Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

8. Cộng đồng các quốc gia độc lập: những dự báo về xu thế phát triển

21:9' 8/3/2012
TCCS - Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi Liên Xô giải thể và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ra đời (12-1991 - 12-2011). Trong quãng thời gian này, các thành viên SNG đã trải qua những thăng, trầm nào; sự tác động nào; mối liên kết trong cộng đồng ra sao, và tương lai của tổ chức này sẽ thế nào trong một thế giới đầy biến động...? Đó là những vấn đề rất được quan tâm. 


SNG - những đường nét cơ bản của các quốc gia thành viên

Trong số các thành viên của SNG, Nga được xem là thành viên quan trọng nhất. Chính vì vậy, tình hình nước Nga hiện nay cũng như chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian tới sẽ đóng vai trò then chốt đối với tương lai của SNG. 

Về chính trị - xã hội, sau một thập niên khủng hoảng khá trầm trọng, bước vào thế kỷ XXI, nước Nga đã dần lập lại được sự ổn định chính trị. Trật tự hiến pháp và không gian pháp lý chung đã được phục hồi và củng cố. Dưới sự điều hành của cựu Tổng thống V.Pu-tin, và hiện nay là Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, Nhà nước Nga đã có những sửa đổi căn bản về bộ máy quản lý, tập trung nhiều quyền lực hơn cho chính quyền trung ương, đồng thời nhiều chức năng quản lý kinh tế - xã hội được chuyển giao cho các vùng và địa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V.Pu-tin (2000 - 2008), nền kinh tế Nga có được sự phục hồi ngoạn mục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách xã hội tích cực (như xây dựng, củng cố kết cấu hạ tầng, tăng lương cho người lao động và lương hưu...), từng bước cải thiện rõ rệt đời sống cho người lao động. Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp chủ chốt của Đức ở Mát-xcơ-va ngày 16-11-2011, Thủ tướng Nga V.Pu-tin tuyên bố, Nga sẵn sàng dành sự hỗ trợ thiết thực cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trước hết thông qua cơ chế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cùng với những kết quả trên, nước Nga trong những năm tới vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, như tỷ lệ nghèo khổ, nguồn gốc gây căng thẳng, bất ổn xã hội; nạn quan liêu, tham nhũng; tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan... Năm 2010 có 14,9% dân số Nga sống dưới mức nghèo khổ, cao hơn năm 2009 (13,5%)(1). An ninh xã hội chưa được bảo đảm, sự chia rẽ, nhất là thái độ thờ ơ của công chúng với chính trị khiến đa số các chính đảng và phong trào chính trị ở Nga thiếu cơ sở xã hội sâu rộng, vững chắc. Nền kinh tế Nga bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sức mạnh kinh tế giảm sút đáng kể. 

Trong đối ngoại, điều nhận thấy rõ nhất là nước Nga đã giành lại vị thế là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, ngày càng mở rộng ảnh hưởng, sự hiện diện tại các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, so với Liên Xô trước đây, sức lan tỏa của văn hóa và ảnh hưởng chính trị - “sức mạnh mềm” của Nga, hạn chế hơn nhiều. 

Với những nét lớn trên, có thể dự báo, trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của Nga sẽ tiến triển theo chiều hướng tích cực hơn, nước Nga sẽ mạnh hơn, quyết đoán hơn trên trường quốc tế, vai trò của Nga trong SNG sẽ hiệu quả hơn.

Các nước thành viên nằm ở khu vực Trung Á , gồm năm nước: U-dơ-bê-ki-xtan, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, Tát-gi-ki-xtan, là nhóm nước có vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược vô cùng quan trọng, được coi là khu vực trung tâm của “hòn đảo thế giới”. Kể từ khi trở thành các quốc gia độc lập, các nước Trung Á này vẫn gặp phải những khó khăn về nhiều mặt, đồng thời là một trong những “địa điểm” khá phức tạp trên thế giới. Các thế lực như các tổ chức Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa khủng bố quốc tế luôn là những mối đe dọa đối với tình hình an ninh khu vực. Trong khi đó, khả năng liên kết giữa các nước này còn rất yếu và đây vẫn là những nước nghèo. Triển vọng phát triển của 5 nước Trung Á này được dự báo sẽ khả quan hơn trong những năm tới và họ sẽ liên kết chặt chẽ hơn với cả Nga và Trung Quốc.

Các nước khu vực ngoại Cap-ca-dơ, gồm 3 nước: A-déc-bai-gian, Ác-mê-ni-a và Gru-di-a (trong đó, Gru-di-a đã chính thức rút khỏi SNG ngày 18-8-2009). A-déc-bai-gian là nước khá phát triển, có tiềm năng do sở hữu nguồn dầu mỏ dồi dào. Có thể dự báo A-déc-bai-gian tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá, dù không bằng 10 năm qua. Ác-mê-ni-a là quốc gia nhỏ, nhưng có tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2003, Ác-mê-ni-a đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vấn đề hiện tại của hai nước này chính là những xung đột về lãnh thổ và tác động từ những căng thẳng trong quan hệ Nga - Gru-di-a, nhất là khi Gru-di-a rút khỏi SNG. Thêm vào đó, tình hình chính trị nội bộ còn nhiều tồn tại, như nạn tham nhũng, tình hình tôn giáo phức tạp, dân số sụt giảm,...
  U-crai-na, Bê-la-rút và Môn-đô-va là ba nước có lãnh thổ thuộc về châu Âu. U-crai-na là một nước lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh thứ hai trong SNG, chỉ đứng sau Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế này đã bị suy thoái nghiêm trọng trong thập niên 90 của thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI, kinh tế U-crai-na dần hồi phục, nhưng gần đây lại chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, nên vẫn còn nhiều khó khăn không dễ vượt qua. Mối quan hệ chính trị của U-crai-na với Nga, ngay cả dưới thời Tổng thống V.I-a-nu-cô-vích, cũng chưa thật sự tốt đẹp. Mới đây, ngày 18-10-2011, việc U-crai-na đã cùng các nước SNG ký Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do cho thấy, nhiều khả năng nước này sẽ đẩy mạnh liên kết hơn với SNG. Bê-la-rút là một quốc gia có vị thế địa - chính trị khá quan trọng, nối Nga với Tây Âu. Quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định trong nhiều năm, đời sống của người dân nhìn chung được bảo đảm. Về chính trị, đa số người dân Bê-la-rút ủng hộ mô hình phát triển “chủ nghĩa xã hội thị trường” do Tổng thống A.Lu-ca-sen-cô đưa ra và tình hình của Bê-la-rút không bất ổn như nhiều nước SNG khác. Có thể thấy, về cơ bản, tình hình Bê-la-rút trong thập niên tới sẽ không có nhiều biến động với xu hướng gia tăng quan hệ với Nga và các nước SNG, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng phía tây bắc, như Lát-vi-a, Lít-va. 

Môn-đô-va là một nước nhỏ và là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Quốc gia này đang phải gánh chịu những ảnh hưởng khá nặng nề từ những vấn đề do lịch sử để lại, đứng giữa một bên là Nga và một bên là EU, NATO. Do vậy, khó có thể đoán định đường hướng phát triển kinh tế và chính trị của Môn-đô-va trong thập niên tới.

Sự vận động và tác động của các nhân tố bên ngoài SNG

Trong điều kiện hiện nay, hầu như mọi sự phát triển hay biến động của thế giới bên ngoài đều tác động trực tiếp đến SNG nói chung, từng nước thành viên SNG nói riêng. Tuy nhiên, Mỹ và các chủ thể trên đại lục địa Âu - Á là những nhân tố bên ngoài tác động mạnh nhất đến đường hướng vận động của khối liên kết này. 

Nếu như trong những năm đầu của thập niên đầu thế kỷ XXI, bất chấp “sự kiện ngày 11-9-2001”, Mỹ vẫn là siêu cường số 1, thể hiện được sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, thì vài năm trở lại đây, người ta lại nói nhiều đến sự sụp đổ (hoặc nguy cơ hiện thực của sự sụp đổ) của “đế chế Mỹ” bởi cường quốc này đang đối mặt với nợ công, thâm hụt ngân sách, chênh lệch giàu - nghèo… là những vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Trong khi đó, trên thế giới đang cho thấy sự xuất hiện của các trung tâm quyền lực khác, như Trung Quốc, EU, Nga, Ấn Độ... Trong bối cảnh đó, Mỹ tuy vẫn có thế mạnh kinh tế, sức mạnh quốc gia tổng hợp vượt trội hơn các cường quốc khác nên vẫn sẽ duy trì được địa vị chi phối trong nhiều năm nữa không chỉ trên lĩnh vực quân sự, nhưng sẽ không thể chiếm vị trí áp đảo trong các vấn đề của thế giới như hai thập niên qua, và chính sách đối ngoại của Mỹ có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng mềm hơn, bớt đơn phương hơn.

Nhìn vào lịch sử ra đời và phát triển của EU và NATO, có thể nhận thấy, hai tổ chức có sự liên kết mạnh nhất cả về kinh tế - thương mại và quốc phòng - an ninh này có một quá trình liên kết theo chiều đi lên cả về lượng và chất. Tuy nhiên, hiện nay, sự liên kết về kinh tế của EU đang bị đe dọa bởi làn sóng khủng hoảng nợ công ở nhiều nước thành viên. Với NATO, liên minh quân sự - quốc phòng này có lẽ sẽ còn tiếp tục củng cố và mở rộng số thành viên cũng như gia tăng ảnh hưởng quốc tế hơn nữa trong những năm tới. 

Thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc trong mấy thập niên qua đã khiến nhiều nhà quan sát đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng phát triển của nước này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã lần lượt “qua mặt” những cường quốc kinh tế (Pháp, Anh, I-ta-li-a, Đức) để đến năm 2010 vượt cả Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc chưa đạt được các tiêu chuẩn của khái niệm “phát triển bền vững”, vẫn đang đối mặt với những khó khăn, hạn chế lớn trong việc thực hiện mục tiêu “phát triển khoa học”. Trong quan hệ với Nga và các nước SNG, nhất là các nước trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc đã thu được nhiều lợi ích trong thập niên qua. Vì vậy, có thể dự báo, Trung Quốc sẽ tìm cách để gia tăng các mối quan hệ hợp tác với SCO, nhất là với Nga.

Về SCO, một mặt, dường như SCO là một hình thức liên kết mở rộng của SNG; mặt khác, là một kiểu liên kết nằm ngoài SNG. Một số nhà nghiên cứu dự báo rằng, trong tương lai, SCO có thể mở rộng phạm vi hợp tác hơn nữa. Hiện nay, SCO tỏ ra thành công hơn SNG trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết không những giữa các thành viên chính thức mà cả với các nước quan sát viên. 

Mặc dù cách khá xa về địa lý, nhưng hiện tại, ASEAN đang thu hút sự quan tâm của SNG bởi những tiến triển trong quá trình hợp tác, liên kết của tổ chức này. ASEAN là một ví dụ thành công của tổ chức khu vực, lấy mục tiêu xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác làm chất keo gắn kết các nước thành viên. Thành công của ASEAN là một gợi ý rất đáng tham khảo cho lien kết SNG.

Khả năng nào cho SNG trong thập niên tới?

Căn cứ vào xu hướng vận động của các nhân tố nêu trên, có thể đưa ra ba khả năng đối với tương lai của tổ chức này như sau: 

Khả năng thứ nhất, SNG không còn lý do để tồn tại.

Khả năng này có thể xảy ra nếu xuất hiện những yếu tố sau:

Một là, các nước thành viên nhận thấy rằng, SNG không mang lại lợi ích đáng kể, trong khi đó, những tổ chức liên kết khu vực như EU, NATO, kể cả SCO tỏ ra hấp dẫn hơn. Cho dù EU hiện đang rơi vào khủng hoảng nợ công, nhưng theo giới quan sát, EU rồi sẽ vượt qua khủng hoảng và trong tương lai sự liên kết nội khối sẽ chặt chẽ hơn. Còn SCO, tuy ra đời muộn hơn, nhưng đã và có thể mang lại những lợi ích lớn hơn cho các nước thành viên trong tương lai. Chính vì vậy, nhiều nước thành viên SNG sẽ muốn tách khỏi SNG để đàm phán gia nhập EU, NATO, hoặc những nước đang là thành viên của SNG và SCO không muốn cả SNG và SCO cùng song song tồn tại nên muốn giải thể SNG.

Hai là, do vẫn muốn kiềm chế một nước Nga quá mạnh, nên bản thân các tổ chức EU, NATO cũng muốn chia rẽ SNG, thậm chí muốn SNG tan rã như Liên Xô (cho dù SNG không phải là Liên Xô). Điều mà các nước phương Tây lo ngại là một khi Nga đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy SNG phát triển thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, hiệu quả, thì sẽ đồng thời làm trỗi dậy cái họ cho là “tham vọng đế quốc” của nước Nga, mà điều này đe dọa trực tiếp tới lợi ích của họ. Chính vì vậy, EU, NATO sẽ có những động thái lôi kéo một cách quyết liệt hơn các thành viên của SNG về phía mình. Nếu như Gru-di-a đã ra khỏi SNG, và trong trường hợp EU, NATO lại thành công trong việc kết nạp Gru-di-a và cả U-crai-na vào hai tổ chức này, thì không loại trừ khả năng các nước SNG còn lại (trừ nước Nga) cũng sẽ đi theo hướng đó. Như vậy, SNG giải thể là điều khó tránh khỏi.

Ba là, nước Nga - với tư cách là nước lớn nhất, mạnh nhất trong SNG - hoặc không thể, hoặc không muốn tiếp tục duy trì SNG. Tình huống này có thể xảy ra nếu Nga có những biến động chính trị, kinh tế - xã hội rất lớn, dẫn đến hậu quả nước Nga suy yếu đến mức không kiểm soát được tình hình nội bộ của mình, hoặc, nếu nước Nga không suy yếu, thậm chí mạnh lên rất nhiều, nhưng lại không có những chính sách hợp lý để thúc đẩy liên kết SNG, thì tâm lý e ngại về sự tái xuất hiện một nước Nga Sa hoàng trong lịch sử sẽ bị nhiều nước thành viên SNG, EU và NATO đẩy lên cao. Khi đó, một nước Nga hùng mạnh, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, có thể sẽ tập trung vào SCO, vì hợp tác trong SCO mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nga. Nhưng cùng với đó, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thậm chí cực đoan ở cả Nga và các nước SNG cũng sẽ gia tăng, tác động rất tiêu cực đến các nước SNG. Hệ quả chung là SNG sẽ bị giải thể, kéo theo đó là tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước vốn là thành viên của SNG nói chung, giữa Nga và một số nước SNG nói riêng. Sự giải thể SNG trong bối cảnh như vậy là một kịch bản rất xấu, vì thế có lẽ khó có thể xảy ra.

Khả năng thứ hai, về cơ bản, SNG vẫn duy trì tình trạng như hiện nay.

Đây là một kịch bản có thể xảy ra bởi các nguyên nhân sau. 

Thứ nhất, SNG sau 20 năm tồn tại tuy vẫn bị đánh giá là một tổ chức “hữu danh vô thực”, chưa đưa lại lợi ích đáng kể, nhưng đây vẫn là một diễn đàn để hằng năm các vị nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng chính phủ... gặp gỡ, trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. SNG dường như chẳng gây hại cho ai, vì thế cứ nên duy trì như một “câu lạc bộ” tự nguyện.

Thứ hai, trên thực tế cả Nga và các nước thành viên SNG khác đều lo ngại sự giải thể của SNG sẽ để lại những hệ quả tiêu cực về chính trị, nhất là về an ninh. Sau 20 năm tồn tại, SNG dù sao cũng đã tạo dựng được những sự gắn kết, nhất là góp phần bảo vệ an ninh cho các nước thành viên.

Thứ ba, vẫn còn đó những khúc mắc, những bất đồng, lo ngại cả từ nước Nga và từ các nước SNG khác về những vấn đề kinh tế và chính trị - an ninh của SNG. Vì vậy, dù không có ý định giải thể SNG, nhưng các nước thành viên SNG cũng không mặn mà với việc thúc đẩy hợp tác, liên kết SNG lên tầm cao mới.

Thứ tư, SNG sẽ không có những tiến triển đáng kể, nếu nước Nga, vẫn như 20 năm qua, chưa thực sự có những chính sách hiệu quả, thiết thực để đưa những tuyên bố, tuyên ngôn của nước Nga và của SNG đi vào thực tế nhằm nâng liên kết SNG lên tầm cao mới về chất.

Khả năng thứ ba, mức độ liên kết, hợp tác của SNG chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Đây là kịch bản được mong đợi nhất của SNG. Tuy nhiên, để SNG vận động theo kịch bản này, cần có những điều kiện nhất định. Chẳng hạn:

Xuất hiện một nguy cơ quân sự - an ninh chung đối với SNG, mà tương quan lực lượng bất lợi cho Nga và các nước SNG khi họ đứng riêng rẽ. Khi đó, các nước SNG sẽ phải nỗ lực hợp tác, liên kết với nhau để đối phó thành công với những nguy cơ chung. 

Sự thành công ngoạn mục của EU, NATO và ASEAN. Nếu nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công, EU sẽ trở thành một tổ chức hùng mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Còn NATO sẽ chứng tỏ được vai trò bảo đảm an ninh cho các nước thành viên, vị thế quốc tế ngày càng được gia tăng. Nếu EU và NATO đạt được một tương lai như vậy, và thi hành chính sách xa lánh các nước thành viên SNG, lúc đó, các nước SNG sẽ phải thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nhằm tạo thế đối trọng với EU và NATO, đồng thời tránh để các nước thành viên bị lôi kéo sang hai tổ chức này. Với ASEAN, nếu Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột ra đời vào năm 2015 đúng như dự định, thì điều này cũng sẽ tác động rất tích cực đến quá trình liên kết SNG.

Diễn biến trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2012. Đây là sự kiện ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều khả năng SNG có sự thay đổi về chất. Điều này được thể hiện rõ nét trong phát biểu của Thủ tướng V.Pu-tin được đăng tải trên tờ Tin tức (Nga) ngày 4-10-2011 về ý tưởng thành lập “Liên minh Âu - Á” - một liên minh tự nguyện của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây: “Chúng ta sẽ không dừng lại ở đây và đang đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng - đạt được mức hòa nhập thậm chí còn cao hơn trong Liên minh Âu - Á”. Cho dù đây mới chỉ là ý tưởng, nhưng cũng cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Nga trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết SNG theo những cách thức mới sao cho hiệu quả hơn. 

Sự hữu ích trong thúc đẩy liên kết SNG. Hiện tại các nước thành viên SNG còn có nhiều khó khăn, lại là những nước có sức mạnh quốc gia tổng hợp yếu hơn nhiều so với Nga, nên nếu trong những năm tới, Nga củng cố được niềm tin của các nước SNG, thì sẽ tạo được hợp lực thúc đẩy liên kết SNG, đồng thời đạt được sự thừa nhận là hạt nhân trụ cột, đóng vai trò chủ đạo, đầu tàu cho quá trình thúc đẩy liên kết của SNG.

Gần đây nhất, ngày 18-10-2011, Thủ tướng các nước thuộc SNG, gồm Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a, Cư-rơ-gư-xtan, Môn-đô-va và Tát-gi-ki-xtan, đã ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do, thay thế cho hiệp định được ký năm 1994 đã trở nên lỗi thời. Thủ tướng Nga V.Pu-tin nhấn mạnh, việc thành lập Khu vực thương mại tự do trên lãnh thổ SNG không trái với những tiêu chuẩn của WTO, đồng thời khẳng định việc ký kết hiệp định này sẽ cho phép “mở ra những thị trường” dỡ bỏ nhiều trở ngại và tạo ra bước tiến về chất trong sự phát triển các mối quan hệ kinh tế trong SNG cũng như đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp tục hoàn thiện SNG. Các nước còn lại trong SNG là A-déc-bai-gian, U-dơ-bê-ki-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan có thể thông qua quyết định gia nhập khu vực thương mại tự do vào cuối năm nay.

Từ những phân tích trên, dù khó dự đoán, song nhiều khả năng SNG sẽ vận động theo kịch bản (hay khả năng) thứ ba. Tuy nhiên, xu thế này còn gặp nhiều khó khăn do: điều kiện thứ nhất mang tính chất giả định; điều kiện thứ hai được đoán định theo sự vận động của EU và thế giới bên ngoài; điều kiện thứ ba và thứ tư phụ thuộc vào tình hình của nước Nga cũng như chính sách sắp tới của nước này đối với SNG. Một điều có thể chắc chắn rằng, SNG sẽ có một số thay đổi về hình thức, nội dung hợp tác, số thành viên có thể tăng thêm hoặc bớt đi, nhưng hiệu quả hợp tác, liên kết sẽ cao hơn. Và nước Nga sẽ đóng vai trò nổi trội hơn trong sự hợp tác, liên kết đó./.

--------------------------------------------

(1) Pu-tin trước những thách thức kinh tế Nga, http://vietnamnet.vn, ngày 3-10-2011
Đoàn Văn Khái PGS, TS, Trường Đại học Ngoại thương

7. Châu Phi và những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế

TCCSĐT(20:42' 29/2/2012) - Các nước châu Phi đã bắt đầu một bước tiến lớn trong nỗ lực hội nhập kinh tế thế giới, với hy vọng trong tương lai sẽ tạo nền tảng cho một sự hội nhập toàn diện của châu lục này vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phía trước những nỗ lực thực hiện hội nhập kinh tế châu Phi cũng có nhiều cản trở phải được tháo gỡ.


Nỗ lực hội nhập

Những năm gần đây, các nước châu Phi đã có những nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực, song mới chỉ ở quy mô nhỏ. Một số tổ chức kinh tế khu vực được thành lập, bao gồm: Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Khối thị trường chung Đông Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và nhiều tổ chức khác. Toàn cầu hóa đã giúp châu Phi đi lên và tăng trưởng mạnh nhờ thay đổi hẳn hình mẫu kinh tế mang dấu ấn của cả kinh tế thị trường lẫn mở cửa ra quốc tế.

Các nền kinh tế châu Phi đã tiến hành đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư. Nếu trước đây chỉ tập trung vào khai thác nguyên liệu thì hiện nay các ngành dịch vụ như viễn thông và ngân hàng, xây dựng và nông nghiệp đã phát triển rất mạnh. Đồng thời, tác nhân tư nhân đã thay thế Nhà nước với tư cách là động lực phát triển. Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, sự ra đời của một tầng lớp trung lưu khoảng 300 triệu người đã tạo cơ sở cho doanh nhân và tư bản trỗi dậy mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh ở châu Phi được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân... Cải thiện điều kiện buôn bán, gia tăng trao đổi thương mại quốc tế, phát triển khu vực dịch vụ, thu hút đầu tư, tiến bộ khoa học và công nghệ là những yếu tố góp phần tạo ra bùng nổ kinh tế ở châu Phi cận Sahara.


Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng giá trị trao đổi thương mại nội khối của lục địa đen hiện chỉ đạt 12%, mức thấp hơn so với 60% ở châu Âu, 40% ở Bắc Mỹ, 30% ở khu vực ASEAN. Hội nghị đã đề ra mục tiêu nâng mức trao đổi thương mại nội khối tăng từ 20% đến 25% tổng giá trị thương mại của cả khu vực trong mười năm tới. Liên minh châu Phi (AU) nhấn mạnh, tăng cường thương mại nội khối và hội nhập thị trường sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn.


Nỗ lực hội nhập giữa các nền kinh tế châu Phi gần đây còn được ghi nhận bởi dấu ấn đáng chú ý. Ngày 29-1-2012 vừa qua, AU đã khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 18 các nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ tại thủ đô Addis Abeba của Ethiopia, với chủ đề "Thúc đẩy Thương mại nội khối" thể hiện nhu cầu hội nhập kinh tế ngày càng tăng của các nước châu Phi. Tại Hội nghị lần này, đại biểu đến từ các quốc gia thành viên đã tập trung thảo luận những biện pháp thúc đẩy thương mại trong khu vực gồm: phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách thương mại, giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy thương mại nội khối... nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại giữa các quốc gia thành viên. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tán thành việc thành lập một Khu vực Thương mại tự do lục địa (CFTA) nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước thuộc châu lục, một tương lai đầy hứa hẹn cho việc cải thiện đáng kể nền kinh tế và tiến trình hội nhập của châu Phi, theo đó CFTA sẽ đi vào hoạt động năm 2017. 

 

Tuy có dấu hiệu kinh tế hồi phục và thu được kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, song châu Phi vẫn không giảm được chỉ số nghèo và tỷ lệ người thất nghiệp


Ðể thực hiện "ước mơ" về CFTA, AU đã có những chuẩn bị quan trọng ngay từ bây giờ bằng việc đưa ra kế hoạch ba bước. Bước đầu là hoàn tất các thỏa thuận ba bên giữa Cộng đồng Ðông Phi (EAC), Khối thị trường chung Đông Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) vào năm 2014. Tiếp theo là yêu cầu các khối thương mại khác thực hiện các mục tiêu trong thỏa thuận ba bên và đạt được thỏa thuận song phương giai đoạn 2012 -2014. Cuối cùng là củng cố quan hệ ba bên và các khu vực thương mại tự do chuẩn bị gia nhập CFTA vào năm 2015 và 2016. Các quốc gia thành viên cũng kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế như Ủy ban Kinh tế về châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ khu vực này thực hiện các kế hoạch và dự án đề ra.

Bên cạnh chủ đề về CFTA, vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và đẩy mạnh tiến trình hội nhập khu vực cũng được AU quan tâm thúc đẩy. Theo đó, AU kêu gọi chính phủ các nước tăng chi tiêu công cho phát triển cơ sở hạ tầng bằng việc xây dựng những nhà máy thủy điện, lọc dầu, hệ thống đường ống dẫn khí đốt; đẩy mạnh hiện đại hóa đường sắt và nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa của các hải cảng... Mặt khác, châu Phi cũng đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình để bảo đảm cung cấp năng lượng sạch, bền vững, giá rẻ. Hội nghị đề xuất xây dựng mạng lưới băng thông rộng và hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển, cải thiện thực trạng yếu kém hiện nay của kết cấu hạ tầng thông tin và dịch vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở châu Phi hiện còn nghèo nàn và dịch vụ tiếp cận thông tin thấp kém. Ước tính, lục địa này sẽ cần đến 60 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, CFTA ra đời theo đúng kế hoạch sẽ mở ra tương lai đầy hứa hẹn đối với kinh tế châu Phi. Tuy nhiên, châu Phi sẽ còn đối mặt không ít rào cản trong việc hướng đến mục tiêu CFTA trong bối cảnh một số nền kinh tế trong khu vực còn yếu kém.

Đối mặt với nhiều thử thách

Nỗ lực thực hiện hội nhập kinh tế châu Phi đang bị cản trở bởi những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và những thách thức từ các lĩnh vực khác nhau. Chi phí vận tải ở lục địa này hiện cao nhất trên thế giới. Theo WTO, giá cước vận tải chiếm tới 13% chi phí nhập khẩu ở châu Phi, so với 9% ở châu Á, 7,5% ở Mỹ Latinh và 5% ở các nước phương Tây. Phải mất từ 2 đến 3 tuần để một chuyến tàu từ Cộng hòa Dân chủ Congo cập cảng Durban của Nam Phi, một khoảng cách mà nếu ở châu Âu chỉ mất có 2 ngày. Việc cung cấp điện ở châu Phi không đều và thuế cao đã làm tăng chi phí sản xuất. Đó là chưa kể tới chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục thấp, làm hạn chế nguồn nhân lực để châu Phi sử dụng một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Tuy có dấu hiệu kinh tế hồi phục và thu được kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, song châu Phi vẫn không giảm được chỉ số nghèo và tỷ lệ người thất nghiệp. Nguyên nhân là do chất lượng tăng trưởng của châu Phi chưa cao. Thương mại giữa các nước châu Phi với nhau cũng rất hạn chế nên không thể đa dạng hóa các nền kinh tế của châu lục. Các thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Phi cho thấy, chỉ khoảng 10-12% tổng kim ngạch thương mại của châu Phi là thương mại nội khối. Điều này cho thấy châu Phi có mức trao đổi buôn bán giữa các nước trong khu vực thấp nhất thế giới. Thương mại giữa các nước ở Bắc Mỹ là 40%, trong khi của Tây Âu là 60%.

Thêm vào đó, châu Phi xuất khẩu quá nhiều nguyên liệu thô, khiến cho tình trạng xuất khẩu đạt cao nhưng lại tác động không nhiều tới việc làm, tiền lương và đóng góp rất nhỏ vào việc giảm nghèo, thiết lập dịch vụ cơ bản tại châu Phi. Ngoài ra, những thách thức đến với các nền kinh tế châu Phi còn xuất phát từ các khu vực khác nhau. Các nước châu Phi có trình độ kinh tế khác nhau nên thu nhập tính theo đầu người dao động trong khoảng 330 USD/người ở Cộng hòa dân chủ Congo đến 15.000 USD ở Botswana, trong khi chỉ riêng Nam Phi đã tập trung tới 60% hoạt động đầu tư chứng khoán. Bên cạnh các yếu tố liên quan trực tiếp tới việc hội nhập kinh tế còn có những yếu tố bên ngoài gây bất lợi cho tiến trình này. Một trong các yếu tố đó là những vấn đề an ninh do nhóm vũ trang Al-Shabaab hoành hành ở Somalia và các nước láng giềng hay nhóm Boko Haram ở Nigeria. Bất ổn ngăn cản đầu tư nước ngoài và du khách, làm tăng chi phí an ninh, do đó làm giảm thu nhập quốc gia và các nguồn có thể đầu tư vào quá trình hội nhập kinh tế. Các yếu tố thiên tai bao gồm hạn hán, lụt lội không chỉ phá hủy đường sá, cầu cống, mạng lưới điện mà còn gây mất mùa, đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.

Mặt khác, những chuyển đổi kinh tế ở châu Phi hiện mới chỉ ở bước đầu và chưa vững chắc. Không ai có thể đoán trước kết cục của các cuộc cách mạng ở Bắc Phi, với những hệ lụy không giống nhau ở Tunisia và Ai Cập. Trong báo cáo "Triển vọng toàn cầu" công bố ngày 18-1, Bộ phận thông tin EIU thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh), một trong những cơ quan nghiên cứu, tư vấn và dự báo được đánh giá uy tín hàng đầu tại Anh, đã đưa ra những nhận định mới nhất của mình về triển vọng kinh tế toàn cầu 2012, trong đó EIU cho rằng, triển vọng kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) năm 2012 phản ánh những tác động phân kỳ của các cuộc cách mạng tại các nước Arập. Các quốc gia trực tiếp bị tác động bởi bất ổn đã có mức tăng trưởng giảm đáng kể. Các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia sản xuất dầu mỏ, đã và đang có khả năng tăng cường chi tiêu công. Trong năm 2012, bất ổn chính trị và một môi trường bên ngoài thù địch hơn sẽ tác động tới tăng trưởng trong toàn khu vực, tuy nhiên, các nhân tố tiêu cực này sẽ được cân bằng bởi sự đầu tư ồ ạt vào kết cấu hạ tầng tại Saudi Arabia, sự tăng trưởng mạnh tại Iraq và sự hồi phục tại Libya. Về tổng thể, EIU dự báo tăng trưởng GDP của khu vực sẽ tăng lên 4% trong năm 2012, tất nhiên triển vọng này sẽ thay đổi mạnh nếu như các nguy cơ địa chính trị bắt nguồn từ Iran dẫn tới một cuộc xung đột.

Vươn lên trong nghịch cảnh

Năm 2011 là một năm đầy biến động đối với châu Phi cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Các sự kiện dồn dập tiếp nối nhau xuất hiện. Nhà nước non trẻ Nam Sudan được thành lập, “Mùa xuân Arập” đã dậy sóng ở Bắc Phi, xung đột tại Cote d’Ivoire dẫn tới sự sụp đổ của Tổng thống Laurent Gbago, hạn hán và nạn đói tại Somalia. Trong năm cũng đã diễn ra hàng loạt các cuộc bầu cử tại Cộng hòa dân chủ Congo, Nigeria, Ai Cập, Tunisia và Morocco... Bên cạnh đó, châu Âu, một thị trường xuất khẩu quan trọng của châu Phi đang phải đối mặt với vấn đề nợ công, điều này đã có những tác động tiêu cực tới tốc độ phát triển kinh tế ở lục địa đen.

Mặc dù phải đối mặt với không ít những khó khăn nhưng về bình diện chung, tình hình tiếp tục cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Phi cận Sahara là nơi có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các nền kinh tế phát triển trong năm 2011, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới, khu vực này vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 5%. Kết quả này có được là do những thành quả của kinh tế vĩ mô vững chắc. IMF dự báo "lục địa Đen" sẽ có tỷ lệ tăng trưởng 5,8% trong năm 2012.
Một nhân tố rất đáng lưu ý là nhân tài ở nước ngoài đang trở về làm việc ngày càng nhiều, trong khi đó đầu tư nước ngoài vào châu Phi cũng tăng lên. Năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới giảm 20%, nhưng FDI đầu tư vào châu Phi tăng 16%, đạt 62 tỉ USD. FDI làm cho tiến trình đô thị hóa ở châu Phi được đẩy nhanh hơn và là nhân tố quan trọng thúc đẩy GDP tăng trưởng trong năm 2011.

Điều đáng nói, bất chấp tất cả những yếu tố tiêu cực và bất ổn trên, các nước châu Phi vẫn có những bước đi lớn vượt qua khó khăn, cố gắng đặt nền móng cho CFTA. Mới đây, lãnh đạo các nước thành viên AU đã cam kết đẩy mạnh phát triển hạ tầng và đưa ra những chính sách, điều luật phù hợp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và kêu gọi tăng cường đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án điện lớn, lọc dầu cũng như lắp đặt đường ống dẫn khí đốt, hiện đại hóa đường sắt. Các kế hoạch khác bao gồm việc phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng sạch, tin cậy và giá cả phải chăng, xây dựng các mạng thông tin băng rộng và cáp quang để thúc đẩy hoạt động kinh doanh qua Internet cũng đã được thông qua. 

Hàng loạt vấn đề trên không thể được giải quyết chỉ trong một sớm một chiều nhưng đây cũng chính là những tín hiệu lạc quan cho thấy châu Phi đang nỗ lực chuyển mình trong bối cảnh mới. Các quốc gia châu Phi đã và đang quyết tâm giải quyết các vấn đề cản trở sự hội nhập kinh tế và họ đã thể hiện quan điểm và cam kết thực hiện điều đó. Tuy nhiên, để có một sự khởi đầu tốt cho quá trình hội nhập, đòi hỏi phải có sự phối hợp và các biện pháp cụ thể hơn nữa giữa các quốc gia thành viên, cũng như trí tuệ và sự tích cực của người dân châu Phi./.
Minh Tâm

6. Trung Quốc trong “Thế kỷ Thái Bình Dương” của Mỹ

Tạp chí “Chính sách ngoại giao” TQ: Mỹ đã tiến hành điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng cần tiến hành điều chỉnh chính sách cho thích hợp để đối phó một cách tốt hơn với tình hình biến đổi này.


Điều chỉnh chiến lược của Mỹ 
Tạp chí “Chính sách ngoại giao” ngày 11/11/2011 đã đăng bài với tiêu đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary. Bài này đã tiến hành quy hoạch chiến lược đối ngoại của Mỹ trong vài năm tới. Tư tưởng chính của bài này cho rằng nền chính trị thế giới trong tương lai sẽ được quyết định bởi châu Á và khu vực này đã có được vị thế lãnh đạo ổn định, điều này liên quan đến vị thế lãnh đạo toàn thế giới của Mỹ. Vì thế, trong 10 năm tới, một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của ngoại giao Mỹ là tăng cường đầu tư ở mức độ lớn về các mặt ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ một ý nghĩa nào đó cho thấy bài này có ý đồ quy hoạch chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trong 10 năm tới. Tuy trên thực tế, ý đồ quy hoạch này có thể không nhất định phát huy vai trò được như vậy, nhưng sự xuất hiện của nó đã thể hiện rõ ý muốn điều chỉnh và đẩy mạnh chính sách và chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trọng tâm điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là dịch chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu của nước mình về phía Đông. Sự dịch chuyển này không chỉ đơn giản đầu tư tinh lực và nguồn của cải nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn tăng thêm sức ép trong chính sách đối với Trung Quốc về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh. Cách nói trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển dịch về phía Đông đã xuất hiện từ giữa những năm 90 thế kỷ 20, hiện nay cùng với việc Mỹ triển khai một loạt bố cục chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc chuyển dịch này đã dần dần trở thành hiện thực. Bài viết của Hillary tuyên bố rõ trọng tâm chính sách ngoại giao của Mỹ đã dịch chuyển về phía Đông, và bằng những lời lẽ rõ ràng đã biểu đạt được nguyện vọng và lòng quyết tâm của Mỹ trong việc muốn lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
Trong môi trường quốc tế biến động, trọng tâm chiến lược dịch chuyển về phía Đông là một sự lựa chọn chiến lược mà Mỹ đưa ra để bố trí lại một cách hiệu quả hơn nguồn tài nguyên ở các khu vực chủ yếu trên thế giới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên này, tăng cường và củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Từ góc độ chiến lược toàn cầu cho thấy có 3 khu vực quan trọng đối với việc duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ, đó là châu Âu, Đông Á và Trung Đông, trong đó tầm quan trọng của châu Âu và Đông Á lại vượt qua Trung Đông. Ngăn chặn sự xuất hiện một nước lớn chủ đạo mang tính khu vực hoặc bất kỳ nước lớn khác nào chủ đạo châu Âu hoặc khu vực Đông Á là một khâu quan trọng để Mỹ giữ vững vị thế bá chủ toàn cầu. Từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, thực lực kinh tế Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, đồng thời Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với các nước Đông Á về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đến năm 1998 đến nay, hợp tác Đông Á tiến triển rất nhanh, giành được thành quả về nhiều mặt. Về tự do hóa thương mại, Trung Quốc cũng dần dần phát triển hai phương án hiệp định thương mại tự do tương đối thành thục (FTA) (tức là “ASEAN+3” bao gồm các nước ASEAN+ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; và “ASEAN+6” bao gồm các nước ASEAN+Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân). Do hai phương án chủ yếu trong hợp tác Đông Á trên đều chưa kết nạp Mỹ, cộng thêm việc Chính quyền Hatoyama của Nhật Bản đưa ra ý tưởng “Cộng đồng Đông Á” và sự tăng cường sức quy tụ bên trong các nước Đông Á đã khiến cho Mỹ ý thức được rằng sức ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Á có nguy cơ bị gạt ra ngoài. Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực có tầm quan trọng không ngừng tăng trong nền chính trị thế giới và là đầu tàu quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Việc Mỹ củng cố vị thế lãnh đạo và tăng cường hợp tác về kinh tế với các nước khác ở khu vực này, đẩy mạnh xuất khẩu là có lợi cho Mỹ thoát khỏi cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay, tạo ra cơ hội việc làm quý giá trong nước, về lâu dài cũng rất quan trọng đối với việc giữ vững nền tảng kinh tế của bản thân. Từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay, cách nói thực lực của Mỹ tương đối suy thoái là rất phổ biến trong cộng đồng quốc tế.
Tuy các học giả còn có rất nhiều tranh cãi về việc phải chăng thực lực của Mỹ đã thực sự suy thoái?,và có một số cách nhìn nhận khác nhau về xu thế thực lực lâu nay của Mỹ, nhưng cách nói này vẫn tồn tại phổ biến trong cộng đồng quốc tế và là một nhân tố vô cùng bất lợi cho Mỹ. Vì thế, điều này cho thấy cộng đồng quốc tế tương đối hoài nghi đối với thực lực và khả năng của Mỹ. Những hoài nghi này có thể khiến cho liên minh truyền thống của Mỹ nảy sinh khuynh hướng ly tâm nhất định đối với nước này, và họ cho rằng sự bảo hộ và những cam kết của Mỹ có thể không đáng tin cậy như trước kia. Điều này khiến các nước liên quan thử tìm kiếm phương pháp và con đường tư duy mang tính đại diện khác. Từ ý nghĩa nào đó cho thấy sự bá chủ toàn cầu của Mỹ suy thoái trong một khoảng thời gian tương đối dài, ở mức độ nhất định có thể khiến cho Mỹ thực sự đi vào suy thoái. Để tránh xảy ra tình trạng này, Mỹ đã áp dụng lập trường và cách làm rất mạnh mẽ ở một số mặt nào đó. Việc Mỹ cao giọng tuyên bố “quay trở lại châu Á”, “quay trở lại Đông Nam Á” lại một lần nữa bày tỏ lòng quyết tâm hiện diện ở khu vực châu Á và đề cao sự tin tưởng, dựa vào chiến lược của các nước liên minh đối với mình. Việc điều chỉnh chính sách và chiến lược của Mỹ không chỉ dừng lại ở nói suông, mà còn thể hiện trong rất nhiều chính sách thực tiễn. Trong một, hai năm qua, Mỹ nỗ lực tăng cường quan hệ liên minh với các nước đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, mở rộng hợp tác với Nhật Bản về các lĩnh vực tình báo, giám sát và trinh sát. Mỹ tuyên bố kế hoạch đóng quân lâu dài ở Ôxtrâylia v.v… Trong thời kỳ tình hình Biển Đông không ổn định, vào tháng 6/2011, Mỹ cùng 6 nước ASEAN là Philíppin, Inđônêxia, Malaixia, Xinhgapo, Thái Lan và Brunây tập trận chung 10 ngày ở eo biển Malắcca, biển Celebes và biển Sulu. Ngày 28/6 đến ngày 8/7, Mỹ cùng với Philíppin tổ chức tập trận chung trên biển. Tháng 7 cùng năm, Mỹ còn cùng với hải quân hai nước Nhật Bản và Ôxtrâylia tập trận chung ở vùng biển Brunây trên Biển Đông và còn cùng với Việt Nam tổ chức diễn tập giao lưu hải quân trong thời gian một tuần. Những cách làm này đã khiến cho tình hình Biển Đông càng phức tạp hơn và tăng thêm tính không ổn định cho tình hình khu vực. Nhưng thông qua cách làm này, Mỹ đã đẩy mạnh sự tồn tại cũng như củng cố hơn nữa vị thế của mình ở khu vực Đông Á. 
Mỹ không chỉ có mục đích chính trị và an ninh ở khu vực Đông Á, mà còn có mục đích kinh tế rất mạnh. Mỹ có ý đồ lãnh đạo châu Á là để phục vụ cho lợi ích của bản thân. Điều này không chỉ sẽ phục vụ cho lợi ích chính trị của Mỹ, mà còn đem lại cho Mỹ những lợi ích kinh tế có thể trực tiếp nhìn thấy. Vì thế, Mỹ đã ra sức đẩy mạnh Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ý đồ lấy TPP làm nền tảng, thiết lập khu thương mại tự do do Mỹ làm chủ đạo, đồng thời làm yếu đi sức ảnh hưởng của Mỹ trong hợp tác kinh tế Đông Á. Từ giữa những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, Mỹ coi nhẹ chính sách hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự thật mà Mỹ không muốn nhìn thấy là thực lực của mình tương đối suy thoái cũng như tiến trình nhất thể hóa Đông Á phát triển nhanh, đặc biệt là Trung Quốc đã hình thành sức ảnh hưởng tương đương ở khu vực này. Trong bối cảnh đó, với việc APEC trong khuôn khổ khó có thể thay đổi được tình hình bị động, Mỹ có ý đồ thông qua việc thúc đẩy thành lập TPP, dần dần khôi phục vị thế chủ đạo và uy tín của mình ở châu Á. Mỹ đã lợi dụng tâm lý lo lắng và hoài nghi của một số nước châu Á-Thái Bình Dương đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc để thu hút các nước này gia nhập TPP, từ đó giành quyền phát ngôn với Trung Quốc về mặt kinh tế. Mỹ cũng có ý đồ dùng sân chơi TPP này để làm mờ nhạt cơ chế hợp tác kinh tế trong nội bộ khu vực Đông Á, khiến cho Mỹ tự nhiên có được quyền lãnh đạo trong cơ chế hợp tác kinh tế khu vực xuyên Thái Bình Dương. TPP không phải là một cơ chế thương mại tự do đơn thuần, có sức ảnh hưởng về kinh tế-thương mại, mà còn mở rộng đến lĩnh vực chính trị và quân sự. TPP đã đem lại một sân chơi kinh tế “hợp pháp” cho Mỹ bước vào khu vực Đông Á, và liên kết một cách chặt chẽ giữa Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mặt chính trị; về mặt kinh tế, khiến cho Đông Á và Mỹ cùng thâm nhập vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Từ tiến trình này cho thấy TPP đã phân hóa thành không ít khối kinh tế Đông Á, dẫn đến hợp tác Đông Á vốn đã không đủ động lực rơi vào trạng thái ngừng trệ. 
Những tính toán của các nước châu Á-Thái Bình Dương khác 
Từ một ý nghĩa nào đó, việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ đã lựa ý chiều theo một số nhu cầu lợi ích và chiến lược của các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Từ sau khi tổng lượng kinh tế năm 2010 của Nhật Bản bị Trung Quốc vượt qua, mất đi vị thế khối kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Nhật Bản lại liên tiếp chịu những thiên tai như động đất, rò rỉ phóng xạ, cộng thêm những biến động tình hình chính trị trong nước cũng như xu thế phát triển nhanh của tình trạng dân số lão hóa, về lâu dài cho thấy thực lực của Nhật Bản khó có thể lạc quan. Ở mức độ tương đương, Nhật Bản đã mất đi khả năng hiện thực và sự quyết tâm giành quyền lãnh đạo ở khu vực Đông Á. Nhật Bản cũng không có cách nào chấp nhận hiện thực hợp tác Đông Á do Trung Quốc chủ đạo, còn viễn cảnh Trung Quốc và Nhật Bản cùng chủ đạo tiến trình hợp tác Đông Á tuy về lý luận thì tương đối tốt, nhưng do một số mâu thuẫn về hiện thực và lịch sử nào đó tồn tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cộng thêm những trở ngại từ Mỹ, thực tế khả năng xuất hiện tình hình này không lớn. Trong tình hình Mỹ cao giọng tuyên bố quay trở lại châu Á, chính sách của Nhật Bản tuy đã trải qua những do dự nhất định, nhưng về hiệu quả khách quan cho thấy trên thực tế, cuối cùng Nhật Bản vẫn lựa chọn đứng về phía Mỹ. Trong tình hình Biển Đông thay đổi, Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp ủng hộ các nước Đông Nam Á, bao gồm liên kết với Mỹ và Ôxtrâylia huấn luyện tập trận chung ở vùng biển trên Biển Đông gần Brunây; tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Philíppin, nâng cấp cuộc bàn bạc chính sách song phương cấp thứ trưởng hai nước thành đối thoại chiến lược, mở rộng tập trận chung. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philíppin được xác định là “mối quan hệ đối tác chiến lược” v.v...Ở một ý nghĩa nào đó, cách làm của Nhật Bản cũng là một sự phối hợp đối với chiến lược toàn Đông Á của Mỹ, có lợi cho việc thể hiện những giá trị của Nhật Bản đối với Mỹ và hệ thống liên minh của nước này. Nhưng biện pháp này của Nhật Bản về lâu dài cho thấy liệu đã thực sự phù hợp với lợi ích chiến lược của nó hay chưa? điều này không dễ phán đoán. 
Nhân việc điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Ấn Độ cũng gấp rút thực thi “chiến lược hướng Đông” của mình. Tháng 8/2009, Ấn Độ cùng với các nước ASEAN ký “Hiệp định thương mại hàng hóa khu thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ” và các văn kiện liên quan. Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2010. Đồng thời, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với các nước Nhật Bản, Việt Nam. Khi tình hình Biển Đông vô cùng nhạy cảm, Công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ không thèm để ý đến sự phản đối của Trung Quốc đã nhảy vào khai thác nguồn dầu mỏ những vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Ấn Độ còn lợi dụng thời cơ này tăng cường hợp tác với Việt Nam về các lĩnh vực như quân sự, đầu tư thương mại và văn hóa giáo dục. Mỹ đẩy mạnh chiến lược đối với Trung Quốc, về khách quan đã hạ thấp sức quy tụ của khu vực Đông Á, ở ý nghĩa nhất định khiến cho hợp tác Đông Á rơi vào ngừng trệ. Điều này đã đem lại cơ hội cho Ấn Độ có thể phát triển quan hệ chính trị và an ninh với một số nước ASEAN nào đó, và ở mức độ nhất định đã hình thành sự hạn chế đối với Trung Quốc. Trên một ý nghĩa nào đó, cách làm của Ấn Độ phù hợp với nhu cầu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trong quá trình phát triển quan hệ hợp tác với các nước lớn, ASEAN luôn dốc sức duy trì tính tự chủ, mong muốn phát triển quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và các tập đoàn của nó. Về tổng thể, ASEAN luôn thực hiện chính sách giữ vững cân bằng giữa các nước lớn và chính sách hai mặt giữa Trung Quốc và Mỹ, ý đồ thông qua cách làm này để nâng cao vị thế quốc tế và sức ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Từ những năm 90 đến nay, trong khoảng thời gian tương đối dài, chính sách này đã có được những hiệu quả tương đối tốt, và ASEAN đã chiếm vị trí rất quan trọng, có lợi trong hợp tác khu vực Đông Á. Cùng với sự phát triển sâu sắc của hợp tác Đông Á cũng như sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực này, ASEAN hy vọng lợi dụng Mỹ để cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, đồng thời mong muốn thông qua phương thức này để khiến cho Trung Quốc và Mỹ coi trọng mình hơn. Nhưng trên thực tế, cách làm này của ASEAN khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Việc Mỹ “quay trở lại Đông Nam Á” đã làm tăng thêm độ sâu trong chính sách đối với khu vực Đông Á. Hơn nữa, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp chính sách, mục đích của nó rất rõ ràng đó là muốn chủ đạo khu vực này, dẫn dắt khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển trong tương lai và khiến nó phục vụ cho vị thế bá chủ toàn cầu và lợi ích quốc gia của Mỹ. Ở một ý nghĩa nào đó, cách làm của Mỹ đã phá vỡ cục diện “cân bằng nước lớn” ở khu vực này, từ đó quyền chủ đạo mà ASEAN giành được có thể không tồn tại. Đối với ASEAN, về sau cho dù muốn giữ vững quyền chủ đạo trên danh nghĩa cũng sẽ rất khó khăn.  
Những đối phó của Trung Quốc 
Về tổng thể, những thay đổi tình hình chính trị quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Á trong 2, 3 năm qua trên một ý nghĩa nhất định là kết quả của việc Mỹ và các nước xung quanh đưa ra những phản ứng (nhưng về lâu dài không nhất định là những phản ứng tốt nhất) do thực lực của Trung Quốc tăng nhanh. Về mặt cân bằng và hạn chế sức ảnh hưởng tăng nhanh của Trung Quốc, Mỹ và rất nhiều nước Đông Á có lợi ích chung nhất định, nhưng đằng sau nó là xuất phát từ những tính toán lợi ích và sách lược khác nhau. Về cơ bản, Mỹ mong muốn thay đổi xu thế bất lợi cho mình lâu nay trong việc phát triển thực lực song phương. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho tới phạm vi toàn thế giới, cục diện lớn của xu thế so sánh thực lực là thực lực Trung Quốc tăng lên nhanh, thực lực của Mỹ tương đối suy thoái. Đây là một xu thế tương đối lâu dài, cũng là một xu thế phát triển rất bất lợi cho Mỹ. Sự tồn tại và phát triển dần dần của xu thế thực lực này sẽ gặm nhấm năng lực của Mỹ và lòng tin của các nước trên thế giới đối với nước này, khiến cho Mỹ xuất hiện trạng thái tâm lý lo lắng. Từ tình hình hiện nay cho thấy Mỹ không có cách nào làm tốt để thay đổi xu thế sức mạnh bất lợi này cho mình. Trong khuôn khổ phát triển sức mạnh lớn như vậy, Mỹ có ý đồ áp dụng một số biện pháp mang tính cục bộ trong thời gian ngắn và thông qua việc sắp xếp lực lượng và phân bố nguồn tài nguyên để hình thành cục diện bất lợi cho Trung Quốc. Từ đó, ở mức độ nhất định, điều này làm chậm lại tốc độ phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Mỹ áp dụng một loạt chính sách sau khi cao giọng tuyên bố “quay trở lại châu Á”, về tổng thể cho thấy điều đó phù hợp với đòi hỏi lôgích. Nhưng các biện pháp này liệu đã có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược của Mỹ hay chưa? Đây là điều rất đáng hoài nghi. Trước tiên, bản thân Mỹ đứng trước rất nhiều khó khăn, cộng thêm những hạn chế của nền kinh tế trong nước. Trên thực tế, Mỹ có thể phân chia nguồn tài nguyên rất có hạn của khu vực Đông Á, nhưng khó có thể đầu tư lâu dài vào nguồn tài nguyên này. Cách làm hiện nay của Mỹ có thể duy trì lâu dài nhưng vẫn có những nghi ngờ. Thứ hai, biện pháp chính sách của Mỹ tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy biện pháp kết hợp đồng bộ về mặt kinh tế có TPP, nhưng TPP muốn thực sự phát huy vai trò trong vài năm tới là điều không thể. Các biện pháp chính trị và an ninh liệu có thể giải quyết được vấn đề khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ giảm hay không? Đây cũng là việc rất đáng hoài nghi. 
Do không có ý đồ thách thức Mỹ về mặt quân sự, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu vẫn là cạnh tranh về kinh tế, nên chỉ cần Trung Quốc có thể duy trì xu thế phát triển tương đối nhanh về thực lực kinh tế của bản thân, sức ép chiến lược được hình thành đối với Trung Quốc có thể sẽ dần dần giảm. Mặt khác, một loạt biện pháp chính sách của Mỹ thể hiện rõ bất luận thế nào Mỹ cũng không dễ từ bỏ ý muốn và lòng quyết tâm xa rời khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế, trong tương lai Trung Quốc cần phải có hành động cụ thể ở khu vực này, sẽ đối mặt với những sức ép và trở ngại lớn hơn từ Mỹ, đặc biệt là không thể đánh giá thấp vai trò của Mỹ. Đối với điều này, Trung Quốc cần chuẩn bị tâm lý thích hợp. Nói một cách cụ thể, Trung Quốc có thể áp dụng một số biện pháp sau: một là, trong vấn đề hợp tác khu vực, lập trường của Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì một số mục tiêu thích hợp, và có thể hạ thấp một số mục tiêu nào đó trong thời gian ngắn; hai là, coi trọng hơn mối quan hệ song phương với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước đây, hợp tác đa phương giữa Trung Quốc với các nước Đông Á đã giành được những thành quả. Trong tình hình Mỹ có ý đồ chủ đạo hợp tác đa phương khu vực, Trung Quốc cần bắt tay vào ổn định và phát triển hơn một số mối quan hệ song phương quan trọng. Ba là, làm nhiều việc cụ thể, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm, tập trung làm một số việc có giá trị thực tế và ý nghĩa lâu dài v.v... Bốn là, Trung Quốc cần thông qua những tuyên bố chính sách cũng như thông qua việc áp dụng các biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao để tỏ rõ hơn sự kiên định của Trung Quốc trong việc giữ vững lợi ích của bản thân. Về tổng thể, Trung Quốc chỉ cần ổn định, không bị Mỹ đánh bại trong cuộc cạnh tranh kinh tế, trong khoảng thời gian nhất định, Mỹ không thể có cách làm nào tốt hơn đối với Trung Quốc. Nhưng hiện nay, do xu thế tình hình phải đối mặt rất phức tạp, Trung Quốc cần phải tìm kiếm những biện pháp tổng hợp, đa dạng hơn để duy trì và phát triển lợi ích nhà nước của mình tốt hơn . 
Theo Tạp chí “Thế giới đương đại”-Trung Quốc (kỳ 12 năm 2011)
Lê Sơn (gt)

Những nội dung ôn tập thi TN 2012


    (Hệ trung học phổ thông)

I. PHẦN LỊCH SỬ THẾ GIỚI (1945 – 2000): 3,0 điểm

Giáo viên và học sinh cần tập trung vào những nội dung sau:
TT
NỘI DUNG BÀI HỌC
NỘI DUNG ÔN TẬP
1
Bài 1 – Sự hình thành trật tự thế giới mới...
Hội nghị Yalta: Hoàn cảnh, nội dung và hệ quả.
2
Bài 2 – Liên xô và Đông Âu.....
- Liên xô (1945 – những năm 70)
- Liên bang Nga (1991 – 2000)
3
Bài 4 – Các nước Đông Nam Á và Ấn Độ
- Cách mạng Lào (1945 – 1975).
- Tổ chức ASEAN.
- Cách mạng Ấn Độ (1945 – 1950)
4
Bài 5 – Các nước châu Phi và Mỹ Latinh
- Phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi.
- Phong trào giải phóng dân tộc ở Mỹ Latinh.
5
Bài 6 – Nước Mỹ
Kinh tế và khoa học kĩ thuật (1945 – 1973). Nguyên nhân phát triển.
6
Bài 7 – Tây Âu
Liên minh châu Âu – EU
7
Bài 9 – Quan hệ quốc tế...
- Mâu thuấn Đông – Tây và sự khởi đầu chiến tranh lạnh.
- Xu thế phát triển thế giới sau chiến tranh lạnh.
8
Bài 10 – Cách mạng khoa học – công nghệ
Nguồn gốc, đặc điểm và nội dung của cách mạng khoa học – kĩ thuật.

II. PHẦN LỊCH SỬ VIỆT NAM (1919 – 2000): 7,0 điểm

Giáo viên và học sinh cần tập trung vào những nội dung sau:
TT
NỘI DUNG BÀI HỌC
NỘI DUNG ÔN TẬP
9
Bài 12 – Phong trào DTDC (1919 – 1925)
Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc (1919 – 1925)
10
Bài 13 – Phong trào DTDC (1925 – 1930)
Nội dung Cương lĩnh 1930 và ý nghĩa việc thành lập Đảng.
11
Bài 15 – Phong trào (1936 – 1939)
- Bối cảnh lịch sử, nội dung hội nghị Trung ương tháng 7 – 1936.
- Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm phong trào 1936 – 1939.
12
Bài 16 – Phong trào (1939 – 1945)
- Hoàn cảnh và diễn biến Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.
- Hoàn cảnh thành lập nước VNDCCH và nội dung bản tuyên ngôn độc lập (2/9)
- Ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm cách mạng tháng Tám 1945.
13
Bài 17 – Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...
- Những khó khắn và thuận lợi nước ta sau cách mạng tháng tám. Những biện pháp giải quyết những khó khăn của Đảng, Chính phủ và Hồ Chí Minh.
- Nội dung và ý nghĩa Hiệp định Sơ-bộ (6/3/1946)
14
Bài 18 – Những năm đầu cuộc kháng chiến...
- Đường lối kháng chiến của Đảng.
- Chiến dịch Việt Bắc thu- đông (1947).
- Chiến dịch Biên giới  thu -đông (1950).
15
Bài 20 – Cuộc kháng chiến toàn quốc (1953 – 1954)
- Nội dung cơ bản và ý nghĩa Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954).
- Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử cuộc kháng chiến chống pháp (1945 – 1954)
16
Bài 21 – Xây dựng CNXH ở miền Bắc....(1954 – 1965)
- Tình hình nước ta sau 1954 và nhiệm vụ cách mạng trong thời kì mới.
- Phong trào Đồng khởi (1959 – 1960).
- Hoàn cảnh, âm mưu và thủ đoạn của Mỹ trong chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965).
17
Bài 22 – Nhân dân hai miền trực tiếp... (1965 – 1973)
- Hoàn cảnh, âm mưu và thủ đoạn của Mỹ trong chiến tranh cục bộ (1965 – 1968). So sánh với Chiến tranh đặc biệt.
- Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1968 – 1973).
- Nội dung và ý nghĩa Hiệp định Pari (1973).
18
Bài 23 – Khôi phục và phát triển... (1973 – 1975)
- Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
- Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975).
19
Bài 26 – Đất nước trên con đường đổi mới (1986 – 2000)
Thành tựu và hạn chế công cuộc đổi mới của Đảng (1986 – 1991).

--------------------

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

5. Foreign Minister Yang Jiechi Answers Questions from Domestic and Overseas Journalists on China's Foreign Policy and External Relations

2012/03/07

Công tác đối ngoại của Trung quốc năm 2012
Nguồn: http://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx/t911854.htm

The Fifth Session of the Eleventh National People's Congress held a press conference in the Great Hall of the People on 6 March 2012. Foreign Minister Yang Jiechi answered questions from Chinese and foreign press on China's foreign policy and external relations.
Foreign Minister Yang: Good morning, friends from the press. It's a great pleasure to meet you here. Premier Wen Jiabao has outlined China's foreign policy and foreign relations in his Report on the Work of the Government. Now I'm ready to take your questions.
CCTV and CNTV: Much has changed in the international situation over the past ten years, and China's diplomacy has encountered many challenges and tests. How do you see China's diplomatic work over the past ten years? Moreover, we have seen confrontation and conflicts between some countries. Under such circumstances, what do you think are the new challenges confronting China's diplomacy and how do you see China's diplomacy this year?
Foreign Minister Yang: I think it is very meaningful that we start today's questions and answers from reviewing China's diplomatic work over the past ten years, as a review of the past offers one insight into the future.
The past ten years have been a decade when the world has undergone major development, major changes and major adjustments. It has also been a decade when China's diplomacy has forged ahead and made abundant results. Over the past ten years, under the leadership of the CPC Central Committee with Comrade Hu Jintao as General Secretary, China's diplomacy has firmly served the overall interests of China's development. We have properly handled thorny issues and worked actively to open up new prospects for China's diplomatic work. China's diplomacy has fostered a sound external environment for China's economic and social development.
In my view, China's diplomatic work over the past ten years can be summed up as follows:
First, serve overall interests. To safeguard China's sovereignty and security has always been the overarching objective of all of China's diplomatic endeavors. Over the past ten years, China's diplomacy actively served the domestic economic and social development. We effectively protected the lawful rights and interests of overseas Chinese nationals and companies, and defended China's sovereignty, security and development interests.
Second, pursue cooperation. We enhanced friendly relations and cooperation with other countries in the world and regional and international organizations. We intensified exchanges with them in the political, economic and cultural fields and through both bilateral and multilateral channels. We opened up new dimensions for pursuing win-win cooperation.
Third, advance reform. we actively participated in global governance and helped move the international system and international architecture in a direction that serves the interests of developing countries. We worked to raise the representation and influence of China and developing countries as a whole in international affairs.
Fourth, enhance China's image. Through such platforms as overseas visits by Chinese leaders, receiving visits to China by foreign leaders, the Beijing Olympic Games and Shanghai World Expo, we engaged in dynamic public and cultural diplomacy, endeavored to enhance the friendship between Chinese people and people of other countries, and showed to the rest of the world a China that is culturally-advanced, democratic, open and making continuous progress.
Fifth, make contribution to the world. We worked actively to uphold world peace and promote common development. China has played a constructive role in helping resolve regional and international hotspot issues, and China has become an important engine driving world economic growth.
Our world today is undergoing profound and complex changes. The trend of our time towards peace, development and cooperation has gathered momentum. At the same time, the underlying impact of the international financial crisis is still with us. The world economic recovery lacks momentum, and global challenges such as climate change and energy and food security are still prominent. All these developments will exert major impact on the international situation and China's diplomatic work in the time to come.
This year, we will continue to advance our all-dimensional diplomacy at multiple tiers and in a wide range of fields. We will continue to take into account both the domestic and international situations, make continuous innovation in our diplomatic practices and theories, and make active contribution to the successful opening of the 18th National Congress of the CPC and full implementation of the 12th Five-Year Plan.
The priories of China's diplomatic work this year are as follows:
First, serve China's domestic development. We will properly handle the external risks and challenges, and create more favorable conditions for China's economic and social development to serve the primary goal of shifting China's growth model at a faster pace.
Second, uphold peace. We will continue to firmly defend China's sovereignty and security, stand for handling and resolving regional and international issues, in particular, those hotspot ones through dialogue, consultation and negotiation, and play a responsible role as a big country.
Third, promote cooperation. We will enhance our friendly relations and cooperation with other countries and regional and international organizations. We will work with them to deepen common interests, meet global challenges and safeguard world peace and promote common development.
RIA Novosti: Minister Yang, how do you comment on the recently held presidential election in Russia? What considerations does the Chinese side have for the further development of the China-Russia strategic partnership of coordination? This year, China will be the rotating president of the Shanghai Cooperation Organization and play host to the 2012 SCO summit. Can you tell us some of China's considerations about the summit? And what expectations does the Chinese side have for the future development of the SCO?
Foreign Minister Yang: We have noted that the presidential election of Russia was smoothly held on March 4th. President Hu Jintao has sent a message of congratulations to newly elected President Putin. We wish the people of the Russian Federation even greater achievements in their cause of national prosperity and revitalization.
The Chinese government is prepared to work closely with the Russian side to deepen the comprehensive strategic partnership of coordination between the two countries and enhance practical cooperation between the two sides in all fields.
As far as the China-Russia relationship this year is concerned, it can be summed up as "one central task" and "five priorities". The one central task is to fully implement the plan for the development of China-Russia relations in the next ten years. The five priorities are: First, ensure the success of high-level contacts and mutual visits this year. Second, increase mutual political support. Third, intensify practical cooperation between the two countries in such fields as economy and trade, energy, science and technology, infrastructure as well as at the local level. Fourth, step up cultural and people-to-people exchanges. In particular, we need to work together to ensure the success of the Year of Russian Tourism in China. And fifth, enhance cooperation in regional and international affairs. We are confident that with the joint efforts of the two countries, the comprehensive strategic partnership of coordination will achieve even greater results.
This year is the year of good-neighborly relations of the Shanghai Cooperation Organization. It is also the first year for the development of the SCO in its second decade. China will play host to the SCO summit this year. The theme of the summit this year is to deepen good-neighborly relations and plan the future of the SCO. There are three main items on the agenda of the summit. The first is to discuss measures for enhancing friendly relations and cooperation under the SCO framework, and formulate a strategy on the development of the organization in the next ten years. Second, plan the next stage of practical cooperation of the SCO, in particular the establishment of institutional safeguards for the financing of multilateral cooperation. Third, there will be an exchange of views on regional and international situations, with a focus on improving the SCO measures in coping with situations that pose threats to regional peace, stability and security. We believe that the SCO summit this year will help build on past progress and open up new prospects for the future development of the organization.
With respect to the future of the SCO, I believe all the parties concerned will make better use of the advantage of geographical proximity and work together to enhance cooperation for regional security and stability and strengthen regional connectivity and people-to-people exchanges so as to bring more benefits to their people. 
Wall Street Journal: Minister Yang, does China regard the recent US strategic shift towards Asia as a threat? And if so, what countermeasures does China plan against that threat? More broadly, given the range of tensions now between China and the US over Iran, Syria and many other issues, what steps should the two countries be taking to establish more trust?
Foreign Minister Yang: I believe it is necessary that we first look at the big picture of China-US ties.
This year marks the 40th anniversary of the issuance of China-US Shanghai Communiqué. Over the past 40 years, China-US relations have forged ahead in spite of some twists and turns, and the door of exchange and cooperation between the two countries has become more wide open. The engagement between China and the United States has shown that a peaceful China-US relationship benefits both countries, while a confrontational one harms both. To sustain the sound and steady development of China-US relationship is the common responsibility of the two countries. It also meets the fundamental interest of the international community. There are some differences and disagreements between China and the United States. But on the whole this relationship has been moving forward, not backward.
Last year, President Hu Jintao paid a successful state visit to the United States. During the visit, he and President Obama reached important agreement that the two countries will work together to build a China-US cooperative partnership based on mutual respect and mutual benefit. Since then, President Hu Jintao and Premier Wen Jiabao have had several important meetings with President Obama. Last month, Vice President Xi Jinping paid a successful visit to the US. That has given a strong boost to the building of China-US cooperative partnership.
In handling China-US relations, we always believe that the two sides should view and handle this bilateral relationship from a strategic and long-term perspective. They should always work closely together to build a China-US cooperative partnership. We believe the two sides should always adhere to the principles set out in the three Sino-US Joint Communiqués and China-US Joint Statement, and truly respect each other's core interests and major concerns. In particular, the US side needs to honor its commitment and carefully and properly handle Taiwan and Tibet-related issues that concern China's core interests. I believe the two countries should continue to intensify exchanges and coordination through such platforms as high-level mutual visits and contacts and the China-US Strategic and Economic Dialogues. The two countries should work together to increase mutual strategic trust, remove various disturbances and open up new prospects for such two big countries as China and the US to embrace healthy interaction and win-win cooperation.
China and the United States have more converging interests in the Asia-Pacific region than anywhere else in the world. What is the trend in this part of the world? In my view, the trend of peace, development and cooperation is going strong in this region. It meets people's will and it is unstoppable. We believe all countries in the world, big or small, strong or weak, rich or poor, are equal members of the international community. All roads from China lead to the Asia-Pacific and the whole world. China is ready to work with other countries to build a more equal and harmonious world. We hope that all countries concerned will work together for peace, stability, development and prosperity of this region. We hope to see and welcome a constructive role by the United States in this region. At the same time, we hope the US side will respect China's interests and concerns. We are ready to work with the United States and other countries in this region to develop an Asia-Pacific region that enjoys greater stability and development.
China and the United States have stayed in close communication on the issue of Syria and the issue of Iran. Peace, stability and development in the Middle East region serves the fundamental interests of both people in that region and the international community. This is the overarching purpose and end goal in our dealing with relevant issues in the Middle East.
You mentioned Syria and Iran. Let me now say a few words about Iran. On the Iranian nuclear issue, we are opposed to the development and possession of nuclear weapons by any country in the Middle East, including Iran. At the same time, we believe that all countries, while fulfilling their obligations, have the right to peaceful use of nuclear energy. We believe that this issue should be properly handled and resolved though dialogue not confrontation, through cooperation not sanctions. We are opposed to imposing unilateral sanctions. And we believe that the majority of countries in the world take such a position. At the same time, we place high importance on the mechanism of consultation and negotiation between the P5 plus one and Iran. China and the United States are among the P5 plus one countries. Under the framework of this mechanism, China has stayed in close communication and coordination with the United States, Russia, the EU, and other members concerned. We hope to see early holding of the next round of dialogue under this mechanism so as to push forward the process of seeking a proper settlement of the Iranian nuclear issue.
China National Radio: We have noted that since the end of last year, there have been close mutual visits and interactions between China and its neighbors at the leadership level. Yet some people take the view that the disputes between China and some of its neighboring countries over territorial sovereignty and maritime rights and interests have heated up. And some countries are increasingly worried about China's national strength and its diplomatic posturing. How do you evaluate China's relations with its neighbors and how will China handle and resolve the disputes it has with some of its neighbors?
Foreign Minister Yang: I believe one should view China's relationship with its neighboring countries in the broader context of the general trend of development. I believe now the general trend is a positive one. China pursues a policy of building good-neighborly relationships and partnerships with countries in its neighborhood. We are committed to deepening the mutually beneficial cooperation with other Asian countries. Relations between China and other Asian countries are in good shape, and there are a lot of positive factors.
First, there have been close high-level exchanges. Last year, there were high level mutual visits between China and the majority of other Asian countries. Take ASEAN countries as an example. There were over 50 high-level mutual visits between the Chinese side and the ASEAN countries. High-level exchanges have played an irreplaceable role in guiding the efforts of China and other Asian countries in increasing mutual understanding and friendship.
Second, the interests of China and other Asian countries have become more closely entwined. Just now you said that some countries are worried about China's rising national strength. But I am afraid their worry is that what if China's development becomes too slow. I have visited some Asian countries recently. I feel that the Asian countries want to see the sustained, positive momentum of the Chinese economy. And they hope that China will enjoy continuous development as that will bring abundant benefits to people of the two sides in terms of business cooperation and mutually beneficial cooperation in other fields. When there are so many benefits, why not do it?
This world is far from a balanced one. Some have megaphones, some only small microphones and some none. Yet I always believe that the real figures speaker louder than microphones. China has become the biggest trading partner of the majority of its neighbors. Last year, trade between China and other Asian countries topped US$1 trillion. China's investment in the Asian region approached US$20 billion. Cooperation between China and other Asian countries in science and technology, finance, energy and infrastructure has been unprecedented in terms of both breadth and depth.
Third, mutual coordination has increased. China and other Asian countries have helped each other and worked closely together in handling major regional and international issues, pushing forward regional cooperation and tackling the international financial crisis and major natural disasters.
Forth, there have been dynamic cultural and people-to-people exchanges. Last year, China and many other Asian countries held such cultural and people-to-people exchange activities as Year of Friendship and youth festival. These activities have witnessed the deep friendship between the Chinese people and people of other Asian countries.
It is true that there are some differences and disagreements between China and some of its neighboring countries over some issues. China believes that these disputes should be peacefully handled and resolved through dialogue and consultation. At the same time, we hope that the relevant parties will respect China's legitimate rights and interests, avoid making remarks or taking moves that may complicate the situation and work with China for stability, development and progress in the Asian region. We believe that progress has already been made in handling these differences between China and the relevant Asian countries. And the two sides have reached important consensus on seeking peaceful settlement of related disputes and pushing forward mutually beneficial cooperation.
Let me say a few words about the South China Sea issue here. China always believes that the disputes in the South China Sea should be properly resolved through negotiations between the parties to the disputes on the basis of facts and in accordance with the basic norms governing international relations. Pending final settlement of the disputes, the parties concerned may put aside their disputes and engage in joint development. China and the relevant countries have reached important agreement on peacefully resolving disputes and pushing forward practical cooperation in the South China Sea. At the same time, much remains to be done in this regard. China and ASEAN countries have reached agreement on the guidelines on the implementation of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea. In a word, we believe that China and relevant countries have the ability and wisdom to properly handle the South China Sea issue and maintain peace and stability in the South China Sea.
Xinhua News Agency: Minister Yang, just now you reviewed China's diplomacy in the past ten years. My question is a forward-looking one. What major changes do you think will take place in our world in the next ten years and what role will China play?
Foreign Minister Yang: The next ten years will be a very important decade for China's peaceful development. We will mark the centenary of the founding of the Communist Party of China. We will meet our objective of building a moderately prosperous society in all respects. At the same time, I want to point out that to judge the overall economic strength of a country, one should look at not just one particular indicator but a whole system of indicators, not just one aggregate number but several structural numbers. China will remain a developing country, and there is still a long way to go before China can achieve modernization. We have full confidence that we will meet our goal. We also have an objective judgment of the situation and our road ahead. China will neither belittle itself nor seek to lecture others.
I believe the next ten years will be a decade when fast changes will take place in the international architecture and major trends will develop rapidly in the world. It will also be a decade when all the parties engage in close interactions and pursue stability and improved governance in the midst of changes. The following major trends deserve particular attention:
First, the momentum of pursuing development will gather steam. All parties will pay closer attention to shifting their growth models at a faster pace and they will endeavor to develop and enhance their new advantages as they participate in international economic cooperation and competition in an age of economic globalization.
Second, the trend towards a multi-polar world will become clearer. The overall strength of developing countries will be on the rise and there will be greater balance in the distribution of international power.
Third, the competition and cooperation surrounding reform of the international system will get stronger. The parties will seek to exert bigger influence on the adjustment and shift of the international rules and international order. And reform of international governance and the current international system will move ahead steadily.
Fourth, regional and international hotspot issues and global challenges will become more prominent. Some hotspot issues will continue to heat up. Such global challenges as climate change, energy, resource and food security and terrorism will persist. And countries will become more interdependent with their interests more closely entwined. I believe under such circumstances the idea of sticking together in tough times to tide over the difficulties will gain stronger popular support.
In the next ten years, the favorable and unfavorable factors in the external environment of China are interwoven. Risks and difficulties, favorable conditions and positive trends are the two sides of a coin. There are both opportunities and challenges. And on the whole, we believe that for China, opportunities outweigh challenges and the country is still at an important stage of strategic opportunities for development.
China will remain committed to the independent foreign policy of peace, the path of peaceful development and a win-win strategy of opening-up. We will continue to work with other countries to build a harmonious world of enduring peace and common prosperity. We believe that all countries should embrace win-win cooperation. This means that while pursuing one's own interests, one also needs to take into account the interests of other countries; while enjoying one's rights, one should also fulfill its responsibilities. Countries need to accommodate each other and work together to uphold justice and expand common interests. We believe that all countries should work together to make the international order more just and equitable and to usher in a better future for the world.
PTI: I would like to ask you about the impact of the rapid development of emerging economies and many developing countries on the global arena. I think this question is relevant because the BRICS summit is coming up this month and I would like to know what exactly is coming upon the agenda and focus of the BRICS summit and how China views it. You just concluded a visit to India, had extensive discussions with the Indian leadership, and signed interesting agreements on maritime cooperation. I'd like you to give us a broader picture of where India-China relationship stands today and with regard to various differences that the two countries have on a number of issues.
Foreign Minister Yang: The rapid development of a large number of emerging market economies and developing countries in today's world is very conducive to making our international order more just and equitable. Last year, the third BRICS Leaders Meeting was successfully held in Sanya, Hainan of China and I believe the upcoming fourth BRICS summit will be crowned with success.
China hopes that the upcoming BRICS summit will achieve important results in three areas. First, boost growth. We hope that the summit will help enhance people's confidence in world economic growth and add new impetus to world economic recovery. Second, promote stability. We hope that the summit will bring out the active and constructive role of BRICS countries in international affairs and promote the relaxation and stability of regional situation. Third, enhance cooperation. We hope that the summit will help push forward the practical cooperation among the BRICS countries in economy, finance and other fields, and bring real benefits to people of the BRICS countries and people of the world.
Not long ago, I visited India. The purpose of my visit is to make preparations for the attendance of the fourth BRICS summit by the Chinese leader and to push forward China-India relations. I feel that both China and India want to see continuous, sound and steady growth of their bilateral relationship and they want to enhance exchange, increase mutual trust and expand cooperation. I had a thorough exchange of views and a meeting of minds with my Indian counterpart, the foreign minister, on a series of aspects, including maintaining the momentum of high-level exchanges between the two countries, advancing China-India practical cooperation in all fields and intensifying personnel interflow and cultural exchanges between the two sides. We believe that we need to do all specific work well in implementing the important agreement reached at the leadership level, including conducting consultations between the two sides on maritime security and working together to ensure peace and tranquility in the China-India border areas.
Nihon Keizai Shimbun: This year marks the 40th anniversary of the normalization of diplomatic ties between China and Japan. How do you comment on the current China-Japan relationship? What considerations does China have for the further development of China-Japan relations? Given the fact that there are some sensitive issues between the two countries, how do you think to increase the strategic mutual trust between the two countries and improve the national sentiments between people of the two countries? Moreover, this year China is the coordinator of the cooperation among China, Japan and the ROK. How does China comment on the trilateral cooperation?
Foreign Minister Yang: Over the past 40 years since China and Japan normalized their diplomatic relations, China-Japan relationship has come a long way in a wide range of fields. The Chinese government places high importance on its relationship with Japan. We believe that the two sides need to continue to enhance mutual political trust in line with the principles enshrined in the four political documents between China and Japan, expand practical cooperation in all fields, improve national sentiments between people of the two countries and push forward the development of China-Japan strategic relationship of mutual benefit.
With respect to the sensitive issues between China and Japan, such as the history issue and the issue of Diaoyu Islands, we hope the Japanese side will fully recognize the complexity and sensitivity of these issues. These issues concern the political foundation and overall interests of China-Japan relations. The Japanese side should truly take history as a mirror and look forward to the future, and properly handle these sensitive issues in keeping with the overall interests of its relationship with China.
I also believe it is necessary for us to talk about how to increase the mutual strategic trust and improve the national sentiments between people of the two sides. To enhance mutual strategic trust between China and Japan, I believe it is crucial that both sides view each other's development from the right, objective and strategic perspective, and truly see each other as an opportunity and partner for development. During President Hu Jintao's visit to Japan in 2008, the two sides issued the fourth political document between China and Japan and reached the important political agreement that the two countries are each other's cooperation partner, they don't pose a threat to each other and that they will support each other's peaceful development. I believe if such political agreement can be truly implemented in our exchanges, the mutual trust between the two countries will deepen. I believe to improve the national sentiments between people of the two countries involves efforts in a wide range of fields. It requires that both sides take a long term perspective and intensify exchanges at various levels, in particular the exchanges between young people of the two countries, so that more people of the two countries are engaged in the cause of friendship.
This year, China is the coordinator of the China-Japan-ROK cooperation mechanism. Premier Wen Jiabao will hold, with leaders from Japan and the ROK, the fifth trilateral leaders' meeting in China. We want to work with Japan and the ROK to deepen practical cooperation, promote cultural and people-to-people exchanges and exchange views on regional and international issues. We believe the parties should enhance the building of the China-Japan-ROK FTA and work together to push forward their future-oriented, all-dimensional partnership for cooperation.
China News Service: Minister Yang, how do you see the current situation on the Korean Peninsula? We have seen that the relevant parties have had some contact and interaction since last year surrounding the restart of the Six-Party Talks. How you look at the prospects of the resumption of the Six-Party Talks? The second Nuclear Security Summit will soon be held in Seoul. What expectations does the Chinese side have?
Foreign Minister Yang: It serves the common interests of all parties concerned and meets the aspiration of the international community to uphold peace and security on the Korean Peninsula, achieve the denuclearization of the Korean Peninsula and normalization of relations between relevant countries, and build a peace and security mechanism for Northeast Asia. The Six-Party Talks has become an effective mechanism and important platform for discussing and resolving the above-mentioned issues.
Over the past weeks and months, various parties have engaged in positive interactions and contacts. As the chair of the Six-Party Talks, China has stayed in close touch with other relevant parties. We have always encouraged dialogue in pursuit of peaceful settlement of relavant issues and our work has achieved some important results. At the same time, we welcome dialogue and contact between the relevant parties. For example, not long ago, there was dialogue between the DPRK and the United States and positive progress has been made. We welcome that. We hope all the parties concerned will pool their wisdom, remove disturbances and work together to play a constructive role in advancing the Six-Party process and achieving the denuclearization of the Korean Peninsula and lasting peace and stability in Northeast Asia.
The second Nuclear Security Summit will be held in Seoul late this month. The Chinese leader will attend the summit. During the summit, there will be discussions on enhancing the security of nuclear materials and nuclear facilities and guarding against nuclear terrorism. I also believe that with the joint efforts of all the participants, the summit will also set out new, concrete measures related to nuclear security. That can help further build up international consensus on nuclear security and inject new dynamism into related international effort.
Phoenix TV: My question is about the situation in Syria. China has always stood for a peaceful and political settlement of the Syrian issue, but the situation in Syria now is not an optimistic one. How does China see the future development of this issue and will China's position and views on this issue in any way affect its relationship with the Arab countries?
Foreign Minister Yang: It is true that major changes are taking place in the Middle East region. We firmly believe that people in the Middle East know best the situation there, issues in the Middle East region should be resolved by the people of the Middle East, and the future and destiny of the region should be determined by the people there.
Over the years, China has been a firm supporter of the just cause of the Arab countries and their people. The two sides have forged a deep friendship, and there are no historical grievances between the two sides. What the two sides have is expanding common interests and the consensus of working together to uphold peace and promote development.
Even the ten fingers can not be of the same length. It is true that China and some Arab countries may sometimes differ in specific ways of action, but the two sides have the same overall objective of promoting stability, development and prosperity in the Middle East region. Cooperation between China and Arab countries is comprehensive and strategic, and the friendship and cooperation between the two sides can stand the test of changing international circumstances.
On the issue of Syria, as you know, not long ago,a leading official of the Chinese Foreign Ministry made a statement on this issue. He set out China's six-point proposition and proposal on handling and resolving the issue of Syria. Chinese leaders have made clear China's views on this issue on several occasions. Chinese Foreign Ministry officials are also in contact with the relevant parties. I myself have talked on the phone or face-to-face with the relevant parties. The fact is that the international community has paid very high attention to the position, proposition and initiative of the Chinese side on this issue, in particular the recent statement made by the leading official of the Chinese Foreign Ministry. And our position and view on this issue have received increasing understanding and support.
La Agencia EFE, S.A.: Has the Euro a future? Does the euro zone crisis offer a good opportunity of investment? Or should instead China spend their money in its internal development?And finally Minister, how do you evaluate the relations between China and European countries?
Foreign Minister Yang: Not long ago, the China-EU Summit was held and important progress was made at the summit. In my view, China-EU relationship has bright prospects. We believe that although the euro zone has encountered some difficulties, the European Union and the European countries have the ability and wisdom to overcome the current difficulties, resolve their debt issue and make new progress along the course of development. We always have confidence in the EU and the euro zone, and we have supported the EU's efforts in stabilizing the financial situation through our own ways. We will continue to make investment in Europe and the euro to achieve mutual benefit.
People's Daily: In recent years, the relationship between China and African countries has received wide international attention. How do you evaluate the current China-Africa relationship and cooperation? Some people say that China's influence in Africa is increasing. What role has China been playing in African affairs?
Foreign Minister Yang: We feel privileged and we are seized by a strong sense of responsibility that the African people have chosen China as their partner for sincere cooperation. China is a developing country, and China wants to work with African countries to build a bright future.
Some say that China's influence in Africa is on the rise. I think we should say that the consensus of the international community that African countries face enormous opportunities for development is on the rise.
I believe the international community should actively support Africa's peace and development cause, actively support African countries in seeking self-enhancement through unity and independently resolving African issues, actively support African countries in strengthening their own capability for development, and actively support African countries in safeguarding their own rights and interests and playing a bigger role in international affairs.
The press conference lasted an hour and 45 minutes. More than 500 journalists from home and abroad attended the press conference. 

Một số nội dung trong bài trả lời phỏng vấn báo chí của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì về chính sách và quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, bên lề Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khoá 11 hôm 6/3.

(1) Quan hệ với láng giềng: giải quyết tranh chấp bằng đàm phán
Phóng viên Đài Tiếng nói Trung ương Trung Quốc: Ông đánh giá thế nào về quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng?
Dương Khiết Trì: Nhìn vào quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn vào xu thế phát triển, xu thế căn bản của quan hệ này hiện nay là tốt. Thế giới này là một thế giới rất không cân bằng, có người thì giữ chiếc micro lớn, có người chỉ có chiếc micro nhỏ, có người lại không có micro, nhưng tôi luôn cho rằng những con số quan trọng hơn là chiếc micro. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước láng giềng, tổng kim ngạch thương mại năm 2011 của Trung Quốc với các nước Châu Á đã đạt trên 1.000 tỷ USD, tổng đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Châu Á đạt gần 20 tỷ USD. Đối với những mâu thuẫn và bất đồng giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại và hiệp thương. Ở đây tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề Biển Đông, Trung Quốc nhất quán chủ trương lấy sự thực làm cơ sở. Dựa trên các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, các nước trực tiếp liên quan sẽ giải quyết thỏa đáng tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hữu nghị. Trước khi tranh chấp được giải quyết, có thể thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác”; Trung Quốc và các nước liên quan đã đạt được một loạt nhận thức chung quan trọng về giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy hợp tác thiết thực tại Biển Đông, tuy nhiên cũng còn rất nhiều việc phải làm.
(2) Quan hệ Trung – Mỹ: Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung giao thoa lợi ích
Phóng viên Nhật báo Phố Wall: Có phải Trung Quốc xem việc Mỹ chuyển hướng trọng tâm chiến lược vào Châu Á là một mối đe dọa đối với Trung Quốc? Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc sẽ dùng biện pháp gì để chống lại sự đe dọa này? Ngoài ra, với những căng thẳng trong một loạt vấn đề như Iran, Syria và nhiều vấn đề khác, Trung - Mỹ cần có biện pháp gì để làm sâu sắc tin cậy?
Dương Khiết Trì: Tôi cho rằng mặc dù giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất đồng, nhưng xu thế phát triển về tổng thể vẫn là tiến lên chứ không thụt lùi. Khi xử lý quan hệ Trung - Mỹ, chúng tôi luôn cho rằng cần phải kiên trì tầm cao chiến lược và tầm nhìn xa trông rộng để xử lý quan hệ song phương; cần nắm chắc phương hướng lớn quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước. Hai bên cần trước sau như một kiên trì các nguyên tắc đã nêu trong 03 thông cáo chung Trung – Mỹ và Tuyên bố chung Trung – Mỹ; hết sức tôn trọng lợi ích cốt lõi và những quan ngại lớn của bên kia. Phía Mỹ đặc biệt cần giữ đúng cam kết, xử lý thận trọng và thỏa đáng những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng v.v.. Tôi cho rằng hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc sự trao đổi và điều phối, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, các kênh tiếp xúc như đối thoại kinh tế và chiến lược…, tăng cường tin cậy chiến lược, xây dựng cục diện quan hệ nước lớn tốt đẹp, hợp tác cùng thắng.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung giao thoa lợi ích của Trung Quốc và Mỹ. Tình hình và xu thế tổng thể của khu vực này hiện nay theo tôi là “mong muốn hòa bình, tìm kiếm phát triển, thúc đẩy hợp tác”. Trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc với các quốc gia khác, bất luận là nước lớn hay nước nhỏ, nước mạnh hay nước yếu, nước giàu hay nước nghèo, cũng đều là một thành viên bình đẳng. Mọi con đường của Trung Quốc đều hướng về Châu Thái Bình Dương, đều hướng ra thế giới.Tôi cho rằng các bên liên quan đều cần ra sức nỗ lực cho hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc hy vọng và hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò mang tính xây dựng ở khu vực này. Đương nhiên, cũng hy vọng Mỹ tôn trọng những lợi ích và quan ngại của Trung Quốc.Trong vấn đề Syria và Iran, Trung - Mỹ đang duy trì sự liên lạc thông suốt và chặt chẽ. Tóm lại, khu vực Trung Đông hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ phù hợp với lợi ích căn bản của người dân khu vực Trung Đông, mà đồng thời cũng phù hợp với lợi ích căn bản của cộng đồng quốc tế.
(3) Quan hệ Trung – Nga: tăng cường toàn diện hợp tác thiết thực
Phóng viên: Ông có bình luận gì về cuộc bầu cử Tổng thống vừa diễn ra tại Nga? Trung Quốc có cân nhắc thế nào về quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược Trung - Nga trong thời gian tới?
Dương Khiết Trì: Chúng tôi được biết, cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga đã diễn ra thuận lợi vào ngày 04/3 vừa qua. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có điện chúc mừng tân Tổng thống đắc cử Putin. Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên trì cùng với phía Nga thúc đẩy quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược Trung - Nga, tăng cường toàn diện hợp tác thiết thực giữa hai nước. Quan hệ Trung – Nga năm nay có thể khái quát bằng “01 trung tâm, 05 trọng điểm”.“Một trung tâm” là quán triệt thực hiện toàn diện quy hoạch 10 năm phát triển quan hệ Trung – Nga; “05 trọng điểm” là: (i) làm tốt các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trong năm nay; (ii) mở rộng sự ủng hộ lẫn nhau về chính trị; (iii) tăng cường thêm một bước hợp tác cùng có lợi trên các mặt kinh tế mậu dịch, tài nguyên năng lượng, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; (iv) tăng cường giao lưu nhân văn, đặc biệt là cần tổ chức tốt “Năm du lịch nước Nga 2012”; (v) thắt chặt hợp tác giữa hai nước trong các công tác khu vực và quốc tế.
(4) Quan hệ Trung – Nhật: tăng cường tình cảm nhân dân
Phóng viên báo Yomiuri Shimbun: Giữa Nhật Bản và Trung Quốc có một số vấn đề nhạy cảm. Trong tình hình đó, ông cho rằng cần làm gì để mở rộng tin cậy chiến lược Trung – Nhật, cải thiện tình cảm nhân dân hai nước?
Dương Khiết Trì: Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản sẽ hết sức nhận thức được tính chất phức tạp và nhạy cảm của những vấn đề tồn tại trong quan hệ Trung - Nhật, như vấn đề lịch sử và đảo Điếu Ngư. Những vấn đề này có liên quan đến nền tảng chính trị và đại cục quan hệ hai nước. Tôi cho rằng phía Nhật Bản cần thực sự lấy lịch sử làm gương, hướng tới tương lai, thiết thực lấy đại cục quan hệ hai nước làm xuất phát điểm, xử lý tốt những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi cũng thực sự cho rằng cần phải bàn đến việc làm thế nào để nâng cao tin cậy chiến lược và cải thiện tình cảm giữa nhân dân hai nước. Mấu chốt của việc nâng cao tin cậy Trung – Nhật là cần nhìn nhận khách quan và đúng đắn trên phương diện chiến lược về sự phát triển của bên kia, thực sự coi sự phát triển của bên kia là cơ hội, coi bên kia là đối tác phát triển. Năm 2008, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao hai nước đã tuyên bố văn kiện chính trị Trung – Nhật thứ tư; đã đạt được nhận thức chung quan trọng về việc hai nước “là đối tác hợp tác của nhau, không tạo thành mối đe dọa lẫn nhau”, “ủng hộ sự phát triển hòa bình của bên kia”… Biến những nhận thức chung này thành hành động cụ thể sẽ giúp sự tin cậy giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu. Tôi cho rằng tăng cường tình cảm giữa nhân dân hai nước là một công trình mang tính hệ thống, cả hai bên đều cần phải có tầm nhìn xa trông rộng, làm việc nhiều tầng nấc, đặc biệt là cần làm tốt công tác giao lưu thanh niên, làm cho ngày càng nhiều người tham gia vào sự nghiệp hữu nghị giữa hai nước.
(5) Quan hệ Trung Quốc – EU: Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào Châu Âu
Phóng viên thông tấn xã Tây Ban Nha (EFE): Theo ông đồng Euro liệu còn có tương lai hay không? Nỗ lực giải quyết vấn đề nợ công Châu Âu liệu có mang lại cho Trung Quốc cơ hội đầu tư hay không? Ngoại trưởng đánh giá thế nào về quan hệ Trung Quốc – EU hiện nay?
Dương Khiết Trì: Lãnh đạo Trung Quốc và Châu Âu mới đây đã có cuộc gặp gỡ và đã đạt được kết quả quan trọng, Tôi cho rằng tương lai phát triển của quan hệ Trung Quốc – EU là hết sức tươi sáng. Đồng tiền chung Châu Âu mặc dù đã trải qua không ít khó khăn, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng Châu Âu và đồng Euro có đủ năng lực và trí tuệ để vượt qua khó khăn tạm thời, giải quyết tốt vấn đề nợ công, đón nhận tương lai phát triển mới.Trung Quốc luôn có niềm tin vào Châu Âu và đồng tiền chung Châu Âu, bằng cách thức của mình, chúng tôi luôn ủng hộ tài chính tiền tệ Châu Âu và đồng Euro ổn định; Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào Châu Âu, hướng tới mục đích cùng có lợi, cùng thắng./.
 Theo Fmprc (ngày 07/03)