Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

49. Tìm hiểu Logic kinh tế trong chính sách đối ngoại của Mỹ


Nhìn chung, chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia đều nhằm ba mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và phát huy ảnh hưởng của quốc gia trên thế giới. Ba mục tiêu này có quan hệ chặt chẽ với nhau và thứ bậc ưu tiên của mỗi mục tiêu trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại quốc gia phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể trong từng giai đoạn nhất định.
Chẳng hạn trong thời kỳ chiến tranh thì rõ ràng mục tiêu về an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên vẫn phải chú trọng đúng mức phát triển và phát huy ảnh hưởng vì tiềm lực kinh tế mạnh là cơ sở xây dựng lực lượng quốc phòng mạnh. Chính sách đối ngoại của Mỹ cũng theo đuổi ba mục tiêu trên và bài nghiên cứu này sẽ cố gắng chỉ ra lôgíc kinh tế đằng sau các hoạt động quốc tế của Mỹ.
Sự hình thành nước Mỹ có liên quan chặt chẽ đến "giấc mộng vàng" của những dòng người nhập cư từ lục địa châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới, và như vậy lợi ích kinh tế và chủ nghĩa thực dụng một cách tự nhiên trở thành những yếu tố quan trọng chi phối tư duy chính trị đối ngoại ở Mỹ qua các thời kỳ lịch sử.

1. Mở rộng lãnh thổ bằng ngoại giao điền thổ, thôn tính và làm giàu bằng chiến tranh, buôn bán vũ khí
Đầu thế kỷ XIX, lợi dụng tình thế khó khăn của Pháp, Mỹ đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ bằng "ngoại giao điền thổ". Tháng 5-1803, với 15 triệu USD và với giá 3 xen (1 xen=1/100 USD)/ một mẫu đất, chính quyền của ông Jefferson đã mua toàn bộ vùng Louisiana từ tay Pháp vì lúc đó Napoleon rất cần tiền để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Anh. Cuộc mua bán ngoạn mục này đã làm cho diện tích của Hoa Kỳ tăng lên gấp đôi. Tiếp theo là các vụ mua bán khác, gây chiến tranh, sáp nhập nhằm mở rộng lãnh thổ: mua lại Florida từ Tây-Ban-Nha (1819), sáp nhập Texas (1845).
Năm 1846 Mỹ tuyên bố chiến tranh với Mêxico và sáp nhập bang California và New Mexico vào Mỹ. Năm 1848 sau khi ký hiệp ước hoà bình Mỹ-Mêxico, chấm dứt chiến tranh giữa hai nước, Mêxico buộc phải từ bỏ chủ quyền đối với Texas, California, Arizona, New Mexico, Utah, Nevada (1/2 lãnh thổ Mexico); Mỹ và Anh ký hiệp ước phân định đường biên của Oregon dọc vĩ tuyến 49. Năm 1853 Mỹ và Mêxico ký hiệp định Gadsdeh và Mỹ chiếm thêm 140.000 km2 lãnh thổ của Mêxico. Năm 1867, tranh thủ cơ hội khi Nga đang gặp khó khăn về tài chính, Mỹ cũng đã nhanh chóng mua lại toàn bộ vùng Alaska rộng lớn từ Nga với cái giá rẻ khó tưởng tượng - 7,2 triệu USD. Vùng đất này có vị trí hết sức quan trọng trong việc bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh và cả hiện nay.
Như vậy, có thể thấy chỉ trong hơn nửa đầu thế kỷ XIX, bằng "ngoại giao điền thổ" và chiến tranh thôn tính, các chính quyền kế tiếp nhau của Mỹ đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ, tạo cho Mỹ một vị thế địa-chiến lược mới trên bản đồ địa-chính trị quốc tế so với nước Mỹ thuở lập quốc.
Vào đầu thế kỷ XX, Mỹ đã vươn lên vượt xa các nước tư bản khác về sức mạnh kinh tế, dần dần chiếm địa vị bá chủ thế giới. Năm 1900, Mỹ chiếm tới 31% tổng sản lượng thế giới so với con số tương ứng của Anh, Đức, Pháp là: 18%, 16% và 7%. Năm 1913 sản lượng gang và thép của Mỹ vượt Đức 2 lần, vượt Anh 4 lần, than gấp 2 lần Anh và Pháp cộng lại.
Trong khoảng từ 1900-1913 số vốn đầu tư vào công nghiệp tăng khoảng 2 lần rưỡi (9 triệu USD-22,8 triệu USD), và giá trị sản phẩm tăng hơn 2 lần (từ 11,4 triệu USD lên 24,2 triệu USD). Tới năm 1914, GDP của Mỹ đạt 37 tỉ USD, trong khi đó con số tương ứng của Đức và Anh là 12 tỉ USD và 11 tỉ USD.
Cùng với quá trình tăng cường sức mạnh kinh tế, Mỹ cũng đẩy nhanh xây dựng lực lượng quốc phòng, có những hạm đội mạnh hơn hải quân Anh và có đủ khả năng tranh giành quyền lực trên các đại dương với các đế quốc châu Âu. Trong cơ cấu của nền kinh tế Mỹ, các tổ hợp công nghiệp quân sự có vai trò quan trọng và đằng sau chúng là những nhóm lợi ích luôn theo đuổi các khuynh hướng khác nhau của chủ nghĩa hiện thực mà thực chất là dùng sức mạnh quân sự để đạt bằng được các lợi ích trong đó có lợi ích kinh tế.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Mỹ đã vận dụng thuyết "toạ sơn quan hổ đấu", đứng trung lập ngay từ đầu nhưng vẫn hưởng nhiều lợi nhuận từ buôn bán vũ khí. Đến khi kết cục gần ngã ngũ, năm 1917 Mỹ mới tham chiến hùa theo bên thắng để tạo cơ sở dính líu tới châu Âu. Thời kỳ giữa hai cuộc Chiến tranh thế giới, do bị suy thoái kinh tế như các nước tư bản khác, Mỹ điều chỉnh chiến lược, tạm gác mục tiêu bá quyền thế giới, tập trung sức để khôi phục và phát triển kinh tế trong nước.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đang được châm ngòi, từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1939, Tổng thống Ru-dơ-ven đã hai lần yêu cầu Quốc hội thủ tiêu đạo luật cấm bán vũ khí cho các nước tham chiến nhưng vẫn không được Quốc hội chấp nhận vì buôn bán vũ khí là một nguồn lợi lớn của giới công nghiệp quốc phòng. Lúc đầu Mỹ tuyên bố giữ vai trò "trung lập", nhưng sau sự kiện Trân Châu Cảng (7-12-1941), Quốc hội Mỹ đã chính thức tuyên chiến. Những mục tiêu cuối cùng của Mỹ ở Thái Bình Dương là đánh chiếm đảo Ivôgima (tháng 2-3/1945) và đảo Ôkinaoa (25-3-1945) nằm ở cửa ngõ đi vào Nhật Bản. Điều này phù hợp với mục tiêu chiến lược mở cửa thị trường và khống chế Nhật Bản từ giữa thế kỷ XIX.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nền công nghiệp quân sự của Mỹ phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy để phục vụ cho chiến tranh và chạy đua vũ trang. Có một sự kiện đáng lưu ý là ngày 23-3-1983, Tổng thống Rigân đưa ra kế hoạch "Chiến tranh giữa các vì sao" (SDI) với chi phí 26 tỉ USD trong 5 năm. Kế hoạch này không chỉ nhằm vào mục tiêu quân sự mà còn tạo đà cho phục hưng kinh tế Mỹ sau một giai đoạn suy thoái.
Sau khi bức tường Béclin sụp đổ (1989), Chiến tranh lạnh đi vào hồi kết, vào tháng 1 năm 1991, nhân sự kiện Irắc chiếm đóng Côoét, Mỹ đã tiến hành chinh phạt Irắc lần thứ nhất. Tháng 3/1999, Mỹ tiến hành chiến tranh ở Côxôvô (Nam Tư). Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ tiến hành liên tiếp hai cuộc chiến ở Ápganixtan (11-2001) và Irắc (3-2003). Ngoài lý do chính trị-an ninh, còn lộ rõ những lợi ích công nghiệp quân sự.
Ở đây cũng có một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa chiến tranh với tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ vào đầu những năm 90 và khả năng chững lại của kinh tế Mỹ sau một thời kỳ tăng trưởng kéo dài 113 tháng tính tới đầu năm 2000. Chiến tranh đã trở thành liều thuốc kích thích kinh tế Mỹ vì nó tạo ra những đơn đặt hàng mới cho các tổ hợp công nghiệp quân sự và mặt khác, nó còn tạo cơ hội cho giới quân sự Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí mới và giới buôn bán vũ khí chào hàng.
Tờ "Thời báo Niu Yoóc" ngày 25/9/2003 dẫn Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết năm 2002, Mỹ vẫn giữ vị trí số một trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới, đặc biệt là bán vũ khí cho các quốc gia đang phát triển, với tổng giá trị là 13,3 tỉ USD, chiếm 45% khối lượng hợp đồng bán vũ khí thông thường toàn cầu.

2. Thúc đẩy tự do hoá thương mại bằng ngoại giao pháo hạm và thiết lập các thể chế kinh tế, tài chính quốc tế
Cùng với việc mở rộng biên giới lãnh thổ ở các khu vực "cận ngoại biên", vào đầu thế kỷ XIX, Mỹ còn đề xuất Học thuyết Monroe (1823) về "Châu Mỹ của người châu Mỹ" và chủ nghĩa biệt lập. Liệu đây có phải là tinh thần độc lập và tự trị khu vực hay không? Như đã biết, vào thời kỳ này, Mỹ còn yếu hơn rất nhiều cả về thế và lực so với các cường quốc khác ở châu Âu mà đặc biệt là so với Anh và Pháp, vì vậy Mỹ chỉ có thể thực hiện chính sách mở rộng lãnh thổ ở "sân nhà" là chủ yếu, chứ chưa thể bành trướng ảnh hưởng ở châu Âu. Do đó, về thực chất, Học thuyết Monroe không phải là một thứ chủ nghĩa biệt lập thuần tuý mà là luận thuyết phân chia khu vực ảnh hưởng, phân chia thị trường. Trong Thông điệp liên bang năm 1823, Tổng thống Monroe nhấn mạnh: "lục địa châu Mỹ, với điều kiện tự do và độc lập đã giành và giữ được, không thể bị coi là đối tượng của việc thực dân hoá trong tương lai bởi bất kỳ các cường quốc châu Âu nào", và Mỹ " coi bất kỳ cố gắng nào nhằm mở rộng hệ thống của họ tới bất kỳ nơi nào của bán cầu này là nguy hiểm đối với hoà bình và an ninh của Mỹ".
Từ đây có thể thấy là không phải Mỹ muốn biệt lập, không có tham vọng dính líu gì tới bên ngoài mà thực chất Mỹ muốn ngăn cản các cường quốc châu Âu, không cho họ bành trướng ảnh hưởng và buôn bán ở lục địa châu Mỹ vì Mỹ coi đây là "sân sau" tự nhiên, là khu vực ảnh hưởng của riêng Mỹ. Mặt khác, tuy chưa đủ sức tiến vào châu Âu, nhưng sau khi đã xác lập được vị thế khá vững vàng ở lục địa châu Mỹ, Mỹ cũng đã bắt đầu bành trướng sang khu vực Đông Á-Thái Bình Dương theo phương thức "thương mại đi trước, cờ Mỹ đi sau".
Năm 1853 đô đốc Mỹ Perry đã đưa bốn chiến thuyền đến cảng Uraga (trong vịnh Tokyo) yêu cầu Nhật Bản cứu trợ, bảo vệ thuỷ thủ Mỹ, mở cửa thông thương và tiếp than cho tàu Mỹ từ California đến Trung Quốc.
Năm 1854 Perry lại đưa bốn chiến thuyền đến và ký hiệp ước Kanagawa buộc Nhật Bản đồng ý mở cửa Shimoda và Hakodate, theo đó Mỹ có quyền lấy than, lương thực, nước cho các chuyến tàu biển qua đó.
Năm 1858 Mỹ ký hiệp ước buôn bán bất bình đẳng với Nhật Bản, mở cửa Edo, Nigata, Kobe, Yokohama, Osaka và Nagasaki, giành được quyền tài phán lãnh sự và tối huệ quốc về quan thuế.
Như vậy, về phương diện kinh tế-thương mại, sự có mặt của Mỹ ở Nhật Bản đã được hợp thức hoá một bước.
Nếu từ cách tiếp cận địa-chiến lược, thì để thống trị đại lục Âu-Á, trước hết Mỹ cần phải lôi kéo, khống chế "hai tuần dương hạm nổi tự nhiên" là Anh và Nhật Bản. Lúc đó Anh đang còn rất mạnh, còn Nhật Bản thì lại chưa tiến hành công nghiệp hoá, cả thế và lực đều yếu, hơn nữa Nhật Bản vẫn còn là thị trường "vô chủ". Đây là cơ hội lớn cho Mỹ và Mỹ đã thành công. Bằng "ngoại giao pháo hạm", Mỹ đã buộc Nhật Bản phải mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ xác lập thế đứng vững chắc ở khu vực sau này để phát huy ảnh hưởng cả về chính trị-an ninh và giành giật lợi ích kinh tế-thương mại.
Tới cuối thế kỷ XIX, Anh đã suy yếu dần, còn Mỹ ngày càng mạnh thêm với lực lượng hải quân hùng hậu. Nắm được quyền lực biển là tiền đề quan trọng để Mỹ giành giật quyền lực thương mại với các cường quốc khác. Mục tiêu tiếp theo của Mỹ ở Đông Á là Trung Quốc. Sau khi gây chiến tranh với Tây Ban Nha và chiếm Philippin (1898), năm 1899 Mỹ đề ra chính sách "mở cửa" để giành giật thị trường ở Trung Quốc với Anh, Pháp, Nga và Nhật. Nội dung của chính sách "mở cửa" gồm có:
- Bất kỳ hàng của nước nào vào Trung Quốc cũng đều chịu chính sách thuế như nhau và do chính phủ Trung Quốc thu thuế.
- Không can thiệp vào lợi ích của các nước theo những điều ước đã ký.
- Không được thu thuế theo khu vực của từng nước quá cao.
Với chính sách này, Mỹ muốn xác lập vị thế hợp pháp và bình đẳng của mình ở thị trường Trung Quốc so với các cường quốc khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ tiếp cận và cạnh tranh với các công ty nước ngoài ở thị trường to lớn này.
Như vậy, có thể thấy cho tới cuối thế kỷ XIX, các chính quyền Mỹ kế tiếp nhau đã triển khai được một bước quan trọng trong chiến lược toàn cầu: khẳng định châu Mỹ là khu vực ảnh hưởng riêng, là "chợ sau" của Mỹ mà các cường quốc Âu-Á không có quyền nhòm ngó, đồng thời đã bắt đầu vươn vòi "bạch tuộc" tới Đông Á-Thái Bình Dương, xác lập quyền tự do thương mại ở khu vực quan trọng này.
Với Chính sách kinh tế mới "New Deal" của Tổng thống F.D. Roosevelt kéo dài trong 8 năm (1933-1941), nền kinh tế Mỹ đã có một bước phát triển mới cả về mô hình và cơ cấu. Trong những năm cuối của thế chiến thứ hai, cùng với việc tranh giành khu vực ảnh hưởng, Mỹ đã nỗ lực thiết lập luật chơi mới trên thương trường quốc tế thông qua việc xây dựng hệ thống Bretton Woods, IMF và WB vào năm 1944 - một năm trước khi kết thúc chiến tranh.
Điều này có ý nghĩa quan trọng cả trên hai phương diện lý thuyết kinh tế và chính trị đối ngoại.
Cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 cho thấy rõ hơn những khuyết tật của mô hình kinh tế thị trường tự do, cần có những điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý vĩ mô cả ở tầm quốc gia và quốc tế.
Trong khi cả thế giới và đặc biệt là châu Âu bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc và khi mà lãnh đạo các nước lớn chỉ tập trung vào đàm phán kết thúc chiến tranh và phân chia khu vực ảnh hưởng, thì Mỹ không chỉ tranh thủ làm giàu bằng buôn bán vũ khí mà còn nhanh chóng đổi mới tư duy kinh tế đối ngoại và xúc tiến triển khai các hoạt động xây dựng các thể chế kinh tế tài chính quốc tế. Thuyết thể chế đã có ảnh hưởng mạnh hơn cả trên hai phương diện kinh tế và chính trị .
Cùng với cạnh tranh tự do, giới hoạch định chiến lược của Mỹ cũng đã sớm nhận thấy và tận dụng thời cơ dùng các thể chế kinh tế-tài chính quốc tế nhằm tối đa hoá lợi ích và mở rộng ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự, đặc biệt là vũ khí nguyên tử và chạy đua vũ trang, thiết lập các liên minh chính trị-quân sự như NATO, hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ và gây các cuộc chiến tranh cục bộ v.v. để thực hiện mục tiêu bá chủ thế giới.
Đó là một phương diện quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả. Bên cạnh chủ nghĩa hiện thực chính trị, chủ nghĩa tự do và thuyết thể chế với các mức độ khác nhau cũng có ảnh hưởng lớn tới quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ và qua triển khai trên thực tế vẫn thấy hiển hiện sợi dây lôgíc lợi ích kinh tế của Mỹ ở các châu lục.
Sự phát triển kinh tế Mỹ phụ thuộc một phần hết sức quan trọng vào việc mở rộng thị trường, thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy mà trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ không chỉ chú ý tới cuộc đọ sức với Liên Xô mà còn triển khai nhiều chính sách kinh tế đối ngoại có hiệu quả thiết thực.
Ở châu Âu, cùng với việc thành lập NATO (1949) để kiềm chế chủ nghĩa cộng sản, Mỹ còn triển khai kế hoạch Mashall nhằm tái thiết Tây Âu, thiết lập Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT). Thông qua các cuộc đàm phán thương mại đa phương trong khuôn khổ GATT, Mỹ lôi kéo và ép buộc các nước khác, đặc biệt là các nước tư bản phát triển ở Tây Âu và Nhật Bản hạ thấp hàng rào thuế quan, chấp nhận các luật chơi chung về tự do hoá thương mại và dịch vụ.
Đầu những năm 70, Tây Âu và Nhật Bản trở thành hai cường quốc kinh tế thế giới và có thể cạnh tranh được với Mỹ. Nhưng con số hơn 70% lợi nhuận Mỹ thu được từ Tây Âu cũng cho thấy lợi ích kinh tế mà Mỹ thu được to lớn như thế nào trong quan hệ với Tây Âu. NATO không đơn thuần chỉ là phương tiện "ngăn chặn cộng sản", mà còn là công cụ quan trọng bảo đảm cho sự dính líu lâu dài cũng như an ninh kinh tế của Mỹ ở châu Âu.
Có một khía cạnh đáng lưu ý nữa là, với sự hậu thuẫn quan trọng của Mỹ, các nước Tây Âu trong khối NATO đã nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là Cộng hoà Liên bang Đức.
Trong khi đó thì các nước XHCN trong khối Vacxava trong đó có Cộng hoà dân chủ Đức, lúc đầu cũng duy trì được sự phát triển nhất định, nhưng sau đó lâm dần vào khủng hoảng kinh tế-xã hội ngày càng trầm trọng. Chính vì vậy mà lợi thế cạnh tranh kinh tế đã nghiêng dần về phe TBCN do Mỹ hậu thuẫn. Như vậy, với chiến lược hai gọng kìm cả chính trị-quân sự và kinh tế, Mỹ đã từng bước xác lập được vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng chi phối ở Tây Âu, hình thành khung quan hệ chiến lược châu Âu-Đại Tây Dương trong quan hệ giữa các nước tư bản Âu-Mỹ.
Còn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, song song với việc thiết lập các liên minh quân sự song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Australia, Mỹ còn tăng cường các quan hệ kinh tế-thương mại với các nước khác và tạo điều kiện thuận lợi cho một số nền kinh tế khu vực đặc biệt là Hàn Quốc cất cánh trở thành "hổ" và "rồng".
Việc Mỹ chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 70 không chỉ nhằm vào mục tiêu địa-chính trị - thiết lập tam giác chiến lược Mỹ-Xô-Trung mà còn chuẩn bị tiền đề cho việc triển khai chiến lược mở cửa thị trường to lớn của Trung Quốc trong tương lai gần.
Ngay từ thời Tổng thống Lincoln, Bộ trưởng Ngoai giao Mỹ đã khẳng định khu vực châu Á - Thái Bình Dương là "món quà tặng" của tự nhiên cho nước Mỹ. Vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tổng kim ngạch buôn bán của Mỹ với khu vực này đã vượt so với Tây Âu. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, năm 1989 APEC được thành lập. Quan hệ kinh tế-thương mại của Mỹ với khu vực cũng đã được thể chế hoá một bước quan trọng.
Từ một phương diện khác, sau cuộc khủng hoảng dầu lửa 1972-1973, năm 1975, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ, Nhóm các nước công nghiệp phát triển ( G.7) ra đời nhằm phối hợp chính sách thương mại, tài chính, đầu tư để đối phó với những bất trắc kinh tế có thể xảy ra trên toàn cầu.
Mặt khác, đây còn là thể chế quan trọng để Mỹ có thêm cơ hội thuyết phục, dàn xếp và giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn với các đồng minh trong sân chơi cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, trong chiến lược đối ngoại, với các mức độ và ưu tiên khác nhau, Mỹ luôn phối hợp và triển khai song song cả hai chiến lược có mối quan hệ tương tác hỗ trợ lẫn nhau là chính trị-an ninh và kinh tế đối ngoại.
Đồng thời, chiến lược kinh tế đối ngoại được hoạch định và triển khai trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế trong nước cho phù hợp với những đòi hỏi mới của sự phát triển lực lượng sản xuất dưới tác động của cách mạng khoa học-kỹ thuật. Chính sách kinh tế của Tổng thống Reagan (Reaganomics) trong những năm 80 đã tạo dựng cơ sơ hạ tầng thông tin cần thiết cho kinh tế Mỹ nắm bắt kịp những cơ hội mới do xu thế toàn cầu hoá đưa lại và nhanh chóng cất cánh vào thập kỷ sau đó.
Sau khi Liên Xô tan rã, cùng với việc điều chỉnh chiến lược đối ngoại, Mỹ cũng nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh tế đối ngoại nhằm tận dụng những lợi thế so sánh tối ưu trong bối cảnh cách mạng tin học và toàn cầu hoá. Cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton đã từng tuyên bố "tập trung vào kinh tế như một tia la de" và cho tới đầu năm 2000, nền kinh tế Mỹ đã trải qua một thời kỳ tăng trưởng kéo dài hiếm có.
Trên bình diện toàn cầu, cùng với việc triển khai chiến lược an ninh theo mô hình "đại bàng" với đầu là Bắc Mỹ và hai cánh là châu Âu-Đại Tây Dương (mở rộng NATO) + châu Á-Thái Bình Dương (nâng cấp Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ), Mỹ đã xúc tiến thiết lập một thể chế thương mại toàn cầu thông qua quá trình thúc đẩy chuyển hoá GATT thành Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào đầu năm 1995 nhằm đáp ứng những đòi hỏi mới về tự do hoá thương mại và đầu tư của xu thế toàn cầu hoá. Đây là một thành công kinh tế đối ngoại của Mỹ theo hướng thể chế hoá quá trình cạnh tranh kinh tế toàn cầu bằng việc xác lập những qui tắc và luật chơi chung có lợi cho Mỹ.
Vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong WTO rất lớn. Các nước còn lại, dù có là nước lớn, nếu muốn trở thành thành viên của tổ chức này đều phải tranh thủ sự hậu thuẫn và "gật đầu" của Mỹ. Trung Quốc cũng đã phải có một số nhân nhượng với Mỹ, đặc biệt là trong vụ sứ quán Trung Quốc ở Bêôgrát (Nam Tư) bị ném bom khi Mỹ tiến hành không kích Cô-xô-vô năm 1999 để tranh thủ sự hậu thuẫn của Mỹ đối với việc gia nhập WTO.
Trong sân chơi kinh tế mới này, với thế mạnh về kinh tế-tài chính, Mỹ và một số nước phát triển khác đóng vai trò chủ đạo, nhưng trong cấu trúc phụ thuộc lẫn nhau về lợi ích, các nước đang phát triển cũng có vai trò nhất định. Tại Hội nghị WTO vừa rồi các nước phát triển đã phải nhượng bộ các nước đang phát triển về vấn đề hàng nông sản.
Còn trên bình diện khu vực, trong hai nhiệm kỳ cầm quyền, chính quyền B. Clintơn cũng đã có những quyết sách phù hợp khi triển khai chiến lược đối ngoại để tối đa hoá lợi ích kinh tế của Mỹ. Nắm bắt kịp thời xu thế khu vực hoá và cũng để tập hợp lực lượng nhằm cạnh tranh với các tổ chức kinh tế khu vực khác, đặc biệt là với khối kinh tế Tây Âu mà sau này là Liên minh châu Âu (EU), năm 1992, Mỹ đã cùng với một số nước khác thành lập khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Tới tháng 12 năm 1994, 34 nhà lãnh đạo của các quốc gia châu Mỹ từ Canada đến Chilê (trừ Cu Ba) đã có cuộc họp thượng đỉnh tại Miami và cùng nhất trí với Tổng thống Mỹ B. Clintơn về dự án hoàn thành Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) trước năm 2005.
Ở châu Âu, Mỹ thực hiện chiến lược kép gắn chính trị-an ninh với kinh tế-thương mại. Biên giới NATO mở rộng tới đâu thì sân chơi kinh tế của Mỹ cũng mở rộng tới đó. Ngay cả cuộc chiến Côxôvô do Mỹ chỉ đạo năm 1999 cũng có mục tiêu kinh tế chứ không phải đơn thuần là một cuộc chiến tranh tranh giành quyền lực với Nga ở bán đảo Ban Căng. Mỹ muốn cản trở đồng EURO sắp lưu hành và dọn đường để tiếp cận vào khu vực Trung Á có nhiều dầu lửa.
Vào những năm gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị Seattle và sau sự kiện 11/9, Mỹ đã đẩy mạnh việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương với các nước khác nhau. Trong Chiến lược An ninh quốc gia được công bố ngày 30/9/2002, Tổng thống G.W. Bush đã nhấn mạnh cách tiếp cận ba cấp độ về tự do hoá thương mại mang tính cạnh tranh: "Hoa kỳ sẽ hợp tác với từng quốc gia, từng khu vực và cộng đồng thương mại toàn cầu nhằm xây dựng một thế giới tự do thương mại".
Việc Mỹ lựa chọn đối tác để đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương xuất phát từ ba mục tiêu có liên quan với nhau phản ánh mối quan hệ tương tác qua lại giữa kinh tế với chính trị quốc tế: cạnh tranh kinh tế khu vực, tập hợp lực lượng và xác lập vai trò lãnh đạo trong đàm phán WTO.
Chẳng hạn, Mỹ đã ưu tiên ký FTA với Ôtxrâylia vì nước này vừa là nước đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu thuần tuý các sản phẩm nông nghiệp, lại vừa là nước rất tích cực ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố và cuộc chiến ở Irắc. Ký FTA với Ôtxrâylia tạo thêm thuận lợi cho Mỹ trong các cuộc đàm phán về nông nghiệp ở WTO và tăng cường hợp tác chống khủng bố, hỗ trợ cho an ninh của Mỹ.
Tháng 5/2003, Mỹ đã ký FTA với Xingapo - đối tác đầu tiên ở Đông Á. Đây cũng không phải là hành động ngẫu nhiên. Nó được tính toán phù hợp với nhu cầu và lợi ích của Mỹ cả về chính trị-an ninh và kinh tế. Nước này đã nhiệt thành ủng hộ Mỹ trở lại Đông Nam Á sau các sự kiện Subic và Clark (1992), có chung quan điểm về tiêu chuẩn môi trường và lao động, hơn nữa lại có ngành dịch vụ tiền tệ rất phát triển. Lôi kéo được Xingapo, Mỹ sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng cửa vào thị trường ASEAN, tăng sức cạnh tranh với cả Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ đã chọn Chilê là nước đầu tiên ở Nam Mỹ để ký FTA không chỉ vì nước này là một trong những nền kinh tế mạnh nhất Nam Mỹ, sẽ hậu thuẫn tích cực cho Mỹ thúc đẩy khu vực thương mại tự do châu Mỹ, mà còn vì Chilê đã từng có quan hệ gắn bó với Mỹ và hơn nữa, nước này đã ký hiệp định thương mại tự do với Canađa và một số nước khác. Ở châu Phi, Mỹ đã chọn Marốc để ký FTA là muốn tạo dựng lên một tấm gương tín đồ Hồi giáo thân thiện với Mỹ, đồng thời tạo thế đứng vững chắc hơn để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi nơi cũng có nguồn dầu lửa dồi dào.

3. Chính trị giao thông và dầu lửa
Vào cuối thế kỷ XX, nền kinh tế tri thức đã xuất hiện, tuy nhiên, cho tới nay và chí ít là tới giữa thế kỷ XXI, vì chưa có nguyên liệu thay thế nên dầu mỏ vẫn là "vàng đen" của nền công nghiệp hiện đại và cuộc tranh giành nguồn dầu mỏ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt. "Chính trị dầu lửa" vẫn là chủ đề nổi trội trên nhiều chương trình nghị sự quốc tế.
Đối với Mỹ, "một quốc gia đặt trên những bánh xe, kinh tế đất nước và đời sống hàng ngày của nhân dân không phút nào tách khỏi dầu lửa", nên tự do thương mại có mối quan hệ qua lại với tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn dầu mỏ. Một vị Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã từng nói: "Tuyến nguồn năng lượng thế giới tới đâu thì chính sách ngoại giao của Mỹ cũng tới đó". Theo Báo cáo của Tổ chính sách năng lượng quốc gia đứng đầu là Phó Tổng thống Cheney công bố tháng 5/2001, thì trong 20 năm tới, lượng dầu mà Mỹ sử dụng sẽ tăng 1/3, trong khi sản lượng dầu của Mỹ giảm 12% và đến năm 2020, lượng dầu nhập khẩu chiếm 2/3 nhu cầu dầu lửa ở Mỹ.
Vì vậy, mối quan tâm đặc biệt của Mỹ tới Trung Đông, Trung Á, Đông Nam Á, Tây Phi cũng là điều dễ hiểu. Từ góc độ chiến lược toàn cầu, có thể thấy rõ mục tiêu song trùng mà Mỹ đang theo đuổi ở các địa bàn trên là: khống chế các khu vực "cửa ô", đầu mối giao thông và nguồn dầu lửa ở các châu lục.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, nước Mỹ đã phải hứng chịu vụ khủng bố bằng máy bay san phẳng Trung tâm thương mại thế giới ở New York. Lợi dụng sự kiện này, ngay sau đó, chính quyền G.W. Bush đã nhanh chóng tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Ápganixtan và tạo thế hợp pháp để đưa quân vào Trung Á - một địa bàn chiến lược quan trọng về địa chính trị, giao thông Âu-Á và dầu lửa. Một nhà bình luận quân sự Mỹ cho rằng: "Sự kiện 11/9" khiến cho Mỹ chỉ trong một đêm thực hiện được giấc mộng ôm ấp hàng mấy thế kỷ là tiến vào khu vực Trung Á mà từ trước tới nay toàn thế giới khó tiếp cận nhất và khó hiểu nhất, Mỹ muốn vào nhất mà vẫn chưa vào được".
Từ trước đến nay các nhà chiến lược Mỹ đều coi trọng Trung Á vì có thể biến nó thành một kết cấu mạng lưới giao nhau và từ những cứ điểm nhỏ có thể kiềm chế Nga ở phía Bắc, kiểm soát được Ấn Độ ở phía Nam, Trung Quốc ở phía Đông và châu Âu ở phía Tây.
Với việc có mặt quân sự ngày một gia tăng ở Trung Á, Mỹ đang không chỉ thay đổi cục diện chính trị-an ninh mà còn ngày càng đẩy Nga ra khỏi thị trường, đặc biệt là khai thác dầu lửa và từng bước chiếm tỉ trọng cao trong quan hệ kinh tế với các nước Trung Á.
Tháng 9/2002, chính quyền G..W. Bush công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới với học thuyết "đánh đòn phủ đầu" mà mục tiêu không khác gì với Học thuyết "Ngăn chặn cộng sản" là xác lập sự lãnh đạo thế giới của Mỹ. Đằng sau quyền lực chính trị là quyền lực kinh tế, quyền lực dầu lửa. Dù che đậy dưới hình thức nào thì qua các "hành vi chính sách" vẫn thấy hiển hiện rõ rệt nền "chính trị giao thông và dầu lửa" mà Mỹ đang theo đuổi một cách liên tục và nhất quán.
Khu vực Trung Đông nằm ở gần trung tâm Đông bán cầu, là "cửa ô" ngã ba của ba châu: châu Âu, châu Á và châu Phi và lại được bao bọc bởi năm biển: Hắc Hải, Địa Trung Hải, Lý Hải, Hồng Hải và Arập.
Tại khu vực này còn có những eo biển quan trọng, nơi có những tuyến đường yết hầu nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải, Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương, Đông với Tây, châu Âu với châu Á, trong đó có kênh đào Xu-ê - tuyến giao thông nối liền Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương với lượng hàng vận chuyển chiếm tới 22% tổng số lượng hàng vận chuyển đường biển trên thế giới, 40% lượng tàu vận chuyển dầu trên thế giới và gần 80% lượng tàu vận chuyển hàng hoá của châu Á. Eo biển Hormuz không chỉ là tuyến đường ra biển duy nhất của các nước vùng Vịnh mà còn là tuyến đường yết hầu chuyên chở dầu mỏ xuất khẩu của các nước ở Trung Đông.
Trung Đông còn được mệnh danh là "kho báu dầu mỏ của thế giới", nơi đây chiếm tới gần 70% trữ lượng dầu mỏ đã được thăm dò của thế giới, 65% lượng tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới. Hiện nay, tỉ trọng dầu nhập khẩu tương ứng của Mỹ, EU và Nhật Bản là 60%, 75% và 80%. Tỉ trọng dầu Trung Đông trong tổng lượng dầu nhập khẩu của Mỹ là 22%, EU - 36%, Trung Quốc - 44%, Nhật Bản - 80%, các nước châu Á-Thái Bình Dương khác - 73%.
Do tầm quan trọng chiến lược đặc biệt như vậy, nên trong lịch sử quan hệ quốc tế, Trung Đông luôn trở thành nơi tranh giành của các đế chế và các cường quốc, từ đế quốc Arập, Giáo hoàng La Mã, đế quốc Mông Cổ, đế quốc Ốttôman cho tới đế quốc Anh và Pháp sau này.
Thời kỳ Chiến tranh lạnh, hai siêu cường Xô-Mỹ cũng đã cạnh tranh quyết liệt ở đây. Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ tìm mọi cách để khống chế toàn bộ khu vực này theo khuôn khổ "hoà bình kiểu Mỹ" (PAX AMERICANA) và xác lập quyền lực dầu lửa để đáp ứng nhu cầu của Mỹ cũng như khống chế các đối thủ cạnh tranh khác, đặc biệt là Trung Quốc. Cả hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh I (1991) và II (2003) đều được thực hiện theo logíc địa-chính trị giao thông và dầu lửa.
Đông Nam Á cũng là một địa bàn được Mỹ quan tâm hơn sau sự kiện 11/9. Ngoài mục tiêu hợp tác chống khủng bố, Mỹ còn có những ý đồ to lớn hơn về cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khống chế các đường giao thông quan trọng ở khu vực biển Đông và lợi ích dầu lửa.
Chỉ riêng eo biển Malắcca dài 805 km - nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, đã là một tuyến đường hàng hải hết sức quan trọng của thế giới. Mỗi năm có khoảng 50 nghìn lượt tàu biển qua lại eo này, chuyên chở hơn 1/4 khối lượng hàng hoá buôn bán trên thế giới. Hầu như toàn bộ số xăng dầu nhập khẩu của Nhật Bản và Trung Quốc đều đi qua eo biển này.
Cùng với ưu tiên đại lục Âu-Á, sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã chú ý tới nguồn dầu lửa và thị trường châu Phi. Tiếp theo Tổng thống B. Clintơn, Tổng thống G.W. Bush cũng đã bay tới châu Phi (3-2003). Mục đích của chuyến thăm viếng này không đơn thuần chỉ là vấn đề nhân đạo, dân chủ và đói nghèo mà còn là vấn đề thị trường, nguyên liệu hiếm và dầu lửa, hơn nữa, đây lại là vấn đề quan trọng hơn. Cơn khát dầu lửa đang ập tới và các nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải lo lắng.
Nhìn vào các hoạt động ngoại giao của Mỹ trong thời gian vừa qua, có thể thấy trong thời gian tới, dù ai lên nắm quyền thì cũng phải quan tâm tới ưu tiên chiến lược dầu lửa. Một mặt để bảo đảm năng lượng cho sự tăng trưởng ổn định và lâu dài của kinh tế Mỹ và đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của dân cư Mỹ. Mặt khác, vũ khí dầu lửa được dùng để khống chế các đối thủ đang và sẽ cạnh tranh kinh tế quyết liệt với Mỹ trong tương lai.
Tuy nhiên, thế giới hiện nay đang thay đổi theo hướng mà ngay cả cường quốc mạnh nhất cũng không thể đạt được một số mục tiêu quốc tế cơ bản bằng hành động đơn phương. Do đó, sớm muộn thì Mỹ cũng sẽ phải điều chỉnh chính sách cả về chính trị-an ninh và kinh tế đối ngoại cho phù hợp với những chiều hướng và thách thức mới trong đó có hiện tượng đặc biệt là "tư nhân hoá chiến tranh".
Võ Minh Tập (sưu tầm)

48. Southeast Asia and the South China Sea Dispute (Đông Nam Á và tranh chấp Biển Đông)

Đông Nam Á và tranh chấp Biển Đông (Phần I)

Thứ tư, 05 Tháng , 2011
 
Các quốc gia Đông Nam Á đã phô bày những điểm đồng thuận và bất đồng trong lập trường của họ về tranh chấp Biển Đông. Trong một vài trường hợp, họ đã đoàn kết và đưa ra một tiếng nói chung. Vào những thời điểm khác, tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia thuộc ASEAN lại bị vỡ vụn. NCBĐ giới thiệu bài viết của học giả Úc Christopher Chung phân tích về các nhân tố ảnh hưởng đến tính đoàn kết hay phân tán của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông qua các trường hợp điển hình (case study) trong lịch sử.


Giới thiệu chung
Ngày 4 tháng 11 năm 2002, Bộ trưởng ngoại giao các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Việc này dường như đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai bên liên quan đến tranh chấp biển Đông. Bộ trưởng ngoại giao Philippines, Blas Ople, cho rằng tuyên bố này tạo nên “một nền tảng vững chắc cho các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc và các đối tác ASEAN khác của chúng tôi về vấn đề an ninh lãnh thổ và hàng hải”.[1] Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định rằng điều này đã cho thế giới thấy được một dấu hiệu tích cực trong việc Trung Quốc và ASEAN hoàn toàn có khả năng giải quyết tranh chấp giữa họ với nhau một cách hòa bình thông qua đối thoại”[2] và đó cũng là “dấu hiệu có thể dẫn tới những mối quan hệ mới giữa ASEAN và Trung Quốc”.[3]
Tuyên bố này là một bước chuyển biến thực tế nhằm gác lại tranh chấp biển Đông trong khi ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc.[4] Điều này được khẳng định bằng việc ASEAN và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký với nhau Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện nhằm thiết lập một khu vực mậu dịch tự do ngay sau ngày Tuyên bố trên được ký kết. Các con số cũng đã nói lên điều đó. Năm 2000 mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN là 39.5 tỷ đô-la. Con số này ước tính sẽ tăng lên đến 190 tỷ đô-la vào năm 2007, trong khi đó tổng đầu tư hai chiều là hơn 45 tỷ đô. Hai bên hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của nhau.[5] Nếu được thành lập, khu vực hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng hay biển Đông mở rộng sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.[6] Về mặt chính trị, ASEAN và Trung Quốc cũng đã xích lại gần nhau hơn. Với việc thực hiện thành công “chính sách vùng ngoại vi” nhằm hỗ trợ hiện đại hóa kinh tế và các mục tiêu an ninh quốc gia, đầu những năm 90 Trung Quốc đã bắt đầu mở hay nối lại quan hệ ngoại giao với tất cả các nước thành viên ASEAN.[7] Điều này đã tạo nền tảng cho việc xây dựng lòng tin và và sự tin cậy lẫn nhau và cũng là một phản đề của thuyết “mối đe dọa Trung Quốc”.[8] Từ tháng 7 năm 1996 Trung Quốc trở thành một đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN và cuộc gặp mặt thượng đỉnh hàng năm đã được tổ chức từ năm 1997 – năm mà tuyên bố chung định hướng quan hệ giữa hai bên được ký kết. Năm 2003 Trung Quốc ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN – văn bản ràng buộc các nước ký kết phải giải quyết tranh chấp giữa họ bằng biện pháp hòa bình. Điều này đặc biệt liên quan đến bốn quốc gia Đông Nam Á trực tiếp dính dáng đến tranh chấp biển Đông này: Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.[9] Indonesia và Canada đã bảo trợ một loạt các cuộc họp rất hữu ích trong khuôn khổ Hội nghị không chính thức về quản lý xung đột tiềm tàng ở biển Đông, giúp cho các nước yêu sách hiểu rõ hơn cơ hội cũng như lợi ích từ sự hợp tác thiết thực.[10]
Đặt trong bối cảnh đó, chương này sẽ xem xét quan điểm của các nước Đông Nam Á đối với tranh chấp biển Đông. Lập luận ở đây là các quốc gia này tùy lúc và tùy vấn đề đã đoàn kết hoặc chia rẽ với lập trường quan điểm không loại trừ nhau. Có lúc các thành viên ASEAN có chung một tiếng nói về sự phát triển trong khu vực biển Đông. Lúc khác, hoạt động của các thành viên riêng biệt hoặc sự bất động của cả hiệp hội nói chung đã làm cho sự đoàn kết này gần như vỡ vụn. Cũng có những lúc các nước này vừa nhất trí với nhau, lại vừa bất hòa với nhau, đứng về cùng phía nhau và tách ra riêng biệt về cùng một vấn đề.
Các lập trường về tranh chấp biển Đông
Đoàn kết
Từ năm 1992 đến năm 1998, Trung Quốc đã ban hành một thể chế pháp lý biển khá toàn diện, mà nhiều phần trong đó như một chất xúc tác đưa các quốc gia ASEAN xích lại gần nhau hơn trong việc phản đối hiệu lực của chúng. Năm 1992, Trung Quốc công bố Luật về Lãnh hải và các vùng tiếp giáp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Phạm vi địa lý của đạo luật này bao gồm Đài Loan, các đảo Diaoyutai/Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài – nd), Penghu (Bành Hồ), Đông Sa (Pratas), Trường Sa và Hoàng Sa.[11] Việc công bố này đã dấy lên sự phản đối không những từ Nhật Bản do có liên quan đến các đảo ở Senkaku mà còn từ nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. Trong khi Malaysia yêu cầu giải thích chính thức và hàm ý của đạo luật này thì Việt Nam đã gửi công hàm phản đối bí mật đến Bắc Kinh ở cả cấp Đảng và chính phủ.[12] Philippines và Indonesia cũng đã gửi bản kháng nghị qua đường ngoại giao.
Ở cấp độ khu vực, bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc của mình bằng việc thông qua Tuyên bố về biển Đông trong cuộc họp của họ ngày 22 tháng 7 năm 1992 tại Manila (hay còn gọi là Tuyên bố Manila).[13] Tuyên bố này bao gồm 5 yếu tố. Thứ nhất, nó nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết tất cả các vấn đề về chủ quyền và thẩm quyền liên quan đến biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Thứ hai, tất cả các bên phải thận trọng và kiềm chế để tạo nên một “bầu không khí tích cực” cho việc giải quyết mọi tranh chấp. Thứ ba, trong khi không thành kiến về các vấn đề chủ quyền và thẩm quyền, các bên phải cố gắng đạt được sự hợp tác có thể ở biển Đông liên quan đến an toàn giao thông hàng hải và thông tin liên lạc, bảo vệ chống lại ô nhiễm môi trường biển, phối hợp các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, chống cướp biển, cướp bóc vũ trang và buôn bán trái phép các chất ma túy. Bốn, các quốc gia sẽ áp dụng các quy định của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của khối ASEAN như là cơ sở cho việc thiết lập một bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông. Cuối cùng, các quốc gia đều được mời tham gia vào bản tuyên bố này. Tuyên bố Manila, được ký bởi bộ trưởng ngoại giao các nước Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, là bản tuyên bố liên chính phủ đầu tiên nhằm đẩy mạnh việc thiết lập một bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông.
Việt Nam đã thông qua tuyên bố mặc dù vào thời điểm đó Việt Nam chưa là thành viên của khối ASEAN.[14] Trong khi đó, Trung Quốc không đồng tình với bản Tuyên bố này. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn gián tiếp tham gia tuyên bố thông qua việc Phong trào không liên kết tán thành văn kiện này tại hội nghị thượng  đỉnh  họp tại Jakarta vào tháng 9 năm 1992.[15] Một nhà bình luận đã lưu ý:
Trung Quốc hiển nhiên đã không đồng ý với tất cả các điều khoản trong bản Tuyên bố. Họ cho rằng khu vực Biển Đông đặc biệt là đảo Pratas và Hoàng Sa không dính dáng đến ASEAN. Họ cũng bày tỏ mối quan ngại rằng Tuyên bố chính thức có thể sẽ là một tiền lệ cho những cuộc thảo luận tiếp theo về vấn đề thẩm quyền và chủ quyền, điều mà Trung Quốc không tán thành vì Trung Quốc sẽ phải thỏa hiệp yêu sách của mình đối với toàn bộ khu vực Trường Sa.[16]
Tháng 7 năm 1993, hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các quốc gia ASEAN đã thúc giục “các bên liên quan trực tiếp tán thành các nguyên tắc trong Tuyên bố”,[17] ngầm ám chỉ Trung Quốc. Trung Quốc đã phớt lờ sự thúc giục đó.
Vào ngày 15 tháng 5 năm 1996 Trung Quốc tuyên bố  đường cơ sở lãnh hải của mình, bao gồm một phần thuộc lãnh hải gần đại lục và gần quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa).[18] Trong quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã liệt kê 28 điểm cơ sở có tác dụng khoanh vùng khu vực này.[19] Những đường cơ sở còn lại của lãnh hải sẽ được tuyên bố ‘vào một thời điểm khác’.20]
Một vài nước Đông Nam Á đã bày tỏ sự quan ngại của họ đối với tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc. Bộ trưởng ngoại giao Malaysia Abdullah Ahmad Badawi nhấn mạnh trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị sau bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc vào tháng 7 năm 1996 rằng “Tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc vào ngày 15 tháng 5 năm 1996 đã dấy lên nhiều nghi vấn trong cộng đồng ASEAN. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận  được lời giải thích nào đó từ phía Trung Quốc về tuyên bố này cũng như ý nghĩa của nó.”[21] Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham và cũng là trưởng đoàn đại biểu đến dự cuộc họp đã đưa ra một lời giải thích không rõ ràng: “Phát triển mối quan hệ lâu dài, láng giềng hữu  nghị với khối ASEAN là một nhân tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc” và “cả Trung Quốc và ASEAN đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm một môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực và đang có những nỗ lực cụ thể để duy trì và phát triển nó.”[22]
Philippines, Singapore và Việt Nam cũng lên tiếng bày tỏ mối quan ngại  của họ đối với tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc. Về phía Manila, họ cho rằng việc “rào lại” Hoàng Sa sẽ gây mất ổn định trong khu vực, đi ngược lại với tinh thần hợp tác trên biển Đông, và chẳng giúp gì cho việc giải quyết các tranh chấp ở đó.[23] Lo ngại của Singapore liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa là vi phạm các điều khoản trong Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 và những tác động của nó đối với tự do hàng hải nếu phương pháp tương tự được sử dụng trên quần đảo Trường Sa.[24] Trong công hàm không chính thức do Phái đoàn thường thực trình lên Liên Hợp Quốc, Việt Nam cho rằng việc thiết lập đường cơ sở xác định lãnh hải ở Hoàng Sa vi phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo”, và tuyên bố hành động đó của Trung Quốc hoàn toàn không có hiệu lực và giá trị nào cả.[25] Thêm vào đó, Hà Nội còn nhấn mạnh rằng, trái lại với Công ước luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982, Trung Quốc đã coi Trường Sa là một quần đảo và sát nhập một cách bất hợp pháp một phần biển đáng kể vào nội thủy của mình.[26]
Càng có thêm nhiều vấn đề nổi lên sau khi Trung Quốc tuyên bố đạo luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vào tháng 6 năm 1998.[27] Điều 14 ghi nhận rằng các điều khoản này không hề ảnh hưởng tới “các quyền lịch sử” của Trung Quốc. Một số nhà bình luận đã dùng cụm từ này để ám chỉ những yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông. Đặc biệt là những đặc điểm về địa lý và có thể là các vùng nước trong đường lưỡi bò đã xuất hiện trên bản đồ Trung Quốc từ năm 1947.[28] Ý nghĩa chính xác của cụm từ này trong đạo luật còn chưa rõ ràng.
Việt Nam đã đệ trình công hàm lên Liên Hợp Quốc vào 6/8/1998 kháng nghị đạo luật này về hai điểm. Thứ nhất, một lần nữa khẳng định rằng việc vạch đường cơ sở xác định chiều rộng lãnh hải xung quanh quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại vùng đó và hoàn toàn trái với luật quốc tế. Thứ hai, Việt Nam không công nhận các “quyền lợi lịch sử” mà trái với luật quốc tế và xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích chính đáng trong lãnh hải và thềm lục địa của của Việt Nam trên biển Đông.[29]
Philippines cũng chống lại  đạo luật trên. Sự phản đối của Philippines không chỉ liên quan đến việc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này trong khu quần đảo Kalayaan mà còn liên quan đến việc thiếu một đường phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Thêm vào đó, Manila còn lo ngại rằng điều 14 của đạo luật này liên quan đến các quyền lịch sử là một nỗ lực của Trung Quốc  nhằm “ngầm nhấn mạnh” yêu sách của họ trên quần đảo Trường Sa.[30]
Minh chứng thứ 2 về việc đoàn kết cùng nhau liên quan đến động thái năm 1995 của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn. Vào tháng 2 năm đó, Phillippine đã công khai tuyên bố họ đã phát hiện những tòa nhà được xây dựng bởi Trung Quốc trên dải đá ngầm đó.[31] Một trồi đá tọa cách Palawan 135 hải lý về phía tây, dải đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên vùng thềm lục địa mà Phillippines đã tuyên bố là của mình.[32] Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam cũng yêu sách dải đá này.
Hành động của Trung Quốc là dấu hiệu cho động thái đầu tiên chống lại một quốc gia thành viên trong ASEAN[33] và từ bỏ cách làm trước kia là nhắm vào những điểm mà Việt Nam yêu sách ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã bào chữa cho việc xây dựng này bằng cách tuyên bố những công trình trên chỉ là chỗ trú chân cho ngư dân,[34] và Philippines đã phủ nhận ngay điều này. Do lực lượng không quân, hải quân và điều kiện kinh tế của Philippine còn yếu, rất khó để tăng sức ép đối với Trung Quốc để dỡ bỏ những công trình đó. Lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự có nghĩa là Philippines đã không nỗ lực trục xuất Trung Quốc ra khỏi đá Vành Khăn.[35]
Ngoại giao là lựa chọn thực tế duy nhất đối với Philippines lúc này, tập trung vào cách tiếp cận 3 hướng: i) đối thoại song phương với Trung Quốc bao gồm một bộ ‘quy tắc ứng xử’ được ký kết vào tháng 8 năm 1995, ii) vươn ra tầm khu vực trong khuôn khổ ASEAN và diễn đàn khu vực ASEAN và iii) vượt ra ngoài tầm khu vực bằng cách tham vấn Mỹ và Nhật Bản, Hội nghị Á – Âu, Hội nghị liên minh liên nghị viện và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan.[36]
Philippines đã thành công trong việc dành được sự ủng hộ của ASEAN để lên án hành động của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn. Vào ngày 18 tháng 3 năm 1995 các bộ trưởng ngoại giao của các nước ASEAN đã ra một tuyên bố bày tỏ mối quan ngại của mình đối với những diễn biến trên biển Đông và thúc giục tất cả các quốc gia liên quan tán thành nội dung cũng như tinh thần của Tuyên bố Manila năm 1992.[37] Các bộ trưởng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động có nguy cơ chia rẽ khu vực và đe dọa đến hòa bình an ninh Biển Đông. Họ cũng kêu gọi ‘một phương án kịp thời để giải quyết vấn đề do những diễn biến gần đây trên Đá Vành Khăn gây ra và hối thúc các quốc gia trong khu vực tiến hành các hoạt động mang tính hợp tác để xây dựng lòng tin và ổn định trong khu vực.[38] Mặc dù Trung Quốc không được nêu tên trong tuyên bố trên nhưng rõ ràng Trung Quốc chính là đối tượng mà tuyên bố nhắm đến. Lập trường đoàn kết của ASEAN được thể hiện một lần nữa trong buổi khai mạc cuộc họp ASEAN- Trung Quốc tại Hàng Châu vào tháng 4 năm 1995. Phillipines đặc biệt đánh giá cao hành động thiện ý này và gửi đến Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng ASEAN đang lên tiếng với cùng một tiếng nói về vấn đề này.[39]
Vào tháng 8 năm 1995, Philippines thúc đẩy để tiến tới thảo luận về tranh chấp này tại phiên họp thứ 2 của Diễn đàn khu vực ASEAN tại Brunei. Vì không muốn chọc giận Trung Quốc trong giai đoạn khởi động của diễn đàn nên việc Philippines đề xuất ban hành một bộ luật về cách hành xử trên biển Đông đã nhận được rất ít sự ủng hộ.[40] Trước khi diễn ra phiên họp, ông Tiền Kỳ Tham, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một số tuyên bố tích cực: Trung Quốc sẵn sàng bàn bạc về tranh chấp biển Đông trên diễn đàn đa phương, sẵn sàng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ theo Công ước luật biển năm 1982, sẵn sàng dừng tất cả việc xây dựng các công trình và xuất bản một văn kiện về chính sách bảo vệ quốc gia của mình.[41] Một nhà bình luận cho rằng những tuyên bố của ông Tiền nhằm không dấy lên sự đối đầu của ASEAN trong thời gian mối quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng xấu đi và đáp lại lập trường đoàn kết của các thành viên ASEAN tại cuộc họp tại Hàng Châu tháng 4 năm 1995.[42]
Phản ứng của Singapore về Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn rất thú vị. Tuy vốn là một người ủng hộ mạnh mẽ sự can dự gần gũi hơn với Trung Quốc, thủ tướng Goh Chok Tong cũng bày tỏ mối quan ngại của Singapore về sự việc Đá Vành Khăn trong suốt cuộc họp với thủ tướng Lý Bằng tại Bắc Kinh vào tháng 5 năm 1995.[43] Theo như đưa tin, ông Goh đã chỉ ra rằng hành động của Trung Quốc có một ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định và tự do hàng hải trong khu vực. Sự can thiệp này ‘đã gửi một tín hiệu rõ ràng đến lãnh đạo Trung Quốc rằng Singapore đang đứng về phía các nước ASEAN trong vấn đề này và mối quan hệ của Singapore với khối ASEAN đã vượt lên trên cả mối quan hệ của nước này với Trung Quốc.’[44]
Chia rẽ
Ngược lại với thời kỳ đoàn kết về vấn đề tranh chấp Biển Đông, sự rạn nứt giữa các thành viên ASEAN cũng đã bắt đầu hiện rõ. Hai trường hợp được xem xét ở đây là việc tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn vào năm 1998 và động thái của Malaysia tại Bãi Thám Hiểm  (Investigator Shoal) và Đá  En ca (Erica Reef)    
Vào tháng 10 năm 1998, Philippines đã nhận thấy rằng Trung Quốc đang củng cố sự hiện diện của họ tại Đá Vành Khăn bằng việc xây dựng khung cho hai công trình bê tông bên cạnh hai công trình hiện có.[45] Một toà nhà 3 tầng cùng với một bãi đáp cho máy bay trực thăng về sau cũng đã lần lượt được xây dựng, mở rộng quy mô, chức năng và khả năng của kết cấu dải đá ngầm. Việc xây dựng hoàn thành vào tháng 1 năm 1999.  Mặc dù Philippines phản đối hành động này vì nó đã vi phạm bản ký kết song phương về qui tắc ứng xử vào năm 1995 nhưng Trung Quốc vẫn phủ nhận hành động trên và khăng khăng rằng công việc đó được tiến hành chỉ để tu sửa nơi trú ngụ cho các ngư dân. Trung Quốc đã biện hộ rằng họ đã thông báo trước cho Đại Sứ Quán Philippine tại Bắc Kinh về công việc sắp tới đó.[46] Trung Quốc cũng đã cố gắng mô tả việc xây dựng năm 1998 như một công việc do chính quyền địa phương chứ không phải trung ương cho phép.[47] Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Orlando Mercado, diễn biến mới này là “triển khai xa nhất của sức mạnh Trung Quốc và là con dao găm đâm thẳng vào điểm yếu của chúng ta”.[48]    
Lợi ích của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông không được chú trọng trong thời gian tranh chấp Đá Vành Khăn lần thứ hai. Khác với năm 1995, ASEAN chỉ đưa ra duy nhất một lời khiển trách nhẹ đối với hành động mới nhất của Trung Quốc. Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 6 được tổ chức vào ngày 15-16 tháng 12 năm 1998 đã chứa đựng một ám chỉ gián tiếp đến vấn đề này, kêu gọi “tất cả các bên liên quan  kiềm chế và tránh những hành động có thể làm tổn hại tới hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương.[49]    
Một lý giải cho phản ứng im lặng này là các thách thức mà ASEAN phải đối mặt vào thời điểm đó: việc kết nạp các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam làm thành viên ASEAN và cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á. Tổng Thư Ký ASEAN Rodolfo Sverino đã lưu ý rằng: ‘chúng ta đang có những vấn đề lớn hơn để giải quyết, đặc biệt là vấn đề kinh tế”.[50] Quyết định không phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã ngăn chặn vòng xoáy tình trạng mất giá đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực, đồng thời cũng làm giảm đi những lời chỉ trích về hành động của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn.
Thứ trưởng Ngoại Giao Philippine Laruo Baja đã mô tả cảm giác cô lập này trong một bài diễn văn tại Câu Lạc Bộ Rotary ở Manila vào tháng 4 năm 1999:
Chúng ta đã bị bỏ rơi trong vụ việc đá Vành Khăn. Những nước khác nói rằng trong khi họ hiểu và  thông cảm với hoàn cảnh của chúng ta, vấn đề ở đây chỉ là mâu thuẫn song phương giữa Philippines và Trung Quốc. Thậm chí một số nước ASEAN bằng hữu của chúng ta đã im lặng, rụt rè hoặc không thể vượt qua khỏi những nguyên tắc chung về giải quyết hòa bình các tranh chấp và những câu nói lịch sự xã giao đưa ra tại hành lang các cuộc họp. Có thể hiểu được rằng, họ đều phải theo đuổi chương trình nghị sự riêng của nước mình.[51]
Việc Philippines bị ASEAN bỏ mặc như “một đứa trẻ mồ côi”[52] trái ngược hoàn toàn với sự đoàn kết mà các thành viên đã thể hiện trong tranh chấp Đá Vành Khăn lần thứ nhất. Một nhà bình luận Philippines cho rằng ‘sự hiện diện của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn như một lời nhắc nhở và cảnh báo Philippines không nên buông lỏng sự đề phòng, cảnh giác về sự xâm lấn của Trung Quốc.[53]
Trường hợp thứ hai thể hiện sự rạn nứt giữa các thành viên ASEAN liên quan tới phản ứng về sự chiếm đóng và xây dựng của Malaysia trên Đá En ca và Bãi Thám Hiểm vào giữa năm 1999. Đây là lần đầu tiên một thành viên ASEAN có hành động chống lại yêu sách của những nước khác ở Biển Đông, trong trường hợp này là Philippines và Việt Nam. Trung Quốc và Đài Loan cũng yêu sách các bãi đá này.
Sự chiếm đóng của Malaysia là một sự tiếp tục của cách tiếp cận chặn trước bắt đầu từ đầu những năm 1980 với việc chiếm đóng Đá Hoa Lau (Swallow Reef). Bãi Thám Hiểm cách Palawan khoảng 460 km, và cách Kota Kinabalu xấp xỉ 250km. Nó chỉ cách điểm chiếm đóng xa nhất và chủ yếu nhất  của Malaysia tại Trường Sa là Đá Hoa Lau 80 km.[54] Đá En ca nằm ở phía Tây của Bãi Thám Hiểm và cách thành phố Peurto Princesa của Philippines khoảng 525 km.
Tháng 3 năm 1998 quân đội Philippines đã quan sát và thấy một công trình trông giống như một cái nền ở Bãi Thám Hiểm và một tàu chiến neo đậu ở gần đó.[55] Philippines đã không đưa ra một bản kháng nghị chính thức nào sau khi nhận được tuyên bố từ Bộ Trưởng Ngoại Giao Malaysia Abdullah Badawi rằng hành động này không được Kuala Lumpur cho phép. Tháng 6 năm 1999, một toà nhà 2 tầng, một sân bay dành cho máy bay lên thẳng, một cầu tàu và ăng-ten sóng ra-đa đã thay thế công trình cơ bản. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều phản đối hành động này của Malaysia nhưng nước này dưòng như đã phớt lờ những phản đối đó. Philipppine cảm thấy như bị lừa gạt bởi những gì ngài Badawi đã cam đoan hồi đầu năm. Ngày 24 tháng 6, Philippines đã đưa ra một bản kháng nghị ngoại giao bày tỏ rằng không chỉ Bãi Thám Hiểm thuộc lãnh thổ Philippine và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này mà Malaysia đã đi ngược lại Bản Tuyên Bố Manila năm 1992 và những hiệp định sau đó của ASEAN nhằm giảm bớt căng thẳng ở khu vực Biển Đông.[56] Theo đó, Malaysia bị yêu cầu xem xét lại hành động của mình trên tinh thầm đoàn kết, hợp tác ASEAN và vì lợi ích của hoà bình và sự ổn định của khu vực.[57]      
Để bào chữa cho hành động đã rồi của Malaysia, ngày 27 tháng 6, Thủ Tướng Mahathir đã nhận định rằng: “chúng tôi đã xây dựng trên đúng khu vực của mình và không nằm ngoài khu vực đó nhằm phục vụ cho những nghiên cứu về khí hậu và đời sống ở biển cũng như ngăn chặn sự va chạm tàu thuyền”.[58] Ngoại Trưởng Syed Hamid Albar cũng bày tỏ sự đồng tình “thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi không làm bất cứ một hành động gì ngoài việc có mặt trên khu vực mà chúng tôi coi là lãnh thổ của mình. Vì vậy, nếu Philippines phản đối lại sự thật rằng chúng tôi đang ở trên thềm lục địa của chúng tôi, chúng tôi sẽ có lời giải thích.”[59]    
Gần như là ăn miếng trả miếng, Tổng thống Joseph Estrada tuyên bố rằng Philippines cũng sẽ xây dựng trên những đảo mà nước này đòi yêu sách. Như ông nói, “nếu họ đã và đang xây dựng những công trình, chúng ta cũng sẽ xây những công trình của chính chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ có một giải pháp tương tự về vấn đề này. Chúng ta sẽ không cho phép mình bị lợi dụng.[60] Tuyên bố của ngài Estrada đã tạo nên một sự không thống nhất giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng trong việc đáp lại hành động của Malaysia. Trong khi ngài Estrada ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Quốc Phòng Orlando Mercado về việc Manila xây dựng công trình trên những hòn đảo mà nước này yêu sách thì Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Domingo Siazon lại phản đối đề xuất này.[61] Ông Siazon lập luận rằng động thái đó có thể làm phức tạp thêm vấn đề vốn đã rất nhạy cảm này và có thể làm xói mòn nền tảng đạo đức của Philippines trong tranh chấp biển Đông trên vũ đài quốc tế.[62] Cuối cùng quan điểm của Siazon cũng chiếm được ưu thế. Hai ông Mercado và Siazon trước đó đã có những kết luận khác nhau về việc liệu Trung Quốc và Malaysia có thông đồng với nhau trong ‘sự bùng nổ xây dựng các công trình’ ở Trường Sa hay không.[63] Trong khi ông Mercado nghi ngờ về khả năng này thì ngài Siazon lại nhắc nhở việc Trung Quốc xây dựng trên Bãi Thám hiểm diễn ra khi Bộ Truởng Bộ Ngoại Giao Malaysia Syed Hamid Albar có chuyến viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 5 năm 1998.[64] Các quan chức ngoại giao khác cũng nhận thấy rằng không thể có việc Trung Quốc không hề hay biết hoặc không giám sát, theo dõi những hành động của Malaysia.[65] Hơn nữa có một sự tương phản nổi bật giữa sự phản đối hết sức mềm mỏng của Bắc Kinh đối với Malaysia với những lời tuyên bố ôn hòa về chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên những khu vực tranh chấp và những lời phê bình gay gắt của Trung Quốc liên quan đến yêu sách của Philippines trên Đá Vành Khăn và bãi Scarborough.
Mối lo ngại của Philippines càng tăng lên vào tháng 7 năm 1999 khi phát hiện ra rằng Malaysia đã và đang cho xây dựng một toà nhà 2 tầng và một sân bay trên một đảo đang bị tranh chấp khác là Đá En ca. Vào ngày 20 tháng 8, Philippines đã gửi một bản kháng nghị ngoại giao.[66] Chủ tịch Thượng Viện Philippines Blas Ople đã kêu gọi Bộ Ngoại Giao gửi một bản kháng nghị đanh thép hơn so với bản kháng nghị về việc chiếm đóng Bãi Thám Hiểm, bao gồm yêu cầu tháo dỡ hết các công trình và Malaysia phải rút khỏi dải đá ngầm này.[67] Tuy nhiên lời kêu gọi của ngài Ople đã bị suy yếu khi Bộ trưởng Quốc Phòng Mercado thú nhận rằng Đá En ca nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Phillipines và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.[68] Tuy nhiên ông Mercado lại không đưa ra được một bằng chứng nào về kết luận trên. Đại Sứ Quán Malaysia tại Manila ngay lập tức đã biện hộ cho việc chiếm giữ ở cả Bãi Thám Hiểm và Đá En ca bằng cách chỉ ra vị trí của chúng trên bản đồ năm 1979 xác định lãnh hải và ranh giới thềm lục địa của Malaysia (the Peta baru), cũng như những nhân tố lịch sử và pháp lý hỗ trợ yêu sách chủ quyền của nước này. Hơn nữa, Đại Sứ Quán còn quả quyết rằng không có một phần nào nằm trong vùng biển của Malaysia lại thuộc quần đảo Trường Sa.[69] Philippines đã bác bỏ lời nhận định này và đe doạ sẽ đưa vấn đề này ra Liên Hợp Quốc.[70]
Để giảm bớt căng thẳng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Malaysia - Syed Hamid Albar tuyên bố rằng:
Chúng tôi sẽ không tiến hành bất cứ một hành động nào làm tăng sự căng thẳng cũng như không có ý định sử dụng những hòn đảo với mục đích  xâm lược. Philippines có thể tiến hành bất cứ một hành động nào mà họ muốn. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Cả dải đá ngầm và bãi cát ngầm đều nằm trong lãnh thổ Malaysia. Chúng tôi có mặt ở đó vì mục đích hoà bình.[71]
Malaysia phản đối bất cứ những thảo luận nào liên quan tới sự chiếm đóng của mình trên Bãi Thám Hiểm và Đá En ca tại Hội Nghị các Bộ trưởng ASEAN năm 1999. Quan điểm của Bộ trưởng Ngoại Giao Malaysia Syed Hamid Albar là: “những vấn đề song phương sẽ được thảo luận song phương”.[72] Ngược lại, Bộ trưởng Ngoại Giao Philippines Siazon đã chỉ ra rằng: “Vấn đề Trường Sa chắc chắn sẽ luôn được thảo luận tại đây (tại Hội Nghị các Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao ASEAN). Đây cũng là vấn đề chính được nhiều nước quan tâm.”[73] Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Surin Pitsuwan nhất trí đưa ra gợi ý rằng các nước đưa ra yêu sách đều có lý do quan ngại bởi vì bất cứ một mâu thuẫn nào xảy ra ở khu vực Biển Đông đều có quan hệ mật thiết tới an ninh đường biển quốc tế. Theo quan điểm của ông:
Đây là một vấn đề của toàn khu vực. Các nước có yêu sách đối nghịch nhau có thể cho rằng đây là mâu thuẫn nội bộ sẽ được giải quyết và xử lý giữa họ với nhau, nhưng những căng thẳng và xung đột như thế sẽ có tác động bất lợi cho tất cả chúng ta.[74]
Một vài giải pháp về động thái của Malaysia trên các hòn đảo cũng được đề xuất. Thứ nhất, những hoạt động của Trung Quốc ở Đá Vành Khăn thể hiện những lợi ích của việc ủng hộ hành động này. Khi một đảo tranh chấp bị chiếm đóng và các công trình kiên cố được xây dựng, việc chiếm hữu trên thực tế làm cho việc trục xuất và tháo gỡ công trình bằng sức ép ngoại giao, luật pháp, quân đội hoặc tinh thần trở nên khó khăn. Thủ tướng Mahathir dường như đã thừa nhận giá trị của chính sách chặn trước khi ông nhận định Malaysia đã tiến hành xây dựng trên Bãi Thám Hiểm vì lo sợ rằng những quốc gia khác sẽ viện đến những hành động như vậy như trước đó đã từng xảy ra ở một số dải đá ngầm khác.[75] Giải pháp thứ hai là phát triển Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Như sẽ được phân tích cụ thể ở phần sau, vào tháng 5 năm 1999, Philippines và Việt Nam đã bắt đầu soạn một bản dự thảo của Bộ quy tắc. Hành động chặn trước của Kuala Lumpur trong việc chiếm đóng Bãi Thám Hiểm và Đá En ca trước khi đàm phán chi tiết về Bộ quy tắc khởi động sẽ bảo vệ thành quả của Malaysia thông qua việc đã rồi. Vì Trung Quốc đã chứng minh trong vụ Đá Vành Khăn, khi một dải đá đã thuộc quyền sở hữu của một nước thì việc trả lại nguyên trạng cũ là cực kỳ khó khăn.
Sau khi Malaysia chiếm đóng hai dải đá ngầm, nước này khá im hơi lặng tiếng. Điều này có thể được hiểu rằng vì Malaysia đã phá vỡ những gì mình đã cam kết trong Bản tuyên bố năm 1992 về Biển Đông, đặc biệt, ở đoạn thứ hai của Bản tuyên bố chỉ ra rằng các bên cam kết thực hiện kiềm chế để thúc đẩy một bầu không khí tích cực để giải quyết mọi tranh chấp.
(Xem tiếp phần 2)

[1] ‘Ople Lauds Signing of  Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea’, Bộ ngoại giao, Philippines, press release no. 246-02, 4 November 2002, tại www.dfa.gov.ph/news/pr/pr2002/no/pr246.htm.
[2] Trích trong ‘Editorial and Opinionn: Beyond Terrorism’, Philippine Daily Inquirer, 7 November 2002.
[3] Trích trong ‘ASEAN, China Sign Document on Territorial Dispute’, Kyoto News, 5 November 2002.
[4] Để hiểu được vì sao mức độ tranh chấp giảm đi trong thời gian gần đây, xem R.Emmers, The De-escalation of the spratly Dispute in Sine-Southest Asian Relations, RSIS Working Paper No 129 (Singapore: S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University, 2007).
[5] Số liệu từ R. Sutter and C.-H. Huang, ‘China-Southeast Asia Relations: Singapore Summits, Harmony, and Challenges’, Comparative Connections. A Quarterly E-Journal on East Asian Bilateral Relations, January 2008, tại www.csis.org/media/csis/pubs/0704qchina_seasia.pdf; và ASEAN-China Expert Group on Economic Cooperation, Forging Closer ASEAN-China Economic Relations in the Twenty-First Century (Jakarta: ASEAN, 2001), tr. 1.
[6] Xem M. Li, Security in the South China Sea: China’s Balancing Act and New Regional Dynamics, RSIS Working Paper No. 129 (Singapore: S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University, 2008), tr. 17-21.

[7] Về chính sách ngoại biên, xem S. Zhao, ‘China’s periphery Policy and Its Asian Neighbours’, Security Dialogue 30,3 (September 1999), tr. 335-346.
[8] Về các quan điểm đối với vấn đề ‘Mối đe dọa Trung Quốc’ xem H. Yee và I. Storey (eds), The China Threat: Perceptions, Myths and Reality (London and New York: RoutledgeCurzon, 2002); R. Bernstein và R.H. Munro, ‘China I: The Coming Conflict with America’, Foreign Affairs 76, 2 (March-April 1997), tr. 18-32; R.S. Ross, ‘Beijing as a Consevative Power’, Foreign Affairs 76, 2 (March-April 1997), tr. 33-44; D. Roy, ‘The “China Threat” Issue: Major Arguments’, Asian Survey 36, 8 (August 1996), tr. 758-771.
[9] Các phân tích về những yêu sách đối với biển Đông bao gồm M. Chemillier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands (The Hague: Kluwer Law International, 2000); M.J. Valencia, J.M. van Dyke và N.A. Ludwig, Sharing the Resources of the south China Sea (The Hague: Martinus Nijhoff Publishers, 1997), tr. 20-38; M. Samuels, Contest for the South China sea (New York and London: Methuen, 1982).
[10] Xem H. Djalal, ‘Indonesia and the South China Sea Initiative’, Ocean Development and International Law 32, 2 9April 2001), tr. 97-103; I. Townsend-Gault, ‘Preventive Diplomacy and Pro-activity in the South China Sea’, Contemporary Southeast Asia 20, 2 (august 1998), tr. 171-190.
[11] Xem Điều 2, Luật qui định về lãnh hải và vùng tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 25 February 1992, Law of the Sea Bulletin 21 (New York: Uunited nations Division for the Ocean affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, 1992), tr. 24.
[12] ‘Testing the Waters’, Far Eastern Economic Review, 12 March 1992, tr. 8-9.
[13] Tuyên bố ASEAN về biển Đông (1992), Manila, Philippines, 22 July 1992, tại www.aseansec.org/5233.htm.
[14] L.T. Lee, China and the South china Sea Dialogues  (Westport: Prarger, 1999), tr. 26.
[15] Về sự phản đối không thành công của Trung Quốc đối với việc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết thông qua Tuyên bố ASEAN về biển Đông năm 1992, xem C. Smith và S. Aznam, ‘Reason and Rheto’, Far Eastern Economic Review, 17 September 1992, tr. 11.
[16] Lee, China and the south China Sea Dialogues, tr. 26.
[17] Đoạn 13, Joint Communiqué of the 26th ASEAN Ministerial Meeting, Singapore, 23-24 July 1993, tại www. Aseansec.org/3666.htm.
[18] Xem Lời nói đầu, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở xác định lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 15 May 1996, Law of the Sea Bulletin 32 (New York: United Nations, division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, 1996), tr. 37.
[19] H.K. Park,  The Law of the Sea and Northeast Asia. A Challenge for Cooperation (The Hague: Kluwer Law International, 2000), tr. 24.
[20] United Nationns, Division for Ocean Affairs and the Law of the sea, Office of Legal Affairs, ‘Declaration of the Government of the People’s Republic of China on the Baselines of the Territorial Sea of the People’s Republic of China, 15 May 1996’, tr. 40.
[21] Tuyên bố của ngài Datuk A.H.A. Badawi, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Malaysia, 22 July 1996, www.seansec.org/4348.htm.
[22] Lời mở đầu của ngài Tiền Kỳ Tham, Phó thủ tướng và Bộ trưởng ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa, 22 July 1996, tại www.seansec.org/4347.htm.
[23] United Nationns, Division for Ocean Affairs and the Law of the sea, Office of Legal Affairs, ‘Philippines, Statement of the Department of Foreign Affairs on the Ratification by China of the United Nations Convention on the Law of the Sea’, Law of the Sea Bulletin 32 (New York: United Nations, Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, 1996), tr. 88.
[24] I. Storey, ‘Singapore and the Rise of China’, trong H. Yee và I. Storey (eds), The China Thread: Perceptions, Myths and Reality (London and New York: RoutledgeCurzon 2002), tr. 205-266 tại tr. 215.
[25] United Nationns, Division for Ocean Affairs and the Law of the sea, Office of Legal Affairs, ‘Vietnam. Objections to the statement of 15 May 1996 made by the Government of the People’s Republic of China on the baselines from which the breadth of China’s territorial sea is measured’, Law of the Sea Bulletin 32 (New York: United Nations, Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, 1996), tr. 91.
[26] Nt.
[27] Xem văn bản đạo luật đầy đủ tại United Nations, Division for Ocean Affairs and the Law of the sea, Office of Legal Affairs, China: People’s Republic of China Exclusive Economic Zone and Continental shelf Act’, Law of the Sea Bulletin 32 (New York: United Nations, Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, 1998), tr. 28-31.
[28] Về phân tích đường lưỡi bò của Trung Quốc xem K. Zou, ‘Chinese Traditional Maritime Boundary Line in the south China Sea and its Legal Consequences for the Resolution of the Dispute over the Spratly Islands’, International Journal of Marine and Coastal Law 14,1 (March 1999), tr. 27-55.
[29] United Nationns, Division for Ocean Affairs and the Law of the sea, Office of Legal Affairs, Vietnam: Dispute regarding the Law on the Exclusive Economic Zone and Continental shelf of the People’s Republic of China which was passed on 26 June 1998’, ’, Law of the Sea Bulletin 38 (New York: United Nations, Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Office of Legal Affairs, 1998), tr. 54-55.
[30] ‘Manila to Protest New Beijing Initiative in Territorial Dispute’, BusinessWorld (Philippines), 21 September 1998.
[31] R. Tiglao, ‘Remote Control. China Expands Reefs to Extend Claims’, Far Eastern economic Reviewi, 1 June 1995, tr. 20.
[32] M.J. Valencia, “Mischief at the Reef’, Far eastern Economic Review, 20 may 1993, tr. 31.
[33] Việt Nam chưa là thành viên của khối ASEAN cho đến tháng 7 năm 1995, 5 tháng sau khi các công trình xây dựng của Trung Quốc được tìm thấy tại Đá Vành Khăn.
[34] Tiglao, ‘Remote Control’, tr. 20.
[35] R. Tasker, ‘A line in the Sand’, Far Eastern Economic Review, 6 April 1995, tr. 14.
[36] Xem I.J. Storey, ‘Creeping Assertieness: China, the Philippines and the South China Sea Dispute’, Contemporary Southeast Asia 21, 1 (April 1999), tr. 106-109; I. Storey, ‘Manila Looks to USA for Help over Spratlys’, Jane’s Intelligence Review 11, 7 (August 1999), tr. 47; D. Zha và M.J. Valencia, ‘Mischief Reef: Geopolitics and Implications’, Journal of Contemporary Asia 31, 1 (March, 2001) , tr. 89.
[37] ASEAN, Statement by the ASEAN Foreign mnisters on the Recent developments in the South China Sea, 18 March 1995, tại www.aseansec.org/2089.htm.
[38] Nt
[39] Storey, ‘Creeping Assertiveness’, tr. 107-108.
[40] Tlđd., tr. 108.
[41] Tlđd.; S.I. Hay, ASEAN’s Regional Security Dialogue Pỏcess: From Expectation to Reality?, Institute of Southeast Asian studies Working Papers, International Politics and Securities Issues No. 1(97) (Singapore: Institute of Southeast Asian studies, 1997), tr. 19.
[42] Hay, ASEAN’s Regional Security Dialogue Process, tr 19-20.
[43] Storey, ‘Singapore and the Rise of China’, tr. 214.
[44] Tlđd., tr. 215.
[45] Storey, ‘Creeping Assertivenes’, tr. 98; R.Tiglo, A. Sherry, N. Thayer and M. Vatikiotis, “Tis the season”, Far Eastern Economic Review, 24 December 1998, tr.18.
[46] Nt
[47] B. Wain,’ Asean’s Inaction Encourages Chinese Audacity’, Asian Wall Street Journal, 25 June 1999
[48] Tiglaoat al.,”Tis the Season”, tr.18
[49] Association of Southeast Asian Nations, Sixth ASEAN Summit, Hanoi Declaration of 1998, Hanoi, Vietnam, 16 December 1998, ASEAN Documents Series 1998-1999, Supplementary Edition (Jakatar: ASEAN, 1999), tr. 5.
[50] Tiglaoat al.,”Tis the Season”, tr.18.
[51] C.A. Thayer, “Some Progress, along with  Disagreement and Disarray: China- ASEAN Relations’, Comparative Connections- 2nd Quarter 1999, tại www.csis.org/pacfor/cc/992Qchina_asean.html.
[52] Nt.
[53] A.S.P Baviera,’perceptions of a China Threat: A Philippine Perspective’, trong H. Yee và I. Storey (eds), The China Threat: Perceptions, Myths and Reality (London and Newyork: RoutledgeCurzon, 2002), tr.259-260.    
[54] R. Tiglao, ‘Seaside Boom’, Far Eastern Economic Review, 8 July 1999, tr.14.
[55] Phần này được trích từ Tiglao, ‘Seaside boom’, tr.14.
[56] ‘Philippines Formally Protests Malaysian Action in Spratlys’, Agence France-Presse, 24 June 1999.
[57] ‘Malaysia Defends Presence in Spratlys’, Reuters, 24 June 1999.
[58] ‘Structure is on Malaysian Territory- Dr Mahathir’, Bernama, 27 June 1999.
[59] ‘Malaysia Defends Presence in Spratlys.’
[60] ‘Building on Spratlys? So Will We- Erap’, Manila Standrd, 23 June 1999.
[61] ‘Manila Drops Plan to Build Structures in the Spratlys’, Asian Political News, 12 July 1999.
[62] Nt.
[63] ‘RP Sees China- KL Collusion on Spratlys’, Manila Standard, 25 June 1999.’
[64] Nt.
[65] Tlđd.;’Manila Drops Plan to Build Structures in the Spratlys.’
[66] Philippines Hands Protest Note to Malaysia’, Asociated Press, 20 August 1999.’
[67] ‘Philippine Senate Head Wants Malaysia to Tear Down Spratlys Structures’, Agence France-Press, 20 August 1999.
[68] ‘Stronger Protest vs Malaysian Moves in Spratlys Needed, DFA Told’, BusinessWorld (Philippines), 23 August 1999.
[69] M. Talosig, ‘Reefs Within Our Territory- Malaysia’, Gulf News, 23 August 1999.
[70] Y.L.G. Arbon, N.P. Aquino and C.R.A. Garcia,’Manila to Seek UN Intervention in Maritime Tiff with Malaysia’, BusinessWorld (Philippines), 24 August 1999; ‘Philippines Considers Taking Apratlys Row with Malaysia to United Nations’, Bernama, 23 August 1999. 
[71] ‘No Cause for Tension over Spratlys, Malaysia says’, Kyodo News, 24 August 1999; ‘Malysia Not Contributing to Tension in Spratlys: Minister’, Agence France-Presse, 24 August 1999.
[72] ‘ASEAN seeks progress on S. China Sea code of conduct, Asian Political News, 26 July 1999.
[73] Nt.
[74] Nt.
[75] ‘Structure is on Malaysian Territory – Dr Mahathir.’


Đông Nam Á và tranh chấp Biển Đông (Phần II)  

Việc chuyển biến từ một bộ quy tắc sang một tuyên bố về cách ứng xử tại biển Đông là một ví dụ điển hình cho việc một số quốc gia Đông Nam Á đoàn kết và chia rẽ với nhau, cho thấy rằng hai lập trường này có thể cùng tồn tại hơn là loại bỏ lẫn nhau.
Vừa đoàn kết vừa chia rẽ
Việc chuyển biến từ một bộ quy tắc sang một tuyên bố về cách ứng xử tại biển Đông là một ví dụ điển hình cho việc một số quốc gia Đông Nam Á đoàn kết và chia rẽ với nhau, cho thấy rằng hai lập trường này có thể cùng tồn tại hơn là loại bỏ lẫn nhau.
Philippines đã có thời gian dài ấp ủ Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông và lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc phát triển Bộ luật này tại cuộc họp thứ hai của Diễn đàn khu vực ASEAN vào tháng 8 năm 1995. Bộ trưởng ngoại giao Philippines, ông Siazon, đã gợi ý rằng: như là một biện pháp tạm thời giải quyết vấn đề chủ quyền, các quốc gia liên quan đến tranh chấp Biển Đông nên xây dựng một Bộ qui tắc như một thoả thuận không chính thức để điều chỉnh thái độ và cách cư xử của họ trong khu vực.[1] Như đã trình bày ở trên, đề xuất đó đã không thu hút được sự quan tâm trong cuộc họp.
Trong cuộc họp ở Jakarta vào tháng 7 năm 1996, Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã tán thành ý tưởng về việc ký kết một Bộ quy tắc ứng xử biển Đông ở cấp khu vực. Bộ quy tắc này sẽ đặt nền móng cho sự ổn định lâu dài ở khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền.[2] Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15 và 16 tháng 12 năm 1998, Kế hoạch hành động Hà Nội đã được thông qua. Phần 7 của Kế hoạch hành động thúc giục các thành viên “tăng cường nỗ lực thiết lập một Bộ quy tắc cách ứng xử khu vực giữa các bên trực tiếp liên quan đến vấn đề Biển Đông.[3] Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 5 diễn ra vào tháng 4 năm 1999 ở Côn Minh, Philippines lại một lần nữa đưa ra ý kiến xây dựng một Bộ quy tắc mang tính khu vực nhưng đã không nhận được sự ủng hộ từ phía ASEAN.[4] Trung Quốc đã phản ứng một cách hết sức bình tĩnh về đề xuất một bộ quy tắc ứng xử khu vực và tỏ ý ưu tiên sử dụng Bản tuyên bố chung năm 1997 giữa hai bên như một tài liệu tham khảo.
Vào tháng 5 năm 1999, Thứ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã trao nhiệm vụ cho Philippines và Việt Nam chuẩn bị soạn bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử. Philippines đóng vai trò tiên phong và chuẩn bị bản dự thảo đầu tiên. Bản dự thảo này đã được trình bày trước Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và diễn đàn khu vực ASEAN tại cuộc họp vào tháng 7 năm 1999 nhưng đều không được thông qua.
Căng thẳng trong nội bộ ASEAN đã bắt đầu dần hiện rõ. Cả Malaysia và Việt Nam đều rất quan tâm tới quá trình Philippines thực hiện việc soạn thảo Bộ quy tắc như thế nào. Các quan chức Malaysia nhận xét rằng Philippines dường như có ý định đẩy nhanh quá trình phê chuẩn bằng việc đệ trình bản dự thảo Bộ quy tắc lên Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, và sau đó là tới các nhà lãnh đạo chính trị mà không có bất cứ một cuộc thảo luận trước nào ở cấp các quan chức cao cấp.[5] Hơn nữa, theo quan điểm của Bộ trưởng ngoại giao Malaysia Syed Hamid Albar, bản dự luật là một văn bản pháp lý quá tuyệt đối hơn là một văn bản chính trị với các nguyên tắc chỉ đạo. Việt Nam cũng không hài lòng với chủ định của Philippines trong việc đẩy nhanh quá trình này. Theo báo cáo thì đây chính là lý do vì sao Việt Nam từ chối trở thành đồng tác giả của bản dự thảo Bộ quy tắc.[6]     
Vào tháng 9 năm 1999, Philippines đã đệ trình bản dự thảo thứ hai. Một lần nữa, bản dự thảo lại không nhận được sự ủng hộ. Tiếp theo đến lượt Trung Quốc đưa ra bản dự thảo của nước này vào tháng 10 năm 1999 nhưng cũng cùng chung một kết cục. Sau đó vào tháng 11, Philippines lại tiếp tục đệ trình một bản dự thảo khác trước khi diễn ra Hội nghị không chính thức các Nguyên Thủ Quốc Gia/Chính phủ ASEAN lần thứ ba. Cả Malaysia và Việt Nam đều nhắc lại mối quan ngại của họ về phạm vi địa lý áp dụng của Bộ quy tắc nhưng cuối cùng cũng đã đồng ý với bản soạn thảo vào ngày 24 tháng 11, tháo gỡ chướng ngại vật cuối cùng tạo nên sự nhất trí đồng lòng trong các nước ASEAN. Bộ quy tắc được áp dụng “tại những vùng tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa tại Biển Đông”, hay còn gọi là “khu vực tranh chấp”. Trung Quốc từ chối tán thành bản soạn thảo nhưng vẫn đồng ý sử dụng nó cho những cuộc thảo luận tiếp theo.
Trong suốt hai năm 2000 và 2001, ASEAN và Trung Quốc đã phối hợp cùng nhau phát triển một bản dự thảo hợp nhất, thành lập Nhóm hoạt động tham vấn các quan chức cao cấp ASEAN- Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử để thúc đẩy tiến trình. Quần đảo Hoàng Sa tiếp tục là một vấn đề rất khó giải quyết vì Việt Nam kiên quyết yêu cầu bao hàm Hoàng Sa trong Bộ quy tắc. Malaysia cùng với Trung Quốc đã phản đối lại điều này mặc dù Malaysia không có bất cứ yêu sách nào liên quan đến quần đảo Hoàng Sa. Với việc khó đạt được thoả thuận giữa Trung Quốc và ASEAN và mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN trở nên rõ rệt hơn, vào tháng 7 năm 2001, Philippines đã đưa ra một bản soạn thảo Bộ quy tắc mới. Bộ quy tắc này kêu gọi tất cả các bên tự kiềm chế, bao gồm việc tránh đưa người lên những điểm hiện chưa bị chiếm đóng và xử lý mâu thuẫn giữa họ với tinh thần xây dựng. Bộ quy tắc này không đề cập gì tới phạm vị địa lý áp dụng của văn kiện.[7]
Mâu thuẫn tiếp diễn liên quan đến phạm vi địa lý áp dụng bản dự luật đã gây nhiều cản trở cho những bước tiến xa hơn. Trung Quốc đã phản đối những câu từ mang tính chất thỏa hiệp do Philippines soạn ra nhằm làm giảm bớt mối lo ngại của Malaysia rằng phạm vi của Bộ quy tắc có thể bao gồm những vùng không bị tranh chấp của nước này tại Biển Đông. Với nỗ lực phá vỡ thế bế tắc này, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Malaysia Syed Hamid Albar đã đề xuất một phương sách mới tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao các nước ASEAN lần thứ 35 diễn ra tại Brunei trong hai ngày 29-30 tháng 7 năm 2002: một tuyên bố về quy tắc ứng xử biển Đông. Theo quan điểm của ông, bản tuyên bố này sẽ khẳng định vị thế của ASEAN và là một tín hiệu cho thấy hiệp hội sẽ làm gì đó để giảm bớt tình hình căng thẳng này. Bộ trưởng Bộ ngoại giao - Ahmad Fuzi Abdul Razak cũng tán thành việc gọi văn kiện này là một tuyên bố hơn là một bộ luật vì “điều này sẽ dễ dàng hơn cho các thành viên ASEAN ủng hộ và chấp thuận” và “ít bị các quốc gia phản đối nhất, đặc biệt là những quốc gia đưa ra yêu sách”[8]       
Sự thay đổi tên gọi từ Bộ quy tắc thành Bản tuyên bố mặc dù là khá thực dụng cho thấy một sự giảm bớt ý chí chính trị giữa các thành viên ASEAN để ký kết một văn kiện có ý nghĩa. Một vài vấn đề cũng đã bắt đầu có dấu hiệu nảy sinh: thứ nhất là sự bất lực của ASEAN trong nỗ lực hòa giải mối bất đồng giữa Malaysia và Việt Nam về phạm vị địa lý áp dụng của văn kiện; thứ hai là liệu có nên có sự tập trung mang tính toàn bộ hay mang tính riêng biệt (bằng việc áp dụng Bản tuyên bố chỉ đối với những quốc gia liên quan đến cuộc tranh chấp, bất cứ sự can thiệp nào của các quốc gia khác trong khối ASEAN như Indonessia, Singapore hay Thái Lan hoặc các quốc gia thuộc những khu vực khác hoặc các tổ chức đa phương sẽ đều bị bác bỏ); thứ ba là không có một sự thỏa hiệp nào giữa việc ASEAN mong muốn ngăn cấm việc xây dựng hay mở rộng những công trình hiện tại và sự phản đối của Trung Quốc về điều khoản này. Cuối cùng, các bên cũng thống nhất rằng Bản tuyên bố sẽ đề cập đến Bộ quy tắc ứng xử như mục tiêu chung cao nhất trên cơ sở đồng thuận giữa các bên. Bất chấp những vấn đề trên, các quan chức cấp cao ASEAN cũng đã tán thành Bản tuyên bố tại cuộc họp của họ ở Phnôm Pênh vào ngày 31 tháng 12. Vào ngày 1 tháng 11 Trung Quốc cũng đã tán thành Bản tuyên bố. Điều này đã mở đường cho lễ ký kết văn bản tại Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc vào ngày 4 tháng 11 năm 2002.[9]
Kết luận
Các quốc gia Đông Nam Á đã phô bày những điểm đồng thuận và bất đồng trong lập trường của họ về tranh chấp Biển Đông. Trong một vài trường hợp, họ đã đoàn kết và đưa ra một tiếng nói chung. Phản ứng đối với nhiều điểm trong quy chế thẩm quyền biển và động thái trên Đá Vành Khăn của Trung Quốc vào năm 1995 là những trường hợp điển hình. Vào những thời điểm khác, tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia thuộc ASEAN lại bị vỡ vụn. Philippines đã bị cô lập vào năm 1998 khi Trung Quốc củng cố sự hiện diện của mình trên Đá Vành Khăn trong khi động thái của Malaysia vào năm 1999 tại Bãi Thám Hiểm và Đá En ca lại ít nhận được sự phản ứng từ các quốc gia ASEAN trừ Philippines. Một vài quốc gia đã đặt câu hỏi liệu Thỏa thuận khảo sát địa chấn được ba bên Trung Quốc, Philippines và Việt Nam ký kết vào năm 2005 có tạo nên một sự chia rẽ trong ASEAN và ngầm công nhận những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông hay không.[10] Sự phát triển Bộ luật/ Bản tuyên bố về quy tắc ứng xử đã nêu bật sự thống nhất cũng như chia rẽ giữa các thành viên ASEAN trên cùng một vấn đề. Điều này có ý nghĩa nhấn mạnh rằng những quan điểm trên không loại trừ lẫn nhau mà có thể cùng tồn tại. Mặc dù quá trình đàm phán Bộ luật/ Bản tuyên bố về cách ứng xử đã giúp tạo niềm tin giữa các bên đưa ra yêu sách, nó cũng góp phần phơi bày những lỗ hổng trong mối quan hệ giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc.
So với những năm 1990, khả năng tiềm tàng về tranh chấp Biển Đông bùng nổ đe dọa đến ổn định và hòa bình khu vực đã giảm đi trong những năm đầu thiên niên kỷ mới. Tuy nhiên, thời kỳ yên bình này cũng rất mong manh. Sụ đi đôi giữa lời nói và hành động tiếp tục là một mối lo lắng của các bên đưa ra yêu sách. Từ ngày 16 đến ngày 23 tháng 11 năm 2007, Trung Quốc đã tiến hành tập trận quân sự tại quần đảo Hoàng Sa nơi mà Trung Quốc coi là lãnh hải của quốc gia mình, dẫn đến phản đối mạnh mẽ của Việt Nam. Trong thời gian này, Chủ tịch Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang dự Hội nghi thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc tại Singapore nhằm thúc đẩy sự hợp tác thiết thực và sự phát triển chung cũng như duy trì sự ổn định tại khu vực Biển Đông. Một vấn đề nữa đã nảy sinh vào tháng 12 năm 2007 khi Quốc Hội Trung Quốc thành lập khu hành chính Tam Sa thuộc đảo Hải Nam chịu trách nhiệm quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã kích động những cuộc biểu tình của quần chúng trước Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng lãnh sự tại thành phố Hồ Chí Minh, làm xấu đi  những xích mích đã tồn tại từ lâu giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tranh chấp Biển Đông có thể lại dậy sóng là một viễn cảnh hoàn toàn có khả năng xảy ra. Cảnh giác vẫn luôn là một khẩu hiệu./.
Christopher Chung
Người dịch: Ngọc Trang
Hiệu đính: Đỗ Thị Thủy
Bài viết trích trong " Security and International Politics In the South China Sea ",
Chủ biên: Sam Bateman, Ralf  Emmers.
Bản gốc tiếng Anh "Southeast Asia and the South China Sea Dispute"




[1] Y.-H. Song, ‘Codes of Conduct in the South China Sea and Taiwan’s Stand’, Marine Policy 24, 6 (November 2000), tr.451.
[2] Joint Communiqué of the 29th ASEAN Ministerial Meeting (ANM), Jakarta, 20-21 July 1996, tại www.aseansec.org/3663.html.
[3] Association of Southeast Astan Nastions, Sixth ASEAN  Summit, Hanoi Plan of Action, Hanoi, Vietnam, 15 December 1998, taị www.aseansec.org/2011.html.
[4] ‘Concern over Spratlus Statement’, Strait Times, 27 April 1999.
[5] P. Jacob,’ Manila Presses ASEAN to Adopt Code of Conduct’, Strait Times, 22 July 1999’
[6] ‘Malaysia Feels Mambers Should Not Be Rushed on Proposed Code’, New Straits Time, 22 July 1999.
[7] ‘Philippines Bends to Diluted S. China Sea Code of Conduct’, Kyodo News, 18 July 2001.
[8] ‘ASEAN Countries Agree to Study Malaysia;s Proposal on Spratlys’, Bernama, 26 July 2002.
[9] Xem Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea, 4 November 2002, tại www.aseansec.org/13163.html.
[10] Xem B. Wain, ‘Manila’s Bungle in the South China Sea’, Far Eastern Economic Review, Januaru/February 2008.