Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

15. Cuộc chiến Mỹ-Trung: Các phương án tác chiến

Email In PDF.
Các máy bay ném bom tàng hình và tầu ngầm của Mỹ sẽ triệt hạ các hệ thống ra đa và các hệ thống tên lửa của Trung Quốc nằm sâu trong đất liền. Tiếp đó là một cuộc tấn công quy mô lớn bằng không quân và hải quân của Mỹ.


Hồi đầu năm nay khi Tổng thống Barack Obama chỉ thị cho quân đội Mỹ chuyển trọng điểm sang châu Á, nhà tương lai học 91 tuổi từng làm việc 40 năm tại Phòng đánh giá tình hình của Lầu Năm Góc, ông Andrew Marshall đã có sẵn một quan điểm về những gì phải làm. Căn phòng làm việc nhỏ của Marshall trong tòa nhà Lầu Năm Góc đã dành trọn hai thập kỷ gần đây để lập kế hoạch về một cuộc chiến tranh chống một nước Trung Quốc ngày càng hiếu chiến và vũ trang hiện đại. Không ai có ý tưởng về cách thức mà cuộc chiến sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ là rõ ràng, như được đặt vấn đề trong tài liệu nghiên cứu của Marshall, đó là "Cuộc chiến không-biển" theo đó các máy bay ném bom tàng hình và tầu ngầm của Mỹ sẽ triệt hạ các hệ thống trận địa ra đa trinh sát tầm xa và các hệ thống tên lửa có độ chính xác cao của Trung Quốc nằm sâu trong đất liền. Chiến dịch "đánh mù mắt" khởi đầu này sẽ được tiếp nối bằng một cuộc tấn công quy mô lớn bằng không quân và hải quân của Mỹ.
Bản tài liệu mà chi tiết của nó được liệt vào diện tuyệt mật này đã khiến giới quân sự Trung Quốc tức giận. Một số sỹ quan lục quân và lính thủy đánh bộ Mỹ cho rằng ASB là quá tốn kém và thiên lệch. Một số chuyên gia phân tích châu Á lo ngại một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nhằm vào Trung Quốc có thể thổi bùng một cuộc chiến tranh hạt nhân. Học thuyết "Trận chiến không quân-hải quân" ít được chú ý khi binh lính Mỹ đang tham chiến và chết chóc với số lượng lớn ở Irắc và Ápganixtan. Nay, thập kỷ sử dụng quân đội để chống lại các cuộc nổi dậy đang kết thúc và ngân sách quân sự đang bị cắt giảm, các quan chức cấp cao của quân đội Mỹ được lệnh chuyển trọng điểm sang châu Á và họ đang tìm kiếm các ý tưởng từ căn phòng làm việc của Andrew Marshall. Trong vài tháng qua, hai quân chủng không quân và hải quân Mỹ đã nêu ra hơn 200 sáng kiến mà họ cho là cần thiết để hiện thực hóa học thuyết "Trận chiến không quân-hải quân" của Marshall. Danh mục các sáng kiến này một phần được rút ra từ các trò chơi chiến tranh đã được thực nghiệm trong căn phòng làm việc của Marshall , trong đó gồm cả các loại vũ khí mới cũng như các đề xướng tăng cường phối hợp giữa hải quân và không quân.
Là một cựu chiến lược gia về vũ khí hạt nhân, Andrew Marshall đã dành 40 năm qua để điều hành Phòng đánh giá tình hình của Lầu Năm Góc, phân tích và mổ xẻ những nguy cơ tiềm tàng đe dọa ưu thế nổi trội của quân đội Mỹ. Trong quá trình nghiên cứu này, ông đã xây dựng được một mạng lưới hùng mạnh các đồng minh trong Quốc hội, trong ngành công nghiệp quốc phòng, giới nghiên cứu và Lầu Năm Góc. Trong khi, những người ủng hộ ca ngợi phòng làm việc của Marshall là nơi để các quan chức tìm kiếm các quan điểm lâu dài, các nhà chỉ trích lại nhìn thấy một chiều hướng nguy hiểm phóng đại nguy cơ Trung Quốc nhằm cổ vũ cho việc tăng chi phí quốc phòng. Barry Posen, Giám đốc chương trình nghiên cứu an ninh MIT cho biết từng có những câu nói đùa rằng nên đổi tên Phòng đánh giá tình hình của Lầu Năm Góc thành "Phòng lạm phát nguy cơ vì họ thường vượt quá giới hạn để đi sâu tìm kiếm các kịch bản xấu nhất. Họ thường thuyết phục người khách hành động như thể các tình huống xấu nhất này là không thể tránh khỏi". Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Andrew Marshall đã bác bỏ lời chỉ trích cho rằng văn phòng của ông chú tâm quá mức vào Trung Quốc, coi họ như một kẻ thù tương lai. Theo lập luận của ông Marshall , một trong những nhiệm vụ của Lầu Năm Góc là phải tính tới những kịch bản xấu nhất, do vậy "thiên hướng của chúng tôi là nhìn vào những tương lai không mấy lạc quan".
Cho dù bắt đầu quan tâm tới học thuyết “Trận chiến không quân-hải quân” của Marshall, nhưng Lầu Năm Góc vẫn cố tìm cách giải thích để không thổi bùng mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc. Tuy nhiên, giữa hai nước đã bùng nổ cuộc cãi vã và cáo buộc lẫn nhau. Một số quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng nỗ lực mới của Lầu Năm Góc có nguy cơ thổi bùng một cuộc chạy đua vũ trang. Năm ngoái, phát biểu tại một cuộc hội thảo do Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức, Đại tá Gaoyue Fan thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cảnh báo rằng nếu quân đội Mỹ phát triển tư tưởng chiến tranh không quân-hải quân của Marshall để đối phó với quân đội Trung Quốc thì PLA sẽ buộc phải có một chiến lược để đối phó lại học thuyết “Trận chiến không quân-hải quân” của Mỹ. Các quan chức Lầu Năm Góc ngay lập tức giải thích rằng các quan điểm trong “Trận chiến không quân-hải quân” chỉ thuần túy nhằm đánh bại các hệ thống tên lửa có độ chính xác cao, chứ không nhằm vào bất kỳ đối tượng hoặc một chế độ cụ thể nào". Tuy nhiên, những người đứng đầu quân chủng không quân và hải quân Mỹ lại cho biết tư tưởng của học thuyết “Trận chiến không quân-hải quân” có ý nghĩa vượt qua cả tầm chiến trường. Đô đốc Jonathan Greennert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết ASB có thể giúp quân đội Mỹ đi vào các vùng Bắc Cực băng giá hoặc tới hiện trường nhà máy hạt nhân bị tan chảy ở Nhật Bản. Trong các cuộc nói chuyện riêng tư, một số quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận mục tiêu của ASB là giúp các lực lượng Mỹ phòng ngừa một cuộc tấn công của Trung Quốc, đồng thời phản công để triệt phá các hệ thống ra đa tinh vi và các hệ thống tên lửa có độ chinh xác cao mà Trung Quốc xây dựng nhằm giữ cho tầu chiến Mỹ phải neo đậu và hoạt động cách xa bờ biển Trung Quốc.
Mối lo của Lầu Năm Góc càng gia tăng khi chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng lên mức trung bình 180 tỷ USD mỗi năm, bằng gần 1/3 ngân sách của Lầu Năm Góc cộng với các hành động ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông. Một sỹ quan hải quân giám sát chương trình hiện đại hóa quân chủng này cho biết mục tiêu của ASB là thuyết phục Trung Quốc hiểu rằng Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này và rằng "chúng tôi muốn tạo ra một tình trạng không chắc chắn đủ mức trong suy nghĩ của giới hoạch định chính sách quân sự của Trung Quốc rằng họ đừng bao giờ nghĩ tới chuyện vượt qua mặt chúng tôi". Tuy còn những tranh cãi trong nội bộ quân đội Mỹ, nhất là những ý kiến từ phía quân chủng lục quân và lính thủy đánh bộ cho rằng ASB quá ưu tiên phát triển không quân và hải quân tới mức có nguy cơ làm suy yếu hai quân binh chủng còn lại, nhưng ASB lại phù hợp với chủ trương của Chính quyền Barack Obama chuyển trọng điểm quân sự về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chủ trương này đi kèm với hàng loạt chương trình vũ khí hiện đại cũng đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ tại Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sỹ độc lập nghiêng về đảng Dân chủ Joseph Lieberman và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Cornyn đã đưa vào dự luật ngân sách quốc phòng 2012 một điều khoản yêu cầu Lầu Năm Góc trong năm 2012 này phải có một báo cáo nêu chi tiết các kế hoạch và dự kiến chi phí cho việc thực thi học thuyết “Trận chiến không quân-hải quân”./.
Mỹ Anh (gt)