Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

42. Những sự kiện lớn 2011

LTS. Năm 2011 sắp trôi qua – Một năm thật đặc biệt với rất nhiều sự kiện đáng nhớ: từ Mùa xuân Ảrập tới những cuộc biểu tình “Chiếm lấy phố Wall” ở Mỹ; khủng hoảng nợ công ở châu Âu tới sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi hay động đất ở Nhật Bản... Tất cả chúng đã đưa lại một sự tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - chính trị của nhiều quốc gia và tạo ra những bước chuyển lớn trong bàn cờ quan hệ quốc tế 2011-2012. Ban Biên tập báo Thế Giới & Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện thế giới và 5 sự kiện đối ngoại Việt Nam 2011. Xin chia sẻ cùng Bạn đọc.


10 SỰ KIỆN THẾ GIỚI
1. Mùa xuân ảrập và những bất ổn ở khu vực Bắc Phi-Trung Đông

Khởi đầu từ Tunisia, các cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng lan rộng tại các nước Ảrập vùng Bắc Phi và Trung Đông như Ai Cập, Yemen, Algeria, Libya, Jordani, Bahrain... Được gọi với cái tên là “Mùa Xuân Ảrập”, làn sóng biểu tình và nổi dậy của đông đảo dân chúng tại nhiều nước khu vực đã dẫn đến sự sụp đổ hoặc phải chấp nhận chuyển giao quyền lực của nhiều chính thể, tạo ra cơn địa chấn chính trị đối với toàn bộ khu vực và gây chấn động thế giới. Tại Libya, các cuộc không kích kéo dài 8 tháng của NATO, chỉ kết thúc khi nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gaddafi bị sát hại. Cuộc chiến tại Libya với sự tham sự của các thế lực bên ngoài kết thúc song những mục tiêu ổn định, an ninh thịnh vượng cho đất nước này vẫn còn là viễn cảnh xa vời. Không chỉ riêng Libya, hầu hết các nước có chính quyền được lập ra sau sức ép từ các cuộc xuống đường rầm rộ cũng đang có nguy cơ tái bất ổn, cho thấy một “Mùa Xuân Ảrập” đã kéo dài tới tận mùa Đông.
2. Thảm họa kép ở Nhật Bản

Ngày 11/3, thế giới bị sốc bởi thảm họa kép động đất-sóng thần tại vùng bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thứ ba thế giới. Nhiều thành phố ven biển bị xóa trắng, gần 30.000 người chết và mất tích, nhà cửa, đường sắt, đường bộ bị phá hủy nặng nề. Nghiêm trọng hơn, động đất sóng thần còn phá hủy, gây chấn động lớn gây rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến Nhật Bản rơi vào cuộc khủng hoảng hạt nhân trầm trọng. Ước tính thiệt hại do động đất sóng thần gây ra là 309 tỉ USD.
Động đất tại Nhật Bản và khủng hoảng hạt nhân đã tăng áp lực lên nền kinh tế toàn cầu vốn đang hồi phục mong manh, thắt chặt nguồn cung của nhiều loại hàng hóa từ con chip máy tính đến phụ tùng ô tô và tăng nỗi lo về lãi suất cao hơn. Mặc dù vậy, theo thông báo của Chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3 đã tăng 6%, qua đó đánh dấu sự phục hồi nhanh chóng của quốc gia này sau thảm họa.
3. Trùm khủng bố Osama bin Laden bị giết

Kẻ cầm đầu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và là kẻ chủ mưu vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Trận đột kích ngày 1/5/2011 của lực lượng đặc nhiệm Mỹ diễn ra táo bạo, nhanh gọn vào nơi trú ẩn của Osama bin Laden ở thành phố Abbottabad thuộc lãnh thổ Pakistan. Sự kiện này đã kết thúc cuộc truy đuổi kéo dài 10 năm của Mỹ đối với Bin Laden - nhân vật bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Cái chết của Osama bin Laden rõ ràng là một cú giáng mạnh vào vị thế và sức mạnh của Al-Qaeda, đồng thời sẽ đem lại cho Mỹ những lợi thế mới. Tuy nhiên, việc Bin Laden bị tiêu diệt không có nghĩa là nước Mỹ có thể dễ dàng kết thúc cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu đã gây ra bao hệ lụy cho họ trong nhiều năm qua, trong bối cảnh chiến trường Afghanistan còn ngổn ngang, bạo lực có nguy cơ tái bùng phát, quan hệ với Pakistan – đồng minh quan trọng tại Nam Á - bị rạn nứt nghiêm trọng do thiếu niềm tin.
4.Phong trào “chiếm phố Wall” lan rộng

Khởi nguồn chỉ với một nhóm nhỏ tại Zucotti Park, New York ngày 17/9/2011, phong trào “Chiếm phố Wall” đã bùng nổ và lan rộng trên toàn nước Mỹ và 951 thành phố tại 82 quốc gia ở tất cả các châu lục. Với khẩu hiệu "Chúng tôi là 99%", phong trào đã thể hiện sự tức giận của người dân Mỹ trước sự bất ổn của nền kinh tế cũng như sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội tư bản.
Cuộc biểu tình đã tố cáo các ông trùm tài chính phố Wall đang làm giàu bằng những trò lươn lẹo tài chính, và chính là nguyên nhân đẩy đất nước đi vào khủng hoảng, khiến hàng triệu người thất nghiệp. Thế nhưng những kẻ này lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì, khi mà các ngân hàng được cứu trợ bởi tiền thuế của nhân dân, thêm vào đó là sự thao túng các chính trị gia nhằm ban hành những đạo luật có lợi nhất cho mình.
Một phong trào biểu tình phản ánh sự bất bình sâu sắc của người dân trước những bất công trong phân chia của cải trong xã hội.
5. Nợ công – mối nguy chưa giải tỏa

Cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ vào cuối năm 2009 tại Hy Lạp và năm 2011 đã lan sang các nước khác trong Eurozone và kéo dài cho đến tận bây giờ. Sau Hy Lạp và Ireland, các nước Tây Ban Nha, Bỉ, Bồ Đào Nha, và Ý cũng đang nằm trong nguy cơ vỡ nợ. Tại Mỹ, ngày 02/08/2011, trần nợ Mỹ được điều chỉnh tăng thêm 2,4 nghìn tỷ USD để ngăn Mỹ vỡ nợ. Xếp hạng tín dụng của Mỹ bị đánh tụt xuống mức AA+, có thể tiếp tục bị hạ tiếp trong từ 12 đến 18 tháng tới. Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ có xếp hạng thấp hơn so với trái phiếu chính phủ Anh, Đức, Pháp hay Canada.
Nhiều quốc gia trong Eurozone đã phải áp dụng những chính sách thắt lưng buộc bụng khiến người dân bất bình. Hiện tại, trong khi lãnh đạo các nước thuộc liên minh châu Âu vẫn chưa tìm ra được một biện pháp triệt để, từng thông tin từ châu Âu đều có tác động mạnh tới thị trường thế giới. Nguy cơ tan rã của khu vực đồng Euro hiện đang hiển hiện hơn lúc nào hết. EIU hạ mức dự báo tăng trưởng GDP cho Eurozone xuống còn 0,3% vào năm 2012 từ dự báo trước đó là 0,8%. EU không đạt được thỏa thuận đột phá để cải thiện tình hình.
6. Mỹ trở lại châu Á - TBD

Năm 2011 có thể nói là Năm châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, với những chuyển dịch mạnh mẽ cả trong tuyên bố chính sách và hành động, cả về quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với khu vực hiện đang được Washington đặt trong ưu tiên chiến lược toàn cầu của mình. Sự trở lại châu Á của Mỹ được phản ánh rất rõ nét tại khu vực Đông Nam Á, với việc Mỹ lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) tháng 11/2011 hay việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) hiện đứng đầu trong các chương trình nghị sự thương mại của Washington. Chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ phản ánh một thực tế đang thay đổi về mặt kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Chính sách này chắc chắn sẽ khiến vũ đài chính trị - kinh tế của khu vực vốn đã sôi động này sẽ càng trở nên nóng bỏng hơn bởi những ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực.
7. lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il qua đời

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đột ngột qua đời ngày 17/12. Ban lãnh đạo Triều Tiên kêu gọi nhân dân tiếp tục vững bước dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Kim Jong-un, con trai út của nhà lãnh đạo mới qua đời. Các nước, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ hồi hộp theo dõi mọi động thái ở Bắc Triều Tiên. Sự thay đổi lãnh đạo ở quốc gia này nhiều khả năng sẽ mở ra một trang mới trong cục diện bán đảo Triều Tiên và khu vực.
8. Mỹ chấm dứt cuộc chiến Iraq

Ngày 18/12/201, Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài 9 năm tại Iraq. Tổng thống Barrack Obama tuyên bố đây là một "thời khắc lịch sử" của quân đội Mỹ song cũng thừa nhận, cuộc chiến này gây nhiều tranh cãi ngay từ khi bắt đầu và việc “Kết thúc một cuộc chiến tranh bao giờ cũng khó khăn hơn bắt đầu một cuộc chiến”. Còn tại Afghanistan, Mỹ rút 10.000 binh sĩ trước thời hạn chót cuối năm nay, hoàn tất giai đoạn một kế hoạch rút toàn bộ lực lượng tác chiến vào năm 2014. Kế hoạch rút quân của Mỹ khỏi chiến trường Iraq và Afghanistan nhằm chấm dứt hai cuộc chiến dai dẳng "hao người tốn của," làm suy giảm nhiều sức mạnh chính trị và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ. Hơn 6.300 lính Mỹ đã thiệt mạng và gần 40.000 lính bị thương, tiêu tốn 1.300 tỷ USD và con số này vẫn chưa dừng lại ở đó. Tuy nhiên, Mỹ đã không thể thực hiện được mục tiêu biến Iraq thành một nền dân chủ ổn định và ủng hộ phương Tây. Ngay sau khi quân Mỹ rút đã xảy ra nhiều cuộc đánh bom đẫm máu giữa các phe phái ở Iraq.
9. Cuba cải cách kinh tế.

Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI (tháng 4/2011) mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử quốc đảo Caribbe này với việc thông qua chính sách “cập nhật mô hình nền kinh tế,” huy động tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã kêu gọi thực hiện triệt để những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, coi đây là con đường duy nhất để duy trì cách mạng Cuba, yêu cầu sự thay đổi tận gốc về nhận thức trong xã hội Cuba, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo. Năm 2011 là năm chính phủ Cuba đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó từng bước chấp nhận sở hữu tư nhân và mở cửa đón đầu tư nước ngoài.
10. Steve Job, ‘’thầy phù thùy’’ ở thung lũng silicon qua đời, tạo ra khoảng trống lớn trong làng công nghệ số

Một trong những cái chết gây bất ngờ và luyến tiếc nhất trong năm qua chính là sự ra đi của huyền thoại công nghệ Steve Jobs. Không chỉ những người của làng công nghệ mà hầu như tất cả mọi người, từ các chính trị gia, những ngôi sao giải trí đến những người yêu thích sản phẩm của Apple, đều cảm thấy sững sờ. Nhà sáng lập Apple đã ra đi vĩnh viễn hôm 5/10 ở tuổi 56 sau 7 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư tuyến tụy. Cuộc đời của ông là một câu chuyện cảm động về một người bị hắt hủi, ra đi trong tủi hờn vì bị sa thải bởi chính công ty do mình lập ra. Nhưng vượt lên nỗi đau, với tầm nhìn đột phá và sức sáng tạo phi thường, Steve Jobs đã làm thay đổi cả ngành công nghệ máy tính, tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường âm nhạc và thị trường smartphone bằng những sản phẩm gây kinh ngạc như MacBook, iPod, iTunes, iPhone và mới đây nhất là iPad.


5 SỰ KIỆN ĐỐI NGOẠI VIỆT NAM 2011
Do Thế Giới & Việt Nam bình chọn
1. Đại hội XI của Đảng và chủ trương hội nhập quốc tế

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 12 - 19/1, tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 thành viên và ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tại Đại hội này, lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện thay vì chỉ hội nhập kinh tế như trước kia.
2. Ngoại giao toàn diện

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Đức tại Hà Nội.
Hàng loạt chuyến thăm nước ngoài của Lãnh đạo cấp cao nước ta cũng như của các nhà lãnh đạo các nước đến Việt Nam, nhất là sau khi Đại hội XI của Đảng thành công và Chính phủ mới được thành lập. Các chuyến thăm đã tạo sự khởi đầu để năm 2012 có thể trở thành năm “Ngoại giao toàn diện”. Lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện các chuyến thăm tới Lào, Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Hà Lan, Bỉ, Anh, Ukraine… Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 10, Việt - Đức đã nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược. Việt Nam cũng thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh với Đan Mạch.
Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và nhiều nước trên thế giới được tăng cường và mở rộng như: Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 6 với Ấn Độ; lần thứ 2 với Mỹ… Hải quân Việt Nam tuần tra chung với Hải quân Trung Quốc, đón tàu khu trục Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc tới thăm Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam còn củng cố mối quan hệ song phương với các đối tác truyền thống như Nga, Belarus, Pháp...
Trong bối cảnh ngoại giao toàn diện được triển khai, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao trẻ Phạm Bình Minh, được tổ chức thành công từ ngày 12-19/12, đã đề ra 6 nhiệm vụ nhằm triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trong thời gian tới. Những nhiệm vụ này đã được Hội nghị cụ thể hóa thành Chương trình hành động.
3. Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc

Trong bối cảnh một số căng thẳng trên Biển Đông, ngày 11-15/10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chứng kiến đại diện hai nước ký các văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai đảng, hai nhà nước, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, xác định các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan. Hai bên nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
4. Kiều hối đạt mức kỷ lục trên 9 tỷ USD, xuất khẩu gạo được mùa. Sự chuyển hướng trong thu hút FDI

Cuối năm 2011, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Trong 5 năm tới, sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Đây cũng là các nội dung được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012. Chính phủ cũng có những thay đổi chiến lược trong việc thu hút FDI từ mọi nguồn sang thu hút có lựa chọn. Tính đến cuối năm, kiều hối đạt mức kỷ lục trên 9 tỷ USD. Bên cạnh đó là việc xuất khẩu gạo được mùa với trên 7 triệu tấn, đã đưa Việt Nam thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
5. Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách Kỳ quan thế giới mới. Một số di sản mới của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Ngày 27/6, tại Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản Văn hóa thế giới. Tiếp đó, ngày 24/11, tại Bali (Indonesia), UNESCO thông qua quyết định ghi nhận Hát Xoan (Phú Thọ) là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới. Tháng 12/2011, dù nhận được những ý kiến trái chiều nhưng Tổ chức New Open World đã thông báo Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

41. Xuyên Thái Bình Dương


LTS: Trong lúc vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu tỏ ra không còn sức sống, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) được kỳ vọng sẽ là luồng gió mới và là hình mẫu cho các hiệp định thương mại trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong quyết tâm đầy tính toán của Hoa Kỳ, ông chủ Nhà trắng không quên thừa nhận rằng: "quyết tâm kết thúc đàm phán TPP trong năm tới quả là một mục tiêu quá tham vọng" bởi vẫn còn quá nhiều vấn đề chi tiết phải đàm phán.

TPP là một hiệp định được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 quốc gia New Zealand, Bruney, Chile và Singapore (còn gọi là Hiệp định P-4). Hai năm gần đây, đã có thêm Mỹ, Australia, Malaysia, Peru, Việt Nam chính thức tham gia các phiên đàm phán TPP. Mới đây nhất, ngày 11/11/2011, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh APEC 19, bất chấp dư luận trong nước phản đối, chính phủ Nhật Bản công bố ý định tham gia vòng đàm phán sắp tới. Canada, Mexico cũng bày tỏ ý định tham gia TPP, còn Philipines, Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến cũng sẽ tham gia trong vòng 10 năm tới.
Thay đổi diện mạo châu Á - Thái Bình Dương
TPP được đánh giá là một hiệp định "thế kỷ", có tính chất tự do rất cao, hơn cả việc tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cùng với Nhật Bản, chuyển động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang càng trở nên sôi động hơn bao giờ. 10 nước tham gia Hiệp định TPP chiếm tới 35% GDP toàn thế giới, lớn hơn rất nhiều so với Liên minh Châu Âu, hiện là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất, nhưng chỉ chiếm có 26% GDP thế giới.
TPP đã được kỳ vọng trở thành một khuôn khổ thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao của thế kỷ 21, một hình mẫu của FTA thế hệ mới, có tầm bao quát toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 100% các dòng thuế quan sẽ được loại bỏ, 100% các phân ngành dịch vụ được mở cửa trong thương mại giữa các nước thành viên. Qua TPP, nhiều vấn đề thương mại và phi thương mại sẽ được tăng cường ở mức độ thích hợp, thúc đẩy sự canh tân, tăng trưởng và phát triển kinh tế, hỗ trợ việc tạo ra và duy trì công ăn việc làm, mang lại lợi ích to lớn và bền vững cho các nước tham gia, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu, rộng hơn trong bối cảnh Vòng đàm phán Doha tiến triển chậm chạp.
Các nước trong khu vực hy vọng rằng, APEC 2011 cùng thỏa thuận TPP sẽ tiếp thêm động lực mới cho quá trình thúc đẩy tự do thương mại, kiến tạo thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Thúc đẩy ký kết TPP cũng sẽ mở ra hy vọng hoàn tất nhiều thỏa thuận thương mại tự do ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. TPP cũng có khả năng cơ cấu lại hàng loạt liên minh thương mại châu Á, mang lại một cách thức để vượt qua thế bế tắc toàn cầu đang hiện hữu, đem lại một mô hình chủ nghĩa khu vực mở, giải quyết những lo ngại về việc thế giới sẽ bị chia nhỏ thành những khối thương mại riêng biệt.
Rõ ràng, với sự xuất hiện của TPP, việc xây dựng các cơ chế hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, thái độ và chính sách của Mỹ cũng đang chuyển đổi theo, điều này buộc các nước trong khu vực cũng phải điều chỉnh chiến lược hợp tác cho phù hợp. Và, bằng cách này hay cách khác, châu Á-Thái Bình Dương đang hội nhập một cách sâu rộng, mạnh mẽ hơn.
Và một ngày đẹp trời, bên lề Hội nghị cấp cao APEC 19 tại Honolulu (Mỹ) vừa qua, Tổng thống Hoa kỳ B.Obama vui mừng thông báo rằng 9 nước thành viên TPP đã hoàn tất bản phác thảo những đường hướng chính của dự án thành lập khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới này. Tương lai về một khu vực thương mại tự do dường như sắp được thiết lập đến nơi. Có người ví von những gì mà các vòng đàm phán của TPP đạt được như một tia nắng đẹp soi rọi phần nào bầu không khí vốn đang ảm đạm của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và cả những buồn rầu ẩn giấu đâu đó ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, với 9 vòng thì đàm phán TPP sẽ phải làm được nhiều hơn thế, chứ không chỉ là một bản phác thảo, dù đã liệt kê phạm vi và các nguyên tắc tiếp cận các vấn đề cơ bản trong TPP. Chưa hề có một chi tiết nào cụ thể hơn về các cam kết, vốn là phần chính yếu của bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào. Dòng thuế nào sẽ loại bỏ ngay, dòng nào sẽ theo lộ trình hay ngành dịch vụ nào mở, mở với điều kiện gì… thì vẫn đang trong tình trạng "còn tiếp tục phải đàm phán".
Mỹ - Nhiệt tình và tính toán
Hiệp định TPP đang đứng đầu trong các chương trình nghị sự thương mại của Washington. Mặc dù TPP chỉ chiếm 6% thương mại của Mỹ, Mỹ lại là nước tham gia sau vào TPP, thậm chí không có đối tác nào trong TPP nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ (trừ Nhật Bản), nhưng Washington không hề quên vai trò "anh cả" trong cả việc thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định quan trọng này. Tuy nhiên, sự nhiệt tình có tính toán của Mỹ được cho là hơi "lộ liễu".
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và nợ công đang tàn phá nhiều trung tâm quyền lực trên thế giới, tương quan lực lượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, nhiều nguồn lợi tại khu vực đang có nguy cơ vượt ra khỏi tầm tay của Mỹ. Đối với Mỹ, châu Á-Thái Bình Dương là khu vực không chỉ quan trọng về địa-kinh tế mà còn quan trọng về mặt địa-chiến lược. Thái Bình Dương không chỉ là "cửa ngõ" nối nước Mỹ với thế giới mà nó còn là khu vực có dân số đông, chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới với trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn… Đây là các nhân tố tiềm ẩn, nếu thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với khu vực này, có thể vực dậy và tạo động lực cho nền kinh tế Mỹ trong tương lai.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, TPP hiện mới chỉ mang lại lợi ích nhỏ cho kinh tế Mỹ, nhưng về lâu dài, lợi ích này sẽ tăng lên khi khối này được mở rộng. Bằng việc lôi kéo thành công Nhật Bản, lợi ích kinh tế thương mại của Mỹ trong khu vực đã gia tăng đáng kể, chỉ tính riêng thương mại song phương giữa Nhật Bản và Mỹ cũng đã ngang bằng với tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ với 9 nước tham gia TPP trước đó. Bên cạnh đó, việc tham gia của Nhật Bản còn có ý nghĩa nhiều hơn, xét trên khía cạnh địa chiến lược.
Trọng tâm kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển về phía Đông, với sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc, Mỹ càng có ý thức quyết đoán hơn về vai trò, vị thế của mình tại khu vực. TPP sẽ trở thành tiêu điểm cạnh tranh giữa mô hình Khu thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN do Trung Quốc chi phối với mô hình TPP do Mỹ đứng đầu. Động thái này của Mỹ còn nhằm kiến tạo một trật tự châu Á - Thái Bình Dương, ấn định quy tắc Mỹ nắm quyền chủ đạo. Như lãnh đạo Mỹ nhiều lần nhấn mạnh đến "sự trở lại" của mình này tại châu Á - Thái Bình Dương.
Nhật Bản - Vào còn hơn không
Mỹ đã luôn hy vọng Nhật Bản sớm đưa ra quyết định gia nhập TPP. Mỹ rất cần đồng minh Nhật Bản ủng hộ TPP, trong khi Tokyo chắc chắn cũng muốn thắt chặt quan hệ với Washington để đối phó với những thách thức mới. Và tất nhiên, nếu các cuộc đàm phán đạt kết quả, TPP hẳn có trọng lượng hơn vì có hai nền kinh tế thuộc loại lớn nhất hành tinh.
Tuy nhiên, đến tận bây giờ khi Nhật Bản đã ghi tên tham gia TPP, thì Chính phủ vẫn không nhận được sự đồng thuận của các giới chức và doanh nghiệp. Trong khi giới doanh nghiệp ủng hộ việc tham gia TPP nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thì nội bộ chính giới nước này vẫn đang chia rẽ về vấn đề TPP, do lo ngại việc tham gia TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực nông nghiệp. Không chỉ có phe đối lập, mà cả những người phản đối phái thân Washington và nông dân Nhật cũng chống lại việc này. Những người làm nông nghiệp lo ngại họ sẽ mất các ưu đãi và sự bảo vệ của chính quyền, khiến sản phẩm của họ sẽ đắt hơn và sẽ không đủ sức cạnh tranh. Một số người khác bày tỏ quan ngại trước khả năng TPP ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh của cuộc sống, như dịch vụ y tế, sản phẩm y dược, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Các phản ứng khác nhau đã khiến cho xếp hạng uy tín của thủ tướng Nhật Bản bị hạ thấp 7,5% so với hồi tháng 9.
Tuy nhiên,theo tính toán của những người như Ngoại trưởng Seiji Maeharat: "Chính sách nông nghiệp của Nhật Bản đang bế tắc, do đó, buộc phải thay đổi toàn diện. Đã đến lúc Nhật Bản không được phép trì hoãn thêm trong việc tham gia Hiệp định TPP". Còn Thủ tướng Yoshihiko Noda đã cố gắng thuyết phục những thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền và những người phản đối tham gia TPP bằng cách nhấn mạnh rằng, Nhật Bản sẽ không có tiếng nói trong khuôn khổ mới trừ khi Nhật Bản tham gia các cuộc đàm phán càng sớm càng tốt, và việc thắt chặt quan hệ với châu Á là việc làm cấp thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Việt Nam - Cân nhắc để chủ động
Ngày 15/11/2010, Chủ tịch nước Việt Nam thông báo quyết định tham gia đàm phán TPP. Quyết định này nhận được sự chào đón của các đối tác trong TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ vốn từ lâu mời gọi Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán một FTA đa phương với tốc độ đàm phán nhanh, quy mô sâu rộng, mức độ cam kết cao và phức tạp như vậy.
Tất nhiên, tham gia một hiệp định thương mại tự do khu vực toàn diện như TPP là một cơ hội tạo bước nhảy vọt về phát triển kinh tế trong đó xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhất. Đặc biệt, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, kiềm chế nhập siêu, góp phần thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ và các nước vào Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế hội nhập kinh tế khu vực đem lại. Đồng thời, tham gia Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhưng nếu thử nhìn vào các đối tác chính thức trong TPP, có thể thấy Việt Nam có trình độ phát triển thấp nhất. Việc cam kết và thực hiện các cam kết sâu và rộng trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, vốn còn yếu, khả năng quản lý còn nhiều bất cập. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn Việt Nam cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo LS. Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch UB Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI, với vai trò là một thành viên đàm phán chính thức, bình đẳng, Việt Nam hoàn toàn có quyền đề xuất, can thiệp vào việc định hình các cam kết trong khuôn khổ TPP. Như vậy, việc chủ động đàm phán xây dựng thỏa thuận cùng có lợi, sẽ tốt hơn việc phải chấp nhận các điều khoản đã được lập ra.
Ra khơi?
Như vậy, tham gia TPP mỗi quốc gia thành viên đều hy vọng sẽ gặt hái được những lợi ích khác nhau. Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng TPP sẽ là hòn đá tảng cho một khu vực thương mại tự do rộng lớn bao trùm cả khu vực APEC. Nhật Bản hy vọng, thông qua TPP với Mỹ đóng vai trò đầu tàu, Nhật sẽ có ảnh hưởng quyết định tới những tiêu chuẩn kỹ thuật toàn cầu trong những ngành công nghiệp như xe hơi chạy điện và năng lượng sạch, thay vì để cho Trung Quốc chi phối. Các nền kinh tế nhỏ và đang phát triển như Việt Nam có thể tìm thấy ở TPP cánh cửa mở vào các thị trường tiêu thụ rộng lớn như Mỹ, Nhật Bản và cơ hội hợp tác để phát triển cơ sở hạ tầng, xác lập vai trò trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Tờ The Economist cho rằng, các nước nhỏ đang có chính sách bảo hộ nông nghiệp, luật pháp về lao động lỏng lẻo, yếu kém về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và không đủ ngân sách đầu tư cho các công nghệ thân thiện với môi trường... sẽ thấy TPP là một liều thuốc khó nuốt. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, tham gia TPP có thể là cơ hội, là động lực thúc đẩy cải cách kinh tế một cách triệt để và toàn diện. Với các nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam, tham gia TPP là cơ hội để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, minh bạch đầu tư công và hướng tới phát triển bền vững. Nếu không có cơ hội này, sự nghiệp tái cơ cấu nền kinh tế sẽ có thể còn bị trì hoãn, kéo dài vì thiếu động lực từ bên trong lẫn "sức ép" từ bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù đặt ra nhiều tham vọng, tiến trình đi tới hiệp định TPP sẽ không suôn sẻ và nhanh chóng như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo. Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP, đang phải đối mặt với những trở ngại lớn trong việc thông qua TPP: nước Mỹ đang bước vào một năm bầu cử đầy sóng gió, còn Chính phủ Nhật vẫn chưa được dân chúng ủng hộ trong những chính sách tự do hóa thương mại
Trần Công

5 nét chính của Hiệp định TPP
Tiếp cận thị trường một cách toàn diện, theo đó thúc đẩy hàng hóa của các nước thành viên được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế, các hạn chế về dịch vụ được đồng loạt xóa bỏ nhằm tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp cũng như những lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng.
Xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên.
Hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và các diễn đàn khác và bằng việc đưa vào TPP 4 vấn đề mới và mang tính xuyên suốt gồm: gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển.
Coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP. Các công nghệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa các thành viên, đồng thời cũng làm nảy sinh những vấn đề thương mại mới tiềm ẩn cần giải quyết để có thể thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ, đảm bảo tất cả các nền kinh tế các nước TPP đều được hưởng lợi. Ngoài ra, các vấn đề thương mại liên quan tới tăng trưởng xanh cũng được xem xét nhằm đảm bảo các nước TPP tiếp tục giữ vị trí tiên phong.
Xây dựng TPP thành một hiệp định mở, cho phép hiệp định này tiếp tục phát triển để đáp ứng những tiến triển mới trong thương mại, công nghệ hoặc các vấn đề và thách thức mới.
Đến nay, đàm phán TPP đã đi qua 9 vòng, đã đạt được một số tiến triển mới, đặc biệt ở một số chương về các vấn đề vệ sinh và dịch tễ (SPS), rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và các quy định về nguồn gốc xuất xứ (ROOs).
Ngoài ra, các bên cũng đạt được một số tiến bộ về các điều khoản nhằm đảm bảo lợi ích của hiệp định có thể đến được với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện tính thống nhất về pháp lý trong khu vực, phát triển hơn nữa cạnh tranh và chuỗi cung ứng trong khu vực có tính đến các ưu tiên phát triển của các thành viên.
Về vấn đề tiếp cận thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cũng như mua sắm chính phủ cũng đã đạt được nhiều tiến bộ. Các bên dự kiến sẽ sửa đổi các bản chào dựa trên các cuộc thảo luận và yêu cầu cải thiện trong một số lĩnh vực cụ thể để tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Đến nay, hầu hết các vấn đề, trừ vấn đề về lao động đã được đưa ra thảo luận, kể cả một số đề xuất phức tạp và nhạy cảm như: sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước.
(Nguồn: Bộ Công thương)




TPP có "phớt lờ" được Trung Quốc?
Vấn đề thành viên TPP vẫn tồn tại những tranh cãi ở một số điểm. Một trong số đó là về Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây của chính quyền Mỹ, là cố tình ép Trung Quốc đứng ngoài các thảo luận chính về hiệp định thương mại châu Á. Các nhà phân tích phương Tây cũng đồng ý với việc này. Tờ Financial Times nhận xét: "Sẽ khó trách nếu Trung Quốc nghĩ rằng TPP trông giống như một câu lạc bộ mà họ không được mời tham gia ...."
Nếu TPP là sân chơi của tất cả "trừ Trung Quốc", thì thỏa thuận này có khả năng gây nên chia rẽ sâu sắc tại khu vực mà Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế, cả kinh tế lẫn chính trị. Báo chí nước này vẫn cáo buộc TPP là một mưu đồ "hiếu chiến" của Mỹ. Bởi vì, theo họ, TPP diễn ra theo chiều hướng chính sách mà chính quyền Mỹ đang thực hiện đối với Trung Quốc, thể hiện trong khái niệm "thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ", việc thiết lập căn cứ quân sự Mỹ tại Úc và tham dự vào các sự kiện ở Biển Đông...
Một trong những sức hút của TPP, đối với yếu tố Nhật Bản, chính là sự vắng mặt của Trung Quốc. Cố vấn đặc biệt Akihisa Nagashima của Thủ tướng Yoshihiko Noda cho biết TPP sẽ "tạo ra môi trường chiến lược, nơi mà Trung Quốc sẽ nhìn Nhật Bản như một láng giềng đáng gờm".
Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại cho rằng Trung Quốc hiện tại lại đang là trung tâm của chuỗi cung ứng châu Á khiến nó trở thành "trái tim" của ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu. Do đó, bất kỳ thỏa thuận nào không có Trung Quốc đều sẽ không thích đáng.
Về phía mình, Trung Quốc bày tỏ quan tâm đến ý tưởng thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cũng xem xét khả năng hội nhập khu vực khác và có thể không thoải mái khi tham gia đàm phán TPP, một nhóm các nước mà họ cho rằng đã bị chi phối bởi đối thủ của mình và đòi hỏi phải mở cửa thị trường hơn nữa. Cái tên Trung Quốc chưa bao giờ được nhắc tới như là một bên đàm phán TPP. Tuy nhiên, họ cũng tỏ rõ ý định sẽ thúc đẩy khu vực thương mại tự do Đông Á bao gồm ASEAN+3 thành ASEAN+6, không có sự tham gia của Mỹ và các bạn bè "dân chủ" của Mỹ tuy rằng những khu vực này, theo đánh giá, khó có thể đạt tới cái đích đầy tham vọng mà TPP đang nhắm tới.
Fred Bergsten và Jeffrey Schott, chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Petersen cho rằng, các nước này cũng trên con đường hướng tới việc tạo ra một khối châu Á với một sự phát triển có thể "vẽ một đường xuống Thái Bình Dương" bằng cách phân biệt đối xử chống lại Mỹ.
Thành Châu




Ý kiến
"Mỹ muốn ký một hiệp định thương mại với 9 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm 2012. Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ vượt ra ngoài phạm vi các giao dịch thương mại bình thường, để trở thành một mô hình, hoặc hạt giống cho một tập hợp các thỏa thuận rộng lớn hơn". Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại APEC 19
Cho dù chúng tôi có tham gia TPP hay không, chúng tôi cũng đang theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến hiệp định này và sẵn sàng giữ liên lạc với các quốc gia thành viên khác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du.
Việc Việt Nam tham gia và hội nhập thành công vào Hiệp định TPP sẽ thể hiện rõ ràng tính đa dạng của khuôn khổ đàm phán này. Đây là minh chứng cho thấy Hiệp định TPP không những là cơ chế ở trình độ cao mà còn là khuôn khổ hữu hiệu cho việc hài hòa lợi ích đa dạng của các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau. Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục tham gia TPP một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tại phiên đàm phán TPP thứ 7 tại TP Hồ Chí Minh 06/2011.
Việt Nam tham gia TPP có cơ hội trước hết ở việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Các quan hệ thương mại, đầu tư và hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, vừa mở rộng, vừa đi vào chiều sâu, tạo thêm nguồn lực cho Việt Nam phát triển. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
TPP sẽ giúp loại bỏ trở ngại trong chuỗi cung, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau rẻ hơn, dễ hơn và nhanh hơn... Sau Hiệp định thương mại song phương (BTA), việc Việt Nam gia nhập WTO, thì TPP sẽ là cơ chế giúp Mỹ và Việt Nam ngày càng gắn kết với nhau và tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ rất lạc quan về triển vọng đầu tư ở Việt Nam". Phó Đại diện Thương mại Mỹ, Đại sứ Demetrios Marantis
Hòa Bình (tổng hợp)
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/12/0CF2A75CEB0470F9/

40. Trở lại châu Á


Ảnh minh họa
LTS. Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vừa diễn ra vào trung tuần tháng 11 vừa qua tại Bali - Indonesia được xem là đạt được một bước tiến quan trọng khi Mỹ - siêu cường hàng đầu thế giới chính thức bước vào diễn đàn chính trị - kinh tế quan trọng bậc nhất này của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng không chỉ có vậy, việc trở thành thành viên mới của EAS còn được nhiều nhà phân tích đánh giá là một dấu mốc quan trọng cho thấy rõ chiến lược "Trở lại châu Á - Thái Bình Dương" của Washington trong thế kỷ 21.

Chuyển trọng tâm
Chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương hay còn gọi là Chiến lược tái can dự vào Đông Á của Mỹ được công bố lần đầu tiên vào năm 2009. Mặc dù Mỹ chưa bao giờ tách ra khỏi khu vực này nhưng do trong thập kỷ qua, trọng tâm đối ngoại của Washington chủ yếu tập trung vào vùng Trung Đông và Nam Á, cùng với những ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ và có phần lấn lướt của Trung Quốc trong khu vực, điều này khiến không ít người cho rằng các mối quan tâm của Mỹ ở Đông Á đang suy giảm. Tuy nhiên, tình hình đã đổi khác. Trong một bài xã luận đăng trên tạp chí Foreign Policy tháng 11/2011, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh: "Khi cuộc chiến tranh ở Iraq lắng xuống và Hoa Kỳ bắt đầu rút các lực lượng của mình khỏi Afghanistan, thì nước Mỹ đứng ở một thời điểm then chốt. Trong 10 năm qua, chúng ta đã dành các nguồn tài lực lớn cho hai chiến trường đó. Trong 10 năm tới, chúng ta cần khôn ngoan và có phương pháp về việc chúng ta đầu tư thời gian và năng lực vào đâu… Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nghệ thuật quản lý nhà nước của Mỹ trong thập kỷ tới vì thế sẽ gắn chặt vào sự đầu tư gia tăng đáng kể - về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và các lĩnh vực khác - ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương." Tại Hội nghị APEC 19 ở Hawaii vừa qua, Tổng thống Obama bổ sung thêm khi phát biểu: “Không có khu vực nào trên thế giới mà chúng tôi cho là quan trọng hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Như vậy, rõ ràng việc chuyển trọng tâm quan hệ đối ngoại về châu Á đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Obama hiện nay.
Chìa khóa hợp tác đa phương
Có thể lý giải cho động thái đáng chú ý trên bằng một số lý do như sau:
Thứ nhất, Tầm quan trọng về mặt kinh tế - thương mại của khu vực này khiến tất cả các quốc gia trên thế giới không thể xem thường, kể cả Mỹ. Thời gian qua, trong khi nền kinh tế các nước Âu - Mỹ lao đao thì khu vực này vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Theo thống kê, 21 nền kinh tế thành viên của diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chiếm đến 55% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 43% thương mại toàn cầu và 58% tổng sản lượng hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông Ben Rhodes, Phụ tá Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, từng phát biểu: "Lượng xuất khẩu của Mỹ đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một yếu tố hết sức quan trọng trong kế hoạch tăng gấp đôi lượng hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ trong vài năm tới của ông Obama… Trên thực tế, gần như tất cả các nỗ lực mà chúng ta dự định tiến hành liên quan đến mục tiêu tăng cường lượng xuất khẩu đều liên quan đến khu vực này của thế giới…". Do vậy, việc chuyển trọng tâm đối ngoại sang châu Á có thể coi là một nỗ lực của chính quyền Washington nhằm thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế cũng như xoa dịu nỗi bất bình trong dân chúng.
Thứ hai, theo kế hoạch, cuối năm nay, Mỹ sẽ rút gần như toàn bộ quân khỏi Iraq, còn tại Afghanistan, đến cuối năm 2012, Mỹ và NATO sẽ rút tổng cộng 40.000 quân. Hai chiến trường chính đã tạm ổn định cũng có nghĩa là Mỹ sẽ giảm bớt được sự căng trải lực lượng trên toàn cầu và tập trung quân lực vào những vùng trọng điểm mới. Thời gian qua, Mỹ đã liên tục củng cố mối quan hệ với các nước đồng minh truyền thống trong khu vực, duy trì đều đặn các buổi tập trận chung với các nước như Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan; tăng cường trao đổi quân sự với các quốc gia khác như Việt Nam, Indonesia… Tại chuyến công du Australia vừa qua, ông Obama nhấn mạnh sẽ đảm bảo duy trì hiện diện quân sự của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương ngay cả khi Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự. Phát biểu trước phiên họp đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội Liên bang Australia ngày 17/11, Obama cho biết ông đã chỉ đạo bộ phận an ninh quốc gia Hoa Kỳ để đảm bảo rằng "sự hiện diện và nhiệm vụ của chúng tôi (Mỹ) tại Châu Á - Thái Bình Dương được đặt lên ví trí hàng đầu" và "việc Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách quân sự sẽ không ảnh hưởng tới những chi phí tại Châu Á-Thái Bình Dương".
Thứ ba, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, Washington cho rằng Chủ nghĩa đa phương ở châu Á sẽ chỉ gây phương hại cho lợi ích của người Mỹ và đe dọa phá hoại hệ thống liên minh "bánh xe và nan hoa" của họ. Mãi đến khi Chính quyền Bill Clinton quyết định tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), thái độ thù địch đối với Chủ nghĩa đa phương ở châu Á mới dịu bới đi. Đáng tiếc là sau đó, Chính quyền George W. Bush không hội nhập sâu hơn vào khu vực này. Chẳng hạn, khi EAS lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Ngược lại, Chính quyền Obama lại đặt các thể chế thuộc châu Á - Thái Bình Dương làm trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực. Trong bài báo đăng trên tạp chí Foreign Policy đã đề cập đến ở trên, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton nhấn mạnh "tầm quan trọng của hợp tác đa phương", vì "chúng ta tin rằng những thách thức xuyên quốc gia phức tạp mà châu Á đang phải đối mặt sẽ chỉ được giải quyết nhờ việc thiết lập các thiết chế có khả năng thống nhất hành động chung". Do vậy, có thể thấy hiện Mỹ đã thể hiện thái độ tích cực hơn trong việc tham gia vào các cơ chế hợp tác trong khu vực từ ASEAN +, APEC cho đến EAS hiện nay.
Thứ tư, thời gian qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, Trung Quốc không ngừng tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực và trên thế giới trên mọi lĩnh vực: từ chính trị, thương mại, văn hóa cho đến quân sự. Chính quyền Trung Quốc đã tỏ thái độ quyết liệt hơn, đặc biệt là ở hồ sơ biển đảo khi một số nguồn tin cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được đảm nhận một vai trò lớn hơn trong việc hoạch định chính sách. Chẳng hạn: Chiến lược của quân đội Trung Quốc nhằm phát triển một lực hượng hải quân viễn chinh đã giúp nước này có thể giành quyền kiểm soát lớn hơn đối với các tuyến đường biển, đặc biệt là ở Biển Đông trong mấy năm gần đây. Việc tăng cường đưa ra các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc, đặc biệt là chiến lược biển trong thời gian qua của nước này, theo đánh giá của Mỹ là đã tạo ra một thách thức đối với những lợi ích quan trọng của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, buộc Mỹ không thể đứng ngoài cuộc.
Nâng cấp quan hệ đồng minh
Vậy Mỹ sẽ triển khai chiến lược trở lại châu Á như thế nào? Kurt M. Campbell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, mới đây có bài phát biểu tại Viện nghiên cứu các vấn đề an ninh và quốc tế Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan, về chính sách can dự của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương. Theo ông Campbell, cơ sở và ưu tiên số 1 để nước Mỹ thúc đẩy các lợi ích của mình ở châu Á là duy trì mối quan hệ an ninh hùng mạnh với các đồng minh hoặc đối tác chính trị như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia và Singapore. Mỹ cũng sẽ có những bước đi trong thời gian tới để xây dựng một mối quan hệ tương xứng hơn với Thái Lan. Bên cạnh việc tiếp tục tìm cách củng cố và nâng cấp các mối quan hệ đồng minh ở trên, Mỹ cũng nhận thức đầy đủ rằng cần phải mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong khu vực như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, New Zealand và kể cả Việt Nam.
Bên cạnh các mối quan hệ quan trọng này, theo ông Kurt Campbell: "Rõ ràng việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong thế kỷ 21 cũng là điều quan trọng sống còn." Đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Mỹ. Theo ông Campbell: "Chúng tôi hoàn toàn thừa nhận đây là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất mà Mỹ chưa bao giờ có với bất kỳ quốc gia nào và chúng tôi sẽ có những nỗ lực lớn để bảo đảm một chương trình hướng tới tương lai trong quan hệ giữa hai nước". Mỹ và Trung Quốc đang tập trung nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự leo thang của những biến cố và những diễn biến có thể đe dọa mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai cường quốc này và "Mỹ cam kết mạnh mẽ với việc bảo đảm và duy trì một mối quan hệ đối tác tiến bộ hơn giữa Bắc Kinh và Washington".
Bên cạnh các mối quan hệ chính trị và chiến lược này, ông Campbell cho rằng một trong những điều quan trọng nhất mà khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhìn vào Mỹ, đó là việc Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò là một đối tác lạc quan, mở cửa về buôn bán và kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, ông Kurt Campbell cũng bày tỏ hy vọng APEC sẽ có những nỗ lực to lớn hướng tới việc ký kết một hiệp định khung giữa tất cả các đối tác quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Chúng tôi coi đây là một hiệp định buôn bán quan trọng của thế kỷ 21 với những tiềm năng to lớn cho khu vực và cho các quốc gia tham gia trong tổ chức chung này..."
Ngoài những vấn đề trên, Mỹ cũng muốn duy trì một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là sự hiện diện về an ninh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực này và đa dạng hóa nó. Do vậy, các bạn sẽ chứng kiến những nỗ lực của Mỹ trong vài tháng tới và vài năm tới nhằm đa dạng hóa khả năng của mình từ một số lượng nhỏ các căn cứ của mình ở khu vực Đông Bắc Á thành một loạt các dàn xếp dưới nhiều hình thức khác nhau ở khắp khu vực Đông Nam Á cùng với Australia" - ông Campbell cho hay.
Chính sách trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ chắc chắn sẽ khiến vũ đài chính trị - kinh tế của khu vực này vốn đã sôi động sẽ càng trở nên nóng bỏng hơn bởi lợi ích của nhiều quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ có những tác động nhất định. Tuy nhiên, sự trở lại châu Á của Mỹ lần này chỉ có thể thành công khi mà lợi ích chính đáng của tất cả các nước trong khu vực được tính đến một cách công bằng thỏa đáng và bằng biện pháp hòa bình.
Trung Nguyên


Vì một Thái Bình Dương hòa bình
Thái Bình Dương hiện đang phải đối mặt với một vấn đề khó - đó là xử trí thế nào với sự nổi lên của Trung Quốc trong một khu vực mà Mỹ từng chiếm ưu thế kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Sự đồn trú của 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin, Australia - một quyết định được Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo trong công du mới đây tới châu Á - chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, nhưng nó là lời nhắc nhở rằng Mỹ quyết tâm ở lại khu vực. Dù vậy, mục tiêu của Mỹ vẫn không rõ ràng.
Trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự nổi lên của Trung Quốc được xem là một diễn biến được hoan nghênh, nhưng với điều kiện Trung Quốc phải tuân theo các quy tắc đã được quốc tế công nhận. Dĩ nhiên, điều kiện này sẽ áp dụng cho tất cả các nước. Nhưng căng thẳng chắc chắn sẽ nổi lên nếu Trung Quốc không có tiếng nói trong việc lập ra các quy tắc này. Trong khi đó, Mỹ dù tiếp tục chi phối về chính trị, nhưng ảnh hưởng về kinh tế đang giảm sút.
Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, và các tuyến đường biển là tất cả các vấn đề xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng vì tính quan trọng của những vấn đề này, cả hai nên theo đuổi nỗ lực giảm thiểu sự thù địch Mỹ-Trung và qua đó tránh phát động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Và dù trong trường hợp nào thì Trung Quốc cũng sẽ phản ứng gay gắt với nỗ lực thiết lập sự có mặt quân sự trong khu vực của Mỹ. Kiềm chế Trung Quốc không phải là câu trả lời với các vấn đề an ninh châu Á.
Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội và muốn trở thành một cường quốc biển quan trọng, khiến nhiều nhà quan sát kêu gọi nước này minh bạch hơn. Nhưng không ai chắc chắn Mỹ có minh bạch với Trung Quốc về năng lực quân sự của mình hay không. Ngân sách quốc phòng của Mỹ chiếm đến 43% toàn thế giới, trong khi tỉ lệ này của Trung Quốc chỉ hơn 7%.
Sẽ không có nước nào công khai về năng lực quân sự của mình ngoài những điều chung chung. Nhiều quan sát viên quên rằng lực lượng hạt nhân của Trung Quốc chỉ có tính ngăn chặn, quá nhỏ để có thể trở thành nước tấn công trước tiên. Và Trung Quốc cũng là một trong những nước đầu tiên sẵn sàng cam kết không sử dụng vũ lực trước, miễn là các cường quốc hạt nhân khác cũng làm tương tự.
Trung Quốc cũng đã cho thấy họ không thích thú gì trong việc cạnh tranh với các cường quốc châu Âu hồi thế kỷ 19 hay đế chế Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ 20. Lo ngại về điều này là đã bỏ qua lịch sử Trung Quốc. Người Trung Quốc chưa quên những ký ức đau thương về những hiệp ước không bình đẳng mà các nước Phương Tây áp đặt lên Trung Quốc và Nhật Bản trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Mặc dù yếu tố lịch sử rất quan trọng, nhưng lập trường của phương Tây lại dựa vào các động thái của hiện tại. Ví dụ như cho rằng Trung Quốc đã không đủ nỗ lực giúp giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, để giảm căng thẳng khu vực, có lẽ Mỹ nên bắt đầu đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, điều mà lâu nay Washington từ chối. Ngoài ra, tranh chấp các quần đảo có nguồn dầu khí và tiềm năng nghề cá, nên được giải quyết thông qua sự phân xử quốc tế. Điều quan trọng là các bên phải tuân thủ luật quốc tế và giữ cam kết để mở các tuyến đường biển trong khu vực.
Ngoại giao, chứ không phải vũ lực, là cách tốt nhất đề theo đuổi các mục đích này. Dĩ nhiên, ngoại giao cần được hậu thuẫn bằng sức mạnh, nhưng Mỹ có nhiều thứ mà không cần phải quân sự hóa. Một giải pháp hòa bình của những xung đột này đòi hỏi phải trao cho Trung Quốc một vai trò nhất định trong tiến trình ra quyết định. Châu Á ngày nay có hoàn cảnh hoàn toàn và khác biệt. Những bế tắc sẽ đòi hỏi các giải pháp mới chứ không phải các khái niệm đã lỗi thời của Chiến tranh Lạnh.
Malcolm Fraser*
Phương Nguyên (Theo Project Syndicate)
*Tác giả là cựu Thủ tướng Australia.



Những đối tác châu Á của Mỹ
Các nước mà Mỹ hy vọng là điểm tựa cho chiến lược của mình ở châu Á – Thái Bình Dương không muốn mối quan hệ của họ với Bắc Kinh bị ảnh hưởng, trong khi sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ đảm bảo tự do hàng hải, tăng cường các cơ hội kinh tế và củng cố vị thế lãnh đạo của các cường quốc đang nổi.
Sự thay đổi lãnh đạo cũng như thảm họa hạt nhân Fukushima giúp đưa Nhật Bản và Mỹ xích lại gần nhau hơn vì những vấn đề nội bộ làm Nhật Bản hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.
Australia cũng là một đối tác chiến lược cho những lợi ích của Mỹ tại khu vực. Australia coi quan hệ đối tác với Mỹ là một cách để xây dựng các cơ hội kinh tế, đồng thời bảo đảm tự do đi lại cho các nguồn tài nguyên quan trọng. Sự hiện diện tăng lên của Mỹ sẽ đóng góp cho sự cân bằng của khu vực và giúp Australia có lợi thế trong khu vực và với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của nước này.
Một chiến lược tái can dự lâu dài của Mỹ dựa trên vấn đề an ninh hàng hải sẽ bắt đầu với Indonesia - quốc gia bao trùm các tuyến đường biển quốc tế quan trọng. Quan hệ đối tác Jakarta - Washington cũng giúp nâng cao quan niệm về vị thế lãnh đạo khu vực của Indonesia, đảm bảo được lợi thế của Indonesia trước các cương quốc khu vực.
Ấn Độ là một đối tác chiến lược tiềm tàng quan trọng nhất trong chiến lược Mặt nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Ấn Độ đã thể hiện các dấu hiệu của việc tham gia chiến lược của Mỹ ở Đông Á thông qua các mối quan hệ với Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, quan hệ kinh tế với Myanmar…
An ninh hàng hải sẽ đòi hỏi khả năng hải quân và sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là khi Ấn Độ đánh giá Trung Quốc có thể đe doạ đến vùng biển Andaman và khu vực ngoại biên Ấn Độ Dương của mình.
Thu Cúc (Theo Stratfor)



Ý kiến
Mỹ chưa bao giờ thật sự rời khu vực Thái Bình Dương. Gần đây người ta nói nhiều đến việc Mỹ chuyển sự quan tâm từ Trung Đông sang châu Á. Những gì Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trong thời gian gần đây là các cam kết mạnh mẽ về sự can dự sâu hơn vào vùng này. Sự cam kết ấy bao gồm về kinh tế (khi mà tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, ông Obama đã thúc giục hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP), về chính trị (vấn đề an ninh khu vực) và quân sự, điển hình và gần đây nhất là việc Mỹ thông báo sẽ tăng cường 2.500 lính thủy quân lục chiến ở Darwin, cửa ngõ phía Bắc của Australia vào châu Á. Andrew Shearer, Giám đốc nghiên cứu về chính sách quốc tế - Viện Lowy (Australia)
Người Mỹ luôn hiểu rằng, để thực hiện được mục tiêu biến châu Á - Thái Bình Dương thành kỷ nguyên của Mỹ, Washington cần thực thi nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa sự tăng trưởng kinh tế cũng như ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực này. Giáo sư Yakov Berger, Chuyên gia Viện Viễn Đông (Nga)
Stratfor: Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần phải có yếu tố an ninh hàng hải. Mỹ dựa vào việc kiểm soát các đại dương để phát huy sức mạnh của mình ra toàn cầu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng quan trọng cả về kinh tế và cạnh tranh. Do đó, Washington đang tìm cách tăng cường sự cộng tác của mình với các lực lượng quân sự có khả năng ở khu vực như Nhật Bản và Australia, để Mỹ nhận được cả sự hỗ trợ về an ninh và sự ủng hộ về chính trị cho sự hiện diện lâu dài tại khu vực.
Foreign Policy: Trong hơn 2 năm qua, chính quyền Obama đã tiến hành những bước đi mở đường cho việc hướng tới chính sách can dự tại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ trong 6 thập niên tới. Tuy nhiên, để bảo đảm và duy trì vị trí lãnh đạo thế giới, Mỹ không được quên di sản mang tính lưỡng đảng đã định hình chính sách can dự khu vực trong 6 thập niên qua và tập trung vào các biện pháp củng cố bên trong: tăng tiết kiệm, cải cách hệ thống tài chính, giảm phụ thuộc vào vay nợ bên ngoài và tìm cách vượt qua chia rẽ đảng phái.

PV.
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/12/8E455A5DDEB3F0AF/

39. Cấu trúc khu vực


Ảnh minh họa
LTS. Cấu trúc quốc tế là một hình thái quan hệ quốc tế, bao gồm các nhân tố an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học -công nghệ mà trong đó các quốc gia đấu tranh và hợp tác với nhau. Cấu trúc quốc tế của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương gần đây có nhiều chuyển biến. Nó đang hình thành kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc 20 năm về trước. Chùm Bài chủ lần này trân trọng giới thiệu những chia sẻ suy nghĩ của một nhà nghiên cứu trẻ về cấu trúc khu vực mà Việt Nam ta đang sống.

Nhu cầu hợp tác và điểm nóng an ninh
Trung Quốc đóng tàu sân bay và liên tục tập trận trên biển. Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Indonesia 24 chiến đấu cơ phản lực F-16, Singapore cho biết sẽ chi 23 tỉ USD mua trực thăng tuần tra. Malaysia mua 18 chiến đấu cơ đa năng. Việt Nam mua chiến đấu cơ của Nga. Ấn Độ đưa tàu chiến đến biển Thái Bình Dương... Gần đây nhất, trong chuyến công du châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ đến Australia... Nga tham gia tích cực hơn vào các diễn đàn khu vực Đông Á, ARF. Bên cạnh đó, nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi nhiều cấp, nhiều kênh đã được tổ chức để bàn về tình hình tại Biển Đông và vấn đề hợp tác an ninh khu vực.
Quả thực nhu cầu hợp tác để tiến tới xây dựng cấu trúc khu vực mới đang ngày càng trở nên cấp thiết. Tại cuộc họp của Đại hội đồng lần thứ 8 Hội đồng hợp tác an ninh châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) do Học viện Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 11 vừa qua, nhiều đại biểu đã chứng minh tính hữu ích của việc xây dựng cấu trúc khu vực. Thứ nhất, có nhiều vấn đề vượt quá khả năng giải quyết của bất kỳ nước đơn lẻ nào như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí, buôn bán người và ma túy, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bệnh dịch, di cư và tị nạn, tình trạng mất cân đối tài chính và thương mại quốc tế. Thứ hai, do quy mô vấn đề và bản chất ở tầm khu vực nên lại càng được giải quyết thông qua các cơ chế cấp khu vực. Thứ ba, trong khi có nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự phối hợp thông tin, chính sách và hành động ở cấp khu vực như vậy thì châu Á-Thái Bình Dương vẫn chưa có một cấu trúc để điều phối chung, thiên hướng ưu tiên cho chủ quyền quốc gia và chủ nghĩa song phương tiếp tục tồn tại.
Trong quá trình xây dựng cấu trúc khu vực, một câu hỏi hóc búa đặt ra là hiện nay điểm nóng nào trong khu vực đang trở thành tiêu điểm về an ninh. Bởi việc đối phó hiệu quả với các thách thức chính là tiêu chí quan trọng của mọi cấu trúc khu vực.
Trước đây, các nhà phân tích nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, quan hệ qua hai bờ eo biển Đài Loan, vấn đề Kashmir và Biển Đông và khi đề cập đến khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, người ta thường chú trọng khu vực Đông Bắc Á nhiều hơn. Tuy nhiên, giờ đây Đông Nam Á đang trở nên ngày càng quan trọng và như Hội nghị CSCAP vừa qua nhận định sự chú ý đang dồn sang vấn đề Biển Đông vì một số nguyên nhân chủ chốt. Thứ nhất, các sự kiện diễn ra dồn dập gần đây đều liên quan đến biển Đông, trong khi các vấn đề như tình hình bán đảo Triều Tiên phần nào lắng dịu đi còn quan hệ qua hai bờ eo biển Đài Loan có bước cải thiện. Thứ hai, gần đây việc có những đòi hỏi vô căn cứ, nhất là “đường lưỡi bò” đã vấp phải sự phản đối của một số nước trong khu vực, kể cả những nước không trực tiếp liên quan đến tranh chấp lãnh thổ chủ quyền ở Biển Đông và giới học giả. Thứ ba, nếu như ở bán đảo Triều Tiên đã có cơ chế đàm phán 6 bên, các nước hầu như đã thừa nhận chính sách một Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan thì vấn đề Biển Đông vẫn cần một cơ chế rõ ràng và hiệu quả hơn mặc dù đã có sự cố gắng và thiện chí của một số bên liên quan như việc thông qua bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và việc khởi động đàm phán COC gần đây. Thứ tư, bản thân vấn đề Biển Đông cũng phức tạp vì hàm chứa nhiều lợi ích của các bên liên quan như chủ quyền lãnh thổ, vị trí địa chiến lược, tâm lý dân tộc, vấn đề tự do an ninh, an toàn hàng hải, tiềm năng dầu khí, môi trường, cứu hộ, cứu nạn….
Các mô hình chủ đạo
Không thể phủ nhận khi nói đến chủ nghĩa khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương, trước hết người ta phải nhắc đến tiểu khu vực Đông Nam Á và ASEAN. Từ năm 1963, nhà nghiên cứu khu vực William Henderson đã nói mối quan tâm về hợp tác chung ở châu Á không phải có mọi nơi, nó chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Học giả khu vực Acharya Amitav cũng từng nói ASEAN thậm chí còn cung cấp hình mẫu ra quyết định cho các tổ chức khu vực khác, kể cả APEC. Các cơ chế hợp tác khác trong lịch sử, kể cả có sự tham gia của các nước lớn như ASPAC trước đây đều không thể tồn tại lâu. Trong khi đó các cơ chế đậm nét ASEAN như ASEAN+, ARF, ADMM+ và EAS lại đang là “bộ khung” tốt để từ đó xây dựng nên cấu trúc an ninh khu vực. Tính mở và linh hoạt của những diễn đàn này cho phép tạo cơ chế để đối phó với những diễn biến nhanh và khó lường của thế giới ngày nay. Vấn đề tiếp theo là xác định nội dung, cơ chế hợp tác cụ thể để sao cho các cơ chế này ủng hộ và bổ sung cho nhau, tạo nên mạng lưới nhiều tầng nấc, trong đó ASEAN ở vị trí trung tâm. Đó là chưa kể những giá trị “độc đáo” khác của ASEAN mà không phải nước và khu vực nào cũng có như tính trung lập, chủ trương không đe dọa, tin cậy trong vai trò trung gian hòa giải …
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tiến trình đi tới một cấu trúc an ninh khu vực chung không nhất thiết phải lấy xuất phát điểm từ ASEAN. Quan điểm này xuất phát từ nghi vấn năng lực quản lý xung đột của ASEAN, nhất là khi nhìn vào việc ARF trong giai đoạn ngoại giao phòng ngừa chỉ tập trung đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống và việc ASEAN chỉ chủ trương thúc đẩy ARF phù hợp với tiến độ ưu thích của các nước thành viên.
Việc ASEAN đóng vai trò chủ đạo tuy là thực tế và có triển vọng song rõ ràng thách thức lại mệnh đề “chính trị do các nước lớn sắp đặt”. Vậy ASEAN là trung tâm hay sẽ có những nước đóng vai trò lãnh đạo khu vực? Đối với châu Á-Thái Bình Dương hiện nay, đó là vai trò nổi bật của Mỹ và Trung Quốc. Dù sức mạnh tương đối của siêu cường Mỹ đang tiếp tục suy giảm nhưng quân sự, kinh tế vẫn vượt trội so với tất cả các quốc gia khác. Hơn nữa, Chính quyền Mỹ giờ đây đang thể hiện quyết tâm chính trị lớn là sẽ trở lại khu vực. Sự “trở lại” ở đây mang hàm ý chuyển hướng trọng tâm chiến lược, chứ không đơn thuần là yếu tố địa lý. Theo một số đánh giá, về phía các quốc gia châu Á, có thể có thoả thuận ngầm trong việc ủng hộ Mỹ đóng vai trò lớn hơn tại khu vực bằng cách tạo ra các thể chế mở, linh hoạt, và toàn diện. Một số đã có quan hệ liên minh còn một số khác đang thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương chặt chẽ hơn với Mỹ.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy nhanh chóng và tương đối toàn diện của Trung Quốc cũng đặt ra nhiều vấn đề đặc biệt đáng quan tâm. Bởi vậy, các nước yếu hơn cần khéo léo trong việc thúc đẩy quan hệ phù hợp với cả Mỹ và Trung Quốc. Bản thân Mỹ cũng chưa hề bày tỏ sẽ đóng một vai trò rõ ràng ở khu vực ngoại trừ tuyên bố sẽ trở lại. Một mặt Mỹ vẫn để các nước khác thúc đẩy quá trình thảo luận về cấu trúc an ninh chung, mặt khác lại không muốn thấy các cơ chế này làm giảm vai trò của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, một số học giả đề xuất mô hình “hòa hợp quyền lực”, tức là một dạng mô hình mở rộng của an ninh hợp tác. Theo đó các trung tâm quyền lực, kinh tế lớn trong khu vực (8-10 thành viên của G20) sẽ tạo nên một trật tự mà trong đó các nước dù có nghi ngờ nhau nhưng cam kết sẽ không tạo nên các mối đe dọa trực tiếp. Trong hệ thống đó, các quốc gia thành viên sẽ tìm cách để giảm thiểu các nguy cơ hiểu lầm về nhau, những yếu tố có thể gây nên sự bất an và qua đó tạo nhiều cơ hội hơn để tăng cường hợp tác và cùng đối phó với các thách thức xuyên quốc gia. Nhưng đây chính là mô hình Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương do Australia đề xuất, mô hình do một số lý do khách quan và chủ quan đã không còn được thảo luận nhiều tại các diễn đàn khu vực. Tuy được đánh giá cao và có vai trò tích cực của Thủ tướng Kevin Rud lúc đó và nay là Ngoại trưởng, nó chỉ dừng lại như báo chí mô tả là đóng góp thêm một “mặt trận” cho cuộc chiến các ý tưởng tại khu vực.
Các mô hình cân bằng
Theo những người theo chủ thuyết hiện thực mới, sự xáo trộn về cán cân lực lượng trong khu vực là tình huống nguy hiểm. Đồng thời họ cũng dự báo các quốc gia yếu hơn trong khu vực sẽ tìm cách tập hợp để cân bằng lại ảnh hưởng của quốc gia nổi trội hơn. Như vậy, trong khi không mấy tin tưởng vào khả năng hợp tác giữa các quốc gia trong dài hạn, trường phái hiện thực mới lại cho rằng các quốc gia sẽ tìm mọi biện pháp cần thiết để tránh một tình huống mất cân bằng nghiêm trọng. Hay nói cách khác, các quốc gia sẽ tìm cách “không để” quốc gia nào khác đóng vai trò chi phối trong khu vực.
Dĩ nhiên, nếu lấy xuất điểm là lợi ích quốc gia, độ bền vững của cấu trúc cân bằng còn tùy thuộc vào tính toán của các bên, nhất là của các nước lớn như Mỹ, Trung, Nhật, Ấn và Nga. Cũng do yếu tố lợi ích, các nước sẽ từ bỏ hoặc điều chỉnh tính chất của liên minh cân bằng một khi tình thế thay đổi. Đó là câu chuyện của SEATO trước đây. Hơn nữa, thực tế của khu vực hiện nay cho thấy, hòa bình, ổn định và hợp tác tiếp tục là xu thế chủ đạo, như vậy động cơ để thiết lập một cơ chế cân bằng quyền lực mới chưa phải quá câu thúc. Điều này có nghĩa là trạng thái cân bằng hiện tại chưa phải đã hoàn toàn hết tác dụng ở châu Á-Thái Bình Dương. Cũng chính vì vậy, có ý kiến cho rằng việc hướng tới một cấu trúc an ninh khu vực dựa vào mô hình cân bằng quyền lực mới sẽ khó thành hiện thực ngay.
Nếu như cơ chế cân bằng quyền lực có phần cứng nhắc, cách tiếp cận của hệ phái hiện thực phòng thủ gợi ý nên ưu tiên mô hình cân bằng lợi ích, hàm ý các nước dù có tin tưởng lẫn nhau hay không cũng nên linh hoạt lựa chọn cách ứng xử bởi việc liên kết hay cân bằng đều có thể đem đến những lợi ích thiết thực về an ninh hay phát triển.
Quan điểm thực tiễn
Mọi lý thuyết cần lấy thước đo thực tiễn để kiểm nghiệm. Vấn đề cốt tử là liệu trên thực tế các nước có tìm được tiếng nói chung? Cuộc họp Cấp cao EAS tháng 11 vừa qua tại Bali cho thấy điều này phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của các bên liên quan, nhất là các nước lớn và ASEAN. Về mặt nguyện vọng, tất cả các nước đều muốn duy trì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thuận lợi cho hợp tác và phát triển. Một cấu trúc khu vực lý tưởng ổn định sẽ có tác dụng điều hòa lợi ích giữa các nước, tránh va chạm không đáng có.
Tuy nhiên, góc nhìn không vì thế mà giống nhau trong thực tiễn chính sách. Chẳng hạn, đối với châu Âu, việc Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương xét theo một nghĩa nào đó có nghĩa là Mỹ sẽ “bỏ rơi” đồng minh lâu năm bên kia bờ Đại Tây Dương. Ngoài ra, sự trở lại của Mỹ không phải được hoan nghênh với mức độ như nhau ở mọi nước. Tương tự như vậy, quá trình trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc gây nên sự tranh luận giữa giới học thuật và chính sách trên thế giới, nhất là đối với câu hỏi sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đem lại gì, Trung Quốc sẽ tìm kiếm vai trò và muốn gây tác động như thế nào để tiến tới cấu trúc khu vực mong muốn.
Xét về mặt chuẩn tắc, cấu trúc an ninh khu vực phải là quá trình từng bước, dựa trên cơ sở lòng tin xây dựng giữa các nước ASEAN/ARF và các nước trong khu vực. Việc xây dựng cấu trúc an ninh, theo ý kiến một số học giả, cũng nên hướng tới việc xây dựng cộng đồng khu vực. Đây là các tiêu chí mà ít nhiều các tiến trình trong khu vực đã hướng đến, nhất là với vai trò chủ đạo và điều phối tích cực của ASEAN. Đồng thời, mọi tiến trình khu vực muốn vững chắc phải có sự tham gia phù hợp của các nước lớn, bắt đầu bằng quá trình tham vấn và phối hợp.
Mặc dù, về lý thuyết, sẽ chẳng có một mô hình cấu trúc an ninh nào có thể được gọi là tối ưu trong việc hóa giải các thách thức của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động, nhưng có lẽ bằng sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ, ASEAN có thể tạo thêm một câu chuyện thành công về chủ nghĩa khu vực trong bối cảnh mới.
Lê Đình Tĩnh

Cấu trúc an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương
Châu Á - Thái Bình Dương đang được nhìn nhận là điểm sáng của thế giới do duy trì được đà phát triển cũng như môi trường hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây bất ổn, đó không phải một nguy cơ đơn lẻ nào, mà là tổng thể các thách thức đối với môi trường an ninh khu vực, bao gồm cả các thách thức an ninh truyền thống và các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh biển, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh mạng...
Mặc dù các nước trong khu vực đã có những nỗ lực đáng kể để tìm kiếm và xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực hiệu quả; song cho đến nay khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa có đủ các cơ chế hợp tác phù hợp để ứng phó hiệu quả với các thách thức nêu trên.
Kiến trúc an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay bao gồm các thỏa thuận an ninh song phương và cơ chế hợp tác an ninh đa phương. Các hiệp định hợp tác an ninh giữa Mỹ với các đồng minh khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia, New Zealand... là nền tảng của chính sách châu Á của Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô. Trong vòng một năm trở lại đây, có thể nói xu hướng các nước trong khu vực tăng cường hợp tác an ninh song phương là một xu thế nổi bật. Hàng loạt hiệp định hợp tác an ninh song phương đã ra đời như hiệp định giữa Indonesia và Australia, hiệp ước "Đối tác chiến lược cho thế kỷ 21" giữa Nga và Trung Quốc hay Hiệp ước an ninh giữa Singapore và Thái Lan.
Cùng với xu thế tăng cường hợp tác an ninh song phương giữa các nước khu vực, hợp tác an ninh đa phương khu vực dưới các hình thức diễn đàn đối thoại, đối thoại chính phủ và phi chính phủ, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN + 3, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và những cơ chế đối thoại khác. Các cơ chế hợp tác an ninh đa phương ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều cường quốc về an ninh quốc phòng.
Kiến trúc an ninh khu vực hiện nay khó có thể nói là đã ổn định và có khả năng đối phó được với những vấn đề an ninh bởi vì vẫn còn tiềm ẩn một số thách thức, trong đó phải kể đến sự cọ xát chiến lược ngày càng lớn giữa các cường quốc. Trong một môi trường an ninh chưa rõ ràng và đầy bất trắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đặc biệt là trật tự khu vực còn ở trong giai đoạn quá độ, các nước trong khu vực sẽ phải sử dụng tất cả những công cụ có thể có trong tay mình. Các thỏa thuận an ninh khu vực song phương và đa phương, chính thức và không chính thức, sẽ tiếp tục chi phối các mối quan hệ trong khu vực. Trong tương lai gần từ 10 đến 15 năm tới, rất ít khả năng những thỏa thuận an ninh song phương sẽ nhường chỗ cho một cơ chế an ninh toàn khu vực có khả năng giải quyết các thách thức chiến lược mà các nước trong khu vực đang phải đương đầu. Những thay đổi trong tương lai đó sẽ phụ thuộc nhiều vào chính sách "Trở lại khu vực" của Mỹ và nhân tố Trung Quốc.
Khai Tâm




Mỹ - Trung và sự chuyển dịch quyền lực ở châu Á
Sự chuyển dịch quyền lực hiện nay ở châu Á được thúc đẩy bởi sự nổi lên của Trung Quốc. Phản ứng của Mỹ tuy chậm nhưng mạnh mẽ trước quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể đem lại hệ quả lớn hơn nhiều so với những biến động trong quan hệ giữa các cường quốc trước đây. Trong khi đó, việc ASEAN mời Mỹ và Nga tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á thường niên đã chấm dứt một ảo tưởng từ lâu rằng châu Á có thể tự xây dựng một trật tự khu vực cho riêng mình. Với việc mời Mỹ và Nga, ASEAN đã tuyên bố rằng an ninh châu Á chỉ có thể được xây dựng trong một khuôn khổ rộng lớn hơn.
Lo ngại trước một Trung Quốc đang nổi lên, Đông Á có xu hướng xích lại gần Mỹ. Trên lĩnh vực kinh tế, Đông Á đã chấp nhận vai trò trung tâm của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua cơ chế "ASEAN+3". Khu vực đang tích cực cân nhắc một lựa chọn thay thế là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiện TPP được coi là một khuôn mẫu tương lai bởi các quốc gia như Mỹ, Nhật, Australia, Malaysia và Việt Nam, trong khi Bắc Kinh cho đây là một cơ chế nhằm loại bỏ Trung Quốc trên cơ sở các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về tự do hóa thương mại.
Trên lĩnh vực chính trị, cách đây chỉ vài năm, ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc đều hướng tới vai trò trung lập giữa Washington và Bắc Kinh. Ngày nay, tất cả đều mong muốn củng cố mối quan hệ đồng minh lâu năm với Mỹ. Các quốc gia Đông Nam Á với truyền thống không liên kết cũng đang xích lại gần hơn với Mỹ khi tính tới một tương lai Đông Á dưới cái bóng của Trung Quốc. Về phần mình, Washington sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược mới với những quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Washington cũng đang ủng hộ những quốc gia nhỏ hơn tại châu Á trước sự gia tăng các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Tuy không đứng về phe nào trong tranh chấp nhưng Mỹ nhấn mạnh lợi ích của nước này trong việc giải quyết hòa bình những tranh chấp tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được chấp nhận của luật pháp quốc tế.
Về quân sự, đã có nhiều quan ngại tại châu Á về sức mạnh quân sự của Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và sức ép cắt giảm ngân sách quốc phòng ngày càng gia tăng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vạch ra kế hoạch tái tổ chức lực lượng quân sự toàn cầu nhằm đảm bảo sự hiện diện đáng kể tại châu Á và các vùng biển trong khu vực. Trước việc phải đối đầu với sức mạnh hải quân và khả năng về tên lửa đang gia tăng của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc đã công bố một khái niệm mới với tên gọi Air-sea battle (cuộc chiến hải-không), có thể chống lại nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đẩy hải quân Mỹ xa hơn khỏi vùng biển Châu Á.
Nhất Lam (Theo Indian Express)



Ý kiến
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa: ASEAN đã bàn bạc và quyết định chính thức kết nạp Mỹ và Nga vào Cấp cao Đông Á (EAS) tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17. Trong bối cảnh đó, chúng ta có một cấu trúc khu vực rất độc đáo với ASEAN là trung tâm. Nếu chúng ta quan sát vai trò của ASEAN trong EAS, chúng ta có thể thấy mối quan hệ gần gũi với tất cả 8 đối tác. Điều này được gọi là một sự cân bằng năng động. Điều mà chúng tôi quan tâm hiện nay chính là việc ASEAN phải giữ vai trò chủ đạo.
The Nation (Thái Lan): Nguyện vọng xây dựng một cơ cấu khu vực mở rộng do ASEAN đóng vai trò lãnh đạo đang bị thách thức mạnh mẽ bởi các nước thành viên EAS không thuộc ASEAN. Các nước thành viên EAS không thuộc ASEAN đều đưa ra các đòi hỏi được đối xử bình đẳng và điều này gây lo ngại làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN cũng như đường lối đối ngoại mà tổ chức khu vực này đã áp dụng trong vòng 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, do tất cả các thành viên EAS không thuộc ASEAN đều có nhu cầu giữ một vai trò trong sự định hình cơ cấu khu vực nên sẽ không có thành viên EAS nào chống lại việc ASEAN đóng vai trò động lực thúc đẩy tiến trình này.
Project Syndicate: Ở khắp châu Á, một cấu trúc an ninh mới đang dần được xây dựng. Có thể dự báo ít nhất bốn kịch bản về tình hình an ninh châu Á trong những năm tới. Đầu tiên là sự vươn lên của châu Á với trọng tâm là Trung Quốc. Bắc Kinh theo đuổi chính sách đa cực trên thế giới, nhưng một cực tại châu Á. Ngược lại, Mỹ vẫn theo đuổi chính sách một thế giới đơn cực, nhưng một châu Á đa cực. Kịch bản thứ hai là Mỹ tiếp tục đóng vai trò chỗ dựa an ninh chính của châu Á, dù có hay không viễn cảnh thứ ba: sự nổi lên của một nhóm các quốc gia châu Á với những lợi ích chung cùng hợp tác để bảo đảm châu Á không đơn cực về an ninh. Kịch bản cuối cùng là sự trỗi dậy của một số quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia… sẽ bảo đảm cho một châu Á đa cực.
Kịch bản đầu tiên tạo ra sự ngột ngạt nhất. Kịch bản thứ ba và thứ tư có thể xảy ra ngay cả khi Mỹ vẫn là người bảo đảm chính cho an ninh ở châu Á.
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/12/C65473D43BA39C5A/

38. Châu Phi trỗi dậy

Số 266: Châu Phi trỗi dậy
Ảnh minh họa
LTS: Năm 2011, thế giới chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về chính trị tại châu Phi với làn sóng biểu tình "Mùa Xuân Ảrập" gây náo động khắp nửa phía Bắc của châu lục. Nhưng ít người biết rằng một làn sóng thay đổi khác đang âm thầm lan tỏa, tuy không ồn ào nhưng hứa hẹn sẽ mang lại những biến chuyển tích cực và thực chất hơn cho châu lục này trong tương lai - đó chính là những tiến bộ vượt bậc về kinh tế của nhiều nước châu Phi.

Bức tranh màu xám
Châu Phi là châu lục đứng thứ ba trên thế giới về dân số và diện tích, sau châu Á và Châu Mỹ, với diện tích khoảng 30.244.050 km² (chiếm 20,4% tổng diện tích đất đai của Trái Đất) và 800 triệu dân sinh sống ở 54 quốc gia (chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới). Bị ngăn cách khỏi châu Âu bởi Địa Trung Hải, châu Phi nối liền với châu Á về phía tận cùng đông bắc bằng eo đất Suez (bị cắt ngang bởi kênh đào Suez) có bề rộng 130 km (80 dặm).
Trong một thời gian dài, châu Phi được xem như châu lục của xung đột và đói nghèo. Sau đêm dài nô lệ với vai trò là thuộc địa của thực dân phương Tây, kể từ thập niên 1960 khi phần lớn các nước trong châu lục giành được độc lập, châu Phi những tưởng sẽ bắt đầu một tương lai tươi sáng khi người dân được quyền làm chủ vận mệnh của mình. Nhưng mọi chuyện sau đó dường như không khác thời kỳ thuộc địa là mấy: chiến tranh, xung đột liên miên, hạn hán, đói nghèo, dịch bệnh tràn lan trong khi kinh tế dậm chân tại chỗ. Hầu hết dân châu Phi hiện đang sống dưới mức 2 USD/ngày. Mức sản xuất lương thực bình quân đầu người không hề tăng kể từ những năm 1960 đến nay. Tuổi thọ bình quân của người dân một số nước vẫn thấp dưới 50. Tài nguyên thiên nhiên suy giảm, môi trường khí hậu đang rơi vào tình trạng tồi tệ khi nạn phá rừng và hoang mạc hóa diễn ra hết sức trầm trọng. Màu xám dường như vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh kinh tế - xã hội châu Phi.
Kịch bản lạc quan
Nhưng điều đó có vẻ như đang dần đi vào dĩ vãng: ngày 20/10/2011 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Châu Phi đã cho công bố một bản báo cáo đầy ấn tượng về triển vọng phát triển kinh tế của châu lục này: Trong một kịch bản lạc quan nhất, GDP toàn châu lục sẽ tăng đến 900%, lên mức 15.000 tỷ USD vào năm 2060 - đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày châu Phi giành được độc lập. Thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng gấp ba trong vòng 50 năm tới: Từ mức 1.667 USD năm 2010 lên đến khoảng 5.600 USD vào năm 2060, tương đương mức thu nhập của người dân vùng Đông Nam Á hiện nay. Theo bản Báo cáo này, đến năm 2060, "hầu hết các nước châu Phi sẽ đạt được mức thu nhập trung bình cao, nạn đói nghèo sẽ bị xóa sổ".
Dự báo trên được minh chứng hùng hồn bằng những số liệu đáng khích lệ về tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực: Trong vòng một thập kỷ qua, 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Phi. Tăng trưởng toàn châu lục đạt 5,5%/năm so với 1,5% ở các nước phát triển và 1% ở châu Âu, giúp GDP toàn châu lục vượt qua mức 1.600 tỷ USD. Hoạt động kinh tế của châu lục đã chứng minh được năng lực kháng cự tốt trước các cú sốc: Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua, trong khi tăng trưởng năm 2009 ở Mỹ giảm 2,4% và ở châu Âu giảm 4%, Châu Phi vẫn giữ được mức tăng 2% dù luồng tài chính đổ vào đây giảm từ 53 tỷ USD xuống còn 22 tỷ USD. Sự phục hồi được khẳng định trong các năm 2010 và 2011 khi tốc độ tăng trưởng của lục địa đen đạt 6% và dự báo sẽ tiếp tục tốc độ trên vào năm 2012, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng của Châu Á.
Lý do khởi sắc
Lý giải cho sự khởi sắc ấn tượng trên của kinh tế châu Phi, có thể đưa ra một số lý do sau:
Thứ nhất, những tiến bộ về chính trị đã góp phần đảm bảo cho kinh tế châu lục phát triển ổn định. Tuy vẫn còn xung đột, song hòa bình đã trở lại với nhiều nước bị tàn phá sau hàng thập kỷ đối đầu như Angola, Mozambique, Rwanda, Sierra Leon. Bầu cử tự do và đa nguyên mở rộng giúp tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng chính trị như ở Kenya. Tại Bờ Biển Ngà, Tổng thống Alassane Ouattara xác định mục tiêu là hòa giải dân tộc và tái thiết nền kinh tế hàng đầu ở Tây Phi bị điêu đứng sau 10 năm nội chiến. Người dân tại nhiều quốc gia cuối cùng cũng đã được hưởng bầu không khí hòa bình, được thực thi các quyền dân chủ cơ bản và được tự mình định đoạt vận mệnh của đất nước thông qua lá phiếu cử tri. Nhiều quốc gia đã dần được điều hành bởi các chính phủ dân chủ, có năng lực, qua đó có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, một số điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế của châu Phi đang được phát triển đúng hướng: Châu lục này có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chỉ tính về tài nguyên năng lượng, Châu Phi nắm giữ tới 30% tiềm năng thủy điện của thế giới cũng như nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió vô tận. Trước nhu cầu của dân số với 7 tỷ người có mức tiêu thụ thực phẩm gia tăng, châu Phi chiếm tới 80% trữ lượng đất nông nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành "trang trại của thế giới" trong tương lai. Châu Phi cũng có một tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng: Theo Ngân hàng Standard, Châu Phi hiện có khoảng 60 triệu người có thu nhập trung bình 3.000 USD một năm và dự báo đến năm 2015 số người này sẽ tăng lên đến 100 triệu. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, yếu tố trên sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong khu vực.
Thứ ba, châu Phi đang dần hình thành được một hệ thống đầu tàu kinh tế giúp kéo nền kinh tế cả khu vực đi lên. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tư bản toàn cầu được tái cơ cấu xung quanh các cực ngoại vi trong khi các nước trỗi dậy thu hút được nhiều sự chú ý. Châu Phi hiện có Nam Phi và Nigeria - hai nước đông dân và có tiềm lực kinh tế khá mạnh, có khả năng dẫn dắt kinh tế khu vực đi lên; tiếp sau đó, một loạt quốc gia được mệnh danh là "sư tử châu Phi" như: Algeria, Boswana, Ai Cập, Mauritius, Libya, Morocco, Tunisia đã đạt mức thu nhập tính theo đầu người 10.000 USD, cao hơn cả mức của nhóm BRIC (8.800 USD), cũng đang vững bước tiến vào quá trình toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, với việc hàng rào thuế quan giữa các nước đang được dỡ bỏ, thương mại xuyên biên giới giữa các quốc gia nội khối đang có chiều hướng phát triển tốt sau nhiều năm bị gián đoạn bởi xung đột chính trị, tạo điều kiện để các quốc gia trong khu vực tự lực cánh sinh giúp đỡ nhau thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ tư, do nguồn đầu tư từ nước ngoài: Thời gian qua, một trong những quốc gia hăng hái đầu tư vào châu Phi nhất là Trung Quốc. Khách quan nhìn nhận, việc nước này thâm nhập vào Châu Phi đã góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy ngành sản xuất chế tạo ở đây phát triển. Các nước ngoài phương Tây khác như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Ấn Độ cũng đang theo bước Trung Quốc tiến vào châu lục đầy tiềm năng này. Với sự tham gia của các quốc gia này, châu Phi có thể trở thành trung tâm của ngành sản xuất công nghiệp nhẹ và dịch vụ của thế giới trong tương lai. Theo thống kê, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào châu lục đã tăng khoảng 10 lần trong 10 năm qua và dự báo dòng vốn quốc tế chảy vào châu Phi có thể sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2020, một con số rất đáng khích lệ.
Và cuối cùng, một số điều kiện kinh tế - xã hội đang dần được cải thiện: Sức khỏe của nhiều triệu người châu Phi đang có những bước tiến rõ rệt, một phần nhờ vào việc các nước đã triển khai mạnh mẽ chiến dịch phân phát màn chống muỗi cho dân chúng cũng như việc ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS; năng suất làm việc của người dân đang tăng tiến với tốc độ 3%/năm, ở châu Mỹ, tốc độ này ở mức 2,3%. Xu hướng phát triển dân số của châu Phi cũng đóng góp vào công cuộc phát triển của châu lục này. Trong thời gian qua, một số lượng lớn thanh niên được giáo dục đầy đủ hơn, thông minh hơn đã bước chân vào thị trường lao động, hứa hẹn sẽ giúp sức sản xuất của châu lục tăng vọt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh bắt đầu giảm góp phần giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế. Dự báo dân số châu Phi sẽ tăng từ 860 triệu lên 1,8 tỷ người từ nay đến năm 2050, với lực lượng lao động hùng hậu, cơ cấu dân số với tỷ lệ người trong tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc, châu Phi đang có những yếu tố vô cùng thuận lợi để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Với những lý do trên, chúng ta có cơ sở để tin rằng trong thời gian tới, nền kinh tế châu lục này sẽ cất cánh, tất nhiên là với điều kiện các nước trong châu lục cùng quyết tâm phấn đấu vì một tương lai tươi sáng hơn.
Những căn bệnh trầm kha
Nhưng tương lai của châu Phi không chỉ có toàn ưu điểm, những biến đổi khó lường của tình hình quốc tế và khu vực cộng với hàng loạt căn bệnh trầm kha đã ăn sâu cắm rễ vào xã hội châu Phi chắc chắn sẽ đặt ra nhiều vấn đề lớn phải giải quyết: Những hệ quả không mong đợi của các cuộc cách mạng ở Bắc Phi thời gian qua; khủng bố triền miên hoành hành ở khu vực Sahel; các mạng lưới tội phạm, buôn lậu và cướp biển phát triển mạnh ở các vùng lãnh thổ nằm ngoài tầm kiểm soát của các chế độ đã sụp đổ, từ Somalia đến một số vùng khác ở miền Đông châu Phi; xung đột sắc tộc, biên giới; bất bình đẳng xã hội, khoảng cách phát triển giữa các vùng trong nước và giữa các nước trong khu vực với nhau còn rất lớn. Nhiều chính phủ ở châu Phi hiện vẫn còn yếu kém và tham nhũng. Quá trình chuyển đổi kinh tế ở châu Phi mới chỉ ở bước đầu và chưa vững chắc…
Hàng loạt vấn đề trên chắc chắn không thể được giải quyết chỉ trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó, quốc tế cũng cần có những biện pháp hữu hiệu hơn để giúp kinh tế châu Phi tiến bước: Các nước phương Tây nên mở rộng giao thương với châu Phi hơn là chỉ cung cấp các nguồn viện trợ cho châu lục này. Việc Mỹ thông qua Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng Châu Phi được cho là một bước khởi đầu tốt khi giúp hạ thấp hàng rào thuế quan của Mỹ đánh vào nhiều mặt hàng đến từ các nước châu Phi tuy nhiên, mô hình trên vẫn còn là cá biệt và cần được nhân rộng ra nhiều nước khác nữa.
Dù còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về quá trình phát triển của châu Phi nhưng trong bối cảnh bức tranh kinh tế thế giới đang ảm đạm, những tiến bộ của Châu Phi thời gian qua là một điểm sáng đáng khích lệ và cho ta hy vọng về một phép màu kỳ diệu có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt châu Phi, biến Lục địa đen trở thành lục địa phồn vinh trong một tương lai không xa.
Trung Nguyên

Cuộc đua song mã tại châu Phi
Với thị trường đầy tiềm năng và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, châu Phi đang trở thành điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư lớn và nơi đây có xu hướng trở thành điểm cạnh tranh nóng bỏng giữa phương Tây và Trung Quốc.
Trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, Châu Phi từng là “chiến trường” giữa Liên Xô và Mỹ. Sau sự tan rã của Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây đã hoàn toàn khôi phục lại vị trí của họ ở Châu Phi. Nhưng hiện nay Trung Quốc đã trở thành một thách thức đối với họ.
Ngoài việc nâng cao hình ảnh, vai trò chính trị của mình tại châu Phi như tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Bờ biển Ngà, Liberia hay Sudan thì trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang ngày càng có vị trí quan trọng ở châu lục này.
Từ năm 2009, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành đối tác buôn bán lớn nhất của châu Phi. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi năm 2009 đạt 79,8 tỷ USD trong khi kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ-châu Phi đạt 78,9 tỷ USD. Các công ty của Mỹ đang mất dần lợi thế của mình khi trong năm vừa rồi, các công ty của Trung Quốc chiếm tới 40% các hợp đồng được ký kết với châu Phi, trong khi các công ty của Mỹ chỉ chiếm có 2%.
Các phương tiện truyền thông phương Tây gọi chính sách mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi là chủ nghĩa thực dân mới, nêu rõ rằng Trung Quốc đang muốn biến Châu Phi thành thuộc địa. Tuy nhiên, họ không thể không thừa nhận mình ở vào thế yếu, rằng Trung Quốc đang được hoan nghênh hơn tại lục địa đen. Rõ ràng đặc thù chính sách thâm nhập của Trung Quốc khiến các nước ở châu lục này “yên tâm” hơn. Bởi Trung Quốc không quan tâm đến chế độ chính trị mà họ hợp tác, không cần đưa (ít ra là hiện nay) một chính phủ thân Trung Quốc lên cầm quyền; và thứ hai, khác với các công ty phương Tây chủ yếu tập trung khai thác nguồn tài nguyên, Trung Quốc thực hiện các dự án lớn và có tính định hướng lâu dài. Năm 2006 tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã xóa hầu hết các khoản nợ cho các nước châu Phi. Năm 2007, Trung Quốc vận dụng kinh nghiệm xây dựng thành công “các đặc khu kinh tế tự do” sang Châu Phi. Năm 2009, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi ở tại Sharm el-Sheikh, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết Trung Quốc sẽ chi 10 tỷ USD cho các dự án chung… Trung Quốc còn hứa cung cấp thiết bị y tế, xây dựng trường học, đào tạo sinh viên châu Phi, …
Mô hình phát triển của Trung Quốc cũng được “ưu chuộng” hơn. Trung Quốc đang mời chào các nhà lãnh đạo châu Phi mô hình phát triển của mình dựa trên sự tăng trưởng có sự chỉ đạo của Nhà nước, quản lý chặt chẽ về chính trị - một mô hình đối trọng với mô hình phát triển mà Mỹ muốn xây dựng tại đây. Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe thậm chí còn ca ngợi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, là "đất nước bạn có thể thành công mà không cần phải đi theo mô hình phương Tây". Còn Ethiopia, nước từ năm 2007 tới nay nhận được hơn 4 tỷ USD viện trợ của Mỹ, cũng quay sang ca ngợi sự tăng trưởng của Trung Quốc.
Thêm vào đó, Bắc Kinh còn tích cực đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật-quân sự với các nước Châu Phi: vũ khí của Trung Quốc có giá rẻ hơn, điều kiện thanh toán linh hoạt, kèm theo các khoản vay và giảm giá. Phương thức phổ biến là nguyên liệu đổi lấy vũ khí. Sudan mua xe tăng T96 và các loại xe bọc thép; Algeria, Sudan và Ai Cập mua pháo tự hành 155 mm; Ghana và Nigeria mua máy bay…
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã gây dựng cho mình được một chỗ đứng khá vững chắc tại lục địa đen, thì khu vực với những bất ổn về chính trị với xung đột, bạo loạn chưa có hồi kết, tương lai vẫn chưa thể nói trước. Thêm vào đó là các vấn đề về chất lượng lao động và sự cạnh tranh với các cường quốc khác. Đấy là chưa kể tình trạng bạo lực phe phái, đảo chính quân sự hay nạn tham nhũng chưa có lời giải. Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và phuơng Tây tại châu Phi còn kéo dài. Cả hai bên có thể đổ những lượng tiền khổng lồ vào châu lục này, nhưng kết quả cuối cùng như thế nào sẽ được quyết định ở chính châu Phi chứ không phải từ bất kỳ đối tác nào bên ngoài.
Phương Nguyên



Châu Phi vươn lên trong nghịch cảnh
Xã hội bất ổn, nhiều nguyên thủ quốc gia bị lật đổ, thiên tai hạn hán nghiêm trọng chưa từng có trong 60 năm qua khiến 12 người lâm vào cảnh thiếu ăn... Mặc dù phải đối mặt với những thách thức to lớn như vậy trong năm qua, nhưng theo báo cáo “Tình hình phát triển kinh tế châu Phi năm 2011” do Cộng đồng kinh tế Châu Phi (CEA) và Hội đồng liên minh châu Phi (CUA) cùng phối hợp công bố cuối tháng 11/2011, lục địa đen vẫn đạt tỉ lệ tăng trưởng 5%, cao hơn mức 4,7% của năm 2010. Bên cạnh những nhân tố bất lợi, năm 2011 cũng có nhiều nhân tố có lợi làm kinh tế châu Phi vươn lên trong nghịch cảnh.
Trước tiên là tiến trình nhất thể hóa kinh tế toàn châu Phi có bước tiến to lớn, nhất là việc thống nhất ba tổ chức kinh tế có uy tín và tiềm năng ở châu Phi là Thị trường chung Đông-Nam châu Phi, Thị trường chung Đông châu Phi và Thị trường chung Nam châu Phi. Ba tổ chức này, gồm 26 nước thành viên với dân số hơn 700 triệu, chiếm 57% tổng dân số châu Phi, GDP trên 625 tỉ USD, chiếm 58% tổng GDP châu Phi, đã thỏa thuận đẩy nhanh tốc độ nhất thể hóa kinh tế châu Phi. Đây là nhân tố thúc đẩy buôn bán nội khối tăng lên bù đắp tổn thất do thị trường thế giới bị suy giảm, đẩy tỉ lệ buôn bán nội khối cao hơn 10%.
Trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, Diễn đàn kinh tế châu Phi cũng đã đưa ra gói giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn châu lục, nhấn mạnh đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, mở rộng hơn nữa các kênh trao đổi buôn bán với các nước, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á, Mỹ La tinh. Hiện nay tỉ lệ kim ngạch buôn bán với các nước châu Á chiếm tới 38,5% tổng kim ngạch của châu Phi.
Một nhân tố rất đáng lưu ý là nhân tài ở nước ngoài đang trở về làm việc ngày càng nhiều, trong khi đó đầu tư nước ngoài vào châu Phi tăng lên. Năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới giảm 20%, nhưng FDI đầu tư vào châu Phi tăng 16%, đạt 62 tỉ USD. FDI làm cho tiến trình đô thị hóa ở châu Phi được đẩy nhanh và là nhân tố thúc đẩy GDP tăng trưởng trong năm 2011.
Tuy nhiên, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, triển vọng năm 2012 của châu Phi có phần kém “sáng” hơn 2011, với dự kiến mức tăng trưởng GDP bình quân của các nước châu Phi đạt 4,7%.
Thu Cúc



Ý kiến
Thế giới đã quen nhìn về châu Phi với nạn đói và xung đột liên miên đến mức không thấy những biến đổi to lớn đã diễn ra ở châu lục này. Các số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB) khẳng định sau 50 năm độc lập thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, châu Phi đã phát triển với tốc độ chưa từng thấy và đang tiến tới tăng trưởng phổ quát hơn. Giáo sư Calestous Juma của Trường Đại học Harvard (Mỹ) thừa nhận tầng lớp trung lưu tăng nhanh đang làm thay đổi nhận thức về triển vọng của châu Phi. Tuy nhiên, trọng tâm xóa đói nghèo đã làm các chính phủ châu Phi cũng như các nước tài trợ không xem xét nghiêm túc những biện pháp thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của sự thịnh vượng như giáo dục công nghệ, thúc đẩy kinh doanh buôn bán. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vẫn là nhân tố then chốt để giúp những người nghèo nhất trong xã hội châu Phi. Tạp chí Tài chính và Phát triển (F&D) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Được khích lệ bởi cách nhà đầu tư đầy háo hức, các chính phủ châu Phi đã bãi bỏ các ngành nghề yếu kém và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng… Nhiều chuyên gia tin rằng châu Phi có khả năng tiến gần đến việc trở thành một Ấn Độ tiếp theo, nước mà nhờ vào đô thị hóa mạnh mẽ và sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ và cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi tiểu lục địa Nam Á 15 năm trước. Ở châu Phi có sự tăng trưởng nhanh chóng của các thành phố lớn. Lục địa này tự hào có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới, thông qua phát triển công nghiệp và kinh tế. Hiện 1/3 cư dân châu Phi sống tại các đô thị, chiếm 80% tổng số GDP. Trong 30 năm tới, sẽ có một nửa số cư dân của lục địa này sống ở các đô thị lớn. Newsweek
Tổng GDP của Lục địa đen hiện nay mới chỉ tương đương Brazil và Nga, hơn một chút Ấn Độ. Trong nhóm “11 quốc gia kế cận” bao gồm các thị trường mới nổi với viễn cảnh hứa hẹn chỉ sau nhóm BRIC, có hai nước châu Phi là Ai Cập và Nigeria. Nếu xét tới tiềm năng của 11 nền kinh tế lớn nhất châu Phi trong vòng 40 năm tới, GDP của toàn châu Phi sẽ lên tới mức 13.000 tỷ USD trước năm 2050, khiến nền kinh tế lục địa này vượt qua Brazil và Nga dù vẫn còn kém Ấn Độ và Trung Quốc… Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia Châu Phi vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết như: sự ổn định của chính phủ, tăng cường pháp trị, cải thiện giáo dục cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với điện thoại di động và internet và có lẽ quan trọng nhất là bài trừ nạn tham nhũng. The Economist
http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2012/1/C79D2C7E971E54C1/