Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

109. Thông cáo báo chí: Hội thảo quốc gia về Biển Đông lần hai

Thông cáo báo chí: Hội thảo quốc gia lần hai: "Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế".

Thông cáo báo chí

Hội thảo quốc gia lần thứ hai:
“Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”
Hà Nội, ngày 26/4/2011
---
          Ngày 26 tháng 4 năm 2011, tại Hà Nội, Chương trình Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo Quốc gia lần thứ hai về Biển Đông với chủ đề “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: Lịch sử, Địa chính trị và Luật pháp quốc tế”. Đây là cơ hội để giới học giả nghiên cứu Biển Đông trong cả nước chia sẻ thông tin, đồng thời tập hợp rộng rãi các ý kiến, đánh giá, nhận định về các diễn biến gần đâyvà những hệ lụy ở khu vực Biển Đông.
            Về các cơ sở pháp lý và lịch sử chủ quyền của Việt Nam và các bên liên quan, các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã chiếm hữu thực sự, hòa bình, và thực thi liên tục chủ quyền của mình ở đây. Một số ý kiến nêu rõ mặc dù đã tập hợp nhiều bằng chứng, nhưng chúng ta vẫn cần tiếp tục sưu tầm, hoàn chỉnh các tài liệu gốc, dịch sang các thứ tiếng và quảng bá rộng rãi các tài liệu, cùng với đó là phải chỉnh sửa và bổ sung các thông tin chưa chính xác hay còn thiếu. Mặt khác ta cũng không nên chủ quan, mà cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện các lập luận của mình.
            Về yêu sách của Philippines, tham luận tại phiên 1 cho rằng Philippines có điểm mạnh là nước này về mặt địa lý gần quần đảo Trường Sa  nhất so với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên hình thức thụ đắc năm 1956 của Croma là của cá nhân, không phải trên danh nghĩa nhà nước.
Về cơ sở của Trung Quốc, các đại biểu cho rằng luận điểm của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông dựa trên hình thức thụ đắc lãnh thổ chiếm hữu và hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng điều ước quốc tế. Về hình thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu, một số ý kiến phát biểu cho rằng Trung Quốc đã không thỏa mãn yêu cầu chiếm hữu hòa bình, thực sự và dưới danh nghĩa nhà nước. Các học giả cũng cho rằng hệ thống địa danh của Trung Quốc không dựa trên yếu tố lịch sử, việc tập hợp các địa danh không kèm văn bản gốc. Một số công trình nghiên cứu của Trung Quốc khi trích dẫn dựa trên các tư liệu cổ, thường trích dẫn một cách ngắt đoạn, còn một số khác đúng nguồn thì lại hiểu sai về nội dung.
            Các đại biểu cũng nhất trí rằng, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý của các nước liên quan trong tranh chấp cũng quan trọng và có vai trò tương đương với việc nghiên cứu cơ sở của ta. Do vậy, cần phải rà soát lịch sử, các tư liệu, bản đồ của các nước có liên quan.
            Về các diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đông, các đại biểu cho rằng ở khu vực Biển Đông gần đây đã có thay đổi trên một số bình diện. Trước hết, vấn đề Biển Đông từ chỗ chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực đã trở thành một trong những vấn đề quốc tế, được đem ra bàn thảo ở những diễn đàn đa phương quốc tế như ARF… Thứ hai là thay đổi từ ASEAN. Hiện nay vấn đề Biển Đông đã trở thành vấn đề khá nổi bật trong chương trình nghị sự của ASEAN, thể hiện rõ quyết tâm chuyển từ Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sang Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Thứ ba là lập trường của Trung Quốc cũng đã có nhiều thay đổi. Hiện nay dường như Trung Quốc có xu hướng sử dụng Công ước về Luật biển nhiều hơn, có thay đổi trong hành vi ngoại giao, cũng như có một số điểm mới trên thực địa. Thứ tư, quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông cũng bắt đầu có nhiều chuyển biến, các nước bắt đầu đàm phán trực tiếp về COC.
            Về vấn đề hợp tác trong khu vực, các đại biểu nhất trí rằng Biển Đông không chỉ là vấn đề xung đột, tranh chấp, đối đầu mà còn là cơ hội để các nước tăng cường hợp tác.
            Về các kịch bản có thể diễn ra ở Biển Đông trong thời gian tới, các học giả cho rằng có thể có 4 kịch bản xảy ra: Một là, tình hình khu vực sẽ tốt hơn hiện nay nếu như các bên, đặc biệt là Trung Quốc, hành xử đúng theo những gì mình đã nói, đó là “tạo dựngBiển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác”. Hai là, tình hình sẽ cơ bản như hiện nay, quá trình hợp tác và đấu tranh tiếp tục và đan xen lẫn nhau. Ba là, tình hình xấu hơn hiện nay tức mặt xung đột, tranh chấp nhiều hơn hợp tác nhưng chưa có xung đột quy mô lớn. Bốn là, xảy ra xung đột lớn.
            Về việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, các học giả cho rằng, COC chưa phải là phương tiện để giải quyết các tranh chấp mà sẽ là một công cụ để xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình. Do vậy, COC không nên dừng lại ở cam kết của các bên thực hiện các nguyên tắc khung mà cần phải xác định rõ những hành vi không được phép tiến hành. Ngoài ra COC cũng cần quy định những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép các bên tăng cường đối thoại, giảm thiểu căng thẳng. Trước mắt, các bên cần thúc đẩy thực thi đầy đủ DOC ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002.
            Hội thảo đã diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn, đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến khu vực Biển Đông hiện nay. Cùng với các Hội thảo Quốc tế, Hội thảo quốc gia về Biển Đông là một kênh quan trọng để huy động trí thức của cả nước về vấn đề Biển Đông./.
Chương trình Nghiên cứu Biển Đông
http://nghiencuubiendong.vn/toa-dam-hoi-thao/hoi-thao-quoc-gia-ve-bien-dong-lan-thu-hai-ha-noi-42011/1385-thong-cao-bao-chi-hoi-thao-quoc-gia-ve-bien-dong-lan-hai

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

108. Biển Đông: Địa chiến lược và Tiềm năng kinh tế

Bài viết giới thiệu về điều kiện tự nhiên, vị trí địa chiến lược, các  tài nguyên kinh tế của Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 Biển Đông còn gọi là biển Nam Trung Hoa theo tên tiếng Anh The South China Sea và tiếng Pháp Mer de Chine Méridionale, là một biển rìa Tây Thái Bình Dương.
Theo quy định của Uỷ ban Quốc tế về biển, tên của các biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần nhất hoặc mang tên của một nhà khoa học phát hiện ra chúng. Biển Đông nằm ở phía Nam đại lục Trung Hoa nên có tên gọi là biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, địa danh biển không có ý  nghĩa về mặt chủ quyền như một số người ngộ nhận.
Vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển được xác định và giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982. Biển Đông được nhân dân Việt Nam gọi theo thói quen như một danh từ riêng.
Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi tám nước khác là Trung Quốc, Philippin, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia.
Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân của các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn cả của châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ.


Tiềm năng của Biển Đông
Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thuỷ sản), khoáng sản (dầu khí), du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippin, trong đó Trung Quốc là nước đánh bắt cá lớn nhất thế giới (khoảng 4,38 triệu tấn/năm), Thái Lan đứng thứ 10 thế giới (với khoảng 1,5 - 2 triệu tấn/năm), cả khu vực đánh bắt khoảng 7 - 8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới[1].
Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan … trong đó Indonesia là thành viên của OPEC.
Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 02 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối[2].
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20 năm tới. Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung, khu vực thềm lục địa Tư Chính. Trữ lượng và sản lượng dầu khí của Việt Nam đứng vào hạng trung bình trong khu vực, tương đương Thái Lan và Malaysia.
Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.
Tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày càng gia tăng ở khu vực.
Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.
Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz).
Nạn cướp biển và khủng bố trên Biển Đông ở mức cao, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố tự sát vào tàu chở dầu của Pháp tháng 10 năm 2002. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, nhất là đối với Mỹ và Nhật Bản. Biển Đông còn có liên hệ và ảnh hưởng đến khu vực khác, nhất là Trung Đông. Vì vậy, việc Biển Đông bị một nước hoặc một nhóm nước liên minh nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của các nước khu vực.
Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông.
Tầm quan trọng chiến lược của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông
Các đảo và quần đảo trong Biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Nằm ở trung tâm Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một trong những khu vực có nhiều tuyến đường biển nhất trên thế giới.
Trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược của Châu Á có hai điểm trọng yếu: Thứ nhất là eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của lndonesia và Malaysia). Vị trí này vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hoá của các nước Đông Nam Á và Bắc Á phải đi qua. Ba eo biển thuộc chủ quyền của lndonesia là Sunda, Blombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do gì đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hoá giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn. Điểm trọng yếu thứ hai là vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Các tuyến đường biển chiến lược nói trên là yết hầu cho giao lưu hàng hoá của nhiều nước Châu Á. Xuất khẩu hàng hoá của Nhật Bản phải đi qua khu vực này chiếm 42%, các nước Đông Nam Á 55%, các nước công nghiệp mới 26%, Australia 40% và Trung Quốc 22% (trị giá khoảng 31 tỷ đô la). Nếu khủng hoảng nổ ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.[3]
Ngoài ra, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược, có thể dùng để kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại Biển Đông và dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm ra đa, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu bè... Các nhà chiến lược phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa sẽ khống chế được cả Biển Đông.
Trần Bông (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong/504-bien-ong-ia-chien-lc-va-tiem-nng

[1]  Số liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
[2]  Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam đến 2020 do Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, dự thảo tháng 11/2004.
[3] Báo cáo Chiến lược phát triển kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, thực hiện, dự thảo tháng 5/2005

107. Một phần của lịch sử

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-25-mot-phan-cua-lich-suBây giờ đã là 36 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Nhớ 36 năm về trước hoặc gần hơn là thời gian mươi năm sau chiến tranh, hầu hết những người Mỹ và Việt Nam không hề nghĩ rằng: đến một ngày quan hệ của hai nước lại có thể đến gần nhau như bây giờ. Nhưng nếu không có những "chỉ dẫn" của văn hóa, hai dân tộc sẽ không tìm được con đường đến với nhau trong ý nghĩa cao cả nhất của con người. Và sự "chỉ dẫn" của văn hóa không những tối quan trong đối với hai dân tộc đã có một lịch sử bi thương mà đối với tương lai của toàn nhân loại.
LTS: Ngay cả khi cuộc chiến tranh đang ở giai đoạn tàn khốc nhất thì có những người lính của hai phía bắt đầu nhìn thấy vẻ đẹp và chủ nghĩa nhân văn trong nền văn hóa của hai dân tộc. Nhiều người lính Việt Nam đã mang trong ba lô của họ vào mặt trận những tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học Mỹ như Ông già và biển cả, Tiếng gọi nơi hoang dã, Chuông nguyện hồn ai, Lá cỏ, Cuốn theo chiều gió, Chùm nho nổi giận.... Còn những lính Mỹ, tuy không có cơ hội đọc được những tác phẩm văn học Việt Nam trong thời gian chiến tranh nhưng họ được chứng kiến những vẻ đẹp và chủ nghĩa nhân văn của văn hóa trong chính đời sống ở các miền đất Việt Nam, nơi họ đã nổ súng và ném bom. Chính điều đó đã làm nên phong trào phản chiến.
Ngay sau năm 1975, nền văn hóa của hai dân tộc đã gửi những sứ giả của mình đến với nhau. Những sứ giả đó chính là các nhà văn, nhà thơ và các nghệ sỹ của hai đất nước. Và lần đầu tiên một cách chính thức, hai dân tộc đã được chứng thực vẻ đẹp và chủ nghĩa nhân văn thông qua tác phẩm văn học nghệ thuật và những con người sứ giả đó. Đi qua mọi thách thức, mọi đe dọa, mọi ngờ vực, mọi nguy hiểm... những nhà văn, nhà thơ của hai dân tộc đã không ngưng nghỉ tạo dựng chân dung của dân tộc mình - một chân dung mà trong thời gian chiến tranh nó đã bị bộ máy tuyên truyền bóp méo.
Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày chiến tranh chấm dứt, TuanVietNam xin trân trọng giới thiệu một số bài viết của một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam và Mỹ để bạn đọc có thêm một cái nhìn về sứ mệnh lớn lao của văn hóa trong việc chấm dứt chiến tranh, hàn gắn vết thương và tạo dựng lên một thế giới của những vẻ đẹp và chủ nghĩa nhân văn. Và họ chính là những người đã phác thảo một cách chân thực và chính xác nhất chân dung dân tộc mình - chân dung của một nền văn hóa. Bởi khi các công dân của một dân tộc không dựng được chân dung văn hóa cho dân tộc mình thì dân tộc của họ mãi mãi là một dân tộc mang đến nỗi ngờ vực và sự sợ hãi cho các dân tộc khác.
Được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh là một vinh dự lớn. Hiếm có giải thưởng nào có ý nghĩa hoặc được trao bởi một nhóm học giả độc lập và xuất sắc như vậy. Với lòng khiêm cung, tôi xin nhận vinh hạnh này, biết rõ rằng nó không chỉ được trao cho bản thân mình, mà cho cả gia đình tôi, trung tâm và trường đại học của tôi, cùng nhiều bằng hữu, văn sỹ, nghệ sỹ, học giả và cựu chiến binh, ở cả hai phíaViệt Nam và Hoa Kỳ, cùng các nơi khác trên thế giới, những người đã và đang là một phần không thể thiếu của những cuộc giao lưu đã gần hai mươi lăm năm nay của chúng ta.
Thế mà đã gần hai mươi lăm năm, vào cái đêm sau Giáng Sinh ấy, khi lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam kể từ sau cuộc chiến, trên một chuyến bay cất cánh từ New York. Phim Trung Đội vừa mới công chiếu ngày hôm đó. Tâm khảm tôi vẫn còn hằn rõ hình ảnh của chuyến trực thăng cuối cùng đưa tôi trở lại căn cứ để mãn hạn về nhà, bên dưới chỉ thấy những cảnh như trên mặt trăng, vùng thôn quê Tây Ninh, hoang tàn vì bom đạn và chất diệt cỏ. Ngay cả khi rời Việt Nam lúc ấy, tôi đã mơ đến một ngày trở lại trong hòa bình, nhưng đó là năm 1969, tôi đã không thể mường tượng được hòa bình sẽ như thế nào, sẽ đến ra làm sao.
Ảnh minh họa: hoinhavanvietnam
Khi trở lại Việt Nam năm 1987 cùng với Dự án Hòa giải Đông Dương của John McAulliff, tôi đã có những trải nghiệm làm thay đổi hẳn con người mình. Trong những chuyến viếng thăm đền chùa và bảo tàng, gặp gỡ các cựu chiến binh, các giáo sư, đặt từng bước chân đi trên mảnh đất này, tôi đã cảm thấy mình đang thực sự sống trên mặt đất, lần đầu tiên sau biết bao nhiêu năm.
Các viên tướng trong chiến tranh gọi việc gia tăng quân số là "putting boots on the ground - cho ủng dẫm xuống đất", nhưng với tôi, một thường dân trở lại trong hòa bình, việc đặt chân xuống đất ở đây đã có ý nghĩa như thể lần đầu tiên tôi đứng trên đất thực sự, với cảm thức sâu thẳm rằng cả lịch sử, tinh thần và thi ca của xứ sở xung quanh đang thẩm thấu qua da thịt mình. Tôi cũng thấy một sự cởi mở tuyệt vời, một ước muốn được nói, nghe và tìm kiếm sự tương đồng.
Tôi đã thực sự kinh ngạc. Ở những giai đoạn ấy, mức độ tin cậy và hiểu biết giữa hai nước chúng ta còn thấp. Quan niệm về Việt Nam ở Mỹ và về Mỹ ở Việt Nam đều u ám bởi nhiều thập niên tuyên tuyền và xuyên tạc. Việc cắt hầu hết ngân sách cho các chương trình dạy ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa Việt Nam ở Mỹ và những cắt giảm tương tự đối với các chương trình dạy tiếng Anh và nghiên cứu về Mỹ ở Việt Nam đồng nghĩa với tình trạng bất khả của những giao lưu trực tiếp và thực sự trong sáng.
Nhưng đó là buổi ban đầu. Là giám đốc Trung tâm Joiner, tôi may mắn có cương vị được trở lại Việt Nam, lần này qua lần khác. Năm 1988 tôi quay lại cùng một nhóm nhỏ cùng trung tâm, có David Hunt, Ralph Timperi, Gene Michaud và vợ tôi - Leslie. Lúc ấy chúng tôi muốn thu thập tài liệu về những tác động cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam và những hậu quả dai dẳng của cuộc chiến. Đó là những ngày gian khổ ở Việt Nam. Thiếu điện, thiếu thuốc men, khan hiếm thực phẩm, hiếm cả khách sạn hoặc xe gắn máy hoạt động theo đúng nghĩa của chúng. Năm ấy chúng tôi đi từ Hà Nội vào Tây Ninh, qua Huế, Cam Lộ, Hội An, Đà Nẵng, Hóc Môn. Leslie chụp ảnh các nghĩa trang, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, nhà máy, các trung tâm người tàn phế, với ý đồ giúp người Mỹ hiểu về Việt Nam.
Lúc ấy chúng tôi là một phần của những hoạt động giao lưu đầu tiên, gửi thuốc men và thiết bị y tế, tổ chức trao đổi bác sỹ, các chương trình tiếng Anh và tiếng Anh cho người nước ngoài, giáo viên, nghệ sỹ và nhà văn. Như nhiều bạn đã biết, chúng tôi vẫn là một tổ chức bất thường.
Trung tâm chúng tôi không lấy tên một chính khách hoặc tướng lãnh nổi tiếng nào; nó không có trụ sở ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn; và nó cũng chả có nhiều tiền. Trung tâm chúng tôi lấy tên một người lính bình thường, một cựu binh Mỹ gốc Phi đã làm việc để trợ giúp các cựu binh khác và đã chết vì căn bệnh ung thư có liên quan đến việc tiếp xúc với chất độc màu da cam. Những người làm ở trung tâm chúng tôi lúc nào cũng vẫn chủ yếu là cựu chiến binh.
Như đã nói, chúng tôi chưa bao giờ có nhiều tiền, nhưng cũng như hầu hết cựu chiến binh, chúng tôi biết cách xoay xở, và điều đó thường có nghĩa là khi tiếp đãi khách từ Việt Nam sang, chúng tôi không để mọi người ở khách sạn, chúng tôi đưa họ về nhà mình.
Có lẽ tôi sẽ chả bao giờ có thể đủ lời hay ý đẹp để nhắc lại buổi ban đầu ấy một cách xứng đáng. Những vị khách đầu tiên của chúng tôi chỉ sang có ít ngày. Lê Cao Đài và Bùi Tụng sang dự hội nghị y tế công cộng Mỹ. Những người khác sang dài ngày hơn và trở nên gắn bó lạ kì. Lê Lựu và Ngụy Ngữ là những sứ giả văn chương đầu tiên. Lê Lựu đã thành bạn của nhiều người suốt từ Boston đến Washington nhờ những mẩu chuyện đời của chính mình trong và sau chiến tranh.
Biết nói gì đây khi nhớ lại cảnh ngay dưới mái hiên sau nhà mình, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh và Lê Minh Khuê thay nhau bế ẵm và hát ru Lily, đứa con gái mới 2 tháng tuổi của chúng tôi. Rồi cảnh Thiều, Phạm Tiến Duật và Tô Nhuận Vỹ cùng đá bóng với Myles - con trai chúng tôi, chạy quanh khắp sân sau; hoặc cảnh nổi tiếng nhất là Nguyễn Quang Sáng ném bóng rổ ở ngay gần đó.
Những chuyện ấy đều như có phép lạ. Có lẽ một phần là vì cái lạ lùng thật sự của chúng: cứ nghĩ mà xem, những kẻ cựu thù, gặp gỡ nhau như thế, nấu nướng, mua sắm, ăn uống, kể chuyện cho nhau nghe như thế, và sống với nhau như một gia đình trong ngôi nhà ấy ở Dorchester. Mà tất cả những cái lạ lùng ấy lại còn phong phú sâu sắc hơn lên nữa nhờ những bài ca điệu nhảy cùng nhau, những bài thơ cùng đọc cùng nghe, và một niềm vui giản dị khi hình như tất cả đã cùng tìm thấy một con đường thoát ra khỏi cuộc chiến, khỏi câu chuyện bao trùm xưa cũ của quá khứ.
Những hội thảo văn chương của chúng tôi hồi ấy thu hút mọi người từ khắp nơi đến chỉ cốt để gặp gỡ các nhà văn Việt Nam. Năm 1999 là thời điểm bước ngoặt của chúng tôi. Dự án Full Circle - Vòng tròn trọn vẹn - của chúng tôi đã đưa được hai nhóm cựu binh Mỹ trở lại thăm những chiến trường xưa ở Việt Nam và gặp gỡ những con người mà họ đã từng ngắm bắn.
Hội Nhà văn chủ trì cuộc hội nghị đầu tiên của các nhà văn cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ. Tôi nhớ cả "Đêm thơ trữ tình" ở Hà Nội, ngồi trong gian phòng đặc khói thuốc lá, lắng nghe các tác giả Mỹ và Việt thay nhau đọc tác phẩm của mình, lần đầu tiên nhận ra những tiết tấu không thể quên được của những dòng chữ mà nhiều năm sau này một số chúng tôi đã may mắn dịch được sang tiếng Anh, hoặc chí ít thì cũng đã cố làm công việc ấy.
Và tôi cũng nhớ cái giây phút lúc đến thăm Hội Nhà văn, đang ngồi đó thì Vũ Tú Nam và Chính Hữu đến trao cho chúng tôi những trang giấy pơ-luya đánh máy của bản thảo sau này sẽ thành tác phẩm Mountain River. Đó chính là lịch sử, một lịch sử độc đáo, vì tôi không thấy có một giây phút nào khác sau chiến tranh mà những người lính làm thơ của nước này trao bản thảo tác phẩm của mình cho những người lính làm thơ của nước kia.
Năm 1992, tôi có dịp trở lại Việt Nam để phỏng vấn các nhà văn ở khắp mọi miền đất nước. Với tôi, đó là một trải nghiệm khải huyền. Tôi đã nghe Vũ Tú Nam kể lại những ngày tranh cãi về giải thưởng trao cho cuốn Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, về những lá thư mà vợ chồng anh ấy viết cho nhau suốt những năm tháng xa cách trong chiến tranh.
Tôi đã nghe Nguyên Ngọc kể về thời thơ ấu của anh ấy, chuyện vợ anh ấy bị bắt, cuộc đoàn tụ kì lạ khi tù binh được trao trả năm 1973. Tôi đã gặp Lý Lan, người đã hỗ trợ công việc dịch thuật của tôi lần đầu tiên ở Sài Gòn. Tôi vẫn giữ những cuốn băng ghi âm ấy, âm thanh nền là tiếng gà gáy, tiếng xe đạp và xe máy thảng hoặc chạy qua chứ chưa thấy tiếng xe hơi rồ máy bóp còi.
Tôi nhớ một hôm ở Hà Nội, đang đánh vật với việc dịch ở báo Văn Nghệ Quân Đội thì có ai đó cúi xuống bên cạnh hỏi cái gì đó rồi rành rẽ nói mấy từ "La Colline des vaches machine" - đồi xay thịt bò, khiến tôi bỗng nhớ lại "Hamburger Hill", nơi diễn ra một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong năm 1969.
Vào cái ngày có tin bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, tôi mới chợt nhận ra một sự thật là chúng ta đã là một phần của lịch sử, một phần của quá trình tiến lại gần nhau của hai đất nước chúng ta. Hôm đó, Nguyễn Duy đang ở chỗ chúng tôi và vừa rời nhà đi tham quan thủ đô Washington.
Kevin Bowen là nhà thơ, dịch giả, giám đốc Trung tâm William Joiner - Nghiên cứu về Chiến tranh và Hậu quả xã hội, thuộc Đại học Massachusetts, Boston.
Ông nhận bằng Cử nhân từ Đại học Massachusetts, Boston, bằng Tiến sĩ tại SUNY Buffalo và sau đó tiếp tục nghiên cứu tại Đại học New College, Oxford.
Ông đã nhận Giải Pushcart, nghiên cứu về Thơ và Hư cấu từ Hội đồng Văn hóa Massachusetts và học bổng nghiên cứu thơ từ Quỹ Nghệ thuật Quốc gia Hoa Kỳ. Năm 2011, ông và vợ con đã đến Việt Nam để nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh cho những đóng góp của ông trong việc truyền bá văn học, văn hóa Việt Nam tới công chúng Mỹ.
Cùng ngày ấy, Nguyễn Duy đến thăm đài tưởng niệm các cựu binh của cuộc chiến tại Việt Nam và sau đó viết một bài thơ rất hay về nó. Cũng đúng hôm ấy, hoàn toàn không biết gì về sự có mặt của Duy tại Mỹ, tờ The Boston Globe đăng toàn bộ bản dịch một bài thơ của anh ấy - "A Small Song of Peace" - ngay trên trang xã luận để đánh dấu sự kiện bình thường hóa quan hệ. Hôm sau, trong mục thư gửi tổng biên tập của báo, một độc giả đã viết rằng cả số báo hôm ấy chỉ có bài thơ này là quan trọng nhất.
Thời điểm ấy đánh dấu một bước tiến quan trọng, tôi nghĩ vậy. Nó báo hiệu rằng công việc giao lưu và dịch thuật mà chúng tôi đã khởi sự như một mạo hiểm chung với các cộng sự Việt Nam đã trở thành một sự nghiệp với sức sống riêng của nó, rằng nền văn học Việt Nam cũng như các tác gia của nó nay đã được công chúng Mỹ đón nhận.
Một sự kiện xuất bản khác hồi đó cũng báo hiệu bước chuyển biến ấy là việc bài "To Return to the Urges of the Beginning" của Phạm Tiến Duật được chọn vào tuyển tập những bài thơ được yêu thích nhất tại Mỹ - một công trình lớn có ý nghĩa lịch sử của Robert Pinsky, thi khôi của nước Mỹ lúc bấy giờ. Một nhà giáo, nữ thi sỹ trẻ người Mỹ và một người bạn Việt Nam là học sinh của chị đã đề cử bài thơ này cho tuyển tập.
Công việc đã không phải lúc nào cũng dễ dàng. Visa phải xin và lấy ở Bangkok. Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Ngụy Ngữ và Nguyễn Khải đã bị một đám đông tấn công sau một sự kiện tổ chức ở thư viện công cộng Boston. Một nhóm cựu binh Mỹ đã phải làm rào cản để bảo vệ họ. Một trong số đó, nhiều các bạn đã biết, là nhân vật chủ ngân hàng Bob Glassman.
Dịch thuật lúc nào cũng là một thách thức. Những người cùng dịch cuốn Thời xa vắng - có David Hunt, tôi, Ngô Vĩnh Hải và Nguyễn Bá Chung, hai Việt hai Mỹ - chúng tôi đã học được rất nhiều khi cùng nhau đánh vật với từng dòng của cuốn sách đó, cố truyền đạt trung thực nhất những gì Lê Lựu đã mô tả, từ trời, đất, cuộc sống thành phố, nông thôn, rồi cuộc chiến, và cả những lối chơi chữ, tính hóm hỉnh và chất nồng ấm trong giọng văn của anh ấy. Được trở lại Việt Nam là quan trọng nhất, được về tận làng quê của Lê Lựu, thấy dân làng oằn mình ngoài đồng ruộng, bước dọc bờ sông vào ngày hội Tiên Dung, nhìn cờ phướn tung bay trong gió, những đội nhạc hỉ hội hè, tất cả thật không thể thiếu được.
Có một nhà phê bình vĩ đại đã từng nói mục đích của nghệ thuật là khiến ta nhìn thấy. Các nhà văn Việt Nam đã làm việc với chúng tôi từng bước một để giúp cho cái phần dịch giả trong con người chúng tôi nhìn ra được những gì cần phải thấy. Chuyện này thật nhiều ý nghĩa. Với tôi chẳng hạn, cái có ý nghĩa nhất là những trải nghiệm tuyệt vời trong chuyến viếng thăm làng quê của Nguyễn Quang Thiều, thấy con đê anh ấy từng nằm ngủ trên đó hồi còn bé, những con chuồn chuồn chao lượn trên mặt ao, nằm ngủ trên chiếc giường của bà nội anh ấy.
Như tôi đã nói, những chuyện ấy, cả cái quá trình ấy, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và khó nhất là với người Việt Nam ở hải ngoại. Có những người đã chống lại tiến trình giao lưu ấy cả trên báo chí và trên đường phố, với những cuộc biểu tình mỗi khi chúng tôi có khách từ Việt Nam sang. Đã có cả những lời dọa giết và đánh bom. Với nhiều người, nỗi đau ấy là chân thực và có vẻ không thể hàn gắn được.
Dù sao, qua suốt những năm tháng ấy, một cuộc đối thoại đã ra đời, một cuộc đối thoại đòi hỏi lòng dũng cảm ở cả hai bên. Chúng tôi biết danh tiếng Nguyên Ngọc, Tô Nhuận Vỹ, Trần Văn Thủy, những người sang Mỹ bằng học bổng Rockefeller. Và tất nhiên là cả hai nhân vật danh tiếng khác nữa, hai học giả đầu tiên sang với chúng tôi bằng học bổng Rockefeller: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến - người đã vừa mới qua đời. Mặc những lời đe dọa chống đối, họ đã không lùi bước, đã sang với chúng tôi, và đã tạo lập được một cầu nối để nhiều người khác sau này tiếp bước họ.
Theo dòng thời gian, những tác phẩm dưới dạng sách, bài viết và thơ trên các tạp chí đã lần lượt được thế giới biết đến và tiếp nhận. Writing Between the Lines, Mountain River, Distant Road, Six Vietnamese Poets, Early Zen Poems from Vietnam, đã mở đường cho những tác phẩm mới nữa mà chúng tôi biết là sẽ xuất hiện.
Cuối cùng, cho phép tôi được nói một điều, rằng có lẽ tôi sẽ không thể có đủ lời để nói về chuyện toàn bộ những cuộc giao lưu ấy đã có ý nghĩa như thế nào đối với chính gia đình mình. Làm sao có thể quên được Đoàn nhạc Sông Hương của Võ Quê, đã diễn một đêm trên sông nước vằng vặc ánh trăng ở Huế, rồi lại diễn ở ngay sân sau nhà chúng tôi ở Doschester.
Hay cái đêm chúng tôi bị tấn công ở Thư viện Công cộng Boston. Rồi những lúc ngồi ở hiên nhà nghe ca khúc Trịnh Công Sơn với phần đệm guitar nhẹ nhàng, mà nhiều năm sau lại được ngồi với Duy trong một quán bar Sài Gòn, nghe chính Trịnh Công Sơn hát những ca khúc ấy. Lại còn Chu Lượng, Lương Tu Duc, Nguyễn Quang Thiều và Thuật con trai anh, đem niềm vui của nghệ thuật múa rối nước sang cho trẻ em ở Dedham và Boston, thậm chí cả diễn riêng cho buổi sinh nhật của con gái tôi. Hoặc ngồi trong vườn thơ ở Sông Bé với Thu Bồn, nghe hát ca kịch và giọng đọc của các nhà thơ vang vọng vào trời đêm trên những làn khói của lửa trại.
Hoặc ngồi ở Bắc Ninh, nhà Đỗ Chu, nghe các liền anh liền chị Quan Họ kể chuyện đời và cất tiếng hát. Hoặc cùng uống trà trên tầng áp mái của chúng tôi cùng với hàng chục nhà văn từ Việt Nam sang, mà Nguyễn Quyến và Paley thì mải mê trò chuyện đến tận khuya. Hoặc tất cả những buổi đọc văn đọc thơ ấy, khám phá những trang viết của những người sang làm khách ở nhà chúng tôi, mà lần lần tác phẩm của họ đã bắt đầu được dịch sang tiếng Anh; nghe những giọng văn độc đáo ấy - Lý Lan, Phan Thị Vàng Anh, Lê Văn Thảo, Cao Tiến Lê, Ý Nhi, Nguyễn Đức 
 Mậu, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Nguyễn Trí Huân, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa, Đỗ Chu, Văn Lê, Bảo Ninh, Chu Lai, Nam Hà, Trung Trung Đỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Như Trang, Ngân Vịnh, Bùi Ngọc Tấn, Dương Thuấn, và còn bao nhiêu người khác.
Với một hạnh ngộ lớn lao như thế này, tôi chỉ còn biết cứ thật lòng nói lời cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn.
Trịnh Lữ dịch

106. Lý do các nước láng giềng cần sớm tranh thủ giải quyết tranh chấp với Trung Quốc

Bài phân tích trên tờ “Liên hợp buổi sáng” của Singapore ngày 18/4 cho rằng “đàm phán giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải được tiến hành sớm”. Vị thế của Trung Quốc ở Đông Á sẽ ngày càng cao hơn. Vì thế,  cần lợi dụng thời kỳ Trung Quốc đang chủ trương giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bằng phương thức hòa bình, các nước cần sớm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, như vậy mới có thể tranh thủ được lợi ích ở mức cao nhất.


Những năm gần đây, với thực lực kinh tế là đầu tàu, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc ngày càng mạnh. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng dần tăng lên theo tiến trình hiện đại hóa ngày càng sâu sắc. Với ảnh hưởng của “thuyết đe dọa từ Trung Quốc”, sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng nhanh đã dẫn đến sự lo ngại và bất an của một số nước láng giềng, đặc biệt là các nước có tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.
Từ năm 1949 đến nay, giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng đã xảy ra chiến tranh cục bộ, có nguồn gốc từ tranh chấp biên giới như chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, chiến tranh Trung-Nga ở đảo Damansky trên sông Ô Tô Lý giữa biên giới hai nước năm 1969, chiến tranh ở vùng biển Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1974 và chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1979. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc coi trọng quốc sách lấy xây dựng kinh tế là trung tâm trong thập niên 80 thế kỷ trước, Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng bằng đàm phán hòa bình chứ không phải xung đột vũ trang.
Về biên giới trên bộ, Trung Quốc là nước có đường biên giới trên bộ dài nhất và có nhiều nước láng giềng nhất, cũng là một trong những nước có tình hình biên giới phức tạp nhất trên thế giới, với đường biên giới trên bộ dài tổng cộng 22.000 km, tiếp giáp với 14 nước như Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Việt Nam, Nga... Trung Quốc đã thông qua phương thức đàm phán hòa bình ký hiệp ước hoặc hiệp định biên giới với 12/14 nước (trừ Ấn Độ và Butan), chiều dài biên giới đã hoạch định ổn thỏa, chiếm khoảng 90% tổng chiều dài biên giới. Trung Quốc vẫn đang trong tiến trình đàm phán với Ấn Độ và Butan, tuy không thể xác định khi nào sẽ thành công nhưng khả năng xảy ra xung đột vũ trang một lần nữa do tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ là không đáng kể.
Tranh chấp chủ quyền trên bộ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng xem ra không còn là vấn đề lo ngại, vấn đề chủ yếu hiện nay là tranh chấp lợi ích ở các khu vực lãnh thổ, lãnh hải và biển khơi với các nước láng giềng, cụ thể là vấn đề biển Hoa Đông giữa Trung Quốc-Nhật Bản và vấn đề biển Biển Đông giữa Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á. So với vấn đề biển Hoa Đông, vấn đề Biển Đông  bề ngoài xem ra phức tạp hơn nhưng trên thực tế không hẳn như vậy, vì Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cuối cùng đã ký “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” năm 2002, các bên cam kết sẽ “thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng phương thức hòa bình”. Tuy tiến triển hạn chế nhưng ít nhất các bên đã đi đến nhận thức chung là giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình chứ không phải vũ lực, hơn nữa đã hình thành được văn kiện, tới đây chỉ cần tích cực thông qua nỗ lực ngoại giao chuyển hóa tinh thần văn kiện thành tính khả thi, như vậy thỏa thuận hay hiệp ước song phương hoặc đa phương có hiệu lực pháp lý sẽ có thể đạt được.
Trừ phi xảy ra sự kiện lớn xâm phạm đến lợi ích căn bản của Trung Quốc, chẳng hạn như nước ngoài xâm lược hay Đài Loan tuyên bố độc lập, nếu không, Trung Quốc - vốn đang rất cần môi trường hòa bình để tiếp tục phát triển kinh tế - sẽ không dễ dàng sử dụng vũ lực vì chiến tranh không hề có lợi cho kinh tế Trung Quốc.Vì thế, có lý do để tin tưởng vào việc Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bằng phương thức hòa bình.
Tuy nhiên, có một điểm mà các nước trong khu vực cần chú ý là tới đây, vị thế của Trung Quốc ở Đông Á - thậm chí ở cả châu Á - sẽ ngày càng cao hơn. Trung Quốc có khả năng trở thành cường quốc số một ở châu Á. Trung Quốc cũng sẽ đưa ra những quan điểm và chủ trương giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bằng phương thức hòa bình. Vì thế, các nước hoặc khu vực có tranh chấp với Trung Quốc cần sớm giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, như vậy mới có thể tranh thủ được lợi ích ở mức cao nhất.

Theo Liên hợp buổi sang 

Quốc Trung (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1382-ly-do-cac-nuoc-lang-gieng-can-som-tranh-thu-giai-quyet-tranh-chap-voi-trung-quoc

105. Quan hệ Mỹ - Trung: Sự thay đổi nhận thức quyền lực

Trung Quốc còn một chặng đường dài mới có đủ khả năng thách thức với Mỹ giống như nước Đức của Kaiser tạo ra khi Đức vượt qua Anh. Sự tự tin thái quá, chủ nghĩa dân tộc sẽ dẫn đến những nhận định sai lầm chết người trong quan hệ Mỹ - Trung. Hai quốc gia này không được phép lặp lại kinh nghiệm đầy thảm họa của Đức và Anh cách đâ một thế kỷ. Bài viết “U.S.-China relationship: A shift in perceptions of power” của GS. Joseph Nye, Đại học Havard đăng trên Los Angeles Times ngày 6/4 như sau.


Năm ngoái, khi Trung Quốc cắt đứt các cuộc đối thoại quân sự sau khi Chính quyền Obama bán vũ khí phòng vệ cho Đài Loan, một hợp đồng đã được chờ đợi từ lâu, một quan chức cấp cao của Mỹ hỏi người đồng cấp phía Trung Quốc vì sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh như vậy trước một việc mà nước này đã chấp nhận trước đó. Câu trả lời: "Vì trước đây chúng tôi yếu, còn bây giờ chúng tôi mạnh." Trong một chuyến đi gần đây tới Bắc Kinh, tôi hỏi một chuyên gia Trung Quốc rằng điều gì phía sau sự tự thị mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Câu trả lời là: "Sau cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều người Trung Quốc tin rằng chúng tôi đang nổi lên còn Mỹ thì đang đi xuống."
Những người Trung Quốc này không đơn độc. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ là thế lực thống trị trong hai mươi năm nữa nhiều hơn số người tin rằng Mỹ sẽ duy trì được vị trí đó. Một số nhà phân tích còn đi xa hơn và lập luận rằng sự nổi lên của Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc va chạm tương tự như đã từng xảy ra giữa một nước Đức đang lên và một nước Anh đang thống trị, dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất một thế kỷ trước.
Chúng ta cần thận trọng với những dự đoán khốc liệt như vậy. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới đuổi kịp Mỹ về quân sự, kinh tế và các nguồn lực quyền lực mềm. Ngược lại, đến năm 1900, Đức đã vượt qua Anh. Ngay cả trường hợp GDP của Trung Quốc vượt qua Mỹ vào một thời điểm nào đó trong những năm 2020, hai nền kinh tế vẫn không thể coi là ngang bằng nhau. Trung Quốc sẽ vẫn có một khu vực nông thôn rộng lớn kém phát triển, và gần như chắc chắn đã bắt đầu phải đối mặt với những vấn đề về dân số và tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Như một số người Trung Quốc thường nói, họ sợ rằng họ sẽ già trước khi giàu. Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài mới có thể trở thành một thách thức nào đó đối với nước Mỹ giống như nước Đức của Kaiser tạo ra khi Đức vượt qua Anh.
Nhưng nhiều người Trung Quốc không nhìn thế giới theo cách đó. Họ tin rằng cuộc suy thoái năm 2008 đã tạo ra một sự thay đổi về cân bằng quyền lực thế giới, và rằng Trung Quốc cần bày tỏ ít tôn trọng hơn với một nước Mỹ đang đi xuống. Đánh giá quá tự tin này là một phần nguyên nhân dẫn đến chính sách đối ngoại tự thị hơn của Trung Quốc trong hai năm qua. Sự thay đổi nhận thức dường như đã làm củng cố thêm sự tự tin của Chính quyền Trung Quốc, mặc dù đánh giá của họ là sai lầm.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã đi theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là "giấu mình chờ thời". Tuy nhiên, với sự thành công trong phục hồi kinh thế sau suy thoái và đạt mức tăng trưởng 10%, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm ngoái, và nhiều người ở Trung Quốc đã thúc giục phải có một chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn. Một số người đổ lỗi điều này cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng quan điểm đó là quá đơn giản. Các nhà lãnh đạo cao nhất vẫn muốn đi theo chiến lược của Đặng Tiểu Bình, nhưng họ cảm thấy bị sức ép từ bên dưới bởi chủ nghĩa dân tộc đang lên, cả trong hệ thống chính trị lẫn thế giới mạng.
Thái độ tự thị mới của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến các quan hệ của họ với các nước khác ngoài Mỹ. Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước ASEAN cảm thấy lo ngại, và phản ứng của Trung Quốc với các hành động của Nhật Bản sau vụ va chạm tàu gần quần đảo Senkaku (đảo Điếu Ngư) đang tranh chấp đã dẫn đến việc Tôkyô củng cố thêm quan hệ liên minh với Oasinhtơn. Bắc Kinh cũng làm Hàn Quốc xa lánh thêm bằng việc không chỉ trích việc Bắc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, làm Ấn Độ tức giận về các vấn đề biên giới và hộ chiếu, rồi tự làm xấu mình tại châu Âu và những nơi khác bằng việc phản ứng quá mức trước việc trao giải Nobel hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba.
Vậy các vấn đề này sẽ diễn ra như thế nào trong những năm tới? Có khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẽ lùi lại ở mức độ nào đó từ lập trường quá tự thị hiện đã chứng tỏ khiến họ mất nhiều. Tuyên bố của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào muốn hợp tác trong các vấn đề khủng bố, phổ biến vũ khí và năng lượng sạch sẽ giúp giảm những căng thẳng, nhưng các nhóm lợi ích nội bộ đầy quyền lực trong các ngành xuất khẩu và Quân Giải phóng Nhân dân muốn hạn chế hợp tác kinh tế và quân sự. Và quan trọng nhất, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang tăng lên của người dân Trung Quốc được thể hiện trên các trang blog, sẽ rất khó cho các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc có thay đổi nhiều trong chính sách của họ. Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào đến Oasinhtơn vào tháng Giêng giúp cải thiện được một số vấn đề, nhưng mối quan hệ sẽ vẫn khó khăn chừng nào nhiều người Trung Quốc còn phải chịu đựng sự ngạo mạn dựa trên chủ nghĩa dân tộc và niềm tin sai lầm vào sự đi xuống của Mỹ.
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ phải đối mặt với những thách thức toàn cầu như bất ổn tài chính, an ninh mạng và biến đổi khí hậu, hai nước còn nhiều thứ để đạt được từ việc làm việc cùng nhau. Không may thay, những đánh giá sai lầm về quyền lực đã tạo ra sự ngạo mạn cho người Trung Quốc, và nỗi lo sợ không cần thiết của một số người Mỹ về sự đi xuống của Mỹ, và những thay đổi nhận thức này khiến cho việc hợp tác khó khăn hơn. Bất cứ sự thỏa hiệp nào từ Mỹ đều được Bắc Kinh coi là dấu hiệu khẳng định thêm thế yếu của Mỹ. Nhưng với những dự đoán thực tế hơn, Trung Quốc và Mỹ không được phép lặp lại kinh nghiệm đầy thảm họa của Đức và Anh cách đây một thế kỷ.

Theo Los Angeles Times 

Văn Cường (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/1379-quan-he-my-trung-su-thay-doi-nhan-thuc-quyen-luc

104.Đại sử ký tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông

Biên niên các sự kiện chính liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ thế kỷ 19 đến nay.
http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong/533-ai-s-ky-tranh-chap-chu-quyen-tai-bien-ong
Thời gian
Sự kiện
…..
…. (tiếp tục ̉ sung)
1816
Hoàng đế Gia Long Triều Nguyễn tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa sau khi triều đại này thành lập năm 1802.
1835
Vua Minh Mạng phái một đoàn thám hiểm tới Hoàng Sa để đánh dấu chủ quyền.
1936
Vua Minh Mạng ra chiếu chỉ lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa tới các đảo Hoàng Sa để ghi lại lộ trình.
1867
Năm Tự Đức thứ 20, nhà vua tôn vinh các thủy binh đã tử vong trong quá trình ra các đảo.
1884
Nhà Nguyễn ký với Pháp Hiệp ước chính thức biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp.
3/1909
Chính quyền Quảng Đông Trung Quốc đã cử một đội khảo sát và tháng 6/1909 đã cử Đô Đốc Lý Chuẩn tới Hoàng Sa.
1930
Pháp tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa của An Nam, và chủ quyền đối với Trường Sa cho Pháp.
1933
Pháp tuyên bố chính thức về việc chiếm cứ một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó bao gồm đảo Trường Sa, Ba Bình, Thị Tứ và Loại Ta.
1938
Pháp thiết lập sự hiện diện thường xuyên ở Hoàng Sa. Một phân đội cảnh sát người Việt đã được gửi đến đồn trú thường xuyên ở đây.
1939
Sau khi chiếm hầu hết các tỉnh ven biển Trung Quốc và đảo Hải Nam, Nhật Bản đã đổ bộ lên Trường Sa. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền chính thức ở quần đảo Hoàng Sa và coi đây là một vùng của đế chế Nhật Bản.
1940
Nhật đã xây dựng các căn cứ tàu ngầm trên đảo Ba Bình và Trường Sa, và một đường bay trên Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).
1945
Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Nhật đã rút khỏi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đặt các đảo vào tình trạng ‘không có người ở’ một lần nữa.
1946
Pháp gửi đoàn thám sát lại Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi nhắc lại yêu sách của của An Nam (Việt Nam) đối với Hoàng Sa và của Pháp đối với Trường Sa, nhưng không lưu lại quân đồn trú. Cùng thời gian này, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch cũng gửi các đoàn khảo sát đến hai quần đảo, và đã đánh dấu chủ quyền và thành lập sự hiện diện trên đảo Phú Lâm ( ở phía Đông của quần đảo Hoàng Sa) và Ba Bình (Trường Sa).
07/1/1947
Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố chính phủ Trung Quốc đã lấy lại các đảo Hoàng Sa và khôi phục lại chủ quyền của họ trên các đảo này.
1948
Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ban bố bản đồ với “Đường Lưỡi Bò” bao gần hết Biển Đông.
1949
Phe Cộng sản thắng ở Trung Quốc lục địa, thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc chạy sang Đài Loan, tàn quân bị rượt đuổi từ Hải Nam, nên buộc phải rút quân ở Phú Lâm (Hoàng Sa) vào tháng 4 năm 1950 và Ba Bình (Trường Sa) vào tháng 5 năm 1950.
15/8/1951
Trung Quốc nêu lập trường về vấn đề hải đảo của mình thông qua ‘Tuyên bố về Dự thảo Hiệp ước Hòa Bình với Nhật Bản và Hội nghị San Francisco của Mỹ và Anh’ của Thủ tướng Chu Ân Lai: ‘Quần đảo Tây Sa và Nam Sa, giống như Đông Sa và Trung Sa, luôn thuộc lãnh thổ Trung Quốc.’
6/9/1951
Đại diện của Việt Nam Quốc gia dự hội nghị San Fransisco. Trong phát biểu tại Hội nghị, đoàn Việt Nam khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
1951
Nhật Bản ký kết Hiệp ước Hòa bình với Đồng minh, theo đó Nhật chính thức đồng ý từ bỏ các quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với một số vùng lãnh thổ, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, tuy nhiên hiệp ước không nêu ai sẽ được nhượng lại các quần đảo này.
1952
Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật đã được ký kết tại Đài Loan giữa Đài Loan và Nhật Bản trong đó có nội dung Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và yêu sách đối với các đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3/1956
Một người Philippin là Thomas Cloma cùng những người đồng hành đổ bộ lên một số đảo của Trường Sa và đã yêu sách chiếm hữu 33 đảo và bãi trong một vùng biển rộng 65000 hải lý vuông, và đặt tên vùng này là Kalayaan (tiếng Anh là Freedomland).
1956
Khi Pháp rút khỏi Đông Dương Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm đưa quân ra thay  thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và đổ bộ lên đảo chính của quần đảo Trường Sa đặt các cột mốc và kéo cờ của Việt Nam Cộng Hòa.
14/9/1958
Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng về tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ấn định chiều rộng lãnh hải Trung Quốc 12 hải lý.
1971
Đài Loan quay lại Trường Sa và thiết lập sự có mặt liên tục trên đảo Ba Bình. Philippine tiến hành chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
1971
Sau khi Đài Loan bắn vào một tàu đánh cá của Philippines, Philippines đòi Đài Loan rút khỏi đảo Ba Bình và cho quân chiếm đóng các đảo Vĩnh Viễn, Song Tử Đông, Loại Tá và Thị Tứ.
1971
Philippines ra tuyên bố chính thức yêu sách 53 đảo, theo đó, Philippines coi những đảo này là vô chủ, và họ có thể tự do chiếm hữu theo các hình thức thụ đắc lãnh thổ phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế là chiếm đóng và quản lý hiệu quả.
1973
Việt Nam Cộng Hòa sát nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.
15-20/1/1974
Trung Quốc dùng không quân và hải quân đánh chiếm nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng. Kể từ đây, Trung Quốc chiếm trọn Hoàng Sa.
1974
Tại hội nghị Luật biển lần thứ 3, kỳ 2 tại Caracas, đại biểu của chính phủ Việt Nam Cộng hòa tố cáo Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực, và khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam
14/3/1975
Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã sách trắng về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án mạnh mẽ Trung Quốc dùng vũ lực cướp đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tỏ rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo.
1975
Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tiếp quản Trường Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tuyên bố giành cho mình quyền bảo vệ chủ quyền đó.
11/11/1975
Bộ Ngoại giao Việt Nam DCCH gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
02/7/1976
Nước CHXHCN Việt Nam chính thức ra đời và đã kế thừa yêu sách chủ quyền của chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế đã tiếp tục kiểm soát Trường Sa.
1976
Việt Nam công bố bản đồ của nước Việt Nam thống nhất, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
12/ 5/ 1977
Việt Nam ra Tuyên bố thứ nhất về đường cơ sở để xác lập vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
1978
Philippines ban hành Nghị định 1599 của Tổng thống trong đó có sử dụng tên bằng tiếng Philippines Kalayaan để gọi quần đảo Trường Sa và khẳng định quần đảo Trường Sa về mặt pháp lý không thuộc bất kỳ quốc gia nào, nhưng do yếu tố kế cận, tầm quan trọng sống còn về an ninh, nhu cầu thiết yếu, sự chiếm đóng và kiểm soát hữu hiệu nên nay Philippines đã thiết lập chủ quyền hợp pháp với quần đảo này.
17/2/1979
Bắt đầu chiến tranh biên giới Trung-Việt
3/1979
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới Việt – Trung, trong đó có điểm 9 tố cáo Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974.
30/7/1979
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố sách trắng xuyên tạc một số tài liệu có liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để chứng minh rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo này.
28/9/1979
Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, giới thiệu thêm 19 tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo.
1979
Malaysia xuất bản bản đồ vùng thềm lục địa, trong đó bao gồm 3 đảo của quần đảo Trường Sa.
Anh thay mặt cho Bruney ra tuyên bố phản đối việc Malaysia đưa đảo Louisa vào bản đồ thềm lục địa.
1980
Trung Quốc công bố sách trắng lần thứ hai tuyên bố chủ quyền với quần đảo Tây Sa và Nam Sa, trong đó và thay đổi lập luận cho cho rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chỉ là những đảo ven bờ của Việt Nam, không phải là Tây Sa và Nam Sa của Trung Quốc.
7/1980
Tại kỳ họp lần thứ 26 Hội Địa chất quốc tế ở Paris đoàn đại biểu Trung Quốc  báo cáo và cho lưu hành tài liệu địa chất về các bể dầu khí trong đó có đoạn nói quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phần kéo dài của lục địa Trung Quốc.
12/11/1982
Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải.
1982
Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung quốc Dương Đắc Chí thị sát Hoàng Sa và Trường Sa.
12/1982
Việt Nam ban hành quyết định thành lập Trường Sa và Hoàng Sa là hai huyện đảo riêng biệt trực thuộc tỉnh Phú Khánh và Quảng Nam – Đà Nẵng.
1982
Đài Loan công khai quyết định đặt quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền tài phán của mình. Đồng thời, Chính quyền thành phố Cao Hùng thông qua kế hoạch 3 năm xây dựng các cảng và định cư tại đảo Ba Đình.
1982
Ký kết Công ước của LHQ về luật biển, đã được ký kết được coi là một bản Hiến pháp quốc tế về biển, có bởi nội dung đồ sộ và toàn diện, bao gồm phản ánh qua 320 điều, 17 phần và 9 phụ lục và chính thức có hiệu lực vào ngày 16/11/1994
1/1983
Tại hội nghị lần thứ hai về Hàng không khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Trung Quốc đưa ra hai tấm bản đồ vẽ đường biên giới trên biển bao quanh gần hết Biển Đông.

4/1983
Ủy ban địa danh của Trung Quốc đã đặt tên cho các đảo, bãi, đá trong Biển Đông và đưa ra yêu sách đổi tên tiếng Anh của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành Tây Sa và Nam Sa.
1983
Malaysia chiếm đóng và chính thức tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoa Lau của quần đảo Trường Sa. Tuyên bố này nói rằng đảo Hoa Lau từ lâu đã là một bộ phận của lãnh thổ Malaysia.
6/1984
Hội nghị lần thứ 2 của Quốc vụ viện Trung Quốc khóa 6 đã phê chuẩn việc thành lập khu hành chính Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) của Việt Nam) đều thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
4/1985
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam đã thăm quần đảo Trường Sa.
1987
Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Diệu Bang tiếp tục có chuyến thị sát Hoàng Sa
1987
Bruney xuất bản một bản đồ để xác định ranh giới của vùng đánh cá và thềm lục địa trong đó có đảo Louisa thuộc quần đảo Trường Sa.
12/1987
Malaysia chiếm đóng thêm hai đảo là Kỳ Vân và Kiệu Ngựa thuộc quần đảo Trường Sa.
1988
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Malaysia ra tuyên bố rằng các đảo Hoa Lau, Kỳ Vân, Kiệu Ngựa và Louisa nằm trên thềm lục địa của Malaysia nên thuộc Malaysia.
14/3/1988
Trung Quốc đã đánh chìm 2 tàu lớn của hải quân Việt Nam, bắn hỏng một tàu khác, làm chết và bị thương 20 người, mất tích 74 người. Chiến dịch này kéo dài đến ngày 6/4/1988 đã kết thúc với việc Trung quốc chiếm 6 nhóm đảo và đá ngầm gồm Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Gạc Ma, Đá Xubi.
3/4/1988
Tỉnh Phú Khánh và Bộ Tư Lệnh Hải Quân thay mặt cả nước đã làm lễ truy điệu các chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988.
3/1/1989
Trung Quốc đặt bia chủ quyền trên các đảo và bãi đá đã chiếm được của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
28/4/1989
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố lên án Việt Nam xâm phạm trái phép một số “bãi Vạn An và bãi Nhã thuộc quần đảo Nam Sa” ( cụm KT – KH – DV Vũng Tàu – Côn Đảo của Việt Nam.)
1990
Tại Hội nghị Thành Đô, lãnh đạo hai nước Việt-Trung đã quyết định bình thường hoá quan hệ hai nước sau hơn 10 năm biến cố.
1990
Phát biểu trong chuyến thăm Xin-ga-po và Phi-líp-pin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng lần đầu tiên chính thức đề xuất chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác phát triển quần đảo Nam Sa (Trường Sa), thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết vấn đề đảo Nam Sa vào lúc thích hợp”
25/2/1992
Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua “Luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp” quy định lãnh hải rộng 12 hải lý, áp dụng cho cả bốn quần đảo  ở Biển Đông trong đó có quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).
8/5/1992
Trung Quốc ký hợp đồng khai thác dầu khí với công ty năng lượng Crestone của Mỹ, cho phép công ty này thăm dò khai thác dầu khí một lô 225.255 km2 trong khu vực Trung Quốc gọi là Vạn An Bắc 21(Vanguard Bank) nằm trên-được coi là  thềm lục địa của Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Trường Sa, cách đảo Hải nam Trung Quốc hơn 600 dặm về phía nam.
16/5/1992
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Trung Quốc phản đối việc ký kết trên vì khu vực này nằm trong thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính), yêu cầubuộc công ty Crestone này phải ngừng lại ngay các hoạt động thăm dò tại đây.
22/7/1992
ASEAN ra Tuyên bố ASEAN về Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết bất đồng về chủ quyền và tài phán thông qua các biện pháp hòa bình
7/1992
Việt Nam  tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC)
9/1992
Trung Quốc khoan thăm dò tìm dầu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ thuộc phía Việt Nam.
1993
Brunei ra Tuyên bố về ranh giới thềm lục địa có một phần liên quan đến vùng biển của quần đảo Trường Sa nhưng không yêu sách chủ quyền đối với bất kỳ một đảo, đá, bãi nào của quần đảo.
5/1993
Tàu Trung Quốc cùng công ty BP tiến hành thăm dò khai thác ở vùng biển thuộc Việt Nam.
12/1993
Việt Nam yêu cầu công ty Mỹ Crestone huỷ bỏ việc thăm dò khai thác dầu ở vùng biển thuộc Việt Nam
4/1994
Việt Nam ký hợp đồng với công ty dầu khí Mobil oil của Mỹ thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực Thanh Long
12/5/1994
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối Việt Nam cho phép công ty dầu khí Mobil-oil thăm dò khai thác ở khu vực Thanh Long là vùng biển phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc.
8/1994
Công ty Crestone cùng với công ty Trung Quốc khai thác bãi Vạn An Bắc 21 (lô 133, 134, 135). Trung Quốc đề nghị chia phần cho phía Việt Nam, cho rằng chủ quyền thuộc về Trung Quốc. TàuThuyền có  trang bị súng của Việt Nam buộc tàu khai thác Trung Quốc rời khỏi giếng dầu khỏi địa phận Việt Nam
1995
Trung Quốc xây dựng công trình trên dải ngầm Vành Khăn, căng thẳng Trung-Phi
7/1995
Việt Nam gia nhập ASEAN
8/1995
Trung Quốc và Philippin ký kết bộ quy tắc ứng xử [code of conduct] gồm 8 nguyên tắc với mục đích tránh những sự vụ tiếp theo trên Biển Đông và tăng cường hợp tác trên biển.
19/10/1995
Trung Quốc phản đối Việt Nam thăm dò địa chấn trong Vịnh Bắc Bộ.
15/12/1995
Trung Quốc đưa dàn khoan Nam Hải-02 vào Vịnh Bắc Bộ, cách đường trung tuyến 5-6 hải lý về phía Việt nam.
10/3/1996
Trung Quốc đưa dàn khoan Nam Hải-06 hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ, vào sâu trong vùng biển của Việt nam 3 hải lý.
10/4/1996
PetroVietnam và công ty Conoco (Mỹ) ký hợp đồng thuê khai thác, đòi công ty đã ký hợp đồng khai thác với công ty Trung Quốc ngừng hoạt động.
15/5/1996
Uỷ ban thường vụ quốc hội Trung Quốc khoá VIII phê chuẩn công ước luật biển 1982. Cùng ngày, chính phủ Trung Quốc tuyên bố một phần đường cơ sở của Trung quốc lục địa và đường cơ sở thẳng của quần đảo Hoàng Sa.
1996
Đụng độ giữa tàu chiến Trung Quốc và tàu của hải quân Phi-líp-pin ở Trường Sa và gần bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham), hải quân Philippin đã bắt giữ tàu cá và tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc, bắt giữ ngư dân và “nhà nghiên cứu” Trung Quốc, bắn súng cảnh cáo và bắn hạ các cột mốc lãnh thổ do Trung Quốc dựng lên.
12/1997
Việt Nam phản đối tàu khai thác số 8 và hai tàu hộ vệ 615 và 616 của Trung Quốc thăm dò khảo sát dầu khí cách phía Tây bãi Phúc Tần 15 hải lý thuộc khu vực DK-1, bãi Tư Chính của Việt Nam. Tàu hải quân Việt Nam phải áp tải buộc các tàu này ra ngoài.
6/4/1998
Tàu Hải dương 4 của Trung Quốc tiến hành thăm dò ở phía Nam Hoàng Sa cách đường cơ sở của Việt Nam 155 hải lý.
4/1998
Hai tàu chiến của Trung Quốc số 772 và 697 đi sâu vào vùng biển của Việt nam ở Vịnh Bắc Bộ cản trở hoạt động của tàu khảo sát địa chấn GECOECHO của Việt Nam.
9/1998
Việt Nam phản đối sau khi Trung Quốc tuyên bố công ty Crestone và Trung Quốc tiếp tục thăm dò ở các đảo Trường Sa.
10/1998
Căng thẳng Trung-Phi tái diễn liên quan đến việc Trung Quốc củng cố công trình trên dải Vành Khăn
1998
Philippin và Mỹ ký Hiệp định về thăm viếng quân sự (Visiting Forces Agreement).
1998
Cả Trung Quốc và Đài Loan đều công bố Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo đó, một lần nữa chính thức thể hiện quan điểm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng mà họ thường gọi là “vùng nước phụ cận”.
Từ năm 1999
đến nay
Trung Quốc hàng năm đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trong phạm vi từ vĩ tuyến 12 độ Bắc trở lên trong thời gian 03 tháng.
12/1999
Ký kết Hiệp định phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
12/2000
Việt Nam và Trung Quốc ra “Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới giữa hai nước” và  ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ
4/11/2002
ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong khuôn khổ của cuộc họp cấp cao ASEAN 8 tại Phnompenh (Căm-pu-chia)
5/11/2002
Ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN, tại Phnom Penh.
2003
Trung Quốc tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC)
5/2003
Tranh chấp giữa Ma-lai-xi-a và Bru-nêi ở ngoài khơi Bắc Borneo.
9/2004
Trung Quốc thuyết phục Philíppin để hai công ty dầu lửa quốc gia CNOOC và PNOC ký Thỏa thuận thăm dò địa chấn Trường Sa trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philíppin. Việt Nam phản đối Thỏa thuận này.
14/3/2005
Ký kết “Thoả thuận ba bên về tiến hành thăm dò địa chấn biển chung trong khu vực xác định tại Biển Đông” giữa ba Công ty dầu khí quốc gia (CNOOC của Trung Quốc, PetroVietnam và PNOC của Philíppin). Thời hạn của Thoả thuận là ba năm.
20/10/2007
Công ty ARCO của Mỹ và công ty dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc (CNOOC) ký hợp đồng khai thác dầu khí tại khu vực Tây Nam đảo Hải Nam 100 km, trong đó có một phần diện tích lấn sang vùng biển của Việt Nam thuộc lô 111 và 113.
Cuối năm 2007
Quốc Vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 03 quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động này dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức phản đối việc làm của Trung quốc thông qua người phát ngôn.
2/2/2008
Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển đã bay đi thăm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Việt Nam và Philippin phản đối
20/7/2008
Báo South China Morning Post (Hồng Kông) đưa tin giới ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ đã liên tiếp phản đối ban lãnh đạo của công ty ExxonMobil, đồng thời đe dọa rằng công việc kinh doanh của công ty này tại Trung Quốc Đại Lục có thể gặp trở ngại trong tương lai nếu ExxonMobil hợp tác với PetroVietnam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.
8/2008
Phó Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak ra đảo Hoa Lau để thị sát tình hình và tái khẳng định chủ quyền của Malaysia đối với đảo này và 4 đảo khác.
2008
Những bức ảnh trên vệ tinh thương mại khẳng định rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm lớn ở Tam Á, thuộc đảo Hải Nam.
24/11/2008
Theo hãng tin Bloomberg, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNOOC Ltd công bố dự án gần 30 tỷ đôla để khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu tại Biển Đông.  
20/3/2009
Công ty British Petroleum (BP) của Anh tuyên bố rút khỏi dự án dầu khí ở lô số 05.2 và 05.3 thuộc bồn trũng Côn Sơn ngoài khơi Việt Nam.
 5/3/09
Thủ tướng Malaysia Abdullah Ahmad Badawi đi thăm và kiểm tra đảo Hoa Lau mà Malaysia gọi là đảo Layang Layang thuộc quần đảo Trường Sa
3/2009
Va chạm giữa giữa tàu tuần tra USNS Impeccable của Mỹ và năm tàu treo cờ Trung Quốc cách đảo Hải Nam 75 dặm.
10/3/2009
Tổng thống Phi-líp-pin Arroyo đã ký ban hành Luật Cộng hòa số 9522 về đường cơ sở mới (đường cơ sở cũ năm 1968), qua đó quản lý quần đảo Trường Sa và bãi cạn Hoàng Nham theo “quy chế đảo”. Trung quốc, Đài loan, Việt nam phản đối.
6/5/2009
Malaysia và Việt Nam nộp bản báo cáo chung đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc(CLCS).
Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ “đường lưỡi bò” . Việt Nam phản đối công hàm của Trung Quốc.
7/5/2009
Việt Nam nộp báo cáo đăng ký thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc nộp lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS).
Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ “đường lưỡi bò” . Việt nam phản đối công hàm của Trung Quốc.
4/8/2009
Philippin chính thức gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối báo cáo về thềm lục địa mở rộng của Việt nam khu vực phía bắc và báo cáo chung Việt Nam, Malaysia khu vực phía nam.
Việt Nam và Malaysia phản đối công hàm của Philippin.
14/8/2009
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Lưu Kiến Siêu đã tuyên bố rằng, Trung Quốc phản đối những kế hoạch khai thác dầu khí của Philippines ở Bãi Cỏ Rong trên Biển Đông và cho rằng hành động này là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa, nằm cách đảo Palawan khoảng 60 dặm (100 km) về phía tây.
10/2009
Dưới sức ép của Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông không được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 12 tại Cha-am, Thái Lan.
…..
…. (tiếp tục ̉ sung)