Chủ nghĩa đế quốc mới của Trung Quốc ở châu Phi
Ngày đăng: 25/04/2013
Người Anh từng tới châu Phi và Ấn Độ
để chiếm đoạt nguyên liệu thô và thị trường. Giờ đây, châu Phi lại tự nguyện mở
cửa chào đón một dạng đế quốc mới.
Ngày 24/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập
Cận Bình đã tới thành phố Dares Salaam, được coi là thủ đô kinh tế của
Tandania, bắt đầu chuyến công du 7 ngày tới ba nước châu Phi gồm Tandania, Nam
Phi và Cộng hòa Cônggô. Ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Durban lần thứ 5 của nhóm
BRICS (Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
2012- năm kỷ lục về thương mại và đầu
tư
Việc ông Tập Cận Bình chọn châu Phi
là điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách là người
đứng đầu Trung Quốc đã nói lên tầm quan trọng của châu Phi trong chiến lược
bành trướng ra bên ngoài của một nước từng xem mình là quốc gia nằm ở trung tâm
của thế giới.
Sự hiện diện của Trung Quốc tại châu
Phi tập trung vào 3 mũi nhọn kinh tế: FDI, viện trợ và thương mại.
Năm 2012, quan hệ thương mại dự kiến
sẽ đạt trên 200 tỷ USD so với mức 166 tỷ USD trong năm 2011 - mức cao nhất từ
trước tới nay. Trung Quốc chiếm 20% tổng giá trị thương mại của châu Phi, trong
khi châu Phi đã trở thành thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất đối với
hang xuất khẩu của Trung Quốc.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi
cũng tăng mạnh. Tính đến tháng 6/2012, nước này đã đầu tư 45 tỷ USD vào châu lục,
trong đó hơn 15 tỷ USD là đầu tư trực tiếp. Hiện tại, có hơn 2.000 công ty
Trung Quốc đang hoạt động tại 50 trên tổng số 54 quốc gia tại châu lục. 85% dấu
ấn thương mại của Trung Quốc tại châu Phi là do các doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo
ra.
Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu chủ yếu
là thành phẩm sang châu Phi. Các chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô ước
tính rằng các nhà sản xuất đã bán khoảng 1 triệu chiếc xe tại châu Phi trong
năm 2012. Với mức độ này, trong khoảng 10 năm tới, châu Phi sẽ trở thành một
thị trường quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc, cũng như Mỹ Latinh.
Hiện nay, 70% lượng xe xuất khẩu của công ty ô tô Bắc Trung Quốc là xuất sang
châu Phi. Thay vì bán hang thông qua các đại lý địa phương, các công ty Trung
Quốc như Foton và Geely đã mở cửa hang để bán trực tiếp tại Kênia và Ai Cập.
Viện trợ của Trung Quốc chủ yếu tập trung
xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá, cầu cống, chủ yếu phục vụ cho những dự án khai
thác tài nguyên ở châu lục này.
Không phải tất cả đều là “màu hồng”
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung
Quốc đã đầu tư khoảng 20 trung tâm nghiên cứu phát triển tại châu Phi. Chính phủ
Cộng hòa Dân chủ Cônggô đã phản ứng dữ dội khi công ty Trung Quốc ZTE
International đã ký một thỏa thuận với Oxfam, một tổ chức từ thiện của Anh, để
“thuê” lại hàng ngàn hécta đất của Cônggô. Nhiều nhà chính trị cho rằng đây là
một thủ đoạn “cướp đất” của Trung Quốc thông qua các dự án nông nghiệp.
Những tranh cãi ngày càng tăng về
cách thức thâm nhập mạnh mẽ vào châu Phi của Trung Quốc.
Châu Phi hoan nghênh đầu tư của Trung
Quốc nhưng rất e ngại việc thâm nhập hàng hóa của nước này. Tháng 5/2012, ông
Neil Bruce, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất đồ nội thất của Dimbabuê, đã tố
cáo với quốc hội nước này về việc đồ nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc không
phải có chất lượng tốt nhưng đã làm tê liệt ngành công nghiệp này tại địa
phương.
Nhiều người châu Phi cho rằng các sản
phẩm chất lượng thấp và giá rẻ của Trung Quốc là nguyên nhân cho sự sụp đổ của
ngành công nghiệp địa phương, điển hình là Comatex và Batexci, hai công ty dệt
may hàng đầu của Mali đã bị thiệt hại nghiêm trọng bởi vải giá rẻ từ Trung
Quốc. Ngoài ra, hàng trăm nhà máy dệt cũng bị phá sản ở Nigiêria vì không thể
cạnh tranh với hàng của Trung Quốc. Tandania cũng đang tạm ngừng nhập khẩu các
sản phẩm từ Trung Quốc.
Tháng 12/2012, báo Người bảo vệ của
Anh đưa tin rằng 1/3 số thuốc chống sốt rét ở Đông Phi, chủ yếu được nhập từ Trung
Quốc và Ấn Độ, là sản phẩm kém chất lượng hoặc là hàng giả.
"Chủ nghĩa thực dân mới"
của Trung Quốc
Trung Quốc đang nỗ lực chống lại
những chỉ trích của châu Phi và thế giới về cái gọi là “chủ nghĩa thực dân mới”
của họ ở châu Phi bằng cách tăng cường thâm nhập vào thị trường truyền thông ở
khu vực này. Tháng 12/2012, tờ China Daily xuất bản bằng tiếng Anh đã phát hành
một ấn bản hàng tuần tại châu Phi. Trước đó, vào tháng 1/2012, Đài truyền hình
Trung Quốc CCTV đã thành lập một trung tâm tin tức đặt trụ sở tại Kênia, trong
khi Tân hoa xã cũng đã bành trướng mạnh mẽ tại châu lục. Ngoài ra, Thứ trưởng
Ngoại giao Trung Quốc Trác Tuấn - nhân vật sẽ tiếp tục giữ vị trí chủ chốt
trong quan hệ của Trung Quốc với châu Phi - đã công bố về việc mở “một trung
tâm cho các phương tiện truyền thông châu Phi tại Bắc Kinh. Trung Quốc cũng cử
một đặc sứ để điều phối việc xây dựng hình ảnh Trung Quốc tại các nước ở châu
lục Đen.
Các hội nghị thượng đỉnh do Trung
Quốc tổ chức trong năm 2012 còn bao gồm cả Diễn đàn ngư nghiệp Trung Quốc - châu
Phi, Diễn đàn nhân dân Trung Quốc - Châu Phi, Hội nghị bàn tròn về hợp tác
Trung Quốc - châu Phi, Diễn đàn xoá đói giảm nghèo và phát triển, Diễn đàn về
hiện đại hoá nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo, Diễn đàn về hợp tác giữa các
chính quyền địa phương Trung Quốc - châu Phi, Diễn đàn các nhà lãnh đạo trẻ
Trung Quốc - châu Phi... Những sáng kiến như vậy có thể chứng minh cho cách
tiếp cận ngày một tinh vi của Trung Quốc.
Mặc dù hầu hết các chính phủ tại châu
Phi đều khẳng định chính sách “hướng Đông”, coi quanhệ hợp tác với Trung Quốc
là đối trọng chống lại ảnh hưởng của phương Tây, song sự hiện diện mạnh mẽ của
nước này tại châu lục không phải ở đâu và lúc nào cũng được dư luận hoan
nghênh. Không ít học giả, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức xã hội và môi
trường đã lên tiếng cảnh báo về điều mà họ gọi là “chủ nghĩa thực dân mới” khi
Trung Quốc ráo riết khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và đất đai
của châu Phi mà không quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường. Tổng thống
Nam Phi Jacob Zuma cũng từng bày tỏ quan ngại về sự thiếu bền vững trong quan
hệ hợp tác giữa châu Phi và Trung Quốc.
Cách đây ít ngày, ông Lamido Sanusi -
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nigiêria - viết trên Thời báo tài chính (Anh)
rằng quan hệ Trung Quốc - châu Phi là quan hệ trong đó châu Phi bán tài nguyên
thiên nhiên của mình để đổi lấy hàng hóa. Ông này viết: “Đó cũng là một biểu
hiện của chủ nghĩa thực dân. Người Anh từng tới châu Phi và Ấn Độ để chiếm đoạt
nguyên liệu thô và thị trường. Giờ đây, châu Phi lại tự nguyện mở cửa chào đón
một dạng đế quốc mới”.
Không một số liệu chính thức nào được
công bố, song theo đánh giá, số người Trung Quốc tại châu Phi ở mức từ 750.000
đến 1 triệu người. Báo Afrik đánh giá đó không phải chỉ là một “làn sóng” người
Trung Quốc nữa mà là một “trận sóng thần”. Số lượng người Trung Quốc không
ngừng tăng tới làm ăn và định cư.
Người Trung Quốc có xu hướng định cư
lâu dài tại châu Phi, đàn ông sang trước sau đó đưa gia đình sang theo. Họ tới
châu Phi không phải vì mục đích du lịch mà là để kiếm tiền. Lục địa Đen đang là
một thị trường mới của họ, nơi mọi thứ đều có thể. Tuy nhiên, sự hiện diện trên
cũng gây ra những vụ tranh chấp lớn với người bản địa. Không chịu chấp nhận
thân phận “chư hầu”, người châu Phi đã thể hiện sự phẫn nộ trước việc phải cạnh
tranh với những vị khách Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trác
Tuấn ước tính có khoảng 1-2 triệu doanh nhân Trung Quốc đang làm việc tại châu
Phi. Ông này từng thừa nhận về “những nỗi đau ngày một gia tăng” trong quan hệ
hợp tác với châu Phi mà một trong những nguyên nhân là do thiếu hiểu biết lẫn
nhau.
Sự hiện diện của Trung Quốc là rất
mới mẻ và thành công còn phụ thuộc vào việc liệu nước này có tìm thấy một cách
thức tạo dựng quá trình phát triển bền vững ở châu Phi hay không./.
Linh Hương
Nguồn: toquoc.vn