Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

9. Quá trình thâm nhập của Islam vào Đông Nam Á (VII-XV)


QUÁ TRÌNH THÂM NHẬP CỦA ISLAM VÀO ĐÔNG NAM Á TỪ THẾ KỶ VII ĐẾN THẾ KỶ XV

Võ Minh Tập
(Bài đăng tại Hội thảo khoa học: "Văn hóa - xã hội các nước Ả Rập: Truyền thống và hiện đại" do Tổng lãnh sự quán nhà nước Kuwait tại TP.HCM và Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM tổ chức ngày 28/09/2012, tr.281-288).

 Hình ảnh: tại Hội thảo

Islam – Hồi giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới. Islam không chỉ đóng một vị trí và vai trò đặc biệt trong cộng đồng các quốc gia Ả Rập mà còn ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cộng đồng Islam ở Đông Nam Á.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xem xét quá trình thâm nhập của Islam vào Đông Nam Á (VII – XV), nhằm đóng góp thêm một số vấn đề sau: sơ lược về thế giới Islam Ả Rập; Con đường thâm nhập và lan tỏa của Islam trong khu vực, trong đó lý giải những nhân tố thâm nhập và đặc trưng tiếp xúc và giao lưu của Islam đối với khu vực và nêu lên một vài nhận xét về Islam ở khu vực Đông Nam Á trong thời điểm nghiên cứu.
1. Sơ lược về thế giới Islam Ả Rập
Tính đến nay, Islam đã tồn tại và phát triển hơn 1.400 năm, có khoảng hơn 1 tỷ tín đồ. Islam có một vị trí, nội dung, tổ chức và ảnh hưởng văn hóa mang tầm cỡ quốc tế. Theo số liệu thống kê, Islam tồn tại trên 120 nước, tín đồ Islam tạo thành đa số dân cư tại 35 nước, còn thiểu số có ảnh hưởng lớn tại 29 nước. Islam được thừa nhận là quốc giáo tại 28 nước [1:309]. Islam ra đời vào thế kỷ VII tại bán đảo Ả Rập, do nhà tiên tri Muhammed sáng lập. Là một tôn giáo ra đời muộn hơn nhiều so với các tôn giáo khác, nhưng hiện nay, đây là tôn giáo có vị trí quan trọng nhất ở khu vực Trung Đông. Lịch sử Islam ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với bộ kinh Qur’an (kinh co-ran). Sự ra đời kinh co-ran và Islam đã đánh dấu bước ngoặc lịch sử của người Ả Rập.
Cũng như nhiều tôn giáo khác, Islam ra đời xuất phát từ  những điều kiện kinh tế, xã hội, tư tưởng và tôn giáo đặc trưng. Tuy nhiên, sư ra đời của Islam lại mang những nét đặc biệt mà không một tôn giáo nào có được. Đó là quá trình hình thành và thống nhất quốc gia trở nên một xu thế tất yếu, đòi hỏi phải có một nhà nước vững mạnh để khôi phục vị thế kinh tế và sức mạnh về niềm tin tôn giáo, quá trình bành trướng và phát triển thế lực, mở rộng lãnh thổ ra bên ngoài.
Niềm tin của các tín đồ đối với Islam là tuyệt đối, với 5 trụ cột của đức tin: (1) Tuyên xưng thánh Allah là chúa duy nhất và Muhammed là tiên tri của ngài; (2) Cầu nguyện theo nghi thức 5 lần một ngày; (3) Bố thí cho người nghèo; (4) Ăn chay từ lúc bình minh cho đến lúc chạng vạng tối trong suốt tháng Ramadan; (5) Hành hương đến thành phố Mecca ít nhất một lần trong suốt cuộc đời. [2:223]. Niềm tin đó được xem là giáo luật, là pháp lý tôn giáo đối với mọi tín đồ. Có thể rút gọn đức tin đó trong ba điều: tin vào Thượng đế duy nhất là Allah; Tin vào sứ mạng của giáo chủ Muhammed và tin vào việc phán xét cuối cùng.
Trong sự phát triển của Islam, có thể nói toàn khu vực Trung Đông đã đạt đến đỉnh cao trong 6 thế kỷ (VIII – XIII), đây được coi là thời đại hoàng kim của những người Islam Trung Đông. Nền văn minh Islam phát triển rực rỡ trên nhiều lĩnh vực của khoa học như  triết học, y khoa, toán học, văn học…. Nhiều lĩnh vực khoa học của văn minh Hy Lạp đã được dịch ra tiếng Ả Rập, Baghdad là nơi xây dựng trường đại học đầu tiên trên thế giới và là một trung tâm văn hóa lớn nhất thế giới vào đầu thế kỷ VIII [3:105].  Sự hưng thịnh đó của Islam đã mang lại những sức mạnh kinh tế, chính trị và tôn giáo không thể thiếu đối với thế giới Ả Rập. Trong thời gian này, những đoàn thương thuyền của người Islam Trung Đông đã đẩy mạnh tiếp xúc giao thương với bên ngoài, cùng với nó là quá trình bành trướng thế lực của Islam vượt ra phạm vi của khu vực Trung Đông, lan tỏa và thâm nhập ra thế giới bên ngoài, nhất là Nam Á, Bắc Phi và Đông Nam Á…
Tuy nhiên, sau khi Muhammed qua đời (năm 632), Islam Trung Đông bị phân hóa làm 2 nhánh: Islam Sunni là nhánh chính thống và truyền thống của Islam và Islam Shia là những người theo đường lối chính trị, nối dõi trong việc lãnh đạo cộng đồng Islam. Từ đó đến nay, mặc dù Islam vẫn rất thịnh hành và phát triển, nhất là dòng Islam Sunni, nhưng trong thế giới Islam ở khắp nơi trên thế giới thường xuyên xảy ra xung đột, khủng hoảng. Sự đa dạng đó phần nào làm suy giảm khả năng liên kết thành một khối thống nhất mạnh mẽ của người dân Islam thế giới nói chung và người dân Ả Rập nói riêng.
2. Con đường thâm nhập và lan tỏa của Islam trong khu vực Đông Nam Á từ thế kỷ VII đến thế kỷ XV
Trước khi Islam được truyền bá vào Đông Nam Á, khu vực này đã có ảnh hưởng sâu sắc về văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng khi Islam có mặt ở Đông Nam Á, Islam mang những đặc điểm mới mẻ, có sự thống nhất cao và mang tính khu vực rõ rệt. Với khoảng hơn 200 triệu tín đồ (Muslim), phần lớn thuộc dòng chính thống (Sunni), Islam không chỉ còn tăng thêm số lượng và biến đổi về chất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị, văn hóa, xã hội các quốc gia khu vực.
Khi nghiên cứu về Islam ở Đông Nam Á, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính những thương gia Muslim Ả Rập đã có công đưa Islam đến Đông Nam Á hải đảo, sau đó được người Melayu tiếp tục sự nghiệp truyền bá của họ ở khu vực này, hay thông qua các thương gia Ấn Độ và Trung Quốc [4:4], cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, chính thương thuyền Muslim Ả rập thuộc trường phái luật Islam chính thống – Shafii, không đi từ bán đảo Ả Rập truyền vào Đông Nam Á mà chính từ miền Tây Ấn Độ [5:10], lại có ý kiến cho rằng chính người Ba Tư là cái nôi của Islam ở khu vực.
Trong khi hầu hết các hoạc giả phương Tây đưa ra ý kiến cho rằng nguồn gốc Islam ở Đông Nam Á là xuất phát từ các thương thuyền Muslim Ấn Độ, Ba Tư thì ngược lại, nhiều học giả trong khu vực lại khẳng định là chính người Muslim Ả Rập đã có vai trò đưa tôn giáo của mình đến khu vực [6:3].
Như vậy, ai là người có công đưa Islam vào Đông Nam Á vẫn còn nhiều tranh cải. Thông qua nhiều ý kiến của các học giả và sự hiểu biết trong quá trình nghiên cứu của mình, chúng tôi sẽ đưa ra những nhận định  mang tính chất tương đối, nhằm khôi phục lại bức tranh về quá trình du nhập của Islam vào khu vực Đông Nam Á.
Chúng ta biết rằng, trên thực tế người Ả Rập đã biết đến khu vực Đông Nam Á từ rất sớm, có thể là trong khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XIII. Bởi vì, thời kì này đã hình thành những con đường buôn bán sôi động nối các vùng Viễn Đông-Nam Á-bán đảo Ả Rập, mặc dù tại những khu vực này điều có những thương gia của Ấn Độ, Trung Quốc. Nhưng các thương gia Muslim Ả rập chưa có quan tâm nhiều đến khu vực Đông Nam Á, một phần do nền thương mại Trung Hoa vẫn chiếm đa số và lấn lướt. Một nguồn tài liệu cho rằng: Chứng cứ đầu tiên được thừa nhận về hoạt động Islam ở đây (Đông Nam Á) chỉ là báo cáo của Marco Polo năm 1292 có đề cập đến thành phố Perlak ở miền Bắc Sumatera đã theo Islam” [7:52]. Điều này có nghĩa là người Ả Rập đã biết đến khu vực Đông Nam Á nhưng về việc buôn bán mang tính chất có tổ chức của họ thì chưa có, thậm chí cho đến thế kỉ X.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu điều cho rằng, quá trình Islam thâm nhập vào Đông Nam Á, mà trước hết là Đông Nam Á hải đảo là vào thế kỷ XIII. Đến đây, quan hệ buôn bán trực tiếp và loan tỏa của Islam trong khu vực diễn ra thuận lợi.
Vào năm 1258, khi con đường buôn bán từ phương Đông qua Vịnh Ba Tư lên Bắc Âu bị đóng cửa, con đường buôn bán mới lại được hình thành từ phía Đông-Ấn Độ-Nam Arabia qua Hồng Hải… Theo đó, các thương gia Muslim đã đến Đông Nam Á buôn bán, định cư và kết hôn với các phụ nữ địa phương, và đương nhiên Islam đã được truyền bá vào khu vực. Đông Nam Á có nhiều thành phố như Pasai, Melaka, Aceh… trở thành những trung tâm buôn bán và trung tâm Islam quan trọng. Các Islam đã có công tổ chức những hoạt động tôn giáo và truyền bá kiến thức Islam cho cư dân bản địa. Một điều mà các dân tộc ở Đông Nam Á dễ dàng tiếp nhận Islam là do tính chất ôn hòa, phù hợp với đời sống tinh thần và tâm linh của mọi người, phù hợp với nhu cầu phát triển của cư dân bản địa.
Cũng công bằng mà nói, nguồn gốc Ấn Độ của Islam Đông Nam Á cũng không thể phủ nhận. Trước đây khu vực này chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa Ấn Độ trên mọi lĩnh vực, thường được gọi là các quốc gia Ấn Độ hóa. Nhưng sau khi Islam đến, các yếu tố văn hóa Ấn và Islam đã đan xen, hòa quyện vào nhau với nền văn hóa bản địa. Khi Melaka trở thành tiểu quốc Islam thì lúc này Islam cũng có mặt tại Ấn Độ, vai trò, vị trí của nó trong đời sống chính trị-xã hội và văn hóa rất quan trọng. Nền tảng và cơ sở quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ đã có truyền thống tốt đẹp. Điều đó tạo nên một chất keo kết dính, một chất xúc tác để Islam bắn rễ và phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Vào thế kỷ XIII – XIV, một số người trên đảo Pasai đã cải giáo theo Islam. Thế kỷ XV, Melaka đã đóng vai trò chủ đạo trong quá trình Islam hóa ra toàn khu vực.
Để làm rõ quá trình Islam hóa ở Đông Nam Á, tất nhiên chúng ta phải căn cứ vào những minh chứng cụ thể và có tính thuyết phục. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất là căn cứ vào ngôn ngữ, chữ viết và văn học của người Muslim để nghiên cứu. Đó chính là cốt lõi của vấn đề. Trên thực tế, ngôn ngữ (tiếng Melayu), chữ  Jawi và văn học Malayu đã in đậm dấu ấn của Islam Ả Rập. Cho đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng, chữ jawi đã được sử dụng rộng rãi ở bán đảo Malaya trước khi người phương Tây tới, những hoạt động như các ngày trong tuần, tên các tháng trong năm đều được gọi theo cách gọi của người Ả Rập, đặc biệt là cách đọc kinh Koran.
Vậy, những nhân tố nào đã giúp quá trình Islam hóa một cách thuận lợi ở Đông Nam Á? Theo chúng tôi, có thể nêu lên những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, Islam hóa đến Đông Nam Á bằng sự ôn hòa, hay nói cách khác là bằng con đường hòa bình. Điều này rất giống với Ấn Độ trong quá trình Ấn Độ hóa. Tính mềm dẻo, bao dung, sự thích nghi và chấp nhận của Islam là phù hợp  với tâm lý, lễ nghi của nền văn hóa bản địa. Vì vậy, họ dễ dàng tiếp nhận và hội nhập.
Thứ hai, trước khi Islam vào Đông Nam Á thì tiếng Melayu đã phát triển và thành thục, tạo điều kiện để sử dụng rộng rãi trong giao tiếp, buôn bán. Khi Islam đến, ngôn ngữ Malayu trở thành phương tiện truyền thông cho toàn khu vực.
Thứ ba, quá trình chuyển hướng phát triển kinh tế đóng vai trò nổi bật. Từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp, khu vực này (nhất là Melaka) đã trở thành nơi cung cấp và thu gom hàng hóa, nhất là hương liệu. Qua con đường giao lưu buôn bán quốc tế, Islam đã xâm nhập vào Đông Nam Á. Các nguyên tắc, lễ nghi của Islam rất phù hợp với các tầng lớp quí tộc, thương nhân và được họ sẵn sàng đón nhận. Nhiều tiểu quốc đã cải giáo theo Islam và hòa nhập vào thương trường.
Một vài nhận xét
Qua nghiên cứu và phân tích về Islam ở Đông Nam Á (VII-XV), chúng ta rút ra một số nhận xét như sau:
Islam là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, Islam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của các nước có cộng đồng Muslim, trong đó có Đông Nam Á. Islam ở Đông Nam Á có nhiều điểm chung nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt ở mỗi nước và mỗi khu vực. Islam có mặt ở khu vực tương đối sớm và  được thâm nhập mạnh mẽ vào khu vực trong thế kỷ XIII, thông qua mối ban giao tiếp xúc văn hóa giữa các Muslim Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư…. và cư dân bản địa hay nói cách khác là thông qua con đường hòa bình.
Các cộng đồng Muslim ở Đông Nam Á cùng chia sẽ di sản văn hóa Melayu về chữ viết, ngôn ngữ, phong tục tập quán… tất cả điều liên kết với nhau tạo ra nếp sống thuần phong mỹ tục của mỗi cộng đồng dân tộc và cư dân Đông Nam Á.
                                                         --------
Tài liệu tham khảo
  1. Đỗ Minh Hợp (2009), Tôn giáo học nhập môn, Nxb Tôn giáo, HN.
  2. John Renad (2005), Tri thức tôn giáo qua các vấn nạn và giải pháp, Nxb Tôn giáo,
  3. Đỗ Đức Định (Chủ biên, 2012), châu Phi – Trung Đông: những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật, Nxb KHXH, HN. 105
  4. Fatimi, S.Q (1963, Islam Comes to Malaysia, Malaysian Sociogical Resarch Institue LTD, Singapore.
  5. G.W.J. Drewes (1985), Readings on Isalm in Southeast Asia, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore.
  6. Al-Attas, S.M Naguib (1972), Isslam Dalam Sejarah dan Kebudayaan Melayu, Kuala Lumper, Malaysia.
  7. Andaya, B.W and Andaya, L.Y (1982), A history of Malaysia, Macmillan Press Ltd, London.