Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Quy định về sử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức


CHÍNH PHỦ
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 34/2011/NĐ-CP
Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật; việc áp dụng hình thức kỷ luật; thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật.
2. Nghị định này áp dụng đối với công chức quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định những người là công chức.
Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật
1. Khách quan, công bằng; nghiêm minh, đúng pháp luật.
2. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị xử lý một hình thức kỷ luật. Nếu công chức có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và chịu hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm phải xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
3. Trường hợp công chức tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:
a) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;
b) Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật mới.
Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.
4. Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của công chức có hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.
5. Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức trong các trường hợp quy định tại Điều 4 Nghị định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
6. Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật.
7. Cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của công chức trong quá trình xử lý kỷ luật.
Điều 3. Các hành vi bị xử lý kỷ luật
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
2. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 4. Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
1. Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép.
2. Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
3. Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
4. Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 5. Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật
1. Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật.
2. Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức.
3. Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ.
Chương 2.
THỜI HIỆU, THỜI HẠN XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 6. Thời hiệu xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.
Điều 7. Thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức.
Chương 3.
ÁP DỤNG HÌNH THỨC KỶ LUẬT
Điều 8. Các hình thức kỷ luật
1. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Buộc thôi việc.
2. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
Điều 9. Khiển trách
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;
2. Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;
3. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng;
5. Sử dụng tài sản công trái pháp luật;
6. Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
7. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác.
Điều 10. Cảnh cáo
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;
2. Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi;
3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;
5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng;
6. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác;
7. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
8. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.
Điều 11. Hạ bậc lương
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
2. Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi;
3. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Điều 12. Giáng chức
Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
2. Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật;
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
Điều 13. Cách chức
1. Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
b) Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;
c) Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
d) Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
2. Việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ các chức danh tư pháp được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành.
Điều 14. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
2. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
3. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;
4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp;
5. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
Chương 4.
THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT XỬ LÝ KỶ LUẬT
Điều 15. Thẩm quyền xử lý kỷ luật
1. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
2. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc người đứng đầu cơ quan được phân cấp quản lý công chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
3. Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi công chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan quản lý công chức biệt phái.
4. Đối với công chức đã chuyển công tác mới phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật mà còn trong thời hiệu quy định, thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức trước đây tiến hành xử lý kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật và gửi hồ sơ, quyết định kỷ luật về cơ quan đang quản lý công chức. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị trước đây đã giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì những người có trách nhiệm liên quan phải bàn giao hồ sơ để cơ quan đang quản lý công chức thực hiện việc xử lý kỷ luật.
Điều 16. Tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật
1. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức chịu trách nhiệm tổ chức cuộc họp để công chức có hành vi vi phạm pháp luật tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật. Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành đối với các trường hợp có thành lập Hội đồng kỷ luật và không thành lập Hội đồng kỷ luật quy định tại Điều 17 Nghị định này.
Việc tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:
a) Trường hợp cơ quan sử dụng công chức có đơn vị công tác cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức của đơn vị công tác cấu thành. Biên bản cuộc họp kiểm điểm ở đơn vị công tác cấu thành được gửi đến người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức. Cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức có hành vi vi phạm pháp luật được tổ chức với thành phần dự họp là đại diện lãnh đạo chính quyền, cấp ủy và công đoàn của cơ quan sử dụng công chức;
b) Trường hợp cơ quan sử dụng công chức không có đơn vị công tác cấu thành thì tổ chức cuộc họp kiểm điểm với thành phần dự họp là toàn thể công chức của cơ quan sử dụng công chức.
2. Đối với người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
3. Công chức có hành vi vi phạm pháp luật phải làm bản tự kiểm điểm, trong đó có tự nhận hình thức kỷ luật. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản kiểm điểm hoặc vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng, đến lần thứ 03 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu công chức vẫn vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành.
4. Nội dung các cuộc họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại Điều này phải được lập thành biên bản. Biên bản các cuộc họp kiểm điểm phải có kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp kiểm điểm, biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức được gửi đến Chủ tịch Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc người có thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này.
Điều 17. Hội đồng kỷ luật
1. Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Các trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật:
a) Công chức có hành vi vi phạm pháp luật bị phạt tù mà không được hưởng án treo;
b) Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị xem xét xử lý kỷ luật khi đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật của cấp ủy, tổ chức Đảng theo quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức của Ban Chấp hành Trung ương.
3. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật:
a) Hội đồng kỷ luật họp khi có đủ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín;
b) Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản ghi ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm pháp luật.
4. Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 18. Thành phần Hội đồng kỷ luật
1. Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
b) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban Chấp hành công đoàn của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
c) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện của đơn vị công tác có công chức bị xem xét xử lý kỷ luật, ủy viên Hội đồng này do người đứng đầu của đơn vị công tác đó lựa chọn và cử ra;
d) Một Ủy viên Hội đồng là người trực tiếp quản lý hành chính và chuyên môn, nghiệp vụ của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật;
đ) Một Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người phụ trách bộ phận tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có công chức bị xem xét xử lý kỷ luật.
2. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có hành vi vi phạm pháp luật, Hội đồng kỷ luật có 05 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
b) Một Ủy viên Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức;
c) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện cấp ủy của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
d) Một Ủy viên Hội đồng là đại diện Ban Chấp hành công đoàn của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức;
đ) Một Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là người phụ trách bộ phận tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan được phân cấp quản lý công chức.
3. Không được cử người có quan hệ gia đình như cha, mẹ, con được pháp luật thừa nhận; vợ, chồng; anh, chị, em ruột; chị, em dâu; anh, em rể hoặc người có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật tham gia thành viên Hội đồng kỷ luật.
Điều 19. Tổ chức họp Hội đồng kỷ luật
1. Chuẩn bị họp:
a) Chậm nhất là 07 ngày làm việc trước cuộc họp của Hội đồng kỷ luật, giấy triệu tập họp phải được gửi tới công chức có hành vi vi phạm pháp luật. Công chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt phải có lý do chính đáng. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt sau 02 lần gửi giấy triệu tập thì đến lần thứ 3 sau khi đã gửi giấy triệu tập, nếu công chức đó vẫn vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật vẫn họp xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật;
b) Hội đồng kỷ luật có thể mời thêm đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nơi công chức có hành vi vi phạm pháp luật đang công tác dự họp. Người được mời dự họp có quyền phát biểu ý kiến và đề xuất hình thức kỷ luật nhưng không được bỏ phiếu về hình thức kỷ luật;
c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc xử lý kỷ luật, ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật;
d) Hồ sơ xử lý kỷ luật trình Hội đồng kỷ luật gồm có bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của công chức có hành vi vi phạm pháp luật, biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan sử dụng công chức và các tài liệu khác có liên quan.
2. Trình tự họp:
a) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên tham dự;
b) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc trích ngang sơ yếu lý lịch của công chức có hành vi vi phạm pháp luật và các tài liệu khác có liên quan;
c) Công chức có hành vi vi phạm pháp luật đọc bản tự kiểm điểm, nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật vắng mặt thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc thay, nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật không làm bản tự kiểm điểm thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này;
d) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp kiểm điểm;
đ) Các thành viên Hội đồng kỷ luật và người tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến;
e) Công chức có hành vi vi phạm pháp luật phát biểu ý kiến; nếu công chức có hành vi vi phạm pháp luật không phát biểu ý kiến hoặc vắng mặt thì Hội đồng kỷ luật tiến hành các trình tự còn lại của cuộc họp quy định tại Khoản này;
g) Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật;
h) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật công bố kết quả bỏ phiếu kín và thông qua biên bản cuộc họp;
i) Chủ tịch Hội đồng kỷ luật và Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng kỷ luật ký vào biên bản cuộc họp.
3. Trường hợp nhiều công chức trong cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật thì Hội đồng kỷ luật họp để tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với từng công chức.
Điều 20. Quyết định kỷ luật
1. Trình tự ra quyết định kỷ luật:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này;
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật trong trường hợp thành lập Hội đồng kỷ luật hoặc biên bản cuộc họp kiểm điểm của cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 16 Nghị định này trong trường hợp không thành lập Hội đồng kỷ luật thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận công chức không vi phạm pháp luật;
c) Trường hợp có tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.
3. Sau 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu công chức không tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
4. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ công chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của công chức.
Điều 21. Khiếu nại
Công chức bị xử lý kỷ luật có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Chương 5.
CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN
Điều 22. Các quy định liên quan khi xem xét xử lý kỷ luật
1. Trường hợp công chức đang nghỉ công tác chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành công vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí cho đến thời điểm có quyết định kỷ luật hoặc có kết luận công chức không vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp Hội đồng kỷ luật đã có văn bản kiến nghị về việc xử lý kỷ luật nhưng chưa ra Quyết định kỷ luật mà phát hiện thêm các tình tiết liên quan đến vi phạm kỷ luật hoặc phát hiện công chức bị xem xét xử lý kỷ luật có hành vi vi phạm pháp luật khác thì Hội đồng kỷ luật xem xét kiến nghị lại hình thức kỷ luật.
Điều 23. Các quy định liên quan đến việc thi hành quyết định kỷ luật
1. Công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương, nếu đang hưởng lương từ bậc 2 trở lên của ngạch hoặc chức danh thì xếp vào bậc lương thấp hơn liền kề của bậc lương đang hưởng. Thời gian hưởng bậc lương mới kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau để trở lại bậc lương cũ trước khi bị kỷ luật được tính kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực. Thời gian giữ bậc lương trước khi bị kỷ luật hạ bậc lương được bảo lưu để tính vào thời gian xét nâng bậc lương lần kế tiếp. Trường hợp công chức đang hưởng lương bậc 1 hoặc đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung của ngạch hoặc chức danh thì không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật người có thẩm quyền xem xét áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp.
2. Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc:
a) Công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì không được hưởng chế độ thôi việc nhưng được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
b) Cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức lưu giữ hồ sơ công chức bị kỷ luật buộc thôi việc có trách nhiệm cung cấp bản tóm tắt lý lịch và nhận xét (có xác nhận) khi công chức đó yêu cầu;
c) Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật buộc thôi việc có hiệu lực, công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc được quyền đăng ký dự tuyển vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Nếu công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc do tham nhũng, tham ô hoặc vi phạm đạo đức công vụ thì không được đăng ký dự tuyển vào các cơ quan hoặc vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trong thời gian có hành vi vi phạm pháp luật.
3. Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà không còn chức vụ lãnh đạo thấp hơn chức vụ đang giữ nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xem xét ở hình thức kỷ luật giáng chức thì giáng xuống không còn chức vụ.
4. Quyết định xử lý kỷ luật đối với công chức đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là bị oan, sai thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày có văn bản kết luận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức làm việc có trách nhiệm công bố công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác.
5. Công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, sau đó được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền hoặc Tòa án kết luận là oan, sai mà vị trí công tác cũ đã bố trí người khác thay thế thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí vào vị trí công tác, chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp.
6. Trường hợp công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật ở hình thức hạ bậc lương quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này thì khi áp dụng hình thức kỷ luật mới phải khôi phục lại bậc lương đã bị hạ trước đó.
7. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý kỷ luật công chức tiến hành không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan đã ký quyết định kỷ luật phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật; đồng thời cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét xử lý kỷ luật công chức theo đúng quy định tại Nghị định này.
Điều 24. Chế độ, chính sách đối với công chức đang trong thời gian tạm giữ, tạm giam và tạm đình chỉ công tác
1. Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
2. Trường hợp công chức không bị xử lý kỷ luật hoặc được kết luận là oan, sai thì được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
3. Trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.
Chương 6.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 7 năm 2011.
2. Bãi bỏ những quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; bãi bỏ những quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức tại Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách trái với quy định tại Nghị định này.
Điều 26. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (5b)
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

DẠY VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG ĐỂ LÀM GÌ?


Sau đây chúng tôi xin giới thiệu tham luận của Marc Fumaroli nói về môn văn tại hội thảo bàn về Làm thế nào để nối kết được việc giảng dạy các kiến thức thuộc tất cả các môn khác nhau trong nhà trường ở Pháp năm 1998. Đương nhiên ở đây tác giả nói về giảng dạy văn học trong trường ở Pháp, cho nên ông nói trực tiếp đến việc dạy tiếng Pháp và các ngôn ngữ có quan hệ “mã di truyền” với nó, như tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp… Điều quan trọng là cách quan niệm về giảng dạy văn học trong nhà trường được trình bày ở đây, dạy văn học để làm gì, dạy như thế nào…, một quan niệm có thể gợi cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ. Bài viết này có nhan đề là Văn học: con đường dẫn tới cá nhân. Đầu đề trên đây là của chúng tôi. (Tia sáng)

Tôi muốn bác bỏ ngay định kiến cho rằng cấp trung học cứ nhất nhất phải là một khuôn nhằm tạo cho học sinh sớm thích ứng với thị trường việc làm. Trước hêt, bởi vì thị trường này đã trở nên cực kì cơ động, luôn thay đổi, không thể dự kiến trước: một kiểu nhà trường nhằm vào việc làm luôn có nguy cơ bị lệch pha so với sự phát triển nhanh chóng của thị trường. Lại nữa, còn bởi vì chức năng không thể thay thế được của bậc trung học là cung cấp cho những thiếu niên các yếu tố và các qui chiếu thiết yếu, không chỉ cho mọi cuộc sống nghề nghiệp, dù thuộc bất cứ ngành chuyên môn nào, mà còn – và đây là một chiều kích giáo dục không bao giờ được quên – cho cuộc sống liên hệ (xã hội) tương lai của họ, cuộc sống riêng tư của họ, cho việc sử dụng một cách tinh nhạy và chín chắn các món giải trí của họ.
Trong số những yếu tố và những quy chiếu thiết yếu cho thành công trong cuộc sống nghề nghiệp cũng như trong đời sống riêng tư đó, tôi không ngần ngại mà đặt lên hàng đầu việc làm chủ một cách hoàn hảo  về mặt nữ pháp đối với nôn ngữ tự nhiên (tức tiếng mẹ đẻ), cùng với các khả năng biện minh, thuyết phục, gây xúc động, gây thích thú của nó; và cỉ có việc làm quen với các tuyệt tác văn học, theo tôi, mới có thể cho phép ta có được một ý niệm chính xác về các khả năng biểu đạt nhiều sắc thái khác nhau của ngôn ngữ chúng ta.
Cần nghĩ rằng ngay chính bậc sơ học đã phải chuẩn bị một cách có chiều sâu môi trường cho việc này, bằng môn học ngữ pháp của ngôn ngữ tự nhiên, môn tập đọc một cách có chiều sâu và môn tập làm văn viết. Không có những cơ sở chắc chắn đó, mọi sự sẽ hỏng ngay từ đó mất rồi và có thể sẽ không còn cứu chữa được nữa.
Nhưng trên những nền tảng đó rồi, vẫn còn đòi hỏi học ngôn ngữ, học đọc và hiểu các tuyệt tác văn chương, làm những bài tập biểu đạt bằng viết và nói dưới nhiều dạng khác nhau nhằm kéo học sinh và sinh viên trong suốt cuộc đời của họ ra khỏi tình trạng làng nhàng vô vị của ngôn ngữ, và khiến họ có thể sống trong ngôn ngữ mẹ đẻ một cách thoải mái, sử dụng nó một cách lưu loát. Một trong những điều từ lâu ta thường nghe những người sử dụng nhân công thuộc mọi nghề nghiệp, và những người dạy đại học thuộc mọi ngành, đặc biệt là các ngành khoa học kêu trách, là việc một số ngày càng đông những người đã tốt nghiệp cử nhân không có khả năng diễn đạt rõ ràng và khúc chiết, không soạn thảo được một văn bản chặt chẽ, phân biệt được một văn bản minh bạch với một văn bản rỏm, một văn bản phong phú với một văn bản nghèo nàn ý nghĩa: thông đạt thôi thì chưa đủ, còn phải có ý thức về hình thức của diễn từ và ảnh hưởng của nó đến người khác nữa.
Pascal đối lập đầu óc tinh tế với đầu óc hình học. Việc khai tâm đối với “cái phức tạp” (của cuộc sống), ở bậc trung học, trước hết thuộc về trách nhiệm của người thầy dạy môn tiếng Pháp và văn học Pháp, ông ta có thể dựa vào tác phẩm của các nhà văn lớn để chỉ ra rằng những gì nằm ngoài tầm của luận lý, nhưng gì thộc về trực cảm tổng hợp dẫu sao cũng vẫn có thể biểu hiện thành hình ảnh và biểu đạt ra được. Các tác phẩm giàu ý nghĩa này dạy cho ta biết phân định đạo lý, và rèn cho ta khả năng phán xét để phân biệt giữa hiện tượng và thực tế, giữa cảm xúc chân thật và xúc cảm giả tạo. Bên cạnh việc dạy lý thuyết và thực hành nghệ thuật viết và nói tiếng Pháp đó (được tước bỏ đi mọi thứ thông thái rởm và mọi biệt ngữ: đấy còn là một nghệ thuật tư duy), có thể và cần phải quan niệm một lối dạy tương tự như thế bằng các ngoại ngữ nữa. Tôi không hiểu tại sao các ngoại ngữ lại phải bị coi thường, chỉ nhằm để giao tiếp đơn thuần thực dụng mà thôi.
Và về vấn đề này, tôi muốn nói rõ : cần phải để cho học sinh trung học được tự do củng cố nền tảng hiểu biết văn học Pháp của họ bằng việc học tiếng Latinh hay tiếng Hy Lạp được chọn một cách tương ứng, việc học này chính nó cũng chủ yếu thông qua các tuyệt tác văn chương. Không gì có lợi cho việc hiểu biết tính phức hợp của các hiện thực nhân văn bằng phép so sánh, ngay từ tuổi niên thiếu, với các thế giới ngôn ngữ, các hình thức và các nền minh triết cách xa nhau trong thời gian, và tuy vậy vẫn còn sức khơi động tươi nguyên đối với nhân loại. Trong một đất nước như đất nước chúng ta, ở đó hệ “mã di truyền” văn học và đạo đức là tiếng Pháp - Latinh – Hy Lạp , một phần không nhỏ các thế hệ trẻ vẫn còn liên hệ trực tiếp với di sản của họ. Tôi muốn nói thêm, để ủng hộ cho tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, rằng đó không chỉ là những ngôn ngữ thơ và lịch sử, mà còn là ngôn ngữ triết học. Sự quan tâm trở lại hiện nay ở Pháp và trên thế giới đối với Platon và Aristote, cũng như đối với minh triết của một Séneque và một Horace, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sớm khám phá các tác giả ấy trong chính ngôn ngữ của họ.
Để làm phong phú thêm việc dạy học, chúng ta cũng có thể nghĩ đến một sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa tiếng Pháp và các ngoại ngữ: một sự kết hợp tiếng Pháp – Anh – Latinh, càng tạo dễ dàng cho việc học tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha, và một sự kết hợp tiếng Pháp – Đức – Ý hay Tây Ban Nha, chẳng hạn. Trong mỗi công thức ấy cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các giáo sư, theo nguyên tắc là các ngôn ngữ được dạy ở trường trung học hay cao đẳng đều phải thông qua các tuyệt tác văn chương và nhằm mục đích không chỉ đơn thuần để giao tiếp, mà còn là niềm vui biểu đạt.
Cần phải coi rằng cái cực văn học này có khuynh hướng chiếu tỏa sang các môn học lân cận, và lại nhận được những sự tiếp sức từ chúng, miễn là chúng ít nhiều được phân phối theo một sự phối hợp mang tính tu từ học và có chất thơ, chứ không phải theo một kiểu phương pháp luận kiêu kì và giáo điều. Sự tinh tế về văn chương vốn rất gần gụi với thị hiếu tốt; hình tượng thơ và văn học là bà con gần với hình tượng của họa sĩ, của nhà điêu khắc, người vẽ đồ họa. Vì những lí do đó và những lý do khác nữa, tất cả đều khiến chúng ta phải phối hợp chặt chẽ việc dạy các ngôn ngữ và các nền văn học với việc khai tâm đối với các ngành nghệ thuật. Cũng như, tầm quan trọng về mặt di sản cần phải chú trọng trong việc dạy văn học và nghệ thuật tất yếu đòi hỏi phải cho học sinh làm quen với khoa niên đại học và địa lý học của văn học và nghệ thuật. Các yếu tố định vị lịch sử đó cần được phối hợp chặt chẽ với việc dạy môn lịch sử và địa lý đại cương; tôi còn nhấn mạnh thêm rằng, điều người ta thường quá hay quên, lịch sử và địa lý cũng là những thể loại văn học. Các sử gia và các nhà địa lý lớn đều là những nhà văn lớn, và không có gì có ích cho việc rèn luyện văn phong bằng nghiên cứu các tác phẩm của họ. Một Julien Gracq không hề quên một chút gì trong nguồn gốc nhà sử học – địa lý học của ông khi ông mô tả một thành phố hay một cảnh quan. Vả chăng lịch sử luôn cầu viện đến các tư liệu tạo hình, các đồng tiền (cổ) và các bản khắc, cùng các bằng chứng băng hình ảnh.
Như vậy có rất nhiều những cầu nối giữa việc dạy văn học, dạy lịch sử các nghệ thuật với việc dạy lịch sử - địa lý. Các giáo sư cũng như học sinh cần luôn luôn nhớ đến những chiếc cầu nối đó. Tôi có cần nói thêm không, rằng với các giáo sư khoa hùng biện ngày xưa, vấn đề nhịp điệu của câu và đoạn câu, vấn đề hài âm, tóm lại là nhạc tính, đều gắn liền với vẻ đẹp của văn học? Cần làm sao cho việc dạy văn học và dạy âm nhạc gắn được với nhau và hỗ trợ lẫn nhau, thay vì chia tách bo bo mỗi bên một mình. Đối với môn triết học cũng vậy.
Tất cả những điều tôi vừa gợi ra trên đây đều đã có cả trong Quintilien rồi, tôi đề nghị tất cả các nhà sư phạm nên đọc lại ông ấy, cũng như đọc lại Rousseau và tác phẩm Émile của ông. Rousseau đã thấy rất đúng rằng, trong thời kỳ hiện đại, tâm trí trẻ con cần được thức tỉnh cùng lúc về nghệ thuật nói và viết một cách đúng đắn, và cả về phương pháp của các môn học khoa học. Người đồng thời với ông là Vico đã hiểu rằng về phần mình khoa học hiện đại, để gìn giữ các nền tảng và nuôi dưỡng tính sáng tạo của nó, cần không được cắt đứt với khoa học về con người được văn học tích lũy và được làm cho sống động trong các bài tập về tu từ và thi pháp mà người ta đòi hỏi ở trẻ con.
Sự hào hiệp sáng suốt đó của các nhà tư tưởng thế kỉ ánh sáng, ngày nay chúng ta càng phải học lấy, khi sự cấp bách của thế kỉ mới này đang đòi hỏi chúng ta. Các nhà khoa học tự nhiên và các công nghệ phát triển rất nhanh. Chỉ có nền cao học mới có thể ngang tầm với sự phát triển nhanh chóng đó. Hãy cho tất cả con em chúng ta những phương tiện ít kềnh càng nhất để thích ứng được với những biến đổi, cũng nhanh chóng như vậy của thị trường việc làm. Cần coi trọng việc đào tạo về nghề nghiệp và công nghệ như nước Đức đã làm trong các xí nghiệp hay phối hợp chặt chẽ với các xí nghiệp.
Nhưng cũng phải nhận thức rằng nhà trường trước hết cần phải có độ lùi trong tương quan với thế giới của các đòi hỏi khẩn cấp tức thời, và phải xây dựng nên những con người được chuẩn bị từ bên trong để có thể tự nhận thức được về chính mình và tự phát triển trong mọi hoàn cảnh, riêng tư cũng như nghề nghiệp. Chức năng không gì thay thế được của nó là dạy cho người có được lời nói và cách biểu đạt đúng, là những vật sở hữu cho mãi mãi, vô cùng quí giá đối với mọi nghề nghiệp và trước mọi bất ngờ của cuộc sống. Hãy khôi phục lại sự tự do và khả năng lựa chọn đa dạng trong các đào tạo văn học. Hãy chuyển giao cho tất cả các học sinh ít hơn một chút hay nhiều hơn một chút sự đào tạo về văn học, nhưng bao giờ cũng là trong ý nghĩa hào hiệp mà tôi đã cố gắng phác họa ra đó.
Tác giả: Marc Fumaroli
Marc Fumarol

VẤN ĐỀ CỦA GIÁO DỤC HIỆN NAY: QUÁ TẢI




Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, tôi có đăng ký phát biểu nhưng vì hết thời gian nên không có cơ hội trình bày. Lại thấy vấn đề mình quan tâm không thấy người hỏi và người trả lời đề cập tới. Do vậy, tôi viết ý kiến của tôi để ai quan tâm thì tham khảo.
Ở nhiều nội dung chất vấn, Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục. Không nói đến những tiểu tiết, mà điều quan trọng hơn cả là độ chênh không lý giải được giữa sự đánh giá có phần tự tin của Bộ trưởng với sự đánh giá có phần nghiêm khắc trong báo cáo của Chính phủ trình bày ngay tại kỳ họp này…

Ý kiến của tôi đặt trên sự chia sẻ gánh nặng và khó khăn của ngành giáo dục nói chung và của Bộ trưởng nói riêng… Tôi cho rằng phải nhìn những vấn đề của giáo dục hôm nay trong tính liên tục của lịch sử.
1. Ta thử tìm hiểu xem nền giáo dục truyền thống đã góp phần tạo nên nền văn hiến đáng tự hào được xây dựng trên nền tảng nào? Đó là một nền “giáo dục của dân”. Ở các làng xã, tế bào của xã hội, các trường học đều do dân lập nhờ vào các “học điền” (là phần ruộng công được phát canh để chi phí cho việc xây trường, thuê thầy, mở lớp…, cùng các lớp học tại gia của các thầy đồ… Triều đình chỉ đóng vai trò “quản lý nhà nước”: cung cấp các loại sách học kinh điển, tổ chức hệ thống các kỳ thi theo định kỳ: hương - hội – đình để tuyển chọn người có trình độ, bổ sung cho bộ máy quan lại (công chức) và số đông lại trở thành nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục địa phương (thầy đồ). Và nhà nước trung ương chỉ xây dựng những cơ sở giáo dục cao cấp như Quốc tử giám (dạy con cái hoàng tộc và quý tộc…), Hậu bổ (bồi dưỡng đội ngũ quan lại cao cấp cho triều đình). Một thiết chế giáo dục như vậy được bổ sung thêm một số chính sách khuyến học và sự bình đẳng trong thi tuyển (cho phép con em bình dân nếu đỗ cao vẫn được tham dự bộ máy quan lại…) đã hình thành một nền học truyền thống của dân tộc tồn tại ngàn đời.
2. Thực dân Pháp xâm lược áp đặt chế độ thuộc địa từ cuối thế kỷ XVIII, và cùng với quá trình ấy là sự áp đặt và hình thành hệ thống giáo dục truyền thống và hướng việc thiết lập hệ thống giáo dục phù hợp với lợi ích thuộc địa: cung cấp nguồn nhân lực cho công cuộc khai thác thuộc địa và nền cai trị thực dân. Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa cũng duy trì hệ thống giáo dục ở cơ sở các làng xã do dân tự lo nhưng chỉ là hệ thống sơ học - ấu học (hai đến ba lớp đầu của tiểu học), các lớp học hàng tổng, huyện, tỉnh được hình thành cũng chỉ là hai lớp tiếp theo (cao đẳng tiểu học) và tuy có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chủ yếu vẫn là dân lập (tư thục), trường công lập rất ít, chỉ tạo thành một thứ chuẩn mực.
Từ 1919 chấm dứt khoa cử Hán học. Hệ thống các trường trung học đào tạo bằng cấp tú tài thì hoàn toàn do nhà nước xây dựng và quản lý, có chất lượng cao. Trước cách mạng 1945, cả ba kỳ nước ta số trường trung học đếm được trên đầu ngón tay (Hà Nội: A.Sarraut, Hậu bổ (Bưởi); Trung kỳ: Hậu bổ và Quốc học; Sài Gòn: Petrus Ký, Chasseloup Laubat; thêm một số trường dòng hay nữ sinh…) Nhà nước thuộc địa tập trung xây dựng hệ thống các trường dạy nghề, cao đẳng chuyên khoa và từng bước hình thành giáo dục đại học. Và cũng như trước kia, chính quyền thuộc địa thực hiện chức năng "quản lý nhà nước" bằng việc ban hành "học chính tổng quy", thực hiện thanh tra học chính, soạn sách giáo khoa, tổ chức các kỳ thi và cấp bằng. Để bảo đảm lợi ích thuộc địa, thực dân nắm chắc khâu đào tạo và phân bổ giáo viên, thanh tra học chính.
Tóm lại, giáo dục được hình thành theo một mô hình "kim tự tháp". Nhà nước chỉ nắm quyền quản lý theo luật định bằng hệ thống thanh tra, và các cấp học cao hoặc trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho thuộc địa. Do vậy, ngân sách đài thọ cho giáo dục không lớn. Tuy nền giáo dục này vẫn bị lên án là nô dịch, song chất lượng giáo dục không phải là thấp và đương nhiên nó nâng cao kìm hãm dân trí cho số đông.
3. Nền giáo dục cách mạng của chúng ta ra đời cùng với nền độc lập dân tộc, chẳng những kế thừa những điều tốt đẹp của nền giáo dục truyền thống dân tộc mà giữ được tính liên tục của di sản giáo dục chế độ cũ. Phong trào Bình dân học vụ nhằm tuyên chiến với giặc dốt kế thừa những bài học kinh nghiệm từ Đông Kinh nghĩa thục đến truyền bá quốc ngữ, dựa trên sự tham gia và đóng góp của toàn dân. Hệ thống các trường tư vẫn được duy trì cho đến thời kỳ kháng chiến và hòa bình lập lại.
Bộ trưởng giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hoè kể trong Hồi ký câu chuyện về lần đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Bộ Quốc gia giáo dục. Sau khi nghe phương án thực hiện mục tiêu xóa nạn mù chữ và khuếch trương bình dân học vụ, cụ Chủ tịch đánh giá: "Tôi khen sáng kiến của ông Bộ trưởng. Ông là Bộ trưởng giáo dục lại kiêm cả bộ trưởng tài chính. Ông khéo thu xếp để ta làm được việc lớn mà không phải tiêu pha lớn". Nội dung của phương án được Cụ Hồ khen là biết dựa vào nguồn lực của dân.
Cùng với công cuộc cải tạo XHCN, chúng ta cũng "quốc hữu hóa" ngành giáo dục. Quan niệm đây là bộ phận quan trọng của sự nghiệp xây dựng con người mới XHCN và cũng để thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, chúng ta gồng mình gánh vác một nền giáo dục công lập hoàn toàn từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học chuyên nghiệp và trên đại học. Cùng với nó là sự thay đổi nhiều hệ thống giá trị liên quan đến giáo dục và hướng nghiệp dẫn đến sự quá tải về khối lượng và sự không hợp lý, mất cân đối trong đào tạo. Không ai phủ nhận những thành tựu to lớn của sự nghiệp giáo dục cho đến thời điểm này, nhưng ai cũng thấy những bất cập và cũng có thể coi giáo dục đang lâm vào một trạng thái “khủng hoảng trong sự phát triển”, một cơn sốt vỡ da mà không tìm được phương cách giải quyết sẽ dẫn đến sự xuống cấp thật sự, không dễ cứu vãn. Có thể có nhiều nguyên nhân để đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, của nhiều ngành… Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là sự quá tải của chức năng “quản lý nhà nước”.
4. Đã qua hơn 15 năm đổi mới, nhưng có hai ngành ít được đổi mới về cơ chế là giáo dục và y tế. Cơ chế được hiểu là chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường theo “định hướng XHCN”. Có lẽ vì chúng ta coi trọng hai ngành này xuất phát từ quan điểm cho rằng nó liên quan trực tiếp đến con người (thể chất và tinh thần). Đó là điều đúng. Nhưng nếu như đối với các ngành khác (đặc biệt là kinh tế) sự đổi mới gắn liền với các quá trình tự do hóa, xã hội hóa, tư nhân hóa (trong khuôn khổ của pháp luật) thì trong ngành giáo dục quá trình ấy hầu như không đáng kể (về tỷ trọng) và không được khuyến khích (về chính sách). Đã có trường dân lập ở các cấp (cho đến đại học) nhưng vị thế rất thấp mặc dù nhiều trường thể hiện được chất lượng cao và đáng tin cậy. Toàn bộ giải trình của Bộ trưởng không hề đề cập tới đối tượng này, có chăng chỉ nhắc đến vụ Đại học dân lập Đông Đô như một biểu hiện tiêu cực.
Trên thực tế, nền giáo dục toàn xã hội toàn xã hội hiện tại vẫn do Nhà nước gánh vác. Bộ GD-ĐT hiện nay là bộ có ngân sách lớn nhất, lại được sự quan tâm cao (phát hành công trái…). Nhưng nếu cứ duy trì tình trạng nặng bao cấp như hiện nay thì, theo tôi, không khi nào khắc phục nổi những tồn tại vì sự quá tải tiếp tục tăng dần cùng với sự tăng dân số, nhu cầu nhân lực ngày càng cao cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, theo tôi, cũng như kinh tế, cần phải đẩy mạnh và nhanh hơn nữa quá trình xã hội hóa vấn đề giáo dục như nhiều người đã đề cập, nhưng không phải chỉ là huy động tiền trong dân (học phí) mà là để nhân dân cùng tham gia sự nghiệp giáo dục trực tiếp hơn, rộng lớn hơn, trong đó có sự phát triển (cũng là sự chia sẻ) của hệ thống trường dân lập. Nhờ vậy, Bộ có thể tập trung nguồn lực nhiều hơn vào chức năng “quản lý nhà nước” theo đúng nghĩa và xây dựng hệ thống các trường chuẩn ở các cấp học cao mang tính định hướng cho toàn bộ nền giáo dụ quốc gia; tạo ra hành lang pháp luật kích thích cạnh tranh (tăng chất lượng, giảm học phí...), mang mối lợi cho dân và giảm gánh nặng cho Nhà nước. Và điều đó cũng phù hợp với những gì vốn có trong truyền thống nền giáo dục dân tộc, cũng như với nguyên lý hiện tại xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân. Ở nhiều nước phát triển và ngay ở nước ta lúc này đã có những trường dân lập chất lượng không kém, đôi khi còn cao hơn các trường công. Cần mạnh dạn nghĩ tới việc cổ phần hóa một số trường học để người dân, trong đó có cả các doanh nghiệp và các thầy cô giáo tham gia quản lý các hoạt động giáo dục. Đừng bị trường hợp Đại học dân lập Đông Đô ám ảnh, vì đó lại chính là bài học về thiếu sự quản lý do sự quá tải của cơ quan quản lý nhà nước...
Mới đây, chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giải trình và yêu cầu Ủy ban VH-GD-TTN và nhi đồng của Quốc hội ủng hộ đề nghị của Bộ xin phép được nới rộng thời gian thực hiện nghị quyết 40 của Quốc hội thêm một năm. Các thành viên trong Ủy ban chia sẻ khó khăn với Bộ còn gợi ý nên kéo thành hai năm cho đủ thời gian để bảo đảm chất lượng. Ông Bộ trưởng cũng phải nhận rằng có phần “duy ý chí” khi xây dựng đề án và không lường được những khó khăn trong thực hiện. Điều đó cho thấy rõ sự quá tải, cũng là sự chưa đổi mới đúng hướng của ngành giáo dục hiện nay.
(Dương Trung Quốc; theo báo Tuổi trẻ chủ nhật số 46-2003, ngày 23.11.2003)