Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

3. Trở ngại trong hợp tác biển đảo giữa Đài Loan và Trung Quốc Đại lục

Sự mập mờ trong ngôn từ “Trung Quốc” trong địa vị chính trị của Đài Loan và tính cạnh tranh giữa hai đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng sẽ là những trở ngại chính trong hợp tác biển đảo giữa Đài Loan và Trung Quốc.

Giữa lúc cuộc vận động bảo vệ đảo Điếu Ngư (Nhật Bản – Senkaku) một lần nữa lên đến đỉnh điểm, ngày 19/7, báo chí Đài Loan đã đưa tin về kết quả thăm dò dân ý trong dân chúng Đài Loan có hợp tác, ủng hộ hai bờ hợp tác đấu tranh trong tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư hay không, cho thấy “một nửa số người ủng hộ hai bờ hợp tác”. Trước sự việc này, người phát ngôn Ủy ban đại lục thuộc Viện Hành chính (Chính phủ) Đài Loan nhấn mạnh đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của “Trung Hoa Dân quốc”. Trước đó một tuần, người phát ngôn này đã nói rõ với báo chí rằng lập trường của lãnh đạo Đài Loan rất rõ ràng, “Trung Hoa Dân quốc” kiên trì chủ trương có chủ quyền đối với cụm đảo Điếu Ngư và Nam Trung Hoa (Biển Đông), “không thể hợp tác với Trung Quốc đại lục”.
Trong khi có sự lên tiếng từ phía chính phủ kêu gọi hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư chưa bao giờ khẩn thiết như hiện nay, nhà cầm quyền Mã Anh Cửu lại tiếp tục duy trì chính sách đã định, khiến cho việc bảo vệ đảo Điếu Ngư giữa hai bờ chỉ dừng lại ở bình diện xã hội trong dân chúng mà thôi. Vậy phía sau chính sách của Đài Loan về đảo Điếu Ngư là những tính toán gì? Hai bờ còn có cơ hội hợp tác bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư nữa hay không? 
I- Bảo vệ chủ quyền.
 Khác với Lý Đăng Huy sau khi mãn nhiệm tuyên bố “Đài Loan chỉ có quyền đánh bắt cá chứ không có chủ quyền”, cũng như khác với Đảng Dân Tiến tuyên bố “tuy có chủ quyền nhưng ưu tiên quyền đánh cá”, lập trường của Chính quyền Mã Anh Cửu về chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư và chính sách bảo vệ chủ quyền hiện nay lại trên cơ sở “Hiến pháp một Trung Quốc” của “Trung Hoa Dân quốc”, tiếp theo là lập trường nhất quán của Quốc Dân đảng về chủ quyền đảo Điếu Ngư, theo đó “kiên trì giải quyết hòa bình quyền sở hữu và tranh chấp chủ quyền”. Chính quyền Mã Anh Cửu tuyên bố “Trung Hoa Dân quốc có chủ quyền đối với cụm đảo Điếu Ngư, tới đây sẽ vẫn toàn lực bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư và bảo vệ an ninh cho ngư dân nước ta (Đài Loan)”; “Xét tình hình tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư hoàn toàn không thể giải quyết hoàn hảo trong thời gian ngắn, chính phủ nước ta (Đài Loan) chủ trương không nên giải quyết tranh chấp này bằng vũ lực, mà cần xử lý bằng phương thức hòa bình”, cần “khai thác chung, cùng chia sẻ tài nguyên”. 
Từ năm 2008 đến nay, trong nhiều lần khủng hoảng chủ quyền đảo Điếu Ngư, Chính quyền Mã Anh Cửu đều tuyên bố lập trường chính sách của mình một cách kịp thời, rõ ràng và nghiêm túc. Có tài liệu thống kê cho thấy từ tháng 5/2008 đến cuối năm 2011, Chính quyền Mã Anh Cửu đã hơn 20 lần liên tục cho đăng các bài viết và ra tuyên bố về vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư. Từ tháng 1 năm nay trong khi Nhật Bản nhiều lần khiêu khích, Mã Anh Cửu, Viện Hành chính (Chính phủ), Ủy ban Đại lục, thậm chí cả “Bộ Quốc phòng” đều đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền và phản đối việc làm của Nhật Bản. Mã Anh Cửu cho biết rõ “Nhật Bản chiếm đoạt đảo Điếu Ngư là một sự thực lịch sử”, “chúng ta một tấc cũng không nhân nhượng”.
Trong khi kiên trì lập trường ở đảo Điếu Ngư, Mã Anh Cửu cũng đồng thời tỏ rõ thực chất, có biện pháp bảo vệ chủ quyền tượng trưng. Cuối năm 2009 Chính quyền Mã Anh Cửu đã sửa đổi lại một loạt “đường cơ sở lãnh hải, lãnh hải và ranh giới bên ngoài khu giáp ranh đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc”, trong đó bao gồm cả đảo Điếu Ngư, đó là lần đầu tiên kể từ khi công bố vào năm 1999, Chính quyền Mã Anh Cửu sửa lại đường cơ sỏ lãnh hải. Trên cơ sở đó, Chính quyền Mã Anh Cửu không ngừng gia tăng mức độ ủng hộ “bảo vệ đảo Điếu Ngư”, nhấn mạnh bảo đảm an toàn cho những người bảo vệ đảo Điếu Ngư theo pháp luật, đồng thời điều tàu của “Sở hải tuần” đến hộ tống ở vùng biển liên quan. 
Xét từ góc độ pháp lý theo đó “hai bờ cùng thuộc một Trung Quốc”, việc bảo vệ chủ quyền lẽ ra phải giúp tạo ra sự hiểu ngầm với nhau về việc cùng bảo vệ chủ quyền hai bờ để quốc tế nhận biết về cơ sở pháp lý nói trên được tốt hơn, nhưng vì sao việc hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư lại luôn chỉ dừng lại ở bình diện dân chúng, còn khó khăn trong hợp tác bảo vệ chủ quyền về mặt chính quyền giữa hai bờ vẫn không giảm bớt? Từ lâu nay, tiếng nói kêu gọi hai bờ liên kết bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư và cùng khai thác tài nguyên Biển Đông không ngừng xuất hiện, nhưng từ năm 1996 đến nay nhà cầm quyền Đài Loan luôn giữ khoảng cách, né tránh liên kết với Đại lục. Sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, tuy nhiều lần tuyên bố chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư nhưng trên bình diện hợp tác bảo vệ lại giữ khoảng cách rõ rệt, cho biết rõ không liên kết với Đại lục ở cấp độ chủ quyền. Mã Anh Cửu nói “việc tranh chấp chủ quyền liên quan đến đảo Điếu Ngư, hiện nay giữa Đài Loan và Đại lục chỉ có mỗi bên tự phản đối Nhật Bản chứ không có vấn đề về hai bên cùng phản đối”. Sau hành động phản đối Nhật Bản bằng tàu bảo vệ “Toàn gia phúc” của một số người Đài Loan ngày 4/7 sử dụng cờ 5 sao để tượng trưng chủ quyền, Mã Anh Cửu tuyên bố rõ đó là việc “không thể chấp nhận”. Trong vấn đề bảo vệ đảo Điếu Ngư, việc Mã Anh Cửu không muốn liên kết với Đại lục chủ yếu có những tính toán gì? 
II- Tranh cãi chủ quyền giữa hai bờ 
Trước khi quan hệ chính trị có bước đột phá, việc hai bờ hợp tác bảo vệ đảo Điếu Ngư có rất nhiều trở ngại mang tính kết cấu. Vấn đề định hướng chính trị luôn là nhân tố căn bản gây trở ngại cho hợp tác bảo vệ chủ quyền. Xã luận trên “Thời báo Trung Quốc” của Đài Loan ngày 18/9/2010 cho rằng “Chính phủ Trung Hoa Dân quốc bảo vệ chủ quyền ở nhóm đảo Điếu Ngư là điều không có gì phải lo sợ, nhưng hai bờ muốn hợp tác thì đó là điều không tránh khỏi liên quan đến vấn đề là chủ quyền đảo Điếu Ngư cuối cùng sẽ thuộc về Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Trung Hoa Dân quốc? Các nước khác cũng sẽ vì hợp tác hai bờ mà nghi ngờ địa vị chủ quyền của Trung Hoa Dân quốc”. Xã luận cũng khẳng định “trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nếu Đài Loan tự thể hiện quan điểm của mình thì ngược lại, sẽ là cơ hội để Đài Loan bước lên vũ đài quốc tế”; Đài Loan kiểm soát đảo Thái Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, nhóm đảo Điếu Ngư nằm trong vùng biển kinh tế của Đài Loan, dù bàn định thế nào, giữa các nước muốn đạt đến hiệp định, sẽ đều không thể bỏ qua Đài Loan, như vậy mới là phương thức thể hiện chủ quyền thực chất hữu hiệu nhất”.
Có học giả Đài Loan nói trong điều kiện quốc tế đều cho rằng “Trung Quốc” chính là Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì “hợp tác hai bờ sẽ khiến nước khác nghi ngờ về địa vị quốc gia chủ quyền của Đài Loan, cũng không tránh khỏi thắc mắc rằng chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư và chủ quyền Biển Đông cuối cùng sẽ thuộc về Đại lục hay Đài Loan”. Trong vấn đề chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư, thậm chí còn có học giả kiến nghị phải “vứt bỏ” cách nói đảo Điếu Ngư là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”, để đổi lại gọi nhóm đảo Điếu Ngư là “các đảo thuộc về Trung Hoa Dân quốc”, để Đài Loan có quyền giao thiệp với Nhật Bản. Đúng như học giả Đài Loan đã nói: “Dù xem xét về an ninh quốc gia hay lợi ích quốc gia, vấn đề mấu chốt vẫn là tự chúng ta phải nghĩ đến vấn đề Đài Loan được công nhận là quốc gia như thế nào”. Biểu hiện ý dân nói trên đã thể hiện tư duy chính sách của nhà cầm quyền Đài Loan: Nếu Đài Loan kiên trì chủ quyền ở đảo Điếu Ngư và Biển Đông thì phải kiên trì địa vị độc lập có chủ quyền, không kiên trì được tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền thì chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư và Biển Đông sẽ không phụ thuộc theo đó được. Vì thế, trước khi giải quyết vấn đề định vị chính trị giữa hai bờ, nhà cầm quyền sẽ không có bất cứ động tác liên hợp nào với Đại lục trên bình diện chủ quyền, giới hạn cuối cùng của nhà cầm quyền Mã Anh Cửu là vừa phải có lập trường dân tộc, lại vừa phải có tính chất chủ thể, còn về cấp độ khai thác tài nguyên sẽ có hồi đáp sau. Chính quyền Mã Anh Cửu cho biết “đối với bất cứ sáng kiến nào về hợp tác khai thác, chính phủ sẽ đều đánh giá thận trọng, và có sự quyết định phù hợp nhất với lợi ích quốc gia của nước ta”. Ngày 2/9/2010 “Cục trưởng Cục báo chí” Đài Loan Giang Khởi Thần nói rằng “về ý tưởng cùng khai thác, nếu không làm tổn hại đến chủ quyền, cũng không dẫn đến tranh chấp thì sẽ có thể xem xét để tham gia”.
Ngày 5/8/2012 đứng trước tình hình tranh chấp đảo Điếu Ngư và khu vực khác ở Đông Bắc Á, Mã Anh Cửu đề xuất “sáng kiến hòa bình Đông Hải (biển Hoa Đông)”, đại ý: Các bên liên quan tự kiềm chế, không leo thang hành động đối lập; Gác lại tranh chấp, không từ bỏ liên lạc đối thoại; Tuân thủ luật pháp quốc tế, xử lý tranh chấp bằng phương thức hòa bình; Tìm kiếm tiếng nói chung, nghiên cứu đưa ra quy tắc ứng xử biển Hoa Đông; Xây dựng cơ chế, hợp tác khai thác tài nguyên biển Hoa Đông.
III- Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á liên kết gây sức ép
Việc Mỹ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á liên kết gây sức ép đối với nhà cầm quyền Mã Anh Cửu, đề phòng hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền cũng là nguyên nhân chính khiến nhà cầm quyền Mã Anh Cửu băn khoăn lo lắng hiện nay. Cùng với sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đại lục tăng lên, để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ đã mở rộng ảnh hưởng chính trị, quân sự của họ ở châu Á – Thái Bình Dương, không ngừng củng cố “Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật”, tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh giữa Mỹ với Hàn Quốc, giữa Mỹ với Nhật Bản – Ôxtrâylia, và giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, Mỹ đã nửa kín nửa hở ủng hộ Nhật Bản gây tranh chấp để cân bằng với Trung Quốc. Tháng 8 năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố đảo Điếu Ngư “vẫn dưới sự quản lý hành chính của Nhật Bản, ‘Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật’ năm 1960 vẫn có hiệu lực đối với lãnh thổ do Nhật Bản quản lý”. Vì thế, “Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ vẫn áp dụng với nhóm đảo Điếu Ngư”. Liệu ý đồ chiến lược của Mỹ có thực hiện được hay không, vấn đề này cũng cần có sự phối hợp của nhà cầm quyền Đài Loan. Cùng với quan hệ hai bờ được cải thiện, Mỹ cũng luôn tỏ ra nghi ngờ về lòng thành thực của nhà cầm quyền Đài Loan trong hợp tác với Mỹ. Tháng 6 năm 2010, sau khi xảy ra sự kiện tàu Cheonan, chuyên gia thuộc Phòng nghiên cứu Quốc hội Mỹ Shirley Kan đã công khai thắc mắc “vì sao Đài Loan với tư cách là đồng minh lâu dài của Mỹ lại không thống nhất lập trường với Mỹ, với Nhật Bản và Hàn Quốc để khiển trách Bắc Triều Tiên tấn công tàu Cheonan của Hàn Quốc? Trong xử lý quan hệ với Trung Quốc đại lục, Mỹ yêu cầu nhà cầm quyền Mã Anh Cửu phải dứt khoát giữ vững lập trường của đồng minh. Cựu trợ lý phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Randy Schriver nhắc nhở Đài Loan, “trong khi cải thiện quan hệ với Trung Quốc, phải đồng thời tỏ rõ thái độ Đài Loan vẫn là một thành viên của mặt trận dân chủ, như vậy mới có thể đứng vững được ở vị trí chiến lược đúng đắn trong tình hình biến động mới ở châu Á – Thái Bình Dương”. Ngày 16/8/2010, Cựu chủ tịch Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan Natale H. Bellocchi trong một bài viết nói rằng “ý đồ của nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn muốn thôn tính Đài Loan”, “Đài Loan cần giữ vững tự do và dân chủ, chỉ có đứng trong mặt trận dân chủ, xây dựng mối quan hệ bình đẳng và công bằng với các nước khác có cùng tâm nguyện, cùng ý chí mới đảm bảo được lâu dài và tốt nhất cho hòa bình ổn định ở khu vực”.
Với sự ủng hộ của Mỹ, thái độ của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư trở nên cứng rắn và liều lĩnh hơn. Nhật Bản cho rằng hợp tác hai bờ bảo vệ chủ quyền sẽ gây tổn thất và nguy hại cực lớn đối với lợi ích và an ninh của Nhật Bản. Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản Kazama Naoki cho rằng hai bờ liên kết sẽ khiến cho “toàn bộ khu vực biển trong chuỗi đảo thứ nhất đều trở thành nội hải của Trung Quốc, việc ngăn chặn Trung Quốc bành trướng hoặc bảo vệ tuyến sinh mệnh trên biển của Nhật Bản sẽ hết sức khó khăn, liên quan đến sự sinh tử của Nhật Bản”. Bởi tác hại của trận động đất năm 2011, không những lãnh thổ Nhật Bản bị thu hẹp mà kinh tế cũng chịu ảnh hưởng kép do cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu cộng với thiên tai, từ đó bị co hẹp cả về lãnh thổ và tài nguyên, địa dư để thỏa hiệp cũng tiếp tục thu hẹp. Để đề phòng, ngăn chặn hai bờ hợp tác, Chính phủ Nhật Bản thi hành cả hai biện pháp cứng và mềm đối với nhà cầm quyền Đài Loan. Một mặt, động tác cứng rắn tuyên bố chủ quyền ở đảo Điếu Ngư diễn ra liên tục, mặt khác dụ dỗ Đài Loan, hy vọng có được bước đột phá trong tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư. Tháng 12/2010, tại “Diễn đàn Đài Loan – Nhật Bản” lần thứ 9 tổ chức tại Đài Bắc, nhiều chính khách và thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Dân chủ Tự do ở Nhật Bản tham gia diễn đàn đã đồng thanh lên tiếng gác lại tranh chấp chủ quyền với Đài Loan, liên lạc trao đổi trước với nhau trong các công việc nghề cá; thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Kazama Naoki lần đầu tiên loan tải thông tin liên lạc thông suốt với Đài Loan về vấn đề tranh chấp đảo Điếu Ngư. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Shore Nobuo đề xuất quân đội Đài Loan và Nhật Bản hợp tác an ninh trên biển, tổ chức diễn tập cứu hộ cứu nạn trên biển để tăng cường quan hệ song phương. Nhật Bản còn dựa vào cơ hội tái thiết sau thiên tai, dành một phần công việc khôi phục các nhà máy cho Khu trung tâm khoa học Đài Nam của Đài Loan. 
Sau khi nhận rõ ý đồ chiến lược của hai nước Mỹ - Nhật, một số nước ở Đông Nam Á cũng có ý đồ đe dọa, dụ dỗ Đài Loan để Đài Loan “xem xét lại chính sách một Trung Quốc”, đề phòng Đài Loan liên kết với Đại lục, gây bất lợi cho họ trong vấn đề Biển Đông. Đối với nhà cầm quyền Đài Loan vốn lệ thuộc nghiêm trọng vào Mỹ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh thì liên kết với Đại lục sẽ là có ý đồ chiến lược chống lại Nhật Bản, tách khỏi “mặt trận dân chủ”, và như vậy nghĩa là “chiến lược an ninh quốc gia” lâu dài của Đài Loan đã thay đổi triệt để, điều đó đối với nhà cầm quyền Mã Anh Cửu, không nghi ngờ gì sẽ là một thách thức to lớn và khó có thể gánh chịu nổi. Vì thế, nhà cầm quyền Mã Anh Cửu với thực lực yếu nhược sẽ buộc phải liên tục cam kết ủng hộ “an ninh Mỹ - Nhật”, từ đó nhiều lần tỏ cho thấy “tuyệt đối không có chuyện liên kết với Trung Quốc chống lại Nhật Bản”. 
IV- Tư duy Chiến tranh Lạnh và trạng thái mơ hồ của tâm lý “thân Mỹ xa Trung Quốc” 
Tư duy Chiến tranh Lạnh và tâm lý “thân Mỹ xa Trung Quốc” tồn tại trên khắp Đài Loan. Trong tâm trạng đó phe màu Lam (Quốc dân đảng) ở Đài Loan không muốn thấy Đại lục hoàn toàn kiểm soát Biển Đông để làm “nguy hại đến” an ninh trên biển của Đài Loan nên lấy lập trường dân tộc làm ranh giới cuối cùng, hy vọng các bên duy trì cân bằng thế lực ở Biển Đông, đồng thời củng cố lực lượng phòng vệ hiện hữu của Đài Loan ở đây. Để hoàn thành việc đo vẽ bản đồ tầng san hô thềm lục địa ở vùng biển xung quanh Đài Loan, thể hiện với thế giới phạm vi vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế mà Đài Loan chủ trương, tháng 4 năm 2009 Đài Loan hợp tác với các nhà khoa học Mỹ đi trên tàu điều tra của Mỹ, tiến hành đo đạc tầng san hô ở vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa ở vùng biển Đông Sa mà chưa được Trung Quốc Đại lục cho phép, bị tàu hải giám ở khu vực thềm lục địa của Trung Quốc xua đuổi, Đài Loan cũng theo giọng nhà khoa học Mỹ trên tàu tuyên bố “hải quân Trung Quốc không có quyền đuổi chúng tôi!”, từ chối lệnh cảnh cáo của tàu hải giám đại lục yêu cầu rời khỏi khu vực đó. Tâm lý “thân Mỹ xa Trung” của nhà cầm quyền Đài Loan chỉ qua đó cũng thấy rõ toàn bộ. Tháng 8/2010, trong khi đến chào Viện trưởng Viện Lập pháp (Quốc hội) Đài Loan Vương Kim Bình, thượng nghị sĩ Mỹ Arlen Specter đã thắc mắc thái độ của Trung Quốc Đại lục trong vấn đề Biển Đông quá cứng rắn, Vương Kim Bình đã dẫn thực tế về việc Đài Loan “có quân trú đóng ở Biển Đông” làm dịu bớt được nghi ngờ của Mỹ, hàm ý bộc lộ trong đó cũng tương đối rõ ràng.
Phe màu Lục (Đảng Dân Tiến) lại càng cực lực ngăn cản việc hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền coi đó như một công cụ để bao vây Trung Quốc nên họ đã đề xuất tư tưởng “liên kết với Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc” trong vấn đề Biển Đông. Có học giả thuộc phe màu Lục thậm chí còn đề xuất “lợi ích chiến lược của Đài Loan và Nhật Bản trong việc bao vây Trung Quốc là thống nhất nên phải thành lập cơ chế hợp tác an ninh trên biển với Nhật Bản”. Trong vấn đề Biển Đông, phe màu Lục đề xuất tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN, liên kết ngăn chặn lực lượng của Đại lục bành trướng ở Biển Đông. Tháng 9/2010, một bản báo cáo đánh giá của “giới tinh hoa Đài Loan” cho biết “Đài Loan không thể tiếp tục quá thân với Trung Quốc”, “tránh rơi vào tình thế ‘liên kết với Trung Quốc để kiềm chế bên ngoài’ phá vỡ chuỗi đảo bao vây”. Bài viết trong mục “Tuần chuyên luận” trên tờ “Thời báo tự do” cho rằng việc Mỹ thực hiện “chính sách lôi kéo đối với Trung Quốc đã cho kết quả hoàn toàn ngược lại”. “Vì thế hiện nay phải áp dụng chính sách hiện thực hơn, liên kết với nước châu Á ngăn chặn bá quyền Trung Quốc”, kêu gọi Mã Anh Cửu sớm tỉnh ngộ, không được “biến Đài Loan thành ‘Bắc Triều Tiên thứ hai’”.
Tác hại của tư duy Chiến tranh Lạnh và tác hại của tâm lý “gần Mỹ xa Trung” cũng như “liên kết với Nhật Bản chống Trung Quốc” cũng khiến cho nhà cầm quyền Mã Anh Cửu luôn có thái độ xa cách với Đại lục trong vấn đề đảo Điếu Ngư. 
V- Tính toán cân nhắc bầu cử 
Trong bối cảnh đối lập giữa hai xu hướng thống nhất và độc lập trên đảo như hiện nay, nếu hai bờ bắt tay trên bình diện chủ quyền, Quốc dân đảng lo ngại sẽ cho Đảng Dân tiến chiếc “chuôi cầm” để “lệch về trung gian bán Đài Loan”, không có lợi cho tình hình bầu cử “Ủy ban lập pháp” (Quốc hội) và bầu cử tổng thống. Sự khác biệt lớn nhất trong cách nhìn nhận của Đảng Dân Tiến về vấn đề Đảo Điếu Ngư so với nhà cầm quyền Mã Anh Cửu là ở chỗ, phải cố gắng hết sức xử lý vấn đề bằng cách định vị tranh chấp trong nghề cá để khỏi mắc lỗi với Mỹ và Nhật Bản. Đối với quan điểm chủ quyền của nhà cầm quyền Mã Anh Cửu và lập trường đối lập gay gắt với Nhật Bản trên bình diện này lại càng hết sức không chấp nhận được, vì vậy Đảng Dân Tiến đã nhiều lần công kích dữ dội, tô hồng để bôi đen việc làm của nhà cầm quyền Mã Anh Cửu trong các lần khủng hoảng ở Đông Hải (Biển Hoa Đông) và Biển Đông, nói rằng Mã Anh Cửu đã “bằng mọi giá xa lánh đồng minh của Đài Loan như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc để tỏ lòng thành với Trung Quốc”, “mà lại cùng giọng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên”, “cùng căm thù kẻ địch chung với Trung Quốc”, “lập trường xa Nhật Bản gần Trung Quốc” của Mã Anh Cửu như vậy đã rõ. Về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ hai của Mã Anh Cửu, phe màu Lục (Đảng Dân tiến) cũng đề xuất quan điểm về vấn đề Mã Anh Cửu “quá coi trọng hai bờ, coi nhẹ Mỹ”. Ngô Chiêu Nhiếp, vị “đại diện thường trú tại Mỹ” đầu tiên của Đài Loan là người của Đảng Dân Tiến nói, “vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ là an ninh, phía Mỹ có phàn nàn về chi phí quân sự dành cho Đài Loan quá thấp. Tới đây, khi đẩy mạnh chế độ chiêu mộ quân toàn diện, kinh phí chi cho nhân sự sẽ nhiều hơn chi cho vũ khí, đó là một trong những lo ngại của phía Mỹ. Trong vấn đề khu vực, Đài Loan và Mỹ cũng cần hợp tác chặt chẽ hơn; Mỹ đề xướng tự do hàng hải ở Biển Đông, Đài Loan chưa tỏ thái độ; Trong sự kiện ‘tàu Cheonan’ năm 2011, việc tiếng nói ở hai bờ như nhau khiến Mỹ ngạc nhiên, nếu Đài Loan không chấp nhận ý kiến của phía Mỹ nhiều hơn nữa thì dần dần sẽ làm xói mòn độ tin cậy lẫn nhau giữa Đài Loan và Mỹ”.
Trong khi Đảng Dân tiến mượn thời để tự tung tự tác, gây chia rẽ, ly gián quan hệ giữa nhà cầm quyền Mã Anh Cửu với Mỹ và Nhật Bản, để làm lắng dịu nghi ngờ, nhà cầm quyền Mã Anh Cửu lại càng không thể dễ dàng mở rộng hợp tác với Đại lục. Về việc Bộ Quốc phòng Đại lục đề nghị “trên cơ sở nguyên tắc một nước Trung Quốc, vấn đề gì cũng có thể bàn được, trong đó bao gồm cả việc Đại lục dỡ bỏ tên lửa hướng tới Đài Loan”, ngày 30/7/2010, Ủy viên lập pháp thuộc Quốc dân Đảng Lâm Uất Phương cho biết Đài Loan “không thể lập tức chấp nhận trước đề nghị này, nếu không thì trong nước sẽ lập tức bị phe màu Lục chụp cho chiếc mũ đỏ, trên trường quốc tế cũng khó tránh khỏi băn khoăn lo lắng của các nước Mỹ, Nhật Bản, cho rằng Đài Loan quá ngả sang Trung Quốc”. Xã luận của “Thời báo Trung Quốc” ở Đài Loan ngày 18/9/2010 nói, hai bờ hợp tác làm một việc, “nhất là trong thời điểm này, bất đồng trong nội bộ Đài Loan vẫn lớn, tăng thêm rối loạn không cần thiết, không có lợi cho việc xây dựng tiếng nói chung”. 
Đặc biệt khi bước vào nhiệm kỳ hai, quỹ đạo phát triển hòa bình quan hệ hai bờ cơ bản đã được dọn đường, trọng tâm trong bốn năm tới của Mã Anh Cửu sẽ là mở rộng quan hệ quốc tế, trong đó trọng tâm ngoại giao sẽ là mở rộng quan hệ kinh tế thương mại. Mục tiêu trung tâm trong đó sẽ là sớm tham gia “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)”. Vì thế, để thực hiện mục tiêu này, việc củng cố quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, Nhật Bản, EU và các nước Đông Nam Á sẽ hết sức quan trọng đối với nhà cầm quyền Đài Loan hiện nay. Với động lực của lợi ích kinh tế thương mại, trong nhiệm kỳ này Mã Anh Cửu sẽ thực hiện đường lối thân Mỹ, tăng cường thêm một bước quan hệ tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Đài Loan. Mã Anh Cửu đã nói với Chủ tịch Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan Raymond F.Burghardt, “giữ cho quan hệ Đài Loan – Mỹ vững chắc và ổn định là hạt nhân trong chính sách ngoại giao của Trung Hoa Dân quốc”. Như vậy, Mã Anh Cửu một lần nữa lại cho thấy Đài Loan sẽ không bắt tay với Trung Quốc Đại lục can thiệp tranh chấp lãnh thổ với các nước xung quanh. Mã Anh Cửu nói “tất cả mọi việc làm có lợi cho an ninh và hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều có thể ủng hộ, Đài Loan sẽ không bàn bạc với Đại lục về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở châu Á, sẵn sàng hợp tác với nước khác cùng phát triển và tìm kiếm nguồn tài nguyên biển”. 
VI- Sự hiểu ngầm nào đó 
Từ trước đến nay chính sách của nhà cầm quyền Đài Loan là “không liên kết với Đại lục”, tự bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư, nhưng sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền quan hệ hai bờ được cải thiện, giữa hai bờ tuy không có hành động công khai nhưng trong thực tế vẫn có sự hiểu ngầm nhau ở mức độ nào đó trong việc liên kết bảo vệ đảo Điếu Ngư. Trước mắt hai bờ vẫn chưa có được ý kiến thống nhất trong việc xác định địa vị chính trị của Đài Loan, Nhật Bản và thế lực “Đài Loan độc lập” trên đảo vẫn luôn mưu toan gây chia rẽ, lợi dụng bất đồng nói trên nhằm đạt mục đích chia để trị, nhưng nhà cầm quyền hai bờ đều có thể lấy đại cục làm trọng, tạm gác lại bất đồng đương đầu với Nhật Bản. Cả hai đều cho rằng “chủ quyền đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc” mà không truy cứu xem hàm nghĩa của “Trung Quốc” cuối cùng là gì. Thực tế mơ hồ như vậy đã để lại không gian cho hợp tác hai bờ. Chính sự hiểu ngầm đã tạo cơ sở để hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là sự hiểu ngầm lớn nhất. 
Hai nữa là sự hiểu ngầm trong hành động chống lại Nhật Bản. Năm 2008, tàu chiến Nhật Bản đã bắn chìm tàu cá “Liên hợp” của Đài Loan và bắt Trưởng tàu của Đài Loan. Trước việc làm như vậy, Đài Loan tích cực gây sức ép yêu cầu phía Nhật Bản thả người, xin lỗi và phải bồi thường. Chính phủ Trung Quốc cũng không nề hà thời cơ nhạy cảm sắp diễn ra Thế vận hội Olympic, đã phê chuẩn cho các nhân sĩ bảo vệ đảo Điếu Ngư mà trước đó chưa có tiền lệ được đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc phản đối. Tháng 7/2010, tàu cá “Toàn gia phúc” của Đài Loan đến vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư để thực hiện hành động bảo vệ Điếu Ngư, Sở hải tuần Đài Loan cũng điều tàu của mình đến bảo vệ, trong khi Đại lục tích cực giao thiệp với nhà cầm quyền Nhật Bản, cảnh cáo Nhật Bản “không được áp dụng bất cứ hành động nào gây tổn hại đến sự an toàn về người và tài sản của tất cả mọi người, trong đó có đồng bào Đài Loan”. 
Trước đây, hai bờ không thể chung tay bảo vệ đảo Điếu Ngư, trở ngại lớn nhất là trạng thái đối địch lâu dài giữa hai bờ, hai bên cơ bản thiếu tin cậy lẫn nhau. Cả hai tuy đều chủ trương “Trung Quốc” có chủ quyền ở đảo Điếu Ngư nhưng phía Đài Loan cho rằng quan hệ căng thẳng với Đại lục thậm chí có lúc còn nghiêm trọng hơn cả quan hệ đối đầu với Nhật Bản. Trong thời kỳ cầm quyền của cha con Tưởng Giới Thạch, sau đó là Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển, Đài Loan luôn coi Nhật Bản là đồng minh, thông qua Nhật Bản đối trọng với Đại lục. Trong khi xem xét các mâu thuẫn chính phụ, sự lựa chọn của nhà cầm quyền Đài Loan hiển nhiên là “không hợp tác với Đại lục bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, chính sách “hòa với Đại lục” của Mã Anh Cửu tuy vẫn còn khoảng cách so với chính sách “kết bạn” với Nhật Bản, nhưng quan hệ hai bờ cuối cùng đã xuất hiện bước ngoặt mang tính lịch sử, hai bên đã sơ bộ xây dựng lòng tin chính trị, giữ quan hệ tích cực. Trong điều kiện đó, nhân tố kìm hãm lớn nhất để hai bờ hợp tác đã được loại bỏ, hợp tác hai bờ đã xuất hiện cơ hội lịch sử mới. 
So với bất cứ nhà lãnh đạo nào ở Đài Loan, Mã Anh Cửu cũng là người có thái độ tích cực và lập trường kiên định nhất trong việc bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư. Trong “phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư” của những năm 1970 trước đây, Mã Anh Cửu đã là người tổ chức tích cực. Luận văn Tiến sĩ của Mã Anh Cửu ở Đại học Harvard cũng là vấn đề liên quan đến đảo Điếu Ngư, có tên “Bàn về vấn đề phân định ranh giới cụm đảo Điếu Ngư và Đông Hải (Hoa Đông) từ góc nhìn của luật biển mới”, luận văn này còn được xuất bản vào năm 1986. Sau khi lên nắm quyền, Mã Anh Cửu luôn tích cực ủng hộ hoạt động của những người bảo vệ đảo Điếu Ngư. Năm 2005, khi ngư dân Đài Loan bị Nhật Bản gây khó khăn trong tác nghiệp ở vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư, với tư cách là Thị trưởng Đài Bắc, Mã Anh Cửu đã thể hiện ngôn luận về một trận “quyết chiến với Nhật Bản bằng mọi giá để bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Năm 2008, sau khi trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, ngôn luận và chính sách của Mã Anh Cửu đối với Nhật Bản có phần thu hẹp, nhưng lập trường cơ bản vẫn chưa thay đổi. Tháng 11/2008, nhà cầm quyền Mã Anh Cửu đã phê chuẩn đơn xin của những người bảo vệ đảo Điếu Ngư trong dân chúng Đài Loan để thành lập “Hiệp hội bảo vệ Điếu Ngư Trung Hoa”, khiến cho phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư lần đầu tiên chính thức có tổ chức. Sau khi Nhật Bản đâm chìm tàu cá “Liên hợp” của Đài Loan, Mã Anh Cửu thậm chí còn phát đi tuyên bố có ý “động viên quân sự”. Người phát ngôn của Mã Anh Cửu lúc đó là Vương Uất Kỳ nói rằng “trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Mã Anh Cửu trước đây là thanh niên có nhiệt huyết, nay vẫn là trung niên nhiệt huyết”. 
Ở mức độ nào đó, hai bờ cùng bảo vệ lợi ích biển đảo vừa là tiếng nói chung, cũng vừa là cơ sở dân ý trong việc hợp tác giữa hai bờ.
Theo Tạp chí “Tri thức thế giới” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, số tháng 8/2012
Quốc Trung (gt)
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2883-tr-ngi-trong-hp-tac-bin-o-gia-ai-loan-va-trung-quc-i-lc