Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

71.Từ nghiên cứu lịch sử giáo dục phương Tây nghĩ về triết lý giáo dục Việt Nam




28-08-2011
PGS.TS Ngô Minh Oanh
Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Giáo dục                      
Bài viết được trích từ Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Triết lý Giáo dục Việt Nam" do Viện Khoa học Giáo dục tổ chức tháng 8/2011
So với Phương Đông nền văn minh Phương Tây ra đời chậm hơn đến cả thiên niên kỷ. Khi Phương Đông đã gặt hái được những thành tựu rực rỡ của văn minh thì Phương Tây đang đắm chìm trong lạc hậu và dã man. Họ đã tiếp thu những thành tựu văn minh của người phương Đông thông qua người Ả Rập để làm giàu thêm kho tàng tri thức của mình. Những phát minh vĩ đại của người Phương Đông (Trung Quốc) đã được người phương Tây sử dụng một cách hiệu quả cho sự phát triển.
Kỹ thuật làm giấy và kỹ thuật in thay vì dùng để in lá bùa, chú... phục vụ cho cúng bái của người Trung Quốc đã được người phương Tây sử dụng phục vụ để in tài liệu phổ biến khoa học và in sách giáo khoa phục vụ cho cho giáo dục nhà trường. Trường học ra đời sớm và giáo dục phát triển là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội Tây Âu vào thời hậu kỳ trung đại và thời cận đại đã bứt phá một cách ngoạn mục để lại phương Đông trì trệ ở đàng sau. Giáo dục phương Tây với những triết lý của họ thật đáng nghiên cứu và suy ngẫm.
1. Trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ, hai quốc gia tiêu biểu của nền văn minh phương Tây là Hy Lạp và La Mã đã có đạt được những thành tựu về giáo dục. Hy Lạp là một quốc gia cổ đại bao gồm vùng lãnh thổ phía Nam bán đảo Ban Căng, các đảo trên biển Êgiê và vùng phía Tây Tiểu Á. Còn La Mã, khi mới ra đời nằm trên vùng đất bán đảo Italia. Thời kỳ phát triển mạnh nhất La Mã đã mở rộng lãnh thổ của mình bao gồm cả vùng Nam Âu, vùng phía Đông Địa Trung Hải, vùng Bắc Phi và vùng phía Tây bao gồm các quốc gia ven bờ Đại Tây Dương. Lãnh thổ La Mã rộng lớn đến mức, biển Địa Trung Hải như là một cái hồ nhỏ nằm lọt trong lãnh thổ đế quốc. Thời kỳ Hy Lạp - La Mã là thời kỳ lãnh thổ chưa định hình ổn định, những cuộc chiến tranh giữa các thành bang và giữa các nước thường xuyên xảy ra. Do những yếu tố không thuận lợi về sản xuất nông nghiệp, nhưng bù lại hai quốc gia này có nhiều thuận lợi về buôn bán, giao thương ở trên biển. Chiến tranh và thương mại đều phải cần đến những con người quả cảm, gan dạ để luôn giành phần thắng về mình. Những chiến binh dũng cảm dưới ngọn cờ của vua Odyssey trong thiên anh hùng ca Italiad và Odyssey là những hình ảnh lý tưởng, là nguyện vọng của người dân Hy Lạp muốn gửi gắm.
Từ những yêu cầu của công cuộc giao thương hàng hải, việc bảo vệ và mở rộng lãnh thổ, nền giáo dục Hy Lạp đã tổ chức đào tạo hướng đến đáp ứng những đòi hỏi của xã hội. Giai cấp chủ nô và tầng lớp quý tộc đã tổ chức nền giáo dục của mình đào tạo ra những học trò theo mẫu hình mà họ mong muốn: "Con trai các nhà quý tộc được đào tạo trong các vương phủ theo chiều hướng thiên anh hùng ca để trở thành các quân nhân can đảm, dám hy sinh để bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Các thanh niên này sau sẽ trở thành những phần tử ưu tú, các anh hùng của chế độ" [1].
Ở thành bang Sparta, học tập quân sự và công dân giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất với mục đích đào tạo các chiến sĩ dũng cảm, sẵn sàng đóng góp, hy sinh cho tổ quốc[2] : "Học sinh tùy theo tuổi được sắp xếp học tập trong các đơn vị do các chiến sĩ trẻ tuổi đảm trách. Đây là những trung tâm giáo dục tập thể, thoát ly gia đình, sống cuộc đời hoàn toàn quân ngũ với những đồng phục giản dị, ngủ trên đất, ăn uống thiếu thốn và nhiều khi phải tự mưu sinh. Kỷ luật trường học nghiệt ngã, học sinh tham gia huấn luyện vào cả ban ngày và ban đêm với những môn quân sự, chiến tranh đặc biệt là  phải tuân lệnh thượng cấp một cách mù quáng. Từ những học sinh này, thành bang Sparta đã có một đội quân rất hung mạng. Tất cả con trai Sparta không chỉ đều phải rèn luyện trong các trường học quân sự của nhà nước, đến năm 20 tuổi thì phải tham gia quân đội cho đến năm 60 tuổi. Có thể nói nhờ đội ngũ những "chiến binh" này mà Sparta đã tồn tại và phồn thịnh trong nhiều thế kỷ.
Khác với thành bang Sparta, Athens là một thành bang có chế độ chính trị dân chủ nhất ở Hy Lạp, có lẽ vì thế mà ở Athens trường học được thực hiện theo một chương trình giáo dục không chú trọng quá nhiều đến quân sự mà lại chú trọng hơn đến việc đào tạo mẫu người "khôn ngoan và đạo đức" để phục vụ cho công việc thương mại ở trên biển. Để phục vụ mục tiêu đó đã xuất hiện các phương pháp giáo dục mới như: Giáo dục "thực tế và đa dạng" của Aristotle; giáo dục "diễn thuyết" của Sophist; giáo dục "đối thoại" của Socrates;  giáo dục "lý tưởng" của Platon... Aristotle đã tuyên bố về triết lý giáo dục của mình như sau: "Không ai có thể nghi ngờ được rằng các nhà làm luật phải chú trọng đặc biệt vào việc giáo dục tuổi trẻ hơn bất cứ vấn đề nào khác... Công dân phải được rèn luyện theo đường lối tổ chức chính quyền đương thời"[3].
Tuy có kế thừa giáo dục Hy Lạp, nhưng La Mã chú trọng hơn đến giáo dục gia đình. Với thanh niên La Mã, họ được chấm dứt giáo dục gia đình khi tròn 16 tuổi, sau đó được gửi đi thực tập nghề nghiệp hay thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khởi đầu với tư cách là một quân nhân, dần dần họ được đào tạo để trở thành cấp chỉ huy. Như vậy người thanh niên La Mã được đào tạo theo truyền thống gia đình và xã hội, được chú trọng về quân sự. Giáo dục được hướng đến như là một sự noi gương các bậc huynh trưởng với những hình ảnh thực tế của nó.
2. Thời trung đại, Tây Âu bước vào chế độ phong kiến từ thế kỷ thứ V với sự diệt vong của đế quốc Tây La Mã. Sự kiện này đánh dấu chế độ chiếm hữu nô lệ kết thúc, các vương quốc mới thành lập trên lãnh thổ đế quốc Tây La Mã đi vào con đường phong kiến hóa. Xã hội phong kiến với 2 giai cấp chủ yếu là giai cấp địc chủ phong kiến và giai cấp nông dân. Hình thức bốc lột chủ yếu hình thức bóc lột địa tô phong kiến - một nghĩa vụ nặng nề mà những người nông dân lĩnh canh phải gánh chịu. Ki tô giáo bị đàn áp dã man khi mới ra đời, nay đã trở thành một thế lực mạnh chi phối đời sống tinh thần và văn hóa xã hội. Vương quyền (nhà vua) và thần quyền (giáo hội) đã dựa vào nhau và câu kết chặt chẽ để thống trị nhân dân. Trong cơ cấu xã hội tầng lớp tăng lữ và giai cấp quý tộc phong kiến là đẳng cấp trên nắm quyền thống trị xã hội. Một bộ phận quý tộc phong kiến là tầng lớp "kỵ sĩ" trở thành mẫu người lý tưởng của xã hội phong kiến. Họ là tầng lớp luôn trung thành với lãnh chúa, sùng đạo và tôn thờ người đẹp... mà xã hội luôn ca ngợi. Họ chính là sản phẩm của nhà trường phong kiến Tây Âu bên cạnh tầng lớp tăng lữ được đào tạo trong các nhà trường tôn giáo.
Giáo dục thời phong kiến Tây Âu có 2 loại trường chính là các trường của giáo hội và loại trường của lãnh chúa phong kiến.
Đối với loại trường của giáo hội, với thế lực ngày càng mạnh, bên cạnh việc phát triển của hệ thống nhà thờ, hệ thống trường học giáo hội cũng ra đời và phát triển nhanh chóng. Mục đích của giáo dục nhà thờ không gì khác hơn là đào tạo ra tầng lớp tăng lữ để hiểu Chúa, tin Chúa và đảm nhận sứ mệnh tuyên truyền giáo lý của tôn giáo. Người phụ trách và giảng dạy trong các trường nhà thờ là các tăng lữ với ngôn ngữ của Chúa - tiếng La tinh được dùng để giảng dạy cho học sinh. Học sinh được chú trọng rèn luyện khả năng viết và nhớ, không được phép hoài nghi mà chỉ biết chấp nhận những gì thầy đã dạy. Những môn học đã được dạy với tính thực dụng của nó: Nắm vững ngữ pháp tiếng La tinh để hiểu kinh thánh, sách vở tôn giáo; học phép biện chứng để học sinh có khả năng bảo vệ được những tín điều tôn giáo; thuật hùng biện để thuyết phục tín đồ .v.v.
Với trường học phong kiến, giai cấp quý tộc phong kiến đã dùng giáo dục để đào tạo ra tầng lớp kỵ sĩ - những người giỏi về cung kiếm và có nghĩa vụ bảo vệ cho chính quyền phong kiến. Họ là những người sống bằng nghề cung kiếm với những phẩm chất cần có là theo ý Chúa, trung thành và dốc hết sức mình để bảo vệ các lãnh chúa. Họ được giáo dục qua các giai đoạn "thị đồng" hay "tòng sĩ" mà phần lớn thời gian đều ở các "trường học gia đình" trong lâu đài của các lãnh chúa. Nội dung học tập là những phẩm chất đạo đức phong kiến như lòng trung thành tuyệt đối và triệt để chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Các môn học cưỡi ngựa, ném lao, đánh kiếm, săn thú... cũng được dạy với mục đích hết sức thực dụng là trở thành những người bảo vệ đắc lực cho tôn chủ. Đến năm 21 tuổi, nếu cậu học trò "tòng sĩ" đã nắm vững đầy đủ đạo đức phong kiến, có những hiểu biết cần thiết về ba lĩnh vực: tôn giáo, chiến tranh và ái tình thì sẽ được phong làm kỵ sĩ với một nghi lễ long trọng.
Do mục đích giáo dục chỉ nhằm đào tạo ra những con người phục vụ nhà thờ và lãnh chúa phong kiến một cách mù quáng nên những nội dung học tập chủ yếu là kinh thánh, quân sự mà thiếu vắng bóng dáng của các môn khoa học, nhất là khoa học tự nhiên.
Với sự xuất hiện các thành thị thời trung đại làm cho bộ mặt Tây Âu có nhiều thay đổi. Với sức mạnh kinh tế của mình, các thành thị đã tự giải phóng ra khỏi sự ràng buộc vào các lãnh chúa để trở thành không những là một trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa, giáo dục của xã hội Tây Âu thời trung đại. Hoạt động văn hóa ở thành thị ngày càng phong phú, các trường học thế tục dần dần xuất hiện. Từ thế kỷ thứ XII, các trường đại học ở Tây Âu lần lượt ra đời, trong đó có các trường rất nổi tiếng như trường Đại học Paris (1150); Đại học Oxford (1167); Đại học Cambridge (1233); Đại học Bôlônhơ (1388); Đại học Heidenburg (1385); Đại học Harvard (1636)...
Vào các thế kỷ XV-XVI, ở Tây Âu mặc dù quan hệ sản xuất phong kiến vẫn còn chiếm vị trí thống trị nhưng những quan hệ sản xuất mới tư bản chủ nghĩa đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Từ sau những cuộc phát kiến địa lý, Châu Âu  hoàn toàn bị lôi cuốn vào một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ tích lũy tư bản chủ nghĩa. Tình hình đó đòi hỏi giáo dục phải thay đổi cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Châu Âu bắt tay xây dựng một chương trình và triết lý giáo dục mới: giáo dục thế tục, nhân văn và khoa học. Sản phẩm của nền giáo dục cũ đào tạo ra những con người sùng đạo và trung thành không còn phù hợp nữa mà phải thay vào đó là sản phẩm của giáo dục phải là những con người có hiểu biết về tự nhiên và xã hội, có năng lực làm giàu và biết hành động vì chủ nghĩa nhân văn.
Chủ nghĩa nhân văn trong thời kỳ văn hóa phục hưng là cơ sở cho việc nở rộ những thành tựu khoa học và giáo dục. Giáo dục đã tách khỏi nhà thờ khi nội dung học tập là các môn khoa học, thầy giáo là những nhà khoa học và nhà sư phạm chứ không phải là các thầy tu như trước. Các nhà giáo dục đã giảng dạy cho học trò và lý giải các vấn đề chuyên môn một cách khoa học, không bị ràng buộc bởi giáo lý tôn giáo. Nội dung dạy học trong các trường ngoài các môn khoa học xã hội nhân văn như văn học, hùng biện, triết học... còn có cả các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, kỹ thuật và đặc biệt rất chú trọng đến phương pháp quan sát, thí nghiệm, thực hành trong dạy học. Đây là một chương trình giáo dục rất bao quát với triết lý thực dụng: dạy học phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, như tuyên bố của Tomas More: "Thực thi một chế độ giáo dục mới, tiến bộ để thay thế cho trật tự đương thời của chế độ phong kiến về giáo dục".
3. Bước sang thời cận đại, dưới ngọn cờ của giai cấp tư sản đang lên, trên cơ sở những tư tưởng nhân văn thời Phục hưng và thời Khai sáng, giáo dục cận đại châu Âu chủ trương giải phóng con người và tập hợp quần chúng nhân dân làm cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến, xác lập chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng giáo dục tiến bộ tiếp tục được đề cao: Coi giáo dục là vạn năng, dùng giáo dục để thay đổi xã hội; giáo dục con người phát triển toàn diện, đạo đức, trí tuệ, thể chất và kỹ năng lao động; coi trọng các khoa học tự nhiên và chú trọng đến các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng thực hành... Có thể nói, vào các thế kỷ XVIII - XIX giáo dục thế tục đã thắng thế với 3 đặc điểm được ghi nhận là dùng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ địa phương hay ngôn ngữ dân tộc làm quốc ngữ thay thế cho tiếng latinh; việc giảng dạy các môn khoa học được xây dựng thành chương trình, nhất là khoa học tự nhiên, kỹ thuật; phương pháp sư phạm khoa học hơn bằng việc dạy học phải dựa vào những đặc điểm tâm sinh lý học sinh, phương pháp dạy học tích cực được chú trọng[4].
Sau thắng lợi của các cuộc cách mạng tư sản ở Anh, Bắc Mỹ, Pháp... và cho đến giữa thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã xác lập thành một hệ thống thế giới. Cách mạng công nghiệp được mở đầu từ nước Anh sau đó lan ra các nước Âu - Mỹ làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ. Những đòi hỏi đáp ứng lực lượng sản xuất cho nền sản xuất công nghiệp, trong đó nhân tố con người là yêu cầu tối cần thiết đã tác động đến nhà trường và giáo dục. Thời gian này đã sự xuất hiện các nhà giáo dục lớn cùng với những tư tưởng tiến bộ của họ, coi giáo dục là nhu cầu chính đáng của mọi công dân. Họ đề cao lý luận sư phạm, tôn trọng nhân cách của học sinh, đặc biệt là nội dung giáo dục con người được chú trọng nhiều mặt: từ đức dục, trí dục, thể dục... là những phẩm chất và năng lực cần có của người lao động trong một nền công nghiệp hiện đại.
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến đỉnh cao, thì các nền giáo dục phương Tây lại một lần nữa đề ra những yêu cầu mới cho giáo dục. "Nền giáo dục mới", "nhà trường mới" là những thuật ngữ được nêu ra trong thời gian này. Người ta đã giành cho giáo dục những gì tốt nhất với những nội dung hết sức thực tế là chuẩn bị cho người lao động vốn tri thức và kỹ năng tối thiểu nhằm đem lại năng suất lao động và lợi nhuận cao nhất cho nhà tư bản. Đã xuất hiện nhiều tư tưởng mới về giáo dục như: "Nhà trường mới" của Reddie (Anh); "Nền giáo dục công dân" và "Nhà trường lao động" của Kerschensteiner (Đức); "Giáo dục thực nghiệm" của Alfred Binet (Pháp); "Giáo dục thực dụng" của Jhon Dewey, James (Mỹ)...
4. Như vậy, loại trừ những mặt hạn chế của giáo dục Tây Âu, chúng ta thấy rằng trong các giai đoạn phát triển của lịch sử, giáo dục Tây Âu vừa là sản phẩm của một thời đại, gắn rất chặt (phục vụ) những yêu cầu kinh tế - xã hội của thời đại đó, vừa là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế và xã hội phát triển.
Những nội dung và hình thức giáo dục được đề ra và thực hiện đều xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội. Triết lý giáo dục của Tây Âu không gì khác hơn là giáo dục vừa là sản phẩm vừa là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Triết lý giáo dục của họ không lơ lững trên không trung mà đều xuất phát từ cơ sở kinh tế - xã hội của một quốc gia, một thời đại.
Giáo dục Phương Tây từng bước hoàn thiện nội dung và hình thức giáo dục. Nội dung đào tạo ngày càng hoàn thiện theo hướng giáo dục toàn diện từ nội dung các môn học khoa học xã hội và tự nhiên, chú trọng rèn luyện thể lực song song với rèn luyện trí lực. Việc truyền thụ kiến thức thông qua việc thực hành, thí nghiệm, chú trọng đến hoạt động của cá thể và hứng thú học tập của học sinh.
Xuyên suốt các nền giáo dục của các nền giáo dục Phương Tây là đều chú trọng đến đào tạo ra hình mẫu con người mà xã hội cần đến. Quan tâm đến "giáo dục lý tưởng" cho một lớp người kế tục việc quản lý xã hội mà chế độ đó đang hướng tới. Tính thực tế/thực dụng trong giáo dục đào tạo luôn chi phối các triết lý và thực thi của các nền giáo dục Phương Tây.     
5. Việt Nam có một lịch sử giáo dục lâu đời và đạt được nhiều thành tựu. Qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau giáo dục đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp "kinh bang tế thế" của dân tộc.
Nền giáo dục truyền thống của ta trong thời phong kiến đã chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phong kiến Trung Hoa - giáo dục Nho giáo. Giáo dục Nho giáo lấy đạo "trung quân" làm mục tiêu hướng tới và sản phẩm khuôn vàng thước ngọc là đào tạo ra "người quân tử". Từ đó "Tam cương", "ngũ thường" trở thành một chuẩn mực để giáo dục phải theo. Sách thánh hiền "tứ thư", "ngũ kinh" là những bộ sách giáo khoa không thể thiếu trong dạy học. Sĩ tử thấm nhuần trong sách thánh hiền những gương sáng người xưa về đối nhân xử thế, về cách cai trị để mà "tề gia", "trị quốc" và cao hơn nữa là "bình thiên hạ". Khi vượt qua được các "trường thí" thì người học được bổ đi làm quan, thực hiện điều hệ trọng nhất trong "tam cương" là cặp quan hệ "quân - thần" mà trung quân là tiêu chuẩn của người "ái quốc". Sự phiến diện trong nội dung giáo dục và mục tiêu giáo dục Nho giáo đã làm trì trệ nền giáo dục nước nhà mà còn là lực cản cho sự phát triển của đất nước.
Trong thời kỳ thuộc Pháp, ý thức được tầm quan trọng của giáo dục đối với công cuộc khai thác thuộc địa, Pháp đã áp đặt nền giáo dục Phương Tây vào nước ta. Trong bối cảnh nền giáo dục Nho giáo đang hồi suy tàn với một lối dạy học lạc hậu, nội dung phiến diện không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân tài cho đất nước, thì nền giáo dục phương Tây đã đưa đến những yếu tố mới cho nền giáo dục. Đó là việc tổ chức hệ thống trường học, cấp học, lớp học có hệ thống bài bản, với hình thức tổ chức dạy học tập trung. Học sinh được tổ chức học thành lớp có cùng độ tuổi, giống nhau về tâm sinh lý, cùng học một chương trình thống nhất, đa dạng về loại hình trường lớp và được tổ chức rộng khắp. Chương trình được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện không chỉ có khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ... Giáo dục thời thuộc Pháp đã đào tạo được một đội ngũ trí thức Tây học mặc dù có chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp nhưng họ đã nhận thức được sự đối xử bất bình đẳng, miệt thị của người Pháp đối với người bản xứ. Trừ một số cam tâm làm tay sai cho Pháp, còn phần lớn họ có lòng yêu nước, gắn bó với các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân.
Những hệ quả khách quan tích cực nằm ngoài mục đích của thực dân Pháp, nền giáo dục thời Pháp thuộc vẫn là một nền giáo dục thực dân, phục vụ cho mục đích cai trị của Pháp tại Đông Dương : Gieo rắc những tư tưởng nô dịch, tuyên truyền cho văn hóa, tư tưởng " mẫu quốc ", chủ yếu phục vụ  con em người Pháp và quan lại người Việt thân Pháp, phần lớn nhân dân ta vẫn ở trong đói nghèo, lạc hậu và mù chữ.       
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra một trang mới cho con đường phát triển đất nước. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nền tảng và định hướng cơ bản cho hoạch định một triết lý giáo dục. Một nền giáo dục mới đã được xác lập cho phù hợp với hoàn cảnh mới của đất nước. Ngay trong năm học đầu tiên sau Cách mạng, Đại hội Giáo giới toàn quốc đã xác định 3 nguyên tắc xây dựng nền giáo dục Việt Nam là "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng".
Trải qua các lần cải cách, điều chỉnh 1950, 1956, 1981... nền giáo dục đã dần dần được hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu cao nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ bao thế hệ thanh niên ưu tú - sản phẩm của nền giáo dục cách mạng đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất tổ quốc. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, chúng ta không có thời giờ để đặt ra và thảo luận cho ra nhẽ vấn đề triết lý của nền giáo dục của chúng ta là gì. Nhưng bằng kết quả sản phẩm của nền giáo dục đạt được đã là câu trả lời cho câu hỏi về triết lý  giáo dục: Nền giáo dục phục vụ cho nhiệm vụ cao cả của dân tộc, của thời đại mà sản phẩm của nó là đào tạo ra những con người "vừa hồng, vừa chuyên"[5] yêu nước, sẳn sàng cống hiến cho yêu cầu của đất nước.      
Đất nước thống nhất, cả nước cùng phấn đấu cho một mục tiêu chung vì sự nghiệp "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Đại hội Đảng lần thứ XI tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường mà dân tộc ta đã chọn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội quyết định chiến lược: "tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"[6] Trong phần Quan điểm phát triển, Cương lĩnh cũng chỉ rõ: "Phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển"[7]. Trong Báo cáo chính trị của Đại hội, phần Giáo dục - Đào tạo cũng được khẳng định chủ trương "phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao"; "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo"; "thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo"[8].
Như vậy, Đảng đã khẳng định rõ về chế độ chính trị mà chúng ta tiếp tục xây dựng với những cơ sở kinh tế và xã hội đặc trưng của nó. Giáo dục đào tạo là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, không thể không chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng của hình thái kinh tế xã hội. Triết lý giáo dục, nghĩ cho cùng thì không phải cái gì khác mà đó chính là hệ thống quan điểm, chủ trương, phương hướng được cụ thể hóa trong nội dung, hình thức đào tạo và mục tiêu hướng tới của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Những quan điểm, chủ trương cũng như nội dung, hình thức và mục tiêu nói trên phải phù hợp và đáp ứng với yêu cầu của thực tế của đất nước.   
Hiện nay chúng ta đang ở trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, chuẩn bị cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội bằng việc "hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động, chúng ta còn phải "vừa phát huy nội lực vừa hội nhập quốc tế". Vì thế triết lý giáo dục mà chúng ta hướng tới, thiết nghĩ, cần phải giải quyết những vấn đề sau đây:
- Để đáp ứng theo yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ XXI, ngành giáo dục - đào tạo có nhiệm vụ đáp ứng nguồn lực con người. Để làm tốt nhiệm vụ trọng đại đó, chúng ta phải xác định được "Chuẩn con người Việt Nam thế kỷ XXI" với những định hướng giá trị phù hợp. Đấy là con người vừa truyền thống vừa hiện đại; vừa có những phẩm chất đặc trưng của con người Việt Nam như yêu nước, cần cù, nhân ái... vừa có những phầm chất của "công dân quốc tế" - con người hiện đại như trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp cao, có lối sống, tác phong công nghiệp, có khả năng hội nhập quốc tế...
- Từ chuẩn mực đó, chúng ta xây dựng hệ thống quan điểm, định hướng cho việc tổ chức một nền giáo dục "mở": Đa dạng hóa loại hình trường, lớp đảm bảo cho mọi công dân đều được học suốt đời. Bên cạnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, chú trọng đặc biệt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu phát triển vì đây là lực lượng chủ chốt xây dựng đất nước. Giao quyền chủ động cho các trường trong nhiệm vụ đào tạo, chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh về chất lượng giáo dục trên cơ sở những định hướng chung của nhà nước.   
- Từ cơ sở "Chuẩn con người Việt Nam thế kỷ XXI" và hệ thống quan điểm, định hướng của nền giáo dục, chúng ta mới lựa chọn những nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp, trong đó xây dựng được một chương trình đào tạo tốt với những nhóm kiến thức, kỹ năng theo chuẩn đầ ra đã được phác thảo. Bên cạnh giáo dục cho người học những phẩm chất cần có theo truyền thống dân tộc, các nhóm nội dung kiến thức cần phải trang bị là: Nhóm kiến thức nền tảng; nhóm kiến thức nghề nghiệp chuyên môn; nhóm kiến thức công cụ và phương pháp để hợp tác, hội nhập và học tập suốt đời; nhóm kỹ năng sống...
Bàn về triết lý giáo dục là một chủ đề khó, bàn cho ra nhẽ lại càng khó hơn. Nhưng việc định hình được một triết lý giáo dục đối với nền giáo dục nước ta có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó có tác dụng định hướng cho chúng ta trong bối cảnh nền giáo dục đang rất cần sự đổi mới để phát triển. Với nhận thức trên đây, xin được góp một ý kiến thảo luận về chủ đề này, dù có thể cần phải tiếp tục được hoàn chỉnh.                   
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2011) Tài liệu học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, NXB Chính Trị Quốc gia, HN.
2. Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN.
3. Bộ Giáo dục - Đào tạo (2011), Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về khoa học giáo dục Việt Nam, Tập I, Tập II, Hải Phòng - tháng 2 - 2011.
4. Phạm Minh Hạc (1996), Mười năm đổi mới giáo dục, NXB Giáo Dục, HN.
5. Đinh Xuân Lâm (Chủ biên,1997) Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, NXB Giáo Dục, HN.
6. Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục và khoa cử Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, HN.
7. Đoàn Huy Oánh (2004), Sơ lược lịch sử giáo dục, NXB ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Gia Phu (1998), Lịch sử thế giới trung đại, NXB Giáo Dục, HN. 9. Hà Nhật Thăng - Đào Thanh Âm (1997), Lịch sử giáo dục thế giới, NXB Giáo Dục, HN.
10. Nguyễn Q. Thắng (1993), Khoa cử và Giáo dục Việt Nam, NXB Văn hóa - Thông tin, HN.
11. Nguyễn Đăng Tiến, (1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN.



[1] Đoàn Huy Oánh (2004), Sơ lược lịch sử Giáo dục, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 33.
[2] Đoàn Huy Oánh, Sách đã dẫn, trang 33.
[3] Đoàn Huy Oánh. Sách đã dẫn, trang 39.
[4] Đoàn Huy Oánh, sách đã dẫn, tr. 138.
[5] Từ dùng của Hồ Chủ tịch.
[6] Tài liệu học tập các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, tr. 39.
[7] Sách đã dẫn, tr. 47.
[8] Sách đã dẫn, tr. 120 - 121.

70.Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội



11-09-2011
ThS. Trịnh Văn Anh
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học - Viện Nghiên cứu Giáo dục
Cùng là những môn khoa học được giảng dạy trong các trường phổ thông, nhưng khoa học xã hội hiện nay đã không còn được học sinh xếp "ngồi cùng chiếu" với khoa học tự nhiên. Khối C "trượt giá", ngày một hẻo người học lẫn người thi và việc lựa khối thi này được thế hệ 9x coi như là "chuột chạy cùng sào". Đó là sự thật! Điều gì đã khiến cho người học và xã hội tất tả chạy theo khối A, quay lưng, xa lánh và bỏ rơi một cách không thương tiếc với khối C? Điều gì đã làm cho các ngành khoa học xã hội vốn dĩ rất hấp dẫn, cuốn hút đối với người học cũng như người nghiên cứu về nó, nay thì hoàn toàn ngược lại: người học chẳng muốn học mà người dạy cũng không toàn tâm và toàn ý với nghề mình theo đuổi? Bài nghiên cứu này, chúng tôi xin được đề cập đến thực trạng, nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề nan giải hiện nay: "Chào đón khối A, ‘Buồn ơi chào mi'... khối C"[1].

1. Vài nét về thực trạng học và thi nhóm ngành khoa học xã hội
"Năm nay, kỳ thi ĐH lại chứng kiến sự giảm sút không phanh của lượng hồ sơ khối C và hồ sơ dự thi vào các ngành khoa học xã hội"[2]. Đến hẹn lại lên, vài năm gần đây, khi cận kề mùa thi đại học, người ta đều đọc được cái "tít" như thế trên các trang báo giấy cũng như báo mạng. Quả thật, các ngành khoa học xã hội đang đứng trước nguy cơ và thách thức ở cả đầu ra lẫn đầu vào khi người học ngày càng "quay lưng" với nó và hướng đến mục tiêu chọn khối ngành kinh tế làm hàng đầu. Số lượng thí sinh dự thi vào nhóm ngành khoa học xã hội ngày càng khiêm tốn, teo tóp dần, chuyển hướng thi sang nhóm ngành kinh tế đang vào độ vàng son.
Bảng : Tỷ lệ hồ sơ đăng kí dự thi vào các trường cao đẳng đại học từ năm 2009 - 2011
 
Năm
Khối A (%)
Khối B (%)
Khối C (%)
Khối D (%)
 2009
 51,0
 18,3
8,2
 14,3
 2010
 53,9
 19,8
 7,6
 15,2
 2011
 55,2
19,4
 6,4
15,5
(Nguồn: tuoitre.com.vn)
 
Người học đã thế, ngay chính các trường THPT thuộc khối công lập cũng có sự đối xử khác biệt với các môn khoa học xã hội. Phần lớn, họ tập trung vào những môn phục vụ khối thi A, B và D, bỏ qua những môn thuộc khối C nên chẳng có gì ngạc nhiên khi "nhiều giáo viên ở Hà Nội và TP.HCM nhận xét: mô hình "lớp chuyên C" hiện đã không còn xuất hiện ở một số trường THPT" [3]. Sự định hình khối thi ngay từ đầu những năm học sinh mới đặt chân vào cấp 3, hầu như các em chỉ quan tâm đến khoa học tự nhiên, ít chú ý tới những môn xã hội.
Hệ thống các trường phổ thông ngoài công lập ngoài mục tiêu đạt con số 100% tốt nghiệp, thời gian còn lại, họ tập trung chủ yếu cho ban A. Do vậy, cũng không có gì là khó hiểu khi ở một số trường ngoài công lập có tiếng chỉ chọn đội ngũ giáo viên quản nhiệm (đặc biệt là giáo viên quản nhiệm nội trú) thuộc khối khoa học tự nhiên, mặc dù trong số những "ông cử, bà cử" ấy cũng có một số người được đào tạo chẳng liên quan gì đến nghề làm thầy.
Học trò ngày càng xa lánh với khoa học xã hội. Điều này vô hình chung đã làm phá sản mục tiêu "đào tào con người toàn diện". Như vậy, mục tiêu đào tạo con người toàn diện hiện nay chỉ mang tính hình thức. Số lượng học sinh theo ban KHXH và NV trên cả nước  trong năm học 2006 - 2007 đạt 6,41% nhưng chỉ sau 2 năm, tỷ lệ này giảm xuống còn 2%. Có hơi quá khi kết luận "Chào đón khối A, ‘Buồn ơi, chào mi... khối C" như báo Vietnamnet đăng tin hay không? Nhưng cần thừa nhận đó là sự thật! Chúng ta không thể né tránh thực tế này. Học trò theo khối A như một trào lưu, trong tình hình này, những học sinh có khả năng nghiêng về tự nhiên thì chẳng nói làm gì, đằng này có trò thuộc dạng khá ban C và không khá nổi những ban còn lại cũng cố theo ban A để cho ... hợp thời thế. Bởi vậy, mới có câu chuyện cười ra nước mắt là, có thí sinh nọ nộp hồ sơ dự thi vào ngành kinh tế nhưng lại trúng tuyển vào "hàng không" (Toán: 0, Lý: 0; Hóa: 0; Tổng cộng: 0.0 -  5 số không đứng một hàng nên anh ta đậu "hàng không"). Trình độ chỉ bấy nhiêu, nhưng khi chúng tôi hỏi thì tác giả "5 không" đó vẫn hùng hồn tuyên bố rằng, em sẽ tiếp tục ôn thi đại học thêm một năm nữa. Cậu còn cho rằng, đại học là con đường duy nhất để vào đời nhưng phải là ban A???
Khối C thiếu người học trầm trọng, đó là thực trạng cần phải "báo động đỏ". Một số trường đại học đã cho tuyển sinh khối thi thuộc KHTN vào các ngành thuộc KHXH, trường Đại học KHXH & NV Hà Nội và ĐH KHXH &NV TP. Hồ Chí Minh là ví dụ. Lý giải điều này có ý kiến cho rằng thực tế là chuyên môn của một số ngành học gắn liền với đầu vào khối A. Việc tuyển sinh vừa đáp ứng nhu cầu đầu vào của từng chuyên ngành, vừa tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh, điều nay đúng nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là thiếu người học. Nhiều khoa đã cố gắng trong các khâu tuyển sinh nhưng vẫn thiếu sinh viên, chẳng hạn, "Khoa Tâm lý của ĐH Văn Hiến suốt 12 năm qua chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, mặc dù chỉ tiêu hàng năm chỉ có 70 sinh viên [4]. KHXH ngày càng teo nhỏ hơn so với nhóm ngành khác không chỉ ở quy mô đào tạo mà có những ngành đã bị loại ra khỏi danh sách tuyển sinh.
Một thực trạng nữa rất đáng buồn là kết quả kì thi đại học môn Lịch sử năm 2011 như giọt nước tràn ly đã bộc lộ hết những gì âm ỉ cháy trong lòng bấy lâu nay của xã hội thờ ơ, bàng quan với khoa học xã hội. Một vài con số 0 tròn trịa nằm trong các bài thi môn Lịch sử qua các kì thi đại học chẳng nói lên điều gì, chẳng làm người ta ngạc nhiên, nhưng một kì thi có đến hàng ngàn bài bị điểm 0 và "Hầu hết các trường, tỉ lệ thí sinh đạt điểm thi môn Sử từ trung bình trở lên chỉ chiếm từ 0,3-5%"[5] thì đó lại là một điều hoàn toàn không bình thường. Đó là cú "thôi sơn" trực diện gây "choáng toàn tập" đã buộc các nhà chuyên môn, nhà hoạch định chính sách và toàn xã hội nói chung phải vào cuộc cùng nhau mổ xẻ, tháo gỡ vấn đề, song đến nay vẫn còn rối như tơ vò.
2. Đâu là nguyên nhân chính?
Có nhiều nguyên nhân khiến cho người học quay lưng xa lánh khối C, nhưng theo chúng tôi thì có 4 nguyên nhân chủ yếu.
Trước hết, đó là vấn đề đầu ra. Những người thi khối C không có nhiều lựa chọn trường thi, ngành thi, nguyện vọng 2, 3 càng xa vời hơn so với các khối thi khác. Đầu vào như thế, đầu ra lại càng gian nan hơn. Thực tế, nhiều cử nhân khoa học xã hội không tìm ra công ăn việc làm, cực chẳng đã họ tự buộc mình vào nghề chẳng giống ai để giải quyết cái ăn, cái mặc sống lây lất tồn tại qua ngày. Xa hơn nữa, cơ hội thu nhập, thăng tiến của họ không nhiều như những người theo khối thi khác.
Xã hội chưa thực sự coi trọng khoa học xã hội nếu không muốn nói là đánh giá quá thấp nó và những người gắn bó với nó. Khi phần hồn của con người bị bỏ đói nhường chỗ cho đồng tiền, vật chất thì khó có thể nói đến sự phát triển bền vững trước mắt cũng như lâu dài. Và, một xã hội văn minh đến đâu nhưng không có sự phát triển hài hòa về văn hóa thì cũng là một xã hội phát triển khập khiễng. Đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào về mối liên quan giữa khoa học xã hội, bạo lực học đường và tội ác xã hội, nhưng vài năm nay thì có chiều hướng tăng và tăng rất mạnh đến nỗi nhiều bậc cao niên phải thốt lên rằng "xã hội loạn mất rồi (!?)" .
Cách dạy học và chương trình của những môn ban C lại quá khô khan, cứng nhắc, thậm chí nhiều người đi học cứ ngỡ như là học môn chính trị. Khi khoa học XH không còn như bản chất vốn có của nó thì khó có thể hấp dẫn người học cũng như người nghiên cứu về nó. Đánh giá về môn Lịch sử hiện nay, chúng ta hãy nghe vị giáo sư đầu ngành Sử học Đinh Xuân Lâm nhận xét:"Đó không phải là một môn giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó. Lịch sử cần được nghiên cứu và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sức hấp dẫn được (...). Cần phải viết một bộ SGK Lịch sử theo yêu cầu của thời đại, với tinh thần hòa nhập và đổi mới. Chương trình cũ chỉ thích hợp với một giai đoạn lịch sử nhất định, trong thời chiến tranh mà thôi."[6].
Chương trình vốn dĩ đã khô khan, nặng nề, cộng thêm cấu trúc chương trình có dạng vòng tròn đồng tâm, không gây được hứng thú ở người học. Nhìn lại tổng thể chương trình, chúng ta thấy có sự lặp đi lặp lại theo cấp bậc đào tạo. Đơn cử như, chương trình Địa lý lớp 6 dạy về Địa lý tự nhiên đại cương, lên lớp 10 lại học thêm một lần nữa tuy có sâu hơn, hoặc chương trình lớp 9 cung cấp cho học sinh kiến thức về Địa lý kinh tế xã hội Việt Nam, lớp 12 học sinh học thêm một lần nữa (có sâu hơn). Món ăn dù có ngon, có lạ, có hấp dẫn mức nào, nhưng ngày nào cũng thưởng thức nó thì điều gì sẽ xảy ra? Tri thức cũng vậy, khi đã biết nhất định về nó rồi thì sẽ vơi đi sự hứng thú, hấp dẫn đối với nó, nhất là với lứa tuổi ô mai hiếu động, thích khám phá những điều mới lạ thì trường học lại càng tránh tình trạng "bội thực  tri thức" ở học sinh.
Đời sống của thầy cô những năm gần đây đã cải thiện đáng kể, nhưng cuộc chạy đua giữa lương và giá vẫn chưa làm họ an tâm cho sự nghiệp trồng người. Cho đến tận bây giờ, mặc dù sắp bước sang quý 4 của năm 2011, song giáo viên vẫn chưa có thể sống được bằng lương! "Có thực mới vực được đạo"- chân lý muôn đời - người thầy cũng là một cơ thể sống nên họ cũng có nhu cầu như bao con người khác. Để đưa hồn vào bài giảng, truyền lửa cho học trò đòi hỏi người thầy phải đầu tư rất nhiều công sức, song họ còn phải "sống", đồng lương chưa thể giúp gia đình thầy cô đủ ăn đủ mặc, đó là chưa kể đến thời "bão giá" như hiện nay. Tuổi trẻ nhiệt huyết, theo thời gian, tuổi đời thêm chồng chất, tuổi nghề ngày một nhiều, kinh nghiệm ngày một dày dặn, nhưng tình yêu dành cho nghề sẽ vơi dần theo sự tụt dốc của đời sống vật chất. Đặc tính của những người học, nghiên cứu, giảng dạy các ngành thuộc KHXH thì "gừng càng già càng cay", song gừng không thể cay hơn khi vấn đề cơm áo gạo tiền đeo bám họ, ghì cuộc đời họ xuống hàng thấp nhất của xã hội. Thực tế, nếu muốn cuộc sống dễ thở hơn thì ông thầy dạy ban C phải giỏi cả hai nghề, nghề tay trái cũng như là tay mặt (nghề phụ, nếu có thể). Kết cục, những bài giảng trở nên nhạt nhẽo, vì thiếu sự đầu tư, hoặc nếu có thì cũng chỉ để đối phó với bệnh thành tích hơn là truyền thụ vì kiến thức cho đám học trò. Và, cuộc sống cơ hàn của những người thầy đã đập vào mắt học trò đó chính là "người thật, việc thật", là "người đương thời" khiến lớp trẻ bám víu vào ban A mong thoát "kiếp nghèo" bỏ rơi khối C. Chúng ta hãy nghe tâm sự của em Nguyễn Thị Thùy, lớp 12 chuyên sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, giải nhất quốc gia môn Lịch sử, tân sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội[7]: "Thích sử là một chuyện, nhưng khi chọn ngành, em phải chọn nghề mà sau này em có thể nuôi sống bản thân để bố mẹ không phải vất vả xin việc. Em không dám thi vào một ngành mà mình không nhìn thấy đầu ra"
Khối C ngày một hẻo người học lẫn người thi!
3. Làm gì để người học đến với khoa học xã hội?
Một là,  đã vào khối C là có việc làm, điều này có nghĩa là tất cả những người theo học KHXH khi tốt nghiệp đều được bố trí công ăn việc làm.
Sở dĩ người học ngày càng "quay lưng" với KHXH đó là không có đầu ra. Muốn thu hút người học đến với khối C, nhất là những người giỏi thì nhà nước cần tính toán thật kĩ nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu của các địa phương, các ngành từ đó định mức đầu vào và đầu ra cho từng ngành đào tạo. Khi chưa thể giải quyết đầu ra cho họ thì sự kêu gọi, tuyên truyền, cổ vũ... cũng chỉ  là vô nghĩa và làm sự việc thêm rối ren trở thành "hề" trong mắt người học, xã hội.
 Về điều kiện để được bố trí việc làm, theo chúng tôi, tất cả những sinh viên tốt nghiệp đạt loại khá trở lên, tất nhiên đó phải là các trường công lập, các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, tốt nghiệp hạng trung bình khá trở xuống thì tự tìm việc, xuất sắc được toàn quyền lựa chọn nơi công tác. Mục đích này nhằm kích thích sinh viên cố gắng học tập, đó cũng là một trong những cách tạo công bằng xã hội. Bên cạnh đó, học bổng dành cho sinh viên khoa học xã hội phải cao hơn sinh viên theo học ngành khác, đồng thời cách tính thâm niên cho thầy cô dạy những bộ môn khoa học xã hội cũng cần được như thế.
Hai là,phải quan trọng hoá KHXH lên bằng cách:
Theo chúng tôi, thiết thực nhất là thi tốt nghiệp THPT phải 7 môn: Toán, Lý, Hoá, Văn, Sử, Địa, Sinh. Sở dĩ không nên đưa ngoại ngữ là môn bắt buộc vì hiện nay muốn có việc làm, muốn có cuộc sống tốt hơn thì bắt buộc cá nhân đó phải có ngoại ngữ. Khi môn học trở thành nhu cầu cuộc sống có quan hệ mật thiết với sự nghiệp, đường tiến thân thì bắt buộc người ta phải học, phải tự học và đương nhiên ngoại ngữ là môn học suốt đời dưới nhiều hình thức. Thực tiễn cho thấy, các trung tâm ngoại ngữ mọc lên như nấm sau mưa đâu có ai ép buộc phải mở ra để nâng cao dân trí, để buộc học sinh phải vào đó học thêm đối phó với thi cử mà ở đây là vì nhu cầu, người học tự tìm đến. Giả sử, bên cạnh trung tâm Anh ngữ, nếu ai đó mở thêm Trung tâm Lịch sử, Địa lý hay Văn học cạnh tranh với trung tâm kia thì điều gì xảy ra?
Với cách thi tốt nghiệp như hiên nay, những môn khoa học xã hội thực sự chỉ có thể cảm thấy được gọi là cần thiết, được coi trọng khi những môn đó được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào danh sách thi tốt nghiệp THPT. Có thể khắc phục tình trạng trên bằng cách, nội dung thi tốt nghiệp các môn KHXH phải bao gồm kiến thức của lớp 11 và 12 và học đâu thi đó không giới hạn chương trình. Điều này cũng nhằm mục đích tạo điều kiện cho giáo viên đào sâu kiến thức, có thời gian giảng giải để học sinh hiểu sâu hơn, hấp dẫn hơn.
Ba là,đổi mới chương trình và phương pháp dạy học
Đưa KHXH về đúng vị trí xưa nay là yêu cầu bước thiết hiện nay. Điều này có nghĩa là cần biên soạn lại chương trình sao cho đó là một môn khoa học thực sự phục vụ cho học tập và cho nghiên cứu chứ không thể là môn tuyên truyền cho mục đích khác. Học sinh sẽ rất chán và rất ngán khi biết trước kết cục trận đánh kiểu "ta thắng địch thua" và nhiệm vụ còn lại là nhớ xem bao nhiêu xe tăng cháy, máy bay rơi, quân địch bị tiêu diệt... KHXH là môn rất hấp dẫn không hề khô cứng, nếu nó được trả lại vị trí đúng nghĩa.
KHXH không còn nhận được sự mặn mà từ học sinh, sinh viên nữa là vì cấu trúc chương trình theo vòng tròn đồng tâm đã tạo ra sự nhàm chán trong cách dạy học của giáo viên. Vì vậy, biên soạn cấu trúc chương trình nên tránh sự lặp lại như thế để tạo sự hấp dẫn cho người học. Người học cần được học những mảng kiến thức cơ bản nhất, quan trọng nhất và luôn cảm thấy thú vị với những điều mới lạ, hấp dẫn trong mỗi bài học để từ đó có khả năng tự nghiên cứu kiếm tìm tri thức trên cơ sở kiến thức đã có. Kiểu học máy móc "thuộc lòng" buộc phải nhớ không còn phù hợp với thời hội nhập, toàn cầu hoá, với thời công nghệ thông tin phát triển như vũ bảo hiện nay vì chỉ một cái "lick" chuột và hỏi ông "google" là có tất cả các thông tin cần thiết và đa chiều.
Bốn là, hiền tài là nguyên khí quốc gia, ở đây hiền tài chính là những người thầy giỏi, tâm huyết. Và xã hội cũng khó có thể đòi hỏi, kì vọng gì hơn ở người thầy mà ở đó thiếu sự chăm lo về vật chất cũng như tinh thần. Muốn có nhà tư tưởng lớn, nhà hiền triết thì ngay từ bây giờ, Nhà nước cần bù đắp sự thiếu hụt trên cho người thầy, để người thầy chuyên tâm vào bài giảng, hướng đến học trò, để người thầy không phải tất tả cắp cặp chạy sau khi tan trường! Do vậy, chúng tôi thiết nghĩ, Nhà nước cần nâng lương cho giáo viên đến mức họ tự sống bằng nghề là việc làm vô cùng ý nghĩa hiện nay!
KHXH đang đứng trước khó khăn thách thức về chỗ đứng trong lòng người dân Việt. Đây là dấu hiệu của sự phát triển thiếu ổn định cho kinh tế xã hội nước nhà. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng để từ đó tháo gỡ vướng mắc. Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, chúng tôi đưa ra bốn giải pháp với mong muốn đưa người học tìm đến với KHXH.
Tài liệu tham khảo
[7].http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/34203/-con-do-chuyen-su--em-xau-ho-voi-co-quan--.html

69. Sự du nhập giáo dục phương Tây vào Nam kỳ Việt Nam thời thuộc Pháp (1861-1945)




 PGS.TS Ngô Minh Oanh
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM
(Bài viết được trích từ Tạp chí Khoa học xã hội do Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM phát hành)
Với việc kí kết Hiệp ước Patenôtre năm 1884, đánh dấu triều đình Huế đã đầu hàng hoàn toàn trước thực dân Pháp. Thực dân Pháp đã cơ bản bình định xong nước ta về mặt quân sự và tiến hành tổ chức cai trị nước ta trên quy mô rộng lớn và  với một cường độ nhanh chóng. Về chính trị, Pháp đã thiết lập một chính quyền thống trị chặt chẽ trên phạm vi toàn Đông Dương, chia nước ta thành ba kỳ, trong đó Bắc Kỳ, Trung Kỳ đặt dưới sự bảo hộ của Pháp, còn Nam Kỳ là thuộc địa hoàn toàn của thực dân Pháp với chế độ trực trị. Để có một đội ngũ những người phục vụ đắc lực cho công cuộc "khai hóa", thực dân Pháp không thể không tiến hành mở mang giáo dục. Với kinh nghiệm của một nước thực dân nhà nghề, Pháp hiểu rõ sức mạnh của giáo dục và họ đã sử dụng giáo dục như một công cụ đắc lực để cai trị Đông Dương. Vì thế, ngay từ đầu thực dân Pháp đã tiến hành phát triển giáo dục một cách nhanh chóng. Đó là quá trình Pháp du nhập nền giáo dục phương Tây vào Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng.

Nền giáo dục ở Nam Kỳ trước khi Pháp xâm chiếm đang ở trong hệ thống giáo dục phong kiến Việt Nam dưới triều Nguyễn. Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, Gia Long lên ngôi vua lập ra triều Nguyễn, xác lập và củng cố vương triều của mình trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Công cuộc củng cố vương triều đòi hỏi phải có nhiều nhân tài để đảm đương sự nghiệp như Gia Long vẫn kỳ vọng. Tuy nhiên, trong buổi đầu của Triều Nguyễn, nhân tài "như lá mùa thu" nên bên cạnh việc mời gọi và sử dụng những cựu thần, nho sĩ của nhà Lê, nhà Nguyễn đã lo đến việc tổ chức giáo dục và đào tạo nhân tài để phục vụ cho việc xây dựng đất nước. Triều Nguyễn rất quan tâm đến đào tạo đội ngũ quan lại ở Nam Kỳ để làm chỗ dựa tinh thần thông qua việc tổ chức học hành, thi cử. 
Ở Nam Kỳ, chỉ có các loại trường ở tỉnh, phủ, huyện thuộc hệ thống trường "hương học". Năm 1803, chính quyền đã định lại học quy cho trấn Gia Định và hoàn thành việc xây dựng học đường Gia Định, sau này thành trường tỉnh học Gia Định. Quan đốc học là người trông coi việc học của toàn tỉnh, giáo thụ là người phụ trách các trường phủ, huấn đạo phụ trách các trường huyện. Ngoài ra còn có trường học ở các tổng, xã, ấp là các loại trường dân lập hay tư thục do các thầy đồ hay các nho sĩ mở ra và trực tiếp giảng dạy. Cũng giống như các triều đại phong kiến trước đó, nhà Nguyễn vẫn lấy nho học làm đạo trị nước, an dân và làm phương tiện để giáo hóa con người. Ở các lớp khai tâm, từ tám tuổi trở lên bắt đầu học hiếu kinh, trung kinh; từ 12 tuổi trở lên học Luận ngữ, Mạnh Tử rồi đến Trung dung, Đại học; từ 15 tuổi trở lên học Thi, Thư rồi sau đến kinh Dịch, kinh Lễ, kinh Xuân Thu...
Nội dung dạy học là phải cung kính, hiếu thảo với cha mẹ, tu luyện mình cho nghiêm chỉnh, siêng năng học hành, đèn sách, theo gương những người xưa mà tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hình thức và phương pháp dạy học thì sử dụng phương pháp "chính học" truyền thống: học theo lối người xưa là học thuộc lòng để cho thấm nhuần lời nói thánh hiền. Người học tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thiếu tinh thần sáng tạo: "thuật nhi bất tác". Chế độ thi cử dưới triều Nguyễn giống như thời Lê về thể lệ và quy chế thi cử, với 3 kỳ thi chính là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Các danh xưng đỗ đạt trong các kì thi cũng lấy đại khoa (tiến sĩ), trung khoa (cử nhân, tú tài) và các lễ ban yến, áo mũ, vinh quy như trước đây. Từ năm 1813, Gia Long mở kì thi Hương đầu tiên, trong đó Nam Kỳ có trường thi Gia Định. Trường thi Gia Định là một trong những trường thi lớn đã tuyển chọn được nhiều nhân tài đất Nam Kỳ cho triều đình Huế.
Tuy nhiên, giáo dục ở Nam Kỳ trước khi Pháp xâm chiếm vẫn duy trì một nền giáo dục Nho giáo, dạy học trò về "nội trị và ngoại giao", noi gương người xưa giữ liêm chính để trị quốc. Học trò chỉ học sách "thánh hiền" mà không được trang bị kiến thức toàn diện, trong đó có kiến thức về khoa học tự nhiên và kĩ thuật. Hình thức và phương pháp dạy học cũng theo lối "điển chương, trích cú", thầy dạy trò theo lối "gia đình" mà chưa tổ chức thành hệ thống trường, lớp một cách bài bản. Có thể nói, giáo dục dưới triều Nguyễn nói chung và ở Nam Kỳ nói riêng đã "quá cũ kĩ và rập khuôn nền giáo dục phong kiến Trung Quốc"(1), nó không đáp ứng trước những yêu cầu phát triển của đất nước.
Sau khi chiếm xong Nam Kỳ (1867), người Pháp xác lập quyền thống trị của mình, biến Nam Kỳ thành thuộc địa của Pháp - xứ Đông Pháp. Đứng đầu Nam Kỳ thuộc Pháp là Thống đốc Nam Kỳ và bên dưới là các chủ tỉnh người Pháp để tiến hành cai trị thuộc địa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người Pháp thấy rất rõ tầm quan trọng của giáo dục, nên ngay "sau khi người lính đã hoàn thành sự nghiệp của mình thì đến lượt người giáo viên thực hiện sự nghiệp của họ"(2). Tiến hành áp dụng nền giáo dục phương Tây ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng, người Pháp phải đứng trước lựa chọn khôn khéo trong việc sử dụng giáo dục như một công cụ thống trị, vừa áp đặt nền giáo dục mới vừa từng bước hạn chế, đi đến xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến, "biến người bị trị thành người Pháp về mặt văn hoá".
Quá trình xác lập nền giáo dục phương Tây của Pháp ở Nam Kỳ có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1861 đến năm 1916 là giai đoạn tồn tại song song giáo dục phương Tây với giáo dục Nho giáo.Giai đoạn thứ hai từ năm 1917 đến năm 1945, chính quyền thuộc địa từng bước hạn chế và đi đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục và khoa cử Nho giáo ở Nam Kỳ.    
1. Thực dân Pháp từng bước áp đặt nền giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ (1861 - 1916).
Trong giai đoạn từ năm 1861 đến năm 1916, do nhu cầu đáp ứng về người cho bộ máy cai trị, thực dân Pháp đã nhanh chóng cho mở hệ thống các trường dạy nghề và các trường học phổ thông.
- Các trường dạy nghề: Do gặp phải rào cản về mặt ngôn ngữ với người bản địa, việc đào tạo thông dịch viên vô cùng quan trọng đối với Pháp lúc bấy giờ. Bảy tháng sau khi chiếm được đại đồn Chí Hoà, ngày 21 tháng 9 năm 1861, đô đốc Charner đã ký nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc (Évêque d'Adran) để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp do linh mục Groc - phiên dịch viên của Chacner làm hiệu trưởng. Mục đích của trường là đào tạo những thông dịch viên cho quân đội Pháp và những thư kí làm trong các cơ quan hành chính. Học viên của trường là binh lính người Việt trong quân đội Pháp hay những người thân Pháp.  Ngày 19-7-1871, Đô đốc Dupre cho thành lập trường sư phạm thuộc địa tại Sài Gòn để đào tạo giáo viên và nhân viên công sở. Khóa đầu tiên có 60 giáo sinh. Những giáo sinh tốt nghiệp trường này được bổ nhiệm về các trường tiểu học do Pháp lập ra ở các thị trấn để giảng dạy. Đến năm 1874, số giáo viên này đã có mặt ở trên 20 trường tiểu học ở khắp các tỉnh Nam Kỳ. Đến năm 1874, Pháp cho thành lập thêm trường Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires) đào tạo những người đã có bằng hán học để bổ sung vào đội ngũ quan lại. Học viên học tiếng Việt, chữ Nho, hành chính bản xứ và những kiến thức về kiến trúc và thực vật học. Với 4 năm tồn tại, trường đã đào tạo được 50 nhân viên cho Nam Kỳ (3).
- Hệ thống các trường phổ thông: Ngày 16-7-1864, Grandière ra nghị định tổ chức các trường tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ quốc ngữ và toán pháp. Giáo viên ở các trường tiểu học là do một số thông dịch viên đảm nhận. Chương trình học chỉ có tập đọc, học viết chữ quốc ngữ. Họ cho xuất bản ba quyển sách giáo khoa, một quyển mẫu tự chữ quốc ngữ, hai quyển về số học và hình học cơ bản. Vừa dùng thay sách giáo khoa vừa để tuyên truyền cho chế độ thuộc địa, các trường đã dùng tờ Nguyệt san thuộc địa và tờ Gia Định báo cho học sinh học. Sau khi tốt nghiệp, các học sinh được phép về làng mình mở trường dạy học. Tính đến năm 1866, Pháp đã mở được ở Nam Kỳ 47 trường tiểu học với 1.238 học sinh (4). Năm 1874, trường Chasseloup Laubat được thành lập tại Nam Kỳ dành cho con em người Pháp đang cai trị và những người Việt làm cho Pháp. Đây là trường trung học sớm nhất dạy từ tiểu học đến tú tài chương trình Pháp, thu hút được những học sinh ưu tú của đất Nam Kỳ thời đó. Bên cạnh các trường nói trên, lợi dụng lòng mộ đạo của người dân công giáo, thực dân Pháp còn tạo điều kiện và giúp đỡ cho việc thành lập các trường dòng để thu hút các học sinh là con em giáo dân vào học và đào tạo họ thành những thông ngôn, thư kí. Cho đến năm 1866, số trường dòng đã lên 47 trường với 1328 người (5).
Để tiến thêm một bước trong thay đổi nền giáo dục bản xứ, trong các năm 1874 và năm 1879, chính quyền thuộc địa đã cho ban hành hai quy chế về giáo dục. Quy chế Giáo dục năm 1874 là bản quy chế giáo dục đầu tiên của thực dân Pháp ở Nam Kỳ    quy định tất cả các trường tư chỉ được phép hoạt động khi có sự đồng ý của chính quyền. Quy chế chia giáo dục ra hai bậc: tiểu học và trung học. Trường tiểu học được mở tập trung ở 6 nơi: Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng. Nội dung học có các môn: tập đọc, tập viết chữ quốc ngữ, chữ nho, chữ Pháp và số học. Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học gồm có thi viết và thi vấn đáp. Trường trung học chỉ mở ở Sài Gòn, dạy 3 ban với các môn: tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, toán, địa lý, lịch sử (chỉ dạy lịch sử Pháp, không dạy lịch sử Việt Nam).
Tuy nhiên, quy chế 1874 tỏ ra kém hiệu quả.Vì thế, đến tháng 3-1879, Lafont ký quyết định ban hành quy chế mới, theo đó, hệ thống giáo dục được chia làm ba cấp, bãi bỏ tất cả các trường được tổ chức theo quy chế 1874. Ba cấp học gồm có: trường hàng tổng (cấp I), trường hàng quận (cấp II), trường tỉnh (trường trung học, cấp III). Mỗi huyện đều có một trường cấp một, ở mỗi tỉnh có 6 trường cấp 2.
- Về thời gian và chương trình:
Cấp I, học 3 năm, gồm các môn: tiếng Pháp, bốn phép tính, cách đo lường. Chữ Hán và chữ quốc ngữ chỉ học đến một mức độ nhất định, đủ để biết đọc, biết viết.
Cấp II, thời gian học là 3 năm. Các môn học gồm có tiếng Pháp, Toán, Lịch sử Việt Nam, Địa lý Việt Nam, chữ Hán và chữ quốc ngữ. Tiếng Pháp ở cấp hai được học kĩ hơn, môn Toán được trang bị cả kiến thức Đại số và Hình học... Tốt nghiệp cấp học này học sinh được nhận bằng Sơ học (Brevet Élémentaire) và được học lên cấp cao hơn.
Cấp III, học sinh học 4 năm, học thêm những môn mới như Thiên văn, Địa chất, Sinh vật. Các môn còn lại cũng như cấp II, nhưng được mở rộng và nâng cao hơn. Các môn học đều học bằng tiếng Pháp. Tốt nghiệp trung học, học sinh được cấp bằng Cao đẳng tiểu học (Brevet Supérieur).
- Về tổ chức quản lí và giáo viên giảng dạy:
Các trường đều đặt dưới sự quản lý của Sở Nội vụ và các chủ tỉnh. Mỗi trường ở các cấp do các hiệu trưởng người Pháp quản lý. Một số giáo viên người Việt là thư ký sở Nội vụ. Họ không được đào tạo bài bản về sư phạm. Do đó, việc giảng dạy và xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo đều có nhiều bất cập, cơ sở vật chất thiếu thốn, sách giáo khoa và chương trình chắp vá nên hiệu quả giáo dục không cao.
Trong những thập niên đầu, trong việc tổ chức giáo dục ở Nam Kỳ, người Pháp đã tập trung vào hai mục tiêu cơ bản: một là, đào tạo thông dịch viên, viên chức phục vụ quân đội xâm lược và bộ máy chính quyền trong các vùng đất mới chiếm đóng. Hai là, từng bước đưa nền giáo dục mới từ châu Âu vào Nam Kỳ. Pháp đã tìm mọi cách để du nhập nền giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ Việt Nam nhưng Pháp chưa thành công. Mặc dù giáo dục phong kiến Việt Nam với chế độ khoa cử lỗi thời nhưng nó vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội. Giáo dục phương Tây mới đào tạo được một lực lượng trí thức Tân học ít ỏi nhưng vẫn bị lép vế trong một xã hội vốn vẫn còn tư tưởng Nho giáo thống trị từ gốc rễ .
Từ năm 1886 đến năm 1917, Tổng trú sứ Paul Bert(6) đã có những động thái nhằm thay đổi hơn nữa giáo dục của Pháp ở Việt Nam. Paul Bert cho thành lập Cơ quan thanh tra giáo dục nhằm "nhanh chóng thiết lập mối quan hệ trực tiếp càng nhiều càng tốt giữa dân tộc An Nam với chúng ta (Pháp)". Paul Bert chủ trương vừa phát triển mở rộng trường lớp, vừa cải tổ dần giáo dục cũ để tiến tới thủ tiêu hẳn.Tuy nhiên, phải đến Toàn quyền P. Beau thì mới đưa ra được một chương trình cải cách giáo dục toàn diện. Đây là cải cách giáo dục lần thứ nhất của Pháp tại Việt Nam. Tháng 11 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Nha học chính Đông Dương để nghiên cứu cải cách giáo dục. Năm 1906, Toàn quyền P. Beau đưa ra một kế hoạch cải cách giáo dục ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ thông qua các nghị định ngày 8 -3 và ngày 6 - 5 - 1906. Theo cải cách này, hệ thống giáo dục và chế độ khoa cử của giáo dục Nam Kỳ đã có thay đổi căn bản như sau:
* Về hệ thống các cấp học, lớp học:
 
Hệ thống trường Pháp - Việt là những trường chủ yếu dạy bằng hai ngôn ngữ tiếng Pháp và chữ quốc ngữ, được chia làm hai bậc tiểu học và trung học. Bậc tiểu học gồm 4 năm học, học sinh phải qua các lớp: lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì và lớp Nhất. Chương trình dạy chủ yếu bằng tiếng Pháp, các môn dạy bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ rất ít. Bậc trung học được chia làm hai cấp Trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhất cấp học sinh chỉ học một năm được chia làm 2 ban: Ban Văn học và Ban Khoa học.
 
Hệ thống trường chữ Hán: Trong khi chưa xóa bỏ hẳn được nền giáo dục truyền thống thì chính quyền thuộc địa Pháp tiến hành cải cách để thay đổi đáng kể cơ cấu của hệ thống giáo dục này. Hệ thống giáo dục trường chữ Hán được chia làm 3 cấp học: ấu học, tiểu học và trung học. Bậc ấu học có 3 loại trường: Trường một năm hay dưới một năm mở ở các vùng hẻo lánh, chỉ dạy bằng chữ quốc ngữ. Loại trường hai năm dạy bằng chữ quốc ngữ và chữ Hán. Loại trường ba năm dạy cả ba thứ chữ quốc ngữ, chữ Pháp, và chữ Hán. Tiếng Pháp là môn bắt buộc phải học. Sau khi học xong bậc ấu học, học sinh phải trải qua một kì thi gọi là hạch tuyển, nếu đậu sẽ được cấp bằng "tuyển sinh."
 
Bậc tiểu học có thời gian học là hai năm, được mở ở các phủ, huyện. Quản lí và giảng dạy ở trường tiểu học là do các giáo thụ và huấn đạo phụ trách. Chương trình dạy bằng ba thứ tiếng, chữ quốc ngữ chiếm nhiều giờ nhất. Học xong chương trình, học sinh phải qua kì thi (hạch khóa) để lấy bằng khóa sinh. Người có bằng khóa sinh được học tiếp lên bậc trung học.
 
Bậc trung học được mở ở các tỉnh lỵ do các quan đốc học phụ trách. Chương trình học vẫn được dạy bằng ba thứ chữ Pháp, Hán, quốc ngữ. Chữ quốc ngữ được dạy nhiều thời gian nhất, rồi đến chữ Pháp. Học sinh phải trải qua một kì thi (thí sinh hạch), nếu đậu được cấp bằng thí sinh và được đi thi Hương.   
 
* Về chương trình và sách giáo khoa: Do tiến hành cải cách giáo dục một cách chắp vá, lại có nhiều loại trường trong cùng một hệ thống giáo dục, nên chương trình học cũng không ổn định và không thống nhất. Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc biên soạn sách giáo khoa. Lúc đầu họ dùng tờ Gia Định báo để làm sách tập đọc, sau đó họ đưa sách giáo khoa từ Pháp sang, nhưng kết quả cũng rất hạn chế do khác nhau về trình độ, về văn hóa. Đến những năm tám mươi của thế kỉ XIX, cơ quan Học chính Nam Kỳ đã cho biên soạn một số sách giáo khoa tiểu học và sau đó dần dần được bổ sung thêm  thành hệ thống sách giáo khoa trường tiểu học.  
Năm 1880, Pháp mở trường trung học ở Mỹ Tho, Trường Chợ Lớn cho Hoa kiều và một trường tiểu học cho cả nam lẫn nữ. Năm 1915 Pháp mở Trường Collège de Jeunes Fille Indigèges (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai), năm 1918 mở  Trường Cao đẳng nữ sinh người Pháp (nay là Trường THPT Marie Curie)...
Như vậy giai đoạn từ 1886 đến năm 1916, Pháp tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất. Đó là giai đoạn quá độ trong quá trình phát triển nền giáo dục ở Nam Kỳ, từ việc tồn tại song song hai hệ thống giáo dục, đi đến xóa bỏ hoàn toàn giáo dục phong kiến. Tuy nhiên, mục đích đó của Pháp chưa thực hiện được trong giai đoạn này. Phải đợi đến giai đoạn 1917 - 1945, nền giáo dục theo kiểu phương Tây mới thay thế được hoàn toàn nền giáo dục phong kiến.
 
2. Từ duy trì song song hai nền giáo dục đến xóa bỏ nền giáo dục Nho giáo ở Nam Kỳ giai đoạn 1917 - 1945
 Đầu năm 1917, A. Sarraut sang làm toàn quyền ở Đông Dương, cho ban hành bộ Học chính tổng quy (Học quy) vào tháng 12 năm 1917, thay đổi cơ bản hệ thống giáo dục ở Nam Kỳ. Với việc áp dụng Học chính tổng quy này được xem như là cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai. Bộ Học quy của A. Sarraut được chia làm 7 chương với 558 điều gồm nhiều quy định cụ thể, xác định công cuộc giáo dục ở Việt Nam là dạy học phổ thông và thực nghiệm. Hệ thống trường học được chia làm hai loại: trường Pháp dạy cho học sinh người Pháp theo chương trình "chính quốc" và trường Pháp - Việt dạy cho người Việt theo chương trình "bản xứ". Hệ thống giáo dục Nam Kỳ được quy định như sau: 
- Tổ chức trường lớp: Quá trình đào tạo được chia làm ba cấp:
* Đệ nhất cấp (Tiểu học): Các trường tiểu học được tổ chức ở các xã. Nếu xã nhỏ thì có thể tổ chức một trường tiểu học chung cho hai, ba xã. Các trường tiểu học có hai loại: Trường tiểu học bị thể (é1cole primaire de pleinexerices) có 5 lớp: Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng, lớp Nhì và lớp Nhất. Trường sơ đẳng tiểu học (écle élémentaire): Đây là những trường chỉ có hai, ba lớp dưới dành cho những vùng mà học sinh chỉ cần học để biết đọc, biết viết, rồi sau đó về làm ruộng chứ không theo con đường học vấn. Học sinh nào muốn học lên nữa thì phải đến các trường tiểu học bị thể khác để tiếp tục học tập
* Đệ nhị cấp (Trung học): Chia làm hai cấp, cao đẳng tiểu học và trung học. Cao đẳng tiểu học: Học sinh học trong 4 năm với 4 lớp: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và Đệ tứ niên. Học xong 4 năm học sinh thi lấy bằng cao đẳng tiểu học (còn gọi là bằng đíp-lôm hay thành chung). Trung học: Học sinh học 2 năm, sau đó thi lấy bằng tú tài bản xứ. Trong thời gian này, bên cạnh các trường trung học được mở trước đây, Pháp đã cho mở thêm trường Petrus Ký vào năm 1928.
* Đệ tam cấp: cao đẳng và đại học chuyên nghiệp và trường nghề:
Hầu hết các trường cao đẳng và đại học thời gian này đều tập trung tại Hà Nội, ở Nam Kỳ chỉ có các trường dạy nghề là chủ yếu. Các trường dạy nghề như Trường Nông nghiệp Bến Cát, Trường Canh nông Nam Kỳ, Trường Mỹ nghệ Bản xứ Thủ Dầu Một dạy các nghề thêu, khảm và vẽ, Trường Biên Hòa dạy các nghề trang sức, đồ gỗ và nghề sắt; Trường Sa Đéc dạy các nghề làm mặt hàng từ đồi mồi; Trường Cần Thơ dạy thêu...
- Bên cạnh đệ nhất cấp và đệ nhị cấp còn có hệ thực nghiệp: Ở bậc tiểu học thực nghiệp có các trường dạy nghề như rèn, mộc, nề, trường gia chánh, trường canh nông, trường mỹ thuật công nghiệp và mỹ nghệ. Các trường trung học thực nghiệp cũng dạy các ngành nghề nhưng dạy khá hoàn chỉnh chứ không dạy sơ lược như ở cấp dưới. Các trường này do người đứng đầu địa phương quản lý trực tiếp, Học sinh sau khi học xong sẽ tùy theo cấp học và trình độ mà có thể vào làm ở các cơ sở sản xuất khác nhau.
- Về đội ngũ giáo viên, những người có bằng sơ học yếu lược hoặc bằng khóa sinh chỉ cần có lời cam đoan tuân theo luật lệ của làng xã trong việc dạy dỗ con em là có thể dự tuyển làm giáo viên. Hàng năm các giáo viên được dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn do cơ quan học chính tỉnh tổ chức trong thời gian không quá 6 tuần.
Từng bước xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục và khoa cử phong kiến Việt Nam, đến năm 1815 thực dân Pháp đã bãi bỏ kì thi Hương ở Nam Kỳ. Ở Trung Kỳ, năm 1918 tổ chức kì thi Hương cuối cùng. Năm 1919, hai kì thi Hội và thi Đình cuối cùng cũng được tổ chức tại Huế rồi sau đó vĩnh viễn chấm dứt nền khoa cử của giáo dục Nho giáo. Ngày 14 - 6 - 1919, triều đình Huế cũng đã tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học và thay thế vào đó là hệ thống trường Pháp - Việt. Từ đây, triều đình Huế đã phó mặc hoàn toàn việc giáo dục thi cử cho thực dân Pháp. Nền giáo dục Việt Nam được đặt dưới quyền quản lý của Nha học chính Đông Pháp. Năm 1933, Pháp cho thành lập Bộ Quốc gia Giáo dục do Phạm Quỳnh làm Thượng thư. Ở các tỉnh có chức đốc học, kiểm học, còn ở các phủ, huyện phục hồi chức huấn đạo và Giáo thụ. Về hình thức, nền giáo dục do hai chính quyền quản lý, nhưng thực chất Bộ Quốc gia Giáo dục của triều Nguyễn chỉ quản lý bậc tiểu học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, còn lại toàn bộ hệ thống giáo dục vẫn do Pháp quản lý. Đến lúc này, hệ thống giáo dục ở Nam Kỳ được tổ chức lại và tồn tại cho đến trước năm 1945 như sau:
- Bậc tiểu học gồm có:
Trường sơ đẳng yếu lược bản xứ gồm các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, có khi chỉ có một hai lớp sơ đẳng. Trường này còn được gọi là trường Hương học vì thường được đặt ở các làng và ngân sách do các làng đóng góp.
Trường tiểu học là trường có 3 lớp đệ nhất, đệ nhị và lớp nhất, có khi chỉ có 2 lớp trên bậc tiểu học. Trường này được đặt ở các phủ, huyện hoặc tỉnh lị. Sau khi phải qua kì thi Sơ học yếu lược, học sinh được nhận bằng tiểu học Pháp - Việt.
- Bậc trung học: gồm có hai ban Cao đẳng tiểu học và Tú tài: Cao đẳng tiểu học gồm các lớp nhất niên, nhị niên, tam niên, tứ niên. Tú tài có thời gian học là 3 năm: đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên. Chương trình tú tài ngay từ đệ nhất niên đã có sự phân ban thành ban Khoa học và Ban Toán và Ban Triết. Học sinh học xong đệ nhị niên có thể thi lấy bằng tú tài bán phần. Phải có bằng tú tài bán phần thì mới được học năm cuối để thi lấy bằng tú tài toàn phần.
Do Nam Kỳ là thuộc chế độ trực trị của Pháp nên giáo dục ở đây chỉ có chương trình Pháp, tuy nhiên trong các trường Pháp cũng có chia thành hai khu: Khu Pháp chuyên học bằng tiếng Pháp, khu bản xứ có học thêm một số chương trình Việt văn, nhưng cuối học kì  không thi lấy tú tài bản xứ như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học thời gian này có một số trường như Viện đại học Đông Dương, Trường Y dược Đông Dương, Trường Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Thương mại Hà Nội, Trường Đại học Luật khoa Đông Dương... đều đặt ở Hà Nội.
Hệ thống giáo dục thời kỳ này có thay đổi chút ít, còn về cơ bản vẫn như trong giai đoạn cải cách giáo dục lần thứ hai.
3. Một vài nhận định về giáo dục Nam Kỳ thời thuộc Pháp:
3.1 Người Pháp đã áp đặt nền giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ Việt Nam:
Sự áp đặt mô hình giáo dục phương Tây của thực dân Pháp vào Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng cũng mang lại những hệ quả tích cực. Trong bối cảnh nền giáo dục Nho giáo đang hồi suy tàn với một lối dạy học lạc hậu, nội dung phiến diện không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân tài cho đất nước, thì nền giáo dục phương Tây đã đưa đến những yếu tố mới cho nền giáo dục.
Về hình thức, đó là việc tổ chức hệ thống trường học, cấp học, lớp học có hệ thống bài bản, với hình thức tổ chức dạy học tập trung. Học sinh được tổ chức học thành lớp có cùng độ tuổi, giống nhau về tâm sinh lý, cùng học một chương trình thống nhất. Nền giáo dục đa dạng về loại hình trường lớp, hệ thống giáo dục được tổ chức rộng khắp.
Về nội dung giáo dục, chương trình được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện không chỉ có khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật, ngoại ngữ. Trong khoa học xã hội học sinh được học cả lịch sử, văn học thế giới, triết học đông tây, luân lý; trong khoa học tự nhiên có toán học, địa dư, kinh tế...; về sau học sinh còn được phân ban theo các ban khoa học, ban toán và ban triết học. Nội dung giáo dục không chỉ giới hạn trong sách "thánh hiền" mà hiểu biết của học sinh đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, điều mà giáo dục Nho học trước đây không có.    
3.2 Cùng với việc bắt buộc phải học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, các trường Pháp - Việt và cả các trường Nho giáo đã trang bị cho học sinh hai thứ ngôn ngữ hữu ích để mở rộng giao tiếp và hiểu biết của mình đối với các nền văn hóa thế giới. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng bước đầu thông qua giáo dục, người Pháp cũng đã truyền bá được văn minh châu Âu vào vùng đất Nam Kỳ. Cùng với sự du nhập của những yếu tố văn minh vật chất, lối sống theo văn hoá phương Tây được hình thành ở những đô thị lớn. Những tư tưởng tiến bộ cũng được tiếp nhận và phát huy.
3.3 Giáo dục Nam Kỳ đã đào tạo được một đội ngũ trí thức Tây học, một tầng lớp mới trong xã hội Nam Kỳ lúc bấy giờ. Điều đặc biệt là mặc dù được đào tạo trong các trường học của Pháp, chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Pháp, nhưng tầng lớp trí thức Tân học ở Nam Kỳ lại có một nền tảng giáo dục truyền thống rất vững chắc. Họ vừa am hiểu văn hóa, ngôn ngữ Pháp nhưng lại rất tinh thông Nho học. Những trí thức Tân học ở Nam Kỳ bắt đầu dịch thuật các tác phẩm chữ Hán, chữ Pháp ra chữ quốc ngữ để phổ biến trong nhân dân. Ngoài ra, họ còn trực tiếp truyền bá tư tưởng khoa học và tư tưởng dân chủ phương Tây cho nhân dân thông qua các chuyến đi du học và từ nguồn sách báo từ nước ngoài. Cũng qua sách báo yêu nước và tiến bộ, nhiều trí thức, sinh viên, học sinh ở Việt Nam đã nhận thức ra sự đối xử bất bình đẳng, miệt thị của người Pháp đối với dân bản xứ. Trừ một số cam tâm làm tay sai cho Pháp, còn phần lớn trí thức ở Nam Kỳ có lòng yêu nước và gắn bó với các phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân.
3.4 Tuy có những hệ quả khách quan tích cực nói trên nằm ngoài mục đích của thực dân Pháp, nền giáo dục Nam Kỳ thời Pháp thuộc vẫn là một nền giáo dục thực dân, phục vụ cho mục đích cai trị của Pháp tại Đông Dương. Đó là một nền giáo dục gieo rắc những tư tưởng nô dịch, tuyên truyền nhiều cho văn hóa, tư tưởng của "mẫu quốc". Tuy thực dân Pháp có chú ý mở rộng hệ thống giáo dục nhưng chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở những thành phố, thị xã, thị trấn phục vụ cho chính con em người Pháp và đội ngũ quan lại người Việt thân Pháp. Một nền giáo dục phục vụ cho số ít người chứ không phải cho quảng đại dân chúng. Phần lớn nhân dân Nam Kỳ vẫn ở trong đói nghèo, lạc hậu và mù chữ.  
 
CHÚ THÍCH:                                                                                         
  
(1). Phan Trọng Báu (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại, NXB GD, HN, tr.32.
(2). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 96 (3-1967), dẫn theo Nguyễn Đăng Tiến 1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN, tr.180.
(3). Nguyễn Đăng Tiến, (1996), Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 - 1945, NXB Giáo Dục, HN, tr. 189.
(4). Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục và khoa cử Việt Nam, NXB Từ điển bách khoa, HN, tr.111.
(5). Nguyễn Đăng Tiến, Sđd, tr. 188.
(6). Paul Bert được Tổng thống Pháp cử sang Đông Dương làm Tổng trú sứ theo sắc lệnh ngày 27 - 1 -1886. Tổng trú sứ có nhiệm vụ như Toàn quyền sau này.
(7). Đinh Xuân Lâm (Chủ biên,1997) Đại cương lịch sử Việt Nam, tập II, NXB Giáo Dục, HN.
(8). Leopond Pallu (2008), Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kì năm 1861, NXB Phương Đông, TP. HCM.
(9). Philippe Devillers (2006), Người Pháp và người Annam bạn hay thù, NXB Tổng hợp Thành phố HCM.
(10). Nguyễn Quang Thắng (1993), Khoa cử và Giáo dục Việt Nam, NXB VH TT, HN.
(11). Gail P. Keelly (1982), Franco - Vietnames school 1918 - 1938 Regional and implifications for national integration, Center for Southeast Asian Studies University of Wisconsion.
 

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

68. A power shift in Asia

Washington is obsessed with decline: the upshot of the worst economy since the Great Depression, the prospect of massive defense cuts that could signal the end of the American military’s imperial-like reach, the collapse of Arab regimes with which the Pentagon and CIA closely cooperated. But nothing of late quite captures what is going on in terms of a global power shift as much as the U.S. refusal to sell Taiwan new F-16 fighter jets.
U.S. officials argue that upgrading Taiwan’s Lockheed Martin F-16 A/B jets will make them nearly as capable as the 66 new F-16 C/D models that the Taiwanese were seeking, and at a fraction of the cost. But the upgrades reportedly do not include the new engines necessary for added speed and will make it harder for the Taiwanese to retire their oldest jets as they had hoped. Clearly, the decision signifies a painful compromise for the Obama administration.

By 2020, the United States will not be able to defend Taiwan from a Chinese air attack, a 2009 Rand study found, even with America’s F-22s, two carrier strike groups in the region and continued access to the Kadena Air Base in Okinawa. Moreover, China is at the point of deploying anti-ship ballistic missiles that threaten U.S. surface warships, even as Taiwan’s F-16s, with or without upgrades, are outmatched by China’s 300 to 400 Russian-designed Su-27 and Su-30 fighters. Given that Taiwan is only 100 miles from China and the U.S. Navy and Air Force must deploy to the Pacific from half a world away, the idea that Washington could permanently guarantee Taipei’s de facto sovereignty has always been a diminishing proposition. Vice President Biden’s recent extensive talks with his Chinese counterpart, Xi Jinping (who is poised to succeed President Hu Jintao), may have reinforced the notion inside the administration that Taiwan is better defended by a closer American-Chinese diplomatic understanding than by an arms race.
Notice what is happening, though. The administration is not acting unreasonably. It is not altogether selling out to Beijing. Rather, it is adjusting its sails as the gusts of Chinese power, both economic and military, strengthen. Thus the decision to help Taiwan — but not too much — illustrates how decline itself is an overrated concept.
Decline is rarely sudden: Rather, it transpires quietly over decades, even as officialdom denies its existence and any contribution to it. The Royal Navy began its decline in the 1890s, Princeton University professor Aaron L. Friedberg writes in “The Weary Titan,” even as Britain went on to win two world wars over the next half-century. And so, China is gradually enveloping Taiwan as part of a transition toward military multipolarity in the western Pacific — away from the veritable American naval lake that the Pacific has constituted since the end of World War II. At the same time, however, the United States pushes back against this trend: This month, Obama administration officials — with China uppermost in their minds — updated a defense pact with Australia,giving the United States greater access to Australian military bases and ports near the confluence of the Pacific and Indian oceans. The United States is making room in Asian waters for the Chinese navy and air force, but only grudgingly.
Decline is also relative. So to talk of American decline without knowing the destiny of a power like China is rash. What if China were to have a political and economic upheaval with adverse repercussions for its defense budget? Then history would turn out a lot more complicated than a simple Chinese rise and an American fall.
Because we cannot know the future, all we can do is note the trend line. The trend line suggests that China will annex Taiwan by, in effect, going around it: by adjusting the correlation of forces in its favor so that China will never have to fight for what it will soon possess. Not only does China have some more than 1,500 short-range ballistic missiles focused on Taiwan, but there are 270 commercial flights per week between Taiwan and the mainland, even as close to a third of Taiwan’s exports go to China. Such is independence melting away. And as China’s strategic planners need to concentrate less on capturing Taiwan, they will be free to focus on projecting power into the energy-rich South China Sea and, later, into the adjoining Indian Ocean — hence America’s heightened interest in its Australian allies.
This is a power shift. Subtle and indirect though it may be, it is a clearer story line than what is occurring in the chaotic Middle East, a region less prosperous and less dynamic than East Asia in economic and military terms, and therefore less important. Taiwan tells us where we are, and very likely where we’re going.
Robert D. Kaplan is a senior fellow at the Center for a New American Security and the author of “Monsoon: The Indian Ocean and the Future of American Power.”