Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

2. Chiến lược quốc tế của Trung Quốc trong cục diện biến động của thế giới

Tạp chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá các biến động của cục diện thế giới năm 2011 và các  hướng đi chiến lược quốc tế của Trung Quốc trong tình hình mới.

Nhìn lại tình hình chung của thế giới năm 2011, dường như có thể khái quát bằng một chữ “thay đổi”. Từ “Mùa Xuân Arập-Bắc Phi” hồi đầu năm 2011 tới “Mùa Hè Ấn Độ”, “Mùa Thu Oasinhtơn” rồi tới “Mùa Đông Mátxcơva”, cục diện chính trị quốc tế đang thay đổi; kinh tế Mỹ gắng gượng phục hồi, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu trầm trọng hơn, các nước nhóm BRICS có sự phòng bị trước, cục diện kinh tế thế giới được điều chỉnh; mối quan hệ quốc tế của châu Á-Thái Bình Dương (TBD) và Đông Á cũng đang chuẩn bị điều chỉnh lại; quan hệ Trung-Mỹ đứng trước việc xác định lại vị trí... Vậy nên đánh giá ra sao về cục diện biến động của thế giới, quan sát như thế nào về hướng đi chiến lược quốc tế của Trung Quốc trong cục diện biến động này? 
Khủng hoảng kinh tế thế giới làm đẩy nhanh việc thay đổi trật tự kinh tế quốc tế, vai trò ổn định của nền kinh tế Trung Quốc nổi rõ.
1- Tình hình kinh tế thế giới nghiêm trọng trong năm 2011 
Năm 2011 vừa qua đi, tình hình kinh tế thế giới nghiêm trọng, các hiện tượng nguy hiểm xảy ra liên tiếp. Tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ yếu của thế giới sụt giảm, các nước phương Tây tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính không có cách nào thoát ra, vấn đề nợ công của rất nhiều nước châu Âu nổi rõ, thị trường tài chính quốc tế liên tục rối ren, không ngừng dập tắt sự kỳ vọng của mọi người, thậm chí mang lại cho người ta cảm giác khó nhìn thấy bình minh. Mức tăng trưởng thực tế của nền kinh tế Mỹ năm 2011 được dự đoán thấp hơn 1,7%, năm 2012 khoảng 2,3%, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục ở mức 9%, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ khoảng 17%; tăng trưởng kinh tế của các nước châu Âu có khả năng xích gần con số 0, tỉ lệ thất nghiệp khoảng 10%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên bình quân là 20%, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên Tây Ban Nha thậm chí vượt trên 46%. Bên cạnh đó, sức ép lạm phát của các quốc gia, thị trường mới nổi tăng mạnh; chủ nghĩa bảo hộ với nhiều hình thức tăng lên rõ rệt; tính bất ổn, tính khó lường của sự phục hồi kinh tế thế giới tăng lên. Theo cách nói của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, sự phát triển của kinh tế toàn cầu nổi lên cục diện “hết sức tồi tệ”. Ngoài ra, các điểm nóng khu vực và quốc tế phát sinh hết đợt này đến đợt khác, các thách thức mang tính toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên ngày càng nổi rõ, sự phát triển kinh tế thế giới đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Từ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Luân Đôn đến nay, cục diện mới quản lý kinh tế toàn cầu dần lộ rõ nhưng vẫn khó có thể thích ứng với những thay đổi của cục diện kinh tế thế giới; việc điều chỉnh kết cấu kinh tế thế giới bước đầu lộ diện nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu bức thiết về thay đổi phương thức phát triển của nhân loại; việc sáng tạo khoa học công nghệ ấp ủ những đột phá mới nhưng vẫn chưa hình thành các điểm tăng trưởng kinh tế mới có sức nặng. 
2- Trật tự kinh tế thế giới có những điều chỉnh lớn.
Cuộc khủng hoảng lần này là một thách thức hoàn toàn mới đối với cục diện kinh tế thế giới hiện có, trật tự kinh tế thế giới đã xuất hiện một số điều chỉnh lớn: Thứ nhất, cuộc khủng hoảng đã làm thay đổi tiến trình toàn cầu hóa do Mỹ chủ đạo, nền kinh tế phương Tây bị giáng một đòn nặng nề kể từ sau chiến tranh. Giáo sư Lâm Nghị Phu dự đoán các nền kinh tế phát triển đã bước vào thời kỳ kinh tế chạm đáy trong thời gian tương đối dài. Thứ hai, cuộc khủng hoảng lần này lan nhanh và rộng trong phạm vi toàn cầu, phản ánh hệ thống tiền tệ quốc tệ hiện có - lấy đồng USD làm chủ đạo được hệ thống Bretton Woods xác lập sau chiến tranh tồn tại những khiếm khuyết nghiêm trọng, đã không có cách nào thích ứng với xu thế mới phát triển kinh tế thế giới, cần khẩn trương có những cải cách lớn, xây dựng một khung hợp tác tiền tệ quốc tế có tính đại diện để thúc đẩy đồng tiền dự trữ quốc tế hoàn thiện theo hướng giá trị đồng tiền được ổn định, cung ứng có trật tự, có thể điều phối tổng lượng, về căn bản duy trì sự ổn định của nền kinh tế thế giới và bảo vệ lợi ích kinh tế của các nước. Thứ ba, trong 20 năm qua, một loạt các nền kinh tế mới nổi kể cả Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy đồng thời phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong cục diện kinh tế thế giới. Trong tiến trình quản lý toàn cầu kiềm chế cuộc khủng hoảng tài chính lần này, vai trò của G-20, bao gồm các nền kinh tế mới nổi nổi rõ, cùng nhau thảo luận các vấn đề lớn như quản lý cuộc khủng hoảng và phát triển kinh tế thế giới, thể hiện vai trò hoàn toàn mới chưa từng có của các nền kinh tế mới nổi, và các nước đang phát triển trong cục diện kinh tế thế giới hiện nay. Thứ tư, trọng tâm của cục diện kinh tế thế giới đã xuất hiện dấu hiệu dịch chuyển sang khu vực châu Á-TBD. Thứ năm, nền kinh tế thế giới dường như đang ở trong đêm trước của cuộc cách mạng kỹ thuật, kinh tế mới nổi, phân phối lại các nguồn tài nguyên trong phạm vi toàn cầu, vai trò chiến lược của các nước chủ yếu cũng đồng thời đang được điều chỉnh, làm dấy lên sự quan tâm của mọi người.
Trong bối cảnh này, tính tổng hợp và tính sâu sắc của cuộc khủng hoảng ngày một nổi rõ. Hiệu ứng đến sau của cuộc khủng hoảng tài chính đẩy nhanh sự lan rộng, thâm nhập và phát tác trong lĩnh vực chính trị-xã hội, làm trầm trọng hơn các mâu thuẫn xã hội tiềm tàng đã có, cho thấy những vấn đề mang tính kết cấu ở tầng sâu và những điểm yếu tồn tại trong thể chế chính trị của các nước phương Tây như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Về mặt biểu tượng, sự đối lập chính trị trong nước gay gắt hơn, đảng cầm quyền và đảng đối lập đối chọi gay gắt, các chính đảng liên tiếp thay nhau cầm quyền. Bộ trưởng tài chính của 23 trong số 27 nước thành viên châu Âu rời bỏ vị trí, lãnh đạo của hơn 15 nước lần lượt mất chức. Cục diện chính trị bất ổn dẫn tới nhiều biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng và cải cách xã hội không thể thực thi. Ở nhiều quốc gia và thành phố châu Âu như Anh, các cuộc biểu tình chống đối của dân chúng đã biến thành bạo loạn quy mô lớn, hàng chục thành phố ở các nước như Mỹ, Canađa và Ôxtrâylia đã xuất hiện “phong trào chiếm lĩnh” thanh thế to lớn. Mâu thuẫn giữa sắc tộc và văn hóa gay gắt, thế lực cực hữu trỗi dậy, ở Na Uy, Bỉ và Italia sinh sôi đồng thời dâng cao các hoạt động khủng bố bạo lực. 
Ngoài ra, vấn đề mà châu Âu phải đối mặt không đơn thuần là giải quyết cứu vãn vấn đề thời cuộc hiểm nguy về kinh tế mà là liệu có cần dựa vào thời cơ cứu vãn nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh vấn đề chính trị trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu mà bao thế hệ nỗ lực đạt được sau chiến tranh, tức là dựa vào thời cơ châu Âu ban hành cơ chế chính sách tài chính và tiền tệ trung ương thống nhất, tăng tốc đẩy mạnh tiến trình nhất thể hóa châu Âu. Trong đó, thể chế lãnh đạo của hai đầu tàu Pháp-Đức nổi lên vai trò chính trị then chốt. 
3- Cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu làm dấy lên những suy nghĩ sâu sắc.
Xu thế phát triển của cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu làm cho các đảng cầm quyền và đảng đối lập ở các nước phát triển phương Tây phải suy ngẫm sâu sắc. Chủ nghĩa tự do mới trong lĩnh vực kinh tế, tài chính hóa và hư cấu hóa quá mức nền kinh tế trước đây cũng như chế độ phúc lợi cao trong lĩnh vực xã hội hiện ngày càng bị chất vấn nhiều về mặt lý luận và chính trị; một số cuộc thảo luận nào đó thậm chí bắt đầu đi sâu vào chế độ dân chủ phương Tây trong lĩnh vực chính trị cho tới những khiếm khuyết và vấn đề phát triển của toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa, đồng thời thôi thúc mọi người một lần nữa tạo dựng quan niệm và nhận thức chung từ góc độ so sánh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Sau khi suy ngẫm và kiểm nghiệm, phương Tây đang dốc sức thay đổi đề phát triển, về đối ngoại tích cực bảo vệ đồng thời lợi dụng hết mức ưu thế là những người chủ đạo hệ thống quốc tế để được giúp đỡ và đẩy cuộc khủng hoảng sang nước khác, về đối nội điều chỉnh phương thức phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh. EU một mặt tìm cách thông qua các biện pháp như ký các hiệp ước đồng minh mới, ban hành và thống nhất chính sách tài chính thống nhất phù hợp với đồng tiền, đẩy mạnh việc nhất thể hóa và dồn lực đối phó với cuộc khủng hoảng nợ; mặt khác đề ra và thực thi các kế hoạch trung và dài hạn về giáo dục, khoa học kỹ thuật, ngành nghề và xã hội để tăng cường ưu thế nội sinh. Mỹ thì chú trọng phát triển nền kinh tế thực, trong khi tái thiết giáo dục và cơ sở hạ tầng, tích cực tìm kiếm sự sáng tạo kỹ thuật mới và xác lập điểm tăng trưởng kinh tế mới, đặc biệt là tìm cách phát huy ưu thế của mình trong lĩnh vực Internet, thông qua việc vạch ra quy tắc quốc tế về không gian mạng để tạo dựng trụ cột ngành nghề và kỹ thuật làm chỗ dựa cho ưu thế cạnh tranh và địa vị lãnh đạo toàn cầu, tính chuyện cải cách đồng USD để tạo thuận lợi cho việc tăng cường trở lại địa vị bá quyền tài chính quốc tế. Đương nhiên những cải cách này chưa động chạm sâu đến những vấn đề mang tính kết cấu, cơ chế và tệ nạn bên trên của phương Tây. Đối với những vấn đề mang tính kết cấu và mang tính cơ chế, Mỹ và châu Âu cần phải cải cách cơ chế thu thuế tài chính, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, loại bỏ nhiều mâu thuẫn lớn trong xã hội; cải cách chế độ bầu cử và quản lý dư luận trên mạng, tạo không gian cho lực lượng chính trị thứ ba và công chúng trong thời đại Internet; cải cách chế độ quản lý văn hóa, giáo dục và dân di cư, trong khi đảm bảo an ninh xã hội, tạo môi trường thông thoáng có lợi cho văn hóa đa nguyên và các nhân tài bên ngoài phát huy sức sáng tạo; trong những thay đổi, điều chỉnh của hệ thống quốc tế, để các cường quốc kinh tế mới nổi được chia sẻ quyền lợi hơn nhằm tạo thuận lợi cho việc phát huy vai trò lớn hơn. 
Trong môi trường kinh tế đang suy giảm lớn như vậy, sự đóng góp lớn nhất của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới là sự ổn định của đất nước. Chỉ 5-10 năm trước, Mỹ vẫn là cỗ máy ổn định trong nền kinh tế thế giới. Mấy năm qua, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy rõ vai trò ổn định chiến lược của nước này đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là trong năm 2011. Cho dù kinh tế của Mỹ và châu Âu gặp khó khăn, chỉ cần kinh tế Trung Quốc giữ được ổn định, kinh tế các nước BRICS và Đông Á nhìn chung là ổn định, kinh tế thế giới không thể rối loạn, nghĩa là phương Tây không tươi sáng còn phương Đông sáng sủa. Hiển nhiên, cộng đồng quốc tế nên quan tâm hơn tới điểm ngoặt chiến lược này, nó có ý nghĩa hiện thực hơn so với việc cứ chăm chăm vào vấn đề tỉ giá đồng nhân dân tệ và xuất siêu thương mại. 
Cục diện biến động ở Trung Đông khởi động việc tìm kiếm con đường mới phù hợp với tình hình đất nước của các nước Hồi giáo, kéo theo sự thay đổi của cục diện quốc tế.
1- Trung Đông Bắc Phi tìm kiếm thay đổi trong rối ren.
Nhìn lại những sự kiện xảy ra ở Trung Đông Bắc Phi trong năm 2011, ngoài Xyri vẫn chưa hết rắc rối, về cơ bản tình hình chung là sáng sủa. Cơn địa chấn chính trị của Trung Đông bắt nguồn từ sự kiện tranh chấp dân sự ở Tuynidi, nhanh chóng lan tới toàn bộ khu vực Đại Trung Đông. Mỗi một quốc gia bị tác động ở những mức độ khác nhau, kết quả cũng không hoàn toàn giống nhau. Các nước như Tuynidi, Marốc nhanh chóng bước vào thời kỳ hàn gắn hòa bình về trật tự chính trị trong nước; Libi, Xyri lần lượt chịu sự trừng phạt, can dự đến cả can thiệp quân sự của các nước phương Tây, Xyri đến nay vẫn đang trong rối ren; sự sụp đổ nhanh chóng của Chính quyền Mubarak ở Ai Cập là điều cộng đồng quốc tế không ngờ tới, cũng kéo theo sự thay đổi của cục diện quốc tế của Trung Đông; dưới sự can thiệp quân sự của phương Tây, Chính quyền Gaddafi ở Libi sụp đổ hoàn toàn; Yêmen trở thành nỗi lo lắng buồn phiền của các nước phương Tây, chần chừ do dự có can thiệp hay không, thể hiện rõ thái độ nước đôi. Trước những việc như vậy, cộng đồng quốc tế đặc biệt là phương Tây đã tỏ ra do dự giữa cái gọi là dân chủ, nhân quyền và lợi ích chiến lược các bên, sự ổn định của cục diện quốc tế Đại Trung Đông và tính khó lường về chính trị của những người hùng thất thế. 
Nếu tổng kết cục diện biến động lớn ở Trung Đông năm 2011 mà chỉ đơn giản dùng những từ kiểu tình cảm hóa như “Mùa Xuân”, “Cách mạng” thì rất có thể không có cách nào miêu tả một cách chân thực xác thực. Vậy nhìn chung liệu có thể coi nó là sự tìm kiếm con đường phát triển kinh tế chính trị mới của các quốc gia Hồi giáo Trung Đông Bắc Phi phù hợp với tình hình nước mình? Điều có thể nhận thấy là con đường chính trị dân chủ mà các nước Trung Đông sắp hướng tới cũng sẽ không phải là mô hình của phương Tây. Và điều có thể dự đoán là tiến trình lịch sử này sẽ còn kéo dài trong một thời kỳ lịch sử, đồng thời sẽ có thể trải qua nhiều khó khăn trắc trở hơn. Trong tiến trình này, cục diện các mối quan hệ quốc tế ở Trung Đông rõ ràng cũng sẽ có những thay đổi lớn, nó sẽ không dịch chuyển theo ý chí chính trị của các nước ngoài khu vực, kể cả các nước phương Tây. Quan sát tiến trình biến đổi ở Trung Đông Bắc Phi, vừa phải quan sát sự can thiệp chính trị và quân sự của các nước phương Tây vừa phải chú ý quan sát vai trò chính trị to lớn của các tổ chức quốc tế khu vực và toàn cầu quan trọng như Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Liên đoàn Arập (AL) và Liên minh châu Phi. 
2- Vai trò mới của Mỹ trong cục diện biến đổi lớn.
Đối với vai trò mới của Mỹ trong những biến động lớn lần này, nên có những quan tâm sát sao. Chính sách khác nhau đối với các quốc gia khác nhau ở khu vực Trung Đông của Mỹ trở thành nhân tố bên ngoài quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng cục diện chính trị của những quốc gia này. Lần này, Mỹ chủ động phát huy sức mạnh mềm, đẩy hết những trách nhiệm chủ yếu cho bên thứ ba, làm hết khả năng giảm bớt tổn hại cho lợi ích của Mỹ xuống mức thấp nhất với cái giá thấp nhất, đồng thời tiếp tục duy trì địa vị lãnh đạo. Chính quyền Obama vừa phải nghĩ cách rút quân thuận lợi khỏi Irắc, Ápganixtan, vừa phải kiểm soát cục diện biến động lớn lan khắp khu vực Trung Đông, cho thấy rõ đã vượt quá khả năng của Mỹ. Vì vậy, bất kể là sử dụng biện pháp ngoại giao, thực thi trừng phạt kinh tế hay là sử dụng vũ lực, Mỹ phần nhiều chú trọng thông qua các cơ chế đa phương để dựa vào các lực lượng quốc tế, thúc đẩy các nước đồng minh phương Tây và đối tác khu vực đứng mũi chịu sào phát huy vai trò lớn hơn. Ví dụ, đối với việc can thiệp quân sự vào Libi, Mỹ thúc đẩy Pháp và Anh phát huy vai trò lớn hơn trong khuôn khổ NATO và được “sự trao quyền” của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của AL, chỉ bỏ ra 2 tỷ USD và 6 tháng đã lật đổ được Chính quyền Gaddafi; đối với Xyri, trong khi cùng với EU và các nước đồng minh như Canađa tăng cường trừng phạt, để AL, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đứng ở tuyến trước phát huy vai trò lớn hơn, khi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc chưa được thông qua, thúc đẩy Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lên án Chính quyền Bashar al-Assad tội ác chống lại loài người; đối với Iran, trong khi phối hợp với các đồng minh tăng cường gây sức ép chính trị, quân sự và ngoại giao, thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới; đối với những chính phủ sụp đổ nhanh như Tuynidi và Ai Cập, ủng hộ quân đội các nước này phát huy vai trò chủ đạo, đồng thời Mỹ duy trì sự tiếp xúc chặt chẽ với lực lượng các phe phái của hai đất nước này. Mỹ còn thúc đẩy Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) và Quỹ tiền tệ quốc tế phát huy vai trò, thông qua ủng hộ chính trị và viện trợ kinh tế, gây ảnh hưởng tới tiến trình chính trị dân chủ của Tuynidi và Ai Cập. Đối với Baranh, ủng hộ quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa trấn áp các cuộc biểu tình của dân chúng dưới sự giúp đỡ của các lực lượng bên ngoài, nhanh chóng ổn định cục diện hỗn loạn, đảm bảo cho chính phủ của phái Shiite thân Mỹ và Arập Xêút tiếp tục nắm quyền cũng như sự tồn tại của căn cứ quân sự của Hạm đội 5 của Mỹ ở Baranh. Đối với Yêmen, đảm bảo an ninh cho Ali Abdallah Saleh sau khi từ bỏ chức vị tổng thống, ủng hộ quyền lực của chính phủ được quá độ một cách hòa bình, ngăn chặn chi nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Arập thừa thế bành trướng quá mức. Mỹ đối phó như vậy xuất phát từ những toan tính tổng hợp với nhiều lợi ích hiện thực chứ không phải là sự ủng hộ phát triển dân chủ đơn thuần. Mỹ làm như vậy vừa có thể làm cho lợi ích của Mỹ tổn hại ít nhất với cái giá thấp nhất có thể, vừa có thể tiếp tục duy trì địa vị lãnh đạo của mình. Đúng như lời của Phó Tổng thống Mỹ Biden ở Libi sau khi Gaddafi bị bắn chết, đây là “phương thuốc” mới của Mỹ để can thiệp các công việc toàn cầu trong tình hình mới. 
3- Các nhân tố khó lường.
Dù vậy, liệu chính sách của Mỹ đối với Trung Đông có thể tiếp tục phát triển theo những lộ trình trên hay không vẫn đang tồn tại hai biến số quan trọng. Thứ nhất, sau cục diện biến động, các lực lượng Hồi giáo lần lượt giành được địa vị chủ đạo ở Trung Đông như phong trào Hồi giáo Ennahda ở Tuynidi và tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập v.v… liệu có hàn gắn một cách thích ứng với Mỹ hay không. Thứ hai, Iran tiếp tục kiên định đẩy mạnh kế hoạch phát triển hạt nhân, đồng thời gây ảnh hưởng đối với tình hình Xyri, Libăng và Irắc, liệu Ixraen có tấn công quân sự các cơ sở hạt nhân của Iran từ đó cuốn Mỹ vào xung đột. Nếu nhiều nước Trung Đông và Mỹ xảy ra xung đột quân sự dưới sự chủ đạo của các lực lượng Hồi giáo, nếu Ixraen tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hoặc căng thẳng Mỹ-Iran bùng lên thành xung đột nghiêm trọng thì các chính sách liên quan của Mỹ có khả năng được điều chỉnh, từ đó tác động nghiêm trọng tới sự phát triển của tình hình Trung Đông thậm chí các khu vực khác.
Xu thế dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ đáng được quan tâm, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á-TBD không phải là trò chơi được mất ngang nhau, Trung Quốc là người được lợi và người bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
1- Mỹ dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, quan hệ Trung-Mỹ đứng trước những thách thức mới.
Mấy năm gần đây Mỹ cao giọng tuyên bố quay trở lại châu Á-TBD, và việc này càng được nêu bật trong năm 2011. Trong bài phát biểu ở Hawaii ngày 11/11, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố “thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ.” Mỹ hy vọng phỏng theo mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu để xây dựng một “mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương” với khu vực châu Á-TBD. “Khu vực châu Á-TBD hiện đang đứng trước nhiều thách thức, từ đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông tới đối phó với sự khiêu khích và phổ biến hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tới thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đồng đều, rộng lớn, những điều này đều cần sự lãnh đạo của Mỹ.” Những lời lẽ này rõ ràng thể hiện ý đồ điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ. 
Nói tóm lại, một nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ tìm cách tránh một lần nữa bị cuốn vào Trung Đông, quyết chí hoàn thành nhiệm vụ rút khỏi Irắc, đồng thời tích cực chuẩn bị các công tác cho việc rút quân khỏi Ápganixtan vào năm 2014, là để dịch chuyển trọng tâm chiến lược quốc tế sang châu Á-TBD quan trọng hơn, cấp bách hơn với Mỹ trong tương lai khi mà sức mạnh tổng hợp của Mỹ tương đối sụt giảm. Mỹ “nhấn mạnh trở lại” địa vị lãnh đạo của Mỹ ở châu Á-TBD rõ ràng và kiên định như vậy vừa là để đáp chuyến tàu nhanh phát triển kinh tế của châu Á-TBD nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, vừa là để đảm bảo ưu thế trong một cuộc đọ sức chiến lược mới ở khu vực này. Hiện Mỹ đang cùng lúc bắt tay vào nhiều việc từ kinh tế, chính trị, quân sự cho tới ngoại giao: ra sức đẩy mạnh các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); tăng đồn trú ở Ôxtrâylia, tìm cách có 2500 lính thủy đánh bộ đóng ở Ôxtrâylia; tích cực chen chân và xuất hiện trong các cơ chế đa phương khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á, thúc đẩy cơ chế hợp tác tiểu đa phương ở nhiều tầng nấc như Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Nhật-Ôxtrâylia, Mỹ-Nhật-Ấn để cùng liên kết, hình thành mạng lưới, đồng thời thúc đẩy việc ban hành lại các loại quy tắc quốc tế ở khu vực châu Á-TBD. Điều này không những sẽ trực tiếp gây nhiều khó khăn hơn cho mối quan hệ đối tác hợp tác cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi cùng thắng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà sẽ gây trở ngại nhiều hơn cho Trung Quốc phát triển mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Á, giải quyết hòa bình các tranh chấp còn tồn tại, thậm chí khiến những mâu thuẫn tiềm tàng với nhau gay gắt hơn, từ đó dẫn tới việc tái xây dựng nhiều mâu thuẫn trong khu vực. Nói tóm lại nghĩa là làm cho môi trường quốc tế xung quanh của Trung Quốc trở nên phức tạp, nhạy cảm, nhiều thay đổi, khiến sức ép và mức độ khó khăn của Trung Quốc trong việc bảo vệ ổn định và quyền lợi trong khu vực xung quanh tăng lên rõ rệt.
Rõ ràng, trong một đợt biến động mới của cục diện châu Á-TBD, trò chơi và sự dàn xếp giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực này đã trở thành dòng chính. Chiến lược châu Á-TBD mới được Mỹ ra sức đẩy mạnh trên thực tế là một kiểu phản ứng trước việc ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này liên tục tăng lên trong 10 năm qua và hiệu ứng khu vực của nó. Một mục đích không nói cũng hiểu dường như là đối phó với “sự trỗi dậy của Trung Quốc”, ngăn chặn sự cân bằng chiến lược của khu vực này phát triển theo hướng có lợi hơn cho Trung Quốc, tức là Mỹ muốn thực hiện tái cân bằng chiến lược trong trò chơi với Trung Quốc, tránh bị gạt ra bên lề. Những mâu thuẫn mang tính kết cấu vốn có trong quan hệ Trung-Mỹ như vấn đề kinh tế, bán vũ khí cho Đài Loan chưa được giải quyết, trong khi sự thay đổi mới của khu vực Đông Á trong năm 2011 khiến Trung Quốc lại cảm nhận được sức ép hiện thực mới. Hiện đang có một xung đột tiềm tàng giữa hệ thống đồng minh quân sự của Mỹ ở Đông Á với việc Mỹ và Trung Quốc cùng chung sống ở Đông Á và những trách nhiệm hết sức quan trọng mà cả hai cùng đảm nhận. Do đó, quan hệ hai nước đã bước vào giai đoạn phức tạp hơn và nhạy cảm hơn. Rủi ro xảy ra va chạm và đối kháng giữa hai nước tăng lên rõ rệt, mức độ khó khăn trong việc duy trì quan hệ song phương ổn định và thực hiện cùng có lợi cùng thắng tăng lên, trong khi các lực lượng khác tham gia vào cuộc đọ sức ở khu vực châu Á-TBD lại có dấu hiệu lợi dụng bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ giành nhiều lợi ích. Vì vậy, việc tổ chức lại mối quan hệ quốc tế trong phạm vi toàn bộ khu vực và những thay đổi của tình hình trở nên càng phức tạp rối rắm. Để tránh xung đột, đối kháng gây ra cho Trung Quốc và Mỹ những hậu quả khó có thể chịu đựng, lãnh đạo cấp cao hai nước luôn cố gắng lấy lợi ích chung đã có và ngày càng mở rộng khơi sâu làm cơ sở, tích cực tìm kiếm thông qua các con đường kể cả cơ chế tham vấn các công việc châu Á-TBD để tăng cường trao đổi, giảm bớt hiểu lầm đồng thời tiến hành quản lý cuộc khủng hoảng có hiệu quả. Từ một loạt sự việc xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy, cơ chế quản lý chiến lược Trung-Mỹ ngày càng hoàn thiện đã phát huy vai trò, các cuộc trao đổi song phương đạt được kết quả nhanh chóng, giảm bớt rủi ro xung đột và hiểu lầm. Sự chín muồi của cơ chế quản lý chiến lược Trung-Mỹ cũng được khảo nghiệm và hàn gắn đầy đủ thông qua sự tồn tại và phát sinh của các cuộc xung đột, khủng hoảng tiềm tàng, lợi ích chiến lược chung và cơ chế quản lý hoàn thiện làm cho giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-TBD phần nhiều là chia sẻ chứ không phải là tranh giành, là hợp tác chứ không phải cạnh tranh. 
2- Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-TBD không phải là trò chơi được mất ngang nhau.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực châu Á-TBD không phải là trò chơi được mất ngang nhau, hai nước cũng tuyệt đối không mong muốn dẫn tới sự xuất hiện cục diện Chiến tranh Lạnh mới. Hai nước đều nên nhìn thẳng và coi trọng cục diện chiến lược cùng tồn tại, cùng chung sống ở khu vực rộng lớn này. Trung Quốc không có ý đồ thách thức vai trò chiến lược của Mỹ ở châu Á-TBD. Trung Quốc hiểu và tôn trọng hết mức đối với lợi ích chính đáng của Mỹ ở khu vực này, hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò mang tính xây dựng trong các công việc của châu Á-TBD; Trung Quốc cũng hy vọng Mỹ hiểu và hết sức tôn trọng những lợi ích to lớn của Trung Quốc ở khu vực liền kề và xung quanh truyền thống này, cũng như phát huy những ảnh hưởng chiến lược giàu tính xây dựng. Hai bên nên cùng tôn trọng những mối quan tâm lợi ích chiến lược của mỗi bên, cùng nhau dốc sức tạo dựng và quản lý môi trường chính trị, kinh tế và an ninh khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định lâu dài.
Trước sự thay đổi của môi trường bên ngoài đặc biệt là môi trường xung quanh, Trung Quốc vẫn nên bình tĩnh quan sát và phân tích một cách có lý trí. Nên nhận thấy rằng trong thế tấn công của Mỹ lần này khá nhiều là phô trương thanh thế. Các nước khác thì lại chú trọng thực hiện ngoại giao cân bằng nước lớn, đứng giữa đầu cơ lợi dụng cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ, phần nhiều là miễn cưỡng và do dự khi tỏ ra tốt với Mỹ, lo ngại quá dựa vào Mỹ làm kích động Trung Quốc từ đó không có cách nào tiếp tục chia sẻ lợi nhuận từ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Điều này vừa cho thấy môi trường xung quanh của Trung Quốc chưa từ tốt biến thành xấu, vừa cho thấy các nguồn lực và điều kiện để Trung Quốc tạo dựng môi trường vẫn đang tăng lên cùng với sức mạnh tổng hợp được tăng cường. Vì vậy, trong khi kiên trì chính sách hữu nghị với láng giềng, Trung Quốc cũng nên đổi mới suy nghĩ, tích cực đối phó và chủ động tạo dựng để đối phó với các tình huống mới và vấn đề mới. Đặc biệt là nên đưa Tây Á vào phạm vi xung quanh, lập kế hoạch gắn biển với đất liền, phía Đông và phía Tây, phía Nam và phía Bắc, đưa nhiều lực lượng Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ và Ôxtrâylia vào một bàn cờ để hoạch định, phát huy hết mức ưu thế sân nhà và ưu thế kinh tế, vận dụng tổng hợp các nguồn lực và biện pháp kinh tế, quân sự và ngoại giao, thực hư đan xen, chế ngự các cuộc khủng hoảng, thúc đẩy Trung Quốc, Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc từng bước hình thành khung cùng tác động tích cực, xác lập điểm tựa khu vực mạnh mẽ vững chắc để chủ động tạo dựng môi trường quốc tế có lợi. 
3- Trung Quốc là người được lợi và người bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong vấn đề Biển Đông được làm nóng lên đến mức ngày càng nhạy cảm, điều mà Trung Quốc nên an ủi cộng đồng quốc tế là những thành tựu vĩ đại khiến cả thế giới ngưỡng mộ mà Trung Quốc đạt được từ khi cải cách mở cửa đến nay hoàn toàn là nhờ môi trường hòa bình của khu vực Biển Đông lâu nay, được hưởng lợi từ sự thông suốt và đi lại tự do của tuyến đường quốc tế. Hơn 30 năm qua, tự do hàng hải của tuyến đường thủy quốc tế ở Biển Đông chưa từng bị đe dọa, trong khi được lợi từ đó thì Trung Quốc cũng luôn là người bảo vệ quan trọng cho an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông. Tuy còn tồn tại nhiều tranh chấp quốc tế nhưng hòa bình và an ninh của khu vực biển rộng lớn như Biển Đông có liên quan tới sự ổn định lâu dài của môi trường quốc tế xung quanh Trung Quốc, tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này có liên quan tới sự đi lại tự do và an toàn của tuyến đường thương mại Trung Quốc phụ thuộc vào nhất, ngoài trở thành người bảo vệ hòa bình và an ninh kiên định nhất, Trung Quốc vừa không thể cũng không có lý do phá hoại cục diện hòa bình của khu vực lâu nay vẫn dựa vào. Ngay cả trong vấn đề ở một số đảo, rặng san hô có tranh chấp, Chính phủ Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ chính sách ngoại giao giải quyết bằng phương thức hòa bình, và liên tục tỏ thiện ý. Đối với việc giải quyết vấn đề Biển Đông, Trung Quốc chưa từng gạt bỏ hợp tác quốc tế, nhưng cũng tuyệt đối không cho phép bất cứ quốc gia nào lấy tiền đề là hy sinh sự toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc. Trong tiến trình giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông từ nay về sau, Trung Quốc sẽ trở thành người xây dựng các quy tắc hành vi quốc tế tích cực, người bảo vệ cục diện lớn hòa bình ở Biển Đông, thể hiện khí phách của nước lớn có trách nhiệm của Trung Quốc, làm cho Biển Đông trở thành tuyến đường tự do và biển hòa bình đem lại lợi ích cho các nước khu vực và cộng đồng quốc tế. 
Việc tạo dựng hình tượng quốc tế của Trung Quốc bắt rễ từ việc xây dựng thực lực mềm.
Năm 2011, sức mạnh tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc duy trì xu thế nâng cao nhanh chóng, tiếp tục trở thành một nhân tố quan trọng tác động tới những biến động của cục diện quốc tế. Một mặt, sự nâng cấp mới về địa vị quốc tế cũng như những tác động mới giữa Trung Quốc với thế giới, đã tạo không gian rộng lớn và điều kiện có lợi hơn cho Trung Quốc bảo vệ và mở mang lợi ích của mình theo con đường phát triển hòa bình, cũng tạo điều kiện có lợi hơn cho Trung Quốc có những đóng góp lớn hơn cho sự phát triển và an ninh của thế giới trên các vũ đài rộng lớn hơn. Nhưng mặt khác, các lực lượng chủ yếu trên thế giới lại dồn dập đẩy nhanh điều chỉnh chiến lược nhằm vào những biến động của cục diện quốc tế đặc biệt là nhằm vào sự thịnh vượng đối với khối địa lý châu Á-TBD ở những mức độ khác nhau, đẩy nhanh việc tổ chức lại cục diện khu vực châu Á-TBD, khiến tình hình trở nên rối rắm phức tạp, cũng càng khó lường và đầy rủi ro. Khá nhiều những điều chỉnh và biến động trong đó hoặc là trực tiếp nhằm vào Trung Quốc hoặc là có mối liên quan chặt chẽ với Trung Quốc, những điều này đều sẽ mang lại nhiều biến số và tính khó lường cho môi trường xung quanh Trung Quốc, nhiều nước đã lợi dụng những biến động phức tạp của môi trường xung quanh dưới thiên hướng phát triển hòa bình của Trung Quốc, có những yêu cầu mới cao hơn đối với việc Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược đối ngoại. Trong tình hình đó, xuất phát từ góc độ là một bộ phận quan trọng đang trỗi dậy của nhóm các nước lớn mới nổi, Trung Quốc phải làm cho tương quan lực lượng của cục diện thế giới tiếp tục phát triển theo hướng có lợi cho các cường quốc mới nổi; từ góc độ tăng trưởng và suy giảm của các lực lượng chủ yếu trên thế giới, Trung Quốc phải làm cho so sánh lực lượng giữa Trung Quốc với các nước lớn khác có sự thay đổi hơn nữa; từ góc độ vai trò theo dõi sát sao đối với những biến động của cục diện địa-chính trị toàn cầu, làm cho xu thế hưng thịnh nhanh của khu vực châu Á-TBD càng nổi rõ. Nói tóm lại, nhân tố Trung Quốc trong những biến động của cục diện thế giới nổi rõ hơn nữa, sự tác động giữa Trung Quốc với thế giới tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện, nhiều tầng nấc, nhạy cảm cao, tác động sâu, điều này làm cho “việc tạo dựng hình tượng quốc tế của Trung Quốc” trở thành một cụm từ then chốt khi tổng kết ngoại giao Trung Quốc năm 2011 và triển vọng trong năm 2012. 
Nhiều năm trước, Đặng Tiểu Bình đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc mãi mãi không xưng bá, vĩnh viễn không làm siêu cường. Ngay cả khi Trung Quốc phát triển, lớn mạnh, cũng quyết không làm siêu cường, quyết không bắt nạt nước khác. Những lời nói của Đặng Tiểu Bình khi đó là chân thành, trên thực tế về băn bản đã quy định trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế sau khi Trung Quốc trỗi dậy. Hình tượng quốc tế của Trung Quốc trước tiên bắt nguồn từ sức hội tụ dân tộc to lớn trong nước, từ việc Trung Quốc làm tốt công việc của mình - nền tảng chính trị vững chắc nhất. Để tạo dựng sức mạnh mềm của Trung Quốc thì căn bản là phải xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia tươi đẹp có sức hấp dẫn về văn hóa, chế độ, đạo đức, không những có sức hội tụ đối với toàn thể nhân dân Trung Quốc mà còn có sức hấp dẫn đối với cộng đồng quốc tế. Trung Quốc phải tích cực đẩy mạnh kinh tế thị trường, tích cực xây dựng nhà nước pháp trị và xã hội pháp trị, nỗ lực thúc đẩy các quyền lợi về văn hóa xã hội và chính trị cơ bản cho người dân, đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa. Trung Quốc phải dùng những điều này để xác lập hình tượng cơ bản, căn bản của thực lực mềm của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. 
Vì vậy, điểm dừng chân vẫn phải trở lại với lợi ích căn bản của 1,3 tỷ dân Trung Quốc. Đối với ngoại giao Trung Quốc, đây mới là cơ sở chiến lược bền vững nhất. Lợi ích căn bản của 1,3 tỷ dân được bảo vệ thì những đóng góp của dân tộc Trung Hoa đối với cộng đồng quốc tế chắc chắn là rất lớn. Xuất phát từ điểm này, Trung Quốc rõ ràng sẽ đóng vai trò người bảo vệ hòa bình thế giới rất có trách nhiệm. Sự thực là, Trung Quốc là người được lợi từ môi trường hòa bình quốc tế lâu nay, vì vậy Trung Quốc sẽ không thách thức trật tự quốc tế hòa bình này mà phải là người bảo vệ kiên định môi trường lớn hòa bình quốc tế này. Thực tiễn 30 năm qua đã chứng minh điểm này. Sự phát triển của Trung Quốc không phải là có được từ bom đạn hay thuốc súng mà là được ưu đãi từ môi trường lớn quốc tế hòa bình. Ngày nay Trung Quốc đã phát triển nên lại càng không ngu muội dẫm lên con đường cường quốc đã được lịch sử chứng minh là không suôn sẻ. Con đường đế quốc và ngoại giao pháo hạm mà các nước phương Tây thực hiện trong thế kỷ 19 đã bị nhân dân Trung Quốc từ bỏ từ lâu. Hiện đại hóa quốc phòng của Trung Quốc chỉ nhằm bảo vệ an ninh của mình, chứ không nhằm các mục đích khác. Xu thế hòa bình và phát triển của thế giới ngày nay chưa thay đổi, Trung Quốc vẫn sẽ ở trong môi trường chiến lược quốc tế hòa bình về tổng thể lâu dài. Trung Quốc sẽ kiên trì sự phán đoán chiến lược cơ bản như vậy. Cộng đồng quốc tế sẽ thật sự cảm nhận được điều này từ sự phát triển của Trung Quốc, trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc đối với thế giới, từ những sản phẩm công cộng Trung Quốc cung cấp cho cộng đồng quốc tế, một Trung Quốc lớn mạnh sẽ có đóng góp cho văn minh nhân loại với sức quyến rũ văn hóa đặc biệt của mình.
Theo Tạp chí “Thế giới đương đại”, Trung Quốc
Văn Cường (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/2878-chien-luoc-quoc-te-cua-trung-quoc-trong-cuc-dien-bien-dong-cua-the-gioi