Tranh chấp tại Biển Đông có thể thổi bùng chủ nghĩa dân tộc, gây ra những bất ổn khu vực. Tuy nhiên tranh chấp cũng mang lại cơ hội xây dựng trật tự dựa trên các nguyên tắc và được định hướng bởi các cơ chế quản lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Tranh chấp tại Biển Hoa Đông và Biển Đông vẫn chưa dẫn đến chiến tranh, nhưng những tranh chấp đó có thể thổi bùng chủ nghĩa dân tộc ở các nước và thúc đẩy các liên minh chiến lược. Đồng thời, tranh chấp lãnh thổ tại hai vùng biển này cũng kéo theo những hậu quả gây lo lắng cho hòa bình và an ninh khu vực. Tuy nhiên, tranh chấp cũng mang lại một cơ hội xây dựng trật tự dựa trên các chuẩn tắc, căn cứ trên các nguyên tắc và được định hướng bởi một cơ chế quản lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Lời bình luận
Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông từ lâu đã được xem là một vấn đề quốc gia và khu vực. Mặc dù được đánh giá như điểm nóng, nhưng tranh chấp tại đây vẫn chưa gây ra thảm họa chiến tranh, vì bản thân tranh chấp chưa đủ nghiêm trọng thôi thúc các quốc gia gây chiến lẫn nhau. Bởi những chi phí về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế và quân sự do chiến tranh gây ra trong thời kỳ đương đại là rất lớn.
Những đánh giá như trên đã ngăn chặn các quốc gia không tiến hành chiến tranh ngay cả trong những xung đột gay gắt như ở eo biển Đài Loan hay bán đảo Triều Tiên. Trong ba thập niên vừa qua, khu vực đã quen với việc chứng kiến cảnh căng thẳng đôi khi bùng phát và nhiều vụ đụng độ quân sự xoay quanh tranh chấp biển xảy ra và tình trạng vẫn có thể tiếp diễn.Mặc dù không leo thang chiến tranh nhưng đây chính là một nguyên nhân gây ra tình trạng mất an ninh trong khu vực, đặc biệt đối với những quốc gia nhỏ yếu hơn.
Ý nghĩa chiến lược
Ý nghĩa chiến lược của tranh chấp càng trở nên rõ ràng khi một nước Trung Quốc đang trỗi dậy là một bên tranh chấp quan trọng. Đường chín đoạn do Bắc Kinh yêu sách chiếm 80% biển Đông. Thái độ và cách hành xử của Bắc Kinh trong tranh chấp được ví như thước đo cho cách thức cư xử của Trung Quốc trong tương lai. Những nhận định như trên, cùng với những tuyên bố và hành động của Trung Quốc, có khả năng thổi bùng lên tâm lý chống Trung Quốc và nhen nhóm chủ nghĩa dân tộc của các nước, nâng cao lòng hận thù vốn có từ lâu và ảnh hưởng tới các mối quan hệ liên minh trong khu vực. Những bên yêu sách nhỏ yếu hơn có thể hướng tới các quốc gia mạnh hơn như Mỹ để ngăn cản và chống lại thái độ quyết tâm cứng rắn của Trung Quốc. Mặc dù Mỹ khó có thể bị lôi kéo vào những tranh chấp này, nhưng cái-gọi-là chiến lược “xoay trục về Châu Á”, cùng với những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Clinton hồi tháng 11/2010, đã được diễn giải rộng rãi tại Châu Á trong bối cảnh đó.
Những quan hệ liên minh chiến lược cạnh tranh, nếu xảy ra, sẽ khiến chính trị sử dụng sức mạnh tại khu vực an ninh Châu Á trở nên đáng lưu tâm hơn, điều này có khả năng ảnh hưởng xấu tới trật tự dựa trên các quy tắc trong đó ASEAN là trung tâm. Trong quá trình thiết lập trật tự khu vực, sẽ vẫn có những quy tắc nhưng xu hướng nghiêng về việc dùng sức mạnh đang định hình rõ rệt hơn thay vì dựa vào những nguyên tắc. Các tranh chấp cũng có thể ảnh hưởng tới ASEAN với tư cách là một thể chế và trong vai trò đảm bảo hòa bình và an ninh tại Châu Á. Thất bại của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 45 khi không đưa ra tuyên bố chung được đánh giá là một cản trở lớn đối với Hiệp hội này. Tuyên bố chung về các nguyên tắc của ASEAN được thông qua ngay sau đó phần nào giảm bớt khó khăn nhưng vẫn khó có thể sửa chữa tổn thất cho danh tiếng của Hiệp hội.
Nhấn mạnh tới quản lý và giải quyết tranh chấp
Với mục đích bảo vệ các yêu sách, từ lâu chiến lược của các quốc gia luôn nhấn mạnh tới việc duy trì kiểm soát các đảo tranh chấp trên thực tế, trong các lĩnh vực chính trị, hành chính và kinh tế cũng như tới việc ngăn cản về chính trị, ngoại giao và quân sự. Một số quốc gia nỗ lực mở rộng hiện diện thực tế của họ. Các chiến lược được các nước thành viên ASEAN thông qua bao gồm cả việc gạt tranh chấp sang một bên, để lại cho thế hệ sau giải quyết và điều hòa quan hệ với các bên yêu sách khác, nhất là Trung Quốc.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN tập trung vào quản lý tranh chấp, với công cụ chính làTuyên bố về biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và những nỗ lực tiếp sau tuyên bố nhằm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử. Những chiến lược quốc gia và khu vực thể hiện tính thực dụng và chỉ nhằm mục đích đáp ứng các lợi ích ngắn hạn. Tuy nhiên, các chiến lược này cũng để ngỏ cho khả năng xảy ra căng thẳng định kỳ và đụng độ quân sự song song với những hậu quả đáng lo ngại tiềm tàng.
Để ngăn cản được khả năng xảy ra căng thẳng và đụng độ, điều quan trọng là giải quyết các tranh chấp. ASEAN nên bắt đầu xem tranh chấp không chỉ là vấn đề để quản lý mà còn là cơ hội để tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực, và đó là cách thức để xây dựng trật tự dựa trên quy tắc, mà nền tảng là các nguyên tắc. Do đó, ASEAN nên chủ động không chỉ trong việc quản lý mà cả trong việc giải quyết tranh chấp. Những lợi ích dài hạn hơn của tất cả các quốc gia-an ninh quốc gia, phồn thịnh kinh tế, ổn định quốc tế và nội bộ-cùng với lợi íchcủa ASEAN với tư cách là một thể chế về mặt cố kết, vai trò và năng lực, được thúc đẩy thông qua việc giải quyết tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng trật tự căn cứ vào các quy tắc tại Châu Á. Giải quyết tranh chấp cũng thể hiện thiện chí và năng lực từ phía những quốc gia Châu Á trong việc xử lý các vấn đề tác động tới nhiều nước trong số họ. Giải quyết hòa bình không chỉ là lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn mà còn trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho Bắc Kinh thể hiện vai trò xây dựng và đảm bảo cho tất cả các nước rằng Trung Quốc đang tham gia trò chơi bằng nguyên tắc và quy tắc do nước này cổ súy-như chủ quyền, bình đẳng, công lý và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Giải quyết tranh chấp cũng tránh được hoặc giảm bớt tình hình liên minh chiến lược mà Bắc Kinh dùng dưới thuật ngữ chính trị “chiến tranh lạnh”. Thái độ hung hăng liên tục của Trung Quốc sẽ làm lu mờ hình ảnh của nước này trong khu vực và toàn cầu và góp phần vào hình thái chính trị dùng sức mạnh mà nước này đang cố gắng tránh. Giải quyết tranh chấp cũng là nhân tố thúc đẩy lâu dài trong quan hệ của Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á. Khi giải quyết tranh chấp chưa ngã ngũ, tất cả các bên có trách nhiệm không đẩy tranh chấp lên mức độ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia cốt lõi. Tình trạng leo thang sẽ làm quá trình giải quyết tranh chấp đi xa hơn. Đối với các bên yêu sách của ASEAN, điều quan trọng là tránh thiết lập các liên minh chiến lược có thể tạo điều kiện cho chính trị sử dụng vũ lực trong khu vực.
Các cơ chế giải quyết tranh chấp
Đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp vốn không có cơ hội thành công. Ngoại trừ tranh chấp quanh bãi cạn Scarborough, tất cả các tranh chấp khác tại Biển Đông đều là đa phương. Vậy ai là người quyết định các bên xung đột? Thậm chí trong trường hợp tranh chấp song phương, đàm phán sẽ không tiến triển trong bối cảnh các bên vẫn giữ lập trường cứng rắn và không có thiện chí thỏa hiệp. Chịu ảnh hưởng từ các yêu sách chủ quyền, nhiều cuộc đối thoại và một vài đề xuất về khai thác chung vốn có từ lâu cũng không đạt được bất cứ tiến triển nào..
Tất cả các tranh chấp lãnh thổ (song phương và đa phương) tại Biển Đông nên được giải quyết qua con đường đệ trình các tranh chấp lên một cơ quan khu vực hay quốc tế có thẩm quyền xét xử hoặc trọng tài. Với công thức này, không nước nào có thể đơn phương thỏa hiệp hay phủ nhận yêu sách của mình. Quyền đưa ra một quyết định của một quốc gia cũng không được thỏa hiệp. Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán sẽ thể hiện được sự tôn trọng pháp luật và tính toán kỹ lượng của các quốc gia Châu Á. Điều này sẽ giải quyết được vấn đề hóc búa, đồng thời tăng cường hòa bình, an ninh và trật tự trong khu vực.
Điều quan trọng là tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc-một chủ thể quan trọng trong khu vực, cần cân bằng lợi ích cục bộ với các lợi ích quốc gia lớn hơn và việc đảm bảo lợi ích của toàn khu vực. Hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích khu vực lớn hơn là điều kiện tiên quyết cho các cường quốc quan trọng có trách nhiệm trong quá trình xây dựng một trật tự khu vực lành mạnh.
Tài phán quốc tế: tiền lệ và vấn đề
Đệ trình lên một cơ quan quốc tế không phải là không có tiền lệ trong khu vực. Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Cam-pu-chia đều đã từng đưa các vụ việc lên Toà án công lý quốc tế (ICJ). Gần đây, Nhật Bản đề xuất rằng tranh chấp biển với Hàn Quốc được đưa ra giải quyết thông qua ICJ.
Mặc dù có một số tiền lệ, việc đưa tranh chấp ra cơ quan quốc tế sẽ không dễ dàng hay không phải là không có vấn đề. Những nước lớn thường phản đối việc sử dụng kênh tài phán quốc tế vì họ tin rằng có thể sử dụng sức mạnh và vai trò ảnh hưởng của họ. Ngược lại, việc đưa ra cơ quan tài phán quốc tế có tiềm năng nâng cao sức mạnh tinh thần (moral power), tầm ảnh hưởng và thúc đẩy vai trò quốc tế của một quốc gia. Sức mạnh tinh thần vượt lên trên sức mạnh cứng.
Lập trường do một số bên yêu sách đưa ra rằng không chấp nhận đưa ra tài phán quốc tế, một số diễn biến mới đây như chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc, làn sóng nội bộ gia tăng phản đối In-đô-nê-xi-a khi đưa tranh chấp Sipadan và Ligitan ra ICJ được xem là những nguyên nhân ngăn cản việc đưa tranh chấp Biển Đông ra một cơ quan quốc tế. Tuy nhiên, những nhận định như trên vốn tác động đến chiến thuật và thời gian, không có tác dụng trong cách tư duy mới mẻ kêu gọi kết hợp chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng.
ASEAN là đầu tàu
Giải quyết tranh chấp bằng giải pháp đưa ra cơ quan quốc tế đòi hỏi tất cả các bên yêu sách, đặc biệt là ASEAN với vai trò là một tổ chức, có sự phối hợp mới mẻ và nhuần nhuyễn. Trong thời gian cụ thể, các bên phải xác định cụ thể thành phần của cơ quan quốc tế, phạm vi hoạt động, chuẩn bị các lập trường quốc gia. Quan trọng nhất là các bên yêu sách phải chuẩn bị chính sách để chấp nhận phán quyết quốc tế.
Ở cấp độ khu vực, ASEAN đóng vai trò vô giá: ASEAN có sức mạnh tinh thần, chức năng thuyết phục và tầm ảnh hưởng cũng như thẩm quyền triệu tập mà không quốc gia đơn lẻ nào có được. ASEAN nên là đầu tầu trong việc thăm dò và định hình một cách nghiêm túc ý tưởng biến vấn đề tồn tại trở thành cơ hội. Mặc dù sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tinh thần kiên trì quản lý và giải quyết tranh chấp có thể khôi phục lại uy tín của ASEAN.
Tác giả Tun Hussein Onn, Nghiên cứu quốc tế tại ISIS Malaysia. Ông cũng nghiên cứu cao cấp không thường trực tại cơ quan CEIP (Carnegie Endowment for International Peace), Washington DC. Quan điểm trên đây là của cá nhân tác giả và không phản ánh quan điểm của các cơ quan ông làm việc tại đó.
Theo RSIS
Lan Hương (dịch)