Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

11. Biểu hiện mới về nền dân chủ ở Nga

TCCSĐT - Sau nhiều ngày với bầu không chí chính trị sôi động, cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga đã kết thúc. Kết quả cuối cùng về sự lựa chọn của cử tri Nga đã được Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga chính thức công bố nhưng những diễn biến sau bầu cử đã chứng tỏ một biểu hiện mới về nền dân chủ ở Nga.

Đảng "Nước Nga thống nhất" dẫn đầu kết quả bầu cử

Ngày 9-12-2011, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga, trong đó Đảng "Nước Nga thống nhất" giành được 49% số phiếu; Đảng Cộng sản chiếm 19%; Đảng "Nước Nga công bằng" giành được hơn 13%; Đảng Dân chủ - Tự do chiếm gần 12% số phiếu. Còn 3 đảng khác là Đảng "Quả táo”, Đảng "Sự nghiệp chính nghĩa” và Đảng "Ái quốc Nga” đã không thể vượt qua được ngưỡng quy định 7% để lọt vào Duma quốc gia. Đáng chú ý là, qua các thăm dò dư luận tiến hành trước thềm cuộc bầu cử, các nhà xã hội hội cũng đã từng dự báo kết quả tương tự.
Các cuộc mít tinh chưa từng có ở Nga

Ngay sau khi đóng cửa các trạm bỏ phiếu đã diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về tiến trình và kết quả bầu cử. Do không đồng ý với các điều kiện tiến hành và kết quả bầu cử Duma quốc gia, ngày 10-12-2011, tại Moscow, phái đối lập được Chính quyền Thủ đô cho phép đã tập hợp hàng nghìn người trong một cuộc mít tinh lớn ở trung tâm thành phố. Họ đòi tiến hành cuộc bầu cử mới vào Duma quốc gia. Cũng trong ngày hôm đó, các cuộc mít tinh tương tự đã diễn ra ở nhiều thành phố khác của nước Nga. Các nhóm mít tinh tại thành phố St.Petersburg, Voronezh, Omsk đòi tái kiểm phiếu cuộc bầu cử ngày 4-12-2011. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Nga, tại Moscow, có khoảng 25 nghìn người tham gia mít tinh, còn theo các nhà tổ chức công bố thì con số này là hơn 60 nghìn người. Đây là hoạt động tập trung số lượng quần chúng đông đảo nhất trong hơn một thập kỷ nay nhưng không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào.


Trước yêu cầu của một số người biểu tình đòi hủy bỏ kết quả bầu cử vào Duma quốc gia Nga hôm 4-12-2011, ông Stanislav Vavilov, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương của Nga khẳng định, đó là đòi hỏi vô căn cứ. Theo ông Stanislav Vavilov, biên bản ghi nhân kết quả cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga đã được ký. Cuộc bầu cử được xác nhận là hợp lệ và không có bất cứ lý do nào để đánh giá khác đi. Do đó, không có cơ sở để xét lại kết quả bỏ phiếu. Đồng thời, ông Stanislav Vavilov cũng nhấn mạnh rằng, cơ quan bầu cử các cấp cần tiến hành xem xét tất cả các khiếu nại của công dân liên quan đến những biểu hiện vi phạm pháp luật bầu cử.


Trước hiện tượng này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhận định: “Trong số những người đi mít tinh, có những người đang thất vọng, có những người đang mất định hướng. Mít tinh là một biểu hiện của nền dân chủ, nhưng mít tinh phải được tiến hành trong khuôn khổ nghiêm ngặt của pháp luật Nga. Đồng thời, mọi người cần có cơ hội phát biểu ý kiến của mình”.


Ngày 12-12-2011, tại Moscow một cuộc mít tinh ủng hộ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã diễn ra với khẩu hiệu "Vinh quang nước Nga!". Hoạt động này được tổ chức ở trung tâm thành phố gần Điện Kremlin, trùng với dịp kỷ niệm Ngày Hiến pháp của nước Nga. Tham gia hoạt động này là giới trẻ thuộc phong trào thanh niên “Địa phương” và "Nước Nga trẻ”.


Phản ứng không thống nhất của dư luận quốc tế

Phản ứng của dư luận quốc tế về cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga nhìn chung là không thống nhất. Ông Jacques Boyon, quan sát viên đến từ Pháp nhận xét: “Tôi đã đến quan sát ba trạm bỏ phiếu. Một trạm trong số đó ở một ngôi làng rất nhỏ nhưng ở khắp mọi nơi tỷ lệ người đi bầu đều cao, chứng tỏ sự quan tâm của người dân. Cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga đã được tổ chức một cách tuyệt vời”. Còn Giám đốc Văn phòng Dân chủ và Nhân quyền của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Janez Lenarcic cho biết, ấn tượng chung của ông về cuộc bầu cử này là tích cực. Ông Janez Lenarcic cho biết: “Tôi cùng với 160 quan sát viên và 40 người đã từng làm việc tại Nga đã tới nhiều điểm bầu cử từ Kaliningrad đến Vladivostok. Nhưng tôi có thể nói ngay rằng, các ủy ban bầu cử đã hợp tác với chúng tôi và cuộc bầu cử đã được tổ chức công khai theo chế độ bình thường”. Ông Mateusz Piskorski, quan sát viên đến từ Ba Lan, tuyên bố trong cuộc họp báo ở Trung tâm Thông tin quốc tế "Bầu cử 2011" tại Moscow rằng, các quan sát viên đánh giá cao trình độ chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga.


Trong khi đó, phản ứng từ phía Mỹ là có vẻ tiêu cực hơn. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra “lo ngại” về quá trình bầu cử. Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain sau khi biết kết quả bầu cử sơ bộ vào Duma quốc gia Nga đã vội vàng “cảnh báo” Thủ tướng Vladimir Putin rằng “mùa xuân Arab đã đến bên thềm nước Nga”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì tuyên bố, theo bà cuộc bầu cử Nga "không tự do và cũng chẳng công bằng". Giới quan sát nhận định, phản ứng có phần “cay cú” từ phía Mỹ trước kết quả bầu cử Duma quốc gia ở Nga là dễ hiểu bởi từ lâu họ đã muốn nhìn thấy một cuộc “cách mạng nhung” diễn ra ở Moscow.


Trước thái độ thiếu thiện chí của phía Mỹ, Thủ tướng Nga Vladimir Putin nhận định, lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là một kiểu tín hiệu để bắt đầu chiến dịch hành động của các lực lượng "thân phương Tây" ở nước Nga. Nhận định của Thủ tướng Nga Vladimir Putin là có sơ sở bởi ở Nga hiện nay có hàng chục tổ chức xã hội “ăn lương” của Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ của Mỹ (Nаtional Endowment for Democracy). Quỹ này đã từng tài trợ và đứng đằng sau các cuộc “cách mạng sắc màu” ở Gruzia, Ucraina, Kirgistan và vừa qua đã từng tài trợ cho một số tổ chức và lực lượng đối lập trong các cuộc bạo động chính trị - xã hội ở Bắc Phi và Trung Đông mà dư luận gọi là “mùa xuân Arab”. Do đó, len lỏi trong số những người tham gia các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Duma quốc gia ở Nga không thể không có những lực lượng theo đuổi tham vọng đem “mùa xuân Arab” tới “gõ cửa nước Nga” như Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cảnh báo.


Một chi tiết rất đáng chú ý đã khẳng định nhận xét này là trên màn ảnh truyền hình “Fox News” của Mỹ phát đi cảnh tượng từ các cuộc mít tinh ở Nga mô tả các cảnh sát viên vung dùi cui đánh người đi mít tinh trên nền những cây cọ màu xanh và kèm theo lời thuyết minh rằng đó là “cảnh tượng trấn áp biểu tình đối lập ở thủ đô Moscow”. Về sau, các chuyên gia xác minh đó là hình ảnh ghép từ cảnh quay tại một cuộc biểu tình ở Athens, thủ đô Hy Lạp (!?). Lúc đó, các nhân viên kênh truyền hình Mỹ buộc phải thú nhận đó là sự cố “nhầm lẫn”. Thủ pháp này đã từng được các phương tiện thông tin đại chúng ở một số nước phương Tây sử dụng để đưa tin sai lệch về lực lượng “nổi dậy” ở Egypt, Libya và Syria.


Như vậy, các cuộc mít tinh ở Nga sau cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga tuy phản ánh tinh thần dân chủ mới ở Nga nhưng lại bị một số thế lực bên ngoài lợi dụng nhằm kích động, tẩy chay kết quả bầu cử và gây bất ổn về chính trị ở nước Nga. Thậm chí, ông Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào năm 2012, còn tuyên bố “sẽ loại bỏ V.Putin và “đế chế tội ác” ở Nga” (!?). Tuyên bố của ông Mitt Romney không khác gì khẩu khí đối đầu với Liên Xô của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thời Chiến tranh lạnh vào đầu những năm 1980./.
Thùy Dương