Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

13. Kỳ quan Vịnh Hạ Long


LTS. Ngày 11/11/2011 vừa qua, vịnh Hạ Long của Việt Nam được bầu làm một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Kết quả này còn chờ kiểm toán độc lập kiểm tra lại và được công bố chính thức đầu năm 2012. Tuy nhiên, điều này cũng đã mang đến niềm vui khôn tả không chỉ cho riêng người dân Việt Nam mà còn đối với cả bạn bè quốc tế yêu mến đất nước hình chữ S. Dù vậy, vinh quang này cũng gắn liền với trách nhiệm lớn lao không kém.

Kỳ quan độc nhất vô nhị
Với diện tích 1.553km2; 1969 hòn đảo chạy dài theo bờ biển Quảng Ninh,Vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều giá trị ngoại hạng, quốc tế, mang tính toàn cầu trong đó nổi bật là hai giá trị cảnh quan, địa chất địa mạo đã được UNESCO hai lần tôn vinh là Di sản thiên nhiên thế giới. Không còn nghi ngờ gì nữa, Vịnh Hạ Long thực sự là một kỳ quan thế giới, đúng như sự suy tôn trong cuốn sách Những kỳ quan thế giới (Le merveiller du Mon de) của Nhà xuất bản Hachette năm 1950.
Như một kho báu khổng lồ, Vịnh Hạ Long còn mang nhiều giá trị khác: Đa dạng sinh học, lịch sử - văn hóa, khảo cổ, kinh tế... Vịnh Hạ Long từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học: Hải dương học, Dân tộc học, Sinh vật học... Danh thắng Vịnh Hạ Long chứa đựng nhiều bí ẩn trong lòng, mà khi du khách đến Vịnh Hạ Long còn chưa khỏi sửng sốt trước cảnh đẹp ở đây thì đã bị những bí ẩn chưa có lời giải đáp đó lôi cuốn bởi sự hấp dẫn, bất ngờ.
Vịnh Hạ Long là một tạo hình kỳ lạ của tạo hoá, một sự kết hợp giữa điêu khắc và hội họa, là sự hài hoà, uyển chuyển giữa bố cục và màu sắc, giữa hình khối và không gian... được biểu hiện bởi hàng ngàn đảo trên mặt biển xanh màu ngọc bích, lung linh. Vừa hoành tráng, khỏe mạnh, vừa duyên dáng, thơ mộng. Những khối đá nằm rải rác như một công viên nơi biển cả. Những hình thù khác nhau như có bàn tay sắp đặt ''cố tình'' của tạo hóa khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn của con người. Hòn Đỉnh Hương làm người ta lên tưởng đến những chiến binh dũng cảm của dân tộc ngày nào thắp nén hương mà thề nguyện giết giặc cứu nước trước giờ xung trận, Hòn Gà chọi lại có một chiều sâu triết học. Cả một tư tưởng Phương Đông thâm thuý, cổ kính, cả một học thuyết Âm dương ngũ hành từ bao đời chỉ cần nhìn vào đó thôi con người cũng không cần lời đàm luận nào nữa…
Cái đẹp kỳ quan của Hạ Long được tạo nên từ 3 yếu tố: Đá, Nước và Trời. Đây là một ''đặc ân'' của thiên nhiên dành cho Hạ Long mà chưa có nước nào trên thế giới có được. Những đảo đá nằm trên biển giống như những người lính gác trên mặt Vịnh, lại giống như đàn Thiên nga đang bơi lượn trên biển. Ai đó coi Vịnh Hạ Long như một ''hòn non bộ'' của Thượng đế.
Có thể nói có bao nhiêu người đã đến vịnh Hạ Long thì có bấy nhiêu lời ca ngợi vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long. Từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi (1380 - 1442), nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, khi qua Hạ Long đã thốt lên: “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao/Một vùng biếc sẫm gương lồng bóng/Muôn hộc xanh om tóc mượt màu...”.
Không chỉ danh nhân, thi sĩ mà các chính khách nước ngoài khi đến Vịnh Hạ Long hầu hết đều có chung một nhận xét “Chưa đến Hạ Long, chưa thật biết Việt Nam”. Năm 2001, nguyên Thủ tướng nước CHND Trung Hoa Lý Bằng khi đến Việt Nam đã thốt lên “Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long làm chúng tôi quên đường về”.
Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Tumar Oder ca ngợi Vịnh Hạ Long: “Vịnh Hạ Long là nơi đẹp có một không hai trên thế giới. Khách nước ngoài thực sự khâm phục, thích thú”. Nhà vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf hết lời ca ngợi Vịnh Hạ Long trong chuyến thăm Vịnh năm 2004: “Trước khi chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam, chúng tôi đã được nghe và đọc rất nhiều về đất nước tươi đẹp và quyến rũ này. Chúng tôi không bị thất vọng mà ngược lại. Tôi đánh giá cao về vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh”...
Nhà báo Jon Swain đã viết trên trang Amazing Planet về Hạ Long: "Biển Hạ Long đẹp như một dải lụa còn những núi đá trên biển giống như những chiếc vây rồng uốn lượn. Đi càng xa bờ, bạn sẽ càng thấy nước biển trong xanh như màu ngọc lục bảo. Không phải tới thành phố biển nào bạn cũng có thể chiêm ngưỡng trời nước của biển khơi và một hệ thống hang động phong phú như ở đây"…
Vinh quang…
Nằm ở phía Đông - Bắc của Tổ quốc, Vịnh Hạ Long là một vùng biển đảo rộng lớn, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ, nơi ẩn chứa những giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và lịch sử - văn hóa. Với những giá trị đó, ngày 17/12/1994, tại Phiên họp lần thứ 18 Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, Vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Năm 2000, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận lần thứ hai Di sản Thế giới bởi giá trị địa chất, địa mạo. Và, ngày 11/11/2011, “Vịnh nước nơi Rồng đáp xuống” đã nằm trong danh sách 7 Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới, vượt lên trên những thắng cảnh nổi tiếng như Grand Canyon, quần đảo Maldive và núi Kilimanjaro... Tất cả những điều đó đã khẳng định giá trị ngoại hạng mang tính toàn cầu của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.
Ông Kurt Walter, Tổng giám đốc Tập đoàn Apple Tree, được nhiều người biết đến với hình ảnh chiếc Du thuyền Emeraude cổ điển trên vịnh Hạ Long, bày tỏ: “Việc Hạ Long có tên trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là một điều hết sức hiển nhiên. Vẻ đẹp diễm lệ của Hạ Long đã bị che phủ bởi khói bụi chiến tranh trong suốt một thời gian dài. Nét kiêu sa ấy đã được đánh thức, đã được thế giới nhận ra vào những năm 1990. Giờ đây, chúng tôi đang mong chờ ngày càng nhiều du khách đến với nơi này để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của Vịnh Hạ Long.”
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, phát biểu: “Hạ Long vốn đã là một điểm đến hấp dẫn với những du khách thích khám phá những nét văn hoá mới lạ, khác với những điểm du lịch đã quá quen thuộc như Thái Lan và Bali. Nhưng với việc Hạ Long được công nhận là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, ngày sẽ càng có nhiều du khách chọn Hạ Long làm điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá khu vực Đông Nam Á.”
Với hàng triệu người trên thế giới tham gia bình chọn từ năm 2007 đến nay, một điều không thể nghi ngờ là danh sách 7 kỳ quan cuối cùng được chọn đích thực là những thắng cảnh nổi tiếng nhất và được nhiều người yêu thích nhất.
Với những nét đặc sắc của một vùng non nước hữu tình, Hạ Long là một điểm đến hàng đầu của Việt Nam. Nếu như năm 2005, vịnh Hạ Long đón khoảng 1,5 triệu lượt khách thì đến năm 2010 đã đạt hơn 2 triệu lượt, 9 tháng đầu năm 2011 đã có trên 2,1 triệu lượt khách đến vịnh Hạ Long, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm. Ước tính có 5,4 triệu du khách đến với Hạ Long trong năm 2011, trong đó có 2,5 triệu du khách nước ngoài.
Mặc dù chưa ai ước tính được lượng khách du lịch đến với Hạ Long sẽ tăng đến mức nào sau khi Hạ Long được công nhận là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, rất nhiều người vẫn kỳ vọng lượng khách du lịch vào Việt Nam tăng rõ rệt, đặc biệt là lượng du khách quay trở lại Hạ Long để được hơn một lần trải nghiệm những điều kỳ thú nơi đây.
…và trách nhiệm
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đến Hạ Long, ngoài sự xúc động, tự hào đã suy nghĩ đến việc giữ gìn vẻ đẹp của kỳ quan này cho thế hệ mai sau: “Vịnh Hạ Long đúng là một kỳ quan của thế giới. Ta có trách nhiệm gìn giữ tôn tạo, giới thiệu kỳ quan của đất nước cho du khách cả thế giới”.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng từng viết: “Các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau phải làm hết sức mình để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị tuyệt vời của vịnh Hạ Long. Để vịnh Hạ Long không chỉ là điểm đến của nhân dân ta khắp mọi miền đất nước, mà còn là điểm hẹn của bạn bè khắp nơi trên thế giới".
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế có liên quan, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vịnh Hạ Long đã có những bước chuyển biến căn bản, các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh đã dần dần đi vào nề nếp, giá trị của Di sản ngày càng được bảo tồn tốt hơn, chất lượng môi trường, cảnh quan được bảo vệ, các hành vi xâm hại đến di sản ngày càng được hạn chế, là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị Vịnh Hạ Long cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là mỗi người dân và du khách. Trong thời gian qua, các cấp bộ, ngành như Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long… đã có những hoạt đông tích cực quảng bá, chủ động nhằm bảo tồn, xây dựng và phát triển những giá trị tiềm năng, giá trị du lịch của di sản thiên nhiên thế giới đặc sắc này. Song, để công tác này đạt hiệu quả sâu rộng hơn nữa chúng ta cần nâng cao nhận thức cho toàn bộ tầng lớp nhân dân, tất cả cùng chung tay hết sức bảo tồn, xây dựng Vịnh Hạ Long. Khai thác giá trị về du lịch của kỳ quan phải có tổ chức và thật khoa học, song hành với việc bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo các giá trị đó.
Để phát triển ngành du lịch xanh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, và có trách nhiệm cho mai sau, trong những năm tới, các cấp, ngành cần phải đẩy mạnh các giải pháp để mãi giữ cho Hạ Long một vẻ đẹp “huyền bí” và “thơ mộng”:
Tổ chức đồng loạt các hoạt động tuyên truyền; kiểm soát tác động của các hoạt động kinh tế; xây dựng thể chế chính sách và tổ chức thực hiện; quảng bá, khai thác và tôn vinh giá trị Di sản vịnh Hạ Long.
Công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan trên Vịnh Hạ Long cần tăng cường triển khai, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện môi trường, tập trung xử lý cơ bản những vấn đề liên quan đến môi trường để bảo vệ những giá trị đặc biệt của Vịnh Hạ Long; cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực về địa chất, địa mạo, sinh vật biển, về các tài nguyên trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời, kết hợp kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước để làm tốt hơn công tác bảo tồn giá trị di sản vịnh Hạ Long. Đặc biệt quan tâm đến các đơn vị hoạt động khai thác du lịch trên Vịnh, nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của đối tượng này trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan hiện có của Vịnh; đồng thời, thông qua họ, hướng dẫn cho du khách khi đến tham quan Vịnh Hạ Long nâng cao trách nhiệm của mình đối với di sản - kỳ quan thiên nhiên.
Xây dựng cơ chế quản lý Vịnh Hạ Long một cách khoa học, có trật tự, góp phần tôn vinh những giá trị nổi bật của Vịnh Hạ Long. Cùng với đó cần phải có chế tài xử lý nghiêm với những hoạt động vi phạm, ảnh hưởng đến giá trị di sản. Công tác quản lý, đón tiếp, phục vụ du khách và đảm bảo an toàn cho khách thăm Vịnh chu đáo tạo ấn tượng tốt, tổ chức lại khâu dịch vụ sao cho khoa học để đạt hiệu quả cao hơn.
Mỗi người dân cũng cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, tự giác tham gia góp sức vào công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển vịnh Hạ Long, bằng những hành động bảo vệ cảnh quan Vịnh, giữ gìn vệ sinh môi trường… đồng thời quảng bá hình ảnh Vịnh với bạn bè trong nước và quốc tế.
Có thể nói, việc Hạ Long nằm trong top 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới là kết quả có hậu, là sự tưởng thưởng kịp thời cho nỗ lực tổ chức cuộc bình chọn do Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh phát động, với hàng ngàn cuộc bầu chọn rầm rộ, thu hút hàng triệu người Việt Nam trong và ngoài nước tham gia. Nhưng việc Hạ Long có thêm danh hiệu mới thực sự chưa phải là chiến thắng ngọt ngào, thậm chí còn đặt ra nhiều áp lực mới cho công tác quản lý khai thác đối với thắng cảnh vốn đã rất nổi tiếng này.
Thực tế thế giới đã có những bài học cay đắng, nhãn tiền kiểu khai thác di sản chỉ dựa trên danh tiếng. Đó là trường hợp Indonesia, vì quá ưu tiên cho du lịch đã để mất dần bản sắc văn hoá của thắng cảnh Bali. Tương tự là Thái Lan, cố đô Authaya nguy nga tráng lệ 600 tuổi vốn được xếp hạng Di sản văn hoá thế giới từ rất sớm, hiện đang có nguy cơ bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới vì kiểu khai thác du lịch tận thu…
Giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đã vượt ra khỏi phạm vi đất nước, các vấn đề quản lý, bảo tồn, phát huy Di sản đã vượt ra khỏi phạm vi một tỉnh, vì vậy, con người Hạ Long nói riêng, con người Việt Nam nói chung có trách nhiệm rất cao cả, nặng nề. “Cùng với các Di sản thế giới khác trong cả nước như Di sản quần thể kiến trúc Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Di sản thế giới Vịnh Hạ Long chắc chắn mãi mãi là nơi lưu giữ và phát huy, khai thác những giá trị to lớn và vô giá về khoa học cùng những điều kỳ thú thiên nhiên cho đất nước và nhân loại.
Thu Hà - Văn Tuân

Phía sau hào quang kỳ quan
Không thể phủ nhận Vịnh Hạ Long xứng tầm “kỳ quan có một không hai", nhưng chắc hẳn viên ngọc này sẽ không còn lấp lánh nếu như không có một cách ứng xử mới mang tính đột phá trên góc độ bảo vệ môi trường...
Những con số kêu cứu
Theo báo cáo của đề tài "Nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường và đề xuất các giải pháp quản lý bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long" của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, với trình độ phát triển như hiện nay, mỗi năm vùng Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long tiếp nhận khoảng 43 nghìn tấn COD; 9 nghìn tấn BOD; khoảng 135 tấn kim loại nặng. Đây là những chất ô nhiễm có hại cho sinh vật trong nước và hệ sinh thái nước.
Điều đáng lo ngại nữa là việc quản lý, kiểm soát các nguồn ô nhiễm này lại chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết các nguồn ô nhiễm chưa được xử lý trước khi xả ra môi trường. Các chất ô nhiễm vào Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long qua hai đường chính là rửa trôi các nguồn ô nhiễm trên đất liền qua hệ thống sông, suối, lạch đưa ra Vịnh và đổ trực tiếp 100% các chất ô nhiễm vào Vịnh. Nguồn thải này có từ các hoạt động dân cư, khách du lịch, nuôi thủy sản ở khu vực sát đường bờ biển hoặc trên mặt nước Vịnh và đổ bùn thải trong Vịnh
Mặt trái của khai thác than
Nói đến Quảng Ninh, bên cạnh địa điểm du lịch nổi tiếng là vịnh Hạ Long, người ta cũng tự hào về vùng đất mỏ ngày đêm hoạt động không ngưng nghỉ. Năm 2009, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt sản lượng than tăng hơn 5 lần so với năm 1995 (với 43,5 triệu tấn). Trong năm 2010, kế hoạch của TKV sẽ khai thác với sản lượng than lên tới 47,5 triệu tấn. Với tốc độ khai thác than quá "nóng" như hiện nay đang gây ra những vấn đề về môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, khi khai thác than hầm lò đã phải xuống sâu hàng trăm mét. Và chính hoạt động khai thác này đang làm môi trường xung quanh đặc biệt là Vịnh Hạ Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều thống kê cho thấy, đất đá đổ thải ra hàng năm do quá trình khai thác than vào khoảng 200 triệu m3/năm, tạo thành các bãi thải lớn, có thể cao tới 200 - 250m, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở và rửa trôi đất đá. Nước thải từ khai thác, chế biến than hàng năm khoảng 20 triệu m3 gây ô nhiễm môi trường nước tiếp nhận. Thực tế đáng buồn là nước biển khu vực Nam Cầu Trắng, Hạ Long thường bị nhuộm đen do hoạt động chế biến và vận chuyển than.
Dịch vụ “lấn biển"
Là khu vực phát triển kinh tế năng động của vùng Đông Bắc, Quảng Ninh thu hút nguồn nhân lực trong cả nước đến cư trú làm việc. Chính sự gia tăng dân số cơ học dẫn tới sự quá tải không gian tự nhiên. Lấn biển để xây dựng hạ tầng, dân cư, công nghiệp là vấn đề khó tránh khỏi để phát triển đô thị ở Hạ Long và các huyện ven biển. Ngoài ra, chính hoạt động xây dựng hạ tầng thời gian qua, đặc biệt tại khu vực TP Hạ Long, Cẩm Phả đã gây ra hiện tượng rửa trôi đất đá, đẩy bùn ra vùng ven bờ do san lấp mặt bằng, gây đục nước biển cũng như phá huỷ các bãi triều, hệ sinh thái rừng ngập mặn vốn là nơi cư trú, sinh sản của các sinh vật biển.
Hiện nay, số lượng các nhà bè và tàu thuyền neo đậu trong khu vực di sản Vịnh Hạ Long vài năm gần đây tăng nhanh với tốc độ chóng mặt. Hoạt động của các nhà bè cũng rất đa dạng với mục đích kinh doanh và làm dịch vụ vận chuyển và nuôi trồng thủy sản. Về mặt cảnh quan, các nhà hàng nổi lô nhô, giăng kín mặt nước đã làm xấu đi giá trị và nét đẹp của di sản. Chính những bất cập này, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đưa đón khách du lịch tham quan Vịnh, nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn cao.
HẢI THANH



Cần gìn giữ nét đẹp làng chài
Với cách tiếp cận làm du lịch mới, những ngư dân này đang góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng thu hút rất nhiều du khách và làm đẹp thêm cho vùng biển Hạ Long.
Làng chài Cửa Vạn có nguồn gốc từ hai làng chài cổ là Giang Võng và Trúc Võng, nay thuộc địa phận phường Hùng Thắng (TP Hạ Long). Cửa Vạn hiện là nơi sinh sống của khoảng 176 hộ, với trên 750 nhân khẩu, hầu hết sống bằng nghề chài lưới. Hơn nữa, đây là khu vưc rất đặc biệt, bởi còn là trung tâm văn hoá nổi của cộng đồng, được phát triển theo hướng bảo tàng sinh thái xây dựng lần đầu tiên trên biển ở Việt Nam và trên thế giới.
Ngư dân Hạ Long vốn có những nét độc đáo riêng. Ngôi nhà của họ thường lênh đênh ra khơi, vào lộng theo mùa vụ đánh bắt hải sản. Từ cuộc sống mưu sinh vất vả, lúc buồn vui, khi giao lưu sớm tối, kết bạn, lấy vợ gả chồng và cả khi tổ chức lễ tết, hội hè….chính là nguồn gốc ra đời của những làn điệu hát giao duyên đằm thắm, những phong tục tập quán mang đậm sắc thái văn hoá của một vùng biển.
Đến du lịch Cửa Vạn, người ta dễ dàng bị cuốn hút trước vẻ đẹp của những ghe thuyền, những chiếc mủng tre đậu trước nhà, những ngôi nhà kèo cột chống giông bão, những ngư dân giản dị, chất phác. Khách du lịch còn say sưa với thú vui ngắm chim trời, cá biển và tham gia các sinh hoạt bình dân của người dân. Vào ngày hội, hay có đám cưới, những dân chài cùng nhau hát ghẹo, hát chèo đường (một hình thức diễn xướng với nhiều làn điệu dân ca đặc hữu vùng Hạ Long).
Có một loại hình du lịch mà rất nhiều du khách thích thú khi đến thăm làng Cửa Vạn là thú câu mực đêm để có thể cảm nhận hết vị mặn mòi của biển và cuộc sống phóng túng nơi đây. Sau khi câu mực, khách có thể nghỉ đêm tại các gia đình ngư dân, thưởng thức đặc sản từ biển.
TỨ MINH




Ý kiến
Du lịch Hạ Long hiện đang được khai thác rất đơn giản, mạnh ai nấy làm, chưa có sản phẩm mới. Với việc vịnh Hạ Long lọt vào 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, chúng ta không tự thỏa mãn. Tư duy tổ chức dịch vụ du lịch ở Hạ Long cũng phải thay đổi, dịch vụ không thể đơn giản như hiện nay, nó vừa cạnh tranh không lành mạnh vừa thiếu liên kết, không tạo ra được hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Tuấn , Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Nói về những thắng cảnh của di sản thế giới, đây thật sự xứng đáng với sự thừa nhận và tôn vinh là di sản, không muốn nói quá một chút rằng Vịnh Hạ Long là "Kỳ quan Thế giới thứ tám" của thế giới. Ông BoaChenaKi, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới - UNESCO.
Hiệu quả thực sự của việc bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long và nâng cao khả năng tái đề cử Di sản thế giới dưới tiêu chí của UNESCO phụ thuộc vào chính sự quản lý của chính quyền địa phương. Ông Jady Smith, Giám đốc dự án Hỗ trợ đa dạng sinh học biển, Tổ chức bảo tồn Động thực vật quốc tế
Không giống một số điểm du lịch khác, Vịnh Hạ Long không phải là nơi mà bạn chỉ đến một lần. Trong suốt 7 năm qua, tuần nào tôi cũng có những chuyến công tác trên Vịnh nhưng trải nghiệm của mỗi lần đều khác nhau. Hạ Long luôn mới mẻ, luôn đem lại những xúc cảm bất ngờ và khác lạ. Giờ đây, chúng tôi đang mong chờ ngày càng nhiều du khách đến với nơi này để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của Vịnh Hạ Long. Ông Kurt Walter, Tổng giám đốc Tập đoàn Apple Tree
Yêu mến vịnh Hạ Long, chúng ta hãy nhanh chóng làm ngay những việc cần thiết để vịnh Hạ Long luôn hấp dẫn du khách gần xa. Đây là một nguồn thu rất lớn của quốc gia mà chúng ta chưa khai thác hết. Rất nhiều du khách các nước đến đây đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp có một không hai của vịnh Hạ Long. Nhưng người ta cũng than phiền việc xây dựng đang có biểu hiện xâm lấn cảnh quan; tàu bè để chảy dầu loang lổ ra mặt nước; kinh doanh du lịch thiếu tính chuyên nghiệp... Nguyễn Hoàng Duy, Hà Nội
Nguồn: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/BAICHU/2011/12/CE78150C34AC1DFB/