Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

19.Hiện tượng nhân vật nữ tu tập Phật giáo trong truyện cổ dân gian Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á lục địa

Quan sát nhóm truyện cổ dân gian mang màu sắc Phật giáo của Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á lục địa, chúng tôi nhận thấy hình tượng nhân vật nữ tu tập theo đạo Phật là một trong những hiện tượng đáng quan tâm. Thông qua nghiên cứu so sánh nhóm nhân vật này trong truyện cổ dân gian Việt Nam và một số nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, chúng ta có thể thu được những kết quả khoa học thiết thực trên các bình diện văn học, văn hoá và tôn giáo.
        Hiện tại, Phật giáo đã trở thành một thành tố tâm hồn của người Việt Nam, văn học Phật giáo không tồn tại độc lập, không hình thành một dòng riêng mà hoà vào nguồn chung của văn hoá, văn nghệ dân tộc. Từ những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu văn hoá-văn học dân gian như Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên… đã đề cập khá nhiều về vấn đề ảnh hưởng của Phật giáo trong truyện cổ dân gian nước nhà thông qua các công trình: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (1957-1982), Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện “Tấm Cám” (1963), Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ (1964), Văn học dân gian Việt Nam (1972-1973), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (1974),… Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, trên cơ sở kế thừa những thành quả quý báu của những nhà nghiên cứu đi trước kết hợp với những lý thuyết khoa học tiên tiến, lực lượng nghiên cứu ngữ văn, văn hoá và tôn giáo khá hùng hậu đã đi tiếp những bước khơi sâu hơn, đề xuất những đường hướng mới mẻ hơn trong việc tiếp cận đối tượng qua nhiều sách và bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành: Phật giáo với văn học Việt Nam (1992) của Nguyễn Duy Hinh; Cảm quan Phật giáo trong truyện cổ tích Việt Nam (1994) của Nguyễn Hữu Sơn - Lại Phi Hùng; Thử phân tích vài biểu hiện của đặc điểm nhân ái trong truyện cổ tích Việt Nam (1996) của Nguyễn Hải Triều; Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif (2001) của Nguyễn Tấn Đắc; Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam (2003) của Giác Dũng; Đặc điểm nhân vật truyện cổ và việc “hiện đại hoá truyện cổ dân gian” (2004) của Lê Tiến Dũng; Truyện cổ dân gian Việt Nam về Phật giáo nhìn từ góc độ loại hình (2005) của Đỗ Văn Đăng… Nhìn chung, các chuyên gia đầu ngành văn học dân gian Việt Nam chủ yếu nhìn nhận trên đại thể bản chất tư tưởng Phật giáo trong truyện cổ dân gian Việt Nam cũng như quá trình nhân dân ta khẳng định bản sắc dân tộc qua sự tiếp biến, bản địa hoá tôn giáo ngoại lai. Đặc biệt, khi nói đến truyện cổ dân gian Việt Nam mang màu sắc Phật giáo, các nhà nghiên cứu thường đề cập nhiều nhất về vấn đề nhân vật. Trong đó, đáng lưu ý là hình tượng nhân vật Bụt. Các tác giả thống nhất nhận định Bụt thuộc loại nhân vật trợ thủ, đóng vai trò phân biệt đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu, hay giúp đỡ người lành, là sự hoá thân, sự hiện thực hoá cái thiêng liêng của sự sống, cái đẹp và cái thiện. Quan sát nhóm truyện cổ dân gian mang màu sắc Phật giáo của Việt Nam và một số nước khác ở Đông Nam Á lục địa(1), chúng tôi nhận thấy hình tượng nhân vật nữ tu tập theo đạo Phật là một trong những hiện tượng đáng quan tâm. Thông qua nghiên cứu so sánh nhóm nhân vật này trong truyện cổ dân gian Việt Nam và một số nước như Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, chúng ta có thể thu được những kết quả khoa học thiết thực trên các bình diện văn học, văn hoá và tôn giáo.
1. Hiện tượng những nhân vật nữ thực hành giáo lý nhà Phật được kể như những tấm gương mộ đạo đáng ngợi ca trong truyện cổ dân gian một số nước ở Đông Nam Á lục địa theo Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo dòng Theravada)
Xét ở khía cạnh hướng Phật, sùng đạo và tu tập tại gia theo tôn chỉ của đức Phật, chúng ta thấy các nhân vật nữ trong truyện cổ dân gian ở các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma góp mặt khá đông đảo với những ấn tượng khó quên. Một người phụ nữ nghèo hèn, dốt nát đi viếng chùa nhưng không biết lấy một câu niệm Phật, bèn hỏi một cô gái quỳ bên cạnh. Cô gái xấu nết xui chị ta cứ việc nói “đi đến, đi đến” là được. Người đàn bà đốn củi nghe thế tưởng thật luôn miệng niệm “đi đến, đi đến”. Thần rắn trấn giữ cửa chùa cảm động sự thành tâm ấy bèn tặng cho chị ta nhiều châu báu quý (truyện Lợi ích của việc lần tràng hạt - Myanma). Một người mẹ già yếu bị con trai nghe lời vợ trói vào một gốc cây giữa rừng. Lũ cọp đến định ăn thịt bà cụ. Thần cây me can chúng và ngoái mũi thử xem bà cụ là người thế nào. Bị thần cây ngoái mũi, bà cụ hắt hơi và liên tục kêu “Bồ tát, Bồ tát”. Thấy vậy, thần cây sai lũ cọp cởi trói và tặng bà cụ một hũ vàng (truyện Thần cây ngoái mũi - Myanma). Nàng Visakha là một tín nữ Phật giáo thuần thành. Nàng đã giúp người bố chồng tham lam, bần tiện, tàn nhẫn thấm nhuần giáo lý của đức Phật và xin thọ giáo bậc Thế Tôn (truyện Nàng Visakha – Campuchia). Nàng Phi kool Thong (Công chúa Sen vàng) là một phần thưởng mà Trời Phật dành cho đức vua và hoàng hậu nhân từ, tích nhiều công đức. Từ nhỏ, công chúa không hề cắn móng tay hay co chân đạp lên đầu. Đặc biệt, nàng luôn chắp tay trước ngực. Phi kool Thong lớn lên xinh đẹp tuyệt trần, mỗi lời nói, mỗi bước đi của nàng đều tỏa ra những bông sen vàng bay khắp nơi xung quanh. Nhờ tấm lòng thuần hậu, coi trọng Phật pháp mà nàng được nữ thần biển cả giúp đỡ, vượt qua hoạn nạn, sống hạnh phúc bên một vì vua trẻ (truyện Công chúa Sen vàng – Thái Lan). Tiểu thư Thuđamma Sari ở Mađari (Myanma), con quan tể tướng, là người uyên bác, tinh thông luật lệ, thuộc làu kinh điển. Nàng nhớ rất rõ và hiểu biết tất cả ý nghĩa tinh thần của mười điều luật dành riêng cho hoàng tử, nhớ rõ năm điều luật Jilax trong kinh Phật. Tất cả những sách vở triết học và luân lý cũng không hề xa lạ với nàng. Tiếng tăm lừng lẫy của nàng ai cũng biết và mọi người dù có địa vị quan trọng đến đâu, dù ở bất cứ đâu trên thế gian này cũng đến nhờ nàng phân xử hộ những vụ khó khăn, phức tạp. Chỉ bằng một câu chuyện, tiểu thư Thuđamma Sari đã tìm ra thủ phạm lấy cắp túi vàng trong khi trước đó các quan toà cùng triều thần trong nước đều bó tay, bí lối (truyện Bốn chàng Bà la môn hay Bốn thầy tu và túi vàng)… Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Ấn nhưng cách đánh giá và nhìn nhận vị trí và vai trò người phụ nữ của nhân dân các nước Đông Nam Á lục địa nói trên có nhiều khác biệt so với xứ sở Phật Đà. Như chúng ta biết, tại điều 148, bộ luật Manu của Ấn Độ ghi rõ: phụ nữ khi còn bé phải theo cha, còn trẻ phải theo chồng, chồng chết phải theo con(2). Mặc dù trong luật Pàli, luật Tứ phần và luật Ngũ phần, Đức Phật từng khẳng định tỳ kheo ni có khả năng chứng quả A La Hán và trong kinh Thiện Sanh, bậc Thế Tôn cũng từng dạy rằng chồng phải thương yêu, kính trọng, chu cấp cho vợ nhằm mục đích khẳng định cái nhìn công bằng của Phật giáo đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, qua hơn năm trăm câu chuyện kể về các kiếp sinh của đức Phật (tức Bổn sinh kinhJataka), chúng ta thấy, có rất nhiều truyện xuất hiện những nữ nhân với bản chất xấu xa, đầy rắc rối và hệ luỵ, nếu không phải là những kẻ phản trắc, gian tham thì xét từ giác độ tự nhiên của giống loài, họ cũng thuộc về những đối tượng nam giới nên tránh càng xa càng tốt mới có thể tinh tấn trên con đường giác ngộ Phật pháp. Thêm nữa, qua những dẫn chứng nêu ở trên, cùng với những nhân vật nữ khác như hình ảnh cô gái ngoan hiền, nết na trong các truyện Cô gái hiếu thảo của Miến Điện, Nàng Tèng On của Lào hay hình ảnh người mẹ đau khổ trong truyện Con cá vàng của Thái Lan, rồi người vợ tuyệt vời trong truyện Người vợ đức hạnh của Campuchia, đến hình ảnh những bậc mẫu nghi thiên hạ đúng mực như hoàng hậu Maha Maya trong truyện cùng tên, hoàng hậu vợ đức vua Sanuray trong truyện Công chúa sen vàng của Thái Lan… có thể thấy một cái nhìn đầy trân trọng đối với người phụ nữ. Có thể nói, mặc dù chịu ảnh hưởng đặc biệt sâu đậm của tư tưởng Phật giáo chính thống từ hệ thống thiết chế nhà nước đến các giềng mối gia đình và quan hệ xã hội nhưng nhân dân các dân tộc Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma vẫn dành cho nữ giới một tình cảm yêu thương, kính trọng, một vị trí khá quan trọng trong đời sống xã hội. Trong cuộc gặp gỡ giữa đạo lý dân gian với tinh thần tôn giáo, những nét đẹp truyền thống của dân tộc bao giờ cũng được bảo lưu. Trước những giới hạn chật chội, khắt khe của những thuyết lý chính trị và tôn giáo, nhân dân bao giờ cũng cố gắng nới lỏng những trói buộc, khai mở một cái nhìn phóng khoáng, thuận tình, hợp lý trên cơ sở đạo lý và nhân nghĩa ở đời. Với mô hình chính trị - xã hội - văn hoá - tôn giáo mô phỏng gần như toàn bộ từ Ấn Độ, việc dành cho người phụ nữ một sự nhìn nhận tương đối khách quan ở các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma là điều rất đáng quan tâm.
2. Hiện tượng những nhân vật nữ tu hành đắc đạo trong truyện cổ dân gian Việt Nam là một nét hết sức độc đáo so với truyện cổ dân gian của các nước khác ở Đông Nam Á lục địa
Nếu xét ở góc độ tu tập chính thống, xuất gia đầu Phật, quy y tam bảo, trai giới thanh tịnh ở cửa chùa thì các nhân vật sư nữ gần như hoàn toàn vắng bóng trong truyện cổ dân gian các dân tộc Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma. Trong khi đó, người dân Việt Nam thường truyền tụng những câu chuyện về những sư nữ tu thành chánh quả như Thị Kính, Man Nương, Công chúa Ba… Có thể nói, nhân vật nữ tu theo đạo Phật và đạt đến quả hạnh cao nhất là một hiện tượng độc đáo trong truyện cổ dân gian Việt Nam. So với truyện cổ dân gian của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma, điểm khác biệt lớn ấy không chỉ thể hiện trên bề mặt cơ cấu về giới mà còn thể hiện ở chiều sâu đặc tính của nhân vật. Những công chúa Sen vàng hay nàng Visakha, tiểu thư Thuđamma Sari chỉ được miêu tả như những người mến mộ Phật pháp, giữ gìn giới luật, thường xuyên đi chùa cúng dường, lễ bái, sống đức hạnh, được mọi người yêu mến chứ chưa phải là người dấn thân vào đường tu, trở thành sư nữ như Thị Kính (truyện Quan Âm Thị Kính), Man Nương (truyện Man Nương), ni cô Lắm (truyện Sự tích đèo Phật Tử) hay công chúa Ba (truyện Quan Âm tái thế). Hơn nữa, những nhân vật nữ xuất gia tu hành trong truyện cổ dân gian Việt Nam không chỉ xuất hiện với thân phận những sư nữ bình thường mà phần lớn đều trở thành Phật Mẫu, Bồ tát Quan Âm, những nhân vật được tôn kính nhất trong Phật điện dân gian. Thị Kính mắc hai nỗi oan đau đớn và nghiệt ngã nhưng vẫn âm thầm chịu đựng, dốc lòng từ bi làm điều phước hạnh cảm động đến đức Phật, sau khi chết được Phật tổ phong làm Phật Bà Quan Âm. Phật Mẫu Man Nương vốn là một cô gái mồ côi cha mẹ, lại ngọng nghịu từ nhỏ nhưng có tâm hướng Phật, tu học ở chùa, vì âm dương cảm động mà thụ thai với sư Đồ Lê, bị miệng thế chê cười vẫn nhẫn nhục chịu đựng, hạ sinh đứa bé chính là hiện thân tứ pháp Phật của dân tộc Việt: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Ni sư Lắm vượt đường sá xa xôi đi tìm đất Phật, trải qua khổ ải vẫn giữ được chánh niệm nên đắc đạo trở thành Phật bà Quan Âm. Công chúa Ba từ bỏ cung vàng điện ngọc, lên chùa tu đạo, khi biết tin vua cha bị bệnh phong khó lòng qua khỏi, đã tự móc mắt và cắt chân tay mình chữa bệnh cho cha rồi hoá về Niết Bàn… Như vậy, tất cả những nhân vật nữ kể trên đều bước lên đài sen cao quý, trở thành vị Phật được kính ngưỡng và yêu mến nhất trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Vượt ra ngoài tính chất linh thiêng của Phật giáo, Phật bà Quan Âm trở thành chỗ dựa tinh thần hết sức gần gũi đối với nhân dân. Hình ảnh Phật Quan Âm mang tính nữ trong những câu chuyện cổ của dân tộc Việt gần với hình ảnh người mẹ hơn là một vị Bồ Tát hoá độ chúng sinh theo ý nghĩa tôn giáo. Trong truyền thống văn hoá Việt, người phụ nữ giữ một vị trí và vai trò hết sức quan trọng. Mặc dù chịu sự kiềm toả nặng nề của văn hoá Nho giáo phương Bắc nhưng dường như trong tâm hồn người Việt Nam luôn luôn dào dạt chảy một nguồn tình cảm đầy trân trọng và yêu mến đối với nữ giới, một phần do tâm thức Mẹ hình thành và in khắc sâu đậm từ trong tư duy nguyên thuỷ, một phần vì vai trò của người phụ nữ sớm hình thành trong lịch sử khởi nguyên của quốc gia, dân tộc cũng như trong đời sống gia đình và vẫn tiếp tục duy trì, phát huy qua các thời đại… Từ thơ ca dân gian đến các truyện tích, nhân dân ta luôn luôn dành sự ưu ái, thấu hiểu, bênh vực và đề cao vai trò người phụ nữ.
Hiện tượng nói trên có vẻ mâu thuẫn với vấn đề nhìn nhận thân phận người phụ nữ của nhân dân các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma được chúng tôi đặt ra ngay từ phần đầu của bài viết. Tuy nhiên, đây chính là hai mặt vừa mâu thuẫn vừa thống nhất trong truyện cổ dân gian mang màu sắc tôn giáo nói chung và truyện cổ dân gian mang màu sắc Phật giáo nói riêng: xu hướng thiêng liêng hoáxu hướng thế tục hoá, nhằm thực thi song song chức năng tôn giáochức năng phi tôn giáo. Điểm quan trọng đặc biệt cần chú ý là các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma có khuynh hướng lấy Phật giáo tập hợp quần chúng, thu phục nhân tâm. Vai trò chính trị của Phật giáo ở các nước Đông Nam Á theo Phật giáo dòng Theravada đặc biệt quan trọng. Nó thể hiện cụ thể trên mối quan hệ hai chiều giữa nhà nước và tổ chức Phật giáo. Hiện tượng Phật giáo gắn bó mật thiết với chính trị biểu hiện qua việc thần thánh hoá các quốc vương ở các nước này rõ hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Phật giáo được các dân tộc theo Phật giáo Tiểu thừa tiếp nhận một cách tự nhiên và có ảnh hưởng lớn lao cả trong đời sống của người dân cũng như thiết chế nhà nước và được xem là quốc giáo, không có tình trạng đối lập giữa văn hoá dân gian và văn hoá kẻ thống trị ngoại bang. Ở các quốc gia này, thanh niên được coi là người trưởng thành và được mọi người kính trọng nếu họ tu học ở nhà chùa ít nhất từ 6 tháng đến một năm. Sangha là cầu nối giữa nhà nước và quần chúng. Tăng đoàn đảm nhiệm chức năng giáo dục… Do chịu ảnh hưởng Phật giáo từ gốc, theo quan niệm Phật giáo chính thống của Ấn Độ, nhân dân các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma dù có quan tâm đến thân phận người phụ nữ vẫn chỉ dành cho họ một vị trí khá khiêm tốn trong tăng giới nên, phải chăng, việc Phật hoá hình tượng nhân vật nữ là một “cấm kỵ”? Mặc dù giữa đạo và đời có một khoảng nào đấy nhưng ở các nước Đông Nam Á theo đạo Phật Tiểu thừa thì người phụ nữ vẫn khó vượt qua thân phận đã được ấn định từ trong văn hoá mẫu gốc (Ấn Độ) để có thể bước lên toà sen, bước lên Phật điện như những Thị Kính, Man Nương, công chúa Ba của dân tộc Việt. Hơn nữa, văn học Ấn cũng phủ một ảnh hưởng bao trùm và xuyên suốt lên các nền văn học của những quốc gia này. Trong Tuyển tập văn học Campuchia, ở phần giới thiệu bộ phận văn học truyền thống, Vũ Tuyết Loan phân tích quá trình Phật hoá văn học Campuchia cũng như xu hướng Jataka hoá truyện cổ Campuchia sâu đậm đến mức: “[…] Văn học Campuchia thời kỳ này (thế kỷ XVI, XVII) nhiều lúc chỉ làm việc minh hoạ đơn giản cho giáo lý nhà chùa, bởi lẽ quan niệm nghiệp căn (Karma) của Phật giáo chi phối hầu hết các tình tiết cốt truyện”(3). Lưu Đức Trung, từ những năm 1989 đến 1999 đã chỉ ra những ảnh hưởng của Jataka vào văn học Lào, Thái Lan, Campuchia: “[…] Jataka vào Campuchia cuối thời kì Ăngco, ngày càng trở thành nguồn đề tài quan trọng của văn học. Tư tưởng Phật giáo trong Jataka có ảnh hưởng sâu đậm trong các tác phẩm văn học của Campuchia, xu hướng Jataka hoá ngày càng rõ nét trong truyện cổ, ngụ ngôn. Các nhân vật phần nhiều là hiện thân của đức Phật. Lối kết thúc truyện cũng giống như lối kết thúc trong Jataka, Jataka đến với Lào với cái tên Xattakhăm, phần nhiều truyện tiền kiếp của đức Phật trở thành nguồn chất liệu trong sáng tác của văn học Lào…”(4). Đó là lí do tại sao mặc dù giữa tư tưởng Phật giáo chính thống với tư tưởng nhân dân ở Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma có một độ chênh nhất định song vẫn không đủ tạo ra một “cuộc cách mạng” thay đổi hoàn toàn thân phận của người phụ nữ.
3. Một hiện tượng có vẻ nghịch lí là các nhân vật nữ trong truyện cổ dân gian các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma được miêu tả như những Phật tử thuần thành trong khi các sư nữ trong truyện của người Việt lại ít được chăm chút về sinh hoạt tu tập.
Tính hướng chuẩn thể hiện khá rõ nét trong truyện cổ dân gian các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma. Sinh hoạt tu tập của các nhân vật nữ trong truyện cổ dân gian của các nước này luôn được miêu tả chi tiết và được nhìn nhận như một chuẩn mực của đạo đức thế tục. Nàng Visakha  luôn thực hành đúng những lời dạy của đức Phật. Nàng rất coi trọng việc đi viếng chùa, cúng dường, lễ bái và bố thí. Nàng không những dẫn dắt bố chồng từ bóng tối ra ánh sáng mà còn là một Phật tử rất ngoan đạo. Nàng cúng dường cho nhà chùa rất nhiều. Nàng dùng số tiền rất lớn xây chùa và sắm sửa đồ dùng trong chùa, sau đó mời đức Phật về ngự (truyện Nàng Visakha – Campuchia). Dù là một công nương quyền quý nhưng hàng ngày công chúa Sen vàng vẫn thường đi lễ chùa với dân chúng như bao người bình thường khác. Nàng cũng thường xuyên bố thí cho người nghèo khổ, bệnh tật và dâng cúng thức ăn cho nữ thần biển cả (Công chúa Sen vàng – Thái Lan)… Cô gái trong truyện Vợ chồng chim sẻ của Myanma được miêu tả là một người mộ đạo, cung kính trước ba ngôi báu của Phật giáo - một  mẫu hình lý tưởng truyền thống của thanh niên Myanma. Nhờ lòng thành tâm hướng Phật, thường xuyên cúng dường, lui tới cửa chùa lễ bái chư Phật mà nàng tái hợp với người chồng ở kiếp trước…Truyện Maha Maya của Thái Lan kể về nàng Maha Maya Lakhana, con gái vua Préas Ankana của xứ Tevalongka, là một công chúa tu đạo. Công chúa rất coi trọng việc bố thí nên được các thần ban cho một giỏ gạo không bao giờ cạn. Người bệnh từ khắp mọi nơi đến để nhận sự ban phước lành và chữa bệnh từ công chúa… Nàng được quốc vương Sihatanu xứ Kobeula-Bhosu xin cưới cho hoàng tử Suddhodana, về sau hạ sinh hoàng tử Gautama - hiện thân đại kiếp cuối cùng của đức Phật… Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng về việc miêu tả sinh hoạt tu tập của nhân vật nữ trong truyện cổ dân gian một số nước Đông Nam Á lục địa. Trong nguồn truyện cổ dân gian mang màu sắc Phật giáo của các nước này, sinh hoạt tu tập luôn đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc miêu tả của tác phẩm. Bàng bạc trong các truyện như: truyện Chàng Ro-thi-sen, truyện Cây cỏ may, truyện Sự tích ngôi đền Bantay Chmar, truyện Một kiếp luân hồi, Truyện Hoàng tử Vésandâr thành Phật, truyện Hình thỏ trên mặt trăng, truyện Sự tích ngày lễ Phchum ben (Campuchia), truyện Than Kho, truyện Pho tượng Phật bằng ngọc bích, truyện Khun Charng Khun Phaen (Thái Lan), truyện Sự tích nhật thực nguyệt thực, truyện Ba ông Khún và quả bầu kỳ lạ, truyện Vesandar, truyện Ba đoá hoa ngọc (Lào)… chúng ta đều thấy các nhân vật thực hành giáo lý hết sức hoan hỷ.
Phật giáo có một bề dày lịch sử phát triển thuận lợi và liên tục ở các quốc gia theo dòng Theravada, đến nỗi dường như việc tu tập theo lời dạy của đức Phật trở thành nếp sống thường nhật của mỗi người dân. Giữ gìn ngũ giới, cúng dường, bố thí, xây chùa tháp, đúc tượng Phật,…là những công việc tạo phúc đức không chỉ được coi như một nghĩa vụ mà trở thành nhu cầu, niềm hạnh phúc của mọi Phật tử. Sinh hoạt tu tập thường nhật của nhân dân đã in dấu sâu đậm lên truyện cổ. Trong bức tranh chung của sinh hoạt thực hành tôn giáo ấy, việc bố thí, cúng dường là một mảng màu đậm đà và bền bỉ, vừa là thước đo đạo hạnh của Phật chúng, vừa là chuẩn mực đạo đức và tiêu chí đánh giá nhân cách mỗi người dân. Việc mô tả vấn đề tu tập trong truyện cổ của các dân tộc này hết sức đậm đặc, phản ánh đúng thực tế văn hoá Phật giáo của họ. Bố thí là tiêu chí số một và xuyên suốt trong mọi biểu hiện lập công đức, là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu của nhân dân các nước theo Phật giáo. Đây là một hành động điển hình nhất của lòng từ bi, một trong hai hạnh cao nhất của Phật tử. Ở các nước theo Phật giáo Nam tông: Sri Lanka, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia…, tu sĩ theo chế độ khất thực hàng ngày gọi là khất sĩ hay tỷ kheo. Việc dâng thức ăn, quần áo cũng như những dụng cụ phục vụ sinh hoạt tu tập cho sư là một hoạt động diễn ra hằng ngày và hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá của người dân… Chính vì vậy, việc miêu tả hành động cúng dường, bố thí của các nữ Phật tử trong truyện cổ dân gian các nước này luôn là ưu tiên số một, trở đi trở lại trong phần giới thiệu nhân vật ở rất nhiều tác phẩm. Trong luận án Phó tiến sĩ khoa học triết học, Khlot - Thida nhận định rằng người Campuchia không màng lắm chuyện làm giàu, làm được nhiều của cải mang cúng dường cho chùa càng nhiều càng tốt, càng bố thí và cúng dường nhiều càng tích được nhiều phúc đức(5). Bên cạnh việc bố thí, niệm Phật cũng là một sinh hoạt thường nhật trong đời sống nhân dân các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma. Phật giáo dạy rằng chúng sinh khi cảm thấy tâm không yên ổn, sinh ra sợ hãi thì giữ vững Tám niệm (Bát niệm): niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Xã, Thiên,… thì sẽ giữ được tâm thanh tịnh. Trong Phật giáo cũng có khái niệm “Nhất tâm niệm Phật”, nghĩa là khi niệm danh hiệu Phật thì chỉ nghĩ đến Phật. Chuyện tiền thân đức Phật số 212, tiền thân Vattaka, kể về một kiếp của đức Phật là một con chim cun cút non chưa biết bay gặp nạn cháy rừng nhờ nhất tâm niệm công đức của chư Phật đã nhập Niết bàn trong quá khứ đã đẩy lui được ngọn lửa khoảng 16 tầm… Tình huống gây cười xoay quanh nhân vật người phụ nữ làm nghề đốn củi trong truyện Lợi ích của việc lần tràng hạt và nhân vật người mẹ nghèo khổ trong truyện Thần cây ngoáy mũi của Myanma ít nhiều thể hiện tập quán tu tập của nhân dân nước này… Tu tập để đạt đến trí tuệ thù thắng và siêu việt là một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của người tu theo đạo Phật. Điển hình và xuyên suốt những câu chuyện tiền kiếp của bậc Thế Tôn, song hành với lí tưởng từ bi bác ái là một trí tuệ sáng suốt như ngọn đuốc soi đường cho các hoá thân của Ngài tránh khỏi những hệ luỵ của cuộc đời. Nếu đức Phật thác sinh vào kiếp người thì đó là những chàng thanh niên nhanh trí, người thương gia sáng suốt hay vị đại thần hiền trí… Nếu đức Phật đầu thai vào kiếp vật thì chúng đều là những con vật có trí khôn tuyệt vời như con nai khôn ngoan, con cua thông minh, con khỉ mưu trí… Hiện tượng ngợi ca hai nhân vật nữ huyền thoại, Thuđamma Sari của Myanma và nàng Tăn Tay của Lào, có liên quan mật thiết đến vấn đề này… Như vậy, tập quán sinh sống gắn liền với thực hành giáo lý nhà Phật là một nét son văn hoá của cộng đồng các dân tộc Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanma. Do vậy, mặc dù không phải là những sư nữ tu chứng đạt quả hạnh cao trong Phật điện, các nhân vật nữ như nàng Visakha, công chúa Sen vàng, tiểu thư Thuđamma Sari hay vợ người đốn củi… vẫn được ngợi ca như những tấm gương sáng điển hình trong đời sống thế tục.
Truyện của người Việt rất hiếm thấy sự miêu tả sinh hoạt tu tập một cách khá tỉ mỉ và sinh động thể hiện chân tâm của người tu hành. Sinh hoạt tu tập trong truyện cổ dân gian của ta hầu như chỉ được miêu tả đại khái, giống như chính quan niệm đại khái, chỉ cốt giữ lấy cái tinh thần của những tôn giáo mà người dân Việt Nam tiếp thu từ bên ngoài. Ngay ở truyện kể về một nhân vật nhờ công đức lúc sống, sau khi chết được hoá thành Bồ tát, tác giả dân gian vẫn không miêu tả sinh hoạt tu tập của nhân vật một cách tương đối chi tiết và quy củ mà chỉ kể rằng: “[…] Buồn chán cho số phận éo le, một hôm nàng cải trang thành một chàng trai, nhân đêm tối bỏ nhà khăn gói ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi, cố tìm một chỗ trú ngụ, một nơi cho thật xa quê hương để xoá bỏ những ký ức đau xót. Sau cùng đến một tỉnh khác, ở đây có chùa Vân, nàng tìm đến xin gọt đầu quy y. Sư cụ không biết là gái bèn nhận cho làm tiểu, đặt hiệu là Kính Tâm. Sự đời đã tắt lửa lòng, từ đấy nàng yên tâm bạn cùng kinh kệ…” (Quan Âm Thị Kính). Truyện Sự tích ông bình vôi  kể về một cô gái con một nhà giàu có. Cô rất đẹp nhưng cũng rất kiêu, vì thế nên đến tuổi lấy chồng vẫn chưa có đám nào vừa ý. Nhưng rồi cô cũng lấy được chồng… Cô ghen chồng làm cho xóm giềng cau mặt vì những lời qua tiếng lại của họ. Cuối cùng hai người không vừa ý nhau và ly dị: “[…] Buồn bực vì chuyện duyên phận, cô bỏ đi tu. Cô xuất gia ở một ngôi chùa cổ trên núi gần hai mươi năm. Những con chim, những con thú rừng hầu như quen thuộc bóng dáng của người sư nữ. Hai mươi năm qua cô vẫn chưa đắc đạo. Một ngày kia cô quyết định sang Tây Trúc một phen để tìm cho ra lẽ…”. Truyện Sự tích chùa Trà Nồng kể về mối tình chàng Ếch với nàng Nồng. Do sự cấm đoán của mẹ cha nên chàng Ếch bỏ làng ra đi. Truyện kể rằng: “Chẳng ngờ, sau khi biết tin chàng bỏ làng ra đi, buồn rầu, nàng Nồng xin cha mẹ cho mình cắt tóc đi tu. Nàng lập một ngôi chùa trong vùng, ngày ngày tụng kinh niệm Phật để giữ trọn lời thề hẹn với người thương của mình. Ở nơi xa, chàng Ếch được tin, liền quay về. Thương và cảm phục người yêu đã giữ tròn lời hứa với mình, chàng liền xuất gia rồi lập chùa thờ Phật tại làng Đa Phước…”. Truyện về Phật bà chùa Hương cũng chỉ nói đến lòng thiết tha hướng Phật của công chúa Ba, không miêu tả rõ hơn những hành động thể hiện sự tu chứng của nhân vật... Như vậy, có thể thấy một sự khác biệt rất lớn trong nội dung miêu tả sinh hoạt tu tập của nhân vật nữ chính trong truyện cổ mang màu sắc Phật giáo của Việt Nam và truyện cổ mang màu sắc Phật giáo ở các nước bạn cùng khu vực. Trong khi nhân vật nữ trong truyện Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanma phần lớn coi việc tu tập như là một nguyện vọng chân chính với mục đích hướng thiện, tạo lập công đức thì các nhân vật nữ trong truyện cổ người Việt nói trên đi tu vì chán đời, vì hết tìm thấy niềm vui sống đời trần tục. Như vậy chẳng khác nào người dân quan niệm đường tu là con đường đoạn tuyệt với cuộc sống xã hội, lánh xa thế tục, chôn vùi phần đời còn lại. Quan niệm như thế rõ ràng rất “nghịch chuẩn”, rất tương phản với xu hướng “hướng chuẩn” trong thái độ và động cơ tu hành của nhân dân các nước cùng khu vực. Đặc biệt, ở hai truyện: Sự tích đèo Phật tửSự tích ông bình vôi, việc nhân vật nữ cất công đi tìm đất Phật để mau thành chánh quả phản ánh tâm lý thực dụng đồng thời thể hiện một cách nhìn hết sức sai lệch về bản chất của mục đích cũng như con đường tu hành chân chính. Hình phạt bi thảm dành cho người sư nữ kiêu căng và đố kỵ trong truyện Sự tích ông bình vôi thể hiện cái nhìn nghiêm khắc và thẳng thừng đối với những người tu hành phạm giới hạnh Phật giáo, nhất là vi phạm đạo đức thế tục: Người sư nữ độc ác dùng mẹo lừa lấy mạng hai mẹ con cùng tìm đường sang đất Phật đã nhận lấy cái kết cục thảm thương: rơi từ trên cây cao xuống tan xác, hoá kiếp thành bình vôi để cho người đời móc ruột… Những đặc điểm vừa nêu rất sát hợp với những nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi từ những thập niên 70-80 của thế kỷ trước. Trong công trình Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tác giả đưa ra hai khái quát khoa học đáng lưu ý: một là “hiện tượng khai thác đề tài tình duyên để chuyển tải ít nhiều tư tưởng có liên quan đến đạo Phật”; hai là “tuy loại truyện mang chủ đề tôn giáo chiếm số lượng ít, người Việt lại có khá nhiều truyện dường như là để cảnh giới người tu hành”(6). Do xuất phát từ thực tế văn hoá Phật giáo dân tộc, người Việt Nam có những hiểu biết cũng như cái nhìn về việc tu hành rất khác so với những nước theo đạo Phật Theravada ở Đông Nam Á. Hiện tượng này xuất phát từ tập quán và quan niệm sống của nhân dân. Nhân dân ta không coi việc tu tập là một lẽ sống. Điều dễ nhận thấy là ngay trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, người bình dân Việt Nam thể hiện rất rõ tâm tư khao khát cuộc sống trần tục, nhiều khi coi nó như một đối trọng với việc chay tịnh ở cửa chùa:
Ai lên Hương Tích chùa Tiên,
Gặp cô sư bác anh khuyên đôi lời.
Đem thân làm kiếp con người,
Tu sao cho trọn nước đời mà tu.
Hơn nữa, người dân xứ ta không thích gò bó. Với niềm ham sống, ham dấn thân trải nghiệm mọi buồn - vui, sướng - khổ trong cuộc đời, người ta coi việc tu hành là một sự trói buộc:
Đã đành cắt tóc đi tu,
Một ngày cửa Phật, mười thu cửa trần.
Đối với người Việt, thiết thực nhất là ăn ở hiền lành, sống đạo đức, lành thiện:
- Một câu nói ngay bằng làm chay cả tháng,
- Anh tu cho bạc tóc mai,
Sao bằng em lượm cành gai giữa đường.
- Tu chùa chẳng bằng tu nhà,
Ăn ở thật thà mới thật là tu.
Đặc biệt, người Việt quan niệm đạo làm người trước tiên phải giữ tròn chữ hiếu. Nếu không làm được điều đó thì đừng học đòi cảnh giới tu trì cao siêu, thoát tục:
- Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu chưa đền.
- Chuối chát măng chua, bốn mùa anh chịu khổ,
Em tu hành anh chỉ chỗ em tu.
Kìa trông hai vị Phật sanh,
Cha già mẹ yếu em bỏ đành đi tu?…
Từ trong nếp nghĩ, nhân dân ta đặt lẽ phải và đạo lí trong cách ứng xử, ăn ở lên trên mọi nhu cầu thoát tục, mọi quan điểm giáo điều. Người ta quan niệm đã có tâm lành thiện, sống nhân nghĩa đạo đức thì không nhất thiết phải gọt tóc vào chùa. Đã xuống tóc quy y, muối dưa kinh kệ thì tuyệt đối giữ cho tròn vẹn đạo hạnh. Quan điểm đen - trắng phân minh, thẳng thừng đối với việc tu hành tất yếu dẫn đến cái nhìn nghiêm khắc đối với những người xuất gia tu đạo. Suy cho cùng, cách nhìn đó cũng thể hiện mong muốn giữ vững chánh đạo, không chấp nhận sự pha tạp, nhiễu nhương làm mất uy nghiêm nơi cửa Phật.
Về vấn đề đức tin của người Việt đối với đạo Phật, từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, Le Royer, một linh mục người Pháp đã nhận xét: “[…] Dân chúng đàng Ngoài thông minh lịch sự và thuần hậu. Đem họ về với chúa Kitô không là việc khó, và họ không gắn bó lắm với chùa chiền, cũng không nể trọng sư sãi của các tà thần lắm…”(7). Vào đầu thế kỷ XX, sử gia Trần Trọng Kim cũng đề cập đến bản tính người Việt trong việc tiếp nhận các tôn giáo: “[…] Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái nhưng không nhiệt tín tôn giáo nào cả…”(8). Có thể coi đây là nét độc đáo của tính cách người Việt trong quá trình cọ xát và tiếp biến văn hoá ngoại lai.
Có thể nói, tinh thần Phật giáo Đại thừa (Phật giáo dòng Mahayana) kết hợp với lối tư duy mềm dẻo, thiết thực định hình trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc đã quy định nên ở truyện cổ dân gian mang màu sắc Phật giáo của người Việt đặc tính thế tục đậm đặc hơn rất nhiều so với nhóm truyện cùng loại ở các nước bạn cùng khu vực. Trong đó, đặc biệt nổi lên những khía cạnh độc đáo của văn hoá ứng xử của dân tộc qua việc đề cao vị trí người phụ nữ trong Phật điện dân gian cùng với cái nhìn lệch chuẩn về vấn đề tu hành cũng như thái độ khắt khe đối với những người nguyện dấn thân vào cửa Phật nhưng lại có những biểu hiện thối thất đạo hạnh. Trong khi đó, truyện cổ dân gian mang màu sắc Phật giáo của các quốc gia Đông Nam Á theo dòng chữ Phạn và theo Phật giáo Tiểu thừa lại mang đậm tính tôn giáo. Có thể nói, nhóm truyện này vẽ nên một bức tranh độc đáo, sinh động thể hiện bản sắc văn hoá Phật giáo đậm đà, trong đó từ vua quan đến thứ dân đều là những Phật tử nhiệt thành, tăng giới rất được tôn kính và sinh hoạt tu tập cũng như làm những việc lành thiện tích công đức đã trở thành nếp sống và nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Tinh thần Phật giáo cũng như thành kiến xa xưa của xã hội Ấn trong cách nhìn nhận thân phận người phụ nữ vẫn có sức chi phối rất lớn đến nội dung truyện cổ các dân tộc này.
Các khía cạnh đối sánh cho thấy xu hướng “hướng chuẩn” trong truyện cổ dân gian các quốc gia theo Phật giáo Theravada luôn có sự khác biệt, ít nhiều đối lập với xu hướng “phi chuẩn”, “nghịch chuẩn” trong truyện cổ dân gian Việt Nam. Cần thấy rằng sự đối lập ấy, về cơ bản, không có ý nghĩa đối kháng mà mang tính chất đa dạng trong chỉnh thể văn hoá khu vực - một sự thống nhất trong đa dạng1
____________
(1) Nguồn truyện phục vụ nghiên cứu đề tài chủ yếu được rút từ các tuyển tập sau đây:
- Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Quyển I và II. Nxb. Giáo dục, H, 2000.
- Ngô Văn Doanh: Kho tàng truyện cổ thế giới, Tập 1, - Châu Á. Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 1994.
- Ngô Văn Doanh: Truyện cổ Đông Nam Á - Campuchia. Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 1995.
- Ngô Văn Doanh: Truyện cổ Đông Nam Á - Lào. Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 1995.
- Ngô Văn Doanh: Truyện cổ Đông Nam Á - Mianma. Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 1995.
- Ngô Văn Doanh: Truyện cổ Đông Nam Á - Thái Lan. Nxb. Văn hoá - Thông tin, H, 1995.
- Lệ Như Thích Trung Hậu: Những truyện cổ Việt Nam mang màu sắc Phật giáo. Nxb. Tôn giáo, H, 2004...
(2) Theo Giác Dũng: Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam. Nxb. Tôn giáo, H, 2003, tr.35.
(3) Vũ Tuyết Loan: Tuyển tập văn học Campuchia. Nxb. Khoa học xã hội, H, 2003, tr.19.
(4) Lưu Đức Trung: Văn học Đông Nam Á. Nxb. Giáo dục, H, 1999, tr.12-13.
(5) Khlot - Thida: Bước đầu vận dụng quan điểm khoa học về tôn giáo để tìm hiểu vai trò Phật giáo ở Campuchia, (Luận án Phó tiến sĩ khoa học triết học, mã số 05.0.02), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1995, tr.126.
(6) Nguyễn Đổng Chi: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Quyển II, Tập IV-V). Nxb. Giáo dục, H, 2000, tr.1637.
(7) Dẫn theo Nguyễn Tấn Đắc: Văn hoá Đông Nam Á. Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2005, tr.261.
(8) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử  lược, Quyển I. Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.7.
http://vienvanhoc.org.vn/news/nghiencuulyluan/773/hien-tuong-nhan-vat-nu-tu-tap-phat-giao-trong-truyen-co-dan-gian-viet-nam-va-mot-so-nuoc-khac-o-dong-nam-a-luc-dia.aspx