NCBĐ-Sau
Hội nghị APEC ở Hololulu, Hội nghị cấp cao Đông Á ở Bali cũng như sau
bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Quốc hội Ôxtrâylia,
việc Mỹ chuyển trọng tâm chính sách ngoại giao sang khu vực châu Á-Thái
Bình Dương lập tức trở thành chủ đề nóng bỏng của dư luận. Dưới đây là
những phân tích của đai sứ Hứa Thông Mỹ, từng là đại diện của Xinhgapo
tại Liên hợp quốc, về vấn đề cũng như phản ứng của các nước trong khu
vực đối với sự thay đổi này.
Vấn đề thứ nhất: Rốt cuộc, Mỹ đã đưa ra kiến nghị gì?
Kiến nghị của Mỹ bao gồm 7 luận điểm sau:
Thứ
nhất, Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương hoặc cường quốc trong khu vực,
không phải là thế lực bên ngoài. Do đó, Mỹ có nghĩa vụ lâu dài đối với
khu vực, cũng sẽ lưu lại khu vực. Thứ hai, Mỹ chú trọng đến châu Á-Thái
Bình Dương hơn các khu vực khác. Việc này xuất phát từ nhận thức được
rằng trong thế kỷ 21, các nền kinh tế có sức sống nhất thế giới nằm ở
châu Á-Thái Bình Dương và thực lực kinh tế đang dần chuyển dịch từ
phương Tây sang phương Đông. Đồng thời, chỉ trong trường hợp kinh tế Mỹ
kết nối được với các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thì Chính quyền
Obama mới có thể thực hiện được mục tiêu kép là tăng xuất khẩu và tạo
việc làm. Thứ ba, sau khi rút quân khỏi Irắc và giảm quân ở Ápganixtan,
Mỹ sẽ tăng cường ảnh hưởng của quân Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Gần
đây, việc Mỹ quyết định cử thêm 250 binh sĩ thuộc lực lượng lính thủy
đánh bộ tới đóng tại Darwin (Bắc Ôxtrâylia), nâng số quân đóng tại đây
lên 2.500 người càng cho thấy dụng ý đó. Thứ tư, Mỹ sẽ tăng cường mối
quan hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mậu dịch, đầu tư
và thương mại. Mấy năm gần đây, Mỹ đã để rơi một góc thị phần tại đây
vào tay Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Ví dụ: Trước đây, Mỹ luôn
là đối tác mậu dịch lớn thứ hai của ASEAN và các nước thành viên tổ chức
này, nhưng hiện nay đã tụt xuống vị trí thứ ba hoặc thứ tư. Tuy nhiên,
trên phương diện số lượng hiệp định tự do thương mại song phương hoặc đa
phương ký kết với các nước châu Á, Mỹ chỉ đứng sau Trung Quốc, dẫn
trước EU. Thứ năm, Mỹ sẽ thổi sức sống mới vào quan hệ với các nước đồng
minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Philíppin. Thứ sáu, Mỹ sẽ sử dụng
Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm
công cụ chủ yếu để giảm bớt rào cản thương mại và đầu tư, thúc đẩy tương
tác kinh tế lẫn nhau tại châu Á-Thái Bình Dương. Thứ bảy, Mỹ đã nâng
tầm quan trọng của ASEAN. Gần đây, Tổng thống Obama đã tổ chức Hội nghị
thượng đỉnh thường niên lần thứ ba với nguyên thủ các nước ASEAN tại
Bali. Việc Obama mong muốn tiếp xúc với Mianma và khuyến khích Mianma
tiến lên trên con đường dân chủ là sự thay đổi mới mà mọi người mắt thấy
tai nghe.
Vấn đề thứ hai: Chính sách của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc?
Giới
truyền thông vốn thích những chủ đề có tính tranh cãi. Do đó, việc rất
nhiều phóng viên và bình luận viên lý giải chính sách của Mỹ là nhằm vào
Trung Quốc không có gì bất ngờ. Những lời nói ngày càng chống Trung
Quốc đến từ Chính phủ và Quốc hội Mỹ càng làm tăng thêm độ tin cậy của
quan điểm này. Kỳ thực, những lời nói đó là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của
cử tri trước cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ diễn ra vào tháng 11/2012. Tôi
tin rằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là “trò chơi được mất
ngang nhau”. Trung Quốc trỗi dậy không có nghĩa là Mỹ đi xuống. Tương
tự, tôi không cho rằng Trung Quốc coi việc Mỹ thực hiện chính sách “trở
lại châu Á” là gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc. Châu Á và khu vực
châu Á-Thái Bình Dương đủ lớn để dung nạp một Trung Quốc đang trỗi dậy
và một nước Mỹ phục hưng.
Trung Quốc trỗi dậy là không thể ngăn chặn
Tổng
thống Obama đã nhiều lần khẳng định kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy không
phải là chính sách của Mỹ. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh thêm rằng cho dù
dưới bất cứ chính quyền nào, Mỹ sẽ không thành công trong việc kiềm chế
hoặc gây trở ngại đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo tôi, xu thế
trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn chặn được. Một số người bạn
Trung Quốc của tôi ngờ rằng Mỹ đang thử xây dựng một liên minh chống
Trung Quốc, bao gồm các đồng minh và những nước dân chủ khác. Tôi không
cho rằng đây là chính sách của Tổng thống Obama, nhưng tôi thừa nhận có
một số người Mỹ muốn làm như vậy. Tuy nhiên, dù chính quyền tương lai
của Mỹ muốn làm như vậy, họ cũng sẽ không thành công. Lấy ASEAN làm ví
dụ, họ vĩnh viễn sẽ không gia nhập một liên minh như vậy. ASEAN không sợ
một Trung Quốc ngày một phồn vinh, lớn mạnh và có sức ảnh hưởng. ASEAN
đã thu được nhiều lợi ích từ sự phồn vinh của Trung Quốc, cũng kiên
quyết duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc. Nhưng ASEAN
cũng biểu thị một cách rõ ràng với Trung Quốc rằng chính sách láng giềng
thân thiện và phát triển hòa bình của họ đang được khảo nghiệm tại Biển
Đông.
Khi
ở Mỹ, tôi thường được hỏi rằng ASEAN có ủng hộ Trung Quốc không. Khi ở
Trung Quốc, tôi lại thường được hỏi rằng ASEAN có ủng hộ Mỹ không. Mỗi
lần như vậy, tôi đều trả lời: Điều quan trọng nhất của ASEAN là ủng hộ
ASEAN. Kỳ thực, trong đại gia đình ASEAN, một số thành viên tương đối
thân cận với Mỹ, một số thành viên khác lại tương đối thân cận với Trung
Quốc. Nhưng với vai trò của một tổ chức khu vực, ASEAN sẽ giữ thái độ
trung lập, không ủng hộ cường quốc này chống lại cường quốc kia. Mục
tiêu của ASEAN là giao lưu với tất cả những nước có lợi ích liên quan,
đưa những nước này vào một khung hợp tác để thúc đẩy hòa bình và ổn định
khu vực. Đây chính là nguyên nhân khiến ASEAN mời Mỹ và Nga tham dự Hội
nghị cấp cao Đông Á, cũng là nguyên nhân thúc đẩy ASEAN xây dựng quan
hệ đối tác đối thoại với các cường quốc chủ yếu của khu vực, gồm Mỹ,
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Niu Dilân và EU.
Tôi cũng không cho rằng Ấn Độ sẽ gia nhập liên minh chống Trung Quốc do Mỹ làm chủ đạo. Giữa Ấn Độ và Trung Quốc tồn tại một số bất đồng, hai bên cũng thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có rất nhiều lợi ích chung. Giống như Thủ tướng Ấn Độ M. Singh thường nói: Thế giới đủ rộng để dung nạp một Trung Quốc và một Ấn Độ đang trỗi dậy. Tôi tin rằng Ấn Độ sẽ tuân thủ di nguyện của Nehru, tìm kiếm con đường của mình trong thế giới.
Tôi cũng không cho rằng Ấn Độ sẽ gia nhập liên minh chống Trung Quốc do Mỹ làm chủ đạo. Giữa Ấn Độ và Trung Quốc tồn tại một số bất đồng, hai bên cũng thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có rất nhiều lợi ích chung. Giống như Thủ tướng Ấn Độ M. Singh thường nói: Thế giới đủ rộng để dung nạp một Trung Quốc và một Ấn Độ đang trỗi dậy. Tôi tin rằng Ấn Độ sẽ tuân thủ di nguyện của Nehru, tìm kiếm con đường của mình trong thế giới.
Vấn đề thứ ba: TPP có phải là công cụ Mỹ dùng để chống lại Hiệp định Tự do thương mại ASEAN+3 hay không?
Bắc
Kinh có một nhìn nhận thế này: TPP được Mỹ thiết kế nhằm chống lại Hiệp
định Tự do Thương mại ASEAN+3. Đây là một quan điểm sai lầm. Trước
tiên, TPP không phải do người Mỹ khởi xướng. Năm 1994, khi nhóm họp tại
Bogor, các nhà lãnh đạo APEC đã đưa ra tầm nhìn về tự do thương mại và
đầu tư tại khu vực Thái Bình Dương. Theo đó, tầm nhìn này được hoàn
thành trong các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế
đang phát triển vào năm 2020. Sau đó, Ủy ban tư vấn doanh nghiệp APEC đã
thuyết phục lãnh đạo các nước thành viên chấp nhận mục tiêu xây dựng
Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Năm 2002, ba nền
kinh tế nhỏ của APEC là Chilê, Niu Dilân và Xinhgapo bắt đầu đàm phán về
TPP, coi đó là phương pháp thực tế để đạt được mục tiêu FTAAP. Sau này,
Brunây cũng tham gia đàm phán về TPP. Phải tới năm 2008, Mỹ mới tham
gia đàm phán về TPP. Bên cạnh đó phải thấy rằng TPP là một hiệp định mở,
chỉ cần tự nguyện và có thể đạt đến trình độ mà TPP yêu cầu, bất cứ nền
kinh tế thành viên APEC nào cũng đều có thể đề nghị được tham gia. TPP
quy định sự tham gia của một nền kinh tế mới cần phải được sự nhất trí
của tất cả các thành viên hiện hữu. Năm 2004, khi mới bắt đầu, TPP chỉ
có 4 thành viên, hiện nay có 9 đối tác tham gia đàm phán. Tại Hội nghị
APEC ở Hololulu , Canađa , Nhật Bản và Mêhicô đã bày tỏ mong muốn gia
nhập TPP. Tôi hy vọng Trung Quốc cũng sẽ xem xét việc gia nhập TPP.
Trung Quốc không cần đợi tới khi nhận được lời mời. Khi nhận được sự ủng
hộ của 21 nền kinh tế thành viên APEC, TPP sẽ trở thành FTAAP, tầm nhìn
và mục tiêu Bogor sẽ thành hiện thực. FTAAP sẽ là khu vực mậu dịch tự
do lớn nhất thế giới. Thứ ba, Trung Quốc không nên nghĩ rằng Hiệp định
thương mại tự do ASEAN+3, Hiệp định thương mại tự do ASEAN+6 và TPP sẽ
bài trừ lẫn nhau. Xinhgapo cho rằng chúng sẽ bổ sung cho nhau. Chúng tôi
tin rằng tự do thương mại và đầu tư đem lại lợi ích cho tất cả các
nước. Do đó, chúng tôi ủng hộ tất cả những chương trình thúc đẩy tự do
hóa thương mại và đầu tư, cho dù nó là song phương, khu vực, liên khu
vực hay mang tính toàn cầu. Trên thực tế, một số cạnh tranh có thể giúp
đẩy mạnh tự do hóa kinh tế.
Kết luận
Trước
tiên, tôi cho rằng vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là
tích cực. Mỹ đã hỗ trợ gìn giữ hòa bình và ổn định cũng như có vai trò
trong sự phát triển về kinh tế, xã hội và chính trị của các nước trong
khu vực. Do vậy, tôi hoan nghênh chính quyền của Tổng thống Obama chuyển
trọng tâm tới châu Á-Thái Bình Dương. Vì Tổng thống Mỹ không thể làm
quá hai nhiệm kỳ, nên ông Obama cần tìm kiếm biện pháp nhằm chế độ hóa
sự chuyển dịch mang tính quy phạm này trong chính sách của Mỹ. Thứ hai,
sự phồn vinh của Trung Quốc đã mang tới sự tốt đẹp cho khu vực. Khi thực
lực và sức ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng, thế giới sẽ kỳ vọng
Trung Quốc có trách nhiệm lớn hơn đối với cộng đồng quốc tế. Tôi cũng
hi vọng Trung Quốc tiếp tục chính sách láng giềng thân thiện và nghiêm
túc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. Thứ ba, ASEAN không hy
vọng nhìn thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai
nước dù vẫn tồn tại những bất đồng lớn, nhưng cũng có rất nhiều lợi ích
chung. Vì vậy, cách làm thông minh là khi nhất trí về lợi ích thì tiến
hành hợp tác với nhau, khi không nhất trí về lợi ích thì cạnh tranh với
nhau. Mỹ và Trung Quốc nên xử lý bất đồng bằng biện pháp mang tính xây
dựng. Việc coi nhau là địch thủ, tiến hành cạnh tranh theo kiểu trò chơi
được mất ngang nhau không phải là lựa chọn sáng suốt.
Báo Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo) ngày 5/12
Viết Tuấn (gt)