Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

1. Hồ sơ chiến tranh toàn cầu của Mỹ

Trong giai đoạn trước Thế chiến 2, Mỹ từng lên kế hoạch tiến hành chiến tranh cùng lúc trên toàn bộ 5 châu lục.
Các nghiên cứu và tài liệu giải mật vừa được công bố cho thấy những bộ óc quân sự hàng đầu nước Mỹ từng dành hàng chục năm để xây dựng hỗn hợp kế hoạch chiến tranh với cả thế giới. Gần như không đất nước hay vùng lãnh thổ nào nằm ngoài tầm ngắm, kể cả các cường quốc hàng đầu thế giới lúc đó, theo tài liệu Top Secret Correspondence to Mobilization được giải mật từ Cục Văn khố quốc gia Mỹ. Kế hoạch vạch ra đường hướng từ bành trướng sang láng giềng Canada, thôn tính Anh, Pháp, Đức… đến xâm chiếm gần như toàn bộ châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật lẫn Đông Nam Á. Dĩ nhiên, khu vực “sân sau” Trung và Nam Mỹ cũng bị nhắm tới.
Từ học thuyết Monroe...
Cuối năm 1823, Tổng thống thứ 5 của Mỹ James Monroe công bố học thuyết mang tên ông khẳng định quyền can thiệp đảm bảo lợi ích của nước này tại hải ngoại. Theo sử liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, học thuyết Monroe khẳng định việc những đế quốc châu Âu tăng cường thực dân hóa hay can thiệp vào các quốc gia châu Mỹ bị xem như hành vi xâm lược. Khi đó, Mỹ có quyền đáp trả và sử dụng đến biện pháp quân sự nếu cần thiết.

Tàu chở lính Mỹ trong cuộc chiến với Tây Ban Nha - Ảnh: Tennessee.gov
Trong luận văn thạc sĩ năm 2010 tại ĐH Liberty, nhà nghiên cứu Keith T.Ressa phân tích khá chi tiết học thuyết Monroe. Luận văn trích dẫn nhận định của nhà sử học lừng danh Dexter Perkins cho rằng chủ thuyết này ban đầu chỉ nhằm phòng ngừa sự trỗi dậy trở lại của một số nền quân chủ tại châu Âu vốn sẽ đe dọa sự tồn tại của Mỹ. Dần dần, nó trở thành cốt lõi cho con đường đế quốc, bành trướng thuộc địa mà Mỹ hướng đến. Trong thực tế, học thuyết Monroe đã trở thành nền tảng cho chính sách đối ngoại của Washington suốt hơn 2 thế kỷ. Giới nghiên cứu cho rằng một số tổng thống thuộc cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa như Theodore Roosevelt, John F.Kennedy hay Ronald Reagan đều có đường lối đối ngoại - an ninh dựa theo các ý tưởng của tiền bối Monroe.
...đến siêu kế hoạch chiến tranh
Hơn 70 năm kể từ khi học thuyết Monroe được công bố, Mỹ không ngừng lớn mạnh sau khi bổ sung một loạt tiểu bang như Louisiana, Florida, Texas, California, Alaska, Hawaii... Tuy nhiên, tính đến thời điểm xảy ra chiến tranh với Tây Ban Nha vào năm 1898, Mỹ chưa có một cuộc chiến giành thuộc địa nào với các nước bên ngoài châu lục. Thêm vào đó, trong cuộc chiến này, Mỹ suýt đối đầu với liên quân Anh, Đức, Nhật, Pháp tại cảng Manila của Philippines. Vì thế, cuộc chiến với Tây Ban Nha đóng vai trò to lớn trong lịch sử Mỹ. Một mặt, nó giúp nước này thâu tóm Philippines, đảo Guam và Puerto Rico, mở ra thời kỳ vượt đại dương tranh giành thuộc địa. Mặt khác, Mỹ nhận ra rằng sẽ có lúc phải đối mặt nguy cơ đồng thời xảy ra chiến tranh với nhiều nước.
Từ học thuyết Monroe và tình hình mới nói trên, Washington quyết định xây dựng một cơ chế phòng ngừa. Theo tài liệu của Cục Văn khố quốc gia, Ủy ban Liên quân (tiền thân của Bộ Tổng tham mưu liên quân Mỹ) liên tục ra đánh giá nguy cơ chiến tranh. Đầu thế kỷ 20, cơ quan này ghi nhận nhiều hoạt động quân sự của các nước và báo hiệu một cuộc chiến giành thuộc địa quy mô lớn sắp xảy ra. Vì thế, chính phủ giao cho Ủy ban Liên quân cùng các chuyên gia xây dựng sẵn những kế hoạch chiến tranh trên khắp toàn cầu. Rút tỉa thêm từ diễn biến và kết cuộc của Thế chiến 1 (1914 - 1918), đến thập niên 1920, các tướng lĩnh Mỹ gần như hoàn thiện một loạt kế hoạch vừa nhằm phòng ngừa chiến tranh vừa là nền tảng để chủ động gây chiến khi cần thiết. Trong đó, mỗi quốc gia hay khu vực tương đương một mã màu. Chẳng hạn như màu đỏ đại diện cho chiến tranh với đế quốc Anh, đỏ đậm là xâm chiếm Canada. Màu đen là đối đầu với Đức, cam tượng trưng cho đối thủ Nhật Bản, xanh lục là Nga, còn màu vàng nghệ đại diện Trung Quốc... Trong đó, kế hoạch xâm chiếm Canada và thôn tính Anh được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất, gần như chỉ còn chờ lệnh của tổng thống là lập tức phát pháo.
Tuy nhiên, giữa lúc giới lãnh đạo Washington còn đang suy xét thì Thế chiến 2 nổ ra nên mọi ý định đều bị gác lại. Dù vậy, các kế hoạch nói trên vẫn vô cùng hữu dụng khi giúp Mỹ tham chiến một cách chủ động, tự tin vì đã có sẵn phương hướng ngay từ đầu. (Còn tiếp)

Sẵn sàng đánh Canada
Theo tài liệu Command Decisions từ Cục Văn khố quốc gia Mỹ, vào đầu thập niên 1920, Mỹ đánh giá Anh là đối thủ lớn nhất của mình. Khi đó, Đức vừa bại trận trong Thế chiến 1, Nga thì nội bộ chưa ổn định còn Pháp và Ý đều không đủ thực lực quân sự. Ngược lại, đế quốc Anh có lực lượng hải quân hùng hậu, thuộc địa khắp thế giới và bị cho là vẫn nuôi ý định tái chiếm Mỹ. Ngoài ra, Anh còn có lực lượng ở Canada nên vẫn là sự uy hiếp thường trực. Vì thế, Mỹ đặc biệt chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng phía bắc.
Theo Daily Mail, năm 1931, anh hùng không quân Mỹ Charles Lindbergh, người đầu tiên bay xuyên Đại Tây Dương, nhận lệnh dùng máy bay tiếp cận đông bắc Canada để tìm kiếm các vị trí kháng cự yếu nhất tại khu vực này. Đến năm 1935, quốc hội Mỹ chuẩn thuận xây 3 sân bay bí mật sát biên giới 2 nước để làm bàn đạp tấn công bằng không quân. Cùng năm, Mỹ tổ chức cuộc tập trận lớn chưa từng có, đưa quân đồn trú và xây dựng các cơ sở tại vùng Fort Drum, cách biên giới chưa đầy nửa giờ di chuyển. Từ đây, Mỹ có thể huy động lực lượng lên đến 6 triệu binh sĩ đổ bộ vào đông Canada. Khi đó, giới tướng lĩnh Mỹ thậm chí đề nghị dùng đến vũ khí hóa học nhằm đảm bảo khả năng chiến thắng.
Trọng Kha
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120322/ho-so-chien-tranh-toan-cau-cua-my.aspx   


Nền tảng thắng lợi cho Thế chiến 2
Các kế hoạch gây chiến trên toàn cầu đã đóng vai trò lớn trong việc giúp Mỹ có được kết cuộc như ý trong đại chiến thế giới.
Lo ngại Anh, Mỹ lập kế hoạch chiến tranh đỏ với mục tiêu khống chế Đại Tây Dương. Trong khi đó, kế hoạch chiến tranh da cam là nhằm thâu tóm các lợi ích của Nhật Bản tại châu Á - Thái Bình Dương. Sau cùng, cả hai kế hoạch này đều là nền tảng cho chiến lược của Washington trong Thế chiến 2, giúp nước này và phe Đồng minh nói chung đánh bại phe Trục.
Chiến tranh da cam
Theo tài liệu Command Decisions từ Cục Văn khố quốc gia Mỹ, hải quân Nhật Bản không ngừng phát triển mạnh mẽ trong 2 thập niên 1910 và 1920. Khi đó, các bộ não quân sự tại Washington cảm nhận rằng Tokyo đang sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn trên khắp châu Á. Xa hơn, giới chức Mỹ còn lo ngại Nhật Bản đổ quân tấn công vùng Caribe giữa lúc Mỹ - Anh giao chiến trên Đại Tây Dương. Đầu thập niên 1920, Mỹ xem Nhật Bản là mối nguy đáng gờm ở Thái Bình Dương và có thể đẩy nước này vào thế “lưỡng bề thọ địch”. Vì thế, kế hoạch tấn công Nhật Bản được giới tướng lĩnh đặt mã màu da cam, khá gần màu đỏ vốn đại diện cho Anh, để thể hiện mức độ nguy cơ cao thứ hai.
Theo nhận định của các chuyên gia lúc đó, nếu đánh nhau với Nhật Bản thì Mỹ sẽ rất bất lợi vì vùng giao chiến cách xa nước này. Ngoài ra, chiến tranh với Tokyo sẽ hầu hết diễn ra ở trên biển nên công tác hậu cần rất quan trọng, trong khi cơ sở của Washington tại châu Á chưa đủ vững vàng. Vì thế, các nhà chính sách quân sự Mỹ vạch kế hoạch sớm củng cố các căn cứ ở phía tây Thái Bình Dương. Hải quân sẽ bổ sung thêm hàng trăm tàu chiến các loại đồn trú tại vịnh Manila của Philippines chứ không duy trì Trân Châu Cảng (Hawaii) là căn cứ lớn duy nhất. Từ Manila, hải quân nước này có thể tấn công lực lượng Nhật tại khu vực Đông và Đông Bắc Á.
Mặc dù vậy, căn cứ Trân Châu Cảng vẫn đóng vai trò then chốt nên được tăng cường hơn 100 tàu chiến cỡ lớn gồm thiết giáp hạm, tuần dương hạm, tàu ngầm. Về Kế hoạch chiến tranh da cam, cuốn War Plan Orange: The US strategy to Defeat Japan, 1897 - 1945 do Viện Nghiên cứu hải quân Mỹ phát hành cung cấp nhiều thông tin chi tiết. Theo đó, tàu ngầm trở thành khí tài chủ đạo để trấn giữ Thái Bình Dương, nhằm ngăn chặn Nhật tràn qua Caribe. Ngoài ra, đầu thập niên 1920, Mỹ không ngừng tìm cách tăng tầm hoạt động của các tàu chiến nước này vì căn cứ Hawaii cách vùng biển Nhật Bản đến 7.000 hải lý. Trong khi đó, tàu ngầm lớp S đóng vai trò chiến lược của hải quân Mỹ chỉ đạt tầm hoạt động 6.000 hải lý. Sau một thời gian nghiên cứu, đến năm 1926, Mỹ nâng cấp thành công 3 tàu ngầm lớp S với tầm hoạt động đến 18.000 hải lý. Ngoài ra, một chiếc khác cũng được cải thiện để có thể hoạt động trên 10.000 hải lý. Kể từ giữa thập niên 1920, tất cả các loại tàu chiến tối tân của Mỹ đều hiện diện ở Hawaii.
Lúc bấy giờ, căn cứ Trân Châu Cảng đóng vai trò quan trọng với lực lượng đồn trú rất lớn nên Washington từ sớm đã lo ngại nơi này có thể trở thành mục tiêu tấn công của Tokyo. Vì thế, giới chức quân sự Mỹ cũng hình thành một kế hoạch phòng thủ cho nhiều kịch bản tấn công khác nhau. Tất cả nhằm sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện với Nhật, lấy Thái Bình Dương làm trung tâm.

Thiết giáp hạm USS West Virginia bị Nhật bắn phá tại Trân Châu Cảng vào ngày 7.12.1941 - Ảnh: Navy.mil
 
Nhảy vào Thế chiến 2
Giữa lúc Mỹ gần như hoàn thiện kế hoạch chiến tranh toàn cầu thì tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, các cuộc tuần hành ủng hộ phát xít vào những năm 1930 tại Mỹ khiến giới lãnh đạo dần nhận ra rằng Đức mới là nguy cơ lớn nhất trên thế giới. Đến giữa thập niên 1930, các bên ngày càng bước gần đến miệng hố chiến tranh với Đức, Nhật, Ý nổi lên là những thế lực hiếu chiến và tham vọng nên quan điểm của giới quân sự Mỹ từng bước thay đổi. Năm 1937, phái đoàn nước này đến Anh để thảo luận xây dựng kế hoạch hợp tác giữa hải quân 2 nước. Mặt khác, Washington chuyển các kế hoạch chiến tranh màu thành Kế hoạch Cầu vồng, vạch ra những kịch bản phản ứng với thế chiến, theo tài liệu Command Decisions. 
Tuy nhiên, giữa lúc Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể thì Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Như đã nói ở trên, giới chức từ sớm đã lập kế hoạch phòng thủ vững chắc cho Trân Châu Cảng nên việc nơi này trở thành mồi ngon cho các máy bay cảm tử của quân Nhật đã gây nhiều thắc mắc. Gần 70 năm sau khi Thế chiến 2 kết thúc, vẫn còn có ý kiến cho rằng Mỹ đoán trước sẽ bị tấn công nhưng chấp nhận hy sinh “con tép” nhằm tạo cớ nhảy vào vòng chiến và bắt “con tôm”.
Với việc chiến trường Thái Bình Dương đột ngột mở ra, Mỹ bắt buộc tăng cường hỗ trợ Anh và phe kháng chiến chống Đức tại Pháp để bảo đảm cầm chân phe Trục tại khu vực tây bán cầu và Đại Tây Dương. Sau đó, Thế chiến 2 đã diễn biến như lịch sử ghi nhận với chiến thắng cuối cùng thuộc về phe Đồng minh.
Nhờ các kế hoạch chiến tranh màu mà Mỹ gần như có sẵn chiến lược cho Thế chiến 2, nhanh chóng giành thế chủ động. Trong các trận chiến trên Thái Bình Dương với Nhật, căn cứ Trân Châu Cảng phát huy hiệu quả đúng như mong muốn trong kế hoạch chiến tranh da cam. Tương tự, các kế hoạch tấn công Anh, Pháp, Ý hay Bắc Phi là nền tảng cho các chiến dịch của quân Đồng minh, với Mỹ làm nòng cốt, tại châu Âu, bao gồm cả cuộc đổ bộ lên Normandy năm 1944.

Kế hoạch Cầu vồng
- Kịch bản 1: Mỹ sẽ đối mặt với chiến tranh toàn cầu mà không có bất cứ đồng minh lớn nào. Khi đó, quân đội sẽ nỗ lực bảo vệ Bắc Mỹ, đảm bảo những lợi ích sống còn tại đây bằng cách kiểm soát toàn bộ khu vực này; sau đó sẽ thiết lập vành đai phòng thủ chiến lược tại Thái Bình Dương kéo dài từ Alaska vòng qua Hawaii đến Panama.
- Kịch bản 2: Mỹ trở thành đồng minh của Anh, Pháp và tham gia hỗ trợ 2 đồng minh tại các chiến trường châu Âu và Đại Tây Dương. Trong trường hợp này, Anh và Pháp đóng vai trò phòng thủ cho Mỹ trên Đại Tây Dương để Mỹ rảnh tay phát động chiến tranh trên khắp Thái Bình Dương.
- Kịch bản 3: Mỹ sẽ không có đồng minh, nhưng Bắc Mỹ chỉ đóng vai trò vành đai phòng thủ. Đụng độ sẽ bùng nổ tại Thái Bình Dương và đây là chiến trường trọng tâm.
- Kịch bản 4: Mỹ cũng không có đồng minh. Nước này sẽ triển khai lực lượng trên khắp tây bán cầu và chuyển quân xuống tận Nam Mỹ ngay khi có cơ hội. Hơn thế nữa, vành đai Thái Bình Dương không chỉ đóng vai trò phòng thủ mà còn là bàn đạp để tấn công Nhật Bản. Điểm cốt lõi của kịch bản này là các bên đều thương vong nặng nề và Washington sẽ giữ thế “ngư ông đắc lợi”.
- Kịch bản 5: Mỹ liên minh cùng Anh, Pháp, hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho 2 đồng minh tại mạn đông Đại Tây Dương, châu Âu và cả châu Phi. Cùng lúc, vành đai Thái Bình Dương cũng được siết chặt. Chờ đến khi liên minh Anh, Mỹ và Pháp thắng lợi tại châu Âu thì 3 nước sẽ tập trung toàn bộ lực lượng tấn công Nhật Bản. Đây chính là kịch bản gần nhất với diễn biến thật sự trong Thế chiến 2, chỉ khác là địch thủ của Mỹ - Anh - Pháp ngoài Nhật còn có Đức và Ý.
Trọng Kha
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120324/ho-so-chien-tranh-toan-cau-cua-my-nen-tang-thang-loi-cho-the-chien-2.aspx 
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120324/dung-do-toan-dien-voi-anh.aspx