Trong
những năm qua, các nước xuất khẩu dầu lửa ở Trung Đông đã có được một
nguồn thu lớn do giá dầu lửa trên thị trường tăng mạnh. Khoản tiền này
được các nước này sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau và phần nào chi
phối thị trường tài chính và chính sách đầu tư của các nước trên thế
giới. Bài viết này phân tích một số đặc điểm của nguồn vốn đô la dầu lửa
Trung Đông, cách thức các nước Trung Đông sử dụng nguồn vốn và kinh
nghiệm của các nước trong việc thu hút nguồn vốn từ dầu mỏ phục vụ phát
triển kinh tế.
Khu vực Trung Đông và nguồn vốn đô la dầu lửa
Nguồn tài chính từ khu vực Trung Đông
Trung Đông là khu vực rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, chiếm 66% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của thế giới[1]
và là nơi cung cấp dầu chính cho Mỹ (trên 50%), EU (36%), Nhật Bản
(90%), Trung Quốc (45%). Tuy nhiên, cho đến nay, về cơ bản các nước ở
khu vực vẫn thuộc nhóm các nước đang phát triển, khoảng cách giàu nghèo
lớn và tỷ lệ mù chữ còn khá cao.
Sau
đợt tăng giá dầu bất ngờ vào năm 1974 và lần thứ hai vào năm 1979, ngân
quỹ các nước Trung Đông rất dồi dào và các nước này có xu hướng ỷ lại
vào kho tài nguyên thiên nhiên vô tận. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế
trên thế giới bắt đầu thích ứng và cải thiện hệ thống sản xuất để giảm
bớt nhu cầu dầu, giá dầu trên thế giới đã giảm xuống theo đúng với quy
luật cung cầu. Tình trạng này đã diễn ra trong suốt thập niên 1990,
khiến cho thu nhập của các nước sản xuất dầu ở Trung Đông giảm đáng kể.
Các nước này đã phải bắt đầu thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng,
xem xét lại các chương trình phát triển để nâng cao hiệu quả của nền
kinh tế, đẩy mạnh cải cách khu vực tư nhân để tạo thêm công ăn việc làm.
Cũng chính nhờ những biện pháp như vậy mà các nước Trung Đông đã cải
thiện được phần nào cơ sở hạ tầng và môi trường kinh tế để có thể phát
triển bền vững hơn.
Trong những năm gần đây, Trung Đông đã chủ trương cải cách kinh tế theo hướng tự do hóa, ưu tiên phát triển kinh tế tư
nhân, kinh tế thị trường, đẩy mạnh đầu tư vào ngành dầu khí, chú trọng
phát triển dịch vụ, nông nghiệp, đa dạng hóa nền kinh tế và giảm lệ
thuộc vào dầu lửa. Từ năm 2000 đến nay, các nền kinh tế trong vùng đã
tăng trưởng một cách đều đặn, tuy không bằng được các nền kinh tế mới
nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Năm 2005, Ả-rập Xê-út - nền kinh tế lớn nhất
trong khu vực, đã có mức tăng trưởng lên đến 6,5%.
Về
an ninh-chính trị, bất ổn ở Trung Đông ngày càng tăng và căng thẳng ở
bốn điểm nóng trong khu vực (I-rắc, I-ran, Li-băng, và I-xra-en -
Pa-le-xtin) kéo dài và phát triển phức tạp….
Đợt tăng giá dầu gần đây và nguồn đô la dầu lửa ở Trung Đông
Những
thay đổi lớn trong cân bằng cung cầu nhiên liệu quốc tế cùng với diễn
biến phức tạp của tình hình chính trị quốc tế, là những nhân tố cơ bản
gây sức ép lên giá dầu. Từ năm 2002 đến 2007, giá dầu đã tăng từ 18 (năm
2002) lên đến trên 65 USD/thùng (4/2007). Đặc biệt, đến cuối 2007 và
đầu 2008, giá dầu đã tăng lên đến mức kỷ lục 110 USD/thùng (4/2008).
Giá dầu thô từ 4/2007-4/2008 (USD/Thùng)
Khác
với lần tăng giá dầu những năm 70, mặc dầu với lợi nhuận cao từ giá dầu
tăng vọt, nhưng mức thặng dư của khối OPEC cũng chỉ chiếm khoảng 0,3%
mức GDP toàn cầu, tức là chỉ bằng 1/4 của mức thặng dư cách đây hơn ba
thập niên (1,2%). Hơn nữa, bất chấp giá dầu tăng mạnh, kinh tế thế giới
vẫn tăng trưởng cao và các nền kinh tế tiêu thụ nhiều dầu mỏ (Trung
Quốc, Mỹ, Nhật Bản) đều có khả năng trụ vững nhờ tỷ trọng của sản phẩm
nhiên liệu trong cơ cấu kinh tế thế giới đã giảm đi nhiều. Do đó lần
tăng giá dầu này đã không tạo nên nhiều chỉ trích đáng kể đối với các
nước xuất khẩu dầu và không tác động tiêu cực đến mức làm kinh tế toàn
cầu suy giảm.
Do
giá dầu tăng cao, các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lửa ở khu vực
Trung Đông đã thu được một nguồn lợi nhuận khổng lồ (một số nguồn ước
tính khoảng 1000 tỷ - 2000 tỷ USD). Theo đánh giá của các cơ quan nghiên
cứu, nguồn vốn nhàn rỗi này tập trung chủ yếu ở một số nước xuất khẩu
dầu chính như Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út,
I-ran, Cô-oét, Ca-ta... Nguồn thu này nhiều khả năng tiếp tục được duy
trì ở mức cao trong những năm tới do giá dầu tiếp tục có chiều hướng
tăng mạnh.
Hướng đầu tư từ nguồn thu dầu lửa của các nước Trung Đông
Khi
cuộc khủng hoảng dầu lửa xảy ra lần đầu vào những năm 70, đa số các
quốc gia sản xuất dầu không biết cách nào để sử dụng hiệu quả số lợi
nhuận khổng lồ đó. Các nước này đã chi tiêu một cách phung phí vào các
dịch vụ công trong nước, phần còn lại được đầu tư vào các ngân hàng lớn ở
châu Âu hoặc trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ.[2]
Thời kỳ này, việc giá dầu tăng đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao vì
mọi thứ hàng sản xuất trên thế giới đều lệ thuộc, trực tiếp hay gián
tiếp, vào dầu lửa. Thêm vào đó, vào thời điểm đó, tổng mức tiêu dùng
trên thế giới cũng bị tụt giảm nên đã dẫn đến tình trạng là cả lạm phát (inflation) và suy thoái kinh tế (stagnation)
cùng xảy ra, dẫn đến một tình trạng thường được các kinh tế gia gọi là
lạm thoái (stagflation). Ngoài ra, thặng dư thương mại lớn của các nước
xuất khẩu dầu và thâm hụt lớn của các nước tiêu thụ đã gây căng thẳng
đến hệ thống kinh tế thế giới thời kỳ này.
Ngày
nay, nhiều nước xuất khẩu dầu đã phát triển và có kinh nghiệm chính
sách hơn, nên đã biết sử dụng số lợi nhuận đổ dồn về từ những năm qua
một cách khôn ngoan hơn. Ngoài việc mua sắm thêm vũ khí và chi tiêu cho
phúc lợi công cộng, các nước Trung Đông đã đầu tư mạnh để phát triển
kinh tế trong nước, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động đầu tư ra bên
ngoài để giảm thiểu rủi ro.
Đầu tư phát triển kinh tế trong nước
Khác
với cuộc khủng hoảng dầu lửa những năm 70 (khi đó hầu hết lượng tiền
thu được đều đầu tư ra bên ngoài), lần này một phần lớn tiền lời thu
được vẫn nằm lại Trung Đông nhờ hệ thống tài chính của khu vực đã được
cải thiện hơn và các chương trình cải cách kinh tế (tư nhân hoá với quy
mô lớn) của chính phủ các nước. Các nước Trung Đông đã tranh thủ nguồn
vốn từ dầu lửa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, các khu đô
thị, khu công nghiệp mới...) và cải thiện dân sinh trong nước. Nhiều dự án có qui mô lớn và hiện đại đã được xây dựng nhằm thay đổi bộ mặt của các bờ biển của vùng Vịnh như dự án phát triển khu Burj Dubai.[3] Thành
phố Dubai đã phát triển hai khu phố hiện đại với hệ thống thông tin
điện tử siêu tốc (broadband) gọi là Internet và Media Cities, với đủ
mạng lưới thông tin và liên lạc tối tân và tiện lợi bậc nhất thế giới để
thu hút các công ty lớn trên thế giới đến làm ăn. Ả-rập Xê-út cũng xây
dựng tòa nhà chọc trời Bujr Dubai để khuếch trương một khu phố mới có
tên là King Abullah Economic City ở cảng Jeddah với kinh phí 27 tỷ
USD. Những dự án này đã lôi cuốn sự góp mặt của nhiều tập đoàn tên tuổi
lớn trên thế giới như Microsoft, Hewlett-Packard, Cisco Systems... Ngoài
ra, các nước Trung Đông cũng đầu tư xây dựng nhiều nhà máy lọc, hóa dầu
mới (khoảng hơn 20 nhà máy) cỡ lớn hoặc siêu lớn nhằm tăng công suất
lọc hóa dầu, qua đó tăng khả năng kiểm soát thị trường dầu mỏ. Theo đánh
giá của nhiều nhà kinh tế, các dự án đầu tư to lớn và trung hạn này sẽ
giúp khu vực duy trì được sự phát triển kinh tế ổn định trong cả thập
niên tới.
Các
nước Trung Đông cũng chú trọng cải cách và thúc đẩy khu vực tư nhân
phát triển để củng cố bộ máy kinh tế phát triển một cách bền vững. Tuy
nhiên, nhìn chung kinh tế của các quốc gia trong vùng Vịnh này vẫn còn
phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài nguyên dầu lửa (chiếm đến 50% GDP ở
Ca-ta và Cô-oét; 42% ở Ả-rập Xê-út). Do đó, vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro
về lâu dài.
Đầu tư ra bên ngoài
Mặc
dầu chú trọng đầu tư cho phát triển kinh tế trong nước, nhưng các nước
Trung Đông gặp khó khăn do thiếu cơ hội đầu tư hấp dẫn ở khu vực.[4]
Các nhà đầu tư nhận xét Trung Đông yếu kém cả ba công đoạn của đầu tư
(huy động vốn, sử dụng vốn và thu hồi vốn). Thị trường vốn sở tại hạn
chế; hệ thống luật pháp yếu kém; các định chế tài chính kém phát triển;
chế độ quản trị doanh nghiệp không đầy đủ; và đặc biệt tình hình an
ninh-chính trị bất ổn định của khu vực. Nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn
trong việc gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường. Trung Đông
cũng chưa có những thị trường chứng khoán tầm cỡ khu vực như châu Âu,
Bắc Mỹ và châu Á; thiếu chuẩn mực về tiết lộ thông tin và nguyên tắc
luật lệ như các trung tâm tài chính tầm cỡ thế giới. Thậm chí các công
ty cổ phần công chúng cũng không muốn hoặc không thể cung cấp thông tin
một cách đầy đủ và đáng tin cậy cho các nhà đầu tư.
Chính vì lẽ đó, nên cũng như các lần tăng giá dầu trước đây, một phần khá lớn trong số 2000 tỷ USD[5]
vốn đô la dầu lửa tích lũy trong khu vực vẫn được đầu tư ra nước ngoài.
Một bộ phận được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ (khoảng 67 tỷ USD)
và EU, nhưng một phần lớn đã được đầu tư rộng rãi trên các thị trường
quốc tế - gồm cả chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, địa ốc và một số tài
sản khác - ước tính lên đến 1000 tỷ USD.[6]
Những khoản đầu tư này tương đối khó liệt kê ra để kiểm chứng, vì khác
với những năm 70, nguồn vốn đô la dầu lửa ngày nay đã được đa dạng hóa,
trải đều trên một mạng lưới tinh vi với đủ loại ngân hàng tư, quỹ đầu tư
hay tại những trung tâm tài chính ở một số quốc gia/lãnh thổ (như
Cayman Islands) nổi tiếng với luật lệ đầu tư khá cấp tiến và không phải
đóng thuế cao.
Nhìn
chung, các nước Trung Đông chủ trương đầu tư vào nhiều ngành khác nhau
trên thế giới để đa dạng hóa tài sản đầu tư, tránh những rủi ro do các
chấn động kinh tế.[7]
Họ đã đầu tư vào nhiều dự án trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng,
khách sạn, viễn thông ở các nền kinh tế mới nổi lên ở khu vực châu
Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, sau sự kiện 11/9/2001, các nước Trung Đông
có xu hướng giảm đầu tư và tiền gửi ngân hàng ở Mỹ, chuyển hướng sang
khu vực châu Á. Một số quỹ đầu tư tư nhân ở Trung Đông đã tăng mạnh quy
mô, số lượng và đầu tư mua lại các cơ sở sản xuất, dịch vụ lớn ở nước
ngoài như:
-
Công ty Dubai Ports World (DPW) mua lại Công ty quản lý cảng CSX
Florida với giá 1,5 tỷ USD; mua lại công ty Peninsular & Oriental
(P&O) của Anh để nắm quyền điều hành 6 bến cảng tại Hoa Kỳ với giá
6,8 tỷ USD.
- Công ty Jumeirah (Dubai) mua lại Khách sạn sang trọng Essex House ở New York với giá 400 triệu USD và tòa nhà Hemsley.
-
Chính quyền Dubai mua lại Khách sạn Sir Francis Drake ở San Francisco,
nhiều khu chung cư sang trọng khác với trị giá 1 tỷ USD.
-
Tổ hợp Dubai International Capital đã bỏ ra 1,5 tỷ USD để mua lại Bảo
tàng bằng sáp nổi tiếng Madame Tussauds; đầu tư 1,2 tỷ USD để mua 2%
trong đại công ty xe hơi Daimler Chrysler.
- Công ty Abu Dhabi mua lại 5% cổ phần của hãng xe hơi danh tiếng của I-ta-li-a là Ferrari.
-
Một tổ hợp liên doanh giữa một số các nhà tư bản tư và hoàng thân
Alwaleed bin Talal của Ả-rập Xê-út mua lại Hệ thống khách sạn sang trọng
Fairmont Hotels & Resorts trụ sở ở Toronto với giá khoảng 3,9 tỷ Mỹ
USD.
-
Tổ hợp điện thoại di động Orascom Telecom Holding của Ai Cập mua lại
hãng Wind, hệ thống điện thoại di động lớn nhất của I-ta-li-a, với giá
13 tỷ USD.
Tuy
nhiên, theo Brad D. Bourland, kinh tế gia trưởng của Tổ hợp Samba
Financial Group, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Ả-rập Xê-út, đây
chỉ là mặt nổi của tảng băng và nhiều khoản đầu tư to lớn khác được
thực hiện qua các quỹ đầu tư từ Trung Đông.
Chiến lược thu hút vốn đầu tư từ Trung Đông của các nước châu Á
Trong
những năm gần đây, một số nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á trở thành
điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nước Trung Đông do tốc độ tăng trưởng
kinh tế cao và không có những căng thẳng, nhạy cảm về chính trị với khu
vực này. Chớp lấy thời cơ này, nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương đã có
một số biện pháp, chính sách để thu hút các luồng vốn đô la dầu lửa từ
Trung Đông phục vụ cho nhu cầu vốn đầu tư rất lớn của mình. Một số biện
pháp thường được các nước áp dụng là:
Đẩy nhanh việc ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần
với các nước Trung Đông, qua đó tạo khuôn khổ pháp lý để thu hút đầu tư
từ Trung Đông. Một số nước còn đi xa hơn thông qua việc đàm phán các
Hiệp định mậu dịch tự do song phương với các nước Trung Đông. Ấn Độ đã
ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với Ô-man, Ca-ta,
Cô-oét, Y-ê-men, Ba-ranh, và Ả-rập Xê-út, hiện đang đàm phán FTA với
Nhóm GCC.
Khuyến khích các định chế tài chính Hồi giáo phát triển, qua đó thu hút nguồn tài chính từ Trung Đông.
Ở các nước đạo Hồi, đặc biệt là Ma-lai-xi-a, Chính phủ đã có chủ trương
phát triển các hãng bảo hiểm và ngân hàng hồi giáo, kết hợp các nguyên
tắc ngân hàng hiện đại với các luật lệ hồi giáo để làm cầu nối huy động vốn từ Vùng Vịnh.
Ở
tầm khu vực, giới tài chính Ma-lai-xi-a đang vận động thành lập Tập
đoàn bảo lãnh tài chính Hồi giáo (IFGC) với vốn điều lệ 500 triệu USD
với sự tham gia của đại diện các Chính phủ và các định chế tài chính Hồi
giáo nhằm tiếp cận thị trường vốn Trung Đông. IFGC sẽ hoạt động như một
định chế tài chính liên khu vực, bảo lãnh cho các dự án đầu tư từ Trung
Đông vào các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi.
Ngoài
ra, các nước cũng chủ trương thu hút các ngân hàng đầu tư của các nước
Trung Đông. Các ngân hàng Quatar Islamic Bank và Bahrains Al Baraqah
Bank đã có kế hoạch mở chi nhánh tại In-đô-nê-xi-a năm 2007; Ngân hàng
quốc gia Abu Dhabi của Ba-ranh và Ngân hàng đầu tư Cô-oét cũng đang có
kế hoạch làm ăn ở In-đô-nê-xi-a.
Sử dụng quan hệ chính trị-chiến lược để vận động đầu tư từ các Chính phủ Trung Đông. Năm
2006, Tổng thống In-đô-nê-xi-a đã thăm Trung Đông và một trong những
mục tiêu chính là thu hút khoảng 8 tỷ USD đầu tư của các nước Trung Đông
vào phát triển cơ sở hạ tầng (xây dựng cảng biển, đường cao tốc...).
Kết quả, I-ran hứa sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào ngành dầu khí của
In-đô-nê-xi-a. Ca-ta cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào In-đô-nê-xi-a.
Thái
Lan cũng chủ trương tăng cường thu hút đầu tư của các nước Trung Đông
thông qua các chuyến thăm cấp cao (Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao).
Hiện tại, Thái Lan đã có 11 Đại sứ quán và 2 Tổng Lãnh sự quán ở khu vực
này và sẽ mở thêm 2 Sứ quán mới tại Tripoli và Amman; lập Thai Business
Center ở Ba-ranh.
Khuyến khích các nước Trung Đông mua cổ phần của các tập đoàn trong nước.
Trung Quốc đã bán nhiều cổ phần của các tập đoàn lớn cho các nhà đầu tư
Trung Đông. Tháng 5/2006, Quốc vương Ả-rập Xê-út mua 2 tỷ USD cổ phiếu
của Bank of China. Cục Đầu tư Cô-oét mua 719 triệu USD cổ phiếu Ngân
hàng công thương Trung Quốc; Cục đầu tư Ca-ta mua 206 triệu USD cổ phiếu
Ngân hàng công thương Trung Quốc.
Hợp tác thành lập các Quỹ đầu tư với các nước Trung Đông.
Một ngân hàng của Ba-ranh đã cùng Ngân hàng Trung Tín, Trung Quốc lập
Quỹ đầu tư 100 triệu USD để đầu tư bất động sản tại Trung Quốc; Tháng
6/2006, Công ty bất động sản Damac (Dubai) hợp tác với Thành phố Thiên
Tân, Trung Quốc đầu tư 2,73 tỷ USD xây dựng các khu nhà ở, khu thương
mại, văn phòng, khách sạn, bến cảng, khu vui chơi giải trí.
In-đô-nê-xi-a và Ca-ta có kế hoạch lập một Quỹ đầu tư phát triển chung,
trong đó Ca-ta góp 85% vốn.
Thay lời kết
Giá
dầu lửa có khả năng vẫn ở mức khá cao hiện nay, nên nguồn đô la dầu lửa
sẽ còn dồi dào. Mặc dầu chú trọng đầu tư phát triển kinh tế trong nước,
nhưng các nước Trung Đông cũng đã đầu tư một khối lượng đáng kể nguồn
lợi nhuận dầu lửa ra nước ngoài. Xu hướng đầu tư lần này không chỉ rót
vào trái phiếu Mỹ và EU, mà hướng mạnh sang các nền kinh tế đang nổi lên
ở châu Á. Do đó các nước có kinh tế tăng trưởng cao, thị trường tài
chính phát triển và rủi ro đầu tư thấp sẽ có điều kiện để thu hút luồng
vốn này.
Đầu
tư của các nước Trung Đông chủ yếu dưới dạng gián tiếp hoặc thông qua
việc mua lại các dự án. Hiện nay, thị trường chứng khoán và tài chính
Việt Nam đang trên đà phát triển và từng bước mở cửa theo cam kết gia
nhập WTO, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ Trung Đông. Tuy
nhiên, cũng cần ý thức được rằng đầu tư gián tiếp sẽ tương đối kém ổn
định và có thể gây những chấn động đối với thị trường tài chính và nền
kinh tế nói chung.
Cũng
như Trung Quốc và các nước trong khu vực, Việt Nam đang là nền kinh tế
tăng trưởng nhanh, ổn định và được các nhà đầu tư nước ngoài nói chung,
trong đó có các nhà đầu tư Trung Đông quan tâm. Một số nhà đầu tư Trung
Đông đã bắt đầu chú ý đến nước ta. Năm 2006, tập đoàn cảng Dubai đã đầu
tư xây dựng cảng Hợp Phước với số vốn 230 triệu USD, đầu tư 300 triệu
USD xây cầu văng Cửa Đại (Quảng Nam); Tập đoàn SAMA đã ký MOU với tỉnh
Quảng Nam xây khu nghỉ mát Hội An trị giá 700 triệu USD và đang có hai
dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh (Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Xưởng đóng
tàu Ba Son) trị giá khoảng 4 tỷ USD. Tập đoàn Kingdom Hotels Investments
(KHI) do hoàng tử Ả-rập Xê-út Alwaleed Bin Talal Abdulaziz Alsaud làm
Chủ tịch đã cam kết đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng trong
năm 2007 với số vốn đầu tư ban đầu 60 triệu USD. Ngoài ra, còn có nhiều
nhà đầu tư lớn của Trung Đông đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư lớn khác ở
Việt Nam.
Hiện
nay, ta có quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu và đã thiết lập quan hệ
ngoại giao với tất cả các nước Trung Đông; đã cử nhiều đoàn cấp cao
thăm các nước trong khu vực; không có xung đột lợi ích lớn; chia sẻ
nhiều quan điểm và ủng hộ nhau tại các diễn đàn quốc tế. Hiện tại, ta đã
có 5 cơ quan đại diện tại Trung Đông, gồm: I-rắc, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ,
Cô-oét, UAE (Dubai). Năm nước trong khu vực có CQĐD ở nước ta gồm
Pa-le-xtin, I-rắc, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và I-xra-en. Một số nước cũng đang
xin mở sứ quán tại Hà Nội. Quan hệ chính trị truyền thống, tình cảm tốt
đẹp của các nước Trung Đông với nước ta là một lợi thế có thể khai thác
để tranh thủ thu hút nguồn vốn đầu tư lớn của Trung Đông phục vụ sự
nghiệp phát triển đất nước./.
Ths. Nguyễn Mạnh Cường, Học viện Ngoại giao.
Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế số 1 (72) tháng 3 – 2008, Học viện Ngoại giao
[1] Số liệu của Viện Phân tích An ninh toàn cầu.
[2] Phần lớn của khối tiền này sau đó cũng được các ngân hàng Âu - Mỹ sử dụng để cho vay các quốc gia Nam Mỹ.
[3]
Một trong những công trình xây cất lớn nhất thế giới là dự án phát
triển khu Burj Dubai - một khu đô thị tân kỳ với khách sạn, siêu thị cực
kỳ sang trọng với hồ nước nhân tạo và sàn đá băng để trượt tuyết ngay
giữa sa mạc, và với tòa cao ốc Bujr cao nhất trên thế giới.
[4] Chủ
tịch Quỹ Beltone Financial (Ai Cập) Aladdin Saba từng than thở “Chúng
tôi có vấn đề là quá nhiều vốn theo đuổi chỉ một số ít cơ hội đầu tư”.
[5] Ước tính của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
[6] Ước tính của nhiều tổ chức khác nhau như PFC Energy, Diễn đàn kinh tế thế giới…
[7] Các nhà đầu tư Trung Đông không có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, chế tạo, nông nghiệp.