Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

21.Truyện ngắn về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam từ 1986 đến nay

1. Từ 1975 đến nay, đặc biệt là từ sau 1986, trong không khí đổi mới, văn xuôi viết về đề tài lịch sử trong văn học Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu. Hàng loạt tiểu thuyết gây được tiếng vang trong dư luận như Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Bão táp triều Trần (Hoàng Quốc Hải), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Gió lửa (Nam Giao), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác)... Không vang động, gây ồn ào trong dư luận như tiểu thuyết, các truyện ngắn về đề tài lịch sử (trừ chùm truyện của Nguyễn Huy Thiệp) lại tác động đến bạn đọc một cách lặng lẽ nhưng khá lắng sâu. Nếu tiểu thuyết là sự mở ra trên chiều rộng thì truyện ngắn về lịch sử lại là những mũi khoan vào một số tầng vỉa của hiện thực, làm phát lộ những suy tư sâu sắc về con người và xã hội (xã hội của quá khứ nhưng luôn được soi chiếu từ hiện tại). Nếu tiểu thuyết là vấn đề số phận con người thì truyện ngắn là những nhát cắt của số phận, những nhát cắt luôn đem đến những ám ảnh khôn nguôi về những nghịch lý, những trớ trêu của lịch sử, của thân phận. Trong bức tranh chung khá phong phú của truyện ngắn về đề tài lịch sử, chúng ta có thể nhắc đến truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Trần Thùy Mai, Trần Thị Trường, Hồ Anh Thái, Nguyễn Khắc Phục, Phạm Thái Quỳnh, Trần Vũ...

2. Khi đối sánh tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật với tiểu thuyết lịch sử của chính mình, Lan Khai có nhận xét rằng: "Khác với tôi, ông Luật riêng chú trọng về sự thực, trong khi tôi chỉ khuynh hướng về nghệ thuật"(1). Khuynh hướng về nghệ thuật theo cách hiểu của Lan Khai là xem lịch sử chỉ như "cái đinh để treo các bức họa mà thôi". Truyện ngắn về đề tài lịch sử của Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn chung cũng có hai xu hướng: xu hướng muốn tái hiện "chân thực" bức tranh lịch sử và xu hướng mượn lịch sử để suy tư về hiện tại, về những "khả năng có thể diễn ra" của lịch sử, bởi vì lịch sử không có "giá như"; (tất nhiên sự phân chia này chỉ là tương đối bởi vì ranh giới của hai xu hướng không phải lúc nào cũng rạch ròi). Xu hướng thứ nhất có thể kể đến các truyện ngắn: Thời của chim Hồng chim Hạc (Phạm Ngọc Quý), Nghĩa động càn khôn (Trần Hạ Tháp), Vụ án rạch Láng Thé (Phạm Văn Thúy), Người làm thuê quán trọ thành Thăng Long (Khúc Hà Linh), Đào viên tình sử (Phạm Thái Quỳnh), Sông vẫn chảy cuối trời (Nam Trung Hiếu)...Xu hướng thứ hai, đậm nét hơn, với những thành công rõ nét hơn, cũng dễ gây ra những tranh cãi hơn, đó là chùm truyện lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp (Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Nguyễn Thị Lộ, Chút thoáng Xuân Hương, Mưa Nhã Nam), chùm truyện của Võ Thị Hảo (trong tập Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm), Nguyễn Khắc Phục (Phủ Tường Vi), Trần Hạ Tháp (Cội nguồn vang bóng), Trần Chiến (Sư đồ), Hồ Anh Thái (Sông cạn), Trần Thùy Mai (Thần nữ đi chân không, Nàng công chúa té giếng), Trần Vũ (Mùa mưa gai sắc, Giáo sĩ, Gia phả)...

Ở xu hướng thứ nhất, cái mà nhà văn thường hướng đến là khai thác những trang hào hùng, những điểm sáng của lịch sử, đề cao những người anh hùng hoặc phê phán những kẻ bán nước, hại dân, bỉ ổi. Đành rằng đã là truyện ngắn thì phải có hư cấu, nhưng cái chính vẫn là lịch sử. Lấy một số tác phẩm làm ví dụ. Lênh đênh buồn sóng của Phạm Thái Quỳnh tái hiện sự kiện Trần Khắc Chung đưa công chúa Huyền Trân vượt biển từ Chiêm Thành về lại Đại Việt. Thế trận linh xà của Trần Hạ Tháp dựng lại không khí những ngày thu phục nhân tài, chuẩn bị dựng cờ khởi nghiệp của người anh hùng Nguyễn Huệ. Trần Quang Diệu của Trần Thị Huyền Trang tô đậm một quãng đời hào hùng của hai vị tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Thể Cúc của Trần Thùy Mai nói về cuộc khởi nghĩa bất thành chống lại triều đình Tự Đức của Đoàn Trưng và những người thợ, binh lính xây thành Vạn Niên...

Ở xu hướng thứ hai, mục đích chính của người viết không phải là tái hiện lịch sử mà là lý giải lịch sử, triết lý về lịch sử theo cách nhìn của hiện tại, là sự đào sâu vào những bi kịch của con người trong những cơn biến động xã hội, là sự dự báo, cảnh báo cho xã hội hiện tại từ những suy ngẫm về quá khứ. Ở các truyện này, cách khai thác sự kiện, con người đi theo hướng " lịch sử không là những xác chết và những sự cố biên niên ù lỳ, quá khứ và lịch sử nhìn bởi nhà văn, nhà văn như chủ thể. Đó là thứ quá khứ tái chiếm hữu và tái tạo từ vị thế hiện tại của chủ thể"(2). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cây bút thường đào sâu vào những sự kiện, những con người mà ở đó còn những khuất lấp, những điểm mờ, những cách lý giải khác nhau về ánh sáng và bóng tối, về công và tội: Lý Thần Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Trần Thủ Độ, Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên, Nguyễn Ánh và công chúa Ngọc Bình...Cách nhìn của nhà văn có khi khác hẳn với cách nhìn của chính sử. Vì thế một Từ Lộ - Thần Tông (trong chuỗi truyện Nghiệp chướng, Hành Cước, Báo oán, Thiền sư, Đầu thai, Giải thoát) dưới con mắt của Võ Thị Hảo là hai kiếp luân hồi, hai kiếp người bi kịch, bị giằng xé giữa hận thù và tha thứ, giữa dục vọng và giải thoát, giữa khát vọng quyền lực và sự trống rỗng vô vị, kẻ "suốt đời kiếm củi để nuôi những ngọn lửa không phải cho cõi trần này"(3). Thái Hậu Ỷ Lan (Lãnh cung) không còn là "người đàn bà duy nhất mà sử sách phải lưu truyền mãi mãi" mà là một kẻ máu mê quyền lực, dám làm những việc tàn bạo, biết lấp liếm tội ác và đang bị trừng phạt nơi địa ngục. Thị Lộ trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp "không xúng xính bởi học vấn hoặc phẩm hạnh, cũng không cứng nhắc bởi đồ lót mình. Nàng trinh bạch, điềm tĩnh và cương nghị". Trần Thị Trường cũng miêu tả Thị Lộ như điển hình của người phụ nữ đạo đức thời phong kiến: thông minh, cương trực, yêu chồng hết lòng, thủy chung chống lại những cám dỗ của vị vua trẻ ham sắc dục. Ngược lại trong Trở về Lệ Chi Viên của Nguyễn Thúy Ái, Thị Lộ chỉ là "cô gái quê, ít học nhưng đầy tham vọng"(4). Còn Nguyễn Ánh, trong bộ ba truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là kẻ lọc lõi, thực dụng, tàn nhẫn thì trong truyện ngắn Sóng nhồi vào sóng của Trần Thị Trường lại là một con người trầm mặc, uyên thâm về chính trị, ngoại giao, luôn khẳng định lòng yêu nước và ý thức tự tôn của đấng quân vương: "Của ta, của ta, của ta. Một tấc đất của ta, của tổ tiên ta sao ta lại nhường cho chúng bay. Đừng bắt ép ta, cái lúc cùng đường ai mà chẳng nhắm mắt mượn ngựa"(5). Truyện ngắn Nàng công chúa té giếng của Trần Thùy Mai khai thác sự kiện công chúa Ngọc Bình, vợ của Quang Toản, không bị Gia Long giết trong mối hận thù ghê gớm với nhà Tây Sơn mà còn được thu nhận làm thiếp. Sự kiện ấy dưới cái nhìn của nhà văn nữ này không hiện ra như biểu hiện ân đức của nhà vua triều Nguyễn mà chính là một sự trả thù hèn hạ nhất, tàn ác nhất: Ngọc Bình là ngôi mộ sống để hàng đêm nhà vua thỏa mãn "khao khát báo thù sâu thẳm" được quật mồ Tây Sơn(6). Về phương diện "nhận thức lại" lịch sử, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã từng gây tranh cãi ồn ào bởi cách viết, cách khai thác đa chiều về các nhân vật lịch sử như Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du. Có người đã kết án ông là "xuyên tạc lịch sử", "hạ bệ thần tượng". Rõ ràng ở đây mức độ có thể khác nhau, nhưng rõ ràng các nhà văn đã cố gắng đưa ra những giả thiết, những lý giải riêng về lịch sử, phơi bày sự thật, đào sâu vào bi kịch cá nhân, phơi bày thế giới tâm linh bằng cái nhìn đa chiều. Từ đó nhiều nhân vật lịch sử không còn hiện ra qua lớp sương khói mờ ảo của quá khứ, của khoảng cách sử thi mà hiện lên chân thật, với những hạnh phúc, đau khổ, dằn vặt của kiếp người. Họ chưa lùi vào lịch sử trong cách nhìn của nhà văn, mà dường như đang đồng hành cùng chúng ta, đang đối thoại với con người hiện tại từ những bài học của họ trong quá khứ. Đã có thời kỳ, các nhà văn thường nhìn lịch sử như những sự thật đã an bài. Những hư cấu trong tác phẩm chỉ để bổ sung, chứng minh cho những sự thật đó. Sau 1986, cách tiếp cận về lịch sử đã hoàn toàn khác trước. Đúng như Lại Nguyên Ân nhận xét: "Mười năm gần lại đây, có thể thấy trên đề tài lịch sử những tìm tòi mạnh dạn hơn, vượt qua các quy phạm cằn cỗi, đem lại sinh khí cho văn chương về đề tài lịch sử"(7).

3. Trong các truyện ngắn về đề tài lịch sử, cùng với sự phong phú, đa dạng về nội dung, là sự bứt phá, cách tân trong nghệ thuật thể hiện. Các tình huống được thể hiện một cách đa dạng. Có những tình huống bi hài đầy kịch tính, mâu thuẫn được đẩy lên đến đỉnh điểm và kết thúc bất ngờ (Sóng nhồi vào sóng của Trần Thị Trường, Nghĩa động càn khôn của Trần Hạ Tháp); có những tình huống chất bi kịch được tô đậm, từ đó nhà văn thể hiện niềm thương cảm xót xa trước những thân phận bé nhỏ, những nạn nhân thảm thương trong buổi biến loạn của lịch sử (Thể Cúc, Nàng công chúa té giếng, Án lục người đàn bà họ Tống của Trần Thùy Mai, Phong hầu của Đào Công Vĩnh, Phủ Tường Vi của Nguyễn Khắc Phục, Tiếng an dân của Thái Đào...; lại có những tình huống đậm chất tượng trưng, nhà văn không nhằm hướng tới khắc họa một hiện thực mà chủ yếu muốn nêu ra một tư tưởng, một triết lý về cuộc sống, về con người (Cội Cùng với sự di chuyển linh hoạt điểm nhìn là sự đa dạng trong bút pháp, trong giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật. Nguyễn Huy Thiệp trần trụi, gai góc; Võ Thị Hảo thâm trầm, sâu sắc, Trần Thùy Mai trữ tình, nhân hậu... Nguyễn Huy Thiệp biết tận dụng tối đa sức mạnh của ngôn từ, tạo ra những ma lực hấp dẫn từ những câu chuyện nửa hư nửa thực, có khi kỳ ảo ma quái, với giọng điệu khi trang trọng cổ kính, khi giễu nhại, bởn cợt, khi lạnh lùng cay nghiệt. Võ Thị Hảo trong loạt truyện cắt ra từ tiểu thuyết Giàn thiêu chọn một sắc giọng chủ đạo là thâm trầm, đầy chất triết lý pha chút giễu nhại để gửi gắm một thông điệp sâu sắc: con người không ai tránh khỏi luân hồi nghiệp chướng và "lẽ vay trả" ấy phải do chính con người "đem thân kiếp ra mà nghiệm thấy". Trần Thùy Mai, cây bút nữ xứ Huế có nhiều truyện hay về đề tài lịch sử, thường đi sâu thể hiện số phận bi kịch của những người phụ nữ tài sắc, bị vùi dập phủ phàng giữa những cơn biến động xã hội. Nhà văn nữ này thường chọn một sắc giọng cảm thương pha chút ngậm ngùi, ẩn sâu bên trong là một sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc đối với con người nói chung, người phụ nữ nói riêng.

4. Cùng với những thành công, các truyện ngắn về đề tài lịch sử cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Có thể nói, khi viết về lịch sử, các nhà văn cũng gặp những khó khăn không nhỏ. Với những gì đã qua, với quá khứ, không phải ai cũng muốn đào xới, xem xét lại. Đặc biệt với những nhân vật lịch sử đã được tôn vinh, đã được phủ lên một lớp sương khói của huyền thoại thì việc tiếp cận họ với cách nhìn phi sử thi sẽ bị xem là "bắn súng lục vào quá khứ". Rõ ràng ở đây, cần ở nhà văn một cái nhìn tỉnh táo, một bản lĩnh vững vàng. Thực sự, cũng đã có những cách thể hiện nhân vật lịch sử một cách tùy tiện, có phần dung tục. Trong Mùa mưa gai sắc của Trần Vũ, Nguyễn Huệ được miêu tả như một con người hoang dã, ít học, thô bạo và cuồng dâm: "Huệ đi lại và khạc nhổ lên những mảng da beo làm thảm lót chân trong phủ chúa", "dùng đoản đao bổ đôi quả cau quẹt vôi rồi ăn sống", khi ngủ với Ngọc Hân thì "vục xuống gáy Ngọc Hân cắn như xé thịt". Cách nói năng của Nguyễn Huệ không còn gì dáng dấp của đấng quân vương: " Ta dẫn mấy vạn quân ra đây, đánh một trận dẹp yên thiên hạ, lão già họ Lê, dòng họ, ngai vàng lão thuộc về ta như trâu bò, đất đai, người ngợm của Bắc Hà. Việc gì phải đi đón! Đem con nộp thì ta lấy". Ngọc Hân cũng không phải là nàng công chúa xinh đẹp, đoan trang mà là kẻ cơ hội, thủ đoạn "quyết chiếm cho bằng được, trả bất cứ giá nào kể cả bán thân xác" để giành lấy "cái con người đang nắm vận mệnh Bắc Hà"(8). Cũng trong Gia phả của Trần Vũ, Trần Thủ Độ là người hạ đẳng, tàn bạo, cuồng dâm(9). Còn trong Trở về Lệ Chi Viên của Nguyễn Thúy Ái, Thị Lộ là kẻ lắm thủ đoạn, tham vọng và dâm đãng. Nguyễn Trãi vì thế bị cuốn theo bản năng nhục dục mãnh liệt của thị. Những thang thuốc tráng dương "nhất dạ ngũ giao" cũng không giúp ông chiến thắng tuổi già, " thực tế "ngũ dạ nhất giao" ông cũng không làm nổi". Ông đơn độc và buộc phải chấp nhận khi người thiếp thường ở lại đêm trong cung với ông vua trẻ. Rồi việc thằng Hề lẻn vào Lệ Chi Viên đầu độc vua Thái Tông. Rõ ràng lịch sử ở đây đã được suy diễn tùy tiện để phục vụ cho cách nhìn tưởng là mới mẻ nhưng rõ ràng là dễ dãi, tùy tiện của nhà văn.

Không hề bị cạn nguồn trong một đề tài có truyền thống và đã được nhiều thể loại, đặc biệt là tiểu thuyết tập trung khai thác, truyện ngắn vẫn tìm cho mình một lối đi riêng độc đáo. Vượt qua rào cản của thời gian, truyện ngắn lịch sử không chỉ tái hiện quá khứ mà còn nỗ lực lấp đầy những khoảng trống, những điểm mờ còn nhiều tranh cãi, từ đó soi chiếu lịch sử trong cái nhìn đa chiều, mang tính dân chủ. Đằng sau các nhân vật lịch sử, người đọc nhận ra bao nhiêu nỗi đau, bao nhiêu bi kịch của kiếp nhân sinh, cùng những luận giải độc đáo, những xúc động, hối tiếc, những bài học rút ra từ quá khứ của nhà văn. Từ đó, lịch sử như vẫn đang đồng hành, đang nhắc nhở mỗi con người chúng ta.   

ĐINH TRÍ DŨNG - HOÀNG VĨNH THẮNG

Nguồn: Hội Nhà văn

...............
TÀI LIỆU THAM KHẢO


(1) Chuyển dẫn, Tuyển tập tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Triệu Luật, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998.

(2) Nam Giao, Về tiểu thuyết lịch sử, http://amvc.fee.fr.

(3) Võ Thị Hảo, Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm, Nxb Phụ nữ, 2005. (Những truyện này thực ra được tác giả cắt ra từ một số chương của tiểu thuyết Giàn thiêu).

(4) Nguyễn Thúy Ái, Tột đỉnh tình yêu, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2008.

(5) Trần Thị Trường, Tình như chút nắng, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2007.

(6) Trần Thùy Mai, Một mình ở Tôkyô, Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2008.

(7) Lại Nguyên Ân, Tiểu thuyết và lịch sử, http:// www.vietnamnet.vn

(8) (9) Trần Vũ, Mùa mưa gai sắc, Gia phả, http://vnthuquan.net