Việt
Nam đang chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng
trưởng, chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều
sâu, chú trọng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; nói
cách khác, cũng là sử dụng các nguồn lực một cách tiết kiệm, chống lãng
phí, nhằm đạt hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. Từ nhiều năm
nay, khẩu hiệu “Tiết kiệm là quốc sách” đã được đề ra và thực hiện.
Trong thời kỳ phát triển mới, khẩu hiệu này cần được quán triệt tốt hơn
nữa trong thực tế.
Những dạng lãng phí phổ biến
Trong đời sống kinh tế hiện nay, có
thể thấy đang có nhiều biểu hiện lãng phí trên nhiều mặt, ngay trong cơ
quan nhà nước cũng như trong một bộ phận dân cư. Có thể tập trung vào
những lãng phí trong bốn lĩnh vực chủ yếu như sau: lãng phí đất đai và
tài nguyên; lãng phí tiền vốn; lãng phí nhân tài và lãng phí thời gian.
Trong các lĩnh vực ấy, mức độ nghiêm trọng có khác nhau, song phải chăng
lãng phí nhân tài là loại lãng phí nghiêm trọng nhất, vì ở thời đại
nào, với quốc gia nào, sự phát triển thịnh vượng vẫn phải dựa trên nền
tảng trí thức, do đó không thể không trọng dụng và phát huy tối đa nguồn
nhân lực, đặc biệt là nhân tài.
Xin phác họa những dạng lãng phí chủ yếu:
Về đất đai, ai cũng biết nước ta đất
hẹp, người đông, dân số tăng nhanh, bình quân ruộng đất không nhiều, cho
nên càng cần phải sử dụng đất đai hết sức tiết kiệm. Thế nhưng, trong
thực tế nước ta, nhiều năm nay, không ít dẫn chứng đã nói lên đất đai là
một lĩnh vực bị sử dụng lãng phí nhất, tham nhũng nhiều, mất mát nhiều.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, việc chuyển đất nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp,
xây dựng công nghiệp, đô thị,… là tất yếu, song đã có những khu kinh
tế, khu công nghiệp hình thành mà tỷ lệ lấp đầy còn thấp, chỉ khoảng 50 –
60%; có những quy hoạch “treo” hàng năm, thậm chí đến chục năm. Lại có
những sân golf được đặt tại những ruộng lúa nước có năng suất cao. Có
thể thấy, nhiều công trình có thể sử dụng đất đồi núi song lại nhằm vào
đất lúa, nhất là ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với lãng phí đất đai, lãng phí
tài nguyên dưới dạng xuất khẩu thô, chưa qua sơ ché, cũng đang là một
dạng “bóc ngắn cắn dài” lãng phí tài nguyên, làm nghèo đất nước.
Vốn nhà nước cũng đang là một lĩnh vực
được sử dụng kém hiệu quả, thể hiện trong chi tiêu ngân sách nhà nước
và các nguồn vốn do Nhà nước chi phối. Có thể thấy, trong công sở, những
cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, thói tiêu hoang, xài hoang
càng nghiêm trọng hơn. Một số biểu hiện dễ nhận thấy của việc tiêu xài
tiền từ ngân sách: xây dựng trụ sở đồ sộ nguy nga, trang thiết bị đắt
tiền (và thay mới liên tục, thanh lý ngay cả khi còn tốt), điện nước và
điện thoại thì thoải mái dùng, rồi hội họp ăn uống tiếp khách, đi công
tác nước ngoài liên miên… Đó là vì người ta tiêu “tiền chùa”, tiền từ
ngân sách nhà nước, từ tiền đóng thuế của người dân.
Nhưng lãng phí trong chi thường xuyên
từ nguồn ngân sách nhà nước chưa thấm tháp gì nếu so với những lãng phí
trong lĩnh vực đầu tư công. Thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu đã cho
thấy lĩnh vực đầu tư công đang được sử dụng dàn trải, chồng chéo, hiệu
quả thấp. Trong thực tế, có nhiều công trình xây dựng bằng nguồn vốn nhà
nước như các nhà máy đường, xi măng, gạch, chế biến nông sản, nhiều
công trình cảng biển, bến bãi, v.v… song sử dụng không hết công suất;
những công trình công cộng như chợ không có người họp, cầu vượt không có
người đi… Có những nhà máy sử dụng công nghệ cũ, năng suất thấp lại
tiếu hao nhiều nhiên liệu. Nhiều công trình thất thoát, lãng phí tính ra
đến hàng trăm tỉ, hàng triệu đôla Mỹ.
Đầu tư công thiếu quy hoạch, kiểm soát
cũng là mảnh đất nảy sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, thất thoát vốn
đầu tư (mà thực chất là sự đóng góp của dân thông qua các khoản thuế),
giảm niềm tin của xã hội vào sự điều hành của Nhà nước. Hiệu quả thấp rõ
nhất là trong việc đầu tư (hệ số ICOR của đầu tư công thường lên đến 7
hoặc 8, cao hơn rất nhiều đầu tư tu nhân) cũng như trong việc sử dụng
vào sản xuất, kinh doanh. Vấn đề là đã có cơ chế đặt ra, nhưng khi thực
hiện thì không nghiêm túc: từ khâu lập dự án, thẩm định, cấp vốn, thi
công, giám sát… đến hoàn công, đưa vào sử dụn, qua nhiều cấp, nhiều khâu
mà vẫn thất thoát, vẫn lãng phí!
Lãng phí nhân tài cũng đang là một
dạng lãng phí lớn có tác động đến toản bộ hoạt động của xã hội rất đáng
quan tâm. Trải qua 25 năm đổi mới, chúng ta đã có một đội ngũ khá đông
đảo những trí thức trong các ngành khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội
nhân văn có tâm huyết với đất nước, có tài năng (có lĩnh vực có thể so
sánh ngang ngửa với thế giới); có đội ngũ doanh nhân đang nỗ lực phát
huy trí tuệ vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh; v.v…
Trong lĩnh vực nào, chúng ta cũng đang có những nhân tài có thể có những
đóng góp có giá trị vào sự phát triển của đất nước.
Thế nhưng, nhiều nghiên cứu đã cho
thấy nhân tài chưa được sử dụng, cũng chưa được trọng dụng và phát huy,
rõ nhất là trong khu vực nhà nước. Lãng phí nhân tài có ảnh hưởng không
nhỏ đến nhiều mặt của công cuộc phát triển đất nước, từ thu hút chất xám
vào việc hoạch định thể chể chính sách phát triển đất nước đến ứng dụng
khoa học, công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Lãng phí thời gian tuy không đo đếm
được mất mát bằng con số cụ thể, nhưng việc chậm trễ, kéo dài, lãng phí
thời gian có thể gây ra những mất mát không thể bù đắp được. Đó có thể
là những quyết định không kịp thời, không nắm bắt được thời cơ, để thời
cơ vuột mất; vì thời gian là sức mạnh; mất thời cơ cũng tức là mất cơ
hội có thêm nguồn lực cho phát triển. Có thể ví dụ một thời cơ hiện nay
mà Việt Nam có thể tận dụng: đó là do lũ lụt kéo dài ở Thái Lan, nhiều
nhà sản xuất công nghiệp lớn phải dồn sản xuất sang địa chỉ mới để tiếp
tục duy trì sản xuất, mà Việt Nam là nơi có lợi thế.
Lãng phí thời gian cũng có thể là do
những công trình xây dựng kéo dài, không chỉ gây thêm tốn kém trong đầu
tư xây dựng mà còn tổn thất về sản phẩm trong thời gian chậm đưa công
trình, nhà máy vào sử dụng. Đó cũng là những cuộc họp (như họp toàn
ngành, sơ kết, tổng kết, họp để truyền đạt nghị quyết, chủ trương, v.v…)
không được chuẩn bị kỹ, tốn kém thời gian (và tiền bạc đi lại) của
người dự mà kết quả không nhiều.
Tiết kiệm, chống lãng phí hơn nữa
Về những giải pháp để thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí, đã có nhiều văn bản đề cập, nhiều chủ trương được
ban hành, nay cần được tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn. Từ thực tế,
xin nhấn mạnh một số giải pháp chủ yếu sau đây.
Một là, đổi mới công tác quy hoạch. Đó
là các quy hoạch về phát triển ngành, phát triển vùng kinh tế,... làm
cơ sở cho việc sử dụng đất đai, vốn đầu tư, đào tạo nhân lực, nhất là để
thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng
trưởng. Trong đổi mới công tác quy hoạch ngày nay, điều quan trọng là
xác định rõ những công trình cần thiết được đầu tư bằng nguồn vốn nhà
nước, còn những công trình nào cần huy động vốn của dân và nước ngoài
(bằng nhiều hình thức như BOT, PPP,…).
Việc quy hoạch xây dựng cần gắn với
quy hoạch sử dụng đất đai, đặc biệt là hạn chế chuyển đất nông nghiệp
sang đất phi nông nghiệp. Đang có dự kiến đến năm 2015, diện tích các
khu công nghiệp sẽ là 150.000 hecta, tăng gần 80.000 hecta so với hiện
nay, đến năm 2020 sẽ là 200.000 hecta; đây là một vấn đề lớn, song dù
sao, phải giữ cho được 3,8 triệu héc ta đất lúa, để bảo đảm an ninh
lương thực.
Quy hoạch phát triển các ngành công
nghiệp chế biến để nâng cao giá trị các tài nguyên khoáng sản, khắc phục
tình trạng xuất khẩu tài nguyên thô cũng là một yêu cầu để thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên đất nước.
Hai là, thực hiện công khai, minh bạch
và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Cần công
bố công khai các cơ chế, chính sách ngay từ khi bắt đầu soạn thảo, công
bố công khai các khoản chi tiêu của ngân sách nhà nước (trừ những bí
mật thuộc quốc phòng, an ninh), trong đó đặc biệt là đầu tư công, công
bố công khai các dự án, quy hoạch, v.v… Việc công khai hóa các nội dung
ấy gắn với trách nhiệm giải trình, sẽ tạo nên một phong cách làm việc
gắn với dân, qua đó người dân, các tổ chức xã hội dân sự sẽ có thể góp ý
kiến, hiến kế cách làm hay hoặc trực tiếp thực hiện một số dịch vụ công
do Nhà nước chuyển giao và nhất là kiểm soát, phản biện về các khoản
chi tiêu của ngân sách sao cho tiết kiệm và đạt được hiệu quả kinh tế -
xã hội cao nhất.
Thực tế cho thấy: việc công khai, minh
bạch gắn với trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước có ý nghĩa rất
quan trọng để khắc phục tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm trong việc hình
thành cơ chế, chính sách, trong các quy hoạch sử dụng đất, trong đầu tư
công và sử dụng tài sản công, v.v…bảo đảm cho đất đai, tài nguyên của
dân được sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, phục vụ lợi ích của đông đảo
nhân dân. Điều này cũng cần được thực hiện gắn với công cuộc cải cách
hành chính, nhằm giảm bớt những thủ tục không cần thiết, có thể giảm bớt
chi phí về tiền bạc và thời gian của dân và doanh nghiệp, cũng tức là
tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Và cuối cùng, cần thực hiện cuộc vận
động tiết kiệm, chống lãng phí trong sinh hoạt của nhân dân. Trong xã
hội hiện nay, đang có những hiện tượng thiếu tiết kiệm, tiêu xài xa hoa,
lãng phí trong dân và một số doanh nhân có thu nhập cao. Trong dân, ở
một số nơi, ma chay, cưới xin đang có xu hướng hình thức tốn kém, có khi
kéo dài nhiều cuộc, nhiều ngày. Sự quá mức, quá đà trong tiêu xài của
một bộ phận dân cư cũng rất đáng suy nghĩ. Có những bạn trẻ sắm chiếc
túi xách đeo vai 20 – 30 triệu đồng, đôi giày mười mấy triệu, rồi ngày
8-3 mua tặng bạn gái lọ nước hoa hàng hiệu giá cả chục triệu đồng. Rồi
điện thoại di động đắt tiền thay xoành xoạch, những chiếc ôtô đời mới
nhất giá đến hàng chục tỷ đồng, nói chung là toàn đồ “xịn” với giá cũng
“xịn” nốt để “thể hiện đẳng cấp”. Có thể có người cãi: “Tiền của tôi và
tôi kiếm được nó một cách hợp pháp thì tôi có quyền tiêu”. Và đúng là
luật pháp cũng không thể cấm người ta tiêu tiền trong túi họ.
Vì vậy, cần tiếp tục phát động phong
trào tiết kiệm chi tiêu trong toàn dân, nhắc nhở mọi người tiêu pha phù
hợp với mức sống của đại đa số nhân dân và không phù hợp với truyền
thống cần kiệm của người Việt Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng,
các tổ chức quần chúng, các gia đình… nên góp ý một cách có lý có tình
để người ta “tâm phục khẩu phục”, biết dừng bước trước những tình huống
tiêu tiền không suy nghĩ, lãng phí và như vậy là có tội với người nghèo!
Cần vạch rõ đây chính là một biểu hiện của sự sa sút về văn hoá ứng xử,
văn hoá tiêu tiền của một bộ phận dân cư trong xã hội, là những xa lạ
với nếp sống cần kiệm của dân tộc ta. Huống chi, đất nước còn nghèo, GDP
mới chỉ có trên 100 tỷ đôla Mỹ, bằng doanh số của một công ty loại vừa
trên thế giới. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần có thái độ
nghiêm khắc hơn trong việc phê phán những xu hướng chi tiêu không lành
mạnh, lãng phí trong chi tiêu này.
Và một giải pháp cơ bản hơn: đó là
tăng cường quản lý các khoản chi tiêu công, ngăn chặn mọi sự rò rỉ, khắc
phục tệ nạn tham nhũng, để khi đồng tiền được thu về không dễ dàng thì
cũng sẽ được chi ra một cách có cân nhắc, không dễ vung tay, lãng phí
kiểu “tiền chùa”.
Vũ Quốc Tuấn *
* Tác giả nguyên là Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng giai đoạn 1993-2006.
|