Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

6. Thông tin Hội nghị thượng đỉnh lần V - nhóm BRICS (3/2013)

1. Bước phát triển mới quan trọng của BRICS
16:6' 5/4/2013
TCCSĐT - Ngày 27-03-2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới, gọi tắt là BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với chủ đề "BRICS - châu Phi: Quan hệ đối tác phát triển, hợp nhất và công nghiệp hóa", đã bế mạc tại thành phố cảng Đơ-ban (Durban) của Nam Phi.



Với việc dự kiến thành lập Ngân hàng phát triển và Quỹ dự phòng rủi ro; thành lập Hội đồng Kinh doanh và Hội đồng nghiên cứu chính sách, kết quả Hội nghị đánh dấu bước phát triển mới quan trọng của BRICS.

Quyết định quan trọng của BRICS

Những quyết định quan trọng của BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V về việc thành lập Ngân hàng phát triển, Quỹ dự phòng rủi ro, Hội đồng kinh doanh và Hội đồng nghiên cứu chính sách; ký Tuyên bố chung của BRICS.

Các chi tiết cụ thể của hai định chế quan trọng gồm Ngân hàng phát triển và Quỹ dự phòng rủi ro sẽ được các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận thêm tại cuộc gặp vào tháng 9-2013 ở Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi G20 do Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên.

Theo Tổng thống Nam Phi Gia-cốp Du-ma (Jacob Zuma), Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2013, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí số vốn ban đầu của Ngân hàng phát triển đủ để tài trợ hiệu quả cho các dự án kết cấu hạ tầng. Trong đó, 5 nước thành viên của BRICS đã hoàn toàn nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về các nội dung liên quan tới việc thành lập Ngân hàng này như nơi đặt trụ sở Ngân hàng và các dự án có thể được Ngân hàng tài trợ. Dự kiến, trong 5 năm tới, Ngân hàng phát triển sẽ đạt mức vốn hóa 4.500 tỷ USD để trở thành công cụ cho BRICS giành ảnh hưởng ngày càng lớn hơn trên trường quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu. Quỹ dự phòng rủi ro của BRICS cũng sẽ được thành lập với quy mô vốn ban đầu ở mức 100 tỷ USD và có chức năng tương tự Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ.

Cũng tại Hội nghị này, Hội đồng Kinh doanh và Hội đồng nghiên cứu chính sách của BRICS đã được thành lập nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và kinh doanh trong Nhóm và tạo thuận lợi cho quá trình hợp tác giữa các nước thành viên. Trong số các hiệp định được ký kết tại Hội nghị, có hai hiệp định về tài trợ phát triển kinh tế xanh và tài trợ phát triển các hệ thống hạ tầng tại châu Phi. Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về dự án xây dựng một tuyến cáp quang dài 28.400 km để kết nối các nước thành viên BRICS nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nước phát triển trong lĩnh vực viễn thông.

 
 Lãnh đạo các nước thành viên của BRICS bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển toàn diện với châu Phi.

Trao đổi với báo "Độc Lập" (Nga), chuyên gia của Viện Nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, Ngân hàng phát triển của BRICS sẽ thực hiện chức năng thúc đẩy, đưa ra sáng kiến và sử dụng nguồn lực kinh tế từ tất cả các nguồn trong BRICS. Tuy nhiên, BRICS hiện có một hạn chế là diễn đàn này chưa có cơ quan điều phối hoạt động. Vì vậy, Tổng thống Nga V. Pu-tin đề nghị đưa BRICS trở thành một diễn đàn đối thoại, một cơ chế phối hợp hành động chiến lược được xem là táo bạo và hợp lý. Đề xuất này đề cập đến việc thành lập Ban Thư ký của BRICS để điều phối hoạt động và tăng cường thông tin cho các bên. Diễn đàn năm nay có thể chỉ ghi nhận sáng kiến này, nhưng nó sẽ được bàn thảo một cách nghiêm túc tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ VI tại Bra-xin vào tháng 3-2014.

Trong chính sách đối ngoại, các nước thành viên BRICS cảnh báo các mối đe dọa sử dụng vũ lực cũng như các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại I-ran, kêu gọi giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân của I-ran bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao. Lãnh đạo các nước thành viên BRICS cũng phản đối việc phương Tây kêu gọi lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát (Bashar al-Assad). Đồng thời, kêu gọi chính quyền Xy-ri tạo điều kiện để các nhân viên nhân đạo quốc tế làm việc, trợ giúp người dân nước này.

Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh mục tiêu đưa BRICS trở thành một cơ chế phối hợp thường xuyên và dài hạn trong các vấn then chốt của nền kinh tế và chính trị thế giới, kêu gọi thiết lập thế cân bằng hơn đối với kinh tế thế giới cũng như dân chủ hơn trong quan hệ quốc tế. Tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế.

Tổng thống Bra-xin, bà Đin-ma Ru-xép (Dilma Rousseff) đánh giá: "Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi kinh tế sâu sắc, khiến các quốc gia thành viên của tổ chức này trở thành cổ đông và người chơi quan trọng trên trường quốc tế".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định: “Phía trước các nước BRICS còn cả một chặng đường dài và còn nhiều tiềm năng phát triển. Trung Quốc cam kết cùng với các nước thành viên BRICS thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Nhóm và thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Sing) đã kêu gọi tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước BRICS trong các lĩnh vực năng lượng, an ninh lương thực, giáo dục, y tế, phát triển bền vững, công nghệ thông tin và dịch vụ công cộng. Ông cũng nhấn mạnh tới các thách thức của chủ nghĩa khủng bố và hải tặc, đồng thời cho rằng các nước cần sử dụng tiếng nói tập thể của mình để có đóng góp hữu ích và hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức này, từ đó tăng cường hòa bình và an ninh toàn cầu.

Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) đã bày tỏ hy vọng các nước BRICS trong khi chú trọng đến việc mở rộng các quan hệ kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp củng cố các thị trường công nghệ và công nghiệp. Ông khuyến khích thúc đẩy nền kinh tế xanh, trong đó áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường vì sự phát triển bền vững.

Đối thoại BRICS - châu Phi

Đối với các thành viên BRICS, Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Nam Phi là cơ hội để thúc đẩy các bên hợp tác và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với châu Phi, nơi chiếm 60% diện tích đất canh tác của toàn cầu chưa sử dụng và nguồn tài nguyên phong phú. Năm 2010, 6 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới thuộc về châu Phi và sản lượng sản xuất của châu lục này sẽ tăng 50% trong 4 năm nữa. Tăng trưởng kinh tế toàn châu lục dự kiến ở mức khoảng 5,5% trong 5 năm tới. Xu hướng tăng trưởng này không phải là kết quả từ việc phát hiện các mỏ dầu trong thời gian gần đây. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong 5 năm qua, các nước không có dầu mỏ tại khu vực Hạ sa mạc Sa-ha-ra châu Phi vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5,4%/năm.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V, lãnh đạo các nước thành viên tiến hành cuộc Đối thoại BRICS - châu Phi với chủ đề "Khai mở tiềm năng châu Phi: Hợp tác BRICS và châu Phi trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng". Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Thế giới không thể hưởng hòa bình và đạt thịnh vượng nếu ở châu Phi không có hòa bình và phát triển. Các vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của châu Phi. Hệ thống điều hành toàn cầu sẽ không còn giá trị nếu thiếu tiếng nói của châu Phi. Thế kỷ XXI chắc chắn sẽ là thế kỷ nổi lên của khu vực này".

Lãnh đạo các nước thành viên khác của BRICS cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi và cung cấp hỗ trợ trong lĩnh vực hạ tầng cũng như thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện ở châu lục này. Cũng tại cuộc Đối thoại, các nhà lãnh đạo châu Phi cho biết, châu lục này cần củng cố kết cấu hạ tầng, tăng cường hội nhập và công nghiệp hóa, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Họ bày tỏ mong muốn thiết lập một quan hệ đối tác hợp tác với các nước thành viên BRICS, trong đó nhấn mạnh tới sự hỗ trợ lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi và cùng thắng giữa các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Trong báo cáo mới nhất về xu hướng đầu tư toàn cầu với tiêu đề "Sự trỗi dậy của FDI BRICS và châu Phi" tại Hội nghị thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V, các đại biểu đánh giá, BRICS đã vươn lên nằm trong số 20 nước hàng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi. Báo cáo cho biết, trong số 20 nước dẫn đầu về dòng FDI vào châu Phi năm 2011, Trung Quốc đứng thứ 4, Ấn Độ thứ 5 và Nam Phi thứ 17. Trong số những nước nắm cổ phiếu FDI hàng đầu ở châu Phi, Nam Phi đứng thứ 5, tiếp đến Trung Quốc thứ 6, Ấn Độ thứ 7 và Nga thứ 15. Trong năm 2010, lượng cổ phiếu FDI của BRICS ở châu Phi chiếm 17%, trong khi dòng vốn FDI chiếm tới 25%. Báo cáo cho biết, phần lớn các dự án FDI của BRICS tại châu Phi là trong ngành chế tạo và dịch vụ, giúp tạo việc làm và phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, UNCTAD cũng cho biết, các nước BRICS cũng là những nước nhận được lượng vốn FDI và đầu tư ra nước ngoài quan trọng. Trong thập kỷ qua, dòng vốn FDI mà BRICS tiếp nhận đã tăng hơn gấp 3 lần, ước tính lên tới 263 tỉ USD vào năm 2012, trong khi vốn đầu tư ra nước ngoài của BRICS tăng từ 7 tỉ USD năm 2000 lên 126 tỉ USD năm 2012, chiếm 9% dòng FDI của thế giới.

Tham gia BRICS là ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới của Nga

Báo "Độc Lập" (Nga) ngày 27-03-2013 đăng bài viết nhận định, vấn đề lành mạnh hóa môi trường kinh tế quốc tế là một trong những tâm điểm nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V này. Nga coi việc tham gia BRICS là một trong những phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới bởi hiện nay BRICS đang sở hữu tiềm năng rất to lớn với 45% dân số toàn cầu, 29% diện tích thế giới và 27% tổng GDP toàn cầu. Ngoài ra, các nước BRICS ngày càng có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng.

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V, Tổng thống Nga V. Pu-tin ký phê chuẩn và công bố chính sách của Nga tham gia BRICS, trong đó nhấn mạnh Nga ủng hộ việc biến diễn đàn này thành một mô hình kiểu mẫu của các mối quan hệ quốc tế, vượt lên các thiết chế hiện có đang đi theo các trục Đông - Tây hay Nam - Bắc. Nga cũng hy vọng rằng với sự đồng thuận cao trong lãnh đạo các nước thành viên, BRICS trong tương lai gần như hoàn toàn có thể trở thành một trong những nhân tố cơ bản của hệ thống quản trị toàn cầu, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Bối cảnh hiện nay của nền kinh tế thế giới không cho phép kỳ vọng về một sự hồi phục vững chắc sau khủng hoảng. Các nước BRICS phải tăng cường phối hợp, không chỉ trong nội khối mà còn ở các diễn đàn lớn như G8 và G20. BRICS, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5% trong các năm 2011-2012, trong khi ở châu Âu chỉ là 1,5% cần đạt được tiếng nói quan trọng hơn trong các thể chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới./.
Thùy Dương
 
2. Bước đột phá của khối BRICS
22:23' 12/4/2013
TCCSĐT - Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ V của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi tại Đơ-ban (Nam Phi), các bên đã đạt được thỏa thuận về một số vấn đề then chốt, trong đó có việc khởi động thành lập Ngân hàng Phát triển mới BRICS. Điều đó sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho các nước này, mà còn có thể hỗ trợ tích cực cho kinh tế toàn cầu.


“Giấc mộng toàn cầu” đang trở thành hiện thực
Hơn 10 năm trước, nhà Kinh tế trưởng của Goldman Sachs là ông Dim Ô-nây (Jim O’Neil) đã dự báo, vào khoảng giữa thế kỷ XXI trên thế giới sẽ có 6 thực thể kinh tế đơn lẻ lớn mạnh gồm Mỹ, Nhật Bản, Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Ông viết tắt 4 nước cuối cùng trong chuỗi quốc gia này thành cái tên “BRIC” và coi đó là “bốn viên gạch vàng”. Sau đó 2 năm, trong “Báo cáo tình hình kinh tế toàn cầu” (tháng 10-2003), ông Dim Ô-nây cho rằng, BRIC đang trỗi dậy và có thể thực hiện “giấc mộng toàn cầu”. Dự báo đó ngày nay đang trở thành hiện thực.

Năm nước có nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm tại thành phố Đơ-ban (Durban), thuộc Nam Phi, trong hai ngày 26 và 27-3, đã thỏa thuận một số vấn đề then chốt, trong đó có việc sẽ khởi động thành lập Ngân hàng Phát triển mới BRICS (NDB) để tài trợ cho các dự án kết cấu hạ tầng với tổng vốn đầu tư vào khoảng 4.500 tỷ USD, được triển khai trong những năm sắp tới, đồng thời sẽ thiết lập một quỹ đề phòng rủi ro với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Ngoài ra, BRICS còn dự định tổ chức Hội đồng Kinh doanh nhằm gắn kết các doanh nghiệp trong khối, Hội đồng Cố vấn nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và Diễn đàn học giả nhằm thúc đẩy đối thoại và phản biện giữa chuyên gia các nước nội khối.

Mặc dù cho đến nay các nước này chưa thể hiện rõ họ có chung những mục đích gì, nhưng dư luận thế giới nhận thấy, khối BRICS đang có những bước đi mang tính bước ngoặt, nhằm khẳng định vai trò của khối này trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu; tăng cường sức mạnh để có thể trở thành một khối “kinh tế - chính trị độc lập” và vươn lên thách thức những trật tự tài chính quốc tế hiện hữu, chủ yếu do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tạo ra trong nhiều thập kỷ vừa qua.

Với vai trò bổ sung thiết yếu cho các thể chế tài chính đa phương hiện nay, đề án thành lập Ngân hàng Phát triển mới BRICS (viết tắt là NDB), tuy mới chỉ đạt được sự nhất trí về cơ bản, song dư luận thế giới tỏ ra hy vọng NDB sẽ giúp tăng cường sự hợp tác nội khối BRICS, các nước đang phát triển, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế toàn cầu; mở ra nhiều cơ hội để đạt được các lợi ích chung và các kết quả cùng có lợi cho các thành viên BRICS. Những cơ hội này chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn hơn nhiều, so với các thách thức do sự khác biệt về lợi ích tạo ra.

Tuy nhiên, để Ngân hàng Phát triển mới BRICS đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả thực sự, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước BRICS cần phải giữ vững quyết tâm chính trị cao, các chuyên gia tài chính cũng như các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác cần phải chuẩn bị chu đáo và tạo ra những điều kiện thuận lợi, trước hết là xác định rõ chức năng của Ngân hàng, nơi đặt trụ sở và bổ nhiệm được người có uy tín và trình độ cao, đồng thời lại phải được toàn thể các thành viên của Khối đồng thuận, để làm Tổng Giám đốc, điều hành NDB.

Ý tưởng thành lập Ngân hàng NDB được các nhà lãnh đạo khối BRICS đề xuất từ tháng 3-2012 và đã giao cho các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trong Khối nghiên cứu phương án khả thi cho đề án này. Mục tiêu quan trọng nhất của việc thành lập NDB là nhằm huy động nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở và phát triển bền vững trong các nước thuộc khối BRICS, các quốc gia có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác, để bổ sung cho các nỗ lực hiện thời của các định chế đa phương và khu vực, vì mục tiêu phát triển và tăng trưởng toàn cầu. Chính vì vậy, sự hợp tác của khối BRICS cho đề án này có thể góp phần tích cực vào việc khắc phục những thách thức nêu trên, có cơ hội tránh được sự lệ thuộc vào các nước phương Tây.

Ý tưởng thành lập Ngân hàng Phát triển mới BRICS một khi trở thành hiện thực, thì đó sẽ là thành công lớn nhất, là bước phát triển đột phá kể từ khi khối BRICS ra đời cách đây 5 năm. Và đó sẽ là một sự kiện quan trọng thực hiện “giấc mộng toàn cầu”, như nhà kinh tế Dim Ô-nây đã dự đoán.

Suốt một năm chuẩn bị cho đến nay đã có một số cơ sở để tin rằng, Ngân hàng Phát triển BRICS có thể sẽ bảo đảm được nguyên tắc bình đẳng trong quá trình hoạt động tốt hơn Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các quốc gia BRICS có thể sẽ đặt ra giới hạn tín dụng khác với các tổ chức như WB, IMF, cũng như sẽ ban hành chính sách không bắt buộc trong nhượng quyền tín dụng.

Ngân hàng NDB sẽ không phải là biểu tượng của “người mạnh giúp kẻ yếu”. Thấu hiểu được nhu cầu cấp thiết của mỗi quốc gia, các nước thành viên BRICS sẽ hỗ trợ lẫn nhau một cách bình đẳng và hiệu quả hơn thông qua NDB, cũng như tăng cường vị thế của Khối trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trung Quốc, với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, được cho là sẽ đóng vai trò then chốt trong Ngân hàng Phát triển mới BRICS.

Đương nhiên, việc thành lập Ngân hàng NDB cần trải qua một quá trình. Trong quá trình thương lượng và đề ra được những luật lệ rõ ràng về việc thành lập và vận hành ngân hàng, các quốc gia BRICS có thể giải quyết được những bất đồng trong hợp tác. Những lợi ích chung của các quốc gia này sẽ nảy sinh từ việc đẩy mạnh đối thoại, hợp tác và phối hợp. Đó sẽ là một “cơ chế hợp tác”. Ngân hàng Phát triển mới BRICS cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại.

Hiện còn một số vấn đề về NDB cần được xúc tiến thương lượng để đi đến nhất trí đồng thuận. Trước hết đó là việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở chính. Ngân hàng Phát triển mới BRICS được đặt ở quốc gia nào thì đấy là vấn đề cực kỳ nhạy cảm. Trung Quốc với nguồn tài chính dồi dào, có thể sẽ trở thành nước đóng góp lớn nhất, đương nhiên, họ rất mong muốn ngân hàng này đặt trụ sở chính tại Thượng Hải. Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng vẫn khá lạc hậu về phương diện thu hút các tổ chức kinh tế quốc tế. Nếu NDB đặt trụ sở chính tại nước này thì đây sẽ là một sân chơi quan trọng đối với sự quản lý kinh tế của Trung Quốc.

Là nước viện trợ nhiều cho châu Phi, đồng thời Trung Quốc cũng là nước tiếp nhận viện trợ để phát triển, do vậy, bản thân quốc gia này cũng cần được cung cấp kinh nghiệm về thành lập và vận hành Ngân hàng Phát triển mới BRICS.

Tuy nhiên, ngay cả nước Nga, Ấn Độ, hay Bra-xin cũng đều có những nhu cầu, những lý do và những suy nghĩ tương tự. Do đó, địa điểm đặt trụ sở Ngân hàng Phát triển mới BRICS nhiều khả năng được chấp nhận hơn cả là Nam Phi. Thế nhưng, như vậy lại xảy ra các vấn đề liên quan tới sức ảnh hưởng và tỷ lệ góp vốn. Ngoài ra, còn vì một lý do khác, tuy hiện nay chưa trở thành quan trọng đặc biệt, nhưng sau một thời gian nữa nó sẽ buộc người ta phải quan tâm nếu xét trên “quan điểm động”. Thành viên khối BRICS chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 5 hiện nay, mà sẽ còn tăng lên 6, 7, 8, 9… Ngay bây giờ đã có nhiều người nêu ý kiến nên đổi tên “khối BRICS” thành “khối BRICSI”, nghĩa là thêm In-đô-nê-xi-a. Các nước có nền kinh tế mới nổi mong muốn gia nhập Khối này, chủ yếu sẽ tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi thế Ngân hàng NDB đặt tại một nước châu Á sẽ “hợp lý và thuận lợi” hơn tại Nam Phi hay Bra-xin. Chính vì thế mà hiện vẫn chưa thể “chốt” vấn đề địa điểm đặt trụ sở của Ngân hàng NDB.

Việc xác định chức năng của Ngân hàng Phát triển mới BRICS cũng chưa thật rõ ràng. Hiện đã có Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Á. Các khu vực khác cũng đều có các ngân hàng phát triển mang tính khu vực của mình. Việc thành lập thêm Ngân hàng Phát triển mới BRICS, đương nhiên phải tính đến việc cần làm khác biệt với các ngân hàng phát triển khác như thế nào, nếu không thì vẫn chỉ là sự chồng chéo lên nhau. Và ai sẽ là người quản lý Ngân hàng Phát triển BRICS.
Ngay từ đầu đã xác định một tiêu chí rất quan trọng của Ngân hàng Phát triển mới BRICS là phải đối thoại bình đẳng, tránh tình trạng “ai đóng góp nhiều, người đó có quyền phát ngôn và có sức ảnh hưởng”, giống như ở WB hay ADB hiện nay. Mặt khác, cũng lại phải thấy rằng, các nước BRICS đang phải đối diện với sự phức tạp của nhiều mối quan hệ, việc lựa chọn giám đốc ngân hàng nhất thiết phải dựa trên tiêu chí năng lực tốt, có uy tín cao, được tất cả các bên đồng thuận. Nhưng, tính đến thời điểm hiện nay vẫn chưa xuất hiện một ứng cử viên nào thích hợp vào vị trí này.

Hội đồng Doanh nghiệp BRICS


Cùng với sự nhất trí khởi động thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đơ-ban cũng đã tổ chức lễ ra mắt “Hội đồng Doanh nghiệp BRICS”. Hội đồng này được cơ cấu với mỗi nước 5 thành viên và hoạt động dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng theo chế độ luân phiên giữa các nước thành viên. Đây chính là cơ cấu phối hợp thường xuyên, liên tục và dài hạn giữa các nước BRICS nhằm bảo vệ quyền bình đẳng, tính minh bạch và sự cân bằng trong các mối quan hệ kinh tế - chính trị giữa khối BRICS với các tổ chức kinh tế quốc tế khác, cũng như quan hệ giữa các nước thành viên nội khối. Đây cũng chính là một bước nhằm khắc phục khiếm khuyết mà suốt những năm vừa qua khối BRICS đã nhận thức được, thấu hiểu, nhưng chưa thể thực hiện.

Như mọi người đã biết, tổng diện tích lãnh thổ của BRICS chiếm tới 26% tổng diện tích lục địa thế giới, dân số chiếm trên 43% dân số thế giới và GDP chiếm trên 16% GDP của thế giới. Từ năm 2006 - 2008, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP hàng năm của Bra-xin từ 3% tới 4,9%, của Nga và Ấn Độ từ 6% - 8%, của Trung Quốc trên 9%, nghĩa là đều cao hơn các nước phát triển. Kể từ năm 2003 tới nay, kim ngạch buôn bán trao đổi giữa các nước BRICS tăng tới 500%. Dự trữ ngoại tệ của BRICS hiện lên tới hơn 4.500 tỷ USD, trong đó Bra-xin chiếm 260 tỷ, Nga 525 tỷ, Ấn Độ 300 tỷ và Trung Quốc gần 3.400 tỷ USD. Sức mạnh của khối BRICS to lớn như vậy, tiềm lực của Khối cũng không có một thực thể kinh tế - chính trị nào trên thế giới có thể vượt qua, ảnh hưởng và uy tín của các nước này tại khu vực, cũng như trên toàn thế giới ngày càng mạnh mẽ. Với triển vọng ngày càng phát triển, người ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nhóm các nước mới nổi này sẽ ngày càng giành được vị thế tương xứng trong các mối quan hệ quốc tế. Và đấy cũng chính là một trong những lý do ra đời của Hội đồng Doanh nghiệp BRICS.

BRICS sẽ trở thành BRICSI?


Từ cái tên ban đầu cách đây hơn chục năm “BRIC”, do nhà kinh tế Dim Ô-nây viết tắt tên 4 nước Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, vào tháng 5-2008 lần đầu tiên 4 nước này tiến hành cuộc họp ngoại giao với quy mô đầy đủ và đến ngày 16-6-2009 tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên tại thành phố Ê-ca-tê-ren-bua (Yekaterinburg), nước Nga. Như vậy, tổ chức BRIC với danh nghĩa là khối 4 nước có nền kinh tế mới nổi đã ra đời cách đây 5 năm. Đến đầu năm 2012 thêm Nam Phi gia nhập, tên của khối này có thêm chữ cái “S”, trở thành “BRICS”.

Hiện nay, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a - “quốc gia vạn đảo” ở Đông - Nam Á, với dân số gần 240 triệu người, nền kinh tế lớn thứ 16 trên thế giới, có tốc độ tăng trưởng GDP 5-7%/năm, đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập tổ chức của nhóm nước kinh tế mới nổi. Nếu In-đô-nê-xi-a trở thành thành viên chính thức của Khối này, thì cái tên của khối sẽ là “BRICSI”. Với một đất nước dân số lớn thứ tư trên thế giới, có nền kinh tế đang vươn lên mạnh mẽ như vậy, việc đứng vào hàng ngũ các nước mới nổi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi đó cái tên “Khối BRICS” đương nhiên sẽ đổi thành “khối BRICSI”.

Hiện ở In-đô-nê-xi-a có khoảng 45 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở quốc gia vạn đảo này sẽ tăng lên gấp đôi, tức là 90 triệu người và nền kinh tế In-đô-nê-xi-a lúc đó sẽ chiếm vị trí thứ bẩy trên thế giới. Như vậy, sức mạnh và uy tín của khối BRICSI sẽ ngày càng to lớn, ảnh hưởng của Khối sẽ cảng trở nên hấp dẫn và quan trọng hơn trong sự nghiệp bảo đảm công bằng, phát triển cân đối toàn cầu./.
Giang Sơn