Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

1. Quan hệ Mỹ - Trung trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ

Email In PDF.
Quan điểm của Ấn Độ về cặp quan hệ Mỹ-Trung: Ấn Độ lo ngại khi Trung Quốc và Mỹ “xích” lại gần nhau quá và Ấn Độ cũng tỏ ra lo lắng khi Oasinhtơn và Bắc Kinh “xung đột” với nhau. 

 Báo “Indian Express” của Ấn Độ số ra ngày 11/7 có đăng bài bình luận của nhà nghiên cứu chính trị cao cấp nước này, Tiến sỹ C. Raja Mohan, cho rằng khi quan hệ “căng thẳng một cách âm ỉ” giữa Mỹ và Trung Quốc bao trùm lên cuộc gặp hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Phnôm Pênh, Campuchia, Ấn Độ có một khó khăn.
Tiến sỹ C. Raja Mohan nhận định một “sự liên kết siêu cường tiềm năng” - thuật ngữ có từ thế kỷ thứ 19, trong quan hệ quốc tế hiện nay đã được thay bằng tên mới là Nhóm G2 ảnh hưởng lên châu Á là cơn ác mộng đối với Niu Đêli. Tuy nhiên, sự kình địch kéo dài giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh, mà hiện nay có vẻ như có khả năng xảy ra hơn một chút, có thể tồi tệ hơn rất nhiều theo quan điểm của Niu Đêli. 
Ông cho rằng không giống như cô bé Goldilocks, những người có thể nhận bát cháo thứ ba không quá nóng và cũng không quá lạnh. Ấn Độ không có sự lựa chọn ngoài việc đối phó với những thay đổi nhanh chóng và khuynh hướng mới trong quan hệ Mỹ-Trung. Do đó, tác giả khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ hãy xem xét sự thay đổi rất lớn trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc trong ba năm rưỡi qua. Trong năm 2009, Ấn Độ tỏ ra quan ngại sâu sắc khi Tổng thống Mỹ Obama “nghiêng về phía Trung Quốc” để thích ứng với sự nổi lên của nước này. Trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 11/2009, Tổng thống Obama đã đưa ra một lời đề nghị mới cho hợp tác song phương với Trung Quốc về các vấn đề khu vực và toàn cầu. Ấn Độ đã phản ứng giận dữ đối với tuyên bố chung tại Bắc Kinh trong chuyến thăm khi tuyên bố này đề nghị hợp tác Trung-Mỹ nhằm ổn định khu vực Nam Á. 
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận các điều khoản của Mỹ về một sự “lưỡng độc quyền mang tính chiến lược”, đánh cược như nước này từng làm đối với một sự chuyển đổi nhanh chóng trong cán cân quyền lực có lợi cho Trung Quốc. Chỉ trong vòng một năm, Mỹ đã có động thái mới tạo ra thách thức đối với vị thế và sự nổi lên của Trung Quốc tại châu Á và khẳng định ý định của Mỹ sẽ duy trì vai trò ảnh hưởng ở châu Á một cách lâu dài. 
Giới lãnh đạo Ấn Độ đang tỏ ra lo ngại chiến lược của Tổng thống Obama đối với châu Á có thể đẩy Niu Đêli dính líu vào “cuộc chiến tranh giành ảnh hướng” tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề của Ấn Độ đối với sự biến động trong quan hệ Mỹ-Trung không phải là duy nhất. Nhiều nước tại châu Á thực sự không thoả mái với cụm từ “liên kết siêu cường tiềm năng” cũng như một cuộc “đối đầu” giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự khác biệt ở đây là với tư cách nước lớn và một cường quốc có nhiều tiềm năng. Ấn Độ đang ở một vị trí để tạo ra một sự khác biệt làm thay đổi cán quân quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. 
Tác giả tỏ ra quan ngại khi cho rằng Ấn Độ đang chẳng làm gì! Ông cho rằng khuynh hướng mặc định của Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) 2 cầm quyền tại Ấn Độ là sự lựa chọn tồi tệ nhất đối với Niu Đêli tại thời điểm mang tính lịch sử ở khu vực châu Á. Khi Oasinhtơn và Bắc Kinh đang tranh giành ảnh hưởng ở khu vực châu Á, Niu Đêli cần phải đẩy mạnh quan hệ với cả hai. Vấn đề không phải là chọn bên nào, mà là không ngừng theo đuổi lợi ích riêng của Ấn Độ. 
Tác giả lập luận rằng nếu Ấn Độ mong muốn các tuyến đường giao thông trên biển của châu Á rộng mở, Ấn Độ có mọi lý do để ủng hộ Mỹ trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông. Nếu Ấn Độ nhận thức được sự cấp thiết phải thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực giữa tiểu lục địa này và Đông Á, Ấn Độ phải cố gắng hết sức nhằm tăng cường hợp tác một cách sâu rộng với Bắc Kinh. Ấn Độ cần đánh giá từng vấn đề dựa trên lợi ích của mình, thay vì lo lắng về điều Bắc Kinh hay Oasinhtơn có thể nghĩ về sự hợp tác của Niu Đêli với bên còn lại.
Ấn Độ không thể quên rằng Trung Quốc và Mỹ, mặc dù giữa họ có nhiều sự khác biệt, đang bị “khóa vào” sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế và có một sự can dự song phương thân thiết hơn nhiều cả quan hệ giữa Niu Đêli và Oasinhtơn hay Niu Đêli và Bắc Kinh. Thậm chí, nếu một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên không thể tránh khỏi, thì một châu Á đang nổi lên ngày nay có khả năng tự do hành động lớn hơn so với châu Âu đã có trong năm 1945. Bị tàn phá nặng nề bởi hai cuộc chiến tranh, lục địa già không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự đặt mình vào “lòng nhân từ” của Mỹ và Liên Xô. 
Tại châu Á, một số lượng lớn các quốc gia như Inđônêxia, Việt Nam và Mianma sẽ không thực sự mong muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tất cả các nước trên đều mong muốn tăng cường liên kết quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, trong khi đảm bảo chống lại sự nổi lên có thể không hoà bình của Trung Quốc bằng việc tăng cường hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với Mỹ. 
Trong khi đó, nhiều đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia có nhiều lợi ích trong việc hội nhập kinh tế với Trung Quốc. Sự phức tạp mới về địa chính trị của khu vực châu Á được bổ sung bằng các thể chế khu vực sinh động của khu vực này và được hình thành xung quanh ASEAN. 
Hai thập kỷ trước, khi các nước ASEAN thiết lập quan hệ với Niu Đêli, có nhiều hoài nghi về sự đóng góp của Ấn Độ cho hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Khi tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ tăng vọt và chính sách đối ngoại của nước này đã cho thấy một số tầm quan trọng trong thập kỷ qua, sự kỳ vọng của châu Á về vai trò của Ấn Độ đối với khu vực tăng lên đáng kể. 
Tuy nhiên, sự “trì trệ” về chính trị và kinh tế của Niu Đêli trong ba năm qua đã dẫn đến sự thất vọng rộng rãi ở châu Á. Những kỳ vọng về vai trò của Ấn Độ như là một “động cơ thứ hai” cho tăng trưởng kinh tế khu vực đã tiêu tan. Sự kỳ vọng rằng Ấn Độ sẽ đóng một vai trò lớn trong việc ổn định cán quân quyền lực của châu Á đã bị kiềm chế bởi các cơ sở quốc phòng của Niu Đêli không có khả năng đương đầu với thách thức. Ông C. Raja Mohan đánh giá Ấn Độ đã triển khai hoạch định chiến lược rất tốt khi ký thỏa thuận đối tác chiến lược với các nước lớn trong khu vực, tuy nhiên việc triển khai thực hiện các thoả thuận đối tác chiến lược trên thì “không được như ý”.
“Tiếng nói” của Ấn Độ trong các thể chế khu vực châu Á ít có trọng lượng. Ấn Độ đã thực hiện các sáng kiến chính trị và một trong số đó đã được triển khai - Đại học Nalanda. Trong khi Niu Đêli có thể đề cao thành công của việc triển khai chính sách hướng Đông của mình, châu Á xem sự tham gia của Ấn Độ đối với khu vực như không gây được ấn tượng! 
Cuối cùng, tác giả kết luận rằng việc thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng của châu Á và thực hiện chiến lược của Ấn Độ là nhiệm vụ chính đối với Bộ trưởng Ngoại giao hiện thời S.M Krishna khi ông chuẩn bị tổng kết hiệu quả và tính toán, xây dựng chiến lược mới phục vụ Lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-ASEAN sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Vượt qua “cơn biển động” của mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều cho Ấn Độ nếu Niu Đêli có thể truyền năng lượng chính trị mới vào chủ nghĩa đa phương châu Á và tăng cường quan hệ đối tác song phương với các nước lớn trong khu vực. Khi Mỹ và Trung Quốc “đang tìm cách phong toả nhau”, Niu Đêli không thể thụ động hoặc “hoang tưởng”./. 
Tác giả: TS.Raja Mohan, Theo Indian Express
Thùy Anh (gt)