Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

38. B.Obama, Dick Cheny và chính sách năng lượng Hoa Kì


Trong khi chiến lược chống khủng bố và làn sóng biến động trên toàn cầu của chính quyền Obama ngày một được phổ biến sâu rộng, công luận cũng đã nhận thức lúc một rõ ràng hơn những tương đồng giữa Tổng Thống Barack Obama và Tổng Thống tiền nhiệm George W. Bush, cả hai đều cuồng tín với các hành động quân sự . Aaron David Miller, cố vấn của nhiều bộ trưởng ngoại giao, đã viết trong tạp chí Foreign Policy“Như đã được chứng tỏ trong chiến dịch drone ngày một được tăng cường, Barack Obama đã trở thành Geoge W. Bush với bệnh ghiền [ám sát và thanh toán].”[1]
Tuy nhiên, trong địa hạt chính trị năng lượng toàn cầu, thay vì Bush, Phó T T Cheney mới là mô hình lãnh đạo chọn lựa bởi T T Obama. Như những biến cố gần đây đã minh chứng, chính sách năng lượng toàn cầu của Obama tương tự một cách kỳ lạ với đường lối của Cheney, nhất là trong địa hạt địa-chính-trị năng lượng như một bộ phận trong cuộc tranh giành quyền bá chủ tương lai giữa các nước lớn.
Hơn bất cứ viên chức cao cấp nào khác trong chính quyền Bush — với nhiều thành viên xuất thân từ  kỹ nghệ năng lượng — Cheney luôn quan tâm đến vai trò của năng lượng trong chính trị-quyền lực-toàn cầu [2]. Từ năm 1995 đến năm 2000, Cheney giữ cương vị chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của Halliburton, một đại công ty cung cấp dịch vụ cho kỹ nghệ dầu khí. Ngay sau khi chính thức giữ vai trò phó tổng thống, Cheney đã được Bush giao phó trách nhiệm thiết kế chiến lược năng lượng quốc gia mới — một chiến lược định hướng phần lớn chính sách của Hoa Kỳ.
Trước đó, Cheney đã nhận thức rõ số cung năng lượng toàn cầu đã không thể bắt kịp số cầu ngày một gia tăng nhanh chóng của thế giới. Do đó, kiểm soát số cung dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên còn lại có thể là nhiệm vụ thiết yếu đối với bất cứ nhà nước nào tìm cách thủ đắc và duy trì địa vị tối thượng toàn cầu. Cheney cũng hiểu rõ ảnh hưởng và uy quyền của một đại cường có thể bị suy giảm nếu không thể tiếp cận các nguồn cung năng lượng chính yếu.
Nếu trong quá khứ than đá là khí giới thiết yếu của đế quốc Anh, thì ngày nay, đối với Cheney, dầu lửa sẽ là tài nguyên quyết định trong các cuộc chiến.
Hơn bất cứ đối tác nào khác, Cheney có một quan điểm hết sức rõ ràng về tầm quan trọng của năng lượng đối với sự thịnh vượng và uy quyền quốc gia. Tại một hội nghị ở Luân Đôn năm 1999, Cheney đã  tuyên bố: “Dầu lửa, với bản chất độc đáo của nó, luôn mang tính chiến lược. Ở đây, chúng ta đang nói đến không phải bông bọt xà phòng hay y phục thoải mái. Năng lượng luôn mang tính thực sự cơ bản đối với kinh tế thế giới. Cuộc Chiến Vùng Vịnh phản ảnh thực tế nầy.”[3]
Cheney đã tỏ ra đặc biệt ngay thẳng và minh bạch khi nhắc đến Cuộc Chiến Vùng Vịnh 1990-91. Trong suốt cuộc chiến đó, Cheney đang giữ chức vụ bộ trưởng quốc phòng, và trong tư cách đó, đã điều hành và giám sát nổ lực chiến tranh của Mỹ. Trong khi cấp trên của chính ông, T T George H.W. Bush, đã cố tình lờ đi vai trò của dầu lửa trong cuộc chiến Iraq, Cheney lại bộc trực nói rõ quan điểm và niềm tin của chính mình: địa-chính-trị năng lượng là lý do trung tâm của cuộc chiến.
Khi được yêu cầu giải thích quyết định can thiệp của chính quyền, Cheney cũng đã tuyên bố trước Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện[4]“Một khi [nhà độc tài Iraq  Saddam Hussein] đã chiếm được Kuwait và giàn trải toàn bộ quân lực lớn lao của mình, Saddam rõ ràng đã chiếm giữ vị thế có thể chi phối chính sách năng lượng trên toàn thế giới trong tương lai, và điều nầy đã đem lại cho Saddam quyền kiểm soát kinh tế của chúng ta.”[5]
Năm 2002, Cheney cũng đã công bố cùng một thông điệp, khi T T Georges W. Bush đang chuẩn bị xâm lăng Iraq. Thực vậy, ngày 15-8-2002, Cheney đã tuyên bố với một nhóm cựu quân nhân: “Nếu Saddam Hussein thành công trong việc thủ đắc các vũ khí tiêu diệt hàng loạt, ‘lúc đó Saddam rất có thể sẽ tìm kiếm quyền bá chủ trong toàn vùng Trung Đông và kiểm soát phần lớn các nguồn cung năng lượng thế giới’.”[6]
Đối với Cheney, địa chính trị dầu lửa — cốt lõi trong các quan hệ quốc tế — là yếu tố quyết định phần lớn sự cường thịnh hay suy sụp của các quốc gia. Trên căn bản đó, chúng ta có thể hiểu: mỗi một bước, kể cả tai họa chiến tranh hay môi sinh, đều có thể biện minh, chừng nào quyền lực của Hoa Kỳ, nhờ đó, còn được thăng tiến và gây thương tổn cho các quốc gia cạnh tranh với Hoa Kỳ.
THẾ GIỚI CỦA CHENEY
Qua các bài nói chuyện, các cuộc điều trần trước Quốc Hội, và các việc làm khi tại chức, chúng ta có thể tái cấu trúc chương trình địa-chính-trị Cheney đã theo đuổi trong suốt sự nghiệp của ông như một chiến lược gia hàng đầu tại Bạch Ốc — một chiến lược T T Obama, một cách khá kỳ lạ, hình như hiện đang thể hiện, mặc dù với rất nhiều bất trắc, nguy cơ.
Chương trình gồm bốn sắc thái then chốt:
(1)  Gia tăng sản ngạch dầu và hơi đốt thiên nhiên quốc nội bằng mọi giá,  nhằm giảm thiểu trình độ lệ thuộc vào các nguồn cung từ các xứ thiếu thiện cảm, do đó, tăng khả năng tự do hành động của Hoa Kỳ.
(2) Duy trì quyền kiểm soát các nguồn cung từ Vùng Vịnh Ba Tư ngay cả khi Hoa Kỳ chỉ cần một phần ngày một ít hơn trong sản ngạch từ vùng nầy, khả dĩ phát triển khả năng chi phối sinh hoạt kinh tế của các đại cường nhập khẩu khác.
(3) Nắm quyền bá chủ các tuyến vận chuyển dầu trên các đại dương ở Á châu, ngõ hầu kiểm soát dòng chảy dầu khí và các nguyên liệu khác đến các nước lớn có tiềm năng cạnh tranh kinh tế  với Hoa Kỳ, như Nhật và TQ.
(4) Phát huy khuynh hướng đa dạng hóa năng lượng ở Âu châu, đặc biệt qua sự gia tăng nhập khẩu dầu và hơi đốt từ các Cộng Hòa Xô Viết trước đây trong vùng lòng chảo Caspian, với mục tiêu giảm bớt  lệ thuộc vào dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên do Nga cung cấp, cùng với ảnh hưởng chính trị đi kèm có lợi cho Mạc Tư Khoa.
PHÚC TRÌNH CHENEY
Mục tiêu thứ nhất — dựa vào ngạch số sản xuất năng lượng quốc nội nhiều hơn — đã được nhấn mạnh trong Chính sách Năng Lượng Quốc Gia, chiến lược do Cheney thiết kế dưới thời tổng thống Bush II trong tháng 5-2001, với sự tư vấn của đại diện các công ty dầu lớn.
Mặc dù được biết như chủ trương tăng cường công tác thăm dò và khai thác trong các vùng đất do chính quyền liên bang sở hữu, kể cả Vùng Bảo Vệ Các Thú Vật Hoang Giã Bắc Cực[7],  Phúc trình Cheney — như đã được mệnh danh — luôn chú tâm vào nguy cơ  lệ thuộc ở các nguồn cung cấp dầu và hơi đốt thiên nhiên ngoại quốc ngày một sâu xa, và vào nhu cầu nhanh chóng thành đạt an ninh năng lượng qua chương trình tăng tốc công tác thăm dò và khai thác các nguồn năng lượng quốc nội.
Phúc Trình công bố:“Đối tượng hàng đầu của Chính Sách Năng Lượng Quốc Gia là tìm kiếm thêm các nguồn cung khác nhau. Điều nầy có nghĩa dầu, hơi đốt thiên nhiên, than đá quốc nội. Nó cũng có nghĩa thủy điện và điện hạt nhân.”[8] Kế hoạch cũng kêu gọi tập trung nổ lực gia tăng năng lượng nhập khẩu từ các nguồn cung thân thiện ở Tây Bán Cầu , đặc biệt là từ Brazil, Canada, và Mexico.
Mục tiêu thứ hai — kiểm soát dòng chảy dầu lửa qua Vịnh Ba Tư — đối với Cheney,  là lý do chính của cả Cuộc Chiến Vùng Vịnh I  năm 1990-91, và Cuộc Chiến Xâm Lăng Iraq năm 2003.
Mặc dù trước cuộc xâm lăng, Tổng Thống và các quan chức hàng đầu đã chú tâm vào các lý do giả tưởng  – vũ khí tiêu diệt hàng loạt, thành tích nhân quyền, và nhu cầu mang lại dân chủ cho Iraq — Cheney không bao giờ nao núng trong niềm tin: mục tiêu căn bản luôn là đem lại quyền kiểm soát dòng chảy dầu lửa huyết mạch của Trung Đông.
Mục tiêu thứ ba: Sau khi Saddam Hussein đã bị lật đổ và cuộc chiếm đóng Iraq bắt đầu, Cheney đã đặc biệt lớn tiếng nhấn mạnh cần ngăn chặn Iran, nếu cần bằng vũ lực — một quốc gia láng giềng thách thức quyền bá chủ của Hoa Kỳ trong vùng Vịnh.
Cheney đã tuyên bố trên boong tàu sân bay trong một cuộc dượt tập ngoài khơi Iran trong tháng 5-2007: “Chúng ta sẽ giữ các tuyến đường biển rộng mở. Chúng ta sẽ cùng đứng chung với các quốc gia khác để ngăn ngừa Iran sở hữu các vũ khí hạt nhân và trở thành bá chủ trong vùng.”[9]
Cheney cũng đặc biệt chú tâm vào việc duy trì quyền kiểm soát các tuyến đường biển từ Eo Biển Hormuz, cữa ra vào Vùng Vịnh Ba Tư (hàng ngày khoảng 35% số dầu trao đổi trên thế giới), xuyên qua Ấn Độ Dương, Eo Biển Malacca, và đi vào Biển Đông hay Đông Nam Thái Bình Dương.
Cho đến nay, các hành lang hàng hải vừa nói vẫn luôn giữ tầm quan trọng thiết yếu đối với sự trường tồn kinh tế của các xứ TQ, Nhật, Nam Hàn, và Taiwan — vận chuyển dầu và các nguyên liệu khác đến các kỹ nghệ và các biến chế phẩm đến các thị trường hải ngoại.
Qua việc duy trì quyền kiểm soát bởi Hoa Kỳ dọc các tuyến đường hàng hải huyết mạch nói trên, Cheney đã tìm cách bảo đảm sự trung thành của các đồng minh nòng cốt ở Á châu và hạn chế đà tăng trưởng của TQ.
Trong phạm vi theo đuổi các mục tiêu địa chính trị cổ điển đó, Cheney đã thúc đẩy tăng cường sự hiện diện của Hải Quân Hoa Kỳ trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương và thiết lập một mạng lưới đồng minh quân sự nối kết Nhật, Úc, và Ấn Độ, tất cả đều nhằm ngăn bờ TQ.
Mục tiêu thứ tư và cuối cùng: Hoa Kỳ cũng đã tìm cách vây hãm một đại cường cạnh tranh khác:Liên Bang Nga. Trong khi chủ mới của chính Cheney, George W. Bush, đã đánh tiếng cho biết tiềm năng hợp tác với Điện Cẩm Linh, Cheney, vẫn còn là chiến binh năng lượng thời chiến tranh lạnh, tiếp tục xem Liên Bang Nga như một quốc gia cạnh tranh địa chính trị và đã tìm mọi cơ hội giảm thiểu quyền lực và ảnh hưởng của Liên Bang Nga.
Cheney đặc biệt âu lo sự lệ thuộc ngày một gia tăng của Âu châu vào hơi đốt thiên nhiên của Nga có thể làm suy yếu quyết tâm đề kháng các động thái cường quyền của Nga ở Âu châu và vùng Caucasus.
Để chống lại khuynh hướng nầy, Cheney đã nổ lực thuyết phục người Âu Châu tậu mãi năng lượng nhiều hơn từ các Cộng Hòa trong vùng lòng chảo Caspian bằng cách xây dựng những tuyến ống dẫn năng lượng mới tới vùng nầy qua ngã Georgia và Turkey. Ý tưởng là để tránh Liên Bang Nga qua nổ lực thuyết phục Azerbaijan, Kazakhstan, và Turmenistan xuất khẩu hơi đốt của họ qua các tuyến đường ống mới, không phải những tuyến ống dẫn do Gazprom, một công ty quốc doanh độc quyền của Liên Bang Nga, sở hữu.
Khi Georgia bị các lực lượng Liên Bang Nga tấn công vào tháng 8-2008 để đáp lại các cuộc  pháo kích của Georgia vào South Ossetia thân Mạc Tư Khoa, Cheney là quan chức lãnh đạo Hoa Kỳ đầu tiên viếng thăm Tbilisi, với lời hứa dành 1 tỉ USD viện trợ tái thiết, cùng với  thẻ gia nhập NATO chóng vánh. Tuy nhiên, lời hứa thu nhận Georgia vào NATO,  sau đó, đã bị chận đứng vì Pháp và Đức e ngại Moscow có thể phản ứng với những hành động có thể làm Âu Châu mất ổn định.[10]
OBAMA VÀ PHÚC TRÌNH CHENEY
Kế hoạch địa chính trị bốn điểm nói trên, đã được Phó Tổng Thống Hoa Kỳ kiên trì theo đuổi trong 8 năm đương nhiệm, ngày nay đang được T T Obama thể hiện trong mọi khía cạnh.
Trên bình diện chính sách gia tăng độc lập năng lượng, Obama đã chấp nhận tinh thần quốc gia cực đoan của Phúc Trình Cheney 2001, kêu gọi nương tựa nhiều hơn vào dầu lửa và hơi đốt quốc nội và Tây Bán Cầu — bất chấp mọi nguy cơ khoan dầu trong những vùng ngoài khơi có môi trường mong manh dễ bị ô nhiễm hay sử dụng những kỹ thuật nguy hiểm như hydro-fracking. Trong những bài nói chuyện gần đây, Obama đã khoe những nổ lực của chính quyền làm dễ dàng công tác khoan và khai thác dầu và hơi đốt thiên nhiên quốc nội và đã hứa đẩy nhanh công tác khoan dầu và hơi đốt trong nhiều địa điểm mới, kể cả ngoài khơi Alaska và Vịnh Mexico.
Trong diễn văn về Tình Trạng Liên Bang trong tháng 1-2012, Obama đã khoa trương: “Trong vòng ba năm qua, chúng ta đã  mở cửa cho  phép thăm dò dầu và hơi đốt thiên nhiên trong hàng triệu acres mới, và tối nay, tôi đã chỉ thị cho chính quyền mở thêm hơn 75% các khu tài nguyên dầu và hơi đốt tiềm năng ngoài khơi.  Hiện giờ — hiện giờ — số dầu sản xuất của Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua… Không những thế — năm rồi, chúng ta đã lệ thuộc vào dầu các nước ngoài ít hơn bất cứ năm nào trong vòng 16 năm qua.”[11]
Obama cũng đã đặc biệt quan tâm đến chương trình khai thác hơi đốt thiên nhiên sử dụng kỹ thuậtfracking và các trữ lượng shale“Chúng ta có một nguồn cung hơi đốt thiên nhiên có thể đủ cung ứng cho Hoa Kỳ đến gần 100 năm. Và chính quyền sẽ có mọi hành động cần thiết và có thể để khai thác số năng lượng nầy một cách an toàn.”[12]
Obama cũng đã nói rõ ý định sẽ sốt sắng hợp tác trong nổ lực phát triển các nguồn cung năng lượng ở Tây Bán Cầu, nhờ đó, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào các nguồn cung không mấy khả tín và thiếu thiện cảm ở Trung Đông và Phi Châu.Tháng 3-2011, với Mùa Xuân Á Rập đang nở rộ, Obama đã dành 5 ngày để đến Brazil thương thuyết về mậu dịch, một chốt địa chính trị năng lượng đáng ghi nhận vào thời điểm đó.
Trong tầm nhìn của nhiều quan sát viên, sự quan tâm của Obama đối với Brazil chính là do sự kiện Brazil đang trỗi dậy như một quốc gia sản xuất dầu lửa quan trọng ở Tây Bán Cầu, nhờ ở những khám phá gần đây trong những khu vực “pre-salt” ngoài khơi Đại Tây Dương, những khám phá có thể giúp Hoa Kỳ bớt lệ thuộc vào dầu Trung Đông, nhưng cũng có thể trở thành những ác mộng ô nhiễm.
Mặc dù các nhà môi sinh học đã nhiều lần cảnh cáo những nguy cơ trong quá trình khoan tìm và khai thác các khu vực chứa nhiều trữ lượng pre-salt, nơi nguy cơ bùng nổ tương tự như biến cốDeepwater Horizon ngoài khơi Mexico luôn dễ dàng xẩy ra, Obama cũng đã nói rõ các ưu tiên địa chính trị của chính Tổng Thống.
Obama đã tuyên bố với giới lãnh đạo doanh thương Brazil tại thủ đô Brasilia: “Theo vài ước tính, trữ lượng dầu lửa quý vị mới khám phá gần đây ngoài khơi Brazil có thể gấp đôi trữ lượng chúng tôi đang có ở Hoa Kỳ. Khi quý vị sẵn sàng khởi đầu bán, chúng tôi muốn là một trong số những quốc gia khách hàng tốt nhất. Vào thời điểm khi chúng ta đã luôn được nhắc nhở, tình trạng thiếu ổn định ở nhiều nơi trên thế giới có thể dễ dàng ảnh hưởng đến giá dầu như thế nào, Hoa Kỳ không thể nào vui sướng hơn với tiềm năng một nguồn năng lượng mới và ổn định.”[13]
Cùng lúc, Obama đã nói rõ Hoa Kỳ sẽ duy trì vai trò một quốc gia bảo vệ cơ bản các tuyến vận chuyển đường biển trong Vịnh Ba Tư. Ngay trong khi rầm rộ quảng bá quyết định rút quân tác chiến khỏi Iraq, Obama cũng đã nhấn mạnh Hoa Kỳ  sẽ tăng cường các lực lượng hải và không quân, cũng như  biệt kích trong vùng Vịnh, khả dĩ duy trì quyền bá chủ trong vùng.
“Trở về tương lai” — “Back to the future” là cách Trung Tướng Karl R. Horst, tham mưu trưởng Bộ Tư Lệnh Trung Ương, đã mô tả vị thế mới, nhắc lại thời điểm trước cuộc xâm lăng Iraq khi Hoa Kỳ đã sử dụng quyền bá chủ trong vùng, chủ yếu đã trông cậy vào các lực lượng hải và không quân hùng mạnh của một siêu cường.
Mặc dù ít lộ liểu và dễ thấy như bộ binh (boots on the ground), sự hiện diện của các lực lượng hải và không quân được tăng cường sẽ được giữ ở mức đủ mạnh để đè bẹp bất cứ đối thủ có thể quan niệm nào khác. Tháng 10- 2011, Ngoại Trưởng Hillary Clinton đã tuyên bố: “Chúng ta sẽ có một sự hiện diện liên tục và hùng mạnh khắp trong vùng.”[14]
Một sự tăng cường như thế, trong thực tế, đã được nhấn mạnh đang chuẩn bị hoặc cho một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nếu Obama kết luận các cuộc thương thảo nhằm hạn chế khả năng làm giàu uranium của Iran đã gặp bế tắc, hoặc để khai thông Eo Biển Hormuz, nếu Iran thực thi lời đe dọa đóng cửa Eo Biển Hormuz nhằm trả đũa các biện pháp chế tài kinh tế mới và khắt khe hơn đã được áp đặt sau ngày 1-7-2012.
Cũng như Cheney, Obama đang tìm cách duy trì quyền kiểm soát của Hoa Kỳ đối với các tuyến vận chuyển hàng hải từ Eo Biển Hormuz đến vùng Thái Bình Dương phía Nam Trung Quốc.
Trong thực tế, đây chính là tâm điểm của chính sách Obama như đã được quảng bá: “chốt an ninh quốc gia” ở Á Châu-Thái Bình Dương và chủ thuyết quân sự mới của Obama, được tiết lộ lần đầu trong bài diễn văn đọc trước Nghị Viện Úc ngày 17-11-2011.
Obama đã tuyên bố: “Trong khi chúng tôi làm kế hoạch và chuẩn bị ngân sách cho tương lai, chúng tôi sẽ phân bổ tài nguyên cần thiết để duy trì sự hiện diện quân sự hùng mạnh của chúng tôi trong vùng nầy.”[15] Ông cho biết thêm, một ưu tiên quan trọng trong nổ lực nầy có thể là “an ninh hàng hải”, đặc biệt trong vùng biển Nam Trung Quốc.
Tâm điểm của kế hoạch Obama — cũng như kế hoạch do Dick Cheney thiết kế năm 2007 — là xây dựng một mạng lưới các căn cứ và đồng minh vây quanh TQ, siêu cường đang lên, trong một vòng cung trải dài từ Nhật và Nam Hàn ở phía Bắc đến Úc, Việt Nam, và Philippines phía Đông Nam, và từ đó đến Ấn Độ trong vùng Tây Nam.
Khi mô tả nổ lực nầy ở Canberra, Obama đã tiết lộ ông vừa đạt được một thỏa ước với chính quyền Úc,  thiết lập một căn cứ quân sự Hoa Kỳ mới ở Darwin trên bờ biển Bắc Úc, gần biển Nam Trung Quốc. Obama cũng đã nói đến mục tiêu tối hậu của địa chính trị Hoa Kỳ — một liên minh toàn vùng gồm các quốc gia chống Trung Quốc, có thể cả Ấn Độ.
Obama tuyên bố: “Chúng tôi thấy  sự hiện diện được tăng cường của Hoa Kỳ xuyên Đông Nam Á,”cùng lúc trong những quan hệ ngày một lớn mạnh với các cường quốc địa phương như Úc “cũng như trong sự nghênh tiếp của chúng tôi dành cho Ấn Độ, quốc gia đang ‘nhìn về phía Đông’ và giữ một vai trò rộng lớn hơn như một đại cường Á châu.”[16]
Như bất cứ ai quan tâm đến tình hình Á châu đều hiểu rõ, một chiến lược nhằm bao vây TQ — nhất là một chiến lược có ý định kết nạp Ấn Độ vào hệ thống đồng minh Á châu hiện hữu của Hoa Kỳ  — chắc chắn sẽ gây hoang mang, báo động, và phản ứng mãnh liệt từ Bắc Kinh. Mark Valencia, nhà nghiên cứu kinh nghiệm thuộc Văn Phòng Quốc Gia Nghiên Cứu Á Châu, đã phát biểu: “Tôi không nghĩ người TQ sẽ rất vui thích. Trong trường kỳ, tôi không chút lac quan về kết cuộc.”[17]
Sau hết, Obama đã đi theo dấu chân của Cheney trong nổ lực giảm thiểu ảnh hưởng của Liên Bang Nga ở Âu châu và Nam Á qua việc cổ súy xây dựng những tuyến ống dẫn dầu và hơi đốt mới từ vùng lòng chảo Caspian ngang qua Georgia và Turkey đến Âu châu.
Ngày 5 tháng 6, tại Hội Nghị Dầu và Hơi Đốt Caspian ở Baku, T T Ilam Aliyev của Azerbaijan đã đọc một thông điệp từ Obama hứa hẹn sự hậu thuẩn của Hoa Thịnh Đốn đối với tuyến ống dẫn hơi đốt Trans-Anatolia, hệ thống ống dẫn được thiết kế nhằm vận chuyển hơi đốt thiên nhiên từ Azerbaijan đi ngang qua Georgia và Turkey đến Âu châu — dĩ nhiên tránh Liên Bang Nga. Cùng lúc, Ngoại Trưởng Hillary Clinton cũng công du đến Georgia, giống như Cheney đã làm trước đây, để xác nhận sự yểm trợ và  lời hứa gia tăng viện trợ quân sự của Mỹ.
Cũng như trong kỷ nguyên Bush-Cheney, những động thái nầy đã được Mạc Tư Khoa xem như một phần trong kế hoạch đã được tính toán kỷ lưởng nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Liên Bang Nga trong vùng — và do đó, sẽ gặp phải một phản ứng thù nghịch.
Nói một cách vắn tắt, trong hầu hết mọi khía cạnh, khi nói đến địa chính trị năng lượng, chính quyền Obama đang tiếp tục thực thi chiến lược do Dick Cheney thiết kế trong suốt hai nhiệm kỳ của T T George W. Bush.
Đến đây, một câu hỏi cần được trả lời: Nguyên do của lối ứng xử đáng ngạc nhiên của Obama?
Giả thiết cách ứng xử của Obama không phản ảnh một nổ lực đơn thuần lặp lại tư duy của Cheney — và cũng không có dấu hiệu gì như thế; do đó, cách ứng xử của Obama rõ ràng đã phản ảnh sự đắc thắng của địa chính trị đế quốc đối với hệ ý thức, nguyên tắc, hay ngay cả thái độ đơn thuần cởi mở trước các ý tưởng mới.
Khi chúng ta đang đối mặt với hai nhân vật khác nhau như Obama và Cheney lần lượt dõi theo cùng một hướng đi trong thế giới — và kết cục lần đầu với Cheney là bất cứ điều gì ngoại trừ thành công — cách ứng xử của Obama lúc đó rõ ràng là dấu hiệu  thế giới của Hoa Thịnh Đốn đã trở nên khép kín và thật sự ngột ngạt.
Vào một thời điểm khi đa số người Mỹ đang mệt mỏi chán chường trước những xung đột giữa các hệ ý thức lớn, sự dõi theo các quyền lợi quốc gia đơn thuần và hẹp hòi dưới hình thức số cung năng lượng đươc đảm bảo — có thể quyến rũ hơn nhiều như  lý do để can thiệp chính trị và quân sự ở hải ngoại.
Vả chăng, Obama và các cố vấn có lẽ đang bị ảnh hưởng  bởi luận thuyết: một thời đại vàng son mới của dầu lửa và hơi đốt thiên nhiên ở phía Bắc Tây Bán Cầu, nhờ  ở kỷ thuật khai thác các trữ lượng shale và các tài nguyên năng lượng  phi quy ước  và gây ô nhiễm khác.
Theo dự báo của Bộ Năng Lượng, sự lệ thuộc của Hoa Kỳ vào năng lượng nhập khẩu từ các nước ngoài có khuynh hướng sụt giảm trong những năm sắp tới, trong khi sự lệ thuộc của TQ ngày một gia tăng –  một lợi thế địa chính trị đối với Hoa Kỳ, một lợi thế Obama hình như đang thích thú thụ hưởng.
Đã hẳn, đó là là một điều dễ hiểu khi T T  Obama và các chiến lược gia Tòa Bạch Ốc tỏ ra hồ hởi trước viễn tượng quyến rũ của một vài lợi thế  địa chính trị năng lượng, nhất là trước những khó khăn kinh tế tài chánh Hoa Kỳ hiện đang đối mặt và những khí cụ chính trị, quân sự khác của Mỹ ngày một mất tính hữu dụng.
Ngoài ra, trừ phi người Mỹ sẵn sàng làm ngơ trước những nguy cơ ngày một gia tăng đối với môi trường khi lệ thuộc ngày một nhiều hơn vào việc thăm dò và khai thác các hình thức năng lượng phi quy ước như  các trữ lượng dầu dưới biển sâu, hơi đốt shale…, sản ngạch năng lượng gia tăng có thể sẽ đem lại vài lợi điểm địa chính trị.
Tuy nhiên, như lịch sử đã minh chứng, cố tình tìm kiếm những va chạm đối nghịch, qua những chính sách gây hấn địa chính trị toàn cầu, với các tay chơi kiên định,  được trang bị vũ khí đầy đủ, thường dẫn đến khủng hoảng, chiến tranh, và tai họa.
Trên bình diện nầy, những động thái địa chính trị của Cheney trước đây đã từng đem lại hai cuộc chiến tốn kém và tàn nhẫn ở Trung Đông, cùng lúc gây thêm căng thẳng với TQ và Liên Bang Nga.
Cho đến nay, T T Obama luôn hứa hẹn tìm cách xây dựng một thế giới hòa bình hơn,  dõi theo chính sách năng lượng của Cheney, như Obama đã lựa chọn, chắc chắn sẽ dẫn đến một thực tế hoàn toàn trái ngược.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
06 -7-2012

[1] As shown through his stepped-up drone campaign, Barack Obama has become George W. Bush on steroids.
[2] Global power politics.
[3] …Oil is unique in that it is so strategic in nature. We are not talking about soapflakes or leisurewear here. Energy is truly fundamental to the world’s economy. The Gulf War was a reflection of that reality.
[4] Senate Armed Services Committee.
[5] Once [Iraqi autocrat Saddam Hussein] acquired Kuwait and deployed an army as large as the one he possesses, he was clearly in a position to be able to dictate the future of wordwide energy policy, and that gave him a stranglehold on our economy.
[6]  Were Saddam Hussein successful in acquiring weapons of mass destruction, “[he] could then be expected to seek domination of the entire Middle East [and] take control of a great portion of the world’s energy supplies.”
[7] …Arctic National Wildlife Refuge…
[8] A primary goal of the National Energy Policy is to add supply from diverse sources. This means domestic oil, gas, and coal. It also means hydropower and nuclear power.
[9] We’ll keep the sea lanes open. We’ll stand with others to prevent Iran from gaining nuclear weapons and dominating the region.
[10] Xin xem thêm Thế Giới Thời Hậu Chiến Tranh Lạnh [Chính Trị Năng Lượng: Bàn Cờ Caucasus] tr. 763-770, Nguyễn Trường, Nhà Xuất Bản Tri Thức, 26-11-2010, Hà Nội, Việt Nam. 
[11] Over the past three years, we’ve opened millions of new acres for oil and gas exploration, and tonight, I’m directing my administration to open more than 75% of our potential offshore oil and gas resources. Right now — right now — American oil production is the highest that it’s been in eight years …Not only that– last year, we relied less on foreign oil than in any of the past 16 years.
[12] We have a supply of natural gas that can last America nearly 100 years. And my administration will take every possible action to safely develop this energy.
[13] By some estimates, the oil you recently discovered off the shores of Brazil could amount to twice the reserves we have in the United States. When you’re ready to start selling, we want to be one of your best customers. At a time when we’ve been reminded how easily instability in other parts of the world  can affect the price of oil, the United States could not be happier with the potential for a new, stable source of energy.
[14] We will have a robust continuing presence throughout the region.
[15] As we plan and budget for the future, we will allocate the resources necessary to maintain our strong military presence in this region.
[16] “We see America’s enhanced presence across Southeast Asia,” both in growing ties with local powers like Australia and “in our welcome of India as it ‘looks east’ and plays a larger role as an Asian power.”
[17] I don’t think they’re going to be very happy. I’m not optimistic in the long run as to how this is going to wind up.

37. Chủ thuyết Obama và kế hoạch 6 điểm trong cuộc chiến toàn cầu


Chẳng mấy khác một cảnh trong phim Hollywood. Trong bóng tối đen nghịt, một số  người trong trang phục tác chiến, trang bị súng tự động và kính nhìn ban đêm, bám chặt dây cáp từ một trực thăng MH-47 Chinook.  Trong tích tắc, từng người tuột nhanh xuống một tàu biển phía dưới. Sau đó, “Mike,” tên riêng một thành viên Navy SEAL (không cho biết họ), khoe với một trung sĩ phụ trách giao tế, khi diễn tập, SEAL có thể di chuyển 15 binh sĩ xuống boong tàu trong chưa tới 30 giây.
Từ boong tàu, đội biệt kích lập tức chia làm nhiều tổ lục soát tàu đang bập bềnh trong cảng Jinhae, Nam Hàn. Dưới boong và trên cầu tàu, đội biệt kích bắt gặp vài người và chỉa súng vào họ, nhưng không ai nổ súng. Đây chỉ là một cuộc tập dượt.
Tất cả những binh sĩ lục soát đều là biệt kích SEAL, nhưng không phải tất cả đều là lính Mỹ. Một số là thành viên của Nhóm 1 Biệt Kích Hải Quân[1] đến từ Conorado, California; một số khác thuộc Lữ Đoàn Biệt Kích Hải Quân Nam Hàn.[2] Cuộc diễn tập là một phần của cuộc thao diễn liên quân đa quốc gia “Foal Eagle 2012″. Đó cũng là mô hình –  và một phần nhỏ — của chốt quân sự Hoa Kỳ luôn được ca tụng từ Vùng Trung Đông Nới Rộng đến Á Châu, một kế hoạch bắt đầu với việc gửi 250 Thủy Quân Lục Chiến đến Darwin, Australia, đặt cơ sở các tàu chiến cận duyên ở Singapore, tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam và Ấn Độ, tập trận  và ngay cả hành quân bằng phi cơ không người lái ở Philippines, và di chuyển phần lớn các tàu Hải Quân đến Thái Bình Dương vào cuối thập kỷ 2010.
Cuộc tập trận khiêm tốn vừa nói cũng phản ảnh một chốt quân sự khác. Hình thức tác chiến kiểu Mỹ một lần nữa đã thay đổi. Quên đi những cuộc xâm lăng và chiếm đóng với những đội quân lớn trên lục địa Á-Âu. Thay vào đó, hãy nghĩ tới: các lực lượng hành quân biệt kích hoạt động riêng rẽ; đồng thời huấn luyện hoặc tác chiến bên cạnh các đội quân đồng minh hay ủy nhiệm tại những điểm nóng trên khắp thế giới. Và song hành với các cố vấn hành quân đặc biệt, các huấn luyện viên, và các  biệt kích còm-măng-đô, còn phải kể dòng chảy các ngân khoản và nổ lực ngày một gia tăng vào chương trình quân sự hóa các hoạt động tình báo, sử dụng drones, tấn công-cyber, và các cuộc hành quân hỗn hợp liên ngành với các cơ quan chính quyền dân sự ngày một được quân sự hóa.
Phần lớn những thao tác vừa kể đều đã được các cơ quan truyền thông nhận diện. Tuy nhiên, phương cách phối trí để trở thành bộ mặt mới của một đế quốc toàn cầu vẫn chưa được nhiều người nhận thức đầy đủ. Dù sao, tất cả đã phản ảnh một chủ thuyết mới của Obama, một chương trình sáu điểm trong chiến tranh kiểu Mỹ trong  thế kỷ XXI, một kế hoạch chính quyền Obama hiện đang cẩn trọng khai triển và gọt giũa.
Kích cỡ toàn cầu của chương trình quả thật đáng ngạc nhiên, mặc dù vẫn còn rất ít người có thể nhận diện. Tuy vậy, cũng như kỷ thuật quân sự  tân tiến, nhanh nhẹn  và nhẹ nhàng của Donald Rumsfeld và các cuộc hành quân chống trỗi dậy của David Petraeus trước đây, kế hoạch của Obama hiện đang tiếp diễn ngày một rõ nét, và trong nhiều phương cách, chắc cũng sẽ làm những người sáng tạo ra chúng  phải ngạc nhiên và thất vọng.
TRANH TỐI TRANH SÁNG
Trong nhiều năm, giới quân sự Mỹ đã ca ngợi và phát huy ý niệm “nối ghép.”[3] Một trực thăng quân sự chuyển dịch các Biệt Kích Hải Quân Hoa Kỳ đến một tàu chiến hải quân Nam Hàn đã tượng trưng ý niệm nầy ở cấp chiến thuật.
Tuy nhiên, tương lai hình như đang hứa hẹn một điều gì khác. Chúng ta có thể mường tượng một hình thức “mập mờ” hay “blur-ness,” một dạng thức tổ chức hành quân theo đó một Ngũ Giác Đài, với vai trò áp đảo, trộn lẫn lực lượng riêng với các cơ quan khác trong chính quyền — nhất là CIA, Bộ Ngoại Giao, và Cơ Quan Bài Trừ Nha Phiến — trong những sứ mệnh hỗn hợp chồng chéo phức tạp trên khắp thế giới.
Năm 2001, Bộ trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld bắt đầu cuộc “cách mạng quân sự”[4] của ông, lèo lái Ngũ Giác Đài hướng tới một “mô hình các lực lượng quân sự-uyển chuyển, công-nghệ-cao, và nhanh nhẹn.”[5] Ý niệm đã dẫn đến một chung cuộc tàn nhẫn và đen tối trong các thành phố Iraq đang bị chiến tranh hủy hoại.
Một thập kỷ sau, các tàn tích cuối cùng của nhiều thất bại liên tục trong một cuộc chiến bế tắc ở Afghanistan, đương đầu với một cuộc trỗi dậy của một thiểu số khố rách áo ôm không thể đánh bại.
Trong nhiều năm sau đó, hai bộ trưởng quốc phòng và một tổng thống mới đã chủ trì một biến thái khác  — lần nầy chỉ nhằm tránh né những cuộc chiến lớn trên bộ chỉ gây tang tóc đổ nát, những cuộc chiến người Mỹ đã luôn chứng tỏ không thể thắng.
Với T T Obama, Hoa kỳ đã mở rộng hay phát động nhiều chiến dịch — hầu hết sử dụng một hỗn hợp sáu yếu tố chiến tranh kiểu Mỹ trong thế kỷ XXI.
Cuộc chiến Pakistan, chẳng hạn, đang mang dấu ấn, nếu không muốn nói là chủ thuyết, của  Obama:
(a) Khởi đầu như một chiến dịch ám sát bằng phi cơ không người lái khá hạn chế;(b) Được hổ trợ bởi các cuộc tấn công biệt kích hạn chế xuyên biên giới dưới thời Bush; (c) Các cuộc hành quân của Mỹ ở Pakistan đã được mở rộng thành một thứ rất gần với cuộc chiến hoàn toàn bằng phi cơ tự động; (d) Được bổ túc bởi các cuộc tấn công bằng trực thăng xuyên qua biên giới; (đ) Các đội ám sát của các lực lượng ủy nhiệm Afghanistan do CIA tài trợ; (e) cũng như các cuộc hành quân trên bộ bởi các lực lượng biệt kích tinh nhuệ, kể cả cuộc ám sát Osama bin Laden bởi đơn vị biệt kích SEAL;
CIA cũng có những hoạt động tình báo kín đáo và những phi vụ giám sát ở Pakistan, mặc dù vai trò của CIA trong tương lai có thể ít quan trọng hơn, nhờ ở các hoạt động mở rộng của Ngũ Giác Đài. Trong tháng 4, trong thực tế, Bộ  Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã loan báo tạo lập một cơ quan mới tương tự CIA bên trong Ngũ Giác Đài gọi là Sở Bí Mật Quốc Phòng — Defense Clandestine Service. Theo báo Washington Post, mục tiêu là mở rộng “các nổ lực do thám quân sự bên ngoài các vùng chiến tranh.”[6]
Trong thập kỷ vừa qua, chính ý niệm các khu vực chiến tranh cũng đã trở nên khá mập mờ , phản ảnh tình trạng ngày một  mập mờ hơn trong các nhiệm vụ và hoạt động của CIA và Ngũ Giác Đài. Phân tích cơ quan mới và “khuynh hướng đồng quy rộng rãi hơn”[7] giữa Bộ Quốc Phòng và các nhiệm vụ của CIA, báo Washington Post đã ghi nhận “tình trạng mập mờ cũng rõ ràng hơn giữa các lãnh đạo cao cấp của cả hai định chế. Panetta trước đây đã giữ nhiệm vụ giám đốc CIA, và chức vụ nầy hiện đang do Tướng Bốn Sao Hồi Hưu David H. Petraeus nắm giữ.”[8]
Không để bị qua mặt, năm 2011, Bô Ngoại Giao, trước đây luôn chỉ là trung tâm sinh hoạt ngoại giao, đã tiếp tục con đường quân sự hóa (và biên độ hóa) khi đồng ý góp một phần tài nguyên với Bộ Quốc Phòng để thiết lập Quỹ Dự Phòng An Ninh Toàn Cầu — Global Security Contingency Fund.Chương trình sẽ cho phép Bộ Quốc Phòng có tiếng nói nặng ký hơn trong việc Hoa thịnh Đốn sẽ cung cấp viện trợ cho các lực lượng ủy nhiệm trong những nơi như Yemen và Horn of Africa.
Một điều chắc chắn: hoạt động trong guồng máy chiến tranh của Hoa Kỳ (cùng với các viên chức tình báo và ngoại giao) lúc một chìm sâu hơn vào bóng tối. Người Mỹ có thể chờ đợi các động thái bí mật ngày một nhiều hơn trong nhiều nơi hơn, và cố  nhiên với nhiều tiềm năng phản tác dụng trong những năm sắp tới.
XÂM NHẬP PHI CHÂU
Một châu lục có nhiều cơ hội chứng kiến sự xâm nhập của các nhân viên tình báo Ngũ Giác Đài trong những năm sắp tới là Phi Châu.
Dưới thời T  T Obama: Các cuộc hành quân trên lục địa ngày một gia tăng, vượt xa những can thiệp hạn chế hơn dưới thời Bush; Cuộc chiến Libya năm rồi; Chiến dịch drone cấp vùng với  các phi vụ từ các phi trường và căn cứ ở Djibouti, Ethiopia, và Seychelles — quốc gia quần đảo trong Ấn Độ Dương; Một hạm đội 30 tàu chiến trong cùng một Đại Dương hổ trợ các cuộc hành quân trong khu vực; Một chiến dịch gồm nhiều cánh quân sự và CIA chống các chiến binh ở Somalia, kể cả các cuộc hành quân tình báo, huấn luyện các nhân viên Somalia, nhà tù bí mật, các cuộc tấn công bằng trực thăng, và các cuộc bố ráp bởi lính biệt kích Hoa Kỳ; Dòng chảy tiền mặt lớn lao để tài trợ các cuộc hành quân chống khủng bố trong vùng Đông Phi; Một cuộc không chiến cổ điển khả dĩ và bí mật trong vùng sử dụng phi cơ có người lái; Hàng chục triệu đô la vũ khí dành cho quân đội đồng minh Phi Châu và lính đánh giặc thuê; Và một lực lượng viễn chinh biệt kích được các chuyên gia của Bộ Ngoại Giao tăng cường để bắt hay giết lãnh đạo Kháng Chiến Quân của Lord, Joseph Kony và các chỉ huy cao cấp , hoạt động ở Uganda, Nam Sudan, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, và Cộng Hòa Trung Phi, nơi Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ hiện có một căn cứ mới…
Các sự kiện thực tế nói trên cũng mới chỉ là bước đầu của các kế hoạch khai triển nhanh chóng và hoạt động ở Phi Châu của Hoa Thịnh Đốn.
Ít được biết đến hơn là các nổ lực quân sự Hoa Kỳ nhằm huấn luyện các lực lượng Phi Châu, chuẩn bị cho các cuộc hành quân nay được xem như  phần chính yếu trong quyền lợi của Hoa Kỳ trong lục địa Phi Châu.
Những nổ lực nầy bao gồm, chẳng hạn, một phái bộ của Lực Lượng Do Thám Địa-Không của Thủy Quân Lục Chiến Ưu tú từ Đội Đặc Nhiệm 12 — SPMAGTF-12 — nhằm huấn luyện binh sĩ trong Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ Uganda, lực lượng cung cấp phần lớn quân đội cho Phái Bộ Liên Hiệp Phi Châu ở Somalia.
Hồi đầu năm,Thủy Quân Lục Chiến từ SPMAGTF-12 cũng giúp huấn luyện binh sĩ từ Burundi National Defense Force, lực lượng với quân số lớn thứ hai ở Somalia; gửi huấn luyên viên đến Djibouti, nơi Hoa Kỳ đang có sẵn một căn cứ lớn Horn of Africa base, tại Camp Lemonier; và Liberia, nơi các huấn luyện viên chú tâm huấn luyện kỷ thuật kiểm soát bạo loạn cho quân đội Liberia như một phần của nổ lực đầu tiên của Bộ Ngoại Giao xây dựng một lực lượng như thế.
Hoa Kỳ cũng đang huấn luyện và trang bị quân đội Algeria, Burkina Faso, Chad, Mauritania, Niger, và Tunisia.
Ngoài ra, Bộ Tư Lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ — Africom, đang lên lịch 14 cuộc thao diễn huấn luyện hỗn hợp lớn trong năm 2012 với Morocco, Cameroon, Gabon, Botswana, South Africa, Lesotho, Senegal, và Nigeria – một Pakistan ở Phi Châu.
Mặc dù vậy, trên đây cũng chưa phải toàn bộ các hoạt động của các phái bộ huấn luyện và cố vấn ở Phi Châu. Một ví dụ không xuất hiện chính thức trên danh sách của Africom: mùa xuân vừa rồi, Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc diễn tập huấn luyện đa quốc gia lấy tên Saharan Express 2012, tập hợp 11 quốc gia, kể cả Côte d’Ivoire, The Gambia, Liberia, Mauritania, và Sierra Leone .
TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT KHU VỰC TRUNG VÀ NAM MỸ
Kể từ ngày lập quốc, Hoa Kỳ luôn xen vào nội tình các xứ lân bang, xem vùng Caribbean như hồ nước lớn của riêng mình, và tùy tiện can thiệp vào vùng Mỹ La Tinh.
Dưới thời T T Bush, với vài ngoại lệ khá quan trọng, quyền lợi của Hoa Thịnh Đốn đối với các quốc gia sân sau đã được xếp vào hàng thứ yếu bên sau các cuộc chiến xa xôi hơn. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền Obama đã ngày một quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của Mỹ phía Nam biên giới, sử dụng một phương thức mới.
Điều nầy đã được phản ảnh qua các drone của riêng Ngũ Giác Đài hoạt động sâu  bên trong Mexico, song song với các nhân viên CIA và cán bộ dân sự thuộc Bộ Quốc Phòng được gửi tới làm việc trong các căn cứ quân sự của Mexico, với lý do giúp đối phó với các liên minh nha phiến.
Năm 2012, Ngũ Giác Đài cũng đã tăng cường các cuộc hành quân bài trừ buôn lậu nha phiến ở Honduras. Từ những căn cứ Forward Oprating Base Mocoron và nhiều trại binh xa xôi khác, giới quân sự Mỹ đang hổ trợ các cuộc hành quân của Honduras qua những phương pháp người Mỹ đã mài giũa ở Iraq và Afghanistan. Ngoài ra, quân lực Hoa Kỳ cũng đã tham dự vào các cuộc hành quân hỗn hợp với quân đội Honduras như một phần trong phái bộ huấn luyện dưới tên gọi Beyond the Horizon 2012; Biệt Động Quân mũ xanh cũng đã trợ lực các lực lượng hành quân đặc biệt Honduras; và một Đội Hổ Trợ Cố Vấn ở Nước Ngoài thuộc Drug Enforcement Administration – DEA, nguyên được thiết lập để gây trở ngại cho tổ chức buôn bán nha phiến ở Afghanistan, đã tham gia trợ giúpĐội Đáp Ứng Chiến Thuật Honduras, một đơn vị chống buôn lậu nha phiến ưu tú của Honduras. 
Các cuộc hành quân nầy, chẳng hạn, đã là đề tài của báo chí khi các nhân viên DEA, trên một trực thăng Hoa Kỳ , đã tham dự vào một cuộc tấn công các thường dân, hạ sát hai người đàn ông  và hai phụ nữ mang thai trong vùng Mosquito Coast xa xôi.
Ít rõ ràng hơn là những nổ lực của Hoa Kỳ ở Guyana, nơi các lực lượng biệt kích đã giúp huấn luyện quân đội địa phương về kỷ thuật tấn công bằng trực thăng.Theo Đại Tá Bruce Lovell thuộc Lực Lượng Tự Vệ Guyana, “đây là lần đầu tiên chúng tôi đã có loại diễn tập nầy sử dụng Lực Lượng Biệt Kích của Hoa Kỳ với một kích cỡ lớn lao như vậy. Nó cho phép chúng tôi chứng tỏ khả năng, và hiểu được vị trí cũng như những nhược điểm của chúng tôi.”[9]
Giới quân sự Hoa Kỳ cũng đã giữ một vai trò tích cực như thế ở nhiều nơi khác trong Châu Mỹ La Tinh, hoàn tất những thao diễn huấn luyện ở Guatamala, đỡ đầu các phái bộ xây dựng đối tác ở Dominican Republic, El Salvador, Peru, và Panama, và đạt một thỏa hiệp thực hiện 19 loại hoạt động với quân đội Colombia năm tới, kể cả các thao diễn quân sự hỗn hợp.
CỦNG CỐ SỰ HIỆN DIỆN NGAY TRONG VÙNG TRUNG ĐÔNG
Mặc dù chiến tranh ở Iraq và Libya đã chấm dứt, quyết định rút bớt quân đội ở Afghanistan, và nhiều lần loan báo chuyển dịch chốt an ninh quốc gia qua Á châu, Hoa Thịnh Đốn thực ra không nhất thiết rút khỏi vùng Trung Đông Nới Rộng. Bên cạnh các cuộc hành quân đang tiếp tục ở Afghanistan, Hoa Kỳ vẫn luôn huấn luyện quân đội đồng minh, xây dựng các căn cứ quân sự, và trung gian bán và chuyển giao vũ khí cho các lãnh đạo độc tài trong vùng, từ Bahrain đến Yemen.
Trong thực tế, Yemen, cũng như nước láng giềng Somalia bên kia bờ Vịnh Aden, đều đang trở thành một phòng thí nghiệm cho các cuộc chiến Obama. Ở đó, Hoa Kỳ đang thực nghiệm loại chiến tranh mới của riêng mình với các lực lượng “đen” -black ops troops, như SEAL, và lực lượng Delta Forcecủa Quân Đội đang theo đuổi  các sứ mệnh giết/bắt, trong khi các lực lượng “trắng,” như Lính Mũ Xanh và Biệt Động, đang huấn luyện quân đội bản địa , và các phi cơ tự động không người lái săn lùng và ám sát các thành viên al-Qaeda và các lực lượng liên kết, rất có thể được hổ trợ bởi một số phi cơ có người lái bí mật.
Trung Đông cũng đã trở thành một “vùng-tượng trưng” – “poster-region” cho một hình thức mới khác của chủ thuyết Obama: các nỗ lực chiến tranh vi tính hay cyberwar. Trong một cuộc nói chuyện thuộc loại mập mờ, Ngoại trưởng Hillary Clinton, xuất hiện trước Hội Nghị Kỹ Nghệ Các Lực Lượng Biệt Kích mới đây ở Florida, đã tuyên bố Bộ Ngoại Giao luôn sốt sắng tham dự vào công thức chiến tranh mới của Hoa Kỳ. Bà đã phát biểu trước đám đông:”Chúng ta cần những Lực Lượng Biệt Kích luôn thoải mái uống trà với các lãnh tụ các bộ lạc cũng như bố ráp đột kích một doanh trại khủng bố. Chúng ta cũng cần những nhà ngoại giao và các chuyên gia phát triển kinh tế  đủ khả năng trở thành đối tác của quý vị.”[10]
Kế đó, Clinton đã nhân cơ hội quảng bá  các nỗ lực của Bộ Ngoại Giao xâm nhập và phá hoại các websites của các nhóm liên hệ với al-Qaeda ở Yemen. Khi các thông điệp của al-Qaeda xuất hiện trên mạng, “đội ngũ của chúng ta cũng cho đăng lên  cùng websites các dạng thức sửa đổi … cho thấy số nạn nhân của các cuộc tấn công của al-Qaeda đối với dân Yemen.”[11] Bà còn ghi nhận sứ mệnh chiến tranh truyền thông nầy đã được thể hiện bởi các chuyên viên tại Trung Tâm Thông Tin Chống Khủng Bố của Bộ Ngoại Giao , với sự trợ lực từ cộng đồng quân lực và tình báo Hoa Kỳ.
Những nỗ lực khiêm tốn nầy đã đóng góp các phương pháp chiến tranh vi tính hữu hiệu đang được Ngũ Giác Đài và CIA sử dụng, kể cả các “Trò Chơi Olympic” được tiết lộ gần đây, một chương trình tấn công tân tiến đối với các máy vi tính trong các cơ sở làm giàu uranium của Iran do Cơ Quan Ninh Quốc Gia NSA, và Đơn Vị 8200 của Do Thái, một cơ quan tương đương với NSA, hiện đang sử dụng.
Trên nhiều phương diện khác của công thức chiến tranh mới, các nỗ lực nầy đã  được khởi động dưới thời T T Bush, nhưng đã được tăng cường đáng kể dưới thời T T Obama — vị tổng tư lệnh đầu tiên của Hoa Kỳ đã ra lệnh tấn công vi tính liên tục và dài lâu, nhằm phá hoại hạ tầng cơ sở của một xứ khác.
TỪ ĐÓM LỬA ĐẾN ĐẠI HỎA HOẠN
Trên toàn cầu, từ Trung và Nam Mỹ đến Phi Châu, Trung Đông, và Á Châu, chính quyền Obama đang thực thi công thức chiến tranh mới của Mỹ. Theo đuổi công thức nầy, Ngũ Giác Đài và các đối tác trong chính quyền, ngày một được quân sự hóa, đang vân dụng mọi thứ, từ những ý niệm chiến tranh thực dân cổ điển đến những công nghệ tân tiến nhất.
Hoa Kỳ là siêu cường đế quốc đã trải nghiệm trên hơn mười năm trong nhiều cuộc chiến thất bại. Nước Mỹ cũng đang khập khiễng bởi một nền kinh tế rỗng ruột, và ngập tràn bởi hàng trăm nghìn cựu quân nhân gần đây — khoảng 45% quân đội đã chiến đấu ở Iraq và Afghanistan — đang khắc khoải vì tâm bệnh và thương tích chiến tranh, đang đòi hỏi và cần được săn sóc y tế tốn kém.
Trong bối cảnh đó, một phối hợp các hình thức hành quân biệt kích, phi cơ không người lái, hoạt động gián điệp và tình báo, lính đánh thuê, chiến tranh vi tính, quân đồng minh hay ủy nhiệm… hiện nay đang được quan niệm như loại chiến tranh an toàn hơn, lành mạnh hơn. Thoạt nhìn, công thức chiến tranh hình như đang được xem như một vạn ứng linh đơn chữa mọi căn bệnh an ninh của Hoa Kỳ. Trong thực tế, đó chỉ có thể là bất cứ thứ gì ngoại trừ một thần dược…!
Chủ thuyết mới của Obama ít cần đến nhiều bộ binh, trong thực tế, hình như đang biến chiến tranh thành một chọn lựa khá dễ dàng, ngay cả khá hấp dẫn. Đây là điều gần đây đã được nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng Peter Pace, nhấn mạnh, khi được hỏi về những nỗ lực đơn giản hóa thủ tục gửi các Lực Lượng Biệt Kích ra hoạt động ở hải ngoại. Tướng Pace đã cho biết: “Tôi lo lắng về tốc độ đang khiến việc sử dụng vũ lực trở nên quá dễ dàng. Tôi cũng lo lắng tốc độ đang làm quá dễ dàng việc chọn lựa giải pháp dễ dàng — hãy cho họ nếm mùi  biệt kích — thay vì có lẽ một giải pháp khó khăn hơn cho có lẽ một giải pháp lâu dài tốt hơn.”[12]
Vì vậy, công thức chiến tranh mới của Hoa Kỳ hàm chứa một tiềm năng lớn lao cho những bất trắc khó lường và hàng loạt phản tác dụng. Bắt đầu hay nhen nhúm một số đóm lửa chiến tranh trong vài lục địa có thể biến thái thành những đại hỏa hoạn lan tràn không thể lường trước và sẽ khó lòng , nếu không muốn nói không thể, dập tắt.
Bởi bản chất, những can thiệp quân sự nhỏ thường có khuynh hướng lan rộng, và chiến tranh có khuynh hướng lan tràn qua các biên giới. Theo định nghĩa, hành động quân sự luôn có khuynh hướng đem lại nhiều hệ lụy không thể tiên liệu. Đối với những ai nghi ngờ,  xin chỉ cần nhìn lại năm 2001, khi ba cuộc tấn công với kỷ thuật thấp trong một ngày đã khởi động một cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ và tràn lan khắp hoàn cầu. Phản ứng đối với một ngày bắt đầu với một cuộc chiến ở Afganistan, lan qua Pakistan, rẽ qua Iraq, bùng nổ ở Somalia và Yemen, và cứ thế tiếp tục… Ngày nay, những can thiệp ban đầu đang tiếp tục sinh sôi nẩy nỡ ở nhiều nơi khác như Mexico, Honduras, Cộng Hòa Trung Phi, và Congo…
Lịch sử đã chứng minh: kể từ năm 1945, Hoa Kỳ không mấy thành công trong nhiều cuộc chiến và luôn thất bại trong những vụ xung đột lớn. Chẳng hạn, một vài vụ can thiệp, khởi đầu khá nhỏ bé, đã trở thành một hỗn hợp với vài thành công khiêm tốn trong những nơi như Panama và Grenada, cũng như  với những thất bại nhục nhã ở Lebanon trong thập kỷ 1980 và Somalia trong thập kỷ 1990.
Điều nguy hiểm là thật sự rất khó thể tiên liệu những gì một sự can thiệp sẽ trở  thành — trước khi quá muộn. Trước đây, mặc dù luôn diễn tiến theo nhiều quá trình khác nhau, Việt Nam, Afghanistan, và Iraq … tất cả đều khởi đầu như những xung đột tương đối nhỏ bé, rồi ngày một lớn dần và trở thành đại họa.
Cho đến nay, viễn cảnh của chủ thuyết mới của Obama hình như không mấy sáng sủa, mặc dù đã được báo chí tán dương cổ súy bên trong Vòng Đai Hoa Thịnh Đốn.
Những  gì ngày nay có vẻ  như một công thức dễ dàng áp đặt quyền lực khả dĩ phụng sự  quyền lợi đế quốc của Hoa Kỳ chẳng bao lâu rất có thể sẽ trở thành một đại họa, thường rất  khó nhận chân cho đến khi quá muộn màng.
Nguyễn Trường
Irvine, California, USA
27-6-2012

[1] …   Naval Special Warfare Group 1….
[2] …South Korea’s Naval Special Brigade…
[3] …jointness…
[4] …his “revolution in military affairs.”
[5] …a military-lite model of high-tech, agile forces.
[6] …to expand the military’s espionage efforts beyond war zones.
[7] …broader convergence trend.
[8] …blurring is also evident in the organizations’ upper ranks. Panetta previously served as CIA director, and that post is currently held by retired four-star Army Gen. David H. Petraeus.
[9] …This is the first time we have had this type of exercise involving Special Operations Forces of the United States on such a grand scale.
[10]… We need Special Operations Forces who are as comfortable drinking tea with tribal leaders as raiding a terrorist  compound. We also need diplomats and development experts who are up to the job of being your partners.
[11] …our team plastered the same sites with altered versions…that showed the toll al-Qaeda attacks have taken on the Yemeni people.
[12] I worry about speed making it too easy to employ force. I worry about speed making it too easy to take the easy answer — let’s go whack them with special operations — as opposed to perhaps a more laborious answer for perhaps  a better long-term solution.