Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

8. Cộng đồng các quốc gia độc lập: những dự báo về xu thế phát triển

21:9' 8/3/2012
TCCS - Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi Liên Xô giải thể và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ra đời (12-1991 - 12-2011). Trong quãng thời gian này, các thành viên SNG đã trải qua những thăng, trầm nào; sự tác động nào; mối liên kết trong cộng đồng ra sao, và tương lai của tổ chức này sẽ thế nào trong một thế giới đầy biến động...? Đó là những vấn đề rất được quan tâm. 


SNG - những đường nét cơ bản của các quốc gia thành viên

Trong số các thành viên của SNG, Nga được xem là thành viên quan trọng nhất. Chính vì vậy, tình hình nước Nga hiện nay cũng như chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian tới sẽ đóng vai trò then chốt đối với tương lai của SNG. 

Về chính trị - xã hội, sau một thập niên khủng hoảng khá trầm trọng, bước vào thế kỷ XXI, nước Nga đã dần lập lại được sự ổn định chính trị. Trật tự hiến pháp và không gian pháp lý chung đã được phục hồi và củng cố. Dưới sự điều hành của cựu Tổng thống V.Pu-tin, và hiện nay là Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, Nhà nước Nga đã có những sửa đổi căn bản về bộ máy quản lý, tập trung nhiều quyền lực hơn cho chính quyền trung ương, đồng thời nhiều chức năng quản lý kinh tế - xã hội được chuyển giao cho các vùng và địa phương. Trong lĩnh vực kinh tế, sau 8 năm cầm quyền của Tổng thống V.Pu-tin (2000 - 2008), nền kinh tế Nga có được sự phục hồi ngoạn mục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách xã hội tích cực (như xây dựng, củng cố kết cấu hạ tầng, tăng lương cho người lao động và lương hưu...), từng bước cải thiện rõ rệt đời sống cho người lao động. Tại cuộc gặp với các doanh nghiệp chủ chốt của Đức ở Mát-xcơ-va ngày 16-11-2011, Thủ tướng Nga V.Pu-tin tuyên bố, Nga sẵn sàng dành sự hỗ trợ thiết thực cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trước hết thông qua cơ chế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Cùng với những kết quả trên, nước Nga trong những năm tới vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, như tỷ lệ nghèo khổ, nguồn gốc gây căng thẳng, bất ổn xã hội; nạn quan liêu, tham nhũng; tư tưởng bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan... Năm 2010 có 14,9% dân số Nga sống dưới mức nghèo khổ, cao hơn năm 2009 (13,5%)(1). An ninh xã hội chưa được bảo đảm, sự chia rẽ, nhất là thái độ thờ ơ của công chúng với chính trị khiến đa số các chính đảng và phong trào chính trị ở Nga thiếu cơ sở xã hội sâu rộng, vững chắc. Nền kinh tế Nga bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, sức mạnh kinh tế giảm sút đáng kể. 

Trong đối ngoại, điều nhận thấy rõ nhất là nước Nga đã giành lại vị thế là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, ngày càng mở rộng ảnh hưởng, sự hiện diện tại các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và Mỹ La-tinh. Tuy nhiên, so với Liên Xô trước đây, sức lan tỏa của văn hóa và ảnh hưởng chính trị - “sức mạnh mềm” của Nga, hạn chế hơn nhiều. 

Với những nét lớn trên, có thể dự báo, trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của Nga sẽ tiến triển theo chiều hướng tích cực hơn, nước Nga sẽ mạnh hơn, quyết đoán hơn trên trường quốc tế, vai trò của Nga trong SNG sẽ hiệu quả hơn.

Các nước thành viên nằm ở khu vực Trung Á , gồm năm nước: U-dơ-bê-ki-xtan, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan, Tát-gi-ki-xtan, là nhóm nước có vị trí địa - chính trị, địa - chiến lược vô cùng quan trọng, được coi là khu vực trung tâm của “hòn đảo thế giới”. Kể từ khi trở thành các quốc gia độc lập, các nước Trung Á này vẫn gặp phải những khó khăn về nhiều mặt, đồng thời là một trong những “địa điểm” khá phức tạp trên thế giới. Các thế lực như các tổ chức Hồi giáo cực đoan, chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa khủng bố quốc tế luôn là những mối đe dọa đối với tình hình an ninh khu vực. Trong khi đó, khả năng liên kết giữa các nước này còn rất yếu và đây vẫn là những nước nghèo. Triển vọng phát triển của 5 nước Trung Á này được dự báo sẽ khả quan hơn trong những năm tới và họ sẽ liên kết chặt chẽ hơn với cả Nga và Trung Quốc.

Các nước khu vực ngoại Cap-ca-dơ, gồm 3 nước: A-déc-bai-gian, Ác-mê-ni-a và Gru-di-a (trong đó, Gru-di-a đã chính thức rút khỏi SNG ngày 18-8-2009). A-déc-bai-gian là nước khá phát triển, có tiềm năng do sở hữu nguồn dầu mỏ dồi dào. Có thể dự báo A-déc-bai-gian tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá, dù không bằng 10 năm qua. Ác-mê-ni-a là quốc gia nhỏ, nhưng có tốc độ tăng trưởng khá cao. Năm 2003, Ác-mê-ni-a đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vấn đề hiện tại của hai nước này chính là những xung đột về lãnh thổ và tác động từ những căng thẳng trong quan hệ Nga - Gru-di-a, nhất là khi Gru-di-a rút khỏi SNG. Thêm vào đó, tình hình chính trị nội bộ còn nhiều tồn tại, như nạn tham nhũng, tình hình tôn giáo phức tạp, dân số sụt giảm,...
  U-crai-na, Bê-la-rút và Môn-đô-va là ba nước có lãnh thổ thuộc về châu Âu. U-crai-na là một nước lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh thứ hai trong SNG, chỉ đứng sau Nga. Tuy nhiên, nền kinh tế này đã bị suy thoái nghiêm trọng trong thập niên 90 của thế kỷ XX. Bước sang thế kỷ XXI, kinh tế U-crai-na dần hồi phục, nhưng gần đây lại chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, nên vẫn còn nhiều khó khăn không dễ vượt qua. Mối quan hệ chính trị của U-crai-na với Nga, ngay cả dưới thời Tổng thống V.I-a-nu-cô-vích, cũng chưa thật sự tốt đẹp. Mới đây, ngày 18-10-2011, việc U-crai-na đã cùng các nước SNG ký Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do cho thấy, nhiều khả năng nước này sẽ đẩy mạnh liên kết hơn với SNG. Bê-la-rút là một quốc gia có vị thế địa - chính trị khá quan trọng, nối Nga với Tây Âu. Quốc gia này có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định trong nhiều năm, đời sống của người dân nhìn chung được bảo đảm. Về chính trị, đa số người dân Bê-la-rút ủng hộ mô hình phát triển “chủ nghĩa xã hội thị trường” do Tổng thống A.Lu-ca-sen-cô đưa ra và tình hình của Bê-la-rút không bất ổn như nhiều nước SNG khác. Có thể thấy, về cơ bản, tình hình Bê-la-rút trong thập niên tới sẽ không có nhiều biến động với xu hướng gia tăng quan hệ với Nga và các nước SNG, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng phía tây bắc, như Lát-vi-a, Lít-va. 

Môn-đô-va là một nước nhỏ và là một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Quốc gia này đang phải gánh chịu những ảnh hưởng khá nặng nề từ những vấn đề do lịch sử để lại, đứng giữa một bên là Nga và một bên là EU, NATO. Do vậy, khó có thể đoán định đường hướng phát triển kinh tế và chính trị của Môn-đô-va trong thập niên tới.

Sự vận động và tác động của các nhân tố bên ngoài SNG

Trong điều kiện hiện nay, hầu như mọi sự phát triển hay biến động của thế giới bên ngoài đều tác động trực tiếp đến SNG nói chung, từng nước thành viên SNG nói riêng. Tuy nhiên, Mỹ và các chủ thể trên đại lục địa Âu - Á là những nhân tố bên ngoài tác động mạnh nhất đến đường hướng vận động của khối liên kết này. 

Nếu như trong những năm đầu của thập niên đầu thế kỷ XXI, bất chấp “sự kiện ngày 11-9-2001”, Mỹ vẫn là siêu cường số 1, thể hiện được sức mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, thì vài năm trở lại đây, người ta lại nói nhiều đến sự sụp đổ (hoặc nguy cơ hiện thực của sự sụp đổ) của “đế chế Mỹ” bởi cường quốc này đang đối mặt với nợ công, thâm hụt ngân sách, chênh lệch giàu - nghèo… là những vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Trong khi đó, trên thế giới đang cho thấy sự xuất hiện của các trung tâm quyền lực khác, như Trung Quốc, EU, Nga, Ấn Độ... Trong bối cảnh đó, Mỹ tuy vẫn có thế mạnh kinh tế, sức mạnh quốc gia tổng hợp vượt trội hơn các cường quốc khác nên vẫn sẽ duy trì được địa vị chi phối trong nhiều năm nữa không chỉ trên lĩnh vực quân sự, nhưng sẽ không thể chiếm vị trí áp đảo trong các vấn đề của thế giới như hai thập niên qua, và chính sách đối ngoại của Mỹ có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng mềm hơn, bớt đơn phương hơn.

Nhìn vào lịch sử ra đời và phát triển của EU và NATO, có thể nhận thấy, hai tổ chức có sự liên kết mạnh nhất cả về kinh tế - thương mại và quốc phòng - an ninh này có một quá trình liên kết theo chiều đi lên cả về lượng và chất. Tuy nhiên, hiện nay, sự liên kết về kinh tế của EU đang bị đe dọa bởi làn sóng khủng hoảng nợ công ở nhiều nước thành viên. Với NATO, liên minh quân sự - quốc phòng này có lẽ sẽ còn tiếp tục củng cố và mở rộng số thành viên cũng như gia tăng ảnh hưởng quốc tế hơn nữa trong những năm tới. 

Thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc trong mấy thập niên qua đã khiến nhiều nhà quan sát đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng phát triển của nước này. Những năm gần đây, Trung Quốc đã lần lượt “qua mặt” những cường quốc kinh tế (Pháp, Anh, I-ta-li-a, Đức) để đến năm 2010 vượt cả Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc chưa đạt được các tiêu chuẩn của khái niệm “phát triển bền vững”, vẫn đang đối mặt với những khó khăn, hạn chế lớn trong việc thực hiện mục tiêu “phát triển khoa học”. Trong quan hệ với Nga và các nước SNG, nhất là các nước trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc đã thu được nhiều lợi ích trong thập niên qua. Vì vậy, có thể dự báo, Trung Quốc sẽ tìm cách để gia tăng các mối quan hệ hợp tác với SCO, nhất là với Nga.

Về SCO, một mặt, dường như SCO là một hình thức liên kết mở rộng của SNG; mặt khác, là một kiểu liên kết nằm ngoài SNG. Một số nhà nghiên cứu dự báo rằng, trong tương lai, SCO có thể mở rộng phạm vi hợp tác hơn nữa. Hiện nay, SCO tỏ ra thành công hơn SNG trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết không những giữa các thành viên chính thức mà cả với các nước quan sát viên. 

Mặc dù cách khá xa về địa lý, nhưng hiện tại, ASEAN đang thu hút sự quan tâm của SNG bởi những tiến triển trong quá trình hợp tác, liên kết của tổ chức này. ASEAN là một ví dụ thành công của tổ chức khu vực, lấy mục tiêu xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác làm chất keo gắn kết các nước thành viên. Thành công của ASEAN là một gợi ý rất đáng tham khảo cho lien kết SNG.

Khả năng nào cho SNG trong thập niên tới?

Căn cứ vào xu hướng vận động của các nhân tố nêu trên, có thể đưa ra ba khả năng đối với tương lai của tổ chức này như sau: 

Khả năng thứ nhất, SNG không còn lý do để tồn tại.

Khả năng này có thể xảy ra nếu xuất hiện những yếu tố sau:

Một là, các nước thành viên nhận thấy rằng, SNG không mang lại lợi ích đáng kể, trong khi đó, những tổ chức liên kết khu vực như EU, NATO, kể cả SCO tỏ ra hấp dẫn hơn. Cho dù EU hiện đang rơi vào khủng hoảng nợ công, nhưng theo giới quan sát, EU rồi sẽ vượt qua khủng hoảng và trong tương lai sự liên kết nội khối sẽ chặt chẽ hơn. Còn SCO, tuy ra đời muộn hơn, nhưng đã và có thể mang lại những lợi ích lớn hơn cho các nước thành viên trong tương lai. Chính vì vậy, nhiều nước thành viên SNG sẽ muốn tách khỏi SNG để đàm phán gia nhập EU, NATO, hoặc những nước đang là thành viên của SNG và SCO không muốn cả SNG và SCO cùng song song tồn tại nên muốn giải thể SNG.

Hai là, do vẫn muốn kiềm chế một nước Nga quá mạnh, nên bản thân các tổ chức EU, NATO cũng muốn chia rẽ SNG, thậm chí muốn SNG tan rã như Liên Xô (cho dù SNG không phải là Liên Xô). Điều mà các nước phương Tây lo ngại là một khi Nga đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy SNG phát triển thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, hiệu quả, thì sẽ đồng thời làm trỗi dậy cái họ cho là “tham vọng đế quốc” của nước Nga, mà điều này đe dọa trực tiếp tới lợi ích của họ. Chính vì vậy, EU, NATO sẽ có những động thái lôi kéo một cách quyết liệt hơn các thành viên của SNG về phía mình. Nếu như Gru-di-a đã ra khỏi SNG, và trong trường hợp EU, NATO lại thành công trong việc kết nạp Gru-di-a và cả U-crai-na vào hai tổ chức này, thì không loại trừ khả năng các nước SNG còn lại (trừ nước Nga) cũng sẽ đi theo hướng đó. Như vậy, SNG giải thể là điều khó tránh khỏi.

Ba là, nước Nga - với tư cách là nước lớn nhất, mạnh nhất trong SNG - hoặc không thể, hoặc không muốn tiếp tục duy trì SNG. Tình huống này có thể xảy ra nếu Nga có những biến động chính trị, kinh tế - xã hội rất lớn, dẫn đến hậu quả nước Nga suy yếu đến mức không kiểm soát được tình hình nội bộ của mình, hoặc, nếu nước Nga không suy yếu, thậm chí mạnh lên rất nhiều, nhưng lại không có những chính sách hợp lý để thúc đẩy liên kết SNG, thì tâm lý e ngại về sự tái xuất hiện một nước Nga Sa hoàng trong lịch sử sẽ bị nhiều nước thành viên SNG, EU và NATO đẩy lên cao. Khi đó, một nước Nga hùng mạnh, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, có thể sẽ tập trung vào SCO, vì hợp tác trong SCO mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nga. Nhưng cùng với đó, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thậm chí cực đoan ở cả Nga và các nước SNG cũng sẽ gia tăng, tác động rất tiêu cực đến các nước SNG. Hệ quả chung là SNG sẽ bị giải thể, kéo theo đó là tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước vốn là thành viên của SNG nói chung, giữa Nga và một số nước SNG nói riêng. Sự giải thể SNG trong bối cảnh như vậy là một kịch bản rất xấu, vì thế có lẽ khó có thể xảy ra.

Khả năng thứ hai, về cơ bản, SNG vẫn duy trì tình trạng như hiện nay.

Đây là một kịch bản có thể xảy ra bởi các nguyên nhân sau. 

Thứ nhất, SNG sau 20 năm tồn tại tuy vẫn bị đánh giá là một tổ chức “hữu danh vô thực”, chưa đưa lại lợi ích đáng kể, nhưng đây vẫn là một diễn đàn để hằng năm các vị nguyên thủ quốc gia, các thủ tướng chính phủ... gặp gỡ, trao đổi những vấn đề cùng quan tâm. SNG dường như chẳng gây hại cho ai, vì thế cứ nên duy trì như một “câu lạc bộ” tự nguyện.

Thứ hai, trên thực tế cả Nga và các nước thành viên SNG khác đều lo ngại sự giải thể của SNG sẽ để lại những hệ quả tiêu cực về chính trị, nhất là về an ninh. Sau 20 năm tồn tại, SNG dù sao cũng đã tạo dựng được những sự gắn kết, nhất là góp phần bảo vệ an ninh cho các nước thành viên.

Thứ ba, vẫn còn đó những khúc mắc, những bất đồng, lo ngại cả từ nước Nga và từ các nước SNG khác về những vấn đề kinh tế và chính trị - an ninh của SNG. Vì vậy, dù không có ý định giải thể SNG, nhưng các nước thành viên SNG cũng không mặn mà với việc thúc đẩy hợp tác, liên kết SNG lên tầm cao mới.

Thứ tư, SNG sẽ không có những tiến triển đáng kể, nếu nước Nga, vẫn như 20 năm qua, chưa thực sự có những chính sách hiệu quả, thiết thực để đưa những tuyên bố, tuyên ngôn của nước Nga và của SNG đi vào thực tế nhằm nâng liên kết SNG lên tầm cao mới về chất.

Khả năng thứ ba, mức độ liên kết, hợp tác của SNG chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.

Đây là kịch bản được mong đợi nhất của SNG. Tuy nhiên, để SNG vận động theo kịch bản này, cần có những điều kiện nhất định. Chẳng hạn:

Xuất hiện một nguy cơ quân sự - an ninh chung đối với SNG, mà tương quan lực lượng bất lợi cho Nga và các nước SNG khi họ đứng riêng rẽ. Khi đó, các nước SNG sẽ phải nỗ lực hợp tác, liên kết với nhau để đối phó thành công với những nguy cơ chung. 

Sự thành công ngoạn mục của EU, NATO và ASEAN. Nếu nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công, EU sẽ trở thành một tổ chức hùng mạnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Còn NATO sẽ chứng tỏ được vai trò bảo đảm an ninh cho các nước thành viên, vị thế quốc tế ngày càng được gia tăng. Nếu EU và NATO đạt được một tương lai như vậy, và thi hành chính sách xa lánh các nước thành viên SNG, lúc đó, các nước SNG sẽ phải thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn nhằm tạo thế đối trọng với EU và NATO, đồng thời tránh để các nước thành viên bị lôi kéo sang hai tổ chức này. Với ASEAN, nếu Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột ra đời vào năm 2015 đúng như dự định, thì điều này cũng sẽ tác động rất tích cực đến quá trình liên kết SNG.

Diễn biến trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3-2012. Đây là sự kiện ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều khả năng SNG có sự thay đổi về chất. Điều này được thể hiện rõ nét trong phát biểu của Thủ tướng V.Pu-tin được đăng tải trên tờ Tin tức (Nga) ngày 4-10-2011 về ý tưởng thành lập “Liên minh Âu - Á” - một liên minh tự nguyện của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây: “Chúng ta sẽ không dừng lại ở đây và đang đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng - đạt được mức hòa nhập thậm chí còn cao hơn trong Liên minh Âu - Á”. Cho dù đây mới chỉ là ý tưởng, nhưng cũng cho thấy quyết tâm của Thủ tướng Nga trong việc thúc đẩy hợp tác, liên kết SNG theo những cách thức mới sao cho hiệu quả hơn. 

Sự hữu ích trong thúc đẩy liên kết SNG. Hiện tại các nước thành viên SNG còn có nhiều khó khăn, lại là những nước có sức mạnh quốc gia tổng hợp yếu hơn nhiều so với Nga, nên nếu trong những năm tới, Nga củng cố được niềm tin của các nước SNG, thì sẽ tạo được hợp lực thúc đẩy liên kết SNG, đồng thời đạt được sự thừa nhận là hạt nhân trụ cột, đóng vai trò chủ đạo, đầu tàu cho quá trình thúc đẩy liên kết của SNG.

Gần đây nhất, ngày 18-10-2011, Thủ tướng các nước thuộc SNG, gồm Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-ni-a, Cư-rơ-gư-xtan, Môn-đô-va và Tát-gi-ki-xtan, đã ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do, thay thế cho hiệp định được ký năm 1994 đã trở nên lỗi thời. Thủ tướng Nga V.Pu-tin nhấn mạnh, việc thành lập Khu vực thương mại tự do trên lãnh thổ SNG không trái với những tiêu chuẩn của WTO, đồng thời khẳng định việc ký kết hiệp định này sẽ cho phép “mở ra những thị trường” dỡ bỏ nhiều trở ngại và tạo ra bước tiến về chất trong sự phát triển các mối quan hệ kinh tế trong SNG cũng như đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp tục hoàn thiện SNG. Các nước còn lại trong SNG là A-déc-bai-gian, U-dơ-bê-ki-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan có thể thông qua quyết định gia nhập khu vực thương mại tự do vào cuối năm nay.

Từ những phân tích trên, dù khó dự đoán, song nhiều khả năng SNG sẽ vận động theo kịch bản (hay khả năng) thứ ba. Tuy nhiên, xu thế này còn gặp nhiều khó khăn do: điều kiện thứ nhất mang tính chất giả định; điều kiện thứ hai được đoán định theo sự vận động của EU và thế giới bên ngoài; điều kiện thứ ba và thứ tư phụ thuộc vào tình hình của nước Nga cũng như chính sách sắp tới của nước này đối với SNG. Một điều có thể chắc chắn rằng, SNG sẽ có một số thay đổi về hình thức, nội dung hợp tác, số thành viên có thể tăng thêm hoặc bớt đi, nhưng hiệu quả hợp tác, liên kết sẽ cao hơn. Và nước Nga sẽ đóng vai trò nổi trội hơn trong sự hợp tác, liên kết đó./.

--------------------------------------------

(1) Pu-tin trước những thách thức kinh tế Nga, http://vietnamnet.vn, ngày 3-10-2011
Đoàn Văn Khái PGS, TS, Trường Đại học Ngoại thương