17:51' 6/8/2012
Cộng đồng ASEAN
ASEAN với 5 nước thành
viên sáng lập là Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thái Lan và
5 thành viên gia nhập là Brunei Darussalam (năm 1984), Việt Nam (tháng
7-1995), Lào, Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999) đã triển khai
hoạt động trên khu vực lãnh thổ khoảng 4,5 triệu km2 với tổng dân số hơn 590 triệu người.
Hình thành và phát triển
trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động to lớn về chính
trị, kinh tế, ASEAN với 10 nước thành viên là biểu trưng của sự hội tụ,
thống nhất trong đa dạng về truyền thống dân tộc, văn hoá, kinh tế,
chính trị, xã hội và pháp luật của các quốc gia thuộc cùng một khu vực
địa lý. Tại đây, các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Thiên
chúa giáo, Hồi giáo đều hiện diện và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn
hoá pháp luật của các nước ASEAN. Các truyền thống pháp luật chính của
thế giới là pháp luật châu Âu lục địa, Thông luật, Luật Hồi giáo... được
tiếp nhận bằng những con đường khác nhau ở từng nước để tồn tại và phát
triển cùng với pháp luật truyền thống.
Duy trì đa dạng trong
thống nhất, các nước thành viên ASEAN ngay từ đầu đã xác định mục tiêu
thông qua các chương trình hợp tác để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế,
xã hội và phát triển văn hoá, bảo đảm sự ổn định chính trị của từng quốc
gia và toàn khu vực, để tạo ra diễn đàn giải quyết các vấn đề khác nhau
trong nội bộ khu vực, đồng thời vừa đối phó với sự cạnh tranh của các
thế lực lớn, vừa duy trì và phát triển sự đối thoại, hợp tác chặt chẽ
với các nước, các tổ chức khu vực khác và các tổ chức quốc tế.
Hoạt động của ASEAN dựa
trên các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, đồng thuận và không can
thiệp. Trong một thời gian dài, ASEAN hoạt động với một cơ cấu tổ chức
và khuôn khổ pháp lý hết sức linh hoạt, mang đặc trưng riêng biệt của
khu vực này.
Tầm nhìn ASEAN 2020 và các chương trình hành động
Sau 30 năm thành lập, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng: Tầm nhìn ASEAN 2020,
với mục tiêu chủ yếu là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hoà các
dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn
nhau”.
Triển khai Tầm nhìn
ASEAN 2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 (tháng 12-1998, tại Hà Nội) đã
thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (viết tắt là HPA) cho giai đoạn
1999 - 2004. HPA đã đề ra các biện pháp và hoạt động cụ thể để thúc đẩy
hợp tác ASEAN trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa -
xã hội và quan hệ đối ngoại. Với 10 nội dung chính, HPA đã ghi nhận nhu
cầu xem xét tổng thể cơ cấu của ASEAN nhằm đẩy mạnh hiệu quả của tổ chức
cũng như mở rộng hoạt động; vấn đề thành viên của tổ chức trên cơ sở
tính đến tình hình thực tế của khu vực. Bên cạnh HPA, trong tiến trình
thực hiện mục tiêu chung Tầm nhìn 2020, một loạt văn kiện khác được
thông qua, trong số đó phải kể đến Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn
gọi là Tuyên bố Bali II) thông qua năm 2003, nhất trí đề ra mục tiêu
hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng
An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội
(ASCC); đồng thời khẳng định ASEAN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng quan
hệ với các đối tác bên ngoài, vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và
hợp tác cùng có lợi ở khu vực.
ASEAN đã thông qua
Chương trình Hành động Vientian (VAP) giai đoạn 2004-2010 và kế hoạch
hành động thiết lập ba trụ cột hình thành Cộng đồng ASEAN và xác định
mục tiêu thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách
phát triển trong ASEAN với kế hoạch hành động và các dự án cụ thể.
Trước biến động của tình
hình quốc tế và khu vực, cùng với những thành tựu của ASEAN trong quá
trình phát triển, đặc biệt là hiệu quả của quá trình thực thi VAP, năm
2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết tâm đẩy nhanh tiến trình liên kết
nội khối dựa trên cơ sở pháp lý hiện hữu và Hiến chương ASEAN, trong đó
nhất trí mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, sớm hơn 5
năm so với Tuyên bố Bali II. ASEAN đã khẩn trương xúc tiến xây dựng các
kế hoạch tổng thể xây dựng ba trụ cột Cộng đồng Chính trị - an ninh
APSC, Cộng đồng Kinh tế AEC và Cộng đồng Văn hóa - xã hội ASCC, với mục
tiêu và thời hạn hoàn thành cụ thể. Nói cách khác, ASEAN đã xây dựng một
chương trình hành động tổng thể cho giai đoạn thực hiện mục tiêu xây
dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 (được coi là văn kiện kế thừa VAP).
Căn cứ pháp lý quan
trọng cho định hướng đưa Hiệp hội thực sự trở thành Cộng đồng ASEAN vào
năm 2015 là Hiến chương ASEAN. Hiến chương gồm Lời nói đầu và 13 chương,
56 điều, quy định mục đích, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức, các thủ tục
hoạt động của ASEAN. Hiến chương thể chế hóa việc gia tăng liên kết
ASEAN và xây dựng ASEAN thành một tổ chức khu vực gắn kết hơn, hoạt động
hiệu quả hơn. Với vai trò khung pháp luật khu vực ASEAN, Hiến chương
ASEAN đã tái khẳng định mục tiêu và các nguyên tắc hoạt động của tổ chức
cũng như bổ sung, nâng cấp vị thế của ASEAN lên tầm cao mới trên trường
quốc tế. Ngày 20-11-2007, lãnh đạo ASEAN đã ký thông qua Hiến chương và
các nước thành viên đã hoàn tất phê chuẩn Hiến chương ASEAN trong vòng 1
năm. Hiến chương ASEAN đã chính thức có hiệu lực vào ngày 15-12-2008.
Hiến chương ASEAN là dấu
mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh sự trưởng
thành của Hiệp hội từ một tổ chức linh hoạt, lỏng lẻo sang cơ chế gắn
kết, cơ cấu tổ chức củng cố trên bình diện toàn khu vực, thể hiện tầm
nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nước thành viên hướng tới
Cộng đồng ASEAN, thể hiện sự liên kết chặt chẽ và có sự ràng buộc pháp
lý lẫn nhau vì mục tiêu hòa bình, phát triển của cả khu vực cũng như mỗi
nước thành viên.
Hiến chương ghi nhận
những nguyên tắc cơ bản và phương thức hoạt động chủ đạo của ASEAN, như
không can thiệp công việc nội bộ của nhau, ra quyết định bằng tham vấn
và tiếp tục ghi nhận nguyên tắc đồng thuận. Hiến chương không dung nạp
một số ý tưởng cấp tiến đưa ASEAN thành một tổ chức siêu quốc gia tương
tự EU như thành lập Liên minh ASEAN, thành lập bộ máy siêu quốc gia,
đứng trên quốc gia như Quốc hội ASEAN, Tòa án ASEAN, cơ chế trừng phạt
hoặc xem xét tư cách thành viên khi có vi phạm, thông qua quyết định
bằng bỏ phiếu…
Vai trò của Việt Nam trong ASEAN
Năm 2012 đánh dấu chặng
đường 17 năm Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN
Surin Pitsuwan cho rằng, Việt Nam đã tham gia hiện thực hóa ý tưởng của
các sáng lập viên ASEAN thiết lập một tổ chức khu vực với 10 quốc gia
thành viên Đông Nam Á bằng cách tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Lào,
Myanma và Campuchia vào ASEAN. ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn
khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, mở ra giai đoạn
hợp tác hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.
Các quốc gia thành viên
ASEAN cũng như Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao sự kiện Việt Nam tổ chức
thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 - chỉ 3 năm sau khi Việt Nam
chính thức trở thành thành viên của ASEAN trong bối cảnh khu vực đang
trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Vai trò của Việt Nam cũng
thể hiện rõ trong giai đoạn phát triển mới của ASEAN; trong quá trình
đẩy mạnh liên kết khu vực, hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững
mạnh vào năm 2015. Theo đánh giá của Tổng Thư ký ASEAN, đóng góp của
Việt Nam góp phần chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào năm
2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam có
đóng góp không nhỏ trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế
giữa các nước ASEAN. Mục tiêu và kế hoạch thu hẹp khoảng cách phát triển
đối với các nước thành viên ASEAN được kết nạp sau như Việt Nam, Lào,
Campuchia và Myanmar được hình thành qua những kỳ họp khác nhau của
ASEAN, như Hội nghị Cấp cao không chính thức ASEAN lần thứ 4 tại
Singapore vào tháng 11-2000 với “Sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI)” và Hội
nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 tại Hà Nội tháng 7-2001 với
“Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển nhằm tăng cường hội
nhập ASEAN". Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnom Penh tháng
11-2002 thông qua Kế hoạch công tác (WP) IAI giai đoạn 1 (2002-2008),
trong đó tập trung vào đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng
lực cán bộ và tạo dựng khuôn khổ cơ chế, chính sách, pháp luật tương
thích đối với hội nhập (còn gọi là phát triển hạ tầng “mềm". Thu hẹp
khoảng cách phát triển, Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục đẩy mạnh
việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác IAI giai đoạn II, coi đó là
một ưu tiên hợp tác ASEAN và là một thành tố quan trọng trong hợp tác
giữa ASEAN với các đối tác.
Việt Nam cũng đóng góp
tích cực vào quá trình thông qua Hiến chương ASEAN. Việt Nam đã chủ động
và tích cực tham gia quá trình hình thành ý tưởng, quá trình soạn thảo,
ký kết, phê chuẩn cũng như triển khai thực hiện Hiến chương. Việt Nam
đã thể hiện tinh thần trách nhiệm thông qua việc dung hòa các ý kiến vì
mục tiêu chung của Cộng đồng. Vai trò của Việt Nam trong quá trình soạn
thảo Hiến chương đã góp phần không nhỏ để Hiến chương được hoàn tất và
ký kết với những nội dung cơ bản, toàn diện, đúc kết, hệ thống hóa các
mục tiêu, nguyên tắc cơ bản trên cơ sở thỏa thuận đã có của ASEAN và cập
nhật một số nội dung phù hợp với tình hình mới. Hiến chương cũng đã thể
hiện khá cân bằng; dung hòa quan điểm và lợi ích cơ bản của các nước
thành viên, phản ánh sự "thống nhất trong đa dạng" của ASEAN(1).
Sau khi ký thông qua
Hiến chương, Việt Nam là một trong những nước sớm phê chuẩn Hiến chương
(ngày 6-3-2008). Cùng với các nước thành viên ASEAN, Việt Nam tham gia
đẩy nhanh tiến trình liên kết khu vực và xây dựng Cộng đồng bằng cách
đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng cũng như triển khai Lộ trình
xây dựng Cộng đồng ASEAN (các kế hoạch tổng thể xây dựng 3 trụ cột của
Cộng đồng ASEAN và Kế hoạch công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI)
giai đoạn 2 từ 2009 đến 2015).
Việt Nam cũng tích cực
tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài trên
nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò
chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Sự hợp tác giữa
ASEAN với các đối tác mới đã mở ra giai đoạn phát triển mới của ASEAN.
Trong giai đoạn đảm
nhiệm Chủ tịch ASEAN luân phiên (năm 2010), Việt Nam cùng các nước thành
viên theo đuổi mục tiêu hiện thực hóa việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào
năm 2015 với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn tới hành động”. Các
nước thành viên ASEAN và các nước đối tác ASEAN đánh giá cao sự tham
gia tích cực và những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố và phát
triển nội khối cũng như hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN. Sự
tích cực của Việt Nam trong ASEAN đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp
phát triển đất nước(2).
Chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam
thông qua khẳng định “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước
xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh”(3). Với phương châm “tích cực, chủ
động và có trách nhiệm”, chương trình hành động của Chính phủ về việc
Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2015 đã tạo tiền đề để nâng cao nhận
thức, xác định phương thức cụ thể và cải tổ cơ cấu hợp tác với các bộ,
ngành trong hoạt động ASEAN. Việt Nam tích cực cùng các nước ASEAN đề ra
các phương thức cụ thể hóa 800 mục tiêu hành động cho tiến trình xây
dựng 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN cũng như thúc đẩy thực hiện các cam
kết và hành động thiết thực nhằm tăng cường hợp tác ứng phó với các
thách thức đang nổi lên, như thúc đẩy phục hồi kinh tế, phát triển bền
vững và ứng phó với biến đổi khí hậu v.v..
“Chủ động, tích cực và
có trách nhiệm” trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN là một nhiệm vụ
mang tính kế thừa. Trong thời gian 10 năm tới, nhiệm vụ này sẽ được
thực hiện chủ yếu thông qua việc Việt Nam tham gia thực thi có hiệu quả
Hiến chương ASEAN và các chương trình, mục tiêu hành động cụ thể nhằm
hiện thực hóa việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh./.
-------------------------------------------------------
(1) http://www.mofa.gov.vn “Việt Nam tham gia ASEAN”
(2) http://www.mofa.gov.vn “Việt Nam tham gia ASEAN”
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 139