Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

17.Sự trở lại của Putin và chính sách đối với Nhật Bản trong tương lai

Nhật báo Yomiuri gần đây đăng tải các nhận định của cựu Đại sứ Nhật Bản tại Nga Minoru Tamba và Giáo sư Nobuo Shimotomai của trường Đại học Hosei, chuyên gia về chính trị ở Nga và quan hệ Nhật-Nga, về khả năng thay đổi chính sách đối ngoại của Nga khi Thủ tướng Vladimir Putin quay trở lại chiếc ghế tổng thống.


1. Cu Đi s Tamba: Nga d đnh s không đ cp gì đến vn đ tranh chp lãnh th vi Nht B
Có quan điểm cho rằng việc Thủ tướng Putin quay lại chiếc ghế tổng thống có thể mở ra con đường giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan tới Vùng lãnh thổ phương Bắc (cách Nhật Bản gọi 4 hòn đảo hiện đang tranh chấp với Nga). Tuy nhiên, quan điểm này dựa trên sự thiếu hiểu biết và theo tôi điều này sẽ không xảy ra. Nhật Bản đã tìm cách lấy lại 4 hòn đảo nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido, phía Bắc nước này bởi vì nó là một phần lãnh thổ của Nhật Bản mà tổ tiên đã để lại. Hiệp ước thương mại, hàng hải và phân định ranh giới (Hiệp ước Shimoda) mà Nhật Bản và Nga ký kết năm 1855 vào cuối thời kỳ Edo (1603-1867) có đoạn: “Biên giới giữa Nhật Bản và Nga sẽ là giữa đảo Etorofu và đảo Uruppu. Toàn bộ đảo Etorofu thuộc về Nhật Bản, còn quần đảo Kuril nằm phía bắc và bao gồm cả Uruppu thuộc về Nga”. Hiệp ước trao đổi Karafuto (Sakhalin) dựa vào quần đảo Chishima (Kuril) ký kết năm 1875 quy định 4 hòn đảo nằm ở phía Bắc này không thuộc quần đảo Kuril. Mọi thứ liên quan tới vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc đều bắt nguồn từ hai hiệp ước này. Ông Putin thừa nhận giá trị pháp lý của Tuyên bố chung Tôkyô 1993 (trong đó khẳng định hai nước cần làm việc để hướng tới ký kết hiệp ước hòa bình càng sớm, càng tốt) trong chuyến thăm Nhật Bản vào năm 2000. Trong Tuyên bố Irkutsk năm 2001, ông Putin thừa nhận cả Tuyên bố chung Tôkyô 1993 và Tuyên bố chung Nhật Bản-Liên Xô năm 1956. 
Tuy nhiên, năm 2005, ông Putin lại tuyên bố rằng: “Bốn hòn đảo đó là thuộc chủ quyền của Nga. Điều này đã được khẳng định bởi luật pháp quốc tế. Đó là kết quả của Thế chiến thứ Hai và không có gì phải bàn cãi”. Vì vậy, tôi nghĩ rằng ông Putin sẽ không đề cập gì đến vấn đề lãnh thổ bằng cách chỉ trao trả 2 trong số 4 hòn đảo cho Nhật Bản. Nga đã từ chối khẳng định giá trị pháp lý của các hiệp ước trên, trong đó có Tuyên bố Tôkyô. Ở Nga, gần đây cũng có các cuộc thảo luận về việc nước này không cần phải tìm cách ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Tuy nhiên, Tuyên bố chung năm 1956 đã khẳng định rõ ràng rằng các cuộc thương lượng về hiệp ước hòa bình Nhật-Nga cần phải tiếp tục, bác bỏ sự cần thiết của hiệp ước hòa bình này cũng giống như việc tuyên bố Nga có ý định vi phạm cam kết quốc tế. Hiến chương Liên Hợp Quốc có các điều khoản liên quan tới các quốc gia cựu thù để áp dụng cho các nước như Nhật Bản, Đức và Italia. Đây là một điều khoản lỗi thời có thể cho phép có các hành động đặc biệt đối với các quốc gia cựu thù chừng nào các hành động này được thừa nhận là kết quả của Thế chiến thứ Hai. Năm 1995, trên cơ sở các đề nghị của Nhật Bản, Đức và các nước khác, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết nhất trí thừa nhận các điều khoản này là “đã lỗi thời” đối với tất cả các nước thành viên, trong đó có Nga. Tuy nhiên, Nga lại nhấn mạnh điều khoản này để biện minh cho sự xâm chiếm 4 hòn đảo ở phía Bắc. 
Nếu Nga tiếp tục theo đuổi tuyên bố này, Nhật Bản có thể đáp lại một cách quyết liệt với Nga. Nhật Bản đã từ bỏ tất cả các quyền đối với quần đảo Kuril và phần phía Nam của Sakhalin theo Hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951 (Liên Xô không ký hiệp ước này và Chính phủ Nhật Bản chưa bao giờ công nhận 4 hòn đảo trên là một phần của quần đảo Kuril. Việc Nga xâm chiếm 4 hòn đảo này là không có căn cứ về mặt luật pháp quốc tế. Trước hết, chúng ta cần bắt đầu thảo luận ở trong nước liệu có chỉ ra điều này với Mátxcơva hay không. Tôi không loại trừ khả năng ông Putin có thể sẽ trở nên linh hoạt tùy thuộc vào tình hình trong tương lai. Có lời đồn đoán rằng ông Putin sẽ sớm thăm Nhật Bản sau khi giành được chiếc ghế tổng thống. Tuy nhiên, vấn đề là ông ấy sẽ mang tới Nhật Bản cái gì. Liệu Putin sẽ đề nghị giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ bằng cách chỉ trả 2 hòn đảo cho Nhật Bản? Tại hội nghị Irkutsk năm 2001 với Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Yoshiro Mori, ông Putin có thể đã nghĩ tới điều này như một khả năng. Nếu ông ấy lại đưa ra ý tưởng này trong chuyến thăm sắp tới, đối với Nhật Bản, nó sẽ đồng nghĩa với việc không có sự tiến bộ nào. Tôi lo ngại về các hoạt động kinh tế chung giữa Nhật Bản và Nga. Tôi đã từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hoạt động Kinh tế Hỗn hợp Nhật-Nga của phía Nhật Bản, một ủy ban được thành lập sau chuyến thăm Nga của cựu Thủ tướng Keizo Obuchi. Tuy nhiên, kể từ sau đó, ủy ban này rơi vào tình trạng không hoạt động. Khi Nga đề cập tới các hoạt động kinh tế chung liên quan tới 4 hòn đảo, họ giả định rằng họ có quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã từng nhắc lại nhiều lần rằng các hoạt động kinh tế chung “sẽ được tiến hành theo luật pháp của Nga”. Với tư cách một người đã từng có nhiều nghiên cứu sâu về vấn đề này, quan điểm của tôi đó là Nhật Bản không bao giờ chấp nhận đề xuất này. 
2. Giáo sư Shimotomai: Putin muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản nhưng Nga vẫn còn là một bí ẩn 
Ở khu vực ngoại ô Mátxcơva hôm 11/11, tôi đã tham dự một cuộc gặp giữa các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới với Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Theo tạp chí Forbes của Mỹ, Putin đứng ở vị trí thứ hai trong số các chính trị gia của thế giới sau Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tại cuộc gặp đó, Putin đã say mê thảo luận về những thay đổi trên thế giới và một nước Nga đang thay đổi. Lý do cơ bản vì sao Putin lại tìm cách giành lại chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử ở Nga vào năm tới là do ông ấy muốn lãnh đạo đất nước này một lần nữa trong bối cảnh có những dấu hiệu của sự thay đổi mạnh mẽ và các cuộc khủng hoảng trên khắp thế giới. Giáo sư Timothy Colton của trường Đại học Harvard và các chuyên gia khác tham dự cuộc gặp trên đã chỉ ra rằng Nga đang trong giai đoạn thành công về xã hội và kinh tế, nhưng có rất ít thay đổi trên khắp đất nước về mặt chính trị. Tuy nhiên, một chuyên gia Trung Quốc lại cho rằng vấn đề của Nga chính là khi có tiền, nước này lại không tiến hành các cuộc cải cách và khi cần tiến hành các cuộc cải cách, nước này lại không có tiền. 
Sự ổn định của Nga trong suốt 12 năm qua và quá trình dân chủ hóa đất nước - bị trì hoãn - được hỗ trợ bởi giá tài nguyên năng lượng tăng mạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu sự ổn định này sẽ kéo dài trong bao lâu. Các lĩnh vực kinh tế như công nghệ cao và công nghệ thông tin sẽ cần được đa dạng hóa và hiện đại hóa. Nga chú trọng tới quan hệ với châu Á. Tuy nhiên, châu Á đang mang lại các thách thức trên nhiều mặt đối với Nga. Thông qua quan hệ thương mại với Trung Quốc nhằm hiện đại hóa dưới chế độ cai trị độc tài, Nga không thể hy vọng nhiều về những tiến bộ trong các lĩnh vực như công nghệ cao mà nước này đang cần. Bên cạnh đó, hai nước này không đạt được đồng thuận trong các cuộc thương lượng về giá khí đốt. Trong bối cảnh quan hệ phức tạp với Trung Quốc, Putin đang tập trung vào tiềm năng của Nhật Bản, nước đã giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3. Ông ấy nói rằng ông sẽ thảo luận hợp tác năng lượng với Nhật Bản trong các lĩnh vực như khí đốt. Do Putin là một chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản, ông ấy có thể xây dựng quan hệ Nhật-Nga tới một tầm cao mới. Nga coi Nhật Bản là một nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên dài hạn. Một đường ống dẫn dưới biển nối Nga và Đức vào mùa Thu này có thể sử dụng như con đường để vận chuyển khí đốt. Nó đáng để Nhật Bản coi là sự lựa chọn có thể chấp nhận. 
Nếu Putin trở thành Tổng thống, chính quyền của ông ấy sẽ đạt tới tầm cao mới và ông ấy sẽ có đủ quyền lực để giải quyết các vấn đề khó khăn. Quan hệ của Nhật Bản với Nga có tiềm năng vô cùng to lớn, không chỉ trong lĩnh vực hợp tác năng lượng và hiện đại hóa nền kinh tế, mà còn trong giao lưu quốc phòng và cải thiện an ninh ở các khu vực đầy bất ổn ở châu Á. Một mối quan hệ tốt hơn sẽ cho phép hình thành một tầm nhìn chiến lược mới giữa hai nước. Điều này cũng có thể mở ra cánh cửa ký kết hiệp ước hòa bình mà các nhà thương lượng vẫn né tránh. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba đã mô tả vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Nhật Bản là một vấn đề “của nhiều thỏa thuận và văn bản trong quá khứ” và “các nguyên tắc luật pháp và tư pháp” tại cuộc gặp với người đồng cấp của Nga vào tháng 11. Ông Putin thừa nhận Tuyên bố chung Nhật-Nga năm 1956, theo đó Nga sẽ trao trả 2 trong số 4 đảo tranh chấp với Nga, là có giá trị pháp lý. Vì vậy, hai bên có chung nền tảng. Mặc dù Putin là một chuyên gia về các vấn đề Nhật Bản, có một mối quan ngại rằng khu vực tư nhân và khu vực công của Nhật Bản lại không hiểu nhiều về các vấn đề của Nga và sự hiểu biết này đang ngay càng tồi tệ. Nhật Bản cần nâng cấp chính sách của nước này với Nga./.
 Theo Nhật báo Yomiuri (ngày 7/12)
Vũ Hiền (gt)
Thứ hai, 19 Tháng 12 2011 10:30 
http://nghiencuubiendong.vn/quan-h-quc-t/2285--2285-