NGÔ VĂN HƯỞNG (*)
Trên cơ sở làm rõ một số tiền đề cơ bản của đường lối trị nước kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị”
dưới thời Lê sơ, bài viết đã làm rõ nội dung chủ yếu của đường lối trị
nước đó cũng như sự kết hợp giữa yếu tố đức trị và pháp trị. Đồng thời,
tác giả cũng làm rõ ý nghĩa lịch sử của đường lối trị nước kết hợp giữa
đức trị và pháp trị của triều đại Lê sơ đối với các triều đại phong kiến
Việt Nam sau đó.
Tư
tưởng về đường lối trị nước là sự phản ánh ý chí, chủ trương của các
triều đại phong kiến trong lịch sử, đồng thời quyết định sự tồn vong của
mỗi triều đại. Trong lịch sử Việt Nam, tư tưởng về đường lối trị nước
được hình thành và phát triển cùng với sự hoàn thiện của bộ máy nhà nước
phong kiến. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, sự kết hợp giữa tư
tưởng “đức trị” với “pháp trị” trong đường lối trị nước không phải chỉ
có ở thời Lê sơ, mà đã có ngay từ khi đất nước giành được độc lập, gắn
với các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần.
Nhà
Trần đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc về lĩnh vực đấu
tranh bảo vệ đất nước, làm nên hào khí “Đông A” vẻ vang. Hào khí ấy thấm
đậm tinh thần Nho giáo được khởi nguồn từ “ý trời, lòng dân” trong Chiếu dời đô và “chủ quyền quốc gia” trong Nam quốc sơn hà
thời Lý, lại được tiếp sức bởi đường lối đoàn kết toàn dân, xây dựng
đội quân cha con hùng mạnh, tư tưởng tôn trọng những giá trị thiêng
liêng của con người và đặt ra những vấn đề vinh nhục trong cuộc sống của
nó dưới thời Trần. Tất thảy những điều đó, có thể nói, là tiền đề quan
trọng để nhà Trần duy trì sự thống trị của mình trong một thời gian dài -
175 năm. Sự thịnh trị và suy vong của các triều đại phong kiến trong
lịch sử không chỉ phản ánh sự kết hợp mạnh hay yếu, hợp lý hay bất hợp
lý giữa hai yếu tố “đức trị” và “pháp trị” trên bình diện lý luận, mà
còn thể hiện việc thực hiện chủ trương đó như thế nào trong đời sống
hiện thực của xã hội. Bài viết này muốn làm rõ sự kết hợp đó trong suốt
100 năm trị vì của triều đại Lê sơ thông qua việc nghiên cứu, so sánh
những tiền đề hình thành đường lối trị nước của triều đại này cũng như
hệ quả mà nó để lại trong các giai đoạn lịch sử phong kiến sau đó.(*)
1. Những tiền đề cơ bản cho sự kết hợp tư tưởng “đức trị” với “pháp trị” dưới thời Lê sơ
Trước
hết, tiền đề lý luận và thực tiễn quan trọng là chủ trương “đức chủ,
pháp bổ” của nhà Trần, một triều đại từng bước nâng cao địa vị của Nho
giáo trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Đường lối trị nước ở thời Trần so với thời Lý là một bước phát triển mạnh mẽ. Đó không còn đơn thuần là đường lối “đức trị” với tinh thần “từ bi bác ái” của nhà Phật như thời Lý, mà là đường lối kết hợp “đức trị” với “pháp trị”
trên tinh thần “đức chủ, pháp bổ”. Ở thời Trần, Phật giáo không còn giữ
được vị trí như nó vốn có ở thời Lý, mà đã từng bước nhường lại vị trí
đó cho Nho giáo. Mặc dù thời kỳ này Nho giáo chưa phát triển đến mức
thịnh trị, nhưng do nhu cầu xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập
quyền, cho nên nhà Trần phải dựa vào Nho giáo.
Yếu
tố chủ đạo trong tư tưởng trị nước của Nho giáo là đạo đức, tức là dùng
đạo đức xã hội và chuẩn mực đạo đức cá nhân (tam cương, ngũ thường) để
điều chỉnh mối quan hệ và hành vi của các cá nhân trong xã hội. Ở thời
kỳ này, đường lối “đức trị” giữ vị trí chủ đạo trong cách cai trị của nhà Trần. Nội dung “đức trị” thời kỳ này thể hiện tập trung ở hai vấn đề: một là, sự tu thân sửa đức của nhà vua làm gương cho dân chúng, là cơ sở giáo hoá toàn xã hội; hai là,
sự chăm lo của nhà vua và những người đứng đầu đến đời sống của người
dân thông qua các chính sách giáo hoá, dưỡng dân và chăm lo đời sống vật
chất của nhân dân.
Ý
thức được tầm quan trọng của yếu tố đạo đức trong nhân cách nhà vua,
các vua nhà Trần đã đặc biệt chú trọng đến việc tu thân sửa đức của bản
thân và giáo dục con cái về đạo đức để có được những người kế vị sáng
suốt. Điều này được thể hiện thông qua việc uốn nắn, nhắc nhở, quở phạt
của Thượng hoàng đối với các vị vua đương triều cũng như việc vua Trần
Thái Tông đích thân viết bài minh để dạy hoàng tử về trung hiếu, hoà
tốn, ôn, lương, cung, kiệm, v.v. nhằm rèn giũa nhân cách, lý tưởng cho
người kế vị.
Sự đề cao tư tưởng “đức trị”
thời Trần cũng là quá trình hiện thực hóa từng bước sự phát triển của
Nho giáo. Bản thân các quân vương nhận thức rõ vai trò của hành động tu
thân sửa đức trong việc xây dựng những quan hệ đạo đức cho toàn xã hội,
để cho “đạo đức thênh thang khuôn mẫu, lễ nghĩa bền chặt sắt vàng. Hạo
khí như băng sương lẫm liệt, văn hoa như nhật nguyệt huy hoàng, soi tới
thì tối tăm trở thành sáng suốt, mài vào thì khờ dại hoá ra mở mang”(1).
Sửa đức để từ đó làm gương cho việc giáo hóa dân, huệ dân không chỉ
bằng những chủ trương lớn, mà còn bằng cả những hành vi thiết thực.
Chẳng hạn, Trần Khắc Chung - một nho sĩ dưới thời Trần Minh Tông, đã
thẳng thắn bác bỏ quan điểm của quan ngự sử đài khi cho rằng, “nhà vua
chỉ nên chăm sửa đức chính, đắp đê là chuyện nhỏ”. Ông đã khuyên vua
Trần Minh Tông rằng, “phàm dân gặp nạn lụt, người làm vua phải cứu gấp,
sửa đức chính không gì to bằng việc ấy, đâu chỉ có việc khoanh tay nghĩ
ngợi”(2).
Cùng với đó là những chính sách huệ dân, quan tâm đến lợi ích của dân,
như giảm nhẹ tô thuế, đắp đê chống lụt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp,
giảm nhẹ hình phạt, v.v., đúng như điều mà Trần Hưng Đạo từng nhắc nhở:
“Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền, đó là thượng sách giữ dân”(3).
Ở Việt Nam thời Trần, giai cấp thống trị trên bước đường xây dựng triều đại của mình đã đề cao đường lối “đức trị” và coi nó là cơ sở để trị nước yên dân. Nhưng đường lối “đức trị” của nhà Trần có điểm khác với đường lối “đức trị” của phong kiến Trung Quốc. Sự khác nhau đó thể hiện ở chỗ, đường lối “đức trị”
của nhà Trần được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa truyền thống nhân
văn của dân tộc với tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo và tư tưởng
tiến bộ của Nho giáo nhằm mục đích cuối cùng là đoàn kết toàn dân để xây
dựng bảo vệ Tổ quốc. Sự khác biệt này đã được chính vua Trần Dụ Tông
thể hiện trong bài thơ của ông: “Sáng nghiệp Việt Đường hai Thái Tông;
Đường là Trinh Quán, Việt Nguyên Phong; Kiến Thành bị giết, Yên Sinh
sống; Miếu hiệu như nhau đức chẳng đồng”(4).
Ở
thời Trần, giai cấp thống trị mặc dù giương cao ngọn cờ và kiên trì
nguyên tắc “đức trị”, coi “đức trị” là đường lối chủ đạo trong cách trị
dân trị nước, nhưng đó không phải là đường lối đức trị thuần túy mà đã
có sự kết hợp nhất định với “pháp trị” theo tinh thần “đức chủ, pháp
bổ”. Chỉ mấy năm sau khi lên ngôi, năm 1230 Lê Thái Tông đã lập tức cho
“khảo xét các luật lệ của triều trước soạn thành Quốc triều thông chế
và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển”(5). Đến đời Trần Dụ Tông,
vua lại sai Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn biên định bộ Hình thư.
Đồng thời với việc biên soạn luật pháp, nhà Trần còn quan tâm đến việc
hoàn chỉnh các cơ quan chuyên trách về tư pháp và thể lệ xét xử. So với
thời Lý thì thời Trần có bước phát triển hơn cả về việc biên soạn luật
lẫn việc kiện toàn bộ máy pháp luật. Ở trung ương, nhà Trần có cơ quan
chuyên xét việc kiện tụng gọi là viện Thẩm hình, ngoài ra còn có viện
Đăng văn Kiểm pháp làm nhiệm vụ xét hỏi của các cơ quan xét xử. Cùng với
việc làm đó là sự tuyển chọn và bổ nhiệm những quan lại thanh liêm vào
các cơ quan pháp luật. Những người được lựa chọn vào làm việc ở các cơ
quan luật pháp phải thông qua thi cử, trong đó có thi về hình luật (thi
thủ phân, hỏi về phép đối án).
Đánh
giá về đường lối pháp trị của nhà Trần, sử gia Phan Huy Chú viết: “Hình
pháp nhà Trần rất tàn khốc, kẻ ăn trộm và kẻ trốn tránh thì bị chặt
ngón chân, giao cho người sự chủ được thoả chí xử trị hoặc cho voi giày
chết. Có lẽ ngoài luật thường ra, còn dùng những hình phạt nghiêm khắc
này để cấm cho hết tội chăng”(6).
Chúng tôi cho rằng, sự tàn khốc ấy, suy cho cùng, cũng chỉ nhằm mục
đích răn đe để bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội, qua đó củng cố đường lối
trị nước “nội Nho ngoại Pháp” chứ không phải là chủ trương “dĩ hình khử
hình”, “phạt nặng các tội nhẹ” như tư tưởng pháp trị của Thương Ưởng
dưới thời nhà Tần của Trung Hoa.
Một
yếu tố khác quyết định đến đường lối trị nước của triều đại Lê sơ là
yếu tố lịch sử cụ thể với một loạt các sự kiện diễn biến theo lôgíc nội
tại, đó là đấu tranh giành độc lập và xây dựng vương triều. Trên đà tiến
triển của Nho giáo trong lĩnh vực chính trị - xã hội thời Trần, đấng
minh chủ nhà Lê sơ là Lê Lợi trong thời kỳ kháng chiến chống giặc Minh
đã được sự hỗ trợ đắc lực của Nguyễn Trãi về đường lối chính trị hợp
thời, hợp lòng người. Đường lối ấy, một mặt, khẳng định tính chính nghĩa của dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia; mặt khác,
lại xuất phát từ thực tiễn xây dựng vương triều, nhà nước mạnh. Tuy
nhiên, dù mạnh đến đâu, mô hình nhà nước đó cũng chỉ là nhà nước phong
kiến phương Đông mà phần lớn được mô phỏng theo Nhà nước phong kiến
Trung Hoa. Điều đó làm cho triều đại Lê sơ không thể không áp dụng chủ
trương được xem là hiệu quả nhất thời bấy giờ - kết hợp “đức trị” với
“pháp trị”.
2. Chủ trương “trị nước phải có pháp luật” và “lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân" của nhà Lê sơ
Đường lối kết hợp đức trị với pháp trị
từ nhà Trần đến nhà Lê sơ là một bước phát triển mới trong lĩnh vực
chính trị - xã hội so với các thời kỳ trước đó. Nếu ở nhà Trần đường lối
“đức trị” là chủ đạo có sự hỗ trợ của pháp luật thì đến thời Lê sơ, vai
trò của pháp luật đã được nâng lên ngang tầm với yếu tố đức trị. Nói
cách khác, đó là đường lối trị nước đức trị kết hợp với pháp trị theo đúng nghĩa của nó. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn cụ thể, có khi tư tưởng pháp trị đã vượt lên và được đề cao hơn cả đức trị.
Chẳng hạn, vua Lê Thái Tổ khẳng định: “Từ xưa đến nay trị nước phải có
pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt
ra pháp luật, để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm
họ, biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, chẳng lành thì tránh,
chớ để đến nỗi phạm pháp”(7). Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu lên
ngôi, việc lập pháp đã được vua Lê Thái Tổ đặc biệt chú trọng. Năm 1428,
ông đã “hạ lệnh cho các quan… bàn định pháp lệnh cai trị quân dân, để
người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng
để răn quân dân biết có pháp luật”(8).
Nổi bật trong đường lối pháp trị
của Lê Thái Tổ là việc đề cao pháp luật mà trọng tâm là việc thưởng
phạt nghiêm minh. Hình phạt dưới thời Lê Thái Tổ mặc dù chưa chặt chẽ,
song, có thể nói là rất nghiêm khắc, bởi tình hình đất nước khi đó hết
sức phức tạp, chưa ổn định sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc. Năm 1429,
Lê Thái Tổ đã hạ lệnh cho các quan ở kinh đô và lộ, huyện, xã rằng, “Kẻ
nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc, thì quan ty và quân dân bắt nộp
để trị tội. Đánh bạc thì chặt 5 ngón tay, đánh cờ thì chặt một phân ngón
tay, những kẻ không phải là việc quan mà vô cớ tụ họp uống rượu thì xử
phạt 100 trượng; người chứa chấp thì tội kém một bậc”(9).
Mặt
khác, dù rất coi trọng pháp luật trong việc trị nước, nhưng nhà Lê sơ
không để các yếu tố pháp trị chiếm ưu thế triệt để. Ngay từ đầu, triều
Lê sơ đã đề ra chủ trương “ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc… xây dựng quan chức thành lập phủ huyện”(10). Bên cạnh và cùng với tư tưởng pháp trị, Lê Thái Tổ đặc biệt chú ý đến yếu tố đức trị trong đường lối cai trị của mình. Tư tưởng đức trị
của nhà Lê sơ tập trung vào những nội dung chính là tu thân sửa đức của
người đứng đầu và chăm lo đến đời sống dân chúng. Đường lối này được sử
dụng nhất quán dưới triều Lê sơ. Đến thời vua Lê Thánh Tông, đường lối
trị nước dựa trên sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị đã
có được bước phát triển mạnh mẽ và nhờ đó, triều đại này đã trở thành
triều đại phong kiến trung ương tập quyền nổi tiếng nhất trong lịch sử
chế độ phong kiến Việt Nam.
Đường
lối trị nước của Lê Thánh Tông chính là sự kế thừa và phát triển đến
đỉnh cao những quan điểm chính trị của các nhà vua triều Lê sơ trước
ông. Đó là việc “ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc” của Lê Thái Tổ, tinh
thần “bên trong chế ngự quần thần, bên ngoài đánh dẹp di địch, trọng đạo
sùng Nho, mở khoa thi chọn kẻ sĩ” của Lê Thái Tông, quan niệm “thương
người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân” của Lê Nhân Tông.
Đường lối trị nước của Lê Thánh Tông là đường lối đức trị kết hợp với pháp trị
một cách nhất quán trong suốt thời gian ông ở ngôi. Điểm khác biệt giữa
ông với các nhà vua khác là ở chỗ, ông đã khẳng định được vai trò cá
nhân của mình về ý chí kiên định và hành động quyết đoán trực tiếp trong
việc điều hành bộ máy nhà nước toàn trị, cực quyền, sẵn sàng can thiệp
vào mọi mặt công việc của triều đình và hàng ngũ quan liêu. Trong quá
trình trị nước, dấu ấn cá nhân của ông có lúc biểu hiện thái quá.
Cùng
với tinh thần đề cao pháp luật, Lê Thánh Tông đã từng nhấn mạnh đến hai
chức năng cơ bản của nhà nước là “lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông
tang để có đủ cơm áo. Hai điều đó là việc làm cần kíp của chính sự, là
chức trách của các quan nuôi giữ dân”(11). Điều này thể hiện quan điểm
Nho giáo của ông về an dân, chăm lo đến đời sống thiết thực của người
dân. Ông đã từng tuyên bố: “Người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có
lễ làm khuôn phép giữ gìn”(12). Để tăng cường quyền lực của mình và cụ
thể hoá nó trong thực tế, Lê Thánh Tông đã dùng lễ để quy phạm hóa các
phương diện đời sống xã hội. Chủ trương này thể hiện tính nhất quán của
triều đại Lê sơ về độc tôn Nho giáo, xem “sùng Nho trọng đạo là việc
hàng đầu”, nhưng ở đó có sự kết hợp một cách hợp lý với tư tưởng pháp
trị của Pháp gia như ông đã từng tuyên bố với các quần thần của mình:
“Pháp luật là phép công của nhà nước. Ta và các ngươi đều phải theo,
ngươi lên nhớ lấy”(13). Về thực chất, đó là nhà nước nhân trị, lễ trị
kết hợp với pháp trị mang tính điển hình của nhà nước phong kiến phương
Đông, ở đó các yếu tố pháp trị chưa đủ mạnh để làm tiền đề cho việc xây
dựng nhà nước pháp quyền.
Có
thể nói, Lê Thánh Tông là ông vua điển hình của chủ trương quy phạm
hóa. Trong 38 năm làm vua của mình, ông đã ban bố rất nhiều các lệnh
chỉ, sắc dụ quy định một cách tỉ mỉ lễ nghĩa trong mọi mặt đời sống của
người dân từ hôn thú, tang ma, mũ áo đến cách xưng hô, chắp tay, quỳ
lạy…, kèm theo đó là những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mọi hành
động không thực hiện đúng các quy phạm đó. Có lẽ nhờ đó mà ở thời ông
Nho giáo đã lan toả xuống đến tận làng xã. Đối với Lê Thánh Tông, đức trị dường như cũng được pháp trị
hoá. Việc duy trì đường lối đức trị với tư tưởng trọng lễ đã được Lê
Thánh Tông bổ sung các yếu tố pháp luật như một nguồn lực quan trọng để
đường lối ấy được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Bộ Quốc triều hình luật
nổi tiếng được hoàn thành dưới triều đại của ông và được sử dụng, kế
thừa trong nhiều triều đại sau này với nội dung chủ yếu là bảo vệ vương
quyền, chế độ quan liêu, trật tự đẳng cấp và gia đình phụ hệ gia trưởng
thông qua cơ chế pháp luật. So với Hình thư của nhà Trần thì bộ Quốc triều hình luật có sự phát triển cả về qui mô, nội dung, tính nghiêm khắc lẫn tính thực tiễn của nó. Tuy nhiên, dù bộ Quốc triều hình luật
là bộ luật nghiêm khắc, song nó vẫn chứa đựng những yếu tố đạo đức như
những nguyên tắc nhân đạo, được vận dụng khi xử lý một số đối tượng, như
phụ nữ, người già, trẻ em, người tàn tật (các điều 1, 16, 17, 18, 19…
của bộ luật).
Trong
những năm trị vì, Lê Thánh Tông luôn khẳng định: “Đạo lớn đế vương là
thương yêu dân chúng, kính trời xanh, trách nhiệm của các quan là yêu
nuôi dân chúng”(14).
Không dừng lại ở đó, ông còn giải thích rõ trách nhiệm của người đứng
đầu là thay trời nuôi dân, làm cho mọi người đều giàu đủ, yên vui tiến
đến thịnh trị”(15). Có thể nói, đường lối trị nước của nhà Lê sơ, đặc
biệt giai đoạn Lê Thánh Tông là đường lối trị nước kết hợp pháp trị với đức trị.
Đường lối này góp phần hình thành nên những trụ cột vững chắc của triều
đại là hệ thống quan liêu hoàn chỉnh, một quân đội mạnh, một pháp luật
nghiêm và một hệ tư tưởng lễ giáo phong kiến chặt chẽ.
Mặt khác,
do nhu cầu xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền và sự sống
còn của dân tộc trước mối đe dọa thường xuyên của thế lực bên ngoài,
các triều đại phong kiến Việt Nam luôn phải lựa chọn cho mình đường lối
cai trị thích hợp để vừa đáp ứng được ổn định trật tự xã hội và phát
triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Để thực hiện được điều đó
thì ngoài học thuyết chính trị - đạo đức của Nho giáo với sự kết hợp
một cách hợp lý các yếu tố pháp trị, thời bấy giờ không có học thuyết
nào khác tỏ ra hiệu quả hơn. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc quản
lý điều hành đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền
tảng đạo đức gia đình và mối quan hệ ràng buộc, lệ thuộc chặt chẽ là
thân – nhà – làng – nước.
Như
vậy, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thời Lê sơ dưới sự ảnh
hưởng của tư tưởng Nho giáo với những quy tắc cơ bản về cương, thường
của nó đã được tầng lớp cai trị vận dụng thành những điều huấn, thậm chí
nó còn được nâng lên ở tầm quy phạm pháp luật trong bộ luật nổi tiếng
dưới thời Lê Thánh Tông - Bộ luật Hồng Đức. Đó cũng là nét đặc sắc trong
đường lối cai trị của nhà Lê sơ nói riêng và là bước phát triển của
lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung.
Đường lối trị nước kết hợp giữa đức trị với pháp trị
dưới thời Lê sơ được các triều đại sau kế thừa. Nhà Mạc đã kế thừa gần
như trọn vẹn các chủ trương, đường lối của thời Lê Thánh Tông về tổ chức
bộ máy nhà nước quan liêu cũng như hệ thống giáo dục khoa cử của nó. (15)
Nhà
Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam ngay từ
khi nắm quyền cai trị đất nước, đã thực hiện sự độc tôn Nho giáo lần thứ
hai. Việc độc tôn này, một lần nữa thể hiện sự tiếp tục phát triển
đường lối trị nước của nhà Lê sơ, bởi khi đó nhà Nguyễn, đứng đầu là
Nguyễn Ánh dù được người Pháp giúp đỡ lật đổ nhà Tây Sơn, nhưng không vì
thế mà học tập và xây dựng mô hình nhà nước phương Tây. Việc Nguyễn Ánh
ra lệnh cho các quần thần biên soạn bộ Hoàng triều luật lệ (Luật Gia
Long) trên cơ sở kế thừa Luật Hồng Đức và tham khảo luật lệ nhà Thanh
cho thấy ảnh hưởng của đường lối trị nước thời Lê sơ đối với triều
Nguyễn đến mức nào. Những thay đổi ở một số điều khoản của Luật Gia Long
so với Luật Hồng Đức cũng là điều dễ hiểu, bởi ý chí và chủ trương về
đường lối trị nước của bất kỳ triều đại nào cũng đều bị qui định bởi sự
tồn tại của xã hội và của chính triều đại đó.
Tư
tưởng về đường lối trị nước thời Lê sơ là kết quả thực nghiệm của năm
thế kỷ trước đó bởi các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ. Mặt
khác, triều đại Lê sơ là triều đại khai quốc, có công lớn trong việc đấu
tranh giải phóng dân tộc và xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập
quyền. Sự thịnh trị của triều đại này dưới thời Lê Thánh Tông đã chứng
minh tính hợp lý của đường lối trị nước kết hợp giữa đức trị và pháp trị,
đáp ứng được đòi hỏi của thời đại, đồng thời tạo ra ảnh hưởng lớn đến
đường lối trị nước của các triều đại phong kiến Việt Nam sau này.q
(*) Thạc sĩ triết học, Giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội.
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.843.
(2) Thơ văn Lý - Trần, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.590.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.88.
(6) Lịch triều hiến chương loại chí, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.290.
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.291.
(7) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.291.
(8) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.291.
(9) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.298.
(12) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.438.
(13) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.401.
(14) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.475.
(15) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2. Sđd., tr.412.