Buôn chính trị
Ở phương Đông, Lã Bất Vi thời Chiến
Quốc nổi tiếng với thuật "buôn vua". Khi trông thấy Tử Sở đang làm con
tin của nước Tần ở nước Triệu, Lã Bất Vi thốt lên: "Món hàng này lạ, có
thể buôn được đây!". Nhờ vào mưu lược "rải vàng lót ổ" của ông, sau này
Tử Sở đã trở thành vua nước Tần (Trang Tương Vương), còn Lã Bất Vi được
trả ơn bằng chức Thừa tướng và được sắc phong là Văn Tín Hầu, được ăn
thuế mười vạn hộ ở Hà Nam, Lạc Dương. Trang Tương Vương làm vua được ba
năm thì mất. Thái tử là Chính lên ngôi, gọi là Tần vương Chính - tức Tần
Thủy Hoàng sau này, đã tôn Lã Bất Vi làm tướng quốc, gọi là trọng phụ.
Còn ở phương Tây, đầu tư vào các cuộc
tranh cử cũng không phải là chuyện lạ. Thuận mua vừa bán vốn là lẽ
thường tình của các nền kinh tế thị trường. Chính trị là biểu hiện tập
trung của kinh tế, nên trên sân khấu chính trị cũng khó có thể khoanh ra
một vùng "cấm mua, không bán", nhất là ở xã hội tự do Hoa Kỳ - nơi mà
tranh cử Tổng thống phải cần rất nhiều tiền, còn trên thương trường lại
cũng không thiếu những tỉ phú, triệu phú đang muốn đầu tư chính trị để
thu nhiều tiền hơn, đặc biệt là giới dầu lửa và công nghiệp quốc phòng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2000, các công ty dầu lửa và khí đốt đã
đóng góp 34 triệu USD. 79% số này được rót cho đảng Cộng hòa, 20% cho
đảng Dân chủ. Các công ty của Tobacco ủng hộ 8 triệu USD, trong đó 84% -
đảng Công hòa, phần còn lại - đảng Dân chủ…
Còn trong cuộc bầu cử Tổng thống năm
2004, tính tới 31/01/2004, gần một nửa những nhà tài trợ nhiều nhất cho
ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry đã chuyển hướng đầu tư sang chi cho
đương kim Tổng thống G.W.Bush nhiều hơn cho J.Kerry. Chẳng hạn, Kerry
chỉ nhận được 79.000 USD từ Citigroup, nhưng công ty này lại “cống nạp”
cho G.W.Bush tới 187.000 USD. Goldman Sachs chỉ chi cho Kerry 65.000 USD
so với 283.000 USD tài trợ cho G.W.Bush. Massachusetts Mutual - nhà tài
trợ lớn nhất của Kerry trong 15 năm qua cũng thay đổi tỉ lệ đầu tư:
Kerry - 50.000 USD, G.W.Bush - 69.000 USD.
Ở chặng nước rút trong cuộc đua tranh
vào ghế Tổng thống năm 2008, B.Obama là ứng viên Tổng thống đầu tiên
trong suốt 16 năm qua đã chi 30 triệu USD để mua lại 30 phút trong giờ
phát sóng vàng của 4 kênh truyền hình lớn nhất nước Mỹ là NBC, CBS, FOX
và Univision để đưa ra lời "tuyên chiến cuối cùng". Riêng CNN đã từ chối
vì không muốn thay đổi lịch phát sóng, chứ không thì con số sẽ còn lớn
hơn nhiều. "Top ten" trong các nhà tài trợ là Đại học Tổng hợp
California -1.648.685 USD, Goldman Sachs - 1.013.091 USD, Đại học Tổng
hợp Harvard - 878.164 USD, Microsft Corp - 852.167 USD, Google Inc -
814.540 USD, JPMorgan Chase & Co - 808.799 USD, Citigroup Inc
-736.771 USD, Time Warner - 624.618 USD, Sidley Austin LLP - 600.298
USD, Đại học Tổng hợp Stanford - 595.716 USD...
Về hình thức, hệ thống chính trị Mỹ có
chủ nghĩa nghiệp đoàn hai đảng. Nhưng trên thực tế, đảng Dân chủ và
đảng Cộng hòa dường như cũng chỉ là hai cánh tả và hữu của "đảng người
giàu" ở Mỹ. Thực tế cho thấy các nhà đầu tư "khủng long", chứ không phải
là các cử tri quyết định các chiến dịch vận động tranh cử và các cuộc
bầu cử. Đầu tư vào các đảng chính trị và các ứng cử viên của họ có thể
làm thay đổi chương trình nghị sự của đảng và hình thành chính sách công
theo hướng mang lại lợi riêng cho chủ đầu tư. Các ứng cử viên đua tranh
với nhau trước hết không phải vì các lá phiếu mà vì tiền của các nhà
tài trợ, vì càng có nhiều tiền thì sẽ càng mua được nhiều phiếu. Trong
cuộc tranh cử năm 2008, B.Obama đã thắng vì đã tăng gần như gấp đôi số
tiền so với đối thủ John McCain.
Xã hội Mỹ là xã hội của những nhóm lợi
ích. Một mô hình nhóm lợi ích đặc biệt hiện đang phát triển cả về số
lượng và ảnh hưởng trong những năm gần đây là loại hình ủy ban hành động
chính trị (political action committee - PAC). Đó là những nhóm độc lập,
được tổ chức nhằm phục vụ một hoặc nhiều mục tiêu như đóng góp tài
chính cho các chiến dịch bầu cử Quốc hội hoặc Tổng thống. Luật pháp hạn
chế số tiền đóng góp trực tiếp cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử
liên bang, nhưng không hạn chế số tiền các ủy ban hoạt động chính trị
chi tiêu cho việc cổ xuý một quan điểm chính trị hoặc vận động bầu các
ứng cử viên vào các chức vụ dân cử. Hiện nay, con số các uỷ ban này ở Mỹ
lên đến hàng ngàn. Chúng trở thành những "ông tơ", "bà nguyệt" rất mát
tay cả cho giới doanh nhân và các chính trị gia.
Lãi bất ngờ!
Trong "Đông Chu Liệt Quốc", có một
cuộc đàm đạo của Lã Bất Vi với cha - vốn cũng là một nhà buôn lớn, về
lợi nhuận: "Cày ruộng lợi gấp mấy? -Lợi gấp mười. "Buôn châu ngọc lợi
gấp mấy? -Lợi gấp trăm." "Nếu giúp cho một người được lên làm vua, thống
trị sơn hà, thì lợi gấp mấy?" Có thể coi đây là một câu chuyện kinh
điển trong đầu tư chính trị. Cũng như các loại hình đầu tư khác trong
thương trường, đầu tư chính trị cũng có rủi ro, đặc biệt là đầu tư trong
bầu cử Tổng thống ở Mỹ vì ứng cử viên có hai nhưng chỉ được chọn một
Tổng thống. Thành ra là chiến cuộc đầu tư này cũng gần giống như trò
trơi "zero sum game" (được ăn cả ngã về không). Nhưng đã được là thắng
rất đậm.
Để đền đáp các nhà tài trợ trong giới
công nghiệp quốc phòng, ngay trong tháng đầu nắm quyền, Tổng thống
G.W.Bush đã đề bạt 32 giám đốc điều hành và những cổ đông chính của các
chủ hợp đồng vũ khí vào các vị trí hàng đầu trong hoạch định chính sách
của Bộ Quốc phòng, Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Năng lượng và Phủ Tổng
thống. Đồng thời, Tổng thống G.W.Bush còn chỉ định Phó Tổng thống Dick
Cheney lãnh đạo nhóm hoạch định chính sách năng lượng. Nhóm này dựa vào
các kiến nghị của các "khủng long" dầu lửa như Exxon Mobil, Conoco,
Shell Oil, BP America và Chevron để bí mật bàn các diệu kế "trả nợ" các
nhà tài trợ dầu lửa. Từ 1998 tới 2005, riêng Exxon Mobil đã chi gần 67
triệu USD cho vận động bầu cử của G.W.Bush và loby các hợp đồng. Dưới
thời G.W.Bush & Dick Cheney, riêng ngành công nghiệp dầu lửa và khí
đốt đã chi 393,2 triệu USD để loby Chính phủ Liên bang, đó là chưa kể
các khoản ủng hộ vận động tranh cử. Năm 2005, Tổng thống G.W.Bush đã ký
một đạo luật dầu lửa cho phép giãn 14,5 tỉ USD tiền thuế cho các công ty
dầu lửa, khí đốt, điện hạt nhân và than. Ngoài ra, còn có những chính
sách hỗ trợ hậu hĩnh khác. Nhờ vậy, lợi nhuận năm 2006 của Exxon Mobil
đã đạt đỉnh cao nhất nước Mỹ là 39,5 tỉ USD.
Trong 4 năm từ 2000 đến 2003, Lockheed
Martin - một "ông trùm" trong ngành công nghiệp quốc phòng đã nhận được
từ Lầu năm góc những hợp đồng với tổng trị giá 78,7 tỉ USD so với tổng
các khoản tiền tài trợ tranh cử và loby hợp đồng chỉ mất khoảng 7 triệu
USD. Con số tương tự của Boeng Company là 59,2 tỉ USD so với khoảng 5
triệu USD chi phí; Northrop Grumman - 28,1 tỉ USD so với khoảng 3 triệu
USD cống nạp; Raytheon Company - 26,8 tỉ USD so với khoảng 2,5 triệu USD
tài trợ.
Điều chưa may cho các nhà tài trợ ruột
của B.Obama khi ông bước lên ngai vàng là nước Mỹ bắt đầu lâm vào khủng
hoảng tài chính. Nhưng "gái đã có công thì chồng đâu có phụ". Tuy Tổng
thống B.Obama chưa có cơ hội để ra một chỉ dụ đền đáp ơn sâu đối với các
nhà đầu tư chính trị cánh hẩu như người tiền nhiệm đã làm, nhưng ông
cũng đã có cách khác. Trong số các ngân hàng được nhận hàng chục triệu
USD từ gói cứu trợ của Chính phủ ngay khi bắt đầu suy thoái kinh tế có 3
"trùm" trong giới tài chính-ngân hàng là Goldman Sachs, JPMorgan Chase
và Citigroup. Đây là ba trong 10 nhà tài trợ hàng đầu của B.Obama trong
chiến dịch tranh cử năm 2008.
…Chờ mỏi mắt!
Khẩu hiệu tranh cử của ông B.Obama là
thay đổi (change) và thay đổi lớn nhất đã diễn ra ngay trong thời gian
vận động tranh cử Tổng thống là tăng số tiền chi tiêu. Con số đó năm
1996 mới là 478 triệu USD, năm 2000 - 649,5 triệu USD, năm 2004 -
1.016,5 triệu USD, còn năm 2008 - khoảng 2.400 triệu USD. Thay đổi lớn
thứ hai là nghịch cảnh "một và chín chín" dẫn tới phong trào "Hãy chiếm
lấy phố Wall". Tuy nhiên, nghịch cảnh này là căn bệnh hệ thống và ngày
càng trầm kha do hệ quả từ những bất cập trong chính sách cả về đối
ngoại và đối nội trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống G.W.Bush.
Những cuộc "đi đêm" giữa giới doanh
nhân với giới chính trị Mỹ đã làm cho kẻ đã giàu thì lại càng giàu thêm
và người nghèo thì lại càng bần cùng hơn. Khủng khiếp hơn nữa là còn đẩy
đất nước phải dính líu vào chiến tranh. Đằng sau hai cuộc chiến hao
người, tốn của mà Chính quyền G.W.Bush tiến hành ở Ápganixtan và Irắc
nhân danh lợi ích quốc gia, có thể thấy rõ bàn tay uốn éo đưa đẩy của
giới trùm buôn bán vũ khí và dầu lửa ở Mỹ. Lợi ích quốc gia vẫn chỉ là
một phạm trù trừu tượng. Cần phải làm rõ hơn: đó là lợi ích của ai và vì
ai trên thực tế.
Khi G.W.Bush rời Nhà trắng thì những
thành quả kinh tế của Chính quyền B.Clinton vun đắp trong hai nhiệm kỳ
cũng "cuốn theo chiều gió". Điều gì phải đến thì đã đến. Khủng hoảng tài
chính bùng phát và Tổng thống B.Obama đành phải "đổ vỏ". Tuy nhiên, cái
"hộp đen" ma quái của nền kinh tế Mỹ đã không chiều những ý tưởng tốt
đẹp của ông B.Obama. Trong khi nạn thất nghiệp tăng tới gần 10% và Chính
phủ Mỹ phải tung hàng trăm tỷ USD để cứu các ngân hàng khỏi bờ vực phá
sản, thì lương thưởng của các giám đốc điều hành (CEO) trên Phố Wall lại
cao ngất ngưởng. Tháng 3-2009, dư luận Mỹ đã sôi lên khi hay tin 165
triệu USD đã được Tập đoàn Bảo hiểm AIG thưởng cho nhân viên làm việc ở
bộ phận sản phẩm tài chính. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu chính sách
(IPS) Mỹ cho biết, chỉ hơn một năm sau sự sụp đổ của hệ thống tài chính
Mỹ, tiền lương của các CEO ở phố Wall đã bắt đầu tăng trở lại mức trước
khủng hoảng. Chênh lệch tiền lương giữa một CEO được trả thưởng cao và
một công nhân bình thường ở Mỹ đang ở mức gần như cao nhất từ trước đến
nay: 319/1 USD. Theo báo cáo này, 100 công nhân bình thường ở Mỹ có thu
nhập 18,08 USD/giờ (31.589 USD/năm) sẽ phải lao động quần quật 1.000 năm
mới kiếm được hàng tỷ USD như các CEO được thưởng lớn. Hạ nghị sỹ đảng
Dân chủ J. Groven tuyên bố: "Việc trả thưởng cho các nhà quản lý ngân
hàng đã vượt quá ngưỡng kiểm soát. Họ ngồi trên đống tiền, trong khi
nhiều người dân Mỹ vẫn phải vật lộn để có việc làm và không bị mất nhà
ở".
Năm 1995, Thomas Feguson đã trình làng
cuốn "Nguyên tắc Vàng: Thuyết đầu tư trong cạnh tranh đảng phái và
logic của các hệ thống chính trị đua tranh bằng tiền" (Golden Rule: The
Investment Theory of Party Competition and the Logic of Money-Driven
Political Systems), trong đó tác giả đã phải cay đắng thừa nhận "Nguyên
tắc Vàng" của nền chính trị Mỹ đương đại: "Muốn biết ai cai trị đất
nước, hãy lần theo dấu vết của vàng" (To discover who rules, follow the
gold.) Adam Kranz - một độc giả Mỹ, sau khi đọc cuốn sách này của Thomas
Feguson, đã phải ngậm ngùi: "từ trước đến nay cứ tưởng rằng ở Mỹ có nền
dân chủ. Trên thực tế, sự bất bình đẳng về kinh tế (hố sâu rộng ngăn
cách giàu nghèo) đã chặn đứng ảnh hưởng thực tế của đại đa số dân chúng
tới các cuộc bầu cử lớn nhỏ ở Mỹ. Những doanh nghiệp lớn đang kiểm soát
nền chính trị Mỹ. Để có nền dân chủ thực sự, cần phải có cuộc cải cách
sâu rộng trong bầu cử v.v."
Thế nhưng mới đây, đương kim Tổng
thống B.Obama đã chọn Broderick Johnson làm cố vấn cho chiến dịch tranh
cử năm 2012. B.Johnson vốn là nhà loby kỳ cựu của phố Wall. Năm 2007,
ông vận động cho JP Morgan Chase, còn năm 2008 ông hậu thuẫn cho Bank of
America và Fannie Mae. Từ năm 2008 tới 2010, ông chăm sóc cho Comcast.
Năm 2011 ông đã loby giúp Microsoft... Từ năm 2009 tới nay, B.Johnson đã
tới Nhà Trắng 17 lần gồm cả việc tham gia các sự kiện xã hội và ngày mở
cửa Nhà Trắng. Từ năm 2008, B.Johnson đã tài trợ hơn 150.000 USD (tiền
của cá nhân) cho các ứng cử viên và chương trình của đảng Dân chủ và
chưa bao giờ tài trợ cho các đại biểu Cộng hòa hay bảo thủ.
Nhân thân như vậy của B.Johnson rất dễ
gây phản ứng xã hội không thuận cho Tổng thống B.Obama trong bối cảnh
phong trào "Hãy chiếm lấy phố Wall" đang sôi sục và còn chưa có hồi kết.
Nhưng B.Obama vẫn chọn B.Johnson làm cố vấn tranh cử năm 2012. Điều này
cho thấy sự ủng hộ của giới tài phiệt ở phố Wall rất cần cho tương lai
chính trị tiếp theo của B.Obama và ước mong của công dân Adam Kranz là
chính đáng nhưng cũng thật là không tưởng. Tài "chọn mặt gửi vàng" của
đương kim Tổng thống B.Obama đã bắt đầu ứng nghiệm. Jon Corzine hiện
đang làm cho MF Global Holdings vốn từng là cựu Thống đốc bang New
Jersey và cựu Giám đốc điều hành của Goldman Sachs, đã tăng mức tài trợ
tranh cử cho B.Obama tới 500.000 USD. Bruce Heyman - Giám đốc quản lý
của Goldman Sachs, cùng vợ cũng đã tăng số tiền ủng hộ B.Obama lên
khoảng từ 200.000 USD tới 500.000 USD. Còn Robert Wolf - Chủ tịch Ngân
hàng Đầu tư UBS đã đẩy số tiền hỗ trợ cho B.Obama tranh cử lên tới ít
nhất là nửa triệu USD.
Tuy nhiên, có thể số phận chưa chắc đã
chiều ông B.Obama lần nữa, vì các ông trùm phố Wall đang "phản pháo"
bằng cách ưu tiên hẳn cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney. Tỉ
lệ tài trợ của Goldman Sachs cho Mitt Romney và Barack Obama tương ứng
là: 352.200 USD và 49.124 USD. Con số tương tự của Morgan Stanley là
184.800 USD và 28.225 USD; của Bank of America là 112.500 USD và 46.699
USD; của JPMorgan Chase là 107.250 USD và 38.039 USD; của Citygroup là
56.550 và 36.887 USD v.v. Nếu chiều hướng này được duy trì và chi phối
trên diện rộng cho tới hồi kết sang năm, thì không biết "ai sẽ thắng
ai".
Có một đêm, âm hưởng của những bước
chân rầm rập của phong trào "Hãy chiếm lấy phố Wall" cộng với tiếng
tranh cãi phải "mua" bằng được cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 của các
ông trùm phố Wall, đã làm cụ Abraham Lincoln giật mình tỉnh giấc. Cụ cứ
vân vi không biết có nên hóa giải lời nguyền ngày xưa của cụ về "Nhà
nước của dân, do dân và vì dân" hay không!
T.S. Nguyễn Đình Luân
|