Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

8. Giải quyết vấn đề-Cách làm ở các nước và lời khuyên cho phụ huynh Việt Nam

15-09-2012
TS.Nguyễn Kim Dung
Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm Tp.HCM 
Giải quyết vấn đề - Cách làm ở các nước
Ở các nước, trẻ được dạy tư duy giải quyết vấn đề từ rất sớm. Các nhà giáo dục quan niệm rằng trẻ em về bản chất đã là những người có khuynh hướng/mong muốn giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh trường mầm non từ những thời gian đầu trẻ đi học – nơi các trẻ tương tác với nhau và tham gia vào việc đưa ra quyết định – đã cung cấp cho trẻ muôn vàn cơ hội để trẻ phát triển năng lực giải quyết vấn đề của mình. Đây là những trải nghiệm quan trọng cho trẻ để học cách trân trọng các kiểu tư duy khác biệt, tư duy có cơ sở và sáng tạo và có khả năng đóng vai trò tích cực trong thế giới của trẻ.
Giải quyết vấn đề - Cách làm ở các nước
Ở các nước, trẻ được dạy tư duy giải quyết vấn đề từ rất sớm. Các nhà giáo dục quan niệm rằng trẻ em về bản chất đã là những người có khuynh hướng/mong muốn giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh trường mầm non từ những thời gian đầu trẻ đi học – nơi các trẻ tương tác với nhau và tham gia vào việc đưa ra quyết định – đã cung cấp cho trẻ muôn vàn cơ hội để trẻ phát triển năng lực giải quyết vấn đề của mình. Đây là những trải nghiệm quan trọng cho trẻ để học cách trân trọng các kiểu tư duy khác biệt, tư duy có cơ sở và sáng tạo và có khả năng đóng vai trò tích cực trong thế giới của trẻ.
Trẻ em sử dụng kỹ năng giải quyết vấn đề liên tục khi chúng có cơ hội trải nghiệm và khám phá, khi chúng chọn đồ chơi và khi chúng chơi với nhau. Nếu chúng ta cho trẻ làm việc theo nhóm, trẻ sẽ cố gắng thể hiện mình và hợp tác với bạn mình để thực hiện công việc được giao. Trẻ thường hay đặt ra các câu hỏi về thế giới xung quanh, để cho trẻ tự tìm hiểu sẽ khuyến khích khả năng giải quyết vấn đề. Ở các nước, trẻ được động viên tìm hiểu thông qua các phương tiện nghe nhìn để trả lời các câu hỏi mà tất cả trẻ nhỏ đều quan tâm: “Con cá sống ở đâu?”, “Tại sao mây bay được?”, “Âm thanh đó đến từ đâu?”, “Các bạn nghĩ sao nếu chúng ta xây thêm một tầng nhà (đồ chơi) nữa?”.
Trong trường học, chúng ta thường chia việc học của trẻ em ra làm các lĩnh vực như: cảm xúc, xã hội, sáng tạo, nhận thức và thể chất. Tuy nhiên, ở các nước, các nhà giáo dục khuyến khích giáo viên quan sát trẻ chơi, và nhận thấy rằng trẻ em đều tìm cách giải quyết vấn đề ở tất cả các lĩnh vực đó. Khuyến khích và giúp trẻ rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề sẽ tạo điều kiện cho trẻ phát triển tiềm năng tốt nhất.
Hiện nay, các nhà giáo dục và thực hành giáo dục có khuynh hướng khuyến khích giáo viên giúp trẻ phát triển các kỹ năng sau đây để trở thành những người giải quyết vấn đề hiệu quả:
Tư tuy toàn diện (total thinking)
Tư duy sáng tạo và tư duy phê phán là các thành phần chủ yếu của kỹ năng giải quyết vấn đề.
Tư duy sáng tạo là năng lực nhìn vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Điều này có thể là việc nhìn vấn đề ở cách khác cách mọi người hay làm, đưa ra các sáng kiến hoặc sử dụng đồ vật theo một cách khác, độc đáo hơn. Nền tảng của một người sáng tạo là sự sẵn sàng thử nghiệm, mạo hiểm thậm chí có thể phạm lỗi.
Để khuyến khích trẻ trở thành người có tư duy sáng tạo, bạn cần giúp trẻ trở thành người có năng lực tư duy lưu loát và mềm dẻo. Người có tư duy lưu loát có thể dễ dàng đưa ra ý tưởng; người có tư duy mềm dẻo có năng lực nhìn thấy các khả năng khác nhau hoặc nhìn nhận sự vật hay tình huống theo cách khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kỹ năng giải quyết vấn đề không được hình thành ngay mà cần phải có nhiều hoạt động để giúp trẻ rèn luyện. Thường các nước khuyến khích giáo viên và phụ huynh giúp trẻ:
• Nghĩ nhanh (Brainstorm). Yêu cầu trẻ trả lời ngay các câu hỏi có nhiều đáp án đúng để trẻ có thể trở thành người có tư duy lưu loát. Cố gắng đưa ra các câu hỏi mà trẻ quan tâm hoặc về lĩnh vực mà trẻ ưa thích (tránh làm cho trẻ nghĩ rằng chúng đang phải ‘trả bài’) hoặc khi chúng đang ở trong tình huống cần phải giải đáp các câu hỏi đó (Bây giờ mình phải đi đâu? Quẹo trái hay quẹo phải để đến nhà bà ngoại?). Ví dụ: khi trẻ đang thảo luận với nhau về ban đêm, phụ huynh có thể giúp trẻ bằng cách đặt ra các câu hỏi về tại sao chúng ta thắp đèn vào ban đêm, về những người làm việc vào ban đêm và trẻ thích làm gì khi chúng tỉnh dậy vào nửa đêm.
 Phát biểu suy nghĩ. Giúp trẻ trở thành những người biết tư duy mềm dẻo bằng cách yêu cầu các em nhận xét về sự vật hoặc tình huống cụ thể nào đó. Lưu ý rằng các hoạt động này chỉ có hiệu quả khi chúng đang ở bối cảnh có vấn đề chứ đừng áp đặt và bắt chúng phải ‘giả vờ’ như đang ‘học’. Ví dụ: Con gái bạn đang cần một cái nón để đóng kịch và không tìm ra được cái nón đó. Khuyến khích con xem có những cái gì khác có thể thay thế được cái nón không? Hoặc có cách nào làm ra được cái nón không? Hoặc, trong khi bạn đang đọc sách cho con bạn nghe, con bạn có vẻ mặt buồn buồn. Hãy khuyến khích con bạn cho biết các lý do làm cho con buồn.
Tư duy sáng tạo là năng lực tư duy nhằm chia nhỏ một vấn đề hay một ý tưởng ra làm nhiều phần khác nhau và phân tích chúng. Phân loại, sắp xếp và so sánh sự khác nhau và giống nhau là điều cần thiết cho kỹ năng quan trọng này. Kỹ năng sáng tạo còn có thể được gọi là tư duy logic.
Bạn có thể giúp trẻ giải quyết vấn để bằng cách giúp trẻ hiểu rằng việc chia nhỏ các vấn đề là cách tốt nhất để hiểu và giải quyết chúng.
 Các thách thức. Khuyến khích trẻ thực hành tư duy sáng tạo và logic bằng cách đặt ra các câu hỏi mở, như “Có bao nhiêu cách để giải quyết các vấn đề này?”, “Làm thế nào để xây được các loại nhà khác nhau từ các thanh gỗ có nhiều kích cỡ này?”
Lắng nghe. Đặt các câu hỏi về sự vật và đứng gợi ý cho trẻ là một cách khác để giúp trẻ thể hiện tư duy phê phán. Khi một đứa trẻ băn khoăn: “Tại sao khi đứng ngoài trời thì con có một cái bóng trên mặt đất mà vào nhà thì không có?” hoặc “Tại sao con không thấy có gió nữa?”, bạn đừng trả lời ngay mà hãy khuyến khích trẻ thể hiệu suy nghĩ của mình.
Vai trò của phụ huynh
Ở các nước, phụ huynh giúp con mình củng cố kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất bằng cách cung cấp các nguyên liệu, đồ vật hay tạo ra các hoạt động cụ thể chứ không trả lời thay hay có thái độ chấp nhận sự ‘thua cuộc nhanh chóng’ của trẻ.
Sau đây là các cách chính mà phụ huynh thường làm để giúp trẻ phát triển tốt:
Cho trẻ nhiều thời gian trong ngày để trẻ chọn các hoạt động mà chúng quan tâm ở các cấp độ khác nhau. Các tình huống chơi tự do sẽ tạo vô vàn các cơ hội cho trẻ để xác định và giải quyết vấn đề
Làm theo sự lãnh đạo của trẻ. Bằng cách quan sát sự giao tiếp và các vấn đề của trẻ, phụ huynh có thể hỗ trợ chúng bằng cách làm theo các ‘hướng dẫn’ và ‘yêu cầu’ của chúng để thực hiện mục đích.
Củng cố các giải pháp của trẻ. Cho trẻ biết rằng phụ huynh đánh giá cao các ý tưởng và nỗ lực của trẻ.
Mở rộng và phát triển các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề. Đặt ra các câu hỏi mở về các hoạt động nhằm giúp trẻ xem xét các vấn đề mà chúng đang cố gắng giải quyết theo cách mới và khác.
Làm sao để khuyến khích trẻ - Ccá kiến nghị dánh cho phụ huynh Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, phụ huynh ở các nước có nền giáo dục phát triển khuyến khích trẻ tư duy độc lập và tự giải quyết các vấn đề của mình và chỉ cần đến sự tư vấn của người lớn khi chúng không giải quyết được. Theo nghiên cứu của chúng tôi, và thực tế cho thấy, phụ huynh Việt Nam thường ‘làm thay’ cho trẻ và ‘răn dạy’ trẻ từng ‘đường đi nước bước’ và ngại trẻ vấp ngã hay sai phạm.
Chúng ta có thể rút kinh nghiệm và tham khảo cách giúp trẻ phát huy năng lực giải quyết vấn đề - vốn được xem là chìa khóa của các thành công sau này. Lời khuyên của chúng tôi: Hãy đặt mình vào các vai trò như sau: quan sát viên, hỗ trợ viên, hướng dẫn viên và hình mẫu để quan sát, khuyến khích, giao tiếp như một đồng đội và chia sẻ ý tưởng với trẻ về cách chúng giải quyết vấn đề.
Như một quan sát viên:
Lùi ra sau và xem trẻ tự giải quyết vấn đề. Đôi lúc sẽ rất dễ khi chúng ta nhảy vào và giải quyết vấn đề dùm trẻ hay chỉ chúng cách ‘đúng’ nhất nhưng nhảy vào quá sớm hoặc chỉ cho trẻ cách làm có thể làm triệt tiêu tư duy sáng tạo và kỹ năng tự giải quyết vấn đề của trẻ, làm cho trẻ ỷ lại, dựa dẫm và không còn muốn cố gắng khi tất cả mọi thứ đã có bạn hoặc người lớn giải quyết thay. Thay vì làm thế, bạn nên lùi lại, quan sát trẻ và để trẻ phát huy hết tiềm năng của mình. Nên biết rằng có thể cách giải quyết vấn đề của trẻ không phải lúc nào cũng là sáng tạo, mà có thể là một điều làm bạn ‘ngứa’ mắt, khác thường, hỗn độn (do chúng sử dụng dụng cụ hoặc nguyên liệu theo cách của chúng). Bạn cần tập cách chấp nhận điều đó để trẻ được tự do phát triển tư duy của chúng.
Tập trung vào quá trình mà trẻ đang tham gia. Hãy kiên nhẫn và khuyến khích trẻ thử các cách mới và nhìn vấn đề ở quan điểm/góc độ khác.
Như một hỗ trợ viên:
Ghi nhận nỗ lực của trẻ, làm cho chúng biết rằng những gì chúng đang làm là quan trọng. Hãy nói cho chúng biết, ví dụ: “Ồ, con làm nhà này hay quá. Nó không giống các nhà bình thường khác. Con chắc là phải nghĩ nhiều lắm, phải không?”. Hoặc thể hiện bằng các cử chỉ như cuời, gập đầu, xem chăm chú, đưa ngón tay cái lên tán thưởng sẽ động viên trẻ rất nhiều và cố gắng hoàn thành công việc của mình theo qui trình tư duy mới. Hãy nhớ rằng, đôi khi việc bạn yên lặng đến ngồi bên đứa trẻ, bạn cũng đã truyền đạt thông tin rằng “Ba/mẹ hiểu con đang làm gì và việc con làm là rất hay”.
Tạo ra một môi trường làm cho trẻ cảm thấy rằng chúng được tự do thể hiện ý tưởng của mình mà không phải sợ là mình sai hoặc sẽ bị trừng phạt nghiêm trọng. Hãy làm cho môi trường của bạn đang giống như một ‘phòng thí nghiệm’ nơi trẻ biết rằng chúng có thể thử nghiệm và thực tập việc giải quyết vấn đề mỗi ngày.
Cho trẻ các cơ hội được có thời gian cho các hoạt động mở. Hãy tạo ra các cơ hội cho trẻ được đưa ra sáng kiến và giải quyết các vấn đề của chúng và cho chúng đủ thời gian để kiểm nghiệm các ý tưởng và các giải pháp khác nhau.
Như một hướng dẫn viên:
Theo dõi thời gian trẻ tham gia vào việc giải quyết vấn đề và đưa ra các câu hỏi khuyến khích trẻ nghĩ ra cách mới. Lưu ý rằng các câu hỏi mở khuyến khích nhiều đáp án khác nhau có thể giúp trẻ tư duy và giải quyết vấn đề. Các câu hỏi đóng, dạng đúng sai có thể làm triệt tiêu quá trình tư duy của trẻ. Hãy đọc các hướng dẫn cách đặt câu hỏi tốt.
Khuyến khích trẻ tự thể hiện mình. Thay vì bảo trẻ làm như thế này hay thế kia, hãy để trẻ tự mình đưa ra các phương án và khuyến khích trẻ phản hồi nhanh với các ý tưởng của mình. Khi bạn cho trẻ xem các nguyên liệu mà bạn muốn trẻ sẽ sử dụng hôm nay để chơi với trẻ, hãy nói: “Ba/mẹ có một cái túi đầy sáp màu đây. Con nghĩ hôm nay mình sẽ làm gì?”. Trẻ sẽ có ý kiến và đưa ra quyết định cũng như đề nghị đối với bạn. Cách này rất hiệu quả trong việc làm cho con bạn cảm thấy thoải mái khi đưa ra các ý tưởng của chúng. Khi chúng thấy rằng bạn không cần có một câu trả lời ‘đúng’ hay cách riêng mà bạn đã có trong đầu của bạn rồi, chúng có thể vượt qua nổi sợ hãi của mình nếu đưa ra câu trả lời ‘sai’ và bắt đầu bước vào thể giới sáng tạo tuyệt với của chúng.
Hãy cho trẻ có điều kiện trải nghiệm các dạng giải quyết vấn đề khác nhau. Cho trẻ chơi trò chơi, câu đố, thảo luận, đọc sách và các dự án nhỏ do trẻ tự thiết kế - càng nhiều và đa dạng càng tốt để có thể giúp trẻ sáng tạo và phát triển tư duy phán đoán cũng như sử dụng tận cùng tiềm năng của mình.
Như một hình mẫu:
Hãy nghĩ về cách của bạn khi giải quyết vấn đề. Dù bạn có ý thức hay không, trẻ luôn theo dõi bạn. Chúng quan sát cách bạn giải quyết các vấn đề như là những cách mà chúng có thể sẽ áp dụng khi giải quyết các vấn đề của chúng. Hãy nói chuyện với chúng về cách bạn giải quyết, thảo luận cách thức và qui trình mà bạn sử dụng khi giải quyết vấn đề. Ví dụ: “Mẹ có việc rồi. Hôm nay mẹ muốn vẽ tranh nhưng mẹ hết giấy vẽ rồi. Con nghĩ mẹ cần phải làm gì? Mẹ có thể dùng giấy khác để vẽ được không? Không biết giấy đó vẽ có tốt không? Hay là mình đợi đến ngày mai vì bây giờ muộn rồi. Hay là mình sang nhà hàng xóm mượn nhỉ, không biết họ có không?”.
Nói cách khác, với vai trò là hình mẫu với cách tư duy lưu loát và thái độ tích cực cũng như cách cách giải quyết khác nhau và qui trình đưa ra các cách giải quyết những vấn đề nhỏ như thế hàng ngày, bạn có thể giúp cho trẻ hình thành kỹ năng và có thể tham gia vào việc đưa ra các phương án của chúng nhằm giải quyết vấn đề.
Nhấn mạnh các từ vựng của giải quyết vấn đề. Khi bạn nói chuyện với trẻ, hãy sử dụng các từ vấn đề, nghĩ, ý tưởng và giải quyết. Trẻ sẽ bắt đầu sử dụng chúng nhằm xác định và mô tả tư duy của chính mình.
Hãy vui lòng mạo hiểm và có thể phạm lỗi. Điều này giúp cho trẻ tin rằng người lớn cũng có thể phạm lỗi. Hãy để trẻ con nhìn thấy một vài lỗi của bạn, sau đó yêu cầu chúng giúp bạn giải quyết các hậu quả của các lỗi này. Chúng sẽ cảm thấy mình là quan trọng và, quan trọng nhất, là có thể học được rằng việc phạm lỗi cũng không phải là ‘kết thúc’ và có thể khắc phục được. Hơn nữa, có thể học được nhiều từ các lỗi. Tuy nhiên, tránh làm cho trẻ lạm dụng để phạm lỗi. Ngoài ra, giúp cho trẻ biết rằng người lớn cũng có thể phạm lỗi giúp cho trẻ không bị ‘cú sốc’ khi điều đó có thể xảy ra và trẻ phát hiện được.
Giải quyết vấn đề không phải là việc ghi nhớ các dữ kiện hay kiến thức như màu sắc, chữ cái hay làm các phép toán mà là việc sử dụng hai kỹ năng rất quan trọng là kỹ năng tư duy logic và tư duy sáng tạo khi sử dụng và áp dụng các dữ kiện, kiến thức để giải quyết vấn đề. Các hoạt động lấy trẻ và các vấn đề cần giải quyết làm trung tâm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển năng lực tự học, tư duy, sự tự tin và có năng lực hiểu được thế giới của chúng.
Một số tình huống phụ huynh có thể giúp trẻ giải quyết vấn đề
Sau đây là các ví dụ:
1) Khi trẻ mặc quần áo trái hoặc cài nút sai, phụ huynh không chỉ và bắt trẻ làm lại ngay mà để chúng tự nhận ra hoặc khi bạn trêu đùa, chúng sẽ biết xấu hổ và rút kinh nghiệm. Nếu phụ huynh chỉ bảo ngay, trẻ sẽ có tâm lý dựa vào người lớn hoặc phản ứng lại bằng cách tiếp tục như vậy
2) Khi trẻ cãi nhau, phụ huynh hoặc người lớn không nên can thiệp ngay nếu như chưa có gì nghiêm trọng. Hãy để trẻ tìm cách giải quyết vấn đề của chúng với nhau. Chỉ đến lúc trẻ bế tắc, hướng dẫn trẻ bằng cách đặt ra các câu hỏi để chúng trả lời và sau đó chúng đưa ra các giải pháp và giúp trẻ tìm ra các ưu, nhược điểm của các giải pháp đó.
3) Không khuyến khích trẻ ‘méc’ người lớn khi bạn mình mắc lỗi, mà yêu cầu trẻ nói chuyện hoặc thảo luận với bạn để tìm ra hướng giải quyết
4) Khi trẻ gặp vấn đề, ví dụ, tè dầm, té ngã, đổ nước...(những vấn đề không nghiêm trọng), đừng giúp trẻ ngay mà để chúng tự giải quyết hoặc hướng dẫn chúng cách thu dọn hoặc cần làm gì để không xảy ra việc đó nữa
5) Tập cho trẻ tự làm việc của mình từ rất sớm, khuyến khích sự độc lập và khen ngợi trẻ khi chúng làm được. Ví dụ: giúp trẻ tự ăn, lau bàn ghế của mình, tự thu dọn đồ chơi, tự dọn giường...
6) Không làm bài tập thay cho trẻ và không khuyến khích trẻ chép bài mẫu, bài của người khác mà tự nghĩ theo cách của mình, hoặc kể lại bằng cách của mình. Khuyến khích trẻ đưa ra ý kiến của mình chứ không áp đặt trẻ và bắt trẻ phải theo ý kiến của người lớn. Nếu trẻ sai, hãy cùng trẻ thảo luận để trẻ nhận ra cái sai của mình, chứ không dùng ‘mệnh lệnh’ với trẻ, làm cho chúng ấm ức và có tâm lý phản kháng