Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

4. Tám thách thức với châu Phi trong năm 2013


(Toquoc)-Bất ổn, bạo lực, rối ren chính trị, sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố… những thách thức mà lục địa đen sẽ phải đối mặt trong năm 2013.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AFDB), trong năm 2013 châu Phi có thể vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế đã đạt được trong suốt thập kỷ qua, với mức trung bình không dưới 5%. Mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ này thậm chí còn được giữ vững  sau năm 2013 bởi châu lục được hưởng lợi từ nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên mới phát hiện, nhu cầu nội địa tăng mạnh do sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, sự gia tăng đầu tư nước ngoài cùng sự phát triển mạnh của hệ thống hạ tầng… Tuy nhiên, châu Phi sẽ phải đối mặt những thách thức to lớn trong năm 2013 có nguy cơ tác động tiêu cực đến tốc độ phát triển kinh tế của châu lục này nếu không được giải quyết hợp lý.

Nông dân châu Phi mất đất do làn sóng thôn tính đất đai của các nhà giàu nước ngoài
Thứ nhất là bối cảnh chính trị rối ren. Tình hình tại Kenya dự kiến sẽ tiếp tục căng thẳng khi hai ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống của nước này đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố do cáo buộc đồng lõa trong các cuộc xung đột đẫm máu sau cuộc tổng tuyển cử năm 2007. Bất ổn tại Kenya sẽ tác động tiêu cực đến Đông Phi, một trong những trung tâm phát triển nhanh nhất ở châu lục này.
Zimbabwe cũng đang hết sức bất ổn sau hai cuộc bầu cử gây tranh cãi trong thập kỷ qua, mà kết quả là sự ra đời một chính phủ, với quyền lực chia sẻ cho hai phe đối lập nhau và đang bị quốc tế trừng phạt. Một cuộc bầu cử thiếu tự do và công bằng ở nước này có thể sẽ dẫn đến một cuộc đấu tranh tàn khốc giữa phe ủng hộ Tổng thống Bobert Mugabe và phe ủng hộ Thủ tướng Morgan Tsvangirai. Tương tự như Kenya, bạo lực ở Zimbawe sẽ gây bất ổn cho miền Nam châu Phi, với hàng triệu người có thể chạy sang lánh nạn tại Nam Phi. 
Trong năm 2013, hầu hết các chính phủ ở châu Phi (trừ Botswana có thể coi là một ngoại lệ) phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng đã lên tới mức gay gắt và thất nghiệp tăng cao. Đặc biệt, các cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái chính trị và các tầng lớp thượng lưu có khả năng sẽ gia tăng trong năm 2013 tại Nigeria, Nam Phi, Ghana, Senegal, Nam Sudan, Uganda, Ai Cập và Tunisia.
Xung đột và nội chiến là vấn đề thứ hai mà châu Phi sẽ phải đối mặt trong năm 2013. Ngày 20/12/2012, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã cho phép can thiệp quân sự vào Mali để giành lại phần lãnh thổ phía Bắc bị các nhóm vũ trang Hồi giáo chiếm giữ từ năm ngoái. Chiến sự tại quốc gia Tây Phi này có thể lan rộng sang các nước láng giềng. Đầu năm 2013, Pháp đã bất ngờ tiến hành chiến dịch quân sự “Mèo rừng châu Phi” với hy vọng đánh bại nhóm hồi giáo nổi dậy ở miền Bắc nước này nhưng dường như chiến dịch đã thất bại khi các lực lượng Hồi giáo tiến hành các chiến dịch trả đũa mà mới nhất là vụ bắt con tin chấn động toàn thế giới ở Algeria, một lần nữa cảnh báo về chủ nghĩa khủng bố mới.
Cuộc xung đột ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Conggo cũng là vấn đề bao trùm các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an về châu Phi trong năm 2012, và có khả năng sẽ tiếp tục cho đến khi cộng đồng quốc tế đạt được thỏa thuận về một sự can thiệp mang tính quyết định.
Ở Tây Phi, Guinea Xích đạo cũng có thể rơi vào nội chiến, chủ yếu do quốc gia này trở thành một trung tâm lớn cho hoạt động buôn bán ma túy quốc tế. Tương tự, cuộc nổi dậy của nhóm Hồi giáo Boko Haram ở miền Bắc Nigeria sẽ tiếp tục dai dẳng cho đến khi chính quyền trung ương hoặc là giành được một chiến thắng quyết định trên chiến trường hoặc một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Các cuộc nổi dậy của lực lượng phiến quân gần đây ở Cộng hòa Trung Phi có thể làm nảy sinh các phong trào tương tự ở các nước khác đặc biệt là ở những nơi mà chính quyền trung ương chỉ nắm được quyền kiểm soát trên danh nghĩa. Trong khi đó, chính phủ Somalia sẽ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào quân đội của Liên minh châu Phi (AU).
Thứ ba là tình trạng các chính sách phát triển thân thiện không được thực hiện nhanh chóng và tích cực. Các báo cáo khác nhau do nhiều tổ chức quốc tế công bố cho thấy châu Phi chưa đạt được các mục tiêu lien quan đến việc xây dựng chính sách phát triển. Trong khi đó, các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự vẫn còn hiếm. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít khi được hưởng lợi từ chính sách, công nghiệp hóa mới chỉ ở giai đoạn đầu: mặc dù đại diện cho hơn 10% dân số thế giới, châu lục này chỉ tạo ra khoảng 1% sản lượng hàng hóa của thế giới.
Thứ tư là tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc và các nước vùng vịnh. Theo AFDB, kim ngạch trao đổi thương mại với Trung Quốc đã tăng từ mức 9 tỷ USD năm 2000 lên 160 tỷ USD trong năm 2011 và vượt 200 tỷ USD trong năm 2012. Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã bày tỏ lo ngại về tính “không bền vững” trong quan hệ thương mại lâu dài với Trung Quốc. Trong khi đó, ngân hang Standard Chartered cho biết, thương mại của châu Phi với các nước vùng Vịnh Pecxich, tập trung chủ yếu vào lương thực và tiếp cận đất canh tác, đã tăng từ 10 tỷ USD năm 2002 lên 49 tỷ USD trong năm 2011, song việc các nước Vùng Vịnh đặt trọng tâm vào lĩnh vực nông nghiệp có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề do cuộc chạy đua “chiếm đất” châu Phi bị đánh giá là thiếu bền vững.
Thứ năm, châu Phi vẫn tiếp tục căng thẳng với phương Tây về cải cách chính phủ. Các nhà lãnh đạo châu Phi ngày càng có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm đối tác đầu tư và thương mại. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các chính phủ châu Phi và phương Tây giờ đây bất đồng với nhau ngày một thương xuyên và công khai trong vấn đề liên quan đến cải cách quản lý như một điều kiện tiên quyết cho việc đầu tư. Những bất đồng này dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2013, đặc biệt là khi các nước phương Tây phải quay về “chữa trị” các nền kinh tế đang lao đao của họ.
Thứ sáu, bệnh tật, thuốc giả và quyền tiếp cận nước sạch, các vấn đề dai dẳng tại châu Phi tiếp tục là các trọng tâm nghị sự của khu vực. Các tầng lớp trung lưu châu Phi mắc ngày một nhiều các chứng bệnh được gọi là “bệnh nhà giàu” hoặc do lối sống tạo ra như cao huyết áp, đột quỵ, béo phì, tiểu đường, ung thư và các bệnh đường hô hấp mãn tính. Với tỷ lệ HIV, lao, sốt rét và các bệnh truyền nhiễm khác ở mức rất cao, các nhà hoạch định chính sách y tế châu Phi đang tranh luận về cái gọi là “gánh nặng nhân đôi đối với ngành y tế” vì tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm lẫn không truyền nhiễm đều gây ra những nguy cơ nghiêm trọng.
Trong năm 2013, châu Phi còn phải đối phó với hiểm họa từ nạn buôn bán thuốc giả, khiến hang nghìn người có nguy cơ tử vong hoặc lâm trọng bệnh. Không chỉ vậy, có tới 300 triệu người dân châu Phi cho đến nay vẫn chưa thể tiếp cận nguồn nước sạch cho dù gần đây đã phát hiện được bằng chứng cho thấy châu lục này nằm trên những nguồn nước ngầm dồi dào và dễ tiếp cận. Điều đáng chú ý là các nguồn nước khổng lồ này lại nằm ở những khu vực khô cằn ở phía Bắc.
Cuối cùng, việc tỷ lệ thanh niên thấy nghiệp ngày càng cao đang đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự ổn định của châu Phi. Báo cáo về triển vọng kinh tế châu Phi cho thấy có tới 70% dân số châu Phi ở độ tuổi dưới 30 tuổi và trên 60% số người thất nghiệp là những người trẻ tuổi. Lực lượng thanh niên được đào tạo lẫn lao động phổ thông không tìm được việc làm như “quả bom hẹn giờ” có thể nổ bất cứ lúc nào./.
PV
http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/toquoc.gov.vn/Tam-thach-thuc-voi-chau-Phi-trong-nam-2013/10285824.epi