Cùng
với trọng tâm quyền lực thế giới dịch chuyển sang phía Đông, sự trỗi
dậy đồng thời của Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những sự kiện địa
chiến lược quan trọng nhất trong 20 năm đầu thế kỉ 21.
Trong
quá trình Trung Quốc và Ấn Độ cùng trỗi dậy, sự gia tăng sức mạnh mang
tính liên tục này sẽ đem đến những thay đổi như thế nào đối với bản đồ
địa-chính trị, địa-kinh tế của châu Á? Hai nước Trung-Ấn sẽ thể hiện mối
quan hệ tác động đến nhau ra sao tại các khu vực của châu Á như Nam Á,
Đông Nam Á và Trung Á v.v…? Mối quan hệ này có những gợi mở thế nào đối
với ngoại giao láng giềng của Trung Quốc? Đây là vấn đề cần được nghiên
cứu và suy ngẫm.
Ý nghĩa chính trị và kinh tế của việc Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời trỗi dậy
Xem
xét sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, trước tiên phán đoán này được
thể hiện qua các chỉ số kinh tế, hơn nữa có thể được khái quát cơ bản
thành “kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, liên tục trong một khoảng
thời gian”. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, thực lực kinh tế của
Trung Quốc và Ấn Độ đều có xu thế tăng trưởng nhanh. Theo số liệu của
Quỹ Tiền tệ Quốc tế: GDP của Trung Quốc năm 1990 (căn cứ theo thời giá)
là 390,3 tỉ USD, năm 2000 là 1198,5 tỉ USD và năm 2010 là 5878,3 tỉ USD.
Tương tự, GDP của Ấn Độ năm 1990 (căn cứ theo thời giá) là 323,5 tỉ
USD, năm 2000 là 476,4 tỉ USD và năm 2010 là 1632 tỉ USD.
Trước
tiên, tỉ trọng GDP của Trung Quốc và Ấn Độ (tính theo sức mua tương
đương) trong tổng GDP của thế giới không ngừng tăng lên. Tỉ trọng GDP
của Trung Quốc tăng từ 3,879% năm 1990 lên 13,605% năm 2010; tỉ trọng
GDP của Ấn Độ tăng từ 3,171% năm 1990 lên 5,455% năm 2010. Không khó để
nhận ra rằng trong vòng 20 năm (từ năm 1990-2010), cả Trung Quốc và Ấn
Độ đều xuất hiện xu thế tăng trưởng liên tục về các chỉ tiêu kinh tế.
Hơn nữa, khi so sánh với các giai đoạn trong lịch sử, trong 10 năm (từ
năm 2000-2010), tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ là nhanh nhất, xu thế
trỗi dậy khá rõ rệt.
Thứ
hai, về mặt chính trị, sự trỗi dậy đồng thời của Trung Quốc và Ấn Độ đã
có ảnh hưởng lớn tới sự cân bằng của hệ thống quốc tế. Có học giả cho
rằng “do Mỹ là nước lớn nhất nên hệ thống quốc tế hiện nay xuất hiện
hình thái khác thường, mặc dù đã duy trì được sự ổn định căn bản nhưng
vẫn là sự cân bằng khác thường. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ có
thể làm cho hệ thống quốc tế trở về trạng thái cân bằng thông thường.
Tiến trình Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời trỗi dậy cho thấy sự cân bằng
của hệ thống phù hợp với lợi ích của hai nước, hơn nữa tạo ra sự cân
bằng thông thường mà không làm tổn hại tới sự ổn định của hệ thống.” Vì
vậy, nhìn từ góc độ toàn cầu, sự trỗi dậy đồng thời của hai nước
Trung-Ấn giúp ích cho hệ thống quốc tế tiến tới sự cân bằng quốc gia
tích cực.
Thứ
ba, xét về cấp độ khu vực, sự trỗi dậy đồng thời của Trung Quốc và Ấn
Độ cũng là yêu cầu tất yếu để châu Á trỗi dậy. Nhưng bên cạnh đó cũng
cần chú ý tới sự “tập trung” của các lực lượng mang tính tăng trưởng khu
vực có thể đem đến cho châu Á nhiều căng thẳng, cạnh tranh thậm chí là
xung đột khu vực hơn. Vì về cơ bản, châu Á thời hậu Chiến tranh Lạnh vẫn
ở trong thời kỳ chưa được định hình. Châu Á thiếu cấu trúc khu vực có
sức nặng, chưa có chuẩn mực pháp lý được công nhận để giải quyết các vấn
đề về hệ thống văn hóa và chính trị khác nhau, giữa các nước có sự cạnh
tranh khốc liệt về năng lượng, trang thiết bị vũ khí, đồng thời có
tranh chấp biên giới và những tàn dư lịch sử mang tính xung đột khác.
Tương lai của khu vực này khó tránh khỏi đầy rẫy rối ren và xung đột.
Thứ
tư, trong “khu vực tương lai chắc chắn có rối ren” này, Trung Quốc và
Ấn Độ cũng được dự báo sẽ là “nước lớn trung tâm” của khu vực (tiểu khu
vực). Kiểu địa vị nước lớn này không chỉ liên quan tới sức mạnh cứng như
vị trí địa lý, kinh tế, quân sự v.v… mà còn liên quan tới sự kỳ vọng
của mỗi nước đối với vị thế của mình trong hệ thống khu vực. Về phía
Trung Quốc, nước này có thể phải đối mặt với việc làm thế nào để thực
hiện sự chuyển đổi từ quốc gia khu vực sang quốc gia toàn cầu. Trong khi
đó Ấn Độ phần nhiều phải đối mặt với việc làm thế nào chuyển đổi từ
quốc gia “tiểu khu vực” sang quốc gia khu vực. Trong “giấc mộng nước
lớn” lâu dài của mình, Ấn Độ mong muốn vượt qua quốc gia khu vực, trực
tiếp chuyển đổi từ quốc gia “tiểu khu vực” thành quốc gia toàn cầu? Đây
đều là những nhân tố tâm lý tầng sâu ảnh hưởng tới sự tác động lẫn nhau
của hai nước Trung-Ấn ở các tiểu khu vực của châu Á.
Nam Á: Địa vị chủ đạo của Ấn Độ và sức ép có hạn của Trung Quốc
Trước
tiên, tính cạnh tranh trong mối quan hệ song phương Trung-Ấn ở Nam Á
chủ yếu được biểu hiện ở các điểm sau: (1) mối quan hệ đối tác chiến
lược “trong mọi hoàn cảnh” giữa Trung Quốc và Pakixtan và nỗi lo ngại
chiến lược lâu dài mà mối quan hệ này tạo ra cho Ấn Độ; (2) sự phát
triển của mối quan hệ kinh tế, chính trị tốt đẹp giữa Trung Quốc với các
nước Nam Á khác cũng như những lo lắng nảy sinh từ đó của Ấn Độ trước
“sự bao vây chiến lược” của Trung Quốc. Điều cần chỉ ra là do vị trí
“trung tâm” của Ấn Độ ở Nam Á có tính tầng nấc và tính khác biệt rất lớn
nên không phải mọi sự đan xen địa lý giữa Trung Quốc và Ấn Độ đều sẽ
đem đến cho Ấn Độ sự phục hồi chính trị mạnh mẽ. Thông qua phân tích mức
độ lệ thuộc về kinh tế của các nước Nam Á vào Ấn Độ, không khó để thấy
rằng Bănglađét và XriLanca nên là điểm hội tụ chủ yếu về lợi ích kinh tế
của Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á; trong khi N êpan và Butan có sắc
thái “sân sau của Ấn Độ” ở mức độ nhất định, xuất phát từ những toan
tính chiến lược của Ấn Độ, hai nước trên đều có thể phát huy tác dụng
ngăn chặn Trung Quốc “tiến về phía Nam”. (3) Cùng với kinh tế trong nước
phát triển và nhu cầu năng lượng tăng lên, Trung Quốc đã tăng cường sự
hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương. Tất nhiên, điều này không loại trừ khả
năng Trung Quốc và Ấn Độ hợp tác với nhau để đảm bảo an toàn của tuyến
đường biển.
Thứ
hai, “sự cân bằng” mà Trung Quốc và Ấn Độ có thể tạo ra ở Nam Á sẽ chủ
yếu được biểu hiện ở chỗ: do bản thân khu vực Nam Á có sự “mất cân bằng
cấu trúc” về phân bố lực lượng cũng như sự “rạn nứt - hợp nhất” trong
quá trình xây dựng các cơ chế khu vực, chính sách tích cực của Trung
Quốc đối với Nam Á về mặt khách quan có tác dụng nhất định trong việc
cải thiện sự mất cân bằng và rạn nứt này. Chẳng hạn để đối phó với chính
sách Nam Á tích cực của Trung Quốc, Ấn Độ đã cải thiện quan hệ với các
nước láng giềng. Biểu hiện chủ yếu là tháng 7/2011, Ấn Độ và Pakixtan
tiến hành cuộc hội đàm cấp ngoại trưởng, nới lỏng sự hạn chế trao đổi
với nhân viên và hàng hóa của Casơmia, đẩy mạnh thương mại giữa hai
nước; tháng 9, Ấn Độ và Bănglađét đã cùng nhau giải quyết vấn đề phân
định biên giới tồn tại từ lâu; tháng 10, Ấn Độ tăng cường mối quan hệ
đối tác chiến lược với Áp gani x tan , về mặt khách quan, điều này giúp
ích cho việc “cân bằng” các lực lượng của khu vực Nam Á. Tuy nhiên,
trạng thái “cân bằng động thái” do sự tác động lẫn nhau của Trung Quốc
và Ấn Độ tại Nam Á tạo thành không ảnh hưởng tới vai trò quốc gia chủ
đạo của Ấn Độ ở tiểu lục địa Nam Á. Về tổng thể, mặc dù mức độ nhạy cảm
về chiến lược của Ấn Độ đối với Nam Á hơn hẳn các tiểu khu vực khác
nhưng sự nhạy cảm này mang tính tầng nấc và mang tính lĩnh vực. Quan hệ
kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Nam Á và sự hiện diện kinh tế của
Trung Quốc tại khu vực này vẫn được Ấn Độ đặt trong phạm vi có thể chấp
nhận, và sự nâng cấp trong quan hệ chính trị, chiến lược và quân sự mới
là lĩnh vực Ấn Độ nhạy cảm nhất. Có thể nói lĩnh vực kinh tế đã có thể
thực hiện “cả hai cùng thắng” và hỗ trợ nhau, và tuân theo quy tắc thị
trường quyết định, nhưng quan hệ chính trị, quân sự phần lớn do lịch sử,
tư duy chiến lược và sự tác động hai chiều quyết định.
Mấy
năm gần đây, ngoại giao Trung Quốc về tổng thể bắt đầu “lên kế hoạch
cho quan hệ trên đất liền và trên biển”, đồng thời phán đoán “trong
tương lai Ấn Độ Dương sẽ trở thành một trong những đấu trường cạnh tranh
chủ yếu giữa Trung Quốc và Ấn Độ” cũng được đông đảo mọi người chấp
nhận, dự án hợp tác dân sự và kinh tế giữa Trung Quốc với Bănglađét, Xri
Lanca, Pakixtan bị Ấn Độ cho là có kèm âm mưu chiến lược và quân sự, Ấn
Độ cho rằng Trung Quốc đang xây dựng “chiến lược chuỗi ngọc trai” để
bao vây nước này. Tuy nhiên, báo cáo chiến lược về châu Á mới nhất của
Mỹ lại cho rằng “Trung Quốc không theo đuổi chiến lược chuỗi ngọc trai
bỏ sức lực vào Ấn Độ Dương và thách thức sức mạnh hải quân của Ấn Độ,
điều này đã được chứng minh trong báo cáo ý đồ chiến lược do Bộ Quốc
phòng công bố.” Về Ápganixtan, mặc dù lệ thuộc nhiều về kinh tế thương
mại vào Pakixtan nhưng cùng với việc Pakixtan tương đối giảm kiềm chế
“sức mạnh cứng” của Ấn Độ cũng như việc Ấn Độ đóng vai trò viện trợ kinh
tế quan trọng trong quá trình tái thiết Ápganixtan, hiện Chính phủ
Ápganixtan đang nỗ lực thể hiện tư thế “ngoại giao cân bằng”. Việc tái
thiết và thay đổi của Ápganixtan sau chiến tranh ngày càng vượt ra khỏi
tiểu khu vực Nam Á, liên quan tới nhiều nước trong khu vực. Về phương
diện này, sự ổn định của Ápganixtan cần các nước trong khu vực kể cả
Trung Quốc và Ấn Độ phát huy vai trò khác nhau trong những lĩnh vực khác
nhau, đồng thời đảm bảo việc phát huy vai trò của mỗi nước dựa theo
nguyên tắc cơ bản nhất là không làm tổn hại tới lợi ích của bên thứ ba.
Đông Nam Á: Lợi thế kinh tế của Trung Quốc và cái bắt tay an ninh với Ấn Độ
1- Chính sách của Ấn Độ đối với Đông Nam Á
Nhìn
từ góc độ lịch sử và văn hóa, Ấn Độ và Đông Nam Á có mối liên hệ khá
gắn bó. Cùng với Phật giáo, Ấn Độ giáo được truyền bá vào Đông Nam Á và
được thừa nhận về mặt văn hóa, “con đường buôn bán hương liệu” từ Tây Á,
vịnh Pécxích tới Inđônêxia đã liên kết Ấn Độ và Đông Nam Á lại với
nhau. Trong thời kỳ thực dân Anh, Ấn Độ bị Anh coi là trung tâm chiến
lược châu Á của mình và là bàn đạp để mở rộng sang khu vực Đông Nam Á.
Sau khi độc lập, do Ấn Độ tập trung mối quan tâm vào tiểu lục địa Nam Á
nên nước này “sao nhãng Đông Nam Á” trong thời gian dài. Sau Chiến tranh
Lạnh, sự tan rã của Liên Xô đã khiến tình hình khu vực có những thay
đổi lớn. Để thoát khỏi thế cô lập về ngoại giao, không trở thành một
quốc gia “cô độc”, “không có bạn bè”, và để phát triển kinh tế, mở rộng
thị trường, Ấn Độ bắt đầu điều chỉnh chính sách đối ngoại, thực hiện
chiến lược “hướng Đông” tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh
với các nước Đông Nam Á. Tháng 9/1991, Chính quyền Narasimha Rao khởi
động chính sách “hướng Đông” , giai đoạn một chủ yếu thực hiện chính
sách “lấy ASEAN làm trung tâm”. Bước sang thế kỷ 21, chiến lược “hướng
Đông” của Ấn Độ đã có những tiến triển lớn, phạm vi hợp tác mở rộng từ
khu vực Đông Nam Á sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, trọng
tâm hợp tác cũng chuyển từ kinh tế sang hợp tác an toàn vận tải biển,
chống khủng bố và quân sự. Đây được coi là giai đoạn hai trong chiến
lược “hướng Đông” của Ấn Độ, cũng được nhận định là “ý đồ chiến lược của
Ấn Độ đã bước vào giai đoạn thực thi tiến về phía Đông”.
2-
Từ “hướng Đông” biến thành “Đông tiến”, tính tiến công của ngoại giao
Ấn Độ có phần được tăng cường, từ đó làm cho mối quan hệ Trung-Ấn ở Đông
Nam Á cũng trở nên càng phức tạp
Trong
lĩnh vực kinh tế, mặc dù Trung Quốc chiếm ưu thế thương mại rõ rệt
nhưng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tồn tại cạnh tranh nhất định về đầu tư và
nhất thể hóa kinh tế khu vực; trong lĩnh vực chính trị, Trung Quốc chú
trọng phát triển quan hệ song phương với khối ASEAN, trong khi Ấn Độ chú
trọng phát triển mối quan hệ với cá biệt một số nước mấu chốt như Việt
Nam, Xinhgapo và Mianma v.v...; trong lĩnh vực an ninh, Ấn Độ coi trọng
hợp tác quân sự với các nước Xinhgapo, Việt Nam và Inđônêxia v.v…, đồng
thời thông qua ngoại giao quân sự trên biển song phương và đa phương để
vô hiệu hóa sự tồn tại của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương ở một mức độ nhất
định. Ngoài ra, vai trò của Ấn Độ tại cơ chế an ninh khu vực - Hội nghị
Thượng đỉnh Đông Á cũng rất đáng được quan tâm. Hiện nay, sự phát triển
và lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc (bao gồm nhiều phương diện như
kinh tế, chính trị v.v…) ở Đông Nam Á đã làm dấy lên một số “căng thẳng
chiến lược” nào đó, từ đó xuất hiện cục diện các nước Đông Nam Á dựa vào
Trung Quốc về kinh tế, dựa vào Mỹ về an ninh. Ấn Độ cũng được Mỹ xem là
lực lượng chính trị quan trọng đối trọng với Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Năm 2011, lấy lý do hợp tác thương mại, Ấn Độ đã hợp tác khai thác mỏ
dầu khí với công ty dầu khí của Việt Nam, âm mưu chen vào vấn đề Biển
Đông. Bên cạnh đó, để triệt tiêu ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc
ở Mianma, Ấn Độ cũng đã điều chỉnh chính sách “phê bình” Mianma trước
đây, dốc sức phát triển quan hệ toàn diện với Mianma. Tháng 5/2012, Thủ
tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến thăm Mianma, đây là chuyến thăm đầu tiên
của thủ tướng Ấn Độ tới Mianma trong vòng 25 năm qua kể từ năm 1987, hai
nước đã ký nhiều bản ghi nhớ về các lĩnh vực năng lượng, thương mại,
đầu tư và an ninh. Mặc dù hiện mức độ lệ thuộc kinh tế giữa Ấn Độ với
các nước Đông Nam Á còn thấp, chưa đạt tới mức đối trọng với ảnh hưởng
kinh tế của Trung Quốc, nhưng các nước Đông Nam Á lại muốn đưa Ấn Độ vào
nhiều loại khuôn khổ an ninh như song phương, đa phương, chính thức và
phi chính thức. Xét về mặt an ninh và chiến lược, ở một mức độ nhất
định, Ấn Độ đã hình thành sự “đối trọng mềm” nào đó đối với sự tồn tại
của Trung Quốc ở Đông Nam Á, đây là một mặt khác của mối quan hệ cạnh
tranh tiến lên giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Đông Nam Á.
Trung
Á: Trung Quốc là “nơi quy tụ chiến lược”, Ấn Độ là láng giềng Nền kinh
tế hùng mạnh và vị trí địa lý đặc biệt của Trung Quốc đã tạo cho sự phát
triển của mối quan hệ giữa Trung Quốc với Trung Á ưu thế mà các nước
khác khó có thể sánh được, sự liên kết và trao đổi giữa Trung Quốc và
Trung Á cũng như việc thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải làm cho Trung
Quốc đồng thời có thể cung cấp các sản phẩm về kinh tế và an ninh cho
các nước Trung Á. Đúng như lời của một số học giả chiến lược các nước
Trung Á: “Chúng ta không thể không thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ là nơi
quy tụ chiến lược của chúng ta.” Ưu thế của Trung Quốc ở Trung Á mang
đến ảnh hưởng kép đối với Ấn Độ, một mặt Ấn Độ lo lắng sẽ bị cô lập
ngoài vòng “liên kết-trao đổi” giữa Ấn Độ với các nước Trung Á, mặt khác
lại nhận thấy Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng xuất hiện tranh chấp về
năng lượng ở Trung Á. Theo thống kê, hiện 70% dầu mỏ của Ấn Độ phụ thuộc
vào nhập khẩu, đồng thời “Ấn Độ cũng được coi là một trong những nước
có nhu cầu dầu mỏ tăng với tốc độ tương đối nhanh ở châu Á, mức tăng
trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2011 là 3,3%”. Theo dự đoán của Cơ quan năng
lượng quốc tế, “khoảng năm 2025, Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản trở thành nước
nhập khẩu tịnh dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc”. Trong
khi đó, năm 1996 Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba
thế giới sau Mỹ và Nhật Bản. Các nước Trung Á có nguồn năng lượng dồi
dào, nhưng do còn cần lượng đầu tư lớn nên phần lớn chưa được khai thác,
đây là lĩnh vực có thể xảy ra cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Nói
về sự định vị chiến lược của Ấn Độ ở Trung Á, Ấn Độ xem xét Trung Á
trong khuôn khổ láng giềng chiến lược chung của hai nước Trung- Ấn. Đúng
như lời của học giả Ấn Độ Ajay Patnaik: “Để bảo vệ lợi ích an ninh, Ấn
Độ vẫn không thể không đặt tiêu điểm tập trung vào Ápganixtan và Trung
Á.... Ấn Độ cần có những bước đi cần thiết để đảm bảo mình không bị gạt
ra ngoài trong các diễn biến của Trung Á, đồng thời đảm bảo mình không
trở thành kẻ ngoài cuộc chẳng có tác dụng gì trong khu vực vô cùng quan
trọng với an ninh đất nước.” Là nước lớn trong khu vực Nam Á, Ấn Độ luôn
xem Trung Á là “khu vực láng giềng liền kề và chiến lược” của mình,
nhận thức an ninh này đã được tăng cường hơn nữa sau khi Mỹ đưa ra chiến
lược chấn chỉnh Trung Á-Nam Á. Ấn Độ tăng cường mối quan hệ hợp tác
chiến lược với Trung Á không những có cân nhắc tới tuyến đường năng
lượng, mà còn tính tới việc làm dịu những mâu thuẫn và xung đột bấy lâu
với Pakixtan, và tư tưởng chiến lược quan trọng nhất trong đó là giúp Ấn
Độ thay đổi sự xác định tư cách nước lớn tầm khu vực tại Nam Á, tăng
cường chiều sâu chiến lược. Ở một mức độ nào đó, có thể xem chiến lược
Trung Á của Ấn Độ như là sự ủng hộ đồng bộ cho mặt phía Tây của chính
sách “hướng Đông”. Xét một cách tương đối, địa vị kinh tế của Ấn Độ ở
Nam Á yếu hơn Trung Quốc, nhưng hình tượng quốc gia dân chủ của Ấn Độ có
mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên Xô (Nga) cũng như vai trò
tác động tích cực lẫn nhau giữa Mỹ và Ấn Độ hiện nay đều là nguồn lực
ngoại giao mà Ấn Độ có thể lợi dụng tại Nam Á. Đồng thời, cùng với sự
trỗi dậy cùng lúc, cạnh tranh về năng lượng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở
Trung Á sẽ có phần tăng lên. So sánh một cách tổng thể, chiến lược hiện
nay của Ấn Độ đối với Trung Á cơ bản vẫn vụn vặt và mang tính thăm dò.
Những gợi mở đối với ngoại giao láng giềng của Trung Quốc
Trong
ba tiểu vùng xung quanh Trung Quốc, tại Trung Á, mức độ hội nhập về
kinh tế và an ninh của Trung Quốc cao hơn nhiều so với Ấn Độ; tại Nam Á,
cơ bản lấy ranh giới chính trị Ấn Độ-Pakixtan làm cơ sở, phân thành hai
thế trận “Ấn Độ về phía Đông” và “Pakixtan về phía Tây”. Với thế trận
phía Đông, Ấn Độ được hưởng vị trí “trung tâm”, trong khi Pakixtan vẫn
luôn duy trì ảnh hưởng chiến lược mang tính áp đảo đối với Ápganixtan.
Trong việc lựa chọn chiến lược, các nước nhỏ Nam Á thuộc thế trận phía
Đông đều thận trọng lựa chọn hợp tác với Ấn Độ để đạt được lợi ích nhất
định từ sự trỗi dậy của nước này, trong khi Pakixtan lại chủ yếu lựa
chọn hợp tác với Trung Quốc để đối trọng với Ấn Độ một cách thích hợp;
tại Đông Nam Á, phần lớn các nước đều lựa chọn dựa vào Trung Quốc về mặt
kinh tế nhưng dựa vào Ấn Độ về mặt an ninh, làm cho các nước này trở
thành lực lượng mang tính bổ sung quan trọng để cân bằng ưu thế của
Trung Quốc. Tương quan lực lượng khác nhau và hình thức của mối quan hệ
tác động lẫn nhau này ở các khu vực của châu Á đã quyết định dù Trung
Quốc hay Ấn Độ đều không thể hình thành ưu thế áp đảo đối với đối
phương, không một nước nào có thể chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực. Mối
quan hệ tác động phức tạp này có những ý nghĩa gợi mở đối với ngoại giao
láng giềng của Trung Quốc như sau:
Trước
tiên, phán đoán cho rằng “sự trỗi dậy của Trung Quốc đã trở thành nhân
tố quan trọng hàng đầu đối với diễn biến cục diện an ninh châu Á-Thái
Bình Dương và sự điều chỉnh quan hệ giữa các nước trong khu vực” tiếp
tục được chứng thực. So với Ấn Độ, sự trỗi dậy của Trung Quốc có những
tác động lớn hơn đối với các nước xung quanh. Phối hợp với chiến lược
quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, tình hình Biển Đông ngày
càng căng thẳng hơn, Ấn Độ cũng sẽ bị cuốn vào tiến trình này vào thời
điểm thích hợp. Thứ hai, địa vị của Ấn Độ trong chiến lược châu Á của Mỹ
có phần được nâng lên. Xét về ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á, nếu Mỹ
muốn “tái cân bằng Trung Quốc” thì cần động viên sự tham gia của tất cả
các nước bao gồm các đồng minh truyền thống và các đồng minh “mềm”. Do
triển vọng không ngừng nâng lên của Ấn Độ, tầm quan trọng chiến lược của
nước này đối với Mỹ cũng tăng lên. Để duy trì thành quả chống khủng bố
và lợi ích địa chiến lược, sau khi rút quân khỏi Ápganixtan, Mỹ sẽ tiếp
tục duy trì sự hiện diện với một hình thức nào đó, đồng thời coi trọng
sự hợp tác quân sự với Ấn Độ và Pakixtan, nâng cao vị trí của Ấn Độ
trong tọa độ quân sự của mình. Thứ ba, tầm quan trọng của một số quốc
gia cốt lõi xung quanh Trung Quốc được tăng cường.
Theo
đánh giá, do tính nhạy cảm của Ấn Độ đối với tiểu vùng Nam Á nên tầm
quan trọng của Ápganixtan trong quan hệ Trung- Ấn sẽ được tăng cường
hơn, tương tự Mianma cũng là một quốc gia quan trọng. Xét thấy vị trí
của khu vực Nam Á trong môi trường an ninh xung quanh Trung Quốc, truyền
thống “coi trọng phương Đông xem nhẹ phương Tây” của nền ngoại giao
Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức. Nói về địa vị của Ấn Độ
trong tổng thể ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, tầm quan trọng của
Ấn Độ không những được thể hiện trong chính sách (hoặc chiến lược) Nam Á
của Trung Quốc mà còn được thể hiện ở tính chất tác động dây chuyền
giữa các khu vực ở châu Á do lợi ích ngày càng tăng của Ấn Độ tại các
khu vực khác ở châu Á. Trong chiến lược Nam Á của Trung Quốc, ở hướng
Tây cần coi trọng vai trò của Ápganixtan và Iran; ở hướng Đông cần coi
trọng vai trò của Mianma; trên biển thì cần coi trọng mối liên quan giữa
Ấn Độ Dương và Biển Đông. Về mặt tổng thể, dưới tiền đề cần coi trọng
hết mức hiện thực trỗi dậy của Ấn Độ và ván bài của các lực lượng khu
vực, môi trường ngoại giao xung quanh của Trung Quốc ở châu Á sẽ ngày
càng phức tạp hơn./.
Theo Tạp chí “Thế giới đương đại”-Trung Quốc
Lê Sơn (gt)