Năm 2011 là năm khó khăn, đầy biến động và thách thức đối với nền kinh tế
toàn cầu. Các khó khăn, biến động và thách thức ấy được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2012. Trong bối cảnh chung khó khăn đó, cộng với những khó
khăn nội tại, nhiệm vụ điều tiết vĩ mô của chính phủ Trung Quốc vừa duy trì
kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh, đồng thời vừa khống chế lạm phát
càng trở nên nặng nề. Vấn đề lạm phát, bong bóng bất động sản và nợ xấu của các
chính quyền địa phương đã trở thành tâm điểm chú ý, là vấn đề nổi cộm trong năm
2011 ở Trung Quốc.
Năm 2011 cũng
là năm lần đầu tiên dân số thành thị Trung Quốc đã vượt qua dân
số nông thôn. Đây là kết quả của những quyết tâm và nỗ lực to lớn trong quá
trình đô thị hóa ở Trung Quốc, song thực tế này cũng mang lại không ít những lo
lắng, trăn trở.
I.
TÌNH HÌNH KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2011
Công báo thống kê phát triển
kinh tế - xã hội năm 2011 của nước CHND Trung Hoa ngày 22-2-2012 cho thấy, theo
tính toán sơ bộ cả năm GDP đạt 47.156,4 tỉ NDT, tính theo giá có thể so sánh,
tăng trưởng 9,2% so với năm trước. Như vậy GDP đã liên tục suy giảm qua bốn
quý, quý I tăng trưởng 9,7%; quý II 9,5%; quý III là 9,1%
và quý IV là 8,9%.
Nếu phân theo ngành nghề thì
khu vực I (nông nghiệp) đạt 4.771,2 tỉ NDT, tăng trưởng 4,5%; khu vực II (công
nghiệp và xây dựng) đạt 22.059,2 tỉ NDT, tăng trưởng 10,6%; khu vực III (dịch vụ)
đạt 20.326 tỉ NDT, tăng trưởng 8,9%.
Như vậy, tỉ trọng khu vực I
trong GDP là 10,12%; tỉ trọng của khu vực II là 46,78% và của khu vực III là
43,10%. Có thể thấy tỉ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế vẫn rất cao (ở các nước
phát triển chỉ khoảng 1-3%), trong khi tỉ trọng ngành dịch vụ thì lại thấp, nếu
ở trình độ phát triển như Trung Quốc thì thường phải có tỉ trọng ngành dịch vụ
là khoảng 60-70%.
Sản xuất nông nghiệp tăng
trưởng ổn định, sản lượng lương thực liên tục tăng trong 8 năm liền. Cả năm
tổng sản lượng lương thực đạt tới 571,21 triệu tấn, tăng 24,73 triệu tấn so với
năm trước, tăng trưởng 4,5%, liên tục tăng trong 8 năm liền. Sản lượng thịt các
loại tăng chậm, cả năm sản lượng thịt lợn, bò, dê,… đạt 78,03 triệu tấn, tăng
trưởng 0,3% so với năm trước. Trong đó, riêng sản lượng thịt lợn lại giảm 0,4 %
so với năm trước đạt 50,53 triệu tấn. Đây là một trong những nhân tố khiến giá
thịt lợn tăng chóng mặt trong thời gian giữa năm 2011, góp phần đẩy lạm phát
lên cao kỷ lục 6,5% vào tháng 7-2011
Sản xuất công nghiệp
tăng trưởng bình ổn, nhanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục tăng. Cả
năm các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô (doanh nghiệp có mức doanh thu bình
quân trên 20 triệu NDT/ năm) có mức giá trị tăng 13,9%, mức độ tăng giảm 1,8 điểm
phần trăm so với năm trước.
11 tháng đầu năm, lợi nhuận của
các doanh nghiệp công nghiệp có quy mô trên cả nước đạt 4.663,8 tỉ
NDT, tăng trưởng 24,4%, giảm đến 25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong 39 ngành công nghiệp lớn thì có 36 ngành có lợi nhuận tăng, 3 ngành có lợi
nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư TSCĐ duy trì mức
tăng trưởng tương đối nhanh, kết cấu đầu tư tiếp tục được cải thiện. Cả năm
2011, đầu tư TSCĐ trên cả nước (không bao hàm các hộ nông dân) đạt 30.193,3 tỉ
NDT, tăng trưởng danh nghĩa đạt 23,8%. Loại trừ yếu tố giá cả, tăng trưởng thực
tế đạt 16,1%.
Tiêu dùng tăng trưởng bình ổn,
tiêu thụ xe hơi giảm với mức độ lớn. Cả năm, kim ngạch bán lẻ hàng tiêu
dùng toàn xã hội đạt 18.122,6 tỉ NDT, tăng trưởng danh nghĩa 17,1% so với năm
trước; loại trừ yếu tố giá cả, tăng trưởng thực tế đạt 11,6%.
Nếu như trong 2 năm trước, triển
khai kế hoạch kích cầu tiêu dùng, đưa ô tô, xe máy, đồ điện gia dụng về nông
thôn, triển khai “lấy cũ đổi mới”… nên tiêu dùng tăng trưởng nhanh, xuất hiện những
điểm nóng về tiêu dùng như tiêu thụ xe hơi, đồ gia dụng, (năm 2010 thì tiêu
dùng vàng và trang sức có mức tăng trưởng cao nhất do giá vàng biến động lớn)…
Còn trong năm 2011, những điểm nóng tiêu dùng đều có dấu hiệu suy giảm, tiêu thụ
xe hơi các loại tăng 14,6%, giảm đến 20,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước;
đồ gia dụng tăng 32,8%, giảm 4,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; đồ điện
gia dụng và các thiết bị âm thanh tăng 21,6%, cũng giảm 6,1 điểm phần trăm so với
cùng kỳ năm 2010.
Giá cả thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, sau tháng 7 mức độ
tăng giá đã liên tục giảm sút
Cả
năm 2011, CPI tăng 5,4% so với năm trước. Trong đó, giá cả ở khu
vực thành thị tăng 5,3%; giá cả ở khu vực nông thôn tăng
cao hơn đạt 5,8%. Góp phần khiến CPI tăng cao chủ yếu là do chỉ số giá nhóm
thực phẩm (tăng 11,8%)
Chỉ số PPI năm 2011
tăng 6,0% so với năm trước; trong đó PPI tháng 12 tăng 1,7%, giảm 0,3% so với
tháng trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu
tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh, xuất siêu tiếp tục thu hẹp. Cả năm,
tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3.642,1 tỉ USD, tăng 22,5% so với năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 1.898,6 tỉ USD, tăng trưởng 20,3%; nhập khẩu
đạt 1.743,5 tỉ USD, tăng trưởng 24,9%. Thặng dư thương mại cả năm 2011 đạt 155,1
tỉ USD, giảm 26,4 tỉ USD so với năm trước.
Cung ứng tiền tệ suy giảm ổn
định, tín dụng có phần thu hẹp. Tính
đến cuối tháng 12-2011, lượng cung ứng tiền tệ M2 đạt 85.200 tỉ NDT,
tăng trưởng 13,6%, mức độ tăng giảm 6,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước;
lượng cung ứng tiền tệ M1 đạt 29.000 tỉ NDT, tăng trưởng 7,9%, giảm 13,3 điểm
phần trăm; lượng tiền tệ trong lưu thông M0 đạt 5.100 tỉ NDT, tăng trưởng 13,8%,
giảm 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về tín dụng, theo số liệu công bố trong “Báo cáo
số liệu thống kê tiền tệ năm 2011” ngày 8-1-2012 của Ngân hàng Trung ương
Trung Quốc, cả năm tổng tín dụng là 7.470 tỉ NDT, giảm 390 tỉ NDT so với cùng kỳ
năm trước, điều này cũng phù hợp với dự báo của thị trường. Theo dự báo của nhiều
chuyên gia trong ngành, năm 2012 tổng quy mô tín dụng sẽ vào khoảng trên dưới
8.000 tỉ NDT.
Về dự trữ ngoại tệ,
theo số liệu của Ngân hàng Trung ương, tính đến cuối tháng 12 - 2011 dự trữ ngoại
tệ của Trung Quốc là 3.181,15 tỉ USD, so với con số 3.220,91 tỉ USD tính đến cuối
tháng 11 thì giảm 39,76 tỉ USD.
Trong năm 2011, tỉ giá hối
đoái giữa đồng NDT và đồng USD đã vận động theo cả hai chiều, có tăng, có giảm
chứ không chỉ 1 chiều tăng như trước đây, mặc cho áp lực quốc tế đòi tăng giá đồng
NDT vẫn rất lớn.
Tính đến cuối tháng 11, đồng
NDT đã tăng giá trị khoảng 4%. Năm 2012 dự kiến mức độ tăng giá đồng NDT sẽ giảm
nhẹ so với năm trước, vào khoảng 3%.
Theo
số liệu mới nhất của Trung tâm giao dịch ngoại hối Trung Quốc, ngày
10-2-2012 tỷ giá giữa đồng NDT và đồng USD là 6.2937 (1
USD = 6.2937 NDT).
Về FDI: Bộ Thương mại Trung Quốc ngày
18-1-2012 công bố số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước
này năm 2011 tăng 9,72% so với năm trước, đạt 116 tỷ USD, lại tạo mức kỷ lục mới. Mức tăng này chủ yếu nhờ sự tăng vốn đầu
tư từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, trong khi đầu tư từ Liên
minh châu Âu và Mỹ lại giảm.
Trong năm 2011, có gần 28.000
công ty (27.712 công ty) có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép thành lập mới,
tăng 1,12% so với năm 2010.
Cả năm 2011, đầu tư
trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đạt 60,07 tỉ USD, tăng 1,8% so với năm
2010.
Năm 2011, doanh thu từ công
trình bao thầu ở nước ngoài là 103,42 tỉ USD, tăng trưởng 12,2%. Trong hợp tác
lao động với nước ngoài, riêng năm 2011 đã cử 452.000 lao động các loại ra nước
ngoài, tăng 41.000 lao động so với năm trước. Như vậy tính đến cuối năm 2011, tổng
cộng số lao động Trung Quốc cử ra nước ngoài là 5,88 triệu người.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý
TRONG VẬN HÀNH KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2011
- Vấn đề lạm phát
Ngay từ nửa cuối năm 2010 lạm
phát ở Trung Quốc đã diễn biến hết sức phức tạp, bước sang năm 2011, CPI liên tục
tăng cao và đạt mức kỷ lục 6,5% vào tháng 7 - mức cao nhất trong vòng 37 tháng.
Sau khi đạt mức kỷ lục trong tháng
7, CPI đã liên tục suy giảm và mức độ
suy giảm ngày càng lớn. Mặc dù vậy, tính chung cả năm 2011 CPI vẫn tăng 5,4% so
với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 4%. (Xem bảng)
Diễn biến lạm phát ở Trung Quốc năm 2011
|
Tháng 1
|
Tháng 2
|
Tháng 3
|
Tháng
4
|
Tháng 5
|
Tháng 6
|
CPI
|
4,9%
|
4,9%
|
5,4%
|
5,3%
|
5,5%
|
6,4%
|
|
Tháng 7
|
Tháng 8
|
Tháng 9
|
Tháng 10
|
Tháng 11
|
Tháng 12
|
CPI
|
6,5%
|
6,2%
|
6,1%
|
5,5%
|
4,2%
|
4,1%
|
Nguồn: Số liệu của Cục
Thống kê Nhà nước Trung Quốc các tháng
Trong suốt thời gian từ tháng 1 đến
tháng 7 - 2011, do lạm phát diễn biến phức tạp và liên tục tăng cao, nhà nước Trung Quốc đã xác định duy trì ổn định cơ bản giá cả tổng thể bằng
mọi cách - Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong điều tiết vĩ mô
và cũng là nhiệm vụ cấp thiết nhất của công tác kinh tế Trung Quốc, đồng thời đã
liên tục đưa ra các biện pháp thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát.
Chỉ tính từ đầu năm đến ngày
20-6-2011, Trung Quốc đã có 6 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào các ngày 20-1,
24-2, 25-3, 21-4, 18-5 và 20-6, mỗi lần thêm 0,5 điểm phần trăm. (Còn nếu tính
từ năm 2010 thì đã có 12 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc). Sau điều chỉnh, tỷ lệ dự trữ ở các ngân hàng
lớn lên tới 21,5% - mức cao nhất trong lịch sử, còn ở các ngân hàng nhỏ và vừa
là 18%. Theo tính toán, lần điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngày 20 - 6 đã khiến
nguồn vốn bị đóng băng hơn 380 tỷ NDT.
Về tăng lãi suất cơ bản, nếu như
trong cả năm 2010 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ tăng lãi suất 2 lần thì
chỉ riêng khoảng nửa năm đầu 2011 Trung Quốc đã có 3 lần tăng lãi suất, vào các
ngày 9-2, 6-4 và 7-7-2011, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm. Sau 3 lần điều chỉnh, lãi suất huy động tiền gửi kỳ
hạn 1 năm là 3,5% và lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 6,56%.
Bắt đầu từ tháng
8 do lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và tốc độ giảm ngày càng nhanh nên nhà nước
Trung Quốc đã tạm thời không dùng đến các chính sách tiền tệ. Đến tháng 11, hệ
lụy của việc thắt chặt tín dụng ngày càng bộc lộ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm
lại, GDP quý 3-2011 của Trung Quốc ở mức
9,1%, thấp hơn nhiều so với mức 9,5% trong quý 2 và 9,7% trong quý 1; chỉ
số quản lý thu mua PMI lần đầu tiên giảm dưới ngưỡng 50% - ngưỡng cho thấy sản
xuất đang thu hẹp; dòng vốn nước ngoài có dấu hiệu rời khỏi Trung Quốc; thặng
dư thương mại và dự trữ ngoại hối sụt giảm; thị trường bất động sản trầm lắng…
Tình hình này đã khiến nhà nước Trung Quốc
điều chỉnh, chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi liên tiếp
thắt chặt trong nửa đầu năm 2011. Ngày 30-11-2011, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc
tuyên bố kể từ ngày 5-12-2011 giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 0,5 điểm phần
trăm. Sau điều chỉnh, tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng lớn là 21% và ở các
ngân hàng vừa và nhỏ là 17,5%.
Bước sang năm
2012, động thái nới lỏng lại được tiếp tục, ngày
18-2-2012, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) ra quyết định,
kể từ ngày 24-2-2012 sẽ giảm tỉ lệ dữ trữ bắt buộc xuống 0,5 điểm phần trăm.
Đây là lần giảm đầu tiên trong năm nay. Quyết
định này đã giải tỏa nguồn vốn khoảng 400 tỉ NDT.
* Đặc điểm của lạm
phát
a) Lạm phát lần
này ở Trung Quốc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người có thu nhập thấp và
trung bình
Nhân tố quan trọng thúc đẩy lạm
phát tăng cao lần này chính là giá nông sản phẩm, như trong tháng 7 (tháng có mức
CPI cao nhất), giá cả các loại hàng phi thực
phẩm chỉ tăng có 2,9% thì giá cả thực phẩm tăng tới 14,8%. Giá cả ở khu vực
nông thôn lại liên tục có mức tăng cao hơn và nhanh hơn so với thành thị. Có thể nhận thấy khu vực nông thôn và những người có thu nhập
thấp, trung bình chịu ảnh hưởng của lạm phát nhiều hơn do phần lớn thu nhập của họ
dùng để mua lương thực, thực phẩm.
b) Kiểm soát giá thịt lợn là một trong những yếu tố then chốt để kiềm
chế lạm phát tại Trung Quốc
Số liệu tháng 7 cho thấy, giá cả thực phẩm tăng đến
14,8% đã khiến CPI tăng 4,38 điểm phần trăm, chiếm đến 67,38% tổng mức tăng
chung của CPI. Trong thực phẩm, giá cả các loại thịt vẫn có mức tăng cao nhất,
đặc biệt là giá thịt lợn.
Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới,
khoảng 37 kg một người một năm. Theo số liệu của Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc
năm 2009, thịt lợn chiếm 65% tổng lượng thịt được tiêu thụ. Trong tháng 5-2011
giá thịt lợn tăng 40,4%; tháng 6-2011 tiếp
tục tăng tới 57,1%; mặc dù tháng 7, mức
độ tăng giá thịt lợn đã giảm nhẹ so với tháng 6, song vẫn ở mức cao: 56,7%, khiến
CPI tăng khoảng 1,46 điểm phần trăm, tức là chiếm tới 22,46% tổng mức tăng
chung của CPI. Giá thịt lợn liên tục tăng mạnh đã khiến lạm
phát liên tục tăng cao và lập đỉnh vào tháng 7. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia
kinh tế, kiểm soát giá thịt lợn là một
trong những yếu tố then chốt để kiềm chế lạm phát tại Trung Quốc.
* Nguyên nhân khiến giá cả nông sản
phẩm Trung Quốc liên tục tăng trong nửa đầu năm 2011 là do một là thiên tai tiếp tục nghiêm trọng làm cho giá lương thực
thực phẩm tiếp tục tăng lên, trong khi Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO)
cho biết giá lương thực thực phẩm thế giới tiếp tục tăng cao trong năm 2011 và
2012. Hai là tỉ trọng tiêu thụ thịt lợn
của Trung Quốc chiếm 9% trong tổng lượng tiêu thụ, nhưng giá thịt lợn hầu như
không giảm mà chỉ có tăng, thời gian tới chưa thể làm cho giá thịt lợn ổn định
hay giảm ngay được để kìm hãm đà tăng của CPI. (do nuôi lợn phải có chu kỳ chăn
nuôi và vấn đề thiếu hụt số lợn, thức ăn tăng giá, chi phí chăn nuôi tăng nhanh
vẫn tồn tại khiến giá cả thịt lợn có thể vẫn tiếp tục đắt đỏ). Ngoài ra, giá thành sức lao động tăng
lên, thanh khoản dư thừa cũng làm cho mặt bằng giá tăng lên…
Về đối phó với lạm phát, Quốc Vụ viện Trung Quốc can thiệp vào tất cả các phương diện: Một là, khống chế thanh khoản, cũng
chính là quản lý tốt nhân tố gây lạm phát; hai
là, nỗ lực phát triển sản xuất, đảm bảo cung ứng, đặc biệt là sản xuất nông
nghiệp; ba là, làm tốt khâu lưu
thông, giảm chi phí vận chuyển trong giá thành sản phẩm; bốn là, quản lý tốt thị trường, tăng cường giám sát, chống đầu cơ
tích trữ,…
* Nhằm giảm bớt gánh nặng cho người
dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, trong năm qua Chính phủ Trung Quốc
đã đưa ra một số chính sách như giảm thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa
và nhỏ vay tín dụng… mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Luật thuế
thu nhập cá nhân mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-9, mức khởi
điểm chịu thuế thu nhập cá nhân được nâng lên, và mở rộng phạm vi áp
dụng mức thuế thấp; vào tháng 10, nhiều chính sách miễn, giảm thuế
các doanh nghiệp vừa và nhỏ được đưa ra, ngoài ra còn xác định sẽ
tiến hành thí điểm cải cách mở rộng phạm vi thuế giá trị gia tăng
tại Thượng Hải từ năm 2012, và sẽ mở rộng đến phạm vi cả nước khi
điều kiện chín muồi.
Chính sách giảm thuế sẽ được kéo dài trong năm 2012.
Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương nêu rõ, chính sách tài chính năm
2012 sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm thuế mang tính kết cấu,
tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dân sinh, tích cực thúc đẩy điều
chỉnh kết cấu kinh tế.
Giám đốc Sở Nghiên cứu Tài
chính và Kinh tế thương mại thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Cao
Bồi Dũng cho biết, năm 2012 trọng tâm của chính sách tài chính tích
cực mà Trung Quốc áp dụng sẽ chuyển sang "giảm thuế mang tính
kết cấu". Theo ông Cao Bồi Dũng, thông qua cải cách thuế, một mặt
có thể ưu hóa kết cấu chế độ thuế, tăng thêm tỷ trọng của chức năng
"điều tiết phân phối" trong hệ thống thu thuế, từ đó có thể
đạt mục đích rút ngắn khoảng cách giàu nghèo; mặt khác, thông qua
các biện pháp mở rộng phạm vi thuế giá trị gia tăng, có thể giảm
gánh nặng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy doanh nghiệp
phát triển và tạo thêm việc làm.
Về
huy động vốn:
Vấn đề huy động vốn khó của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tồn
tại lâu nay, nhưng đến năm 2011 đặc biệt trầm trọng. Do tác động của
các nhân tố chính sách thắt chặt tiền tệ, giá nhân công tăng lên, Nhân
dân tệ tăng giá cũng như giá năng lượng và nguyên vật liệu leo thang, môi
trường bên ngoài phức tạp, khắc nghiệt, rất nhiều doanh nghiệp vừa và
nhỏ lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, hoạt động kinh doanh gặp
nhiều khó khăn, một số khu vực xuất hiện "làn sóng đóng
cửa" trong thời gian ngắn.
Do huy động vốn từ các ngân hàng
khó nên các doanh nghiệp buộc phải vay tín dụng dân gian, vì thế hoạt động
cho vay tín dụng “đen” lan tràn tại một số khu vực, một số doanh nghiệp
không có khả năng thanh toán khoản vay nặng lãi dân gian, nên đã bị thua
lỗ, thậm chí phá sản.
Về vấn đề giải quyết khó
khăn huy động vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phó Viện trưởng
Viện Kinh tế học Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc Lưu Nguyên Xuân cho
biết, cần phải nỗ lực về hai mặt: đưa ra chính sách hỗ trợ vay tín
dụng và mở rộng kênh huy động vốn trực tiếp. Theo ông, phải thúc đẩy
các ngân hàng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tín
dụng, do vậy nhà nước cần phải trợ cấp cho ngân hàng thương mại để
huy động vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp hỗ trợ chính
sách tương ứng. Mặt khác là tiếp tục phát triển tốt sàn chứng
khoán theo mô hình Nasdaq, cung cấp không gian huy động vốn trực tiếp
cho phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao vừa và nhỏ.
Tình trạng kinh doanh khó khăn
của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như siêu nhỏ hiện nay ở Trung Quốc
đã thu hút được sự quan tâm của cơ quan chính phủ. Tháng 6 và tháng 10
-2011, Ủy ban giám sát ngân hàng tháng đã hai lần ra thông tư liên quan
hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước tình
hình thắt chặt tiền tệ, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục tăng cường hỗ
trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tín dụng.
Hội nghị Công tác kinh tế
Trung ương và Hội thảo công tác phát triển và cải cách nhà nước cũng
đều đề xuất trong mục tiêu công tác kinh tế năm 2012 là: cần phải hỗ
trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy kinh tế thực phát triển
lành mạnh.
- Lo ngại về sự đổ vỡ của thị trường bất động sản:
Thị trường bất động sản Trung Quốc
hiện đang trầm lắng, cầm cự, thậm chí theo TS. Phạm Chí Dũng thị trường bất động sản Trung Quốc đã bắt đầu
sa chân vào một chu kỳ suy thoái, nếu không muốn nói là đổ vỡ và tháng 10-2011
là thời điểm bắt đầu của những hệ lụy tích tụ từ trước đó.
Đáng lưu ý là do ảnh hưởng của các chính sách điều tiết, lượng giao dịch đã giảm rõ rệt nhưng không phải là giá nhà giảm rõ rệt. Giá tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao. Theo số liệu của
Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, tháng 11-2011, trong 70 thành phố lớn và vừa
của Trung Quốc, giá nhà mới xây dựng giảm so với cùng kỳ năm trước chỉ ở 4
thành phố (4/70); giảm so với tháng trước thì có 49 thành phố (49/70).
Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là tình trạng các căn hộ
còn tồn đọng chưa bán được ngày càng nghiêm trọng. Theo điều tra của một ngân hàng nước ngoài về các doanh nghiệp trong lĩnh
vực bất động sản ở các thành phố cấp I, II cho thấy do ảnh hưởng của các chính
sách điều tiết, sản lượng tiêu thụ bất động sản đã giảm, lượng tồn đọng ngày
càng lớn. Đặc biệt ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,
Thâm Quyến… lượng tồn càng cao. Như Bắc Kinh, lượng căn hộ tồn cao nhất trong 3
năm trở lại đây, nếu với tốc độ tiêu thụ bình quân như nửa đầu năm thì cần gần
15 tháng nữa mới bán hết; Thượng Hải cũng phải cần đến 12,4 tháng; một số thành
phố như Thẩm Quyến, Vũ Hán, Hàng Châu, Tô Châu,… lượng căn hộ tồn bình quân
cũng vượt qua lượng tiêu thụ trong 15 tháng. Tính đến đầu tháng 7, tổng lượng
căn hộ tồn ở 11 thành phố lớn trọng điểm tới 634.000 căn, tăng 0,9% so với
tháng trước.
Ngoài những khó khăn đã nêu như giá
nhà tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, lượng giao dịch nhỏ giọt gần như đóng
băng, lượng nhà tồn chưa bán được cao nhất từ trước đến nay, thì vấn đề nan giải nhất vẫn là thanh khoản quá
khó, trong khi các khoản nợ đến hạn phải thanh toán cho ngân hàng vẫn liên
tục xuất hiện. Trong 3 quý đầu năm nay, ngành bất động sản Trung Quốc phải trải
qua những khó khăn nghiêm trọng nhất. Nhiều công ty bất động sản đã phải bán
nhà ngang mức giá thành để cầm cự. Một làn sóng bán nhà nữa có thể đẩy thị trường
bất động sản tan vỡ, lý do chính mà các công ty này chưa lao vào một cuộc bán
tháo thực sự là còn trông chờ động thái hỗ trợ từ chính phủ.
Có thể nói, nhà đất là một lĩnh vực kinh tế được đặc biệt ưu đãi, được cấp
vốn dồi dào để xây dựng. Thực hiện gói kích thích khổng lồ 4.000 tỷ NDT trong
năm 2008-2009, bong bóng bất động sản ở Trung Quốc đã ngày càng phình to. Năm 2009,
tổng chi phí cho nhà cửa đã tăng tới mức 12 - 15 lần thu nhập trung bình một
năm của tầng lớp trung lưu ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Ở một số thành
phố cấp 1 và 2 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, tỉ lệ này là 20 - 30 lần,
cao hơn rất nhiều so với mức đề xuất của Ngân hàng Thế giới (WB) là 5 và của
Liên Hợp quốc là 3. Đầu tư lớn và tiền đầu
cơ chảy vào thị trường bất động sản làm giá tăng mạnh tại nhiều thành phố, vượt
quá khả năng của dân chúng.
Để hạ nhiệt thị trường bất động sản,
chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt các biện pháp khống chế, năm 2011 không
những tiếp tục thi hành chính sách điều tiết của năm 2010 (không chế giá nhà tăng quá nhanh, hạn chế hoạt động đầu cơ bằng
cách siết chặt tín dụng, tăng tài sản thế chấp khi mua căn hộ thứ 2, tăng thuế
nhà đất…)
mà Quốc vụ viện Trung Quốc tháng 1-2011 còn đưa ra Lệnh
hạn chế mua nhà, đây được coi là
"chính sách nghiêm ngặt nhất trong lịch sử".
Một năm qua, những chính sách
hạn chế mua nhà đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn giá nhà tăng
quá nhanh, nó cũng khiến lượng giao dịch giảm rõ
rệt, nhưng khi tư nhân hoãn kế hoạch mua nhà, giới đầu cơ im ắng thì “nạn nhân”
đầu tiên lại là các chính quyền địa phương.
Theo mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược
Stratfor của Mỹ ngày 12-12-2011, kể từ đợt cải cách thuế năm 1994, Trung ương
đã lấy một tỷ lệ lớn hơn trong nguồn thu ngân sách, từ mức 22% (1994) tăng lên
mức hoảng 60% hiện nay, dẫn đến việc chính quyền địa phương phải tìm kiếm các
nguồn tài chính khác, trong đó một giải pháp là bán đất, bán đất hiện chiếm khoảng
40-60% nguồn thu của chính quyền địa phương. Thực tế
này cho thấy chính quyền địa phương có lợi ích cơ bản trong việc đẩy giá bất động
sản lên và cộng tác với các nhà khai phát bất động sản để duy trì giá ở mức
cao.
Song do chính sách kiềm chế bong bóng nhà đất của chính phủ, tổng doanh số
bán đất ở 130 thành phố của Trung Quốc đã giảm 30%. Ở các thành phố cấp 1 và 2
giao dịch bất động sản giảm khiến giá đất do chính quyền địa phương đưa ra giảm
từ 10-30%. Giá đất giảm, nguồn thu từ bán đất giảm đã ảnh hưởng đến lợi ích của
các chính quyền địa phương. Chính vì thế, họ chống lại mục tiêu của chính quyền
trung ương trong việc xây dựng nhà có giá phù hợp hơn – một trong những chiến
lược chủ chốt của Trung Quốc nhằm đảm bảo an sinh xã hội.
Tóm
lại,
hiện nay thị trường nhà ở Trung Quốc không mấy
sáng sủa, ngành nhà đất đã gặp phải môi trường chính sách nghiêm
ngặt nhất. Liệu chính sách hạn chế mua nhà sang năm có nới lỏng hay
không đã trở thành tiêu điểm quan tâm. Hội nghị Công tác kinh tế trung
ương kết thúc ngày 14-12-2011 đã xác định biện pháp cơ bản cho việc
điều tiết ngành nhà đất năm 2012, tức là kiên trì chính sách điều
tiết nhà đất không dao động, thúc đẩy giá nhà trở lại quỹ đạo hợp
lý. Phó Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính sách Bộ Nhà ở và Xây dựng
thành thị và nông thôn Vương Ngọc Lâm cho rằng, chính sách hạn chế mua
nhà hiện nay sẽ không xuất hiện nới lỏng.
3. Song hành với thị trường bất động sản có nguy cơ suy
thoái, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng
trở nên nổi cộm
Trung
Quốc hiện đang đối mặt với khủng hoảng nợ, chính quyền các tỉnh vay nợ quá nhiều. Như trong Bản
báo cáo về hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc công bố ngày 14-11-2011 của
IMF cho thấy: giá nhà đất tăng mạnh, ngân hàng cho vay quá nhiều và nợ của các
chính quyền địa phương ngày càng tăng đang tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế
Trung Quốc.
Tháng 10-2011, Cơ quan giám sát
ngân hàng Trung Quốc cho biết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương đã tạo
ra một số rủi ro tiềm ẩn, nhưng vẫn trong vòng kiểm soát. Ông Lưu Minh Khương,
lãnh đạo cơ quan này, nói rằng nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 50% GDP tính
đến cuối năm 2010, thấp hơn mức báo động là 60%.
Riêng nợ của chính quyền địa
phương các cấp, theo Cơ quan Kiểm toán quốc gia (NAO) Trung Quốc, tính đến cuối
tháng 6-2011, món nợ này đã lên tới 10.700 tỷ Nhân dân tệ, tương đương với 27%
GDP năm 2010 của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 5-7-2011 tổ chức xếp hạng tín dụng
Moody's cho biết khoản nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc cao hơn con
số ước tính của Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc (NAO) đến 3.500 tỷ Nhân
dân tệ (540 tỷ USD), đặt các ngân hàng Trung Quốc vào tình trạng nguy hiểm, có
thể đe dọa tới xếp hạng tín dụng của họ.
Nguy
cơ trở thành nợ xấu:
Theo ước tính chính thức của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, các khoản nợ liên
quan đến bất động sản hiện vào khoảng 10.460 tỷ Nhân dân tệ, gấp khoảng 1,5 lần
tổng cho vay chính thức năm trong 2010. Con số nợ trên thực tế liên quan đến bất
động sản có thể cao hơn nhiều mức đó. Do có nhiều bên có thể liên quan đến mỗi
khoản vay dựa trên bất động sản làm thế chấp, điều này có thể nhanh chóng trở
thành một nguy cơ mang tính hệ thống nếu giá bất động sản giảm mạnh và nhanh.
Theo đánh giá của ngân hàng Thụy
Sĩ Credit Suisse, trong vài năm tới, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại
Trung Quốc sẽ lên tới 12% và như vậy sẽ hút đến 60% thanh khoản của các ngân
hàng. Hậu quả trực tiếp là tiền mặt thêm khan hiếm. Doanh nghiệp tư nhân sẽ
càng vất vả khi đi vay tín dụng.
Nguyên nhân của tình trạng này
theo quan điểm của IMF chính là các doanh nghiệp nhà nước vay nợ chồng chất, đặc
biệt trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn gốc sâu xa là các ngân hàng hoạt động
trên cơ sở can thiệp, chỉ đạo của nhà nước. Chính vì thế IMF kêu gọi Bắc Kinh
nên xem xét lại tiêu chuẩn cấp tín dụng, việc quyết định cấp tín dụng hay không
phải được dựa trên các tiêu chuẩn kinh tế như mức độ tin cậy đối với người đi
vay, hay tiềm năng phát triển của một cơ sở sản xuất, chứ không phải được dựa
trên cơ sở chính trị như hiện nay.
Để giải quyết tình trạng này,
Trung Quốc nên tiến hành cải cách, cho phép các ngân hàng hoạt động dựa trên cơ
chế thị trường. Muốn làm được như vậy, chính phủ Trung Quốc cần giảm bớt vai
trò của mình trong hệ thống ngân hàng, cho phép các tổ chức cho vay đưa ra quyết
định dựa trên mục tiêu thương mại
Tóm
lại,
theo giáo sư Bùi Mẫn Hân, chuyên gia về Trung Quốc tại Mỹ, Trung Quốc đang đi
theo quỹ đạo không bền vững và kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong thập niên
tới. Nếu cuộc khủng hoảng của phương Tây do người tiêu dùng vay nợ quá mức gây
ra thì những khoản vay mà các chính quyền địa phương đổ vào phát triển hạ tầng
cũng có thể tạo ra sự phát triển bong bóng tương tự.
- Dân số thành thị Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua dân số nông thôn.
Theo số liệu thống kê công bố ngày
17-1-2012 thì số dân thành thị chiếm 51,27% tổng dân số 1,347 tỷ người, như vậy
dân số thành thị (690,79 triệu) đã lớn hơn dân số nông thôn (656,56 triệu). Với
một nước nông nghiệp lớn như Trung Quốc, từ xưa đến nay thường là dân số nông
thôn đông, dân thành thị ít thì sự kiện này qủa là đáng chú ý, đây là kết quả của
việc đẩy nhanh tiến độ, nâng cao trình độ đô thị hoá của Trung Quốc trong những
năm gần đây.
Theo tính toán của các chuyên gia
kinh tế, nếu dân số thành thị Trung Quốc tăng 1% thì sẽ giúp GDP tăng 1,5%.
Trong vòng 10 năm tới, tỉ lệ đô thị hóa của Trung Quốc sẽ nâng cao khoảng 0,9%,
mỗi năm dân thành thị sẽ tăng lên từ 13 đến 18 triệu người, đây sẽ là lực lượng
trực tiếp thúc đẩy thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc phát triển. Điều này
phù hợp với chủ trương lớn của chính phủ Trung Quốc là thúc đẩy mở rộng tiêu
dùng trong nước, chuyển dần phương thức tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào đầu tư,
xuất khẩu sang dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước.
Chủ trương thì vậy, nhưng thực tế
thì cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét. Theo thống kê trong năm 2011, dân số đô
thị tăng 21 triệu người, trong đó trừ dân số tăng tự nhiên trong năm thì trong
số 21 triệu tăng thêm phần lớn là do dân nông thôn di chuyển ra thành phố. Vấn đề
này lại đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định đô thị và đối với hệ thống
phúc lợi xã hội vốn đã bị “quá tải”. Có thực tế là ở một số địa phương, nông dân
thành dân thành thị chỉ là trên danh nghĩa, về mặt hộ khẩu họ đã là dân thành
thị nhưng họ chưa được hưởng chế độ phúc lợi như y tế, giáo dục, dưỡng lão, nhà
ở,… như người dân thành thị, mặc dù danh nghĩa là dân thành thị nhưng họ vẫn còn
thiếu nhiều yếu tố như tố chất con người, điều kiện kinh tế, xã hội… Họ không
những không được hưởng sung sướng như người dân thành thị, thậm chí còn gặp khó
khăn về mưu sinh. Trước đây họ ăn, mặc… đều dựa vào đất, rừng, hiện nay mất đất,
mất rừng trở thành dân thành thị, nhưng không có bất cứ kỹ năng mưu sinh nào khác,
thu nhập không đảm bảo. Đương nhiên trở thành dân thành thị họ sẽ được tham gia
bảo hiểm xã hội của dân thành thị nhưng hiện nay thể chế bảo hiểm vẫn chưa kiện
toàn và vẫn ở trình độ thấp, nên những người mới trở thành dân thành thị vẫn còn
chịu nhiều thiệt thòi. Chi phí sinh hoạt tăng, thu nhập giảm sút, mức độ bảo đảm
phúc lợi không cao, họ vẫn chỉ là rìa của thành phố.
III.
DỰ BÁO KINH TẾ TRUNG QUỐC NĂM 2012
* Xu hướng chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012
Hội nghị
Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14 -12 -2011
tại Bắc Kinh đã
đưa ra 5 nhiệm vụ chủ yếu cho kinh tế năm 2012, trong đó tiếp tục tăng cường và
cải thiện điều tiết vĩ mô, thúc đẩy kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh
được đưa lên hàng đầu. Có thể thấy triển vọng
kinh tế vĩ mô năm 2012 tăng trưởng vẫn là đạo lý cứng. Theo tinh thần của Hội nghị, cùng với diễn biến
của tình hình kinh tế thế giới, quan điểm chính sách sẽ chuyển từ “duy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh”(2010), “ổn định kinh tế, điều chỉnh kết cấu, khống chế lạm phát” (2011) sang “ổn định cầu tiến” (2012)
(tạm hiểu là tiến lên trong ổn định)
“Ổn”: Chính là cần giữ chính sách kinh tế
vĩ mô cơ bản ổn định; duy trì kinh tế phát triển bình ổn, tương đối nhanh; duy
trì ổn định giá cả tổng thể; duy trì xã hội ổn định.
“Tiến”: Chính là cần tiếp tục nắm bắt và
tận dụng thời cơ, cơ hội chiến lược quan trọng phát triển đất nước, trong chuyển
đổi phương thức phát triển kinh tế đạt được tiến triển mới, trong đi sâu cải
cách mở cửa đạt được những đột phá mới, trong công tác cải thiện dân sinh đạt
được những thành tựu mới.
Xung quanh vấn đề điều chỉnh lại
chính sách vĩ mô, tại hội nghị “Báo cáo công
tác đầu tư năm 2012” ngày 11-12 -2011 tại Bắc Kinh, ông Ba Thử Tùng, Phó
Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính thuộc Trung trâm Nghiên cứu phát triển Chính
phủ cho biết vừa qua Trung Quốc tiến hành điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
- Đây là tín hiệu cho thấy năm 2012 Trung Quốc nới lỏng chính sách tài chính tiền
tệ, coi trọng tăng trưởng kinh tế hơn là kiềm chế lạm phát. Bởi lẽ chỉ có tăng
trưởng thì mới có thể ổn định xã hội. Năm 2012, ba mối quan hệ là tăng trưởng -
lạm phát - cơ cấu sẽ được Chính phủ tính
toán giữ cân bằng, nhưng tăng trưởng vẫn được ưu tiên cao hơn kiềm chế lạm
phát. Bởi lẽ, do biến động của tình hình thế giới nhất là hai thị trường xuất
khẩu chủ yếu là Châu Âu và Mỹ bị giảm sút nghiêm trọng, nên xuất khẩu không còn
là động lực thúc đẩy GDP tăng trưởng như trước, năm 2012 hai yếu tố là đầu tư
và tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Dự kiến, đầu tư sẽ
đóng góp tới trên 50% vào tăng trưởng GDP năm 2012.
Theo ông Thẩm Đan Dương người
phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2012 tiêu dùng sẽ được chú trọng thúc
đẩy từ ba phương diện: Hoàn thiện thể chế lưu thông giữa thành thị và nông
thôn; thúc đẩy phát triển phương thức lưu thông hiện đại và cải thiện điều kiện
tiêu dùng.
* Dự báo kinh
tế Trung Quốc năm 2012
Năm
2012, bất kể là từ tình hình quốc tế hay trong nước cũng sẽ là một năm phức tạp
và đầy thách thức. Kinh tế thế giới vẫn
còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chủ yếu vẫn chậm
chạp, kinh tế EU quý IV- 2011 và quý I-2012 có khả năng liên tiếp tăng trưởng âm,
kinh tế Mỹ tuy có khá hơn một chút nhưng vẫn chậm. Đồng thời, thị trường tài chính quốc tế bất ổn, bảo hộ thương mại được
tăng cường dưới mọi hình thức. Ở trong nước, việc duy trì kinh tế phát
triển bình ổn, tương đối nhanh ngày càng khó hơn, áp lực lạm phát trong trung và
dài hạn vẫn tồn tại, một bộ phận doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn, sản xuất kinh
doanh vẫn rất khó khăn,… Vì thế, tốc độ tăng trưởng GDP đã liên tục suy giảm
trong năm 2011, và dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2012.
Hầu hết các dự
báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đều suy giảm so với trước đây. Trong
“Triển vọng kinh tế thế giới”, IMF dự
báo sản xuất toàn cầu tăng 3,25%, giảm 0,75 điểm phần trăm so với số liệu dự
báo tháng 9-2011.
Đối với Trung Quốc, theo ông Ba
Thử Tùng: “Năm 2012 có thể coi là bước ngoặt nền kinh tế Trung Quốc chuyển từ
tăng trưởng cao thời gian dài sang tăng trưởng trung bình thời gian dài. Trong
tương lai, hai chỉ số GDP và CPI sẽ thay đổi. Mức tăng trưởng GDP 10% và CPI 2%
là đặc trưng của kinh tế Trung Quốc trước đây hay còn gọi là ‘Thời đại 10+2’ sẽ
không còn nữa. Thời gian tới, GDP chỉ có thể duy trì ở 8% và CPI sẽ tăng lên 4%
hay còn gọi là ‘Thời đại 8+4’ sẽ lên thay thế”.
Điều này phù hợp với đa số các dự
báo, như trong “Triển vọng kinh tế Trung
Quốc” được công bố ngày 6-2-2012, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ thấp dự
báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2012 xuống còn 8,25%, giảm 0,8% so với dự
báo hồi tháng 9-2011. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Trung
Quốc năm nay là 8,4% từ mức 9,2% của năm trước, cũng thấp hơn mức dự báo 8,7%
trước đó.
Dự báo trong sách Xanh của Viện
Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2012, GDP sẽ là khoảng 8,9%, CPI khoảng
4,6%.
Còn theo dự báo khác từ Báo Chứng
khoán Thượng Hải thì GDP trong năm 2012 sẽ vào khoảng 8,5%, xu hướng sẽ là trước
thấp sau cao. Trong đó, đầu tư tăng trưởng khoảng 18,5%, đóng góp trong GDP là
khoảng 4,5 điểm phần trăm; tiêu dùng dự kiến tăng trưởng 17%, đóng góp trong
GDP khoảng 4,2 điểm phần trăm; còn xuất khẩu ròng vẫn tiếp tục đóng góp trong
GDP âm, vào khoảng -0,2 điểm phần trăm.
Năm 2012, CPI là khoảng 3,4%.
Tốc độ tăng trưởng M2 trong năm
2012 dự kiến khoảng 13-13,5%. Cả năm tổng tín dụng sẽ là khoảng 7.800 tỉ NDT,
tăng trưởng khoảng 14%.
Mặc dù tốc độ
tăng trưởng suy giảm nhưng theo IMF, Trung Quốc vẫn là điểm sáng trong tăng trưởng
kinh tế toàn cầu, xu thế đầu tư và tiêu dùng của Trung Quốc vẫn còn rất mạnh. Dự
kiến cuối năm 2012 tốc độ tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng trở lại, năm 2013 sẽ tăng
lên khoảng 8,75%.
-
Điều chỉnh kết cấu
sẽ đi vào giai đoạn then chốt:
Mặc dù mức tăng
trưởng thực tế và các dự báo đều ở mức cao hơn 8%, nhưng Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong
giai đoạn quy hoạch 5 năm lần thứ XII (2011 - 2015) chỉ là 7%, thấp hơn mức
7,5% của kế hoạch 5 năm vừa qua, mục tiêu tăng trưởng năm 2012 cũng chỉ là
7,5%, thấp hơn năm trước (CPI khống chế ở mức trên dưới 4%), nhằm hướng vào điều
chỉnh kết cấu. Theo ý kiến của các chuyên gia, việc đặt mục tiêu thấp hơn cho
giai đoạn 2011- 2015 cho thấy rằng mô hình tăng trưởng đã bắt đầu được chú trọng
không kém gì tốc độ tăng trưởng.
Mô hình phát triển
của Trung Quốc hiện nay không cân bằng, thiếu sự phối hợp và cũng chưa bền vững;
phát triển phần nhiều dựa vào đầu tư và khai thác tài nguyên thiên nhiên mà thiếu
yếu tố tiêu thụ mua sắm của người tiêu dùng. Ngành dịch vụ vẫn còn kém, năm
2011 chỉ làm ra 43% GDP và tạo việc làm cho 35% lực lượng lao động của Trung Quốc.
Các quốc gia ở giai đoạn phát triển như Trung Quốc hiện nay thường phải có
ngành dịch vụ chiếm 60% GDP.
Năm 2012, dự kiến
tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ trở lại bình thường. Theo thống kê,
trong 2 năm 2010-2011 số công trình xây dựng nhà an cư là mới triển khai là
15,8 triệu căn, hoàn công chưa đến 8 triệu căn. Năm 2012, số mới triển khai là
khoảng 8 triệu căn, mặc dù số công trình mới triển khai có phần giảm nhưng tính
cả số nhà cần hoàn thiện từ năm trước cũng đến gần 15 triệu căn, có tác dụng nhất
định góp phần ổn định thị trường bất động sản, khi đầu tư cho bất động sản mang
tính thương mại giảm.
Các ngành nghề trong
quy hoạch chấn hưng giai đoạn 5 năm lần thứ XII sẽ là hướng đầu tư chính của
chính sách tài chính. Điều chỉnh kết cấu kinh tế thông qua cải cách chính sách
thuế sẽ được thúc đẩy. Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày 29-10-2011 tại Hội nghị thường
vụ Quốc vụ viện đã chỉ ra cần hoàn thiện chính sách tài chính, chính sách thuế,
thúc đẩy giảm thuế mang tính kết cấu. Ở tầm vĩ mô có thể thấy, giảm thuế mang
tính kết cấu chính là công cụ quan trọng thúc đẩy điều chỉnh kết cấu, chuyển biến
phương thức tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 5 năm lần thứ XII. Giảm thuế
mang tính kết cấu, miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ
các doanh nghiệp kỹ thuật cao mới nổi rồi đến thay đổi cấu trúc thuế… sẽ trở
thành điểm ngoặt quan trọng trong chính sách tài chính giai đoạn 5 năm lần thứ
XII.
http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=320