Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

23. Truyền hình Trung Quốc phỏng vấn học giả Việt về tranh chấp Biển Đông

(24/04/2012)
Phía Trung Quốc luôn leo lên trước
Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị một thái độ gì ?
Trả lời : Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ  không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều các tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.
Có lần tivi Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).
Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường.
Tàu hải giám Trung Quốc, đội tàu thường xuyên quấy nhiễu vùng biển Việt Nam
Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói.
Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.
Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán ?
Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra; tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).
Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Thứ nhất là vì Chính phú hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có muốn một cuộc chiến tranh chứ ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.
Bản chất của tranh chấp Trung - Việt
Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền ? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác" như thế nào ?
Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trưng Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc "gác tranh chấp, cùng khai thác". Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi.
Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: "gác tranh chấp, cùng khai thác" mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác", có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là "chủ quyền"! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?
Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.

Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
Làm gì để duy trì quan hệ hữu hảo Việt - Trung?
Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào ? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước ?
Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là "thân Trung Quốc" cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại.
Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.
Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:
Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác. Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà "song phương" ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa "con đường song phương".
Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao ?
Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc.  Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt với lớn Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.
Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 - 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh?
Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm những liên minh ma quỷ để chống Trung Quốc.
Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi ...
    Để Biển Đông không nổi sóng, các bên cần thẳng thắn và thiện chí.
Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giếng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân  tôi là một người lính trong chiến tranh, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt.
Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến.
Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau.
Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không ? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì ...
Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.
Theo: http://www.tuanvietnam.net

22. Kinh tế Trung Quốc 2011 và triển vọng 2012



Năm 2011 là năm khó khăn, đầy biến động và thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu. Các khó khăn, biến động và thách thức ấy được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2012. Trong bối cảnh chung khó khăn đó, cộng với những khó khăn nội tại, nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của chính phủ Trung Quốc vừa duy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh, đồng thời vừa khống chế lạm phát càng trở nên nặng nề. Vấn đề lạm phát, bong bóng bất động sản và nợ xấu của các chính quyền địa phương đã trở thành tâm điểm chú ý, là vấn đề nổi cộm trong năm 2011 ở Trung Quốc.
 Năm 2011 cũng là năm lần đầu tiên dân số thành thị Trung Quốc đã vượt qua dân số nông thôn. Đây là kết quả của những quyết tâm và nỗ lực to lớn trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc, song thực tế này cũng mang lại không ít những lo lắng, trăn trở.
   I. TÌNH HÌNH KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2011
Công báo thống kê phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 của nước CHND Trung Hoa ngày 22-2-2012 cho thấy, theo tính toán sơ bộ cả năm GDP đạt 47.156,4 tỉ NDT, tính theo giá có thể so sánh, tăng trưởng 9,2% so với năm trước. Như vậy GDP đã liên tục suy giảm qua bốn quý, quý I tăng trưởng 9,7%; quý  II 9,5%; quý III là 9,1% và quý  IV là 8,9%.
   Nếu phân theo ngành nghề thì khu vực I (nông nghiệp) đạt 4.771,2 tỉ NDT, tăng trưởng 4,5%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) đạt 22.059,2 tỉ NDT, tăng trưởng 10,6%; khu vực III (dịch vụ) đạt 20.326 tỉ NDT, tăng trưởng 8,9%.
Như vậy, tỉ trọng khu vực I trong GDP là 10,12%; tỉ trọng của khu vực II là 46,78% và của khu vực III là 43,10%. Có thể thấy tỉ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế vẫn rất cao (ở các nước phát triển chỉ khoảng 1-3%), trong khi tỉ trọng ngành dịch vụ thì lại thấp, nếu ở trình độ phát triển như Trung Quốc thì thường phải có tỉ trọng ngành dịch vụ là khoảng 60-70%.
   Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, sản lượng lương thực liên tục tăng trong 8 năm liền. Cả năm tổng sản lượng lương thực đạt tới 571,21 triệu tấn, tăng 24,73 triệu tấn so với năm trước, tăng trưởng 4,5%, liên tục tăng trong 8 năm liền. Sản lượng thịt các loại tăng chậm, cả năm sản lượng thịt lợn, bò, dê,… đạt 78,03 triệu tấn, tăng trưởng 0,3% so với năm trước. Trong đó, riêng sản lượng thịt lợn lại giảm 0,4 % so với năm trước đạt 50,53 triệu tấn. Đây là một trong những nhân tố khiến giá thịt lợn tăng chóng mặt trong thời gian giữa năm 2011, góp phần đẩy lạm phát lên cao kỷ lục 6,5% vào tháng 7-2011
    Sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình ổn, nhanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục tăng. Cả năm các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô (doanh nghiệp có mức doanh thu bình quân trên 20 triệu NDT/ năm) có mức giá trị tăng 13,9%, mức độ tăng giảm 1,8 điểm phần trăm so với năm trước.
   11 tháng đầu năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô trên cả nước đạt 4.663,8 tỉ NDT, tăng trưởng 24,4%, giảm đến 25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong 39 ngành công nghiệp lớn thì có 36 ngành có lợi nhuận tăng, 3 ngành có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước.
   Đầu tư TSCĐ duy trì mức tăng trưởng tương đối nhanh, kết cấu đầu tư tiếp tục được cải thiện. Cả năm 2011, đầu tư TSCĐ trên cả nước (không bao hàm các hộ nông dân) đạt 30.193,3 tỉ NDT, tăng trưởng danh nghĩa đạt 23,8%. Loại trừ yếu tố giá cả, tăng trưởng thực tế đạt 16,1%.
   Tiêu dùng tăng trưởng bình ổn, tiêu thụ xe hơi giảm với mức độ lớn. Cả năm, kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội đạt 18.122,6 tỉ NDT, tăng trưởng danh nghĩa 17,1% so với năm trước; loại trừ yếu tố giá cả, tăng trưởng thực tế đạt 11,6%.
Nếu như trong 2 năm trước, triển khai kế hoạch kích cầu tiêu dùng, đưa ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng về nông thôn, triển khai “lấy cũ đổi mới”… nên tiêu dùng tăng trưởng nhanh, xuất hiện những điểm nóng về tiêu dùng như tiêu thụ xe hơi, đồ gia dụng, (năm 2010 thì tiêu dùng vàng và trang sức có mức tăng trưởng cao nhất do giá vàng biến động lớn)… Còn trong năm 2011, những điểm nóng tiêu dùng đều có dấu hiệu suy giảm, tiêu thụ xe hơi các loại tăng 14,6%, giảm đến 20,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đồ gia dụng tăng 32,8%, giảm 4,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đồ điện gia dụng và các thiết bị âm thanh tăng 21,6%, cũng giảm 6,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2010.
     Giá cả thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, sau tháng 7 mức độ tăng giá đã liên tục giảm sút
 Cả năm 2011, CPI tăng 5,4% so với năm trước. Trong đó, giá cả ở khu vực thành thị tăng 5,3%; giá cả ở khu vực nông thôn tăng cao hơn  đạt 5,8%. Góp phần khiến CPI tăng cao chủ yếu là  do chỉ số giá nhóm thực phẩm (tăng 11,8%)
   Chỉ  số PPI năm 2011 tăng 6,0% so với năm trước; trong đó PPI tháng 12 tăng 1,7%, giảm 0,3% so với tháng trước.
    Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh, xuất siêu tiếp tục thu hẹp. Cả năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.642,1 tỉ USD, tăng 22,5% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.898,6 tỉ USD, tăng trưởng 20,3%; nhập khẩu đạt 1.743,5 tỉ USD, tăng trưởng 24,9%. Thặng dư thương mại cả năm 2011 đạt 155,1 tỉ USD, giảm 26,4 tỉ USD so với năm trước.
   Cung ứng tiền tệ suy giảm ổn định, tín dụng có phần thu hẹp. Tính đến cuối tháng 12-2011, lượng cung ứng tiền tệ M2 đạt 85.200 tỉ NDT, tăng trưởng 13,6%, mức độ tăng giảm 6,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; lượng cung ứng tiền tệ M1 đạt 29.000 tỉ NDT, tăng trưởng 7,9%, giảm 13,3 điểm phần trăm; lượng tiền tệ trong lưu thông M0 đạt 5.100 tỉ NDT, tăng trưởng 13,8%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về tín dụng, theo số liệu công bố trong  Báo cáo số liệu thống kê tiền tệ năm 2011” ngày 8-1-2012 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cả năm tổng tín dụng là 7.470 tỉ NDT, giảm 390 tỉ NDT so với cùng kỳ năm trước, điều này cũng phù hợp với dự báo của thị trường. Theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành, năm 2012 tổng quy mô tín dụng sẽ vào khoảng trên dưới 8.000 tỉ NDT.
Về dự trữ ngoại tệ, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương, tính đến cuối tháng 12 - 2011 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 3.181,15 tỉ USD, so với con số 3.220,91 tỉ USD tính đến cuối tháng 11 thì giảm 39,76 tỉ USD.
Trong năm 2011, tỉ giá hối đoái giữa đồng NDT và đồng USD đã vận động theo cả hai chiều, có tăng, có giảm chứ không chỉ 1 chiều tăng như trước đây, mặc cho áp lực quốc tế đòi tăng giá đồng NDT vẫn rất lớn.
Tính đến cuối tháng 11, đồng NDT đã tăng giá trị khoảng 4%. Năm 2012 dự kiến mức độ tăng giá đồng NDT sẽ giảm nhẹ so với năm trước, vào khoảng 3%.
   Theo số liệu mới nhất của Trung tâm giao dịch ngoại hối Trung Quốc, ngày 10-2-2012 tỷ giá giữa  đồng NDT và đồng USD là 6.2937 (1 USD = 6.2937 NDT).
Về FDI: Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18-1-2012 công bố số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này năm 2011 tăng 9,72% so với năm trước, đạt 116 tỷ USD, lại tạo mức kỷ lục  mới. Mức tăng này chủ yếu nhờ sự tăng vốn đầu tư từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, trong khi đầu tư từ Liên minh châu Âu và Mỹ lại giảm.
Trong năm 2011, có gần 28.000 công ty (27.712 công ty) có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép thành lập mới, tăng 1,12% so với năm 2010.
   Cả  năm 2011, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 60,07 tỉ USD, tăng 1,8% so với năm 2010.
Năm 2011, doanh thu từ công trình bao thầu ở nước ngoài là 103,42 tỉ USD, tăng trưởng 12,2%. Trong hợp tác lao động với nước ngoài, riêng năm 2011 đã cử 452.000 lao động các loại ra nước ngoài, tăng 41.000 lao động so với năm trước. Như vậy tính đến cuối năm 2011, tổng cộng số lao động Trung Quốc cử ra nước ngoài là 5,88 triệu người.
   II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý TRONG VẬN HÀNH KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2011
  1. Vấn đề lạm phát
Ngay từ nửa cuối năm 2010 lạm phát ở Trung Quốc đã diễn biến hết sức phức tạp, bước sang năm 2011, CPI liên tục tăng cao và đạt mức kỷ lục 6,5% vào tháng 7 - mức cao nhất trong vòng 37 tháng. Sau khi đạt mức kỷ lục trong tháng 7, CPI đã liên tục suy giảm và mức độ suy giảm ngày càng lớn. Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2011 CPI vẫn tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 4%. (Xem bảng)
Diễn biến lạm phát ở Trung Quốc năm 2011

Tháng 1
Tháng 2
Tháng 3
Tháng
4
Tháng 5
Tháng 6
CPI
4,9%
4,9%
5,4%
5,3%
5,5%
6,4%

Tháng 7
Tháng 8
Tháng 9
Tháng 10
Tháng 11
Tháng 12
CPI
6,5%
6,2%
6,1%
5,5%
4,2%
4,1%
Nguồn: Số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc các tháng
Trong suốt thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 - 2011, do lạm phát diễn biến phức tạp và liên tục tăng cao, nhà nước Trung Quốc đã xác định duy trì ổn định cơ bản giá cả tổng thể bằng mọi cách - Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong điều tiết vĩ mô và cũng là nhiệm vụ cấp thiết nhất của công tác kinh tế Trung Quốc, đồng thời đã liên tục đưa ra các biện pháp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát.
Chỉ tính từ đầu năm đến ngày 20-6-2011, Trung Quốc đã có 6 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào các ngày 20-1, 24-2, 25-3, 21-4, 18-5 và 20-6, mỗi lần thêm 0,5 điểm phần trăm. (Còn nếu tính từ năm 2010 thì đã có 12 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc).  Sau điều chỉnh, tỷ lệ dự trữ ở các ngân hàng lớn lên tới 21,5% - mức cao nhất trong lịch sử, còn ở các ngân hàng nhỏ và vừa là 18%. Theo tính toán, lần điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngày 20 - 6 đã khiến nguồn vốn bị đóng băng hơn 380 tỷ NDT.
Về tăng lãi suất cơ bản, nếu như trong cả năm 2010 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ tăng lãi suất 2 lần thì chỉ riêng khoảng nửa năm đầu 2011 Trung Quốc đã có 3 lần tăng lãi suất, vào các ngày 9-2, 6-4 và 7-7-2011, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Sau  3 lần điều chỉnh, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1 năm là 3,5% và lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 6,56%.
Bắt đầu từ tháng 8 do lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và tốc độ giảm ngày càng nhanh nên nhà nước Trung Quốc đã tạm thời không dùng đến các chính sách tiền tệ. Đến tháng 11, hệ lụy của việc thắt chặt tín dụng ngày càng bộc lộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, GDP quý 3-2011 của Trung Quốc ở mức 9,1%, thấp hơn nhiều so với mức 9,5% trong quý 2 và 9,7% trong quý 1; chỉ số quản lý thu mua PMI lần đầu tiên giảm dưới ngưỡng 50% - ngưỡng cho thấy sản xuất đang thu hẹp; dòng vốn nước ngoài có dấu hiệu rời khỏi Trung Quốc; thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối sụt giảm; thị trường bất động sản trầm lắng… Tình hình này đã khiến nhà nước Trung Quốc điều chỉnh, chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi liên tiếp thắt chặt trong nửa đầu năm 2011. Ngày 30-11-2011, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố kể từ ngày 5-12-2011 giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0,5 điểm phần trăm. Sau điều chỉnh, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng lớn là 21% và ở các ngân hàng vừa và nhỏ là 17,5%.
Bước sang năm 2012, động thái nới lỏng lại được tiếp tục, ngày 18-2-2012, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) ra quyết định, kể từ ngày 24-2-2012 sẽ giảm tỉ lệ dữ trữ bắt buộc xuống 0,5 điểm phần trăm. Đây là lần giảm đầu tiên trong năm nay. Quyết định này đã giải tỏa nguồn vốn khoảng 400 tỉ NDT.
* Đặc điểm của lạm phát
a) Lạm phát lần này ở Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người có thu nhập thấp và trung bình
Nhân tố quan trọng thúc đẩy lạm phát tăng cao lần này chính là giá nông sản phẩm, như trong tháng 7 (tháng có mức CPI cao nhất), giá cả các loại hàng phi thực phẩm chỉ tăng có 2,9% thì giá cả thực phẩm tăng tới 14,8%. Giá cả ở khu vực nông thôn lại liên tục có mức tăng cao hơn và nhanh hơn so với thành thị. Có thể nhận thấy khu vực nông thôn và những người có thu nhập thấp, trung bình chịu ảnh hưởng của lạm phát nhiều hơn do phần lớn thu nhập của họ dùng để mua lương thực, thực phẩm.
b) Kiểm soát giá thịt lợn là một trong những yếu tố then chốt để kiềm chế lạm phát tại Trung Quốc
Số liệu tháng 7 cho thấy, giá cả thực phẩm tăng đến 14,8% đã khiến CPI tăng 4,38 điểm phần trăm, chiếm đến 67,38% tổng mức tăng chung của CPI. Trong thực phẩm, giá cả các loại thịt vẫn có mức tăng cao nhất, đặc biệt là giá thịt lợn.
Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới, khoảng 37 kg một người một năm. Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc năm 2009, thịt lợn chiếm 65% tổng lượng thịt được tiêu thụ. Trong tháng 5-2011 giá thịt lợn tăng 40,4%; tháng 6-2011 tiếp tục tăng tới 57,1%; mặc dù tháng 7, mức độ tăng giá thịt lợn đã giảm nhẹ so với tháng 6, song vẫn ở mức cao: 56,7%, khiến CPI tăng khoảng 1,46 điểm phần trăm, tức là chiếm tới 22,46% tổng mức tăng chung của  CPI.  Giá thịt lợn liên tục tăng mạnh đã khiến lạm phát liên tục tăng cao và lập đỉnh vào tháng 7. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, kiểm soát giá thịt lợn là một trong những yếu tố then chốt để kiềm chế lạm phát tại Trung Quốc.
* Nguyên nhân khiến giá cả nông sản phẩm Trung Quốc liên tục tăng trong nửa đầu năm 2011 là do một là thiên tai tiếp tục nghiêm trọng làm cho giá  lương thực thực phẩm tiếp tục tăng lên, trong khi Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO) cho biết giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục tăng cao trong năm 2011 và 2012. Hai là tỉ trọng tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc chiếm 9% trong tổng lượng tiêu thụ, nhưng giá thịt lợn hầu như không giảm mà chỉ có tăng, thời gian tới chưa thể làm cho giá thịt lợn ổn định hay giảm ngay được để kìm hãm đà tăng của CPI. (do nuôi lợn phải có chu kỳ chăn nuôi và vấn đề thiếu hụt số lợn, thức ăn tăng giá, chi phí chăn nuôi tăng nhanh vẫn tồn tại khiến giá cả thịt lợn có thể vẫn tiếp tục đắt đỏ). Ngoài ra, giá thành sức lao động tăng lên, thanh khoản dư thừa cũng làm cho mặt bằng giá tăng lên… 
Về đối phó với lạm phát, Quốc Vụ viện Trung Quốc can thiệp vào tất cả các phương diện: Một là, khống chế thanh khoản, cũng chính là quản lý tốt nhân tố gây lạm phát; hai là, nỗ lực phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp; ba là, làm tốt khâu lưu thông, giảm chi phí vận chuyển trong giá thành sản phẩm; bốn là, quản lý tốt thị trường, tăng cường giám sát, chống đầu cơ tích trữ,…
* Nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, trong năm qua Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách như giảm thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tín dụng… mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Luật thuế thu nhập cá nhân mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân được nâng lên, và mở rộng phạm vi áp dụng mức thuế thấp; vào tháng 10, nhiều chính sách miễn, giảm thuế các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đưa ra, ngoài ra còn xác định sẽ tiến hành thí điểm cải cách mở rộng phạm vi thuế giá trị gia tăng tại Thượng Hải từ năm 2012, và sẽ mở rộng đến phạm vi cả nước khi điều kiện chín muồi.
Chính sách giảm thuế sẽ được kéo dài trong năm 2012. Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương nêu rõ, chính sách tài chính năm 2012 sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm thuế mang tính kết cấu, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dân sinh, tích cực thúc đẩy điều chỉnh kết cấu kinh tế.
Giám đốc Sở Nghiên cứu Tài chính và Kinh tế thương mại thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Cao Bồi Dũng cho biết, năm 2012 trọng tâm của chính sách tài chính tích cực mà Trung Quốc áp dụng sẽ chuyển sang "giảm thuế mang tính kết cấu". Theo ông Cao Bồi Dũng, thông qua cải cách thuế, một mặt có thể ưu hóa kết cấu chế độ thuế, tăng thêm tỷ trọng của chức năng "điều tiết phân phối" trong hệ thống thu thuế, từ đó có thể đạt mục đích rút ngắn khoảng cách giàu nghèo; mặt khác, thông qua các biện pháp mở rộng phạm vi thuế giá trị gia tăng, có thể giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và tạo thêm việc làm.
Về huy động vốn: Vấn đề huy động vốn khó của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tồn tại lâu nay, nhưng đến năm 2011 đặc biệt trầm trọng. Do tác động của các nhân tố chính sách thắt chặt tiền tệ, giá nhân công tăng lên, Nhân dân tệ tăng giá cũng như giá năng lượng và nguyên vật liệu leo thang, môi trường bên ngoài phức tạp, khắc nghiệt, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số khu vực xuất hiện "làn sóng đóng cửa" trong thời gian ngắn.
Do huy động vốn từ các ngân hàng khó nên các doanh nghiệp buộc phải vay tín dụng dân gian, vì thế hoạt động cho vay tín dụng “đen” lan tràn tại một số khu vực, một số doanh nghiệp không có khả năng thanh toán khoản vay nặng lãi dân gian, nên đã bị thua lỗ, thậm chí phá sản.
Về vấn đề giải quyết khó khăn huy động vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế học Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc Lưu Nguyên Xuân cho biết, cần phải nỗ lực về hai mặt: đưa ra chính sách hỗ trợ vay tín dụng và mở rộng kênh huy động vốn trực tiếp. Theo ông, phải thúc đẩy các ngân hàng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tín dụng, do vậy nhà nước cần phải trợ cấp cho ngân hàng thương mại để huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp hỗ trợ chính sách tương ứng. Mặt khác là tiếp tục phát triển tốt sàn chứng khoán theo mô hình Nasdaq, cung cấp không gian huy động vốn trực tiếp cho phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao vừa và nhỏ.
Tình trạng kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như siêu nhỏ hiện nay ở Trung Quốc đã thu hút được sự quan tâm của cơ quan chính phủ. Tháng 6 và tháng 10 -2011, Ủy ban giám sát ngân hàng tháng đã hai lần ra thông tư liên quan hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước tình hình thắt chặt tiền tệ, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tín dụng.
Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương và Hội thảo công tác phát triển và cải cách nhà nước cũng đều đề xuất trong mục tiêu công tác kinh tế năm 2012 là: cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy kinh tế thực phát triển lành mạnh.
  1. Lo ngại về sự đổ vỡ của thị trường bất động sản:
Thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang trầm lắng, cầm cự, thậm chí theo TS. Phạm Chí Dũng thị trường bất động sản Trung Quốc đã bắt đầu sa chân vào một chu kỳ suy thoái, nếu không muốn nói là đổ vỡ và tháng 10-2011 là thời điểm bắt đầu của những hệ lụy tích tụ từ trước đó.
Đáng lưu ý là do ảnh hưởng của các chính sách điều tiết, lượng giao dịch đã giảm rõ rệt nhưng không phải là giá nhà giảm rõ rệt. Giá tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao. Theo số liệu của Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, tháng 11-2011, trong 70 thành phố lớn và vừa của Trung Quốc, giá nhà mới xây dựng giảm so với cùng kỳ năm trước chỉ ở 4 thành phố (4/70); giảm so với tháng trước thì có 49 thành phố (49/70). 
Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là tình trạng các căn hộ còn tồn đọng chưa bán được ngày càng nghiêm trọng. Theo điều tra của một ngân hàng nước ngoài về các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản ở các thành phố cấp I, II cho thấy do ảnh hưởng của các chính sách điều tiết, sản lượng tiêu thụ bất động sản đã giảm, lượng tồn đọng ngày càng lớn. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến… lượng tồn càng cao. Như Bắc Kinh, lượng căn hộ tồn cao nhất trong 3 năm trở lại đây, nếu với tốc độ tiêu thụ bình quân như nửa đầu năm thì cần gần 15 tháng nữa mới bán hết; Thượng Hải cũng phải cần đến 12,4 tháng; một số thành phố như Thẩm Quyến, Vũ Hán, Hàng Châu, Tô Châu,… lượng căn hộ tồn bình quân cũng vượt qua lượng tiêu thụ trong 15 tháng. Tính đến đầu tháng 7, tổng lượng căn hộ tồn ở 11 thành phố lớn trọng điểm tới 634.000 căn, tăng 0,9% so với tháng trước.   
Ngoài những khó khăn đã nêu như giá nhà tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, lượng giao dịch nhỏ giọt gần như đóng băng, lượng nhà tồn chưa bán được cao nhất từ trước đến nay, thì vấn đề nan giải nhất vẫn là thanh khoản quá khó, trong khi các khoản nợ đến hạn phải thanh toán cho ngân hàng vẫn liên tục xuất hiện. Trong 3 quý đầu năm nay, ngành bất động sản Trung Quốc phải trải qua những khó khăn nghiêm trọng nhất. Nhiều công ty bất động sản đã phải bán nhà ngang mức giá thành để cầm cự. Một làn sóng bán nhà nữa có thể đẩy thị trường bất động sản tan vỡ, lý do chính mà các công ty này chưa lao vào một cuộc bán tháo thực sự là còn trông chờ động thái hỗ trợ từ chính phủ.
Có thể nói, nhà đất là một lĩnh vực kinh tế được đặc biệt ưu đãi, được cấp vốn dồi dào để xây dựng. Thực hiện gói kích thích khổng lồ 4.000 tỷ NDT trong năm 2008-2009, bong bóng bất động sản ở Trung Quốc đã ngày càng phình to. Năm 2009, tổng chi phí cho nhà cửa đã tăng tới mức 12 - 15 lần thu nhập trung bình một năm của tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Ở một số thành phố cấp 1 và 2 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, tỉ lệ này là 20 - 30 lần, cao hơn rất nhiều so với mức đề xuất của Ngân hàng Thế giới (WB) là 5 và của Liên Hợp quốc là 3.  Đầu tư lớn và tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản làm giá tăng mạnh tại nhiều thành phố, vượt quá khả năng của dân chúng.
Để hạ nhiệt thị trường bất động sản, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các biện pháp khống chế, năm 2011 không những tiếp tục thi hành chính sách điều tiết của năm 2010 (không chế giá nhà tăng quá nhanh, hạn chế hoạt động đầu cơ bằng cách siết chặt tín dụng, tăng tài sản thế chấp khi mua căn hộ thứ 2, tăng thuế nhà đất…) mà Quốc vụ viện Trung Quốc tháng 1-2011 còn đưa ra Lệnh hạn chế mua nhà, đây được coi là "chính sách nghiêm ngặt nhất trong lịch sử".
Một năm qua, những chính sách hạn chế mua nhà đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn giá nhà tăng quá nhanh, nó cũng khiến lượng giao dịch giảm rõ rệt, nhưng khi tư nhân hoãn kế hoạch mua nhà, giới đầu cơ im ắng thì “nạn nhân” đầu tiên lại là các chính quyền địa phương.
Theo mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ ngày 12-12-2011, kể từ đợt cải cách thuế năm 1994, Trung ương đã lấy một tỷ lệ lớn hơn trong nguồn thu ngân sách, từ mức 22% (1994) tăng lên mức hoảng 60% hiện nay, dẫn đến việc chính quyền địa phương phải tìm kiếm các nguồn tài chính khác, trong đó một giải pháp là bán đất, bán đất hiện chiếm khoảng 40-60% nguồn thu của chính quyền địa phương. Thực tế này cho thấy chính quyền địa phương có lợi ích cơ bản trong việc đẩy giá bất động sản lên và cộng tác với các nhà khai phát bất động sản để duy trì giá ở mức cao.
Song do chính sách kiềm chế bong bóng nhà đất của chính phủ, tổng doanh số bán đất ở 130 thành phố của Trung Quốc đã giảm 30%. Ở các thành phố cấp 1 và 2 giao dịch bất động sản giảm khiến giá đất do chính quyền địa phương đưa ra giảm từ 10-30%. Giá đất giảm, nguồn thu từ bán đất giảm đã ảnh hưởng đến lợi ích của các chính quyền địa phương. Chính vì thế, họ chống lại mục tiêu của chính quyền trung ương trong việc xây dựng nhà có giá phù hợp hơn – một trong những chiến lược chủ chốt của Trung Quốc nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Tóm lại, hiện nay thị trường nhà ở Trung Quốc không mấy sáng sủa, ngành nhà đất đã gặp phải môi trường chính sách nghiêm ngặt nhất. Liệu chính sách hạn chế mua nhà sang năm có nới lỏng hay không đã trở thành tiêu điểm quan tâm. Hội nghị Công tác kinh tế trung ương kết thúc ngày 14-12-2011 đã xác định biện pháp cơ bản cho việc điều tiết ngành nhà đất năm 2012, tức là kiên trì chính sách điều tiết nhà đất không dao động, thúc đẩy giá nhà trở lại quỹ đạo hợp lý. Phó Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính sách Bộ Nhà ở và Xây dựng thành thị và nông thôn Vương Ngọc Lâm cho rằng, chính sách hạn chế mua nhà hiện nay sẽ không xuất hiện nới lỏng.
3. Song hành với thị trường bất động sản có nguy cơ suy thoái,  vấn đề nợ xấu của các ngân hàng trở nên nổi cộm
Trung Quốc hiện đang đối mặt với khủng hoảng nợ, chính quyền các tỉnh vay nợ quá nhiều. Như trong Bản báo cáo về hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc công bố ngày 14-11-2011 của IMF cho thấy: giá nhà đất tăng mạnh, ngân hàng cho vay quá nhiều và nợ của các chính quyền địa phương ngày càng tăng đang tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tháng 10-2011, Cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc cho biết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương đã tạo ra một số rủi ro tiềm ẩn, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Ông Lưu Minh Khương, lãnh đạo cơ quan này, nói rằng nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 50% GDP tính đến cuối năm 2010, thấp hơn mức báo động là 60%.
Riêng nợ của chính quyền địa phương các cấp, theo Cơ quan Kiểm toán quốc gia (NAO) Trung Quốc, tính đến cuối tháng 6-2011, món nợ này đã lên tới 10.700 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với 27% GDP năm 2010 của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 5-7-2011 tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's cho biết khoản nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc cao hơn con số ước tính của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) đến 3.500 tỷ Nhân dân tệ (540 tỷ USD), đặt các ngân hàng Trung Quốc vào tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tới xếp hạng tín dụng của họ.
Nguy cơ trở thành nợ xấu: Theo ước tính chính thức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, các khoản nợ liên quan đến bất động sản hiện vào khoảng 10.460 tỷ Nhân dân tệ, gấp khoảng 1,5 lần tổng cho vay chính thức năm trong 2010. Con số nợ trên thực tế liên quan đến bất động sản có thể cao hơn nhiều mức đó. Do có nhiều bên có thể liên quan đến mỗi khoản vay dựa trên bất động sản làm thế chấp, điều này có thể nhanh chóng trở thành một nguy cơ mang tính hệ thống nếu giá bất động sản giảm mạnh và nhanh.
Theo đánh giá của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, trong vài năm tới, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ lên tới 12% và như vậy sẽ hút đến 60% thanh khoản của các ngân hàng. Hậu quả trực tiếp là tiền mặt thêm khan hiếm. Doanh nghiệp tư nhân sẽ càng vất vả khi đi vay tín dụng. 
Nguyên nhân của tình trạng này theo quan điểm của IMF chính là các doanh nghiệp nhà nước vay nợ chồng chất, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn gốc sâu xa là các ngân hàng hoạt động trên cơ sở can thiệp, chỉ đạo của nhà nước. Chính vì thế IMF kêu gọi Bắc Kinh nên xem xét lại tiêu chuẩn cấp tín dụng, việc quyết định cấp tín dụng hay không phải được dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế như mức độ tin cậy đối với người đi vay, hay tiềm năng phát triển của một cơ sở sản xuất, chứ không phải được dựa trên cơ sở chính trị như hiện nay.
Để giải quyết tình trạng này, Trung Quốc nên tiến hành cải cách, cho phép các ngân hàng hoạt động dựa trên cơ chế thị trường. Muốn làm được như vậy, chính phủ Trung Quốc cần giảm bớt vai trò của mình trong hệ thống ngân hàng, cho phép các tổ chức cho vay đưa ra quyết định dựa trên mục tiêu thương mại
Tóm lại, theo giáo sư Bùi Mẫn Hân, chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc đang đi theo quỹ đạo không bền vững và kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập niên tới. Nếu cuộc khủng hoảng của phương Tây do người tiêu dùng vay nợ quá mức gây ra thì những khoản vay mà các chính quyền địa phương đổ vào phát triển hạ tầng cũng có thể tạo ra sự phát triển bong bóng tương tự. 
  1. Dân số thành thị Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua dân số nông thôn.  
Theo số liệu thống kê công bố ngày 17-1-2012 thì số dân thành thị chiếm 51,27% tổng dân số 1,347 tỷ người, như vậy dân số thành thị (690,79 triệu) đã lớn hơn dân số nông thôn (656,56 triệu). Với một nước nông nghiệp lớn như Trung Quốc, từ xưa đến nay thường là dân số nông thôn đông, dân thành thị ít thì sự kiện này qủa là đáng chú ý, đây là kết quả của việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao trình độ đô thị hoá của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu dân số thành thị Trung Quốc tăng 1% thì sẽ giúp GDP tăng 1,5%. Trong vòng 10 năm tới, tỉ lệ đô thị hóa của Trung Quốc sẽ nâng cao khoảng 0,9%, mỗi năm dân thành thị sẽ tăng lên từ 13 đến 18 triệu người, đây sẽ là lực lượng trực tiếp thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc phát triển. Điều này phù hợp với chủ trương lớn của chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy mở rộng tiêu dùng trong nước, chuyển dần phương thức tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư, xuất khẩu sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước.
Chủ trương thì vậy, nhưng thực tế thì cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét. Theo thống kê trong năm 2011, dân số đô thị tăng 21 triệu người, trong đó trừ dân số tăng tự nhiên trong năm thì trong số 21 triệu tăng thêm phần lớn là do dân nông thôn di chuyển ra thành phố. Vấn đề này lại đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định đô thị và đối với hệ thống phúc lợi xã hội vốn đã bị “quá tải”. Có thực tế là ở một số địa phương, nông dân thành dân thành thị chỉ là trên danh nghĩa, về mặt hộ khẩu họ đã là dân thành thị nhưng họ chưa được hưởng chế độ phúc lợi như y tế, giáo dục, dưỡng lão, nhà ở,… như người dân thành thị, mặc dù danh nghĩa là dân thành thị nhưng họ vẫn còn thiếu nhiều yếu tố như tố chất con người, điều kiện kinh tế, xã hội… Họ không những không được hưởng sung sướng như người dân thành thị, thậm chí còn gặp khó khăn về mưu sinh. Trước đây họ ăn, mặc… đều dựa vào đất, rừng, hiện nay mất đất, mất rừng trở thành dân thành thị, nhưng không có bất cứ kỹ năng mưu sinh nào khác, thu nhập không đảm bảo. Đương nhiên trở thành dân thành thị họ sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội của dân thành thị nhưng hiện nay thể chế bảo hiểm vẫn chưa kiện toàn và vẫn ở trình độ thấp, nên những người mới trở thành dân thành thị vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi. Chi phí sinh hoạt tăng, thu nhập giảm sút, mức độ bảo đảm phúc lợi không cao, họ vẫn chỉ là rìa của thành phố.

   III. DỰ BÁO KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2012
* Xu hướng chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012
Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 -12 -2011 tại Bắc Kinh đã đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu cho kinh tế năm 2012, trong đó tiếp tục tăng cường và cải thiện điều tiết vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh được đưa lên hàng đầu. Có thể thấy triển vọng  kinh tế vĩ mô năm 2012 tăng trưởng vẫn là đạo lý cứng. Theo tinh thần của Hội nghị, cùng với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, quan điểm chính sách sẽ chuyển từduy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh”(2010), “ổn định kinh tế, điều chỉnh kết cấu, khống chế lạm phát” (2011) sang “ổn định cầu tiến” (2012) (tạm hiểu là tiến lên trong ổn định)
Ổn”: Chính là cần giữ chính sách kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; duy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh; duy trì ổn định giá cả tổng thể; duy trì xã hội ổn định.
Tiến”: Chính là cần tiếp tục nắm bắt và tận dụng thời cơ, cơ hội chiến lược quan trọng phát triển đất nước, trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đạt được tiến triển mới, trong đi sâu cải cách mở cửa đạt được những đột phá mới, trong công tác cải thiện dân sinh đạt được những thành tựu mới.
Xung quanh vấn đề điều chỉnh lại chính sách vĩ mô, tại hội nghị “Báo cáo công tác đầu tư năm 2012” ngày 11-12 -2011 tại Bắc Kinh, ông Ba Thử Tùng, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính thuộc Trung trâm Nghiên cứu phát triển Chính phủ cho biết vừa qua Trung Quốc tiến hành điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc - Đây là tín hiệu cho thấy năm 2012 Trung Quốc nới lỏng chính sách tài chính tiền tệ, coi trọng tăng trưởng kinh tế hơn là kiềm chế lạm phát. Bởi lẽ chỉ có tăng trưởng thì mới có thể ổn định xã hội. Năm 2012, ba mối quan hệ là tăng trưởng - lạm phát  - cơ cấu sẽ được Chính phủ tính toán giữ cân bằng, nhưng tăng trưởng vẫn được ưu tiên cao hơn kiềm chế lạm phát. Bởi lẽ, do biến động của tình hình thế giới nhất là hai thị trường xuất khẩu chủ yếu là Châu Âu và Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng, nên xuất khẩu không còn là động lực thúc đẩy GDP tăng trưởng như trước, năm 2012 hai yếu tố là đầu tư và tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Dự kiến, đầu tư sẽ đóng góp tới trên 50% vào tăng trưởng GDP năm 2012.
Theo ông Thẩm Đan Dương người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2012 tiêu dùng sẽ được chú trọng thúc đẩy từ ba phương diện: Hoàn thiện thể chế lưu thông giữa thành thị và nông thôn; thúc đẩy phát triển phương thức lưu thông hiện đại và cải thiện điều kiện tiêu dùng.
* Dự báo kinh tế Trung Quốc năm 2012
Năm 2012, bất kể là từ tình hình quốc tế hay trong nước cũng sẽ là một năm phức tạp và đầy thách thức. Kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chủ yếu vẫn chậm chạp, kinh tế EU quý IV- 2011 và quý I-2012 có khả năng liên tiếp tăng trưởng âm, kinh tế Mỹ tuy có khá hơn một chút nhưng vẫn chậm. Đồng thời, thị trường tài chính quốc tế bất ổn, bảo hộ thương mại được tăng cường dưới mọi hình thức. Ở trong nước, việc duy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh ngày càng khó hơn, áp lực lạm phát trong trung và dài hạn vẫn tồn tại, một bộ phận doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, sản xuất kinh doanh vẫn rất khó khăn,… Vì thế, tốc độ tăng trưởng GDP đã liên tục suy giảm trong năm 2011, và dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2012.
Hầu hết các dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều suy giảm so với trước đây. Trong “Triển vọng kinh tế thế giới”, IMF dự báo sản xuất toàn cầu tăng 3,25%, giảm 0,75 điểm phần trăm so với số liệu dự báo tháng 9-2011.
Đối với Trung Quốc, theo ông Ba Thử Tùng: “Năm 2012 có thể coi là bước ngoặt nền kinh tế Trung Quốc chuyển từ tăng trưởng cao thời gian dài sang tăng trưởng trung bình thời gian dài. Trong tương lai, hai chỉ số GDP và CPI sẽ thay đổi. Mức tăng trưởng GDP 10% và CPI 2% là đặc trưng của kinh tế Trung Quốc trước đây hay còn gọi là ‘Thời đại 10+2’ sẽ không còn nữa. Thời gian tới, GDP chỉ có thể duy trì ở 8% và CPI sẽ tăng lên 4% hay còn gọi là ‘Thời đại 8+4’ sẽ lên thay thế”.
Điều này phù hợp với đa số các dự báo, như trong “Triển vọng kinh tế Trung Quốc” được công bố ngày 6-2-2012, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2012 xuống còn 8,25%, giảm 0,8% so với dự báo hồi tháng 9-2011. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay là 8,4% từ mức 9,2% của năm trước, cũng thấp hơn mức dự báo 8,7% trước đó.
Dự báo trong sách Xanh của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2012, GDP sẽ là khoảng 8,9%, CPI khoảng 4,6%.   
Còn theo dự báo khác từ Báo Chứng khoán Thượng Hải thì GDP trong năm 2012 sẽ vào khoảng 8,5%, xu hướng sẽ là trước thấp sau cao. Trong đó, đầu tư tăng trưởng khoảng 18,5%, đóng góp trong GDP là khoảng 4,5 điểm phần trăm; tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 17%, đóng góp trong GDP khoảng 4,2 điểm phần trăm; còn xuất khẩu ròng vẫn tiếp tục đóng góp trong GDP âm, vào khoảng -0,2  điểm phần trăm. Năm 2012, CPI  là khoảng 3,4%.
Tốc độ tăng trưởng M2 trong năm 2012 dự kiến khoảng 13-13,5%. Cả năm tổng tín dụng sẽ là khoảng 7.800 tỉ NDT, tăng trưởng khoảng 14%.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng suy giảm nhưng theo IMF, Trung Quốc vẫn là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu, xu thế đầu tư và tiêu dùng của Trung Quốc vẫn còn rất mạnh. Dự kiến cuối năm 2012 tốc độ tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng trở lại, năm 2013 sẽ tăng lên khoảng 8,75%.
-          Điều chỉnh kết cấu sẽ đi vào giai đoạn then chốt:
Mặc dù mức tăng trưởng thực tế và các dự báo đều ở mức cao hơn 8%, nhưng Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn quy hoạch 5 năm lần thứ XII (2011 - 2015) chỉ là 7%, thấp hơn mức 7,5% của kế hoạch 5 năm vừa qua, mục tiêu tăng trưởng năm 2012 cũng chỉ là 7,5%, thấp hơn năm trước (CPI khống chế ở mức trên dưới 4%), nhằm hướng vào điều chỉnh kết cấu. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc đặt mục tiêu thấp hơn cho giai đoạn 2011- 2015 cho thấy rằng mô hình tăng trưởng đã bắt đầu được chú trọng không kém gì tốc độ tăng trưởng.
Mô hình phát triển của Trung Quốc hiện nay không cân bằng, thiếu sự phối hợp và cũng chưa bền vững; phát triển phần nhiều dựa vào đầu tư và khai thác tài nguyên thiên nhiên mà thiếu yếu tố tiêu thụ mua sắm của người tiêu dùng. Ngành dịch vụ vẫn còn kém, năm 2011 chỉ làm ra 43% GDP và tạo việc làm cho 35% lực lượng lao động của Trung Quốc. Các quốc gia ở giai đoạn phát triển như Trung Quốc hiện nay thường phải có ngành dịch vụ chiếm 60% GDP.
Năm 2012, dự kiến tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ trở lại bình thường. Theo thống kê, trong 2 năm 2010-2011 số công trình xây dựng nhà an cư là mới triển khai là 15,8 triệu căn, hoàn công chưa đến 8 triệu căn. Năm 2012, số mới triển khai là khoảng 8 triệu căn, mặc dù số công trình mới triển khai có phần giảm nhưng tính cả số nhà cần hoàn thiện từ năm trước cũng đến gần 15 triệu căn, có tác dụng nhất định góp phần ổn định thị trường bất động sản, khi đầu tư cho bất động sản mang tính thương mại giảm.
Các ngành nghề trong quy hoạch chấn hưng giai đoạn 5 năm lần thứ XII sẽ là hướng đầu tư chính của chính sách tài chính. Điều chỉnh kết cấu kinh tế thông qua cải cách chính sách thuế sẽ được thúc đẩy. Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày 29-10-2011 tại Hội nghị thường vụ Quốc vụ viện đã chỉ ra cần hoàn thiện chính sách tài chính, chính sách thuế, thúc đẩy giảm thuế mang tính kết cấu. Ở tầm vĩ mô có thể thấy, giảm thuế mang tính kết cấu chính là công cụ quan trọng thúc đẩy điều chỉnh kết cấu, chuyển biến phương thức tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm lần thứ XII. Giảm thuế mang tính kết cấu, miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ các doanh nghiệp kỹ thuật cao mới nổi rồi đến thay đổi cấu trúc thuế… sẽ trở thành điểm ngoặt quan trọng trong chính sách tài chính giai đoạn 5 năm lần thứ XII.
http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=320

21. Những điểm hẹn lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga

19:12' 31/7/2012
TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga V.Putin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 đến ngày 30-7-2012, đánh dấu giai đoạn mới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.


Nhận xét về kết quả tốt đẹp của chuyến thăm Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh: “Quan hệ Nga-Việt có gốc rễ sâu xa, giữa nhân dân hai nước từ lâu đã có mối thiện cảm to lớn và chính điều này đã giúp chúng ta phát triển mối quan hệ ngày hôm nay”.

 
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đúng như vậy, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được kế thừa lịch sử quan hệ Việt-Xô từ tháng 1-1950, khi Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ đó tới nay, trong hơn 70 năm, quan hệ giữa hai nước đã trải qua những thời khắc để lại dấu ấn rất quan trọng và có thể coi đó là những điểm hẹn lịch sử giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Điểm hẹn lịch sử thứ nhất

Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được mở đầu kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Matxcơva sau ngày Cách mạng Tháng Mười thành công vào năm 1917, với cái tên Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam xây dựng phong trào cách mạng trong nước, tiến tới làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhận định về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (1).

Mỗi khi nói tới lịch sử gắn bó quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong những ngày đầu tiên, không thể không nhớ tới Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại đội quân Quan Đông, buộc Chính phủ quân phiệt Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15-8-1945, tạo tiền đề rất quan trọng cho nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đứng lên giành chính quyền vào ngày 19-8-1945. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam giành độc lập từ tay quân phiệt Nhật, chứ không phải từ tay thực dân Pháp, trong đó có công lao to lớn của Hồng quân Liên Xô.

Điểm hẹn lịch sử thứ hai

Sau Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 9 năm (1946 - 1954) trong điều kiện bị bao vây bốn bề. Trong lúc nền kinh tế - xã hội nghèo nàn lạc hậu sau gần một thế kỷ bị thực dân Pháp chiếm đóng, hơn 80% người dân bị mù chữ, quân và dân Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh chống lại đội quân xâm lược được trang bị vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới tư bản. Xuất phát từ tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với chủ trương “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuống, gậy, gộc” để đánh giặc cứu nước.

Trong điều kiện đó, một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng để lại dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt - Xô. Tháng 1-1950, Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản làm thay đổi cục diện kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta.

Tháng 3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm Liên Xô trong điều kiện bí mật để tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trong chuyến thăm này, Chính phủ Liên Xô đã cam kết giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam, trong đó có viện trợ nhiều loại vũ khí trang bị chủ chốt. Chính những vũ khí trang bị do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.

Điểm hẹn lịch sử thứ ba

Sau thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam bước sang giai đoạn vừa xây dựng đất nước ở Miền Bắc, vừa chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong giai đoạn mới, Liên Xô vừa giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình công nghiệp quân sự và dân dụng, vừa nhận đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn chuyên gia và công nhân thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và văn hoá. Đặc biệt, Liên Xô đã giúp đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn sỹ quan và chuyên gia kỹ thuật, đồng thời đưa cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Đồng thời, Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam các loại vũ khí hiện đại thời bấy giờ như máy bay, pháo, tên lửa phòng không, xe tăng, tàu chiến mà ngành công nghiệp của nước ta chưa thể sản xuất được. Cơ sở vật chất - kỹ thuật và nguồn nhân lực do Liên Xô trợ giúp lúc bấy giờ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, giành thắng lợi trên cả hai miền Nam và Bắc.

Điểm hẹn lịch sử thứ tư

Vào cuối năm 1991, Liên bang Xô-Viết bị giải thể, nước Nga với tư cách là quốc gia được kế thừa từ Liên Xô, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Tháng 6-1994, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Từ ngày 28-2 đến ngày 2-3-2001, Tổng thống Liên bang Nga V.Putin thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ quốc gia Nga, kể cả thời Liên Xô, thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Từ đó tới nay, hai bên đã ký hơn 40 hiệp định, hiệp ước, văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện để xúc tiến mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược hai bên cùng có lợi và đi vào chiều sâu. Hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả 3 kênh (ngoại giao nhà nước, ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhân dân), lĩnh vực hợp tác cũng ngày càng được mở rộng. Cơ chế đối thoại chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga được thiết lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, quan hệ kinh tế Việt - Nga ngày càng có những tiến triển tích cực và hiệu quả. Về thương mại, hai bên sẽ đưa kim ngạch thương mại lên 10 tỉ USD vào năm 2020.

Đối với Việt Nam, quan hệ với Nga được coi là một mối quan hệ đặc biệt quan trọng. Trong chuyến thăm Liên bang Nga vào tháng 10-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với nước Nga, coi Nga là người bạn thủy chung, là đối tác tin cậy của Việt Nam. Việt Nam coi quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam mong muốn Liên bang Nga phát triển vững mạnh, giữ vai trò là một trong những cường quốc hàng đầu, đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới”. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: “Nga chủ trương phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, coi trọng vị trí của Việt Nam trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương theo học thuyết đối ngoại mới của Nga”.

Điểm hẹn lịch sử thứ năm

 
Người dân Khu tự trị Nenetskij mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dùng bánh mỳ muối theo truyền thống của địa phương.

Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang là tâm điểm chú ý đặc biệt của nhiều nước trong và ngoài khu vực, nước Nga với vai trò là một nước lớn và có các mối quan hệ truyền thống với các nước trong khu vực, đang có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn có tầm quan trọng chiến lược. Trong Sắc lệnh về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga V.Putin đã xếp Việt Nam vào nhóm đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này có thể được nhìn nhận như một điểm hẹn mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, trong đó hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Những cam kết mà hai bên đạt được trong chuyến thăm này chứng tỏ, hiệu quả và tầm quan trọng của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước có ý nghĩa chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, kế thừa xứng đáng truyền thống hữu nghị và tương trợ giữa hai dân tộc Nga và Việt Nam.

Cuộc hội đàm cấp cao của hai nguyên thủ Nga và Việt Nam được tổ chức tại thành phố Sochi là sự kiện đặc biệt, ghi nhận giai đoạn mới quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Theo đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Hai bên đã ra Tuyên bố chung thể hiện những nhận thức chung cũng như mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài Tuyên bố chung, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận và chương trình hợp tác, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian tới.

Chuyến thăm Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Một là, về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường đối thoại tin cậy, quyết tâm đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, được thể hiện ở việc Tổng thống Nga V.Putin dành cho Chủ tịch nước ta sự tin cậy đặc biệt và tình cảm thân thiết. Phía Nga hết sức coi trọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam như đã được nêu trong Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin về triển khai hoạt động đối ngoại của Liên bang Nga trong giai đoạn mới.

Hai là, hai bên đã thống nhất những định hướng lớn cho việc phát triển quan hệ với các trụ cột chính là thương mại, dầu khí, năng lượng và kỹ thuật - quân sự, không ngừng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch.

Về kinh tế - thương mại, hai nước nhất trí cần đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới về chất nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều, sớm tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (bao gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan; tháo gỡ kịp thời các khó khăn và vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng hai nước, mở rộng hợp tác đầu tư và tín dụng… nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỉ USD vào năm 2015 và tiến tới 10 tỉ USD vào năm 2020.

Trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng nguyên tử, hai bên nhất trí triển khai tích cực các dự án hợp tác mang tính chiến lược. Cùng với việc sớm xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân, phía Nga cam kết đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn, chất lượng cao nhất. Công trình quan trọng này sẽ trở thành biểu tượng mới của quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong thế kỷ XXI. Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh Việt-Nga, như Liên doanh “Rusvietpetro”, “Vietsovpetro”, “Gazpromviet” và “Vietgazprom”, “TNK-BP Management”, “Lukoil Overseas”, mở rộng các khu vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, ở Nga và ở các nước thứ ba. Phía Nga còn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự, Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả trên cơ sở tin cậy và lâu dài. Phía Nga sẽ tiếp tục giúp đào tạo quân nhân cho Việt Nam có đủ trình độ làm chủ công nghệ, trang thiết bị quân sự của Nga tại Việt Nam, chú trọng đào tạo về quốc phòng cho Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác khoa học-công nghệ và giáo dục, Việt Nam và Liên bang Nga nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, sớm thành lập Trường Đại học công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga tại Hà Nội và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm khoa học công nghệ và nghiên cứu nhiệt đới Việt - Nga nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của hai nước.

Ba là, hai nước thống nhất củng cố hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nhân văn nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước và mở rộng cơ sở xã hội cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga, nhất trí tiếp tục tổ chức thường xuyên Những ngày văn hóa hai nước, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, củng cố hợp tác trong các lĩnh vực y tế, phát thanh truyền hình, xuất bản, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, thể thao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phía Nga tiếp tục hỗ trợ cộng đồng Việt Nam học tập, làm ăn và sinh sống hợp pháp, lâu dài, ổn định tại Liên bang Nga.

Bốn là, trong bối cảnh trên thế giới, ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang có những diễn biến “nóng”, hai bên Nga và Việt Nam khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc là chủ trương xây dựng một trật tự thế giới mới, công bằng và dân chủ hơn dựa trên các nguyên tắc đa phương, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Phía Nga đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các liên kết khu vực và quốc tế khác và đề nghị Việt Nam tiếp tục là cầu nối cho việc tăng cường quan hệ Nga - ASEAN và các cơ chế khu vực khác do ASEAN làm nòng cốt.

Hai bên cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai Bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông. Quan điểm rất cơ bản này của Nga trong quan hệ với Việt Nam sẽ góp phần cùng các cường quốc khác trong và ngoài khu vực tạo dựng môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đã được công pháp quốc tế công nhận./.

-------------------------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2002, tập12, tr.300.
Lê Thế Mẫu