16:58' 22/4/2013
Hội đồng bầu cử quốc gia Vê-nê-xu-ê-la cho biết, theo kết quả kiểm 99% tổng số phiếu bầu, quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô giành được 50,7 % số phiếu bầu, so với 49,1% số phiếu của ứng cử viên đối lập Ên-ri-kê Ca-pri-lết. Theo Hiến pháp Vê-nê-xu-ê-la, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ thắng cử ngay trong vòng đầu và tổng thống đắc cử sẽ có nhiệm kỳ 6 năm. Đây là kết quả "không thể đảo ngược" và với thắng lợi này, ông Ni-cô-lát Ma-đu-rô sẽ trở thành Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la nhiệm 2013-2019.
Tiến trình bỏ phiếu ở Vê-nê-xu-ê-la được xem là công bằng và vô tư. Các quan sát viên của mỗi đảng có mặt tại phòng phiếu để bảo đảm không có gian lận, còn các cử tri trước khi bỏ phiếu phải trình giấy tờ chứng minh chính thức, không phải là bản sao hay giấy tờ nào khác. Có hơn 80% trong số gần 19 triệu cử tri Vê-nê-xu-ê-la đã tham gia bầu cử.
Vài nét về hai ứng cử viên
Ứng cử viên Ni-cô-lát Ma-đu-rô, sinh năm 1962, thành viên Đảng xã hội thống nhất, người kế thừa cố Tổng thống U-gô Cha-vết (Hugo Chavez) là một nhà lãnh đạo nghiệp đoàn, xuất thân là công nhân lái tàu điện ngầm ở thủ đô Ca-ra-cát (Caracas).
Ông Ni-cô-lát Ma-đu-rô từng được bầu vào Quốc hội Vê-nê-xu-ê-la năm 2000, tái đắc cử năm 2005, và được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Từ năm 2006 đến năm 2012, ông giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và được Tổng thống U-gô Cha-vết bổ nhiệm làm Phó Tổng thống hồi tháng 10-2012. Với tư cách là người phụ trách ngoại giao của Vê-nê-xu-ê-la, ông N. Ma-đu-rô đã thay mặt Tổng thống U-gô Cha-vết tham dự nhiều sự kiện quốc tế, nổi bật là Hội nghị các nước Mỹ La-tinh tại Cô-lôm-bi-a hồi tháng 4-2012 trong thời gian ông U. Cha-vết đang trải qua các đợt điều trị bệnh ung thư ở Cu-ba.
Ông Ni-cô-lát Ma-đu-rô đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la ngày 14-4-2013. |
Tháng 12-2012, ông N. Ma-đu-rô được công nhận là người kế nhiệm Tổng thống U-gô Cha-vết lúc đó đã sang Cu-ba điều trị bệnh. Kể từ đó đến cuộc bầu cử ngày 14-4-2013, ông N. Ma-đu-rô đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước và giữ chức quyền Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la sau khi Tổng thống U-gô Cha-vết qua đời đầu tháng 3-2013. Là người được Tổng thống U-gô Cha-vết đích thân lựa chọn, ông N. Ma-đu-rô có lợi thế hơn ứng cử viên tổng thống khác trong cuộc bầu cử Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la ngày 14-4-2013.
Trong khi đó, ứng cử viên Ên-ri-kê Ca-pri-lết, sinh năm 1972, là người của Liên minh dân chủ thống nhất. Ông từng giữ chức Thống đốc bang Mi-ran-đa (Miranda) từ năm 2008 đến năm 2012. Năm 2012, ông từ chức thống đốc bang để ra tranh cử với Tổng thống U-gô Cha-vết trong cuộc bầu cử vào tháng 10-2012 nhưng thất bại. Trước đó, ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết từng là Phó Chủ tịch trẻ nhất của Quốc hội Vê-nê-xu-ê-la đã bị giải thể và từng giữ chức Chủ tịch Quốc hội trong hai năm 1999 - 2000. Ông cũng từng là thị trưởng thành phố Ba-ru-ta qua 2 nhiệm kỳ (2000-2008). Ứng viên Ên-ri-kê Ca-pri-lết cũng là người sáng lập và lãnh đạo Đảng quyền tối cao của pháp luật.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2012, ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết đã cam kết tiến hành thực thi một số thay đổi quan trọng trong đường lối đối ngoại của Vê-nê-xu-ê-la như sẽ hủy bỏ các hợp đồng mua vũ khí với Nga và xa lánh I-ran, Bê-la-rút (Belarus). Ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết cũng cam kết sẽ đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa ở Vê-nê-xu-ê-la, dành nhiều cơ hội cho cho tầng lớp trung và thượng lưu; cam kết đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức 1 con số; tăng sản lượng khai thác dầu lên tới 6 triệu thùng/ngày; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết còn cam kết sẽ tạo ra 100.000 việc làm mỗi năm.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Vê-nê-xu-ê-la vào tháng 10-2012, mặc dù được các thế lực bên ngoài ủng hộ và tạo điều kiện nhưng ông Ên-ri-kê Ca-pri-lết vẫn thất bại trước ứng cử viên là đương kim Tổng thống U-gô Cha-vết với tỷ lệ phiếu bầu 44,31% trên 55,07%.
Trong chiến dịch tranh cử trước ngày bầu cử 14-4-2013, các lực lượng đối lập ở quốc gia này được một số phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây tiến hành chiến dịch thông tin trên quy mô lớn đưa tin thất thiệt về “những thất bại trong tiến trình cải cách ở Vê-nê-xu-ê-la” hoặc về “sự kết thúc của nhà lãnh đạo chuyên chế”. Ngoài ra, một số phương tiện thông tin đại chúng ở phương Tây liên tục đưa tin và bài nhằm làm lu mờ ảnh hưởng của cố Tổng thống U-gô Cha-vết và hạ thấp uy tín của người kế nhiệm ông - quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô.
Tương lai nào cho Vê-nê-xu-ê-la ?
Ra đi ở tuổi 58, cố Tổng thống U-gô Cha-vết để lại một đất nước Vê-nê-xu-ê-la vừa đứng trước hy vọng về một tương lai sáng sủa, vừa xen lẫn những khó khăn kinh tế và tình trạng phân cực chính trị ở trong nước. Kết quả sít sao của 2 ứng cử viên Ni-cô-lát Ma-đu-rô (50,7 % số phiếu ủng hộ) và Ên-ri-kê Ca-pri-lết (49,1% số phiếu ủng hộ) phần nào chứng tỏ sự phân cực này.
Một số nhà quan sát nhận định, Vê-nê-xu-ê-la sẽ phải đối mặt với thời kỳ đầy thách thức vì thủ lĩnh các phong trào đối lập được một số thế lực bên ngoài ủng hộ, có thể tận dụng thời kỳ khó khăn này để kêu gọi người dân nước này đoạn tuyệt với các di sản của cố Tổng thống U-gô Cha-vết. Ngay cả các chuyên gia kinh tế trong Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la cũng tỏ ra lo ngại trước nhiệm vụ khó khăn là duy trì sự ổn định kinh tế trong nước trước các thách thức lạm phát, lương thực thiết hụt, kết cấu hạ tầng xuống cấp sẽ tác động lớn tới đời sống của người dân.
Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 14-4-2013, ông N. Ma-đu-rô không chỉ được thừa hưởng một nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong thập niên qua nhờ giá dầu tăng nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Việc phá giá 32% đồng tiền Bô-li-va (Bolivar) mới đây đã tạo ra dư chấn trong nền kinh tế. Biện pháp này tuy giúp giảm thâm hụt ngân sách nhưng cũng tạo ra áp lực về giá cả trong một đất nước có tỷ lệ lạm phát là 20%. Việc phá giá đồng Bô-li-va cũng chưa mang lại nhiều lợi ích trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu hụt những mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, tầm ảnh hưởng của cố Tổng thống U-gô Cha-vết sẽ định hình nền chính trị và xã hội Vê-nê-xu-ê-la trong nhiều năm. Đây là một lợi thế quan trọng của tân Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô.
Là người được chính Tổng thống U-gô Cha-vết “chọn mặt gửi vàng”, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông N. Ma-đu-rô gương cao khẩu hiệu “U-gô Cha-vết chỉ đường, Ni-cô-lát Ma-đu-rô cầm lái”. Đây là thông điệp gửi tới các cử tri Vê-nê-xu-ê-la rằng một khi họ bỏ phiếu cho ông cũng chính là bỏ phiếu ủng hộ đường lối và chính sách cải cách của cố Tổng thống U-gô Cha-vết.
Ông Ni-cô-lát Ma-đu-rô cam kết tiếp tục sứ mệnh cách mạng cao cả của cố Tổng thống U-gô Cha-vết, giải quyết tình trạng lạm phát cao, thiếu lương thực cũng như tỷ lệ tội phạm cao ở Vê-nê-xu-ê-la .
Trong chiến dịch tranh cử, quyền Tổng thống Ni-cô-lát Ma-đu-rô tuyên bố sẽ tiếp tục các chính sách xã hội tốt đẹp được tài trợ bằng thu nhập từ khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, sẽ giảm tỷ lệ nghèo từ 50% xuống còn 29% thông qua các chương trình y tế, giáo dục và bảo đảm thực phẩm cho người dân. Tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la sẽ phải chỉ đạo Ủy ban Chính phủ điều tra nguyên nhân gây nên căn bệnh chết người ở cố Tổng thống U-gô Cha-vết. Theo ông N. Ma-đu-rô, “các thế lực đen tối” đã đầu độc nguyên thủ Vê-nê-xu-ê-la và nhiều nước Mỹ La-tinh, trong đó có cố Tổng thống U-gô Cha-vết khi ông bị nhiễm một loại bệnh ung thư kỳ lạ, chưa từng gặp trong lịch sử y học thế giới.
Sắp tới đây, trong điều kiện mới, tân Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Ni-cô-lát Ma-đu-rô sẽ phải điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại nhưng sẽ vẫn theo hướng tiếp tục phát triển đất nước theo đường lối xây dựng “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” và phát huy vai trò cũng như vị thế của Vê-nê-xu-ê-la như ngọn cờ của phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh./.