Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

7. Châu Phi và những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế

TCCSĐT(20:42' 29/2/2012) - Các nước châu Phi đã bắt đầu một bước tiến lớn trong nỗ lực hội nhập kinh tế thế giới, với hy vọng trong tương lai sẽ tạo nền tảng cho một sự hội nhập toàn diện của châu lục này vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phía trước những nỗ lực thực hiện hội nhập kinh tế châu Phi cũng có nhiều cản trở phải được tháo gỡ.


Nỗ lực hội nhập

Những năm gần đây, các nước châu Phi đã có những nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực, song mới chỉ ở quy mô nhỏ. Một số tổ chức kinh tế khu vực được thành lập, bao gồm: Cộng đồng Đông Phi (EAC), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Khối thị trường chung Đông Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) và nhiều tổ chức khác. Toàn cầu hóa đã giúp châu Phi đi lên và tăng trưởng mạnh nhờ thay đổi hẳn hình mẫu kinh tế mang dấu ấn của cả kinh tế thị trường lẫn mở cửa ra quốc tế.

Các nền kinh tế châu Phi đã tiến hành đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư. Nếu trước đây chỉ tập trung vào khai thác nguyên liệu thì hiện nay các ngành dịch vụ như viễn thông và ngân hàng, xây dựng và nông nghiệp đã phát triển rất mạnh. Đồng thời, tác nhân tư nhân đã thay thế Nhà nước với tư cách là động lực phát triển. Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, sự ra đời của một tầng lớp trung lưu khoảng 300 triệu người đã tạo cơ sở cho doanh nhân và tư bản trỗi dậy mạnh mẽ. Môi trường kinh doanh ở châu Phi được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân... Cải thiện điều kiện buôn bán, gia tăng trao đổi thương mại quốc tế, phát triển khu vực dịch vụ, thu hút đầu tư, tiến bộ khoa học và công nghệ là những yếu tố góp phần tạo ra bùng nổ kinh tế ở châu Phi cận Sahara.


Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng giá trị trao đổi thương mại nội khối của lục địa đen hiện chỉ đạt 12%, mức thấp hơn so với 60% ở châu Âu, 40% ở Bắc Mỹ, 30% ở khu vực ASEAN. Hội nghị đã đề ra mục tiêu nâng mức trao đổi thương mại nội khối tăng từ 20% đến 25% tổng giá trị thương mại của cả khu vực trong mười năm tới. Liên minh châu Phi (AU) nhấn mạnh, tăng cường thương mại nội khối và hội nhập thị trường sẽ góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững, tạo nhiều việc làm, giảm nghèo, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp và hội nhập kinh tế toàn cầu tốt hơn.


Nỗ lực hội nhập giữa các nền kinh tế châu Phi gần đây còn được ghi nhận bởi dấu ấn đáng chú ý. Ngày 29-1-2012 vừa qua, AU đã khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 18 các nhà lãnh đạo quốc gia và chính phủ tại thủ đô Addis Abeba của Ethiopia, với chủ đề "Thúc đẩy Thương mại nội khối" thể hiện nhu cầu hội nhập kinh tế ngày càng tăng của các nước châu Phi. Tại Hội nghị lần này, đại biểu đến từ các quốc gia thành viên đã tập trung thảo luận những biện pháp thúc đẩy thương mại trong khu vực gồm: phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách chính sách thương mại, giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy thương mại nội khối... nhằm đẩy mạnh phát triển thương mại giữa các quốc gia thành viên. Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi đã tán thành việc thành lập một Khu vực Thương mại tự do lục địa (CFTA) nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước thuộc châu lục, một tương lai đầy hứa hẹn cho việc cải thiện đáng kể nền kinh tế và tiến trình hội nhập của châu Phi, theo đó CFTA sẽ đi vào hoạt động năm 2017. 

 

Tuy có dấu hiệu kinh tế hồi phục và thu được kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, song châu Phi vẫn không giảm được chỉ số nghèo và tỷ lệ người thất nghiệp


Ðể thực hiện "ước mơ" về CFTA, AU đã có những chuẩn bị quan trọng ngay từ bây giờ bằng việc đưa ra kế hoạch ba bước. Bước đầu là hoàn tất các thỏa thuận ba bên giữa Cộng đồng Ðông Phi (EAC), Khối thị trường chung Đông Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC) vào năm 2014. Tiếp theo là yêu cầu các khối thương mại khác thực hiện các mục tiêu trong thỏa thuận ba bên và đạt được thỏa thuận song phương giai đoạn 2012 -2014. Cuối cùng là củng cố quan hệ ba bên và các khu vực thương mại tự do chuẩn bị gia nhập CFTA vào năm 2015 và 2016. Các quốc gia thành viên cũng kêu gọi các thể chế tài chính quốc tế như Ủy ban Kinh tế về châu Phi của Liên hợp quốc (UNECA), Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ khu vực này thực hiện các kế hoạch và dự án đề ra.

Bên cạnh chủ đề về CFTA, vai trò quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và đẩy mạnh tiến trình hội nhập khu vực cũng được AU quan tâm thúc đẩy. Theo đó, AU kêu gọi chính phủ các nước tăng chi tiêu công cho phát triển cơ sở hạ tầng bằng việc xây dựng những nhà máy thủy điện, lọc dầu, hệ thống đường ống dẫn khí đốt; đẩy mạnh hiện đại hóa đường sắt và nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa của các hải cảng... Mặt khác, châu Phi cũng đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình để bảo đảm cung cấp năng lượng sạch, bền vững, giá rẻ. Hội nghị đề xuất xây dựng mạng lưới băng thông rộng và hệ thống cáp ngầm dưới đáy biển, cải thiện thực trạng yếu kém hiện nay của kết cấu hạ tầng thông tin và dịch vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở châu Phi hiện còn nghèo nàn và dịch vụ tiếp cận thông tin thấp kém. Ước tính, lục địa này sẽ cần đến 60 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, CFTA ra đời theo đúng kế hoạch sẽ mở ra tương lai đầy hứa hẹn đối với kinh tế châu Phi. Tuy nhiên, châu Phi sẽ còn đối mặt không ít rào cản trong việc hướng đến mục tiêu CFTA trong bối cảnh một số nền kinh tế trong khu vực còn yếu kém.

Đối mặt với nhiều thử thách

Nỗ lực thực hiện hội nhập kinh tế châu Phi đang bị cản trở bởi những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và những thách thức từ các lĩnh vực khác nhau. Chi phí vận tải ở lục địa này hiện cao nhất trên thế giới. Theo WTO, giá cước vận tải chiếm tới 13% chi phí nhập khẩu ở châu Phi, so với 9% ở châu Á, 7,5% ở Mỹ Latinh và 5% ở các nước phương Tây. Phải mất từ 2 đến 3 tuần để một chuyến tàu từ Cộng hòa Dân chủ Congo cập cảng Durban của Nam Phi, một khoảng cách mà nếu ở châu Âu chỉ mất có 2 ngày. Việc cung cấp điện ở châu Phi không đều và thuế cao đã làm tăng chi phí sản xuất. Đó là chưa kể tới chất lượng dịch vụ y tế và giáo dục thấp, làm hạn chế nguồn nhân lực để châu Phi sử dụng một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế.

Tuy có dấu hiệu kinh tế hồi phục và thu được kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế trong những năm gần đây, song châu Phi vẫn không giảm được chỉ số nghèo và tỷ lệ người thất nghiệp. Nguyên nhân là do chất lượng tăng trưởng của châu Phi chưa cao. Thương mại giữa các nước châu Phi với nhau cũng rất hạn chế nên không thể đa dạng hóa các nền kinh tế của châu lục. Các thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Phi cho thấy, chỉ khoảng 10-12% tổng kim ngạch thương mại của châu Phi là thương mại nội khối. Điều này cho thấy châu Phi có mức trao đổi buôn bán giữa các nước trong khu vực thấp nhất thế giới. Thương mại giữa các nước ở Bắc Mỹ là 40%, trong khi của Tây Âu là 60%.

Thêm vào đó, châu Phi xuất khẩu quá nhiều nguyên liệu thô, khiến cho tình trạng xuất khẩu đạt cao nhưng lại tác động không nhiều tới việc làm, tiền lương và đóng góp rất nhỏ vào việc giảm nghèo, thiết lập dịch vụ cơ bản tại châu Phi. Ngoài ra, những thách thức đến với các nền kinh tế châu Phi còn xuất phát từ các khu vực khác nhau. Các nước châu Phi có trình độ kinh tế khác nhau nên thu nhập tính theo đầu người dao động trong khoảng 330 USD/người ở Cộng hòa dân chủ Congo đến 15.000 USD ở Botswana, trong khi chỉ riêng Nam Phi đã tập trung tới 60% hoạt động đầu tư chứng khoán. Bên cạnh các yếu tố liên quan trực tiếp tới việc hội nhập kinh tế còn có những yếu tố bên ngoài gây bất lợi cho tiến trình này. Một trong các yếu tố đó là những vấn đề an ninh do nhóm vũ trang Al-Shabaab hoành hành ở Somalia và các nước láng giềng hay nhóm Boko Haram ở Nigeria. Bất ổn ngăn cản đầu tư nước ngoài và du khách, làm tăng chi phí an ninh, do đó làm giảm thu nhập quốc gia và các nguồn có thể đầu tư vào quá trình hội nhập kinh tế. Các yếu tố thiên tai bao gồm hạn hán, lụt lội không chỉ phá hủy đường sá, cầu cống, mạng lưới điện mà còn gây mất mùa, đe dọa cuộc sống của người dân nơi đây.

Mặt khác, những chuyển đổi kinh tế ở châu Phi hiện mới chỉ ở bước đầu và chưa vững chắc. Không ai có thể đoán trước kết cục của các cuộc cách mạng ở Bắc Phi, với những hệ lụy không giống nhau ở Tunisia và Ai Cập. Trong báo cáo "Triển vọng toàn cầu" công bố ngày 18-1, Bộ phận thông tin EIU thuộc Tạp chí Nhà Kinh tế (Anh), một trong những cơ quan nghiên cứu, tư vấn và dự báo được đánh giá uy tín hàng đầu tại Anh, đã đưa ra những nhận định mới nhất của mình về triển vọng kinh tế toàn cầu 2012, trong đó EIU cho rằng, triển vọng kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) năm 2012 phản ánh những tác động phân kỳ của các cuộc cách mạng tại các nước Arập. Các quốc gia trực tiếp bị tác động bởi bất ổn đã có mức tăng trưởng giảm đáng kể. Các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia sản xuất dầu mỏ, đã và đang có khả năng tăng cường chi tiêu công. Trong năm 2012, bất ổn chính trị và một môi trường bên ngoài thù địch hơn sẽ tác động tới tăng trưởng trong toàn khu vực, tuy nhiên, các nhân tố tiêu cực này sẽ được cân bằng bởi sự đầu tư ồ ạt vào kết cấu hạ tầng tại Saudi Arabia, sự tăng trưởng mạnh tại Iraq và sự hồi phục tại Libya. Về tổng thể, EIU dự báo tăng trưởng GDP của khu vực sẽ tăng lên 4% trong năm 2012, tất nhiên triển vọng này sẽ thay đổi mạnh nếu như các nguy cơ địa chính trị bắt nguồn từ Iran dẫn tới một cuộc xung đột.

Vươn lên trong nghịch cảnh

Năm 2011 là một năm đầy biến động đối với châu Phi cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Các sự kiện dồn dập tiếp nối nhau xuất hiện. Nhà nước non trẻ Nam Sudan được thành lập, “Mùa xuân Arập” đã dậy sóng ở Bắc Phi, xung đột tại Cote d’Ivoire dẫn tới sự sụp đổ của Tổng thống Laurent Gbago, hạn hán và nạn đói tại Somalia. Trong năm cũng đã diễn ra hàng loạt các cuộc bầu cử tại Cộng hòa dân chủ Congo, Nigeria, Ai Cập, Tunisia và Morocco... Bên cạnh đó, châu Âu, một thị trường xuất khẩu quan trọng của châu Phi đang phải đối mặt với vấn đề nợ công, điều này đã có những tác động tiêu cực tới tốc độ phát triển kinh tế ở lục địa đen.

Mặc dù phải đối mặt với không ít những khó khăn nhưng về bình diện chung, tình hình tiếp tục cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực châu Phi cận Sahara là nơi có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với các nền kinh tế phát triển trong năm 2011, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới, khu vực này vẫn đạt tỷ lệ tăng trưởng trên 5%. Kết quả này có được là do những thành quả của kinh tế vĩ mô vững chắc. IMF dự báo "lục địa Đen" sẽ có tỷ lệ tăng trưởng 5,8% trong năm 2012.
Một nhân tố rất đáng lưu ý là nhân tài ở nước ngoài đang trở về làm việc ngày càng nhiều, trong khi đó đầu tư nước ngoài vào châu Phi cũng tăng lên. Năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới giảm 20%, nhưng FDI đầu tư vào châu Phi tăng 16%, đạt 62 tỉ USD. FDI làm cho tiến trình đô thị hóa ở châu Phi được đẩy nhanh hơn và là nhân tố quan trọng thúc đẩy GDP tăng trưởng trong năm 2011.

Điều đáng nói, bất chấp tất cả những yếu tố tiêu cực và bất ổn trên, các nước châu Phi vẫn có những bước đi lớn vượt qua khó khăn, cố gắng đặt nền móng cho CFTA. Mới đây, lãnh đạo các nước thành viên AU đã cam kết đẩy mạnh phát triển hạ tầng và đưa ra những chính sách, điều luật phù hợp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và kêu gọi tăng cường đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án điện lớn, lọc dầu cũng như lắp đặt đường ống dẫn khí đốt, hiện đại hóa đường sắt. Các kế hoạch khác bao gồm việc phát triển các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng sạch, tin cậy và giá cả phải chăng, xây dựng các mạng thông tin băng rộng và cáp quang để thúc đẩy hoạt động kinh doanh qua Internet cũng đã được thông qua. 

Hàng loạt vấn đề trên không thể được giải quyết chỉ trong một sớm một chiều nhưng đây cũng chính là những tín hiệu lạc quan cho thấy châu Phi đang nỗ lực chuyển mình trong bối cảnh mới. Các quốc gia châu Phi đã và đang quyết tâm giải quyết các vấn đề cản trở sự hội nhập kinh tế và họ đã thể hiện quan điểm và cam kết thực hiện điều đó. Tuy nhiên, để có một sự khởi đầu tốt cho quá trình hội nhập, đòi hỏi phải có sự phối hợp và các biện pháp cụ thể hơn nữa giữa các quốc gia thành viên, cũng như trí tuệ và sự tích cực của người dân châu Phi./.
Minh Tâm