Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

21. Những điểm hẹn lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga

19:12' 31/7/2012
TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga V.Putin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 26 đến ngày 30-7-2012, đánh dấu giai đoạn mới tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga.


Nhận xét về kết quả tốt đẹp của chuyến thăm Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh: “Quan hệ Nga-Việt có gốc rễ sâu xa, giữa nhân dân hai nước từ lâu đã có mối thiện cảm to lớn và chính điều này đã giúp chúng ta phát triển mối quan hệ ngày hôm nay”.

 
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đúng như vậy, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được kế thừa lịch sử quan hệ Việt-Xô từ tháng 1-1950, khi Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Kể từ đó tới nay, trong hơn 70 năm, quan hệ giữa hai nước đã trải qua những thời khắc để lại dấu ấn rất quan trọng và có thể coi đó là những điểm hẹn lịch sử giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Điểm hẹn lịch sử thứ nhất

Trên thực tế, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga được mở đầu kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Matxcơva sau ngày Cách mạng Tháng Mười thành công vào năm 1917, với cái tên Nguyễn Ái Quốc.

Sau khi tiếp thu ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam xây dựng phong trào cách mạng trong nước, tiến tới làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - một cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhận định về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế” (1).

Mỗi khi nói tới lịch sử gắn bó quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong những ngày đầu tiên, không thể không nhớ tới Chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại đội quân Quan Đông, buộc Chính phủ quân phiệt Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15-8-1945, tạo tiền đề rất quan trọng cho nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đứng lên giành chính quyền vào ngày 19-8-1945. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam giành độc lập từ tay quân phiệt Nhật, chứ không phải từ tay thực dân Pháp, trong đó có công lao to lớn của Hồng quân Liên Xô.

Điểm hẹn lịch sử thứ hai

Sau Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài 9 năm (1946 - 1954) trong điều kiện bị bao vây bốn bề. Trong lúc nền kinh tế - xã hội nghèo nàn lạc hậu sau gần một thế kỷ bị thực dân Pháp chiếm đóng, hơn 80% người dân bị mù chữ, quân và dân Việt Nam phải tiến hành cuộc chiến tranh chống lại đội quân xâm lược được trang bị vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới tư bản. Xuất phát từ tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với chủ trương “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuống, gậy, gộc” để đánh giặc cứu nước.

Trong điều kiện đó, một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng để lại dấu ấn lịch sử trong quan hệ Việt - Xô. Tháng 1-1950, Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản làm thay đổi cục diện kháng chiến chống xâm lược của nhân dân ta.

Tháng 3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện chuyến thăm Liên Xô trong điều kiện bí mật để tạo nguồn lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trong chuyến thăm này, Chính phủ Liên Xô đã cam kết giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam, trong đó có viện trợ nhiều loại vũ khí trang bị chủ chốt. Chính những vũ khí trang bị do Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác viện trợ đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.

Điểm hẹn lịch sử thứ ba

Sau thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam bước sang giai đoạn vừa xây dựng đất nước ở Miền Bắc, vừa chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong giai đoạn mới, Liên Xô vừa giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình công nghiệp quân sự và dân dụng, vừa nhận đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn chuyên gia và công nhân thuộc nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và văn hoá. Đặc biệt, Liên Xô đã giúp đào tạo cho Việt Nam hàng nghìn sỹ quan và chuyên gia kỹ thuật, đồng thời đưa cố vấn quân sự sang giúp Việt Nam xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Đồng thời, Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam các loại vũ khí hiện đại thời bấy giờ như máy bay, pháo, tên lửa phòng không, xe tăng, tàu chiến mà ngành công nghiệp của nước ta chưa thể sản xuất được. Cơ sở vật chất - kỹ thuật và nguồn nhân lực do Liên Xô trợ giúp lúc bấy giờ là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, giành thắng lợi trên cả hai miền Nam và Bắc.

Điểm hẹn lịch sử thứ tư

Vào cuối năm 1991, Liên bang Xô-Viết bị giải thể, nước Nga với tư cách là quốc gia được kế thừa từ Liên Xô, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Tháng 6-1994, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hai nước ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Từ ngày 28-2 đến ngày 2-3-2001, Tổng thống Liên bang Nga V.Putin thăm chính thức Việt Nam. Đây là lần đầu tiên nguyên thủ quốc gia Nga, kể cả thời Liên Xô, thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Từ đó tới nay, hai bên đã ký hơn 40 hiệp định, hiệp ước, văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện để xúc tiến mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược hai bên cùng có lợi và đi vào chiều sâu. Hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả 3 kênh (ngoại giao nhà nước, ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhân dân), lĩnh vực hợp tác cũng ngày càng được mở rộng. Cơ chế đối thoại chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga được thiết lập và bắt đầu đi vào hoạt động. Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, quan hệ kinh tế Việt - Nga ngày càng có những tiến triển tích cực và hiệu quả. Về thương mại, hai bên sẽ đưa kim ngạch thương mại lên 10 tỉ USD vào năm 2020.

Đối với Việt Nam, quan hệ với Nga được coi là một mối quan hệ đặc biệt quan trọng. Trong chuyến thăm Liên bang Nga vào tháng 10-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với nước Nga, coi Nga là người bạn thủy chung, là đối tác tin cậy của Việt Nam. Việt Nam coi quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện với Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Việt Nam mong muốn Liên bang Nga phát triển vững mạnh, giữ vai trò là một trong những cường quốc hàng đầu, đóng góp to lớn cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới”. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định: “Nga chủ trương phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, coi trọng vị trí của Việt Nam trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương theo học thuyết đối ngoại mới của Nga”.

Điểm hẹn lịch sử thứ năm

 
Người dân Khu tự trị Nenetskij mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dùng bánh mỳ muối theo truyền thống của địa phương.

Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang là tâm điểm chú ý đặc biệt của nhiều nước trong và ngoài khu vực, nước Nga với vai trò là một nước lớn và có các mối quan hệ truyền thống với các nước trong khu vực, đang có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn có tầm quan trọng chiến lược. Trong Sắc lệnh về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga V.Putin đã xếp Việt Nam vào nhóm đối tác quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này có thể được nhìn nhận như một điểm hẹn mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, trong đó hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga. Những cam kết mà hai bên đạt được trong chuyến thăm này chứng tỏ, hiệu quả và tầm quan trọng của sự hợp tác toàn diện giữa hai nước có ý nghĩa chiến lược trước mắt cũng như lâu dài, kế thừa xứng đáng truyền thống hữu nghị và tương trợ giữa hai dân tộc Nga và Việt Nam.

Cuộc hội đàm cấp cao của hai nguyên thủ Nga và Việt Nam được tổ chức tại thành phố Sochi là sự kiện đặc biệt, ghi nhận giai đoạn mới quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Theo đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Hai bên đã ra Tuyên bố chung thể hiện những nhận thức chung cũng như mong muốn và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga lên tầm đối tác chiến lược toàn diện. Ngoài Tuyên bố chung, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện, thỏa thuận và chương trình hợp tác, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian tới.

Chuyến thăm Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Một là, về chính trị, hai bên nhất trí tăng cường đối thoại tin cậy, quyết tâm đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững, được thể hiện ở việc Tổng thống Nga V.Putin dành cho Chủ tịch nước ta sự tin cậy đặc biệt và tình cảm thân thiết. Phía Nga hết sức coi trọng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam như đã được nêu trong Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin về triển khai hoạt động đối ngoại của Liên bang Nga trong giai đoạn mới.

Hai là, hai bên đã thống nhất những định hướng lớn cho việc phát triển quan hệ với các trụ cột chính là thương mại, dầu khí, năng lượng và kỹ thuật - quân sự, không ngừng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch.

Về kinh tế - thương mại, hai nước nhất trí cần đẩy nhanh việc tìm kiếm và cụ thể hóa các khả năng mới về chất nhằm thúc đẩy thương mại hai chiều, sớm tiến hành đàm phán và ký kết Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan (bao gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan; tháo gỡ kịp thời các khó khăn và vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng hai nước, mở rộng hợp tác đầu tư và tín dụng… nhằm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỉ USD vào năm 2015 và tiến tới 10 tỉ USD vào năm 2020.

Trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng nguyên tử, hai bên nhất trí triển khai tích cực các dự án hợp tác mang tính chiến lược. Cùng với việc sớm xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân, phía Nga cam kết đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành an toàn, chất lượng cao nhất. Công trình quan trọng này sẽ trở thành biểu tượng mới của quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong thế kỷ XXI. Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh Việt-Nga, như Liên doanh “Rusvietpetro”, “Vietsovpetro”, “Gazpromviet” và “Vietgazprom”, “TNK-BP Management”, “Lukoil Overseas”, mở rộng các khu vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, ở Nga và ở các nước thứ ba. Phía Nga còn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự, Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả trên cơ sở tin cậy và lâu dài. Phía Nga sẽ tiếp tục giúp đào tạo quân nhân cho Việt Nam có đủ trình độ làm chủ công nghệ, trang thiết bị quân sự của Nga tại Việt Nam, chú trọng đào tạo về quốc phòng cho Việt Nam.

Trong lĩnh vực hợp tác khoa học-công nghệ và giáo dục, Việt Nam và Liên bang Nga nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, sớm thành lập Trường Đại học công nghệ Việt Nam - Liên bang Nga tại Hà Nội và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm khoa học công nghệ và nghiên cứu nhiệt đới Việt - Nga nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của hai nước.

Ba là, hai nước thống nhất củng cố hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nhân văn nhằm tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước và mở rộng cơ sở xã hội cho quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga, nhất trí tiếp tục tổ chức thường xuyên Những ngày văn hóa hai nước, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, củng cố hợp tác trong các lĩnh vực y tế, phát thanh truyền hình, xuất bản, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, thể thao. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phía Nga tiếp tục hỗ trợ cộng đồng Việt Nam học tập, làm ăn và sinh sống hợp pháp, lâu dài, ổn định tại Liên bang Nga.

Bốn là, trong bối cảnh trên thế giới, ở châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng đang có những diễn biến “nóng”, hai bên Nga và Việt Nam khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc là chủ trương xây dựng một trật tự thế giới mới, công bằng và dân chủ hơn dựa trên các nguyên tắc đa phương, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác.

Việt Nam và Liên bang Nga khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Phía Nga đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các liên kết khu vực và quốc tế khác và đề nghị Việt Nam tiếp tục là cầu nối cho việc tăng cường quan hệ Nga - ASEAN và các cơ chế khu vực khác do ASEAN làm nòng cốt.

Hai bên cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai Bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông. Quan điểm rất cơ bản này của Nga trong quan hệ với Việt Nam sẽ góp phần cùng các cường quốc khác trong và ngoài khu vực tạo dựng môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đã được công pháp quốc tế công nhận./.

-------------------------------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2002, tập12, tr.300.
Lê Thế Mẫu