Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

6. Trung Quốc trong “Thế kỷ Thái Bình Dương” của Mỹ

Tạp chí “Chính sách ngoại giao” TQ: Mỹ đã tiến hành điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng cần tiến hành điều chỉnh chính sách cho thích hợp để đối phó một cách tốt hơn với tình hình biến đổi này.


Điều chỉnh chiến lược của Mỹ 
Tạp chí “Chính sách ngoại giao” ngày 11/11/2011 đã đăng bài với tiêu đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ” của Ngoại trưởng Mỹ Hillary. Bài này đã tiến hành quy hoạch chiến lược đối ngoại của Mỹ trong vài năm tới. Tư tưởng chính của bài này cho rằng nền chính trị thế giới trong tương lai sẽ được quyết định bởi châu Á và khu vực này đã có được vị thế lãnh đạo ổn định, điều này liên quan đến vị thế lãnh đạo toàn thế giới của Mỹ. Vì thế, trong 10 năm tới, một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của ngoại giao Mỹ là tăng cường đầu tư ở mức độ lớn về các mặt ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các mặt khác vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Từ một ý nghĩa nào đó cho thấy bài này có ý đồ quy hoạch chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trong 10 năm tới. Tuy trên thực tế, ý đồ quy hoạch này có thể không nhất định phát huy vai trò được như vậy, nhưng sự xuất hiện của nó đã thể hiện rõ ý muốn điều chỉnh và đẩy mạnh chính sách và chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trọng tâm điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là dịch chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu của nước mình về phía Đông. Sự dịch chuyển này không chỉ đơn giản đầu tư tinh lực và nguồn của cải nhiều hơn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà còn tăng thêm sức ép trong chính sách đối với Trung Quốc về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh. Cách nói trọng tâm chiến lược của Mỹ chuyển dịch về phía Đông đã xuất hiện từ giữa những năm 90 thế kỷ 20, hiện nay cùng với việc Mỹ triển khai một loạt bố cục chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc chuyển dịch này đã dần dần trở thành hiện thực. Bài viết của Hillary tuyên bố rõ trọng tâm chính sách ngoại giao của Mỹ đã dịch chuyển về phía Đông, và bằng những lời lẽ rõ ràng đã biểu đạt được nguyện vọng và lòng quyết tâm của Mỹ trong việc muốn lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 
Trong môi trường quốc tế biến động, trọng tâm chiến lược dịch chuyển về phía Đông là một sự lựa chọn chiến lược mà Mỹ đưa ra để bố trí lại một cách hiệu quả hơn nguồn tài nguyên ở các khu vực chủ yếu trên thế giới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên này, tăng cường và củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Từ góc độ chiến lược toàn cầu cho thấy có 3 khu vực quan trọng đối với việc duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ, đó là châu Âu, Đông Á và Trung Đông, trong đó tầm quan trọng của châu Âu và Đông Á lại vượt qua Trung Đông. Ngăn chặn sự xuất hiện một nước lớn chủ đạo mang tính khu vực hoặc bất kỳ nước lớn khác nào chủ đạo châu Âu hoặc khu vực Đông Á là một khâu quan trọng để Mỹ giữ vững vị thế bá chủ toàn cầu. Từ những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, thực lực kinh tế Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, đồng thời Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với các nước Đông Á về kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đến năm 1998 đến nay, hợp tác Đông Á tiến triển rất nhanh, giành được thành quả về nhiều mặt. Về tự do hóa thương mại, Trung Quốc cũng dần dần phát triển hai phương án hiệp định thương mại tự do tương đối thành thục (FTA) (tức là “ASEAN+3” bao gồm các nước ASEAN+ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; và “ASEAN+6” bao gồm các nước ASEAN+Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia và Niu Dilân). Do hai phương án chủ yếu trong hợp tác Đông Á trên đều chưa kết nạp Mỹ, cộng thêm việc Chính quyền Hatoyama của Nhật Bản đưa ra ý tưởng “Cộng đồng Đông Á” và sự tăng cường sức quy tụ bên trong các nước Đông Á đã khiến cho Mỹ ý thức được rằng sức ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Á có nguy cơ bị gạt ra ngoài. Bên cạnh đó, khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực có tầm quan trọng không ngừng tăng trong nền chính trị thế giới và là đầu tàu quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Việc Mỹ củng cố vị thế lãnh đạo và tăng cường hợp tác về kinh tế với các nước khác ở khu vực này, đẩy mạnh xuất khẩu là có lợi cho Mỹ thoát khỏi cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay, tạo ra cơ hội việc làm quý giá trong nước, về lâu dài cũng rất quan trọng đối với việc giữ vững nền tảng kinh tế của bản thân. Từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay, cách nói thực lực của Mỹ tương đối suy thoái là rất phổ biến trong cộng đồng quốc tế.
Tuy các học giả còn có rất nhiều tranh cãi về việc phải chăng thực lực của Mỹ đã thực sự suy thoái?,và có một số cách nhìn nhận khác nhau về xu thế thực lực lâu nay của Mỹ, nhưng cách nói này vẫn tồn tại phổ biến trong cộng đồng quốc tế và là một nhân tố vô cùng bất lợi cho Mỹ. Vì thế, điều này cho thấy cộng đồng quốc tế tương đối hoài nghi đối với thực lực và khả năng của Mỹ. Những hoài nghi này có thể khiến cho liên minh truyền thống của Mỹ nảy sinh khuynh hướng ly tâm nhất định đối với nước này, và họ cho rằng sự bảo hộ và những cam kết của Mỹ có thể không đáng tin cậy như trước kia. Điều này khiến các nước liên quan thử tìm kiếm phương pháp và con đường tư duy mang tính đại diện khác. Từ ý nghĩa nào đó cho thấy sự bá chủ toàn cầu của Mỹ suy thoái trong một khoảng thời gian tương đối dài, ở mức độ nhất định có thể khiến cho Mỹ thực sự đi vào suy thoái. Để tránh xảy ra tình trạng này, Mỹ đã áp dụng lập trường và cách làm rất mạnh mẽ ở một số mặt nào đó. Việc Mỹ cao giọng tuyên bố “quay trở lại châu Á”, “quay trở lại Đông Nam Á” lại một lần nữa bày tỏ lòng quyết tâm hiện diện ở khu vực châu Á và đề cao sự tin tưởng, dựa vào chiến lược của các nước liên minh đối với mình. Việc điều chỉnh chính sách và chiến lược của Mỹ không chỉ dừng lại ở nói suông, mà còn thể hiện trong rất nhiều chính sách thực tiễn. Trong một, hai năm qua, Mỹ nỗ lực tăng cường quan hệ liên minh với các nước đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, mở rộng hợp tác với Nhật Bản về các lĩnh vực tình báo, giám sát và trinh sát. Mỹ tuyên bố kế hoạch đóng quân lâu dài ở Ôxtrâylia v.v… Trong thời kỳ tình hình Biển Đông không ổn định, vào tháng 6/2011, Mỹ cùng 6 nước ASEAN là Philíppin, Inđônêxia, Malaixia, Xinhgapo, Thái Lan và Brunây tập trận chung 10 ngày ở eo biển Malắcca, biển Celebes và biển Sulu. Ngày 28/6 đến ngày 8/7, Mỹ cùng với Philíppin tổ chức tập trận chung trên biển. Tháng 7 cùng năm, Mỹ còn cùng với hải quân hai nước Nhật Bản và Ôxtrâylia tập trận chung ở vùng biển Brunây trên Biển Đông và còn cùng với Việt Nam tổ chức diễn tập giao lưu hải quân trong thời gian một tuần. Những cách làm này đã khiến cho tình hình Biển Đông càng phức tạp hơn và tăng thêm tính không ổn định cho tình hình khu vực. Nhưng thông qua cách làm này, Mỹ đã đẩy mạnh sự tồn tại cũng như củng cố hơn nữa vị thế của mình ở khu vực Đông Á. 
Mỹ không chỉ có mục đích chính trị và an ninh ở khu vực Đông Á, mà còn có mục đích kinh tế rất mạnh. Mỹ có ý đồ lãnh đạo châu Á là để phục vụ cho lợi ích của bản thân. Điều này không chỉ sẽ phục vụ cho lợi ích chính trị của Mỹ, mà còn đem lại cho Mỹ những lợi ích kinh tế có thể trực tiếp nhìn thấy. Vì thế, Mỹ đã ra sức đẩy mạnh Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ý đồ lấy TPP làm nền tảng, thiết lập khu thương mại tự do do Mỹ làm chủ đạo, đồng thời làm yếu đi sức ảnh hưởng của Mỹ trong hợp tác kinh tế Đông Á. Từ giữa những năm 90 thế kỷ 20 đến nay, Mỹ coi nhẹ chính sách hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự thật mà Mỹ không muốn nhìn thấy là thực lực của mình tương đối suy thoái cũng như tiến trình nhất thể hóa Đông Á phát triển nhanh, đặc biệt là Trung Quốc đã hình thành sức ảnh hưởng tương đương ở khu vực này. Trong bối cảnh đó, với việc APEC trong khuôn khổ khó có thể thay đổi được tình hình bị động, Mỹ có ý đồ thông qua việc thúc đẩy thành lập TPP, dần dần khôi phục vị thế chủ đạo và uy tín của mình ở châu Á. Mỹ đã lợi dụng tâm lý lo lắng và hoài nghi của một số nước châu Á-Thái Bình Dương đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc để thu hút các nước này gia nhập TPP, từ đó giành quyền phát ngôn với Trung Quốc về mặt kinh tế. Mỹ cũng có ý đồ dùng sân chơi TPP này để làm mờ nhạt cơ chế hợp tác kinh tế trong nội bộ khu vực Đông Á, khiến cho Mỹ tự nhiên có được quyền lãnh đạo trong cơ chế hợp tác kinh tế khu vực xuyên Thái Bình Dương. TPP không phải là một cơ chế thương mại tự do đơn thuần, có sức ảnh hưởng về kinh tế-thương mại, mà còn mở rộng đến lĩnh vực chính trị và quân sự. TPP đã đem lại một sân chơi kinh tế “hợp pháp” cho Mỹ bước vào khu vực Đông Á, và liên kết một cách chặt chẽ giữa Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mặt chính trị; về mặt kinh tế, khiến cho Đông Á và Mỹ cùng thâm nhập vào thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Từ tiến trình này cho thấy TPP đã phân hóa thành không ít khối kinh tế Đông Á, dẫn đến hợp tác Đông Á vốn đã không đủ động lực rơi vào trạng thái ngừng trệ. 
Những tính toán của các nước châu Á-Thái Bình Dương khác 
Từ một ý nghĩa nào đó, việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ đã lựa ý chiều theo một số nhu cầu lợi ích và chiến lược của các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương. Từ sau khi tổng lượng kinh tế năm 2010 của Nhật Bản bị Trung Quốc vượt qua, mất đi vị thế khối kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Nhật Bản lại liên tiếp chịu những thiên tai như động đất, rò rỉ phóng xạ, cộng thêm những biến động tình hình chính trị trong nước cũng như xu thế phát triển nhanh của tình trạng dân số lão hóa, về lâu dài cho thấy thực lực của Nhật Bản khó có thể lạc quan. Ở mức độ tương đương, Nhật Bản đã mất đi khả năng hiện thực và sự quyết tâm giành quyền lãnh đạo ở khu vực Đông Á. Nhật Bản cũng không có cách nào chấp nhận hiện thực hợp tác Đông Á do Trung Quốc chủ đạo, còn viễn cảnh Trung Quốc và Nhật Bản cùng chủ đạo tiến trình hợp tác Đông Á tuy về lý luận thì tương đối tốt, nhưng do một số mâu thuẫn về hiện thực và lịch sử nào đó tồn tại giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cộng thêm những trở ngại từ Mỹ, thực tế khả năng xuất hiện tình hình này không lớn. Trong tình hình Mỹ cao giọng tuyên bố quay trở lại châu Á, chính sách của Nhật Bản tuy đã trải qua những do dự nhất định, nhưng về hiệu quả khách quan cho thấy trên thực tế, cuối cùng Nhật Bản vẫn lựa chọn đứng về phía Mỹ. Trong tình hình Biển Đông thay đổi, Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp ủng hộ các nước Đông Nam Á, bao gồm liên kết với Mỹ và Ôxtrâylia huấn luyện tập trận chung ở vùng biển trên Biển Đông gần Brunây; tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế với Philíppin, nâng cấp cuộc bàn bạc chính sách song phương cấp thứ trưởng hai nước thành đối thoại chiến lược, mở rộng tập trận chung. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philíppin được xác định là “mối quan hệ đối tác chiến lược” v.v...Ở một ý nghĩa nào đó, cách làm của Nhật Bản cũng là một sự phối hợp đối với chiến lược toàn Đông Á của Mỹ, có lợi cho việc thể hiện những giá trị của Nhật Bản đối với Mỹ và hệ thống liên minh của nước này. Nhưng biện pháp này của Nhật Bản về lâu dài cho thấy liệu đã thực sự phù hợp với lợi ích chiến lược của nó hay chưa? điều này không dễ phán đoán. 
Nhân việc điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Ấn Độ cũng gấp rút thực thi “chiến lược hướng Đông” của mình. Tháng 8/2009, Ấn Độ cùng với các nước ASEAN ký “Hiệp định thương mại hàng hóa khu thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ” và các văn kiện liên quan. Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2010. Đồng thời, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác với các nước Nhật Bản, Việt Nam. Khi tình hình Biển Đông vô cùng nhạy cảm, Công ty dầu khí nhà nước Ấn Độ không thèm để ý đến sự phản đối của Trung Quốc đã nhảy vào khai thác nguồn dầu mỏ những vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Ấn Độ còn lợi dụng thời cơ này tăng cường hợp tác với Việt Nam về các lĩnh vực như quân sự, đầu tư thương mại và văn hóa giáo dục. Mỹ đẩy mạnh chiến lược đối với Trung Quốc, về khách quan đã hạ thấp sức quy tụ của khu vực Đông Á, ở ý nghĩa nhất định khiến cho hợp tác Đông Á rơi vào ngừng trệ. Điều này đã đem lại cơ hội cho Ấn Độ có thể phát triển quan hệ chính trị và an ninh với một số nước ASEAN nào đó, và ở mức độ nhất định đã hình thành sự hạn chế đối với Trung Quốc. Trên một ý nghĩa nào đó, cách làm của Ấn Độ phù hợp với nhu cầu chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Trong quá trình phát triển quan hệ hợp tác với các nước lớn, ASEAN luôn dốc sức duy trì tính tự chủ, mong muốn phát triển quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Liên minh châu Âu (EU) và các tập đoàn của nó. Về tổng thể, ASEAN luôn thực hiện chính sách giữ vững cân bằng giữa các nước lớn và chính sách hai mặt giữa Trung Quốc và Mỹ, ý đồ thông qua cách làm này để nâng cao vị thế quốc tế và sức ảnh hưởng của mình ở khu vực này. Từ những năm 90 đến nay, trong khoảng thời gian tương đối dài, chính sách này đã có được những hiệu quả tương đối tốt, và ASEAN đã chiếm vị trí rất quan trọng, có lợi trong hợp tác khu vực Đông Á. Cùng với sự phát triển sâu sắc của hợp tác Đông Á cũng như sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở khu vực này, ASEAN hy vọng lợi dụng Mỹ để cân bằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, đồng thời mong muốn thông qua phương thức này để khiến cho Trung Quốc và Mỹ coi trọng mình hơn. Nhưng trên thực tế, cách làm này của ASEAN khó có thể đạt được kết quả như mong muốn. Việc Mỹ “quay trở lại Đông Nam Á” đã làm tăng thêm độ sâu trong chính sách đối với khu vực Đông Á. Hơn nữa, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp chính sách, mục đích của nó rất rõ ràng đó là muốn chủ đạo khu vực này, dẫn dắt khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển trong tương lai và khiến nó phục vụ cho vị thế bá chủ toàn cầu và lợi ích quốc gia của Mỹ. Ở một ý nghĩa nào đó, cách làm của Mỹ đã phá vỡ cục diện “cân bằng nước lớn” ở khu vực này, từ đó quyền chủ đạo mà ASEAN giành được có thể không tồn tại. Đối với ASEAN, về sau cho dù muốn giữ vững quyền chủ đạo trên danh nghĩa cũng sẽ rất khó khăn.  
Những đối phó của Trung Quốc 
Về tổng thể, những thay đổi tình hình chính trị quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đông Á trong 2, 3 năm qua trên một ý nghĩa nhất định là kết quả của việc Mỹ và các nước xung quanh đưa ra những phản ứng (nhưng về lâu dài không nhất định là những phản ứng tốt nhất) do thực lực của Trung Quốc tăng nhanh. Về mặt cân bằng và hạn chế sức ảnh hưởng tăng nhanh của Trung Quốc, Mỹ và rất nhiều nước Đông Á có lợi ích chung nhất định, nhưng đằng sau nó là xuất phát từ những tính toán lợi ích và sách lược khác nhau. Về cơ bản, Mỹ mong muốn thay đổi xu thế bất lợi cho mình lâu nay trong việc phát triển thực lực song phương. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho tới phạm vi toàn thế giới, cục diện lớn của xu thế so sánh thực lực là thực lực Trung Quốc tăng lên nhanh, thực lực của Mỹ tương đối suy thoái. Đây là một xu thế tương đối lâu dài, cũng là một xu thế phát triển rất bất lợi cho Mỹ. Sự tồn tại và phát triển dần dần của xu thế thực lực này sẽ gặm nhấm năng lực của Mỹ và lòng tin của các nước trên thế giới đối với nước này, khiến cho Mỹ xuất hiện trạng thái tâm lý lo lắng. Từ tình hình hiện nay cho thấy Mỹ không có cách nào làm tốt để thay đổi xu thế sức mạnh bất lợi này cho mình. Trong khuôn khổ phát triển sức mạnh lớn như vậy, Mỹ có ý đồ áp dụng một số biện pháp mang tính cục bộ trong thời gian ngắn và thông qua việc sắp xếp lực lượng và phân bố nguồn tài nguyên để hình thành cục diện bất lợi cho Trung Quốc. Từ đó, ở mức độ nhất định, điều này làm chậm lại tốc độ phát triển và trỗi dậy của Trung Quốc. Việc Mỹ áp dụng một loạt chính sách sau khi cao giọng tuyên bố “quay trở lại châu Á”, về tổng thể cho thấy điều đó phù hợp với đòi hỏi lôgích. Nhưng các biện pháp này liệu đã có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược của Mỹ hay chưa? Đây là điều rất đáng hoài nghi. Trước tiên, bản thân Mỹ đứng trước rất nhiều khó khăn, cộng thêm những hạn chế của nền kinh tế trong nước. Trên thực tế, Mỹ có thể phân chia nguồn tài nguyên rất có hạn của khu vực Đông Á, nhưng khó có thể đầu tư lâu dài vào nguồn tài nguyên này. Cách làm hiện nay của Mỹ có thể duy trì lâu dài nhưng vẫn có những nghi ngờ. Thứ hai, biện pháp chính sách của Mỹ tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực chính trị, an ninh. Tuy biện pháp kết hợp đồng bộ về mặt kinh tế có TPP, nhưng TPP muốn thực sự phát huy vai trò trong vài năm tới là điều không thể. Các biện pháp chính trị và an ninh liệu có thể giải quyết được vấn đề khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ giảm hay không? Đây cũng là việc rất đáng hoài nghi. 
Do không có ý đồ thách thức Mỹ về mặt quân sự, cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ chủ yếu vẫn là cạnh tranh về kinh tế, nên chỉ cần Trung Quốc có thể duy trì xu thế phát triển tương đối nhanh về thực lực kinh tế của bản thân, sức ép chiến lược được hình thành đối với Trung Quốc có thể sẽ dần dần giảm. Mặt khác, một loạt biện pháp chính sách của Mỹ thể hiện rõ bất luận thế nào Mỹ cũng không dễ từ bỏ ý muốn và lòng quyết tâm xa rời khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế, trong tương lai Trung Quốc cần phải có hành động cụ thể ở khu vực này, sẽ đối mặt với những sức ép và trở ngại lớn hơn từ Mỹ, đặc biệt là không thể đánh giá thấp vai trò của Mỹ. Đối với điều này, Trung Quốc cần chuẩn bị tâm lý thích hợp. Nói một cách cụ thể, Trung Quốc có thể áp dụng một số biện pháp sau: một là, trong vấn đề hợp tác khu vực, lập trường của Trung Quốc chắc chắn sẽ duy trì một số mục tiêu thích hợp, và có thể hạ thấp một số mục tiêu nào đó trong thời gian ngắn; hai là, coi trọng hơn mối quan hệ song phương với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trước đây, hợp tác đa phương giữa Trung Quốc với các nước Đông Á đã giành được những thành quả. Trong tình hình Mỹ có ý đồ chủ đạo hợp tác đa phương khu vực, Trung Quốc cần bắt tay vào ổn định và phát triển hơn một số mối quan hệ song phương quan trọng. Ba là, làm nhiều việc cụ thể, đặc biệt là ở các khu vực trọng điểm, tập trung làm một số việc có giá trị thực tế và ý nghĩa lâu dài v.v... Bốn là, Trung Quốc cần thông qua những tuyên bố chính sách cũng như thông qua việc áp dụng các biện pháp chính trị, kinh tế, ngoại giao để tỏ rõ hơn sự kiên định của Trung Quốc trong việc giữ vững lợi ích của bản thân. Về tổng thể, Trung Quốc chỉ cần ổn định, không bị Mỹ đánh bại trong cuộc cạnh tranh kinh tế, trong khoảng thời gian nhất định, Mỹ không thể có cách làm nào tốt hơn đối với Trung Quốc. Nhưng hiện nay, do xu thế tình hình phải đối mặt rất phức tạp, Trung Quốc cần phải tìm kiếm những biện pháp tổng hợp, đa dạng hơn để duy trì và phát triển lợi ích nhà nước của mình tốt hơn . 
Theo Tạp chí “Thế giới đương đại”-Trung Quốc (kỳ 12 năm 2011)
Lê Sơn (gt)