Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

12. Một số vấn đề về an ninh năng lượng khu vực đông Bắc Á

TCCS - Đông Bắc Á là khu vực đông dân nhất thế giới, đóng vai trò đầu tàu năng động và hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, từ năm 2010, nhu cầu năng lượng của khu vực đã gia tăng nhanh chóng, đặt ra những thách thức lớn hơn đối với những “người khổng lồ” về tiêu thụ năng lượng, như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.


An ninh năng lượng được định nghĩa là sự bảo đảm nguồn cung năng lượng chắc chắn, đáp ứng nhu cầu về xã hội, kinh tế và quân sự, đồng thời bảo đảm bền vững về môi trường(1). An ninh năng lượng chịu tác động bởi nhiều yếu tố, đa chiều và đan xen, chủ yếu gồm hai nhóm: (1) Nhóm liên quan đến chủ thể môi trường an ninh năng lượng, như chính sách năng lượng của các quốc gia; tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại mỗi quốc gia và khu vực; sự biến động và phân bố của nhu cầu năng lượng tại các quốc gia; sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật trong khai thác và sử dụng năng lượng. (2) Nhóm liên quan đến đối tượng của an ninh năng lượng, như trữ lượng và sự phân bố nguồn năng lượng; biến động của giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu mỏ; an ninh các tuyến đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt. An ninh năng lượng được xem là yếu tố chiến lược bảo đảm sự phát triển kinh tế và ổn định của một quốc gia, trở thành nhân tố quan trọng, tác động ngày càng mạnh đến quan hệ quốc tế.
Những thách thức đối với an ninh năng lượng của khu vực hiện nay
Mức độ lệ thuộc của khu vực vào nguồn năng lượng bên ngoài ngày càng cao.
Trong bối cảnh kinh tế khu vực phát triển hết sức năng động với quy mô lớn và tốc độ cao, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã trở thành những nhà tiêu thụ năng lượng hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong hơn hai thập niên qua, Trung Quốc đứng thứ nhất thế giới về tiêu thụ năng lượng và thứ hai về tiêu thụ dầu mỏ, sau Mỹ(2). Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đến năm 2030, mức tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc sẽ lên đến 10 triệu thùng/ngày, tương đương với lượng dầu nhập khẩu của Mỹ trong cả năm 2000.
Là nước đứng thứ ba thế giới về nhập khẩu dầu mỏ, Nhật Bản phải nhập khẩu hầu như toàn bộ lượng dầu tiêu thụ. Đồng thời, trong bối cảnh nhiều nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản ngừng hoạt động sau sự cố hạt nhân vào tháng 3-2011, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nhật Bản tăng đột biến, có nhiều khả năng đạt tới 90 triệu tấn trong năm 2011 (năm 2010 là 70 triệu tấn)(3).
Đứng thứ năm thế giới về nhập khẩu dầu mỏ với 97% lượng dầu tiêu thụ phải nhập khẩu và đứng thứ hai thế giới, sau Nhật Bản, về nhập khẩu LNG, Hàn Quốc cũng là nước phụ thuộc rất lớn vào việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt(4). Đáng chú ý, các cường quốc tiêu thụ năng lượng ở Đông Bắc Á có mức độ lệ thuộc ngày càng cao vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông, Trung Á, châu Phi.
Các nguy cơ đe dọa an ninh vận chuyển năng lượng (chủ yếu là các tuyến đường biển và đường ống dẫn nhiên liệu) ngày càng gia tăng.
Hằng năm, có khoảng 2/3 nguồn dầu nhập khẩu của Hàn Quốc, 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản và 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông(5). Nơi đây có eo biển Ma-lắc-ca, hành lang thủy chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là nơi diễn ra nhiều vụ cướp biển, khủng bố với tốc độ gia tăng gấp 3 lần trong ba thập niên qua, chiếm 1/3 các vụ cướp biển trên thế giới(6). Nếu tuyến đường huyết mạch vận chuyển năng lượng và các hàng hóa khác trên Biển Đông bị khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của cả khu vực Đông Á. Việc bảo đảm an ninh hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu đi qua các địa bàn không ổn định là vấn đề hết sức phức tạp.
Việc sử dụng năng lượng hạt nhân đứng trước nhiều vấn đề về bảo đảm an toàn, đặc biệt là sau sự cố hạt nhân tại Nhật Bản vào tháng 3-2011.
Được đánh giá là nguồn năng lượng sạch, trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt, năng lượng hạt nhân đã từng là hướng đi quan trọng trong chiến lược năng lượng của các nước Đông Bắc Á. Tuy nhiên, sự cố hạt nhân tại Nhật Bản, quốc gia có công nghệ hạt nhân được đánh giá là tiên tiến và an toàn, đã làm thay đổi cách tiếp cận của các quốc gia đang theo đuổi năng lượng nguyên tử theo hai hướng chính: (1) Duy trì quyết tâm phát triển năng lượng hạt nhân với sự coi trọng đặc biệt an toàn hạt nhân; (2) Cắt giảm hoặc ngừng chương trình phát triển năng lượng hạt nhân.
Thách thức về nguy cơ hạt nhân trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử đã tác động mạnh đến chiến lược năng lượng của một số quốc gia trong khu vực, điển hình là Nhật Bản - quốc gia đang đặt ra bài toán phải nhanh chóng đổi mới công nghệ hạt nhân an toàn, tìm kiếm các nguồn cung thay thế nguồn năng lượng này. 
Ô nhiễm môi trường liên quan trực tiếp từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng trầm trọng.
Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra các a-xít sun-phua-ric, các-bon-nic và ni-tric, các chất có nhiều khả năng tạo thành mưa a-xít, ảnh hưởng đến giới tự nhiên và hủy hoại môi trường. Để vận hành cỗ máy kinh tế khổng lồ với trên 1,3 tỉ dân, Trung Quốc đã phải tiêu dùng một khối lượng lớn năng lượng, đặc biệt là năng lượng hóa thạch, trong đó, than chiếm khoảng 70% tiêu thụ năng lượng thương mại của Trung Quốc, với 1,8 tỉ tấn được tiêu dùng trong năm 2010(7). Than ở Trung Quốc được dùng chủ yếu để cung cấp cho 3/4 số nhà máy điện, sản xuất thép và tiêu dùng trong sinh hoạt. Sự lệ thuộc vào than cùng với hạn chế về công nghệ khai thác và sử dụng than là một trong những tác nhân chính làm ô nhiễm môi trường của Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông cũng là thách thức tăng dần đối với chất lượng bầu không khí ở đất nước này(8).
Thách thức về môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã tác động ở mức độ nhất định đến việc điều chỉnh chính sách năng lượng của các quốc gia. Tuy nhiên, trong điều kiện phải đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng cấp bách và chi phí hết sức tốn kém cho công nghệ khai thác và sử dụng năng lượng tái tạo, nên năng lượng hóa thạch vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu thụ năng lượng ở khu vực Đông Bắc Á trong những năm tới.
Tác động của an ninh năng lượng đến quan hệ quốc tế trong khu vực
Những thách thức về an ninh năng lượng trong tình hình mới đã tác động đến việc hình thành và triển khai chính sách đối ngoại của các quốc gia, thể hiện rõ trong hai xu hướng: hợp tác và cạnh tranh.
Xu hướng hợp tác về an ninh năng lượng được thúc đẩy trên một số lĩnh vực, như:
Thứ nhất, khai thác năng lượng thông qua các dự án liên doanh thăm dò, khai thác và phát triển dầu khí, xây dựng đường ống dẫn dầu, hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Việc hợp tác giữa các khu vực giàu trữ lượng và ít vốn với các khu vực ít trữ lượng và nhiều vốn diễn ra sôi động. Xu hướng nổi trội trong lĩnh vực này là sự hợp tác trong các dự án nhỏ về khai thác nhiên liệu. So với các dự án lớn, dự án nhỏ ít rủi ro hơn, hoàn vốn nhanh và cung cấp kinh nghiệm hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, năng lượng là yếu tố quan trọng hình thành quan hệ đối tác chiến lược và những cơ chế hợp tác song phương, đa phương. Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ song phương với ASEAN, Trung Quốc đã nâng quan hệ năng lượng với ASEAN lên tầm chiến lược, hình thành các cơ chế hợp tác, như Diễn đàn Năng lượng Trung Quốc -
In-đô-nê-xi-a (tháng 2-2002), tham gia Hội nghị Bộ trưởng năng lượng ASEAN+3 (tháng 6-2004), mở ra hướng đi và cơ chế mới cho Trung Quốc và ASEAN trong việc tăng cường đối thoại về an ninh năng lượng.
Thứ hai, trước sự bất ổn của các tuyến đường biển, vấn đề năng lượng là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia trong bảo toàn an ninh tuyến đường vận chuyển trên biển và xây dựng tuyến đường mới thông qua các cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Điểm mạnh nhất của cơ chế hợp tác này là tạo ra lợi ích chung và thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các bên.
Thứ ba, do tính kết nối chặt chẽ và rộng lớn của thị trường năng lượng, an ninh năng lượng còn thúc đẩy sự hợp tác liên khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, mở rộng trên quy mô châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới. Các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+3 về an ninh năng lượng góp phần thúc đẩy xu hướng hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực. Sôi động nhất là quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực với các nước cung cấp năng lượng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Nga, Đông Nam Á. Trong các cơ chế hợp tác an ninh năng lượng tại Đông Bắc Á còn có sự can dự của các cường quốc lớn như Mỹ và Nga với lợi ích kinh tế - chính trị liên quan.
Sự thúc ép của an ninh năng lượng đã làm gia tăng cạnh tranh chiến lược trong khu vực, quan hệ quốc tế của các quốc gia Đông Bắc Á có xu hướng phức tạp hơn, thể hiện rõ ở một số khía cạnh sau:
Cạnh tranh giành nguồn năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ. Nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc làm tăng mức độ cạnh tranh trong việc nắm giữ hoặc gây ảnh hưởng tối đa tại những khu vực giàu tài nguyên, tạo ra cuộc chạy đua gay gắt về năng lượng, đặc biệt về dầu mỏ.
Lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông chiếm 60% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc; 90% của Nhật Bản. Đằng sau các cuộc tranh giành những hợp đồng tại các thị trường năng lượng giữa các công ty của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ các nước này. Có thể thấy rõ điều này trong trường hợp các tập đoàn Hàn Quốc được sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc, đã vượt qua các công ty Nhật Bản, giành được hợp đồng trị giá hơn 20 tỉ USD trong dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân ở Các tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) vào cuối năm 2009.
Với châu Phi, Chính phủ Trung Quốc gia tăng hỗ trợ nâng cấp kết cấu hạ tầng, tăng cường quan hệ kinh tế trong khi Nhật Bản tăng cường viện trợ ODA, hỗ trợ kỹ thuật, trợ giúp nhân đạo. Với Đông Nam Á, Trung Quốc tập trung vào chính sách ngoại giao toàn diện trong khi Nhật Bản đặt trọng tâm vào chính sách ODA và đầu tư trực tiếp. Sự cạnh tranh đối với việc tiếp cận nguồn cung năng lượng đã làm thay đổi mạnh mẽ cục diện khu vực.
Cạnh tranh khai thác năng lượng và kiểm soát các tuyến đường vận chuyển năng lượng gắn kết với tranh chấp chủ quyền. Sự bùng nổ về nhu cầu năng lượng đã và đang tạo ra cuộc chạy đua trong khu vực nhằm khai thác nguồn năng lượng tại chỗ và bảo đảm an toàn vận chuyển năng lượng. Cạnh tranh về năng lượng khiến cho các cuộc xung đột tiềm tàng trở nên nóng hơn, khó kiểm soát, gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế, đe dọa môi trường ổn định và phát triển trong khu vực và quốc tế.
Xu hướng ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng
Để ứng phó với những thách thức về an ninh năng lượng trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc áp dụng các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các nước trong khu vực đã xây dựng chiến lược năng lượng  để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế bền vững, nổi bật là các xu hướng sau: 
Một là, tìm kiếm nguồn năng lượng mới.
Các quốc gia Đông Bắc Á đang tích cực triển khai các kế hoạch tìm kiếm và nghiên cứu sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và mặt trời, năng lượng sinh học... Hàn Quốc đã xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon trong 60 năm, với mục tiêu, đến năm 2050, sẽ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thông qua tăng cường năng lượng hạt nhân, phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời phấn đấu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 11% và năng lượng sinh khối đạt 7,12% vào năm 2030.
Hiện nay, Nhật Bản đang đi đầu trong việc tăng cường sử dụng năng lượng mới, như nhiên liệu tổng hợp và dầu sinh học được sản xuất từ các loài thực vật. Năm 2003, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối, tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối(9). Trung Quốc đã có Luật Năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào than và dầu mỏ. Hơn 80 nhà máy điện sản xuất từ sinh khối có công suất lên đến 50MW/nhà máy, đang tích cực nghiên cứu phát triển biogas để chạy máy phát điện từ việc sử dụng bùn thải của các trạm xử lý nước thải. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng mới chưa trở thành nguồn cung quy mô lớn do chi phí nghiên cứu và đầu tư khai thác hết sức tốn kém. 
Hai là, bảo đảm nguồn nhập khẩu năng lượng thông qua đa dạng hóa địa bàn và phương thức vận chuyển năng lượng nhập khẩu.
 Bên cạnh địa bàn nhập khẩu dầu truyền thống là Trung Đông, các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cường thiết lập kênh nhập khẩu nhiên liệu từ Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Nga, Đông Nam Á. Để giảm mức độ phụ thuộc vào một số nguồn cung năng lượng (chủ yếu là dầu mỏ) và giảm tải sự bất ổn của vận chuyển bằng đường biển, nhiều nước trong khu vực đã đẩy mạnh nhập LNG thông qua hợp đồng dài hạn từ khu vực Trung Á. Mặc dù chưa được hoàn thiện so với mạng lưới đường ống vận chuyển năng lượng ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng hệ thống đường ống vận chuyển năng lượng ở Đông Bắc Á đã được nâng cấp và mở rộng nhanh chóng.
Trung Quốc đã xây dựng tuyến đường ống 3.000 km trực tiếp chuyển dầu nhập khẩu từ Ca-dắc-xtan; triển khai dự án đường ống dẫn khí 10.000 km nối các vùng có trữ lượng khí đốt lớn trong khu vực Ca-xpi, như Tuốc-mê-ni-xtan qua U-dơ-bê-ki-xtan, Ca-dắc-xtan với vùng Tây Bắc Trung Quốc. Nhật Bản cũng tăng cường tìm kiếm nguồn năng lượng mới tại miền Tây Xi-bê-ri, khu vực Ca-xpi và Bắc Phi. Hàn Quốc đang thúc đẩy triển khai một số dự án dầu khí lớn, như Xa-kha-lin 1, Xa-kha-lin 2 và Xa-kha-lin 3. Từ năm 2000, một số nước đã hình thành ý tưởng xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí kết nối toàn bộ các quốc gia khu vực.
Ba là, tăng cường khai thác tài nguyên tại chỗ, đồng thời với nâng cao năng lực khai thác và hiện đại hóa hạ tầng năng lượng.
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia có nhu cầu về LNG ngày càng cao, việc tăng cường các cơ sở LNG đang được triển khai mạnh mẽ. Năm 2010, Hàn Quốc xây dựng cơ sở dự trữ khoảng 3,7 triệu m­3(10). Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng xây dựng những cơ sở nhập dầu mới, dự trữ và tăng cường năng lực khai thác dầu. LNG. Là quốc gia có chính sách năng lượng chặt chẽ, tổng thể và hiệu quả trong khu vực, Nhật Bản luôn đi đầu trong những chương trình nghiên cứu với công nghệ hiện đại nhằm tăng cường hạ tầng năng lượng. Tháng 8-2011, Nhật Bản đã đưa vào chạy thử tàu vận chuyển LNG lớn nhất thế giới với tải trọng 143.000 tấn, dài 300 m, có khả năng chở khoảng 80.000 tấn khí hóa lỏng
Bốn là, tăng cường kho dầu mỏ dự trữ chiến lược.
Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, các nước công nghiệp phát triển đã bắt đầu xây dựng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Năm 1973, tổng dự trữ dầu mỏ chiến lược của Nhật Bản tương đương nhu cầu sử dụng trong 56 ngày. Sau 30 năm, con số này đã tăng lên 168 ngày. Năm 1993, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược an ninh năng lượng, bao gồm kế hoạch dự trữ dầu mỏ chiến lược. Tổng chi phí cho kế hoạch này lên đến 100 tỉ nhân dân tệ, thời gian thực hiện được chia làm nhiều giai đoạn. Theo Quy hoạch trữ dầu trung, dài hạn của Trung Quốc, đến trước năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn tất nhiệm vụ trữ dầu chiến lược giai đoạn 2 và giai đoạn 3, với tổng lượng dầu dự trữ tương đương với nhu cầu sử dụng của Trung Quốc trong thời gian 100 ngày, tương đương 480 triệu thùng dầu, trở thành nước có kho dầu mỏ dự trữ chiến lược lớn thứ hai trên thế giới(11).
-----------------------------------------------
(1) Huyn  Jae Doh: Perspective and Measures for Energy Security in the 21st Century, Korea Energy Economics Institute, December, 2003
(2) Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA): China, xem tại http://www.eia.gov/countries/country-data.cfm?fips=CH
(3) Petro Times: Lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc, Nhật Bản tăng kỷ lục, http://www.petrotimes.vn/thuong-truong/2011/07/luong-nhap-khau-lng-cua-trung-quoc-nhat-ban-tang-ky-luc
(4) Vietnam Energy Portal: Dự án năng lượng khổng lồ của Hàn Quốc, http://www.vietnamep.com/energy/index.php?/d-an-nng-lng-khng-l-ca-han-quc.vietnamep
(5) Nghiên cứu Biển Đông: Địa chiến lược và Tiềm năng kinh tê#, http://nghiencuubiendong.vn/tong-quan-ve-bien-dong/504-bien-ong-ia-chien-lc-va-tiem-nng
(6) Catherine Zara Raymong:  Piracy and Armed Robbery in the Malacca Strait: a problem solved?, US Naval War College, http://www.usnwc.edu/getattachment/7835607e-388c-4e70-baf1-b00e9fb443f1/Piracy-and-Armed-Robbery-in-the-Malacca-Strait--A-
(7) Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA): 
International Outlook 2010
, http://205.254.135.24/oiaf/ieo/coal.html
(8) Petro Times: Môi trường Trung Quốc đã bị cày nát thế nào, http://www.petrotimes.vn/the-gioi-phang/2011/06/moi-truong-trung-quoc-da-bi-cay-nat-nhu-the-nao
(9) Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường: Năng lượng sinh học và cuộc Cách mạng xanh của thế kỷ XXI, http://www.isponre.gov/home/dien-dan/413-nang-luong-sinh-hoc-va-cuoc-canh-mang-xanh-cua-the-ky-21
(10) Công nghệ dầu khí: Tokyo gas giới thiệu tàu chở LNG lớn nhất thế giới, http://congnghedaukhi.com/Tokyo-Gas-gioi-thieu-tau-cho-LNG-lon-nhat-the-gioi-1314815669-t4923.html
(11) Chen Shaofeng and Lim Tinseng: China’s stratergic petroleum reserve: an update, National University of Singapore, East Asian Institute, 2/2008, http://www.eai.nus.edu.sg/BB371.pdf
Nguyễn Mai HườngThS, Ban Đối ngoại Trung ương