên “vùng biển hợp tác chung”. Theo ông thì Trung Quốc coi Biển Đông là một mối quan tâm nhưng không phải là một mối quan tâm sống còn như đối với Tây Tạng và Đài Loan. Điều này khác hẳn với những lời nói trước đây của Trung Quốc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Theo giáo sư Su Hao, chính phủ Trung Quốc vẫn luôn duy trì một chính sách hòa hợp, giải quyết vấn đề qua hòa bình và tránh sử dụng vũ lực. Vì vậy cho đến giờ Trung Quốc là một cường quốc không có kẻ thù. Đại diện học giả Trung Quốc nói Trung Quốc kêu gọi việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo đàm phán song phương nhưng cách tiếp cận đa phương cũng có thể coi là một giải pháp. Bản thân Trung Quốc đã là thành viên của nhiều cơ chế an ninh đa phương để thảo luận các vấn đề về an ninh khu vực Biển Đông. Giáo sư Su Hao cũng cho rằng việc Mỹ tham gia một cách tích cực để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng được Trung Quốc chào đón. Tuy nhiên trong phần nói về những thách thức tại khu vực này, giáo sư Su Hao lại cho rằng những can thiệp của Mỹ có nhiều khi không tích cực và đó là lý do vì sao Trung Quốc không chào đón những can thiệp này.
Nhiều diễn giả tại Hội thảo An ninh Biển Đông cũng đã nêu bật tầm quan trọng của việc các bên tuyên bố nhận chủ quyền Biển Đông phải minh định tuyên bố chủ quyền của mình một cách rõ ràng, đặc biệt là Trung Quốc. Bà Bonner Glaser, Giám đốc CSIS cho rằng Trung Quốc cần đáp ứng trước những quan ngại về khu vực họ nhận chủ quyền theo bản đồ được gọi nôm na là bản đồ chữ U, hay bản đồ “lưỡi bò” của Bắc Kinh. Nhiều học giả tham dự hội nghị cho rằng Mỹ cần giữ một vai trò trong việc thương thuyết để tìm giải pháp cho tranh chấp tại Biển Đông mà trước tiên là Thượng viện Mỹ phải thông qua Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Hành động này sẽ đặt Washington trong một vị thế hợp lý và thuận lợi hơn để có thể đóng một vai trò giúp ổn định tình hình tại Biển Đông.
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1691-hi-tho-v-an-ninh-bin-eong-ti-m
Quang Minh (Giới thiệu)

Thấy gì từ Hội thảo Biển Đông ở Mỹ

Đã xuất hiện tín hiệu tích cực của một giải pháp được xây dựng trên nền tảng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển 1982, có tính đến tình hình thực tế liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ và vùng biển ở Biển Đông và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia có tham gia sử dụng Biển Đông.
Trong hai ngày 20 đến 21/6/2011, Hội thảo về an ninh Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế và chiến lược của Hoa Kỳ tổ chức tại Thủ đô nước Mỹ đã tụ họp được nhiều quan chức chính phủ, học giả và chuyên gia  am hiểu về các vấn đề ở Biển Đông, đến từ nhiều nước khác nhau, như Ấn Độ, Indonesia, Mỹ, Na Uy, Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Singapore,... Hội thảo đã thảo luận những chủ đề đang thu hút sự quan tâm ở Việt Nam cũng như trên thế giới, như: lợi ích và lập trường của các Bên ở Biển Đông, các sự kiện diễn ra mới đây tại Biển Đông, đánh giá hiệu quả của các cơ chế bảo đảm an ninh Biển Đông hiện hành và những khuyến nghị về chính sách nhằm tăng cường an ninh ở vùng biển này.
Luận điểm cơ bản được các đại biểu Trung Quốc trình bày tại Hội thảo là mặc dù Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng để khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông, Trung Quốc chưa được tham gia vào việc khai thác và quản lý các nguồn tài nguyên ở vùng biển này. Trong khi đó, các nước ven Biển Đông khác, với sự trợ giúp của các nước ngoài khu vực, đã tiến hành nhiều hành động xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc. Tuy vậy, Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực để khắc phục tình trạng trên, mặc dù dư luận người Trung Quốc hết sức bất bình. Giải pháp thích hợp trước mắt là tạm gác tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ và vùng biển, cùng khai thác tài nguyên.
Ảnh: Tuổi trẻ.
Luận điểm này thực ra không có gì mới lạ. Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 cũng có quy định về việc cùng khai thác tài nguyên như là một giải pháp tạm thời trong khi chưa đạt được giải pháp phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia ven biển. Giữa Việt Nam và các nước ASEAN có một số thực tiễn áp dụng giải pháp cùng thăm dò khai thác tài nguyên trong vùng thềm lục địa chồng lấn trước khi đạt giải pháp phân định ranh giới. Nhưng điều làm cho đề nghị gác tranh chấp cùng khai thác tài nguyên ở Biển Đông của Trung Quốc không được các nước trong khu vực hưởng ứng nằm ở chính sự mập mờ và phi lý của yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông của Trung Quốc.
Tại Hội thảo, đại biểu Trung Quốc tiếp tục viện dẫn kết hợp cả đường đứt khúc 9 đoạn với tư cách là yêu sách lịch sử và các nguyên tắc xác định vùng biển và thềm lục địa của Công ước Luật biển 1982 để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi học giả các nước chất vấn về cơ sở pháp lý của đường đứt khúc 9 đoạn, đồng thời đề nghị học giả Trung Quốc làm rõ quan điểm của Trung Quốc về việc áp dụng Công ước Luật biển 1982 để xác định các vùng biển và thềm lục địa ở Biển Đông, họ đã không nhận được câu trả lời.
Không chỉ học giả từ các nước ven Biển Đông, mà cả học giả từ các nước ngoài khu vực đều cho rằng đường đứt khúc 9 đoạn hoàn toàn không có cơ sở trong Luật biển quốc tế và nếu Trung Quốc coi đó là ranh giới vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì không một nước nào trên thế giới có thể chấp nhận được. Trung Quốc không thể sử dụng nó để yêu sách quyền đối với tài nguyên ở Biển Đông, hoặc tạo thành vùng chồng lấn lên vùng biển và thềm lục địa của các nước xung quanh Biển Đông, làm cơ sở cho yêu sách cùng khai thác tài nguyên.
Để triển khai bất kỳ biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có thể bao gồm giải pháp gác tranh chấp cùng khai thác, vấn đề then chốt là phải xác định được khu vực tranh chấp thật sự.
Theo các học giả quốc tế, khu vực có tranh chấp thật sự chính là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển kế cận các cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo này.
Việc xác định các vùng biển kế cận các cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo phải dựa vào các quy định của Luật biển quốc tế, như điều 121 Công ước 1982 về quy chế pháp lý của các đảo, cũng như các quy định và án lệ quốc tế liên quan đến phân định ranh giới biển. Một khi các nước hữu quan thống nhất được nguyên tắc xác định vùng tranh chấp như nêu ở trên, có thể thực hiện khoanh vùng tranh chấp để triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin hoặc giải pháp tạm thời mà các bên tranh chấp có thể chấp nhận được. Còn tại các khu vực nằm ngoài vùng tranh chấp, việc xác định và sử dụng vùng biển, thăm dò khai thác và quản lý tài nguyên đều phải thực hiện theo đúng quy định của Công ước Luật biển 1982.
Những sáng kiến
Trên cơ sở chia xẻ cách tiếp cận nêu trên, một số sáng kiến cụ thể đã được giới thiệu tại Hội thảo. Đại biểu đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam nêu ý tưởng về việc soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong đó quy định cụ thể các hành vi được phép và không được phép triển khai tại khu vực tranh chấp liên quan đến hai quần đảo, cũng như cách ứng xử tại các vùng biển khác nằm ngoài khu vực tranh chấp. Điểm mấu chốt trong đề nghị về Bộ Quy tắc ứng xử này là yêu cầu tất cả các bên tham gia không đưa ra những yêu sách về vùng biển và thềm lục địa không dựa trên quy định của Công ước Luật biển 1982; vùng biển liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định theo cách áp dụng thiện chí điều 121 của Công ước; việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử có thể do Trung Quốc và ASEAN cùng tiến hành, hoặc do ASEAN khởi xướng, sau đó mở cho các nước khác tham gia.
Đại diện của Ban thư ký ASEAN cho biết các nước ASEAN đã thỏa thuận sẽ soạn thảo một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có giá trị cao hơn so với Tuyên bố về cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông năm 2002.
Giáo sư Carl Thayer đến từ Úc cho rằng có thể ký kết một văn kiện về quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực ràng buộc về pháp lý nếu các nước hữu quan thỏa thuận như vậy, mặc dù đó không phải là thực tiễn phổ biến. Từ đó ông đề nghị các nước ASEAN xem xét ký kết một Hiệp ước về cách ứng xử ở Biển Đông và mở cho các nước khác có tham gia sử dụng Biển Đông tham gia.
Đại biểu đến từ Ủy ban phụ trách các vấn đề biển và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Philippines giới thiệu Sáng kiến về Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Phát triển. Theo sáng kiến này, sẽ triển khai song hành ở Biển Đông hai chế độ: chế độ hợp tác cùng phát triển, bao gồm cùng khai thác tài nguyên, cùng bảo tồn đa dạng sinh học biển,... tại khu vực tranh chấp liên quan đến quần đảo Trường Sa và chế độ sử dụng, thăm dò, khai thác, quản lý các vùng biển và thềm lục địa không bị tranh chấp của các nước ven biển theo quy định của Công ước Luật biển 1982.
Đại biểu Philippines khẳng định để có thể tạm gác tranh chấp, cần phải khoanh vùng tranh chấp. Căn cứ vào Công ước Luật biển 1982, các vùng biển do các cấu trúc địa chất thuộc hai quần đảo bị tranh chấp tạo ra có phạm vi rất hạn chế và có thể xác định được, chẳng hạn là 12 hải lý.
Rõ ràng đã xuất hiện tín hiệu tích cực của một giải pháp được xây dựng trên nền tảng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển 1982, có tính đến tình hình thực tế liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ và vùng biển ở Biển Đông và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông cũng như các quốc gia có tham gia sử dụng Biển Đông.
Một giải pháp như vậy chắc chắn sẽ thu hút được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cho phép phân biệt rõ đâu là khu vực có tranh chấp có thể tạm gác tranh chấp cùng khai thác hay bảo quản tài nguyên, đâu là khu vực đương nhiên thuộc quyền tài phán của quốc gia ven biển và các quyền hợp pháp của các quốc gia khác ở Biển Đông sẽ được bảo vệ như thế nào, trong khi chưa đạt được giải pháp phân định chủ quyền lãnh thổ và vùng biển tại các quần đảo bị tranh chấp.
Hy vọng tất cả các nước ven Biển Đông, nhất là các Bên tranh chấp trực tiếp, duy trì nỗ lực ngoại giao để đạt được một giải pháp như vậy. Và cũng hy vọng không nước nào lựa chọn phương thức sử dụng sức mạnh đơn phương áp đặt yêu sách của mình, đẩy các nước khác vào tình thế buộc phải huy động những nguồn lực eo hẹp của họ vào việc mua sắm vũ khí, trang thiết bị phòng thủ để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình, thay vì có thể dùng các nguồn lực đó cho phát triển kinh tế, xã hội.
Hà Linh viết từ Washington DC.

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Hồ Chí Minh hoàn thiện đường lối chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Mặt trận Việt Minh

1- Hồ Chí Minh là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, một quốc gia có truyền thống văn hóa, tư tưởng được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử, mà cốt lõi là ý chí độc lập và khát vọng tự do. Đó là mục tiêu cao cả, quyền dân tộc thiêng liêng quy tụ toàn dân đứng lên chiến đấu đánh bại các đội quân ngoại bang phương Bắc xâm lược, để giành và giữ vững chủ quyền đất nước qua các thời đại lịch sử.
“ Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc… Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ” (1).
            Độc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi của học thuyết giải phóng và phát triển dân tộc của Hồ Chí Minh, là nền tảng của đường lối chiến lược đại đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
            Sự hình thành Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng Việt Nam do Đảng tổ chức và lãnh đạo đã diễn ra qua một tiến trình vận động từ năm 1930 và được hoàn thiện về đường lối chính trị và tổ chức với sự ra đời của Việt Minh năm 1941.
            Việt Minh ra đời giữa lúc nhân dân Việt Nam đang sống quằn quại trong cảnh “ nước sôi lửa nóng”, lúc “ quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Việc cứu nước là việc chung của đồng bào cả nước, ai là người Việt Nam đều phải kề vai sát cánh:
“Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền:
Làm cho con cháu Rồng, Tiên,
Dân ta giữ lấy lợi quyền của ta” (2)
            Hồ Chí Minh sớm xác định cuộc cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa chống lại ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc là “ dân tộc cách mệnh”. Cuộc cách mạng để “ giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào”, là một sự nghiệp lớn, “ là việc chung của cả dân chúng”, “ trong đó công nông là gốc cách mệnh”, là “ chủ cách mệnh”, “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ…là bầu bạn cách mệnh”; các giới đồng bào sĩ, nông, công, thương đều phải đoàn kết lại do đảng cách mạng lãnh đạo để chống bọn đế quốc và tay sai.
            Người không rơi vào giáo điều khuôn mẫu, không đơn giản hóa vấn đề dân tộc theo quan điểm coi vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề nông dân và nội dung cơ bản về quyền lợi của nông dân là ruộng đất.
            Nội dung cơ bản của cách mạng thuộc địa là quyền tự do độc lập. Nhân dân thuộc địa có một động lực vĩ đại khi họ đã hiểu được giá trị của sự đoàn kết dân tộc, quyết vùng dậy đấu tranh chống ách thống trị của chủ nghĩa thực dân giành lại quyền độc lập dân tộc và tự do cho toàn dân.
            Cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa có thể giành được thắng lợi trước cách mạng của nhân dân các nước tư bản và họ có thể giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn.
            Đây là những quan điểm cách mạng cơ bản của Hồ Chí Minh làm nền tảng để xây dựng đường lối chiến lược cách mạng, thực hiện khối đại đoàn kết thống nhất dân tộc trong câch mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.
2- Đầu năm 1930, nắm vững bản chất vấn đề dân tộc, Hồ Chí Minh đã lập ra Đảng cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do chính Người soạn thảo, được Hội nghị thành lập Đảng nhất trí thông qua đã kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, trong đó nổi lên hàng đầu là vấn đề dân tộc. Cương lĩnh nêu rõ chủ trương chiến lược của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc là đánh đổ đế quốc thực dân Pháp và bọn phong kiến, “ làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập”, thực hiện các quyền tự do dân chủ, kể cả vấn đề tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng đem chia cho nông dân, chuẩn bị thực hành thổ địa cách mạng. Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận công nhân và nông dân, đồng thời phải đoàn kết với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, tranh thủ hoặc trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản Việt Nam… Chủ trương thành lập Hội phản đế đồng minh cũng được nêu ra để Ban chấp hành Trung ương phải tổ chức ngay.
            Điểm sáng nổi bật trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng là chủ trương chiến lược chống đế quốc và tay sai giành độc lập, tự do, thực hiện đại đoàn kết dân tộc.    Phong trào cách mạng nổ ra năm 1930 có tính quần chúng rộng rãi, nhất là những địa phương có phong trào lên đến đỉnh cao nhất như Nghệ An, Hà Tĩnh đã cuốn hút mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết dân tộc, không chỉ có công nông mà còn có các tầng lớp trí thức, một số sĩ phu, phú nông, trung, tiểu địa chủ và một số quan lại nhỏ ở nông thôn. Đó là một sự thật lịch sử, bước đầu minh chứng tính hiện thực về sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc và sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, về tính chân xác của quan điểm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đoàn kết toàn dân chống đế quốc và tay sai của Hồ Chí Minh.
            Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh, nhắc lại tư tưởng cách mạng đúng của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, coi việc đoàn kết toàn dân là một trong những nhân tố thắng lợi của cuộc cách mạng. Chỉ thị phê phán những nhận thức sai lầm trong Đảng như đã tách rời vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp, đã coi nhẹ vai trò của Hội phản đế đồng minh trong cách mạng ở thuộc địa. Tư tưởng đoàn kết dân tộc trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng, nội dung của Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng chưa được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quán triệt, trái lại còn tiếp tục mắc bệnh “tả” khuynh giáo điều. Khuynh hướng “tả”, biệt phái giai cấp đó được tiếp tục biểu hiện rõ trong thư của Trung ương gửi cho các cấp đảng bộ ngày 9-12-1930 và các văn kiện khác của Đảng trong những năm 1931-1935 về sau.
            Trong những năm 1936-1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định vận động thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi, sau gọi là Mặt trận thống nhất dân chủ để tập hợp các giai cấp, các đảng phái chính trị dù nhỏ bé, bấp bênh vào cuộc đấu tranh chống bọn phản động thuộc dịa và tay sai, đòi các quyền tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình. Hồ Chí Minh cũng đã truyền đạt cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương phải tổ chức mặt trận một cách rộng rãi, phải đấu tranh không khoan nhượng chống tư tưởng bè phái, biệt lập. Đây là một bước trưởng thành mới về chủ trương xây dựng Mặt trận thống nhất của Đảng. Cao trào đấu tranh dân chủ rộng rãi của quần chúng diễn ra trong toàn quốc đã dẫn đến các hình thức phối hợp và liên minh hành động giữa các giai cấp, đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng khác nhau trong từng đợt, từng phong trào đấu tranh đòi quyền lợi dân chủ và dân sinh. Mặt trận dân chủ “đã bắt đầu thực hiện từng bộ phận” chứ chưa được hình thành về mặt tổ chức, có hệ thống từ cơ sở đến trung ương, song đảng đã tích lũy thêm những kinh nghiệm có ý nghia thực tiễn quan trọng trong cuộc vận động xây dựng mặt trận những năm tiếp theo. Những kinh nghiệm đó đã được Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng tổng kết bước đầu trong tác phẩm Tự chỉ trích, công bố tháng 7 - 1939.
3- Từ tháng 9-1939 trở đi, các dân tộc ở Đông Dương đứng trước nguy cơ mất còn, “ Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”. Vì vậy Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã quyết định giương cao ngọn cờ dân tộc lên hàng đầu. Hội nghị đã quyết định lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm mục đích đánh đế quốc Pháp, vua chúa bản xứ và bọn tay sai của đế quốc phản bội dân tộc; giành lại quyền độc lập hoàn toàn cho cả dân tộc trên bán đảo Đông Dương (thi hành quyền dân tộc tự quyết).
            Sự liên hiệp các dân tộc ở Đông Dương không nhát thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất vì các dân tộc Việt Nam, Miên, Lào vốn là một quốc gia độc lập. Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình, song sự tự quyết cũng không nhất định là rời hẳn nhau ra. Chính vì vậy, Hội nghị quyết định sẽ lập Chính phủ Liên bang Cộng hòa dân chủ Đông Dương, một chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp nhân dân trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc.
            Vào mùa Xuân năm 1941, Hồ Chí Minh đã được trở về Tổ quốc trực tiếp chỉ đạo Ban Cháp hành Trung ương Đảng lãnh đạo và tổ chức nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật để giành lại quyền độc lập, tự do.Trung ương Đảng đã khẳng định và tiếp tục phát triển tư tưởng cách mạng dân tộc của Hồ Chí Minh, rằng: Nói đến vấn đề dân tộc là nói đến quyền tự do độc lập của mỗi dân tộc.Dân tộc đó có quyền lựa chọn con đường giải phóng của mình. Sau khi đánh đuổi Pháp, Nhật, Đảng phải thi hành đúng chính sách dân tộc tự quyết cho các quốc gia dân tộc ở Đông Dương. Các dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương sẽ tùy ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành lập một quốc gia tùy theo ý muốn của mình.
            Hội nghị quyết định nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thống nhất lực lượng cách mạng trên toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, tiểu tư sản, tư sản bản xứ, trung, tiểu địa chủ, ai có lòng yêu nước thương nòi vào một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, đánh Pháp, đuổi Nhật giành quyền độc lập, tự do cho các dân tộc ở Đông Dương theo quan điểm thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Đối với dân tộc Việt Nam sau khi đánh đuổi được Pháp – Nhật, sẽ lập nên nước Việt Nam mới theo chế độ dân chủ cộng hòa… Đây là một sự thay đổi về chiến lược cách mạng tư sản dân quyền của Đảng, xác định lại tính chất của cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “ dân tộc giải phóng” vì nếu không đánh đuổi được Pháp – Nhật thì vận mạng của dân tộc phải chịu kiếp ngựa trâu muôn đời mà vấn đề ruộng đất cũng không làm sao giải quyết được.Do đó, tính chất của cuộc cách mạng Đông Dương là cách mạng dân tộc giải phóng.
            Vì quyền lợi sinh tồn của dân tộc, Đảng phải nêu cao ngọn cờ dân tộc. Đảng phải khơi dậy cho hết chí khí cách mạng, tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân, tập trung mọi lực lượng dân tộc để thực hiện nhiệm vụ trung tâm là giải phóng dân tộc, cứu nước. Cho nên, tổ chức mặt trận đại đoàn kết dân tộc phải có một tên mới có tính chất dân tộc hơn, có sức mạnh hiệu triệu đồng bào toàn quốc hơn và nhất là có thể thực hiện được trong tình thế lúc bấy giờ là Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Đảng cũng đã ra một nghị quyết về chương trình của Việt Minh làm cơ sở để tổ chức và lãnh đạo mặt trận.
            Công cuộc vận động xây dựng tổ chức Mặt trận Việt Minh đã được triển khai vào cuộc sống cách mạng của nhân dân ta.
            Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra Tuyên ngôn, kính cáo đồng bào rằng:
            “ Từ khi lập quốc, xét lịch sử nước ta, chưa bao giờ dân tộc ta nhục nhằn, đau khổ như lúc này…
            Nguy cơ diệt vong đã bày ra trước mắt. Hiện thời chúng ta chỉ có một con đường mưu sống là đoàn kết thống nhất, đánh đuổi Nhật, Pháp, trừ khử Việt gian.
            Mở con đường ấy cho đồng bào, “ Việt Nam độc lập đồng minh” (Việt Minh) ra đời…
            Việc giải phóng của ta phải do ta làm lấy.
            Ai là người Việt Nam hãy phấn đấu tự cường, hãy tự tin, tự trọng, hãy đoàn kết thống nhất!” (3) .
            Chương trình cứu nước của Việt Minh đã nêu rõ, sau khi đánh đuổi được Nhật – Pháp sẽ lập ra Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân Đại hội cử lên.Chính phủ sẽ thực hiện những chính sách của Việt Minh về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội gồm 44 điểm cụ thể cốt đáp ứng hai điều mà toàn thể đồng bào ta đang mong ước là “ Làm sao cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”.
            Tổ chức Việt Minh được Hồ Chí Minh chỉ đạo thí điểm từ đầu năm 1941 ở Cao Bằng, rồi phát triển nhanh khi Việt Minh được chính thức thành lập. Việt Bắc là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh. “Đặc điểm to nhất, đáng chú ý nhất của Việt Nam độc lập đồng minh ở Việt Bắc là tính chất rộng rãi, rộng rãi đến một trình độ xưa nay chưa từng thất trong lịch sử cách mạng nước ta; rộng rãi về phạm vi: từng xã, từng tổng, từng châu, từng huyện đã hoàn toàn tham gia vào hàng ngũ cách mạng; rộng rãi về mặt thành phần nhân dân: nam, phụ, lão, ấu đều rầm rộ tham gia vào công tác cứu quốc, chỉ trừ một số rất ít trung lập và phản động” (4). Tháng 11-1942 Việt Minh Cao Bằng đã mở Đại hội bầu Ban Chấp hành chính thức của tỉnh. Ban Chấp hành Việt Minh của liên tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn cũng đã được thành lập. Các hội cứu quốc được phát triển trong cả nước. Hội Văn hóa cứu quốc ra đời cuối năm 1943. Đảng Dân chủ Việt Nam được thành lập tháng 6-1944 và đã tham gia làm thành viên của Việt Minh.
Đứng đầu Việt Minh trong toàn quốc là Tổng bộ Việt Minh.
Việt Minh đã thực sự trở thành trung tâm tập hợp, đoàn kết các giai cấp, đảng phái chính trị và cá nhân yêu nước trong toàn quốc đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật.
Đảng đã thông qua Việt Minh các cấp để vận động, tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ trung tâm là chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Cuộc khởi nghĩa dân tộc  trong cả nước tháng 8-1945 của nhân dân Việt Nam bằng “ sức mạnh đoàn kết dân tộc” đã giành được thắng lợi.
Mục tiêu cứu nước của Việt Minh đã trở thành hiện thực.
Sự phát triển hoàn thiện về đường lối, chủ trương chiến lược “ đoàn kết dân tộc” của Đảng dẫn đến sự ra đời của Măt trận Việt Minh 1941.
Sự thành lập và hoạt động của Việt Minh đã trở thành một nhân tố cơ bản, quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Việt Minh đã ra đời chính ở khu rừng Pác Bó. “ Hai chữ Việt Minh trong một thời kỳ dài làm nức lòng đồng bào cả nước, Hai chữ Việt Minh còn mãi mãi trong lịch sử, chói lọi nét vàng”(5) .
Việt Minh là một tổ chức mặt trận tiêu biểu, hoàn chỉnh, sáng chói như một mốc son đánh dấu sự ra đời của Mặt trận dân tọc thống nhất trong cách mạng Việt Nam.
- Việt Minh ra đời là kết quả của một quá trình vận động cách mạng ở Việt Nam, kết quả thắng lợi của tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, của Đảng ta; kết quả của một tư tưởng khoa học và sáng tạo, kiên quyết khắc phục tư tưởng ấu trĩ, “tả” khuynh, giáo điều rập khuôn.
- Sự ra đời và hoạt động của Việt Minh gắn liền với tư tưởng, đường lối chính trị, đường lối tổ chức và sự hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh. Người là hiện thân của khối đoàn kết dân tộc vì độc lập, tự do; của chiến lược:
“ Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.
Thành công, thành công, đại thành công”.
- Giương cao ngọn cờ dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và đoàn kết thống nhất dân tộc, dựa vững vào khối liên minh công nông và trí thức, đoàn kết chân thành với mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ của dân tộc trong một Mặt trận thống nhất rộng rãi - Mặt trận Việt Minh là một thành công sáng tạo của Hồ Chí Minh, của Đảng về công tác mặt trận trong cách mạng Tháng Tám, về chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng Việt Nam.
Vai trò lịch sử là người sáng lập và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh – Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam của Hồ Chí Minh không chỉ được những người cách mạng ngợi ca mà cả những người ở trận tuyến đối lập cũng phải thầm phục, kính nể. Đơ nít Oác nơ (Denis Warner) một người chống công cứng rắn ở Ôxtrâylia đã ngợi ca rằng Hồ Chí Minh “luôn luôn có mặt khi mọi người cần tới mình”, là người dắt dẫn lôi cuốn dân tộc vào một mặt trận đại đoàn kết. Oác nơ viết: “ Vừa mới tập hợp những người cộng sản lại với nhau năm 1930, thì khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương mới nổ ra, Cụ Hồ lại đã sẵn sàng bắt tay vào việc tập hợp những người theo chủ nghĩa dân tộc và những người cộng sản vào một Mặt trận thống nhất mới rộng rãi hơn… vào mùa Xuân năm 1941” (6) .
Nguyễn Tường Bách, một đảng viên Việt Cách thuộc phe đối lập chống Việt Minh đã viết những lời thán phục sức nổi dậy của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945 như sau: “ Đâu đâu cũng là Việt Minh cả… Tại sao? Đó là câu tôi tự hỏi. Họ tài thật. Chúng tôi không khỏi thầm phục…Việt Minh đã thắng khắp nơi. Ngày 2-9, Chính phủ Hồ Chí Minh làm lễ tuyên thệ độc lập ở Quảng trường Ba Đình. Tôi đã biết… Hồ Chí Minh ngày nay là Nguyễn Ái Quốc mà chúng tôi vẫn khâm phục như một nhân vật thần kỳ” (7) .          
               
PGS.NGND LÊ MẬU HÃN
 
CHÚ THÍCH
 
1- Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG. H 1995, tập 5, tr.7.  
2- Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, tập 3, tr.205.
3- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr.459-463.
4- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, tập 3, tr. 461.
5- Hoàng Quốc Việt: Ánh sáng mới từ Pác Bó, Đầu nguồn, tập hồi ký, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1975,tr.17.
6- Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, NXB Khoa học Xã hội, H 1995, tr.170.
7- Nguyễn Tường Bách: Việt Nam những ngày lịch sử. Nhóm nghiên cứu Sử - Địa xuất bản, Môngtrêan 1981, tr.69,70.