Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

2.Vị trí của nền thần học triết học Tây Âu thời trung cổ


PHÙNG THỊ AN NA (*)

Trên cơ sở trình bày một cách vắn tắt về những nội dung căn bản nhất của nền thần học triết học Tây Âu Trung cổ, trong bài viết này, tác giả đã sơ bộ đưa ra những đánh giá về vị trí của nền thần học triết học này với hy vọng người đọc có được cái nhìn đúng đắn, khách quan về nó.          
Nói về vị trí của nền thần học triết học Tây Âu Trung cổ không có nghĩa là đặt lại vấn đề, mà là nhằm suy tư về một dòng tư duy trong chuỗi lịch sử tư duy nhân loại đã từng bị khoa học và triết học duy vật thời kỳ Phục hưng phê phán và vượt bỏ. Đây cũng là một nhiệm vụ của triết học, bởi như Ph.Ăngghen đã từng nhận định, “tư duy lý luận… là một sản phẩm lịch sử”; nó chẳng qua “chỉ là một đặc tính bẩm sinh dưới dạng năng lực của người ta mà có thôi”; do vậy, “năng lực ấy cần phải được phát triển và hoàn thiện, và muốn hoàn thiện nó thì cho tới nay, không có một cách nào khác hơn là nghiên cứu toàn bộ triết học thời trước”(1). Thêm vào đó, nghiên cứu lịch sử triết học tuyệt nhiên không phải chỉ nhằm tìm kiếm tri thức triết học, mà còn để phát triển tư duy lý luận, để một dân tộc có thể “đứng trên vai những người khổng lồ”, hay “đứng vững trên đỉnh cao của khoa học” như Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh. Chính vì những lý do đó, trong bài viết này, chúng tôi muốn trở lại bàn về vị trí của nền thần học triết học Tây Âu Trung cổ.
Trên bình diện lịch sử, thời Trung cổ được xem là thời kỳ thần quyền gắn với thế quyền và tổ chức giáo hội chiếm vị trí ưu thế trong mọi sinh hoạt văn hóa - tinh thần (đặc biệt là triết học) của xã hội. Đến thời kỳ Phục hưng, nhân loại đã nỗ lực “trần tục hóa” mọi mặt của đời sống xã hội, về triết học thì cố gắng xa lánh ảnh hưởng của nền triết học kinh viện để trở lại với những giá trị của nền triết học Hy Lạp - La Mã cổ xưa, đồng thời cập nhật những khám phá mới của khoa học tự nhiên. Triết học phương Tây thời kỳ đó dường như tách làm hai:  Một bên là triết học kinh viện tiếp tục “đóng khung” tư duy theo khuôn khổ truyền thống của mình và đôi lúc vẫn lên án hay xung đột với nền triết học thế tục đang ngày càng ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Và, một bên, sau thời kỳ truy tìm các giá trị của nền triết học Hy Lạp - La Mã cổ đại, đã chuyển hệ thống siêu hình học triết học cổ vào khung cảnh xã hội mới, khi mà các phương pháp suy diễn và tiên nghiệm của triết học kinh viện đã bị thay thế bởi lập luận quy nạp của khoa học hiện đại.(1)
Như vậy, có thể nói, các hệ thống triết học đều được trở đi trở lại, giai đoạn sau dường như quay lại điểm xuất phát của giai đoạn trước. Nằm trong quy luật đó, triết học Tây Âu Trung cổ là sự phát triển kế tiếp của triết học Cổ đại, đồng thời là tiền đề cho triết học Cận đại. Những tư tưởng triết học của Ôguýtxtanh, Tômát Đacanh cũng là sự kế thừa và phát triển của triết học Platôn, Arixtốt thời kỳ Cổ đại, và có những tư tưởng còn được luận giải sâu sắc hơn. Ví dụ, quan niệm về chân lý của Platôn đã được Ôguýtxtanh làm sâu sắc và sáng tỏ thêm. Theo Ôguýtxtanh, nếu chúng ta biết được mô hình lý tưởng của vật, thì chúng ta có thể lĩnh hội đúng bản thân sự vật; nhưng làm thế nào để đạt tới các mô hình lý tưởng, tức các tư tưởng của Chúa? Ôguýtxtanh khẳng định: Đó là khi tâm trí ta sáng ra và linh cảm được. Tâm trí sáng ra là thời điểm, khi mà tất cả những gì trước đó còn tù mù, rối rắm thì nay trở nên rõ ràng và xác định. Với quan niệm này, Ôguýtxtanh đã coi tâm trí sáng ra giống với sự hồi tưởng của linh hồn ở Platôn. Song, đi xa hơn Platôn, ông chỉ ra được sự khác nhau giữa chúng thể hiện ở chỗ, sự chấn động tâm hồn có trước sự linh cảm. Sự chấn động tâm hồn gắn liền với những hoàn cảnh sống bất hạnh, bi đát nhưng chính trong hoàn cảnh đó, chúng loại bỏ khỏi tâm hồn ta cái nhẫn tâm, sự sợ hãi và thờ ơ. Theo ông, chí thiện và trái tim trong sạch là những điều kiện để nhận thức chân lý. Chân lý được mở ra ở thời điểm tâm trí sáng ra và đó là ánh sáng cho phép ta lĩnh hội, nhận thức đúng về thế giới. 
Do vậy, không nên coi triết học Tây Âu Trung cổ là giai đoạn “thụt lùi” của lịch sử tư duy nhân loại, cũng không phải là sự “đứt đoạn” của lịch sử, mà chính trong giai đoạn này, nó đã hình thành cơ sở, nền móng cho sự phát triển của các giai đoạn tiếp theo, cho dù triết học thời kỳ này bị xem là triết học kinh viện(2). 
Ph.Hêghen là người đầu tiên đưa ra quan niệm về “vòng tròn lịch sử triết học”. Theo ông, lịch sử triết học như một vòng tròn, vòng tròn này bao gồm xung quanh nó một số lớn những vòng tròn khác; trong đó, triết học hiện đại chính là kết quả của những nguyên lý đã có từ trước đó. Lịch sử triết học không phải là bộ sưu tập các tư tưởng, mà là sự phát triển cụ thể của triết học trên con đường nhận thức chân lý. V.I.Lênin đã đánh giá rất cao tư tưởng này của Ph.Hêghen và diễn đạt lại nó theo cách của mình. Trong Bút ký triết học, V.I.Lênin cho rằng, “khoa học là một vòng tròn của các vòng tròn”, mỗi chiều cạnh riêng biệt của tư tưởng là một vòng tròn trên vòng tròn lớn (xoáy ốc) của sự phát triển tư tưởng con người nói chung. Rằng, lịch sử triết học như một vòng tròn của những vòng tròn (vòng xoáy ốc), trong đó mắt xích nào cũng quan trọng như nhau, cái sau là sự kế thừa và phát triển của cái trước(3). Đây được coi như mô hình để nhận thức sự phát triển của toàn bộ nhận thức loài người. Điều đó cũng có nghĩa rằng, để hiểu được triết học hiện đại, chúng ta phải nghiên cứu toàn bộ lịch sử triết học, không bỏ sót một khâu nào, một mắt xích nào theo kiểu “khinh - trọng”. Ví như, hệ thống triết học của Ph.Hêghen là sự tổng kết hầu như toàn bộ tư tưởng triết học trước đấy, nhưng cống hiến của Ph.Hêghen là ở chỗ, ông đã  phát hiện ra những mâu thuẫn xuất hiện trong tư tưởng ở mỗi giai đoạn và thấy được những mâu thuẫn ấy buộc phải bị loại bỏ để tiến lên một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, Ph.Hêghen lại diễn tả quá trình đó một cách trừu tượng trong phạm vi tinh thần và do vậy, hình thành cái gọi là “chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối”. Quá trình lịch sử đúng ra là đi từ tự nhiên lên xã hội, mọi tư tưởng đều được xây dựng trên cơ sở của hoạt động thực tế, song điều này đã bị Ph.Hêghen đảo lộn thành một quá trình là tư tưởng phát sinh thực tại, tinh thần sáng tạo vật chất. Và, trong lúc trình bày tiến trình này một cách trái ngược như thế, Ph.Hêghen đã phát triển một cách có hệ thống phương pháp biện chứng. Phương pháp này đã được C.Mác xây dựng lại trên cơ sở duy vật, “dựng nó lại”, bóc trần “cái hạt nhân hợp lý của nó ở đằng sau lớp vỏ thần bí”(4). Mặc dù, trong tay Ph.Hêghen, phép biện chứng đã bị thần bí hóa, nhưng chính ông lại là người đầu tiên trình bày một cách tổng quát và có ý thức về những hình thái biện chứng phổ biến. Như vậy, phép biện chứng duy vật của C.Mác, tuy đã vượt lên trên Ph.Hêghen, nhưng không thể phủ nhận một điều là, C.Mác đã kế thừa “cái hạt nhân hợp lý” trong quan niệm biện chứng của Ph.Hêghen.  
Thế nhưng, một thời gian dài, giới nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam đã không đánh giá cao vai trò của triết học Ph.Hêghen. Tương tự như vậy, họ cũng không coi trọng nền triết học kinh viện thời kỳ Trung cổ, vì cho đó là triết học của nhà thờ, là thời kỳ “đen tối” trong lịch sử nhân loại; rằng, việc Kitô giáo hoá mọi mặt của đời sống thế tục là một hành động “bóp nghẹt” nền văn hoá nhân loại, “trói buộc” tư duy và tinh thần con người trong cái hư vô, siêu hình và ảo tưởng... Cách đánh giá như vậy là không công bằng. Triết học kinh viện, dù đã sử dụng nền triết học duy tâm Cổ đại để biện minh cho những tín điều tôn giáo của mình, dù nó đã từng đối lập với khoa học và sự tiến bộ xã hội, nhưng nền văn hóa phương Tây Trung cổ vẫn cứ là một nền văn hóa tinh thần có nội dung và hình thức phong phú, được đánh dấu bởi những thành tựu độc đáo. Nói khác đi, Kitô giáo đã từng là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc, thi ca, tiểu thuyết... và trong các tác phẩm đó, nếu tước bỏ đi phần liên quan đến Kitô giáo thì gần như chẳng còn gì. Không phải ngẫu nhiên mà con người lại thích những tác phẩm văn học - nghệ thuật đề cập đến các vấn đề chủ quan, thần bí hơn các tác phẩm khô khan và thuần tuý lý tính, tư biện.(4)
Thời kỳ Khai sáng (từ thế kỷ XVII trở đi), với các cuộc cách mạng liên tục diễn ra trên mọi lĩnh vực ở phương Tây, đã xuất hiện nhiều nhà triết gia, như  Đềcáctơ, Cantơ, Hêghen, Huxéc, Kiếccơga, Haiđơgơ... muốn xây dựng một kỷ nguyên mới cho triết học, kỷ nguyên của chủ nghĩa nhân bản triệt để, chống lại ý niệm về Thiên chúa, về linh hồn bất tử, về thế giới sau khi chết, coi đó là những ý tưởng hạn hẹp, đầy thiên kiến của hệ thống siêu hình học, thần học trước đấy, đặc biệt là Nítxơ với lời tuyên bố  “Thượng đế đã chết”. Song, nhiều kỷ nguyên đã qua, sau những gì triết lý ánh sáng xem là tiêu cực thì lại bắt đầu khởi phát ở Pháp, nơi thắp lên bó đuốc cách mạng “ánh sáng” và chủ nghĩa thế tục đã phải chứng kiến phong trào văn chương lãng mạn, đề cao vai trò của tình cảm, trí tưởng tượng, muốn thoát ly khỏi lý trí khô khan để đắm mình trong thế giới mông lung, huyền bí; còn ở Đức, người ta đi vào suy tư tôn giáo nhiều hơn. 
Lịch sử triết học trước Mác đã tồn tại hai trào lưu triết học chính, đối lập nhau là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm. Nếu các nhà duy vật có công lao trong việc xây dựng, phát triển quan điểm duy vật, thì các nhà duy tâm lại đóng góp nhiều vào việc xây dựng và phát triển phép biện chứng. Chính V.I.Lênin đã từng khẳng định: “Chủ nghĩa duy tâm thông minh gần với chủ nghĩa duy vật thông minh hơn chủ nghĩa duy vật ngu xuẩn”(5). Theo đó, có thể nói, triết học duy tâm thần bí không có nghĩa là hoàn toàn không có giá trị.
Trong thời kỳ Cổ đại, người ta coi thần thánh là cái gì đó cụ thể, tồn tại và triết học duy lý thời kỳ này chỉ tin vào những gì đã được luận chứng, có thể sờ mó được. Khi đạo Kitô ra đời, nó đã phần nào khắc phục được những hạn chế của chủ nghĩa duy vật ngây thơ, chất phác trong triết học Cổ đại khi cho rằng, niềm tin là cái không cần luận chứng, niềm tin có giá trị tự thân. Với Kitô giáo, thánh thần hay Chúa là một phạm trù thuộc về hư vô, vô hình, bất định, tồn tại ở đâu đó trong không gian và thời gian mà con người không bao giờ có thể hình dung hay cảm nhận được; Chúa không bị giới hạn ở bất kỳ một cái gì, không có sự khởi đầu và cũng không có sự kết thúc; Chúa là tồn tại không được sáng tạo ra (không do ai sáng tạo ra), nhưng mọi cái lại được sáng tạo bởi Chúa và đều tồn tại theo sự sắp đặt của Chúa, thông qua sự tồn tại của Chúa.
Như vậy, nếu bóc đi cái vỏ thần bí, chúng ta có thể thấy được “cái hạt nhân hợp lý” trong thuyết Sáng thế ký của Kitô giáo - đó là ý niệm triết học về một Hiện thân tối cao khi xem Thiên chúa là bản thể của vũ trụ, là cái bản nguyên ban đầu của vũ trụ, là nguyên ủy của hiện thân vũ trụ, là cái không thể hình dung hay cảm nhận được, thuộc về hư vô nhưng lại tồn tại thật, không do ai sinh ra và chỉ có duy nhất một, nhưng lại từ đó mà sinh ra trời đất và vạn vật.
Có thể nói, quan niệm về Chúa của Kitô giáo phần nào tương đồng với khái niệm - Khí, Thái cực của Tống Nho (Tân Nho), khái niệm Đạo của Lão Tử, vô của Phật giáo. Lý - Khí, Thái cực, Hư vô hay Đạo đều là những phạm trù triết học phương Đông dùng để diễn đạt về cái gọi là bản nguyên ban đầu của vũ trụ, để trả lời cho câu hỏi thế giới này được sinh ra từ đâu và cái đó là gì, tinh thần hay vật chất. Theo Lão Tử, Đạo có thể cho là Đạo được, nhưng đó không phải là Đạo thường; Tên có thể gọi tên ra được, nhưng đó không phải là Tên thường. Có vật hỗn hợp sinh ra từ trước khi có trời đất, ta không biết gọi tên nó là gì, nên tạm gọi là Đạo. Nói đến sự lớn lao của Đạo thì kể cả trời đất cũng không thể bao trùm được; nói đến sự tế vi của Đạo thì Đạo ở ngay trong công việc, trong đời sống hàng ngày. Còn các nhà Tống Nho, như Châu Đôn Di, Trình Hạo, Trình Di… lại cho rằng, thế giới được sinh ra từ một trạng thái hỗn độn, mà điểm khởi đầu của nó là Thái cực. Thái cực hay Vô cực chỉ có duy nhất một, tồn tại thực, từ đó sinh hai là khí Âm và khí Dương, từ hai khí đó sinh ra Ngũ hành và vạn vật…(5)
 Theo đó, xét cho cùng, tất cả các lý thuyết triết học (cả Đông và Tây) đều muốn đi tìm nguồn gốc, bản nguyên ban đầu của vũ trụ và giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, với những phạm trù khác nhau, nhưng vẫn có những điểm chung, tương đồng. Vượt qua thành kiến về một thời kỳ lịch sử “đen tối” của nhân loại, nhốt cái vỏ bọc thần thánh lại, xét theo chiều kích luận lý - siêu hình học phương Tây thì các nhà tư tưởng, từ Xôcrát, Arixtốt đến Đức Phật, Giêsu..., đều là những đại triết gia và họ đã mô tả thế giới và thể hiện nội dung “Triết” đầy tính nhân văn cao cả.
Tuy nhiên, đánh giá một lý thuyết triết học không phải chỉ ở việc xem lý thuyết đó giải thích thế giới ra sao, mà quan trọng hơn là xét xem lý thuyết đó góp phần như thế nào vào việc làm thay đổi thế giới, đúng như C.Mác đã khẳng định: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”(6).q              


(*) Thạc sĩ, Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.487.
(2) Triết học kinh viện là một hệ thống triết học hướng tới việc hòa trộn thần học Kitô giáo với triết học Hy Lạp của Arixtốt. Đại diện tiêu biểu và nổi bật hơn cả của trường phái này Tômát Đacanh.
(3) Xem: V.I.Lênin. Toàn tập. t.29, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.252-253.
(4) C.Mác Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.35.
(5) V.I.Lênin. Toàn tập, t.29. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.293.
(6) C.Mác Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.12.