18-12-2011
ThS. Đào Thị Vân Anh
TT Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông
Trong thời đại thông tin hiện nay, hàng ngày
con em của chúng ta gặp không ít những vấn đề liên quan đến giới tính, tình dục
mà vì không được nhận thức một cách hệ thống, khoa học nên các em chủ yếu tự
suy diễn để giải đáp thắc mắc của chính mình. Do đó, nếu bị môi trường xấu tác
động tất sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Những thông tin về
các vụ lạm dụng tình dục, những vụ có thai ngoài ý muốn của học sinh tuổi học
trò ngày càng nhiều làm chúng ta không thể không lo lắng trước thực trạng thiếu
hiểu biết về sức khỏe sinh sản của các em.
Giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ em có thể từ trong gia
đình, trong nhà trường và ngoài xã hội vì đặc tính tính dục của một cá nhân chịu
ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau: từ cha mẹ, anh chị em, bạn bè, báo chí,
sách vở, phim ảnh và cả những nguồn tiếp xúc bất ngờ trong xã hội. Trong đó, không
thể phủ nhận vai trò của gia đình trong bước đầu của thời kỳ GDGT. Nhất là hiện
nay, trong khi vấn đề GDGT ở nhà trường còn đang được tranh luận: nên được giáo
dục như thế nào? Là môn học chính hay chỉ là giờ ngoại khóa? Độ tuổi nào, cấp
nào nên học và chương trình như thế nào cho thích hợp? thì phải cần thiết phải
đẩy mạnh vai trò của gia đình trong việc GDGT. Đặc biệt, vai trò của cha mẹ, vì
đơn giản, những nhận biết ban đầu của trẻ chính là qua tiếp xúc với cha mẹ, trẻ
không nói ra được nhưng cảm thụ được mọi chuyện, cảm nhận được vị trí của mọi
người trong gia đình qua hành vi, cách cư xử. Cha mẹ là những người đầu tiên
phát hiện được sự trưởng thành về mặt sinh lý của con mình. Tuy nhiên, do giới
hạn về kiến thức GDGT, do bận rộn trong công việc và do thiếu sự quan tâm nên
chỉ trong rất ít gia đình, trẻ nhận được thông tin về GDGT một cách đầy đủ và
phù hợp với lứa tuổi. Đã đến lúc những người làm cha, làm mẹ thật sự quan tâm đến
giáo dục giới tính cho con em mình.
Các
nhà nghiên cứu tình dục đều thống nhất là trong sự phát triển tình dục, môi trường
gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhất là khi con còn thơ ấu, vào lúc
cha mẹ còn chưa có ý thức là mình đang giáo dục con.
Con
người ra đời với những thiên hướng bẩm sinh. Những thiên hướng đó ta không thể
thay đổi được nhưng có thể phát triển được hoặc có thể kiềm chế chúng. Một sự
phát triển lành mạnh hay những trục trặc, bệnh tật của đời sống tình dục cá
nhân đều liên hệ mật thiết với những biện pháp giáo dục nhất định và những điều
kiện sống nhất định. Cha mẹ cần quan sát xem quãng thời gian nào đứa trẻ của mình
hình thành ý thức về giới tính để tiến hành giáo dục.
Tuổi
ấu thơ có tác động rất lớn đối với sự nảy sinh những trục trặc, bệnh tật trong
sinh hoạt tình dục sau này. Vào thời kỳ mà não còn đang phát triển mạnh, trẻ em
rất dễ bị thương tổn thần kinh và tinh
thần. Đây chính là thời kỳ trẻ cần được sống trong tình yêu thương, trìu mến và
mọi sự thuận lợi. Nếu trẻ không tiếp nhận được toàn bộ sự phong phú của tình cảm
thì sau này nó sẽ không muốn chia tình cảm với bất kỳ ai. Không nên kiềm chế hoặc
thủ tiêu giới tính của trẻ em theo kiểu nhào nặn một bé gái thành một bé trai
hoặc ngược lại (xảy ra khi cha mẹ mong có một đứa con trai hoặc con gái mà mình
đang thiếu). Khi con mình ở tuổi ấu thơ, không nên cho chúng biết nỗi thất vọng
của mình khi chúng ra đời. Em bé gái sẽ mang nỗi mặc cảm tội lỗi rất vô lý và
sau này sẽ thiếu tự tin trong cuộc sống nếu như biết rằng mình được sinh ra
trái với ý nguyện của cha mẹ về một đứa con "nối dõi tông đường". Giới tính của
trẻ, con trai hay con gái, điều đó không liên quan tới ý chí của nó, cũng như độc
lập hoàn toàn với nguyện vọng của cha mẹ.
Khi
phát hiện ra màu sắc tình dục trong các trò chơi của các em, chúng ta không nên
vội kết luận đó là mầm mống của sự trác táng và trừng phạt các em. Với những trẻ
nhạy cảm, sự trừng phạt sẽ tác động dữ dội tới sự phát triển tâm lý trẻ, phá vỡ
quá trình hình thành ý thức tình dục, quan niệm vợ chồng, quan niệm tình bạn
v.v... Tốt hơn cả là cha mẹ bình tĩnh và vui vẻ hướng con mình vào những trò chơi
khác.
Có nhiều cha mẹ hay lo lắng khi phát hiện ra
những biểu hiện tình dục của con: các em trai cường dương sau khi thức giấc và
hiện tượng kinh nguyệt ở bé gái vào tuổi dậy thì là hiện tượng sinh lý tự
nhiên, là bước phát triển chuẩn bị cho cuộc sống tình dục sau này. Cha mẹ cần
tôn trọng nhịp độ sinh học tự nhiên trong sự phát triển của con cái. Dậy thì
không phải là bệnh tật nhưng không phải là thời kỳ mà con người ta được phép
làm mọi chuyện. Đây là thời kỳ mà các chàng trai, các cô gái cần phải học cách
giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, tập làm chủ mọi hành vi, ngôn ngữ của mình, phải biết
tự kiểm tra ngôn ngữ, tâm trạng lẫn bản năng tính dục của mình. Trước khi có dấu
hiệu tuổi dậy thì, những đứa trẻ cần biết cái gì sẽ diễn ra trong cơ thể của
mình, nó sẽ biểu hiện ra sao trên cơ thể và trong tâm lý.
Trong
giai đoạn cuối của tuổi dậy thì, nhu cầu quan hệ tình cảm với người khác giới
tính khá mạnh mẽ. Lúc này sự giải thích, dìu dắt của cha mẹ là rất cần thiết.
Cha mẹ phải có một sự giám sát và chỉ đạo một cách thông minh, nghiêm túc mà vẫn
tôn trọng sự phát triển tự nhiên của tâm sinh lý dậy thì. Việc giáo dục giới
tính trong gia đình thường xảy ra cảnh nhiều khi chúng ta giáo dục quá ít, cũng
có khi lại rơi vào tình trạng quá nhiều. Sự thiếu quan tâm giáo dục là hiện tượng
dễ thấy, dễ hiểu. Hiện tượng khó hiểu lại là sự quá chu đáo thận trọng. Trong
thực tế, sự ngăn chặn cấm đoán đã từng tạo ra sự phát triển bất hạnh cho nhiều
đứa trẻ.
Giáo
dục tình dục thật ra có mục đích duy nhất là chuẩn bị cho con cái một tâm lý
phù hợp nhất trong cuộc sống yêu đương để rồi có một đời sống tình dục thực sự
hài lòng, thực sự hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng sau này. Chính các bậc cha mẹ
có nhiệm vụ dạy cho con mình biết yêu. Để biết yêu các em rất cần một chuẩn mực
tình yêu, được hình dung, xây dựng dần dần từ tình yêu của cha mẹ với con
cái. Một đứa con thời thơ ấu không biết
tới tình mẫu tử thì lúc lớn lên thường có cảm giác bất lực và vô nghĩa trước cuộc
sống. Trong thời thơ ấu, nếu sống thiếu tình thương thì cá nhân sẽ không có được
những quan hệ tự nhiên ngay cả trong cuộc sống vợ chồng, thậm chí cũng chẳng
quyến luyến gì con cái của mình. Tuổi ấu thơ đã không được yêu thương thì khi lớn
lên cũng chẳng biết yêu thương người khác.
Cuối
giai đoạn dậy thì, các em thường có được những kinh nghiệm luyến ái đầu tiên của
mình. Có em có những mối tình đầu, mặc dù sức mạnh lẫn độ bền của những mối
tình đầu tuổi 14, 15 không đáng là bao, nhưng những thể nghiệm tình cảm đầu
tiên này có ý nghĩa rất lớn cho sự xuất hiện một tình yêu thực thụ trong tương
lai.
Một
vấn đề quan trọng nữa được đặt ra là cách tiếp cận của cha mẹ với con cái về vấn
đề giáo dục giới tính để đạt hiệu quả: trước hết cha mẹ phải tự tin vào công việc
GDGT của mình, tùy theo lứa tuổi để lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục
thích hợp, nắm bắt được đời sống tâm sinh lý của con qua từng giai đoạn phát
triển để chủ động đưa kiến thức về giới tính cho con, vì giáo dục giới tính
không đơn thuần chỉ là truyền đạt thông tin, kinh nghiệm sống mà còn là vấn đề
bồi dưỡng nhân cách và xây dựng quan niệm sống của con người. Luôn tiếp cận vấn
đề một cách chân thực và cởi mở để tạo lòng tin nơi con trẻ, sự im lặng hay giấu
diếm thường làm cho câu chuyện tình dục mang màu sắc bí hiểm, giật gân, kích động
sự tò mò không cần thiết. Nói dối trẻ, sẽ gây mất lòng tin, và chúng sẽ chẳng
bao giờ tin vào cha mẹ nữa.
Tóm lại, làm sao để giáo dục giới tính trong gia đình
trở thành một việc làm bình thường, tự nhiên như các nội dung giáo dục khác và
thật sự đạt hiệu quả khi trong giáo dục giới tính có sự truyền đạt thông tin
hai chiều thường xuyên giữa cha mẹ và con cái.
http://www.ier.edu.vn/content/view/544/174/