Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là một trong số những
nhà văn hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại. Làm nên tên tuổi
sáng giá của ông, bên cạnh và cùng với một khối lượng đồ sộ những tác
phẩm thuộc nhiều thể loại: kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…, trong
số đó có những tác phẩm xứng đáng để đời, còn phải kể tới hàng ngàn
trang nhật ký được tác giả cần mẫn, thầm lặng ghi chép trong ba mươi
năm, bắt đầu ngày 2-11-1930 tới ngày 21-6-1960, trước khi vĩnh viễn từ
giã cuộc đời vào ngày 25-7-1960.
Nguyễn
Huy Tưởng (1912-1960) là một trong số những nhà văn hàng đầu của nền
văn học Việt Nam hiện đại. Làm nên tên tuổi sáng giá của ông, bên cạnh
và cùng với một khối lượng đồ sộ những tác phẩm thuộc nhiều thể loại:
kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…, trong số đó có những tác phẩm xứng
đáng để đời, còn phải kể tới hàng ngàn trang nhật ký được tác giả cần
mẫn, thầm lặng ghi chép trong ba mươi năm, bắt đầu ngày 2-11-1930 tới
ngày 21-6-1960, trước khi vĩnh viễn từ giã cuộc đời vào ngày 25-7-1960.
Năm 2006, Nhà xuất bản Thanh niên, với sự phối hợp của gia đình nhà văn, đã công bố trọn bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng,
gồm 3 tập, với hơn 1700 trang, khổ 14,5 x 20,5 mà trước đó một số phần
đã được đăng trên một số tờ báo, tạp chí và một nửa số trang trong tổng
số 713 trang của tập 5 thuộc bộ sách Nguyễn Huy Tưởng, toàn tập, gồm 5 tập, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1996. Việc công bố trọn bộ Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng
giúp người đọc có tư liệu để nhìn rõ, nhìn kỹ và sâu hơn sự nghiệp văn
học của ông trên cả những thành công và hẫng hụt ở tư cách một nghệ sĩ,
và rộng ra, có thể cả những văn nghệ sĩ cùng thời, cùng thế hệ với ông,
bao quát một thời kỳ dài, trước, trong Cách mạng tháng Tám, cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ với vô vàn những thăng trầm, biến thiên của
lịch sử, của thời cuộc. Qua hơn 1700 trang nhật ký, Nguyễn Huy Tưởng
ghi lại những thao thức và trăn trở, chiêm nghiệm và suy ngẫm của ông về
thực trạng xã hội và con người, văn chương và nghề văn mà ông là người
trong cuộc. Bài viết dưới đây nhằm tìm hiểu một vài khía cạnh trong
nhiều khía cạnh được “phản quang”, lưu giữ qua nhật ký của ông.
1. Lựa chọn thể loại và cách viết
Đối
với một nhà văn, lộ trình đến văn chương có thể coi là một cuộc tìm
mình, tìm đường trầy trật, khổ ải, không mấy suôn sẻ. Ý thức được những
đòi hỏi khắt khe của đời sống, của Con người viết hoa, từ năm mười tám
tuổi, ông đã ghi lời mở đầu cho những dòng nhật ký đầu tiên, có thể coi
đó là lời tự răn và cũng là quan điểm sống của tác giả: “Người ta sở dĩ
có nhiều tội lỗi là vì không chịu xét công việc của mình hàng ngày”.
“Công việc của mình hàng ngày”, xét theo nhiều nghĩa, nếu với một nghệ
sĩ, bao hàm cả lao động nghệ thuật. Ngay từ khi bắt đầu tập viết văn,
Nguyễn Huy Tưởng đã có ý thức tìm cho mình một “lối đi riêng”. Trong Nhật ký ngày 26-10-1933,
ông viết sau nhiều trăn trở, trải nghiệm: “Ta có xem của người ta chỉ
xem lấy văn chương, còn thì phải giữ vững lấy tinh thần của sách ta, chớ
nên bị sách người tiêm nhiễm”. Ít lâu sau, trong Nhật ký ngày 24-11-1933,
ý thức đó lại được Nguyễn Huy Tưởng thể hiện: “Tôi đang chép nhật ký và
suy xét mình, và tự tìm lấy một quan niệm nhân sinh. Tôi tự nghĩ: Sao
ta lại không có một tư tưởng gì thế? Vậy những công trình ngươi định làm
là những đồ chơi bằng giấy bồi ư? Ngươi có một quan niệm: Ngươi thích
kịch, ngươi thích cổ, ngươi thích Cái Đẹp, ngươi muốn tán dương các anh
hùng, ngươi thích thì ngươi làm, sao ngươi còn đắn đo”.
Dấn thân vào nghề văn như đã ghi trong Nhật ký ngày 19-12-1930
qua cuộc đối thoại với bạn của mình: “Phận sự một người tầm thường như
tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi”,
Nguyễn Huy Tưởng sớm tự ý thức được sở trường, sở đoản của mình qua sự
lựa chọn và cân nhắc giữa các thể loại. Trước khi trở thành một nhà viết
kịch hàng đầu, một nhà tiểu thuyết lịch sử xuất sắc của nền văn học
Việt Nam hiện đại với nhiều tác phẩm đạt đến đỉnh cao về giá trị tư
tưởng và nghệ thuật, mà Vũ Như Tô (1944), Sống mãi với Thủ đô
(1961) là hai trong số nhiều ví dụ tiêu biểu, ông đã từng làm thơ.
Nhưng, Nguyễn Huy Tưởng không trở thành nhà thơ, mặc dù ngay từ năm
1933, ông đã viết một chùm 6 bài thơ đăng trên tạp chí Nam phong, số 191. Đó là các bài Vịnh Lê Thái Tổ, Vịnh Lê Thánh Tôn, Quan công bình trúc, Mẹ ru con ngủ ngày, Đi đường gặp giai nhân hé cửa nhìn ra, Thu cảm(1). Nguyễn Huy Tưởng dự định tập hợp các bài thơ đã và sẽ làm in thành tập Nhất điểm linh đài. Một số bài trong đó đã được công bố trên tạp chí Tri tân vào những năm 1942-1943(2).
Điều đó chứng tỏ năng khiếu thơ ca ở Nguyễn Huy Tưởng bộc lộ từ rất
sớm, hai mươi mốt tuổi đã có thơ đăng báo, cũng có nghĩa là Nguyễn Huy
Tưởng đến với văn chương trước hết là đến với thơ chứ không phải là đến
với những thể loại khác. Ngay từ năm 1932, nghĩa là khi mới hai mươi
tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã có những suy nghĩ thấu đáo về đặc trưng của thơ
(“Thơ phải gọn gàng. Một câu thơ là tóm lại mười câu văn. Câu văn cũng
như hòn đá, mà thơ là cái hòn đá giũa mài chỉ còn lại cái tinh hoa sáng
sủa”- Nhật ký ngày 1-12-1932), tác dụng của thơ (“Thơ mà
làm cho người ta sinh hoạt được du khoái, chấn loát được tinh thần, mở
mang cuộc đời được rộng rãi, thơ ấy mới là thơ chính đáng” - Nhật ký ngày 21-3-1932), tính dân tộc trong thơ (“Nhà thi hào của một dân tộc nào phải diễn tả được cái hồn thơ riêng của dân tộc ấy một cách rực rỡ hùng hồn” - Nhật ký ngày 21-3-1932).
Ông tôn vinh Virgile (70-19 TCN). Ông coi Victor Hugo (1802-1885),
Voltaire (1694-1778), Corneille (1606-1684), Baudelaire (1821-1867) là
“những bậc kỳ tài trong thiên hạ”. Ông say đắm Ly tao của Khuất Nguyên và những bài thơ Đường tuyệt thú.
Nguyễn Huy Tưởng từng có những giây phút hào hứng sáng tạo thơ ca. Ông ghi trong Nhật ký ngày 22-5-1941, rằng: “Bài ca chính thức mình làm hôm 21, kể cũng thú vị,
Nào
trời non nước?/ Thờ ơ vườn Chu/ Tìm cành trông hướng/ Đường Nam tít mù/
Ôi non sông tre xanh/ Lớp mây mù không thấy nhà/ Ôi Văn Lang xa xăm/
Chí ta bền với sơn hà/ Non quê cha thiêng liêng/ Không bao giờ lòng
quên.
Kể bài này, thực có tính cách thơ, hay thực”. Nhật ký ngày 18-1-1942: “Vui đi ta ơi. Việc ta làm dở từ 1939 nay đã thành. Trưa hôm nay tôi làm xong bài Đống Đa nhan đề là Xuân tráng sĩ.
Lòng tôi bồng bột, tôi vui sướng như điên. Bài ca dài 80 câu và một
điệp khúc 4 câu. Nó đã sáng tác trong bốn buổi: đêm 15, 16, 17 và ngày
18. Đáng ăn mừng, vì tôi vẫn ôm mối hận là không sao làm nổi được công
việc bỏ dở từ 1939, từ cuối 38 thì đúng hơn”. Tuy nhiên, Nguyễn Huy
Tưởng sớm nhận ra, thơ chỉ là sở đoản của mình. “Làm bài thơ về Lê Lợi,
thấy kém. Buồn man mác. Thơ của mình không có gì mới mẻ cả. Nhưng cũng
vì bài thơ không hợp ý ấy nên nhất định viết kịch Vũ Như Tô” (Nhật ký 22-5-1942).
Thực ra, ngay từ năm 1939, Nguyễn Huy Tưởng đã “nghiệm thấy một cách
đau đớn” rằng bây giờ ông “làm thơ chậm lắm và khó nữa” (Nhật ký ngày 22-1).
Đọc lại Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng
kết hợp thực tế sáng tác của nhà văn, ta có thể thấy cuối những năm 30,
đầu những năm 40 thế kỷ XX, Nguyễn Huy Tưởng đã bắt đầu làm một sự
chuyển hướng mạnh mẽ trong việc chọn lựa thể loại. Ông dứt khoát và đặt
trọng tâm đầu tư cho kịch và tiểu thuyết, với ý thức trở thành một tiểu
thuyết gia, một kịch gia. Và đây là một sự chọn lựa đúng do đòi hỏi của
nghiệp viết, bởi vì ngay từ đầu, ông đã nung nấu thể hiện đề tài lịch
sử, một đề tài cần đến những hình thức, khuôn mẫu thể loại phù hợp. Từ
đây về sau ông công bố hàng loạt tác phẩm xuất sắc: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, An Tư, Bắc Sơn, Sống mãi với Thủ đô.
Nói cho công bằng, nếu Nguyễn Huy Tưởng tìm đến những thể loại đó thì
cũng chính những hình thức thể loại đó đã làm nên nhà tiểu thuyết, nhà
viết kịch Nguyễn Huy Tưởng.
Cho
dù có tài năng, sẵn nhiệt tình sáng tạo, đầy ắp vốn sống nhưng nhà văn
cũng sẽ lúng túng nếu không có một “thuật viết” riêng, phù hợp với tạng
văn của mình. Nhật ký của nhà văn ngày 13-8-1939 khẳng định: “Tôi cần
phải tả những cái hùng tráng, vĩ đại, với một lời văn gọn ghẽ, gợi ý và
nhất là bóng bẩy”. Nguyễn Huy Tưởng cho rằng: “Phải theo Baudelaire văn
chương cần lãnh đạm như cẩm thạch” (Nhật ký ngày 15-1-1942). Ông
xác định thiên hướng của ngòi bút: “Cần phải viết truyện gần như thực,
sát sự thực. Cần phải có sự sống tràn trề”. Ông “ghét tất cả những
truyện ly kỳ, và thích lấy những tính tình dục vọng làm động cơ cho kết
cục. Những lối “tuồng” không phù hợp nữa. Phải diệt trừ tất cả cái gì là
sáo, là phóng đại, là kêu gào, là anh hùng theo lối Lê Văn Trương. Hãy
đi đến những cái gì là tự nhiên, là chân thật, là giản dị” (Nhật ký ngày 4 và 5-12-1942).
Ông còn tự dặn mình: “Làm tiểu thuyết, soạn một vở kịch, hay viết một
bài thơ, công việc ấy cũng như làm một bài tính đố. Chỉ có một đường đưa
ta đến “Giả nhời”, và nếu có nhiều đường, thì chỉ có đường giản dị nhất
là nên theo” (Nhật ký ngày 7-12-1938). Nguyễn Huy Tưởng kiên trì
với sự lựa chọn ấy. So với đương thời, sự lựa chọn của Nguyễn Huy Tưởng
không hẳn là thời thượng. Bên cạnh những vần thơ rạo rực, rất Tây của
Xuân Diệu, những vẻ trầm mặc rất Á Đông của thơ Huy Cận, hay những áng
văn xuôi mượt mà của Tự lực văn đoàn, những câu văn giản dị của Nguyễn
Huy Tưởng liệu có sức thu hút, hấp dẫn độc giả? Đó là một thách thức
không nhỏ đối với ông. Nguyễn Huy Tưởng đã dũng cảm thử bút. Ông biết,
sức sống lâu dài của một nghiệp văn được quyết định bởi chiều sâu tư
tưởng, tầm triết lý của văn bản và “lối riêng” trong cách nhìn hiện
thực, trong cách nhà văn “dẫn đường” người đọc khám phá chiều sâu bí ẩn
của thế giới xung quanh bằng những hình ảnh, con chữ. Sau này trò chuyện
với những người viết văn trẻ, Nguyễn Huy Tưởng tâm sự: “Trước hết chúng
ta cần khẳng định với nhau rằng, trong văn học, sự sống, nhiệt tình và
tài năng là chính, kinh nghiệm là phụ, và chúng ta tránh mọi thứ kinh
nghiệm, mọi sự hướng dẫn làm cho một người viết trẻ rập khuôn theo một
nhà văn nào. Chúng ta kỵ tất cả những cái gì làm mất cái phong cách của
từng người viết”(3). Nói tới hoàn cảnh đã đưa ông đến với
nghề văn, Nguyễn Huy Tưởng lý giải: Mới đầu “chưa có khuynh hướng viết
văn” mà “muốn hoạt động chính trị và xã hội hơn”, nhưng lớn lên trong
không khí của một gia đình nhà nho, ông “cũng thích văn chương “phú
lạc”. Lớn lên, đi học, ông ham đọc sách, và thiên về những tác phẩm cổ
điển, đặc biệt những tác phẩm ngợi ca con người, ngợi ca Tổ quốc. Ông
“ghét những thứ văn chương trống rỗng, ghét nhất là văn chương Ngày nay,
Phong hoá, Tiểu thuyết thứ bảy” vì một vài cuốn sách mà ông xem “không
thấy một chút gì là ưu thời mẫn thế”(4). Điều này giúp ta
hiểu vì sao Nguyễn Huy Tưởng lại thiên về đề tài lịch sử, như ông đã
từng ghi trong nhật ký cũng như trải nghiệm qua sáng tác. Và, những tác
phẩm xuất sắc của nhà văn này dường như cũng là những tác phẩm khai thác
đề tài lịch sử “ngợi ca con người, ngợi ca Tổ quốc”. Nguyễn Huy Tưởng
khiêm tốn cho rằng, bước vào làng văn, ông chỉ là “một kẻ ăn mò”. Tuy
nhiên, hành trình sáng tác và nhật ký của ông lại cho thấy, đây là một
quá trình sáng tạo tự giác, có ý thức. Là một người sớm ưu thời, mẫn
thế, Nguyễn Huy Tưởng thiết tha với những trang sử của dân tộc, với
những anh hùng đã làm rạng danh non sông, đất nước. Ông tự hào rằng “sử
Việt Nam đầy những phong công mỹ tích, đầy những cái đẹp, cái hay mà
chưa ai khai thác cả” (Nhật ký ngày 22-10-1938). Ông muốn viết
kịch, viết tiểu thuyết để truyền cái tinh thần của ông cha đến với ngàn
đời: “Dù viết cái gì cũng không nên bỏ tinh thần Việt Nam”. Những trang
viết đầu tiên khó nhọc, chậm, vật vã nhưng không hề nản. Ông để tâm tìm
hiểu tiểu thuyết. Sau kịch, tiểu thuyết là thể loại được ông đặc biệt
chú ý. Tiểu thuyết là hình thức phù hợp và thích ứng để Nguyễn Huy Tưởng
gửi tâm tình, quan niệm về cuộc đời như ông đã từng ghi trong Nhật ký ngày 6-9-1949
và nhiều trang nhật ký khác nữa mà chúng tôi không kể ra hết. Trong số
những nhà văn Nguyễn Huy Tưởng biết và đọc, ông khâm phục Lép Tônstôi,
đại văn hào Nga, ông dành sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với Racine, thi sĩ,
kịch gia Pháp. Ông khao khát trở thành một Lép Tônstôi, một Racine của
Việt Nam, nghĩa là khao khát trở thành một nhà viết tiểu thuyết, một nhà
viết kịch tầm cỡ. Ông dự định “kết cấu một truyện dài khổng lồ về xã
hội Việt Nam thế kỷ XX. Loại La gueree et la paix (Chiến tranh và hoà bình) của Tônstôi” (Nhật ký ngày 2-5-1945) và “miên man nghĩ một vở kịch vĩ đại” (Nhật ký ngày 6-5-1945).
Đồng hành cùng cuộc kháng chiến gian khổ, tận mắt chứng kiến những hy
sinh to lớn, cũng như sức mạnh quật khởi của dân tộc, nhân dân, Nguyễn
Huy Tưởng thiết tha muốn viết và nóng viết những tác phẩm xứng tầm với
kháng chiến. Ông lắng nghe những lời góp ý chân thành của những người
bạn nghệ sĩ, rồi tự ngẫm nghĩ cái “tạng” riêng của mình “thiên về những
truyện có tính cách lyrico- épique (sử thi trữ tình) (…) Thích nhiều
những truyện có tính cách trữ tình, thân mật, có chiến đấu, nhưng cũng
có nhiều tình yêu tình bạn và sôi nổi huyết khí thanh niên” (Nhật ký ngày 5-9-1950). Quả đúng như ông tiên
liệu, sau này, nhiều người khẳng định sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng,
đặc biệt là kịch và tiểu thuyết, giàu tính sử thi. Nguyễn Huy Tưởng
“thiên về ca ngợi, thiên về cái hùng tráng, huy hoàng, thiên về cái cao
cả. Bắc Sơn, Những người ở lại, Sống mãi với Thủ đô đều là những tác phẩm đầy chất tráng ca”(5). Nguyễn Huy Tưởng “giỏi viết về cái vĩ mô”(6). “So với tiểu thuyết và kịch lịch sử đương thời, các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng đã vượt trội hẳn lên”(7).
2. Thao thức về những vấn đề văn học
Ngay
từ những năm 50, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhu cầu đổi mới văn
học, cụ thể là đổi mới cách nghĩ, cách viết đã bộc lộ ở Nguyễn Huy
Tưởng. Nhật ký ngày 29-3-1955 có ghi: “Xem Banie du Foyer (Cấm cửa),
phim Ý, thấy cần chú ý tình cảm. Nói mãi đấu tranh, sáo và mệt”. Trải
qua chín năm sống và viết trong hoàn cảnh gian khổ, ác liệt, đối mặt với
gian khổ, Nguyễn Huy Tưởng có nhiều tác phẩm về đề tài kháng chiến được
đánh giá cao như Ký sự Cao Lạng, Những người ở lại và hàng loạt vở kịch ngắn: Người vợ, Khiêng thuyền, Anh sơ đầu quân…,
nhưng chính ông lại tự phê bình quyết liệt với những tác phẩm ấy, những
tác phẩm mà ông coi là “phục vụ kịp thời nhất” của mình, sớm nhận ra
những bất cập trong sáng tác của chính mình cũng như của nền văn học
kháng chiến. Nhật ký ngày 21-1-1956, 21-3-1956, 8-6-1956 của ông nói đến quá trình tự kiểm điểm này bằng một thái độ trung thực, thẳng thắn. Tự đánh giá lại Truyện anh Lục, Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký ngày 21-3-1956: “Hoàn thành tập 3 Truyện anh Lục.
Gọi là xong. Khá hơn lần trước nhưng vẫn rối rắm. Vẫn một chiều, thiếu
sâu sắc, thiếu cái sinh động của con người, với những đấu tranh nội tâm,
những ảnh hưởng khách quan của xã hội”. Kiểm điểm lại văn học mười năm
kháng chiến (1945-1954), Nguyễn Huy Tưởng không né tránh khi nhận xét:
“Tác phẩm văn học không được là bao. Mà cũng chỉ là kể việc, không có tư
tưởng, không có vấn đề, không có bài học gì cho tâm hồn. Mỗi nhà văn
phải có một thế giới quan, trong ấy sống những nhân vật của mình. Quan
niệm phục vụ kịp thời, nó đã lãng phí bao nhiêu tài năng, dẫn đến biết
bao những tác phẩm vô giá trị, những nghệ sĩ cơ hội. Thậm chí cá tính
của một người nghệ sĩ không còn. Một thứ nghệ thuật chung chung, giống
nhau, không có khía nhìn, khía cảm, khía suy nghĩ của người tác giả.
Công thức lạ lùng. Phải vứt những chữ kịp thời tai hại kia đi. Để cho
nghệ sĩ có thì giờ mà suy nghĩ, mơ mộng, đuổi theo những đề tài của
mình, phát triển cái cá tính của mình, nêu những vấn đề của cuộc sống”.
Những dòng nhật ký trên đây được ông viết ngày 8-6-1956, nghĩa là khi
hào quang chiến thắng vẫn còn tươi rói, khi vô số các giải thưởng với
những thứ hạng nhất, nhì, ba…cho tác giả này, tác phẩm kia vừa mới được
trao và nhận. Không ngần ngại “bắt mạch kê đơn” cho những non kém của
văn học nước nhà trong chín năm kháng chiến, ông cho rằng, chính cái
quan niệm “phục vụ kịp thời” đã tạo ra “một thứ nghệ thuật chung chung,
giống nhau”. Nguyễn Huy Tưởng quyết liệt phê phán quan niệm “phục vụ kịp
thời” vì đấy là quan niệm “tai hại” (Nhật ký ngày 1-6-1956). Năm
1960, thực trạng này được Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại lần nữa trong nhật
ký ngày 20- 4, và lần này xem ra còn quyết liệt hơn: “Nhìn trước nhìn
sau, thấy văn học ta nghèo nàn, khô khan, không có xương máu, mà lo”.
Nguyễn
Huy Tưởng mong muốn đổi mới lý luận, đổi mới cách nhận thức của văn
nghệ sĩ, của một nền văn học trước yêu cầu của cuộc sống. Ông cho rằng:
“Phải thay đổi đường lối tuyên truyền. Phải mạnh dạn nhìn vào cái xấu.
Vấn đề là biểu hiện cái xấu như thế nào, đến mức độ nào (…) Phải dũng
cảm mà phê bình xã hội. Tự hào, phải có cái tự hào của người cầm bút” (Nhật ký ngày 5-7-1956).
Nhật ký ngày 7-7-1956 cũng nhấn mạnh: “Đời sống còn giả tạo. Còn đầy
rẫy khuyết điểm. Ngay cái quan niệm về nghệ thuật (…) Vấn đề chính là
vạch những cái xấu, phải thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Nâng
niu, tôn trọng con người”. Những trang nhật ký được ghi vào các ngày 21,
22-4-1956; 7-5-1957 cho thấy nhà văn suy tư với ý hướng chuyển cách
viết vốn “thiên về ca ngợi” những vấn đề mang tính sử thi, vĩ đại của
đời sống, như ông tự nhận trong thiên tuỳ bút Một ngày chủ nhật,
sang những đề tài bình dị, đời thường: “Phải đi vào cuộc sống bình
thường”, “cuộc đời bình thường mà vĩ đại”, “phải đưa vào tác phẩm tiếng
nói bình dị của cuộc sống, chân lý thông thường của cuộc sống”. Đọc lại
những trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng ghi vào thời gian này, ta bắt
gặp những từ “bình thường”, “thông thường”, “giản dị” , “bình dị”, được
nhắc đi, nhắc lại nhiều lần như một tín hiệu có ý nghĩa cho một quan
niệm nghệ thuật mà ông tự nhắc nhở để thực hiện. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng còn
cho thấy ông nhận ra sự cần thiết phải chú ý tới chức năng giải trí (cố
nhiên lành mạnh) của văn học đối với quần chúng nhân dân trong hoàn
cảnh cuộc đời đang dần trở lại nhịp sống bình thường. Ông mong mỏi “lấy
lại cái thơ, cái đẹp, cái tự nhiên mà cán bộ đã làm mất. Phải làm cho
cuộc đời có cái vui thú” (Nhật ký 2-10-1956). Theo ông, “văn nghệ
có phải chỉ cổ động tuyên truyền giáo dục đâu. Nó làm được nhiệm vụ
giải trí cũng là tốt rồi. Sau những khó khăn, lo nghĩ, được đẹp mắt, vui
tai, thoáng đãng tâm hồn”. Văn học, theo ông, “đừng nặng về giáo dục mà
nhẹ phần giải trí” (Nhật ký ngày 2-7-1956). Đây là điều đâu dễ
nói. Và, nói đâu dễ được chấp nhận trong bối cảnh xã hội và tư duy lý
luận văn nghệ đương thời. Do sự tác động của thời cuộc, vào những năm
50, 60 và hàng chục năm tiếp theo của thế kỷ XX, trước yêu cầu và mục
tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, chức năng giáo dục, cải tạo con người
của văn nghệ luôn luôn được đặt lên hàng đầu, lên hàng số một trong
tương quan với chức năng nhận thức và thẩm mỹ là hai trong số ba chức
năng (và dường như chỉ là ba) của văn nghệ được giới lý luận và
sáng tác nói tới lúc bấy giờ. Chức năng giải trí của văn học nghệ thuật
hầu như không được đề cập, nếu có, cũng chỉ ở khía cạnh cảnh giới, phê
phán, phòng ngừa những biểu hiện sa đà, những cách nghĩ “lệch lạc”.
Qua
nhật ký, ta còn thấy, Nguyễn Huy Tưởng không ít lần trăn trở, đặt lại
và nhìn lại nhiều vấn đề của văn hoá, văn nghệ đương thời, trong đó có
vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị; vấn đề đối tượng phản ánh và phục vụ
của văn nghệ cách mạng. Nhật ký ngày 21-5-1956 ghi: “Văn nghệ không phải chỉ có vấn đề đối tượng công nông”.
Ông cũng đặt ra hướng tiếp cận mới về đối tượng “trung tâm” của văn học
thời kỳ này. Trong khi “người ta kỵ không được nói những cái xấu của
công nhân, nông dân, hình như chế giễu những người ấy là động đến cả chế
độ”, ông đặt vấn đề theo hướng phản biện: “Nhưng sao lại không được? Họ
là những cậu ấm, cô chiêu mới không được đả động ư? Không? Không thể
dối trá được. Không thể che đậy được. Không thể vì cách mạng mà nuông
chiều, gượng nhẹ được. Vấn đề là xây dựng con người” (Nhật ký ngày 7-3-1957).
Ngay từ những ngày đầu hoà bình lập lại, qua nhật ký của mình, Nguyễn
Huy Tưởng đã có những suy nghĩ táo bạo về mối quan hệ giữa văn nghệ và
chính trị. Nếu bài viết Văn nghệ và chính trị của một nhà nghiên
cứu văn học công bố năm 1987 trên tuần báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận
của Hội Nhà văn Việt Nam từng làm xôn xao dư luận một thời thì có lẽ
người ta sẽ càng cảm phục và chia sẻ cùng Nguyễn Huy Tưởng, nếu biết từ
năm 1957, có nghĩa là trước đó 30 năm, ông đã suy nghĩ về vấn đề này khá
sâu: “Văn nghệ có cần phải phục vụ không? Sao lại gò ép vào việc ấy?
Thân với bạn, làm thơ tiễn bạn: Có phục vụ chính sách mà sao bây giờ
truyền tụng? Ai truyền tụng những câu về chính sách? Nên suy nghĩ nhiều
về vấn đề này” (Nhật ký ngày 2-2-1957). Ba năm sau, năm 1960, vấn
đề “văn nghệ phục vụ…” được Nguyễn Huy Tưởng đặt ra lần nữa, trong nhật
ký ngày 20-4: “Văn học phục tùng chính trị. Văn học phục vụ chiến đấu.
Ta đồng ý với tấm lòng chân thành của ta. Vấn đề chỉ là yêu cầu một sự
hiểu biết về văn học, về tính chất của văn học”. Từ đó, nhà văn mong
muốn một sự thay đổi, không chỉ ở nếp nghĩ, cách nhìn mà còn là thể hiện
ở tác phẩm của mỗi nhà văn. “Ngẫm nghĩ về cái công thức của thời đại”,
Nguyễn Huy Tưởng cho rằng “thời đại nào cũng có những cái công thức của
nó. Vấn đề của nhà văn là phải phá cái công thức, và chống lại cái một
chiều, hiu hiu, cái nhạt nhẽo của con người” (Nhật ký ngày 15-1-1957).
Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng từ 1956 đến 1960 cũng đã ghi lại nhiều dự định
của nhà văn theo những ý hướng trên. Tiếc rằng, nhà văn đã ra đi quá
sớm, không kịp thực hiện niềm khát khao sáng tạo và đổi mới kia. Chúng
tôi nghĩ vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX, nhiều văn
nghệ sĩ đến sau ông hoặc kế tiếp ông đã thể hiện xuất sắc tư tưởng đổi
mới văn học trên cả hai khu vực lý luận phê bình và sáng tác mà vào
những năm 50, 60 ông đã tiên đoán và dự cảm. Khảo sát nhật ký Nguyễn Huy
Tưởng trong những năm 1955-1960 có thể nhận thấy nhiều mối ưu tư, bận
lòng của chính tác giả trước thực trạng “nghèo nàn, khô khan” của văn
học nước nhà như ông đã cảm và nghĩ. Ông quan ngại trước tình trạng con
người sự vụ, con người công chức lấn át con người nghệ sĩ, một trong
những nguyên nhân làm nghèo sự sáng tạo. “Người nghệ sĩ phải có tự hào.
Nhưng thật ra, lúc này, họ có khác gì một công chức. Họ dốt về mọi
phương diện. Văn hoá thấp kém. Họ sáng tạo cái gì (…) đóng góp cái gì.
Anh nêu được vấn đề gì khi anh chẳng tìm thấy vấn đề gì nêu cả (…) Như
thế là nghệ sĩ không? Hay chỉ là công chức?” (Nhật ký ngày 17-5-1956).
Rồi đây khi nghĩ về những nhà văn, nhà thơ sớm trăn trở đổi mới văn học
Việt Nam, không thể không nghĩ đến, nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng. Nói vậy
không phải là chủ quan theo kiểu “nói lấy được” mà có căn cứ. “Căn cứ” ở
chỗ những vấn đề: Chức năng của văn nghệ, trong đó có chức năng giải
trí; Quan hệ giữa văn nghệ và chính trị; Vấn đề đánh giá thành tựu và
hạn chế của văn nghệ cách mạng Việt Nam 1945-1975, trong đó, văn học
1945-1954 là một chặng; Vấn đề văn học phản ánh hiện thực… là những
vấn đề lý luận và thực tiễn được tranh luận sôi nổi, thậm chí quyết liệt
vào thời đầu Đổi mới cũng là những vấn đề mà ba chục hoặc hơn ba chục
năm trước Nguyễn Huy Tưởng trăn trở, thao thức và ghi lại không thiếu và
sót trong nhật ký của ông. Nếu có khác chăng là vào cuối những năm 50,
đầu những năm 60 của thế kỷ XX, bầu khí quyển chính trị- xã hội chưa
thuận và chưa hợp cho nhiều người trong đó có Nguyễn Huy Tưởng được công
khai bộc lộ ý kiến của mình. Cho nên, với hình thức nhật ký, Nguyễn Huy
Tưởng đã thực hiện một cuộc độc thoại, mà thực chất là đối thoại: đối
thoại với chính mình, với mọi người về những vấn đề văn học.
Tóm
lại, năm mươi năm sau ngày Nguyễn Huy Tưởng ra đi vĩnh viễn, đồng nghĩa
với 50 năm những dòng nhật ký cuối cùng của ông đóng lại, công chúng
yêu văn học hiện nay vẫn tìm thấy ở đó những mối quan tâm suy nghĩ dường
như chưa hề cũ, không bị cũ, nghĩa là còn rất mới, rất thời sự của một
nghệ sĩ trung thực, thường ưu tư về những vấn đề văn hoá, văn nghệ dân
tộc. Nếu coi sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng là mạch nổi, thì nhật ký mà
sinh thời ông chưa có điều kiện công bố là mạch chìm, mạch ngầm. Vì vậy,
để hiểu mạch nổi cũng cần biết mạch ngầm, mạch chìm chứ sao. Xét trên
phương diện văn bản học, hơn 1700 trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng còn
là một tư liệu quý cho nhiều bộ môn như sử học, văn hóa học, xã hội học1
___________
(1) Xin xem:
- Nguyễn Khắc Xuyên: Mục lục phân tích Tạp chí Nam phong, Nxb. Thuận Hoá, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, 2002, tr.275.
- Nguyễn Huy Tưởng: “Thơ là hòn đá giũa mài chỉ còn lại cái tinh hoa sáng sủa”, Tạp chí Thơ, số 1-2006, tr.75-82
(2) Xin xem: Thơ Mới 1932-1945 –Tác giả và tác phẩm, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2001, tr.1017, 1019, 1021.
(3) Nguyễn Huy Tưởng: Toàn tập, tập 2, Nxb. Văn học, H, 1996, tr.883.
(4) Nguyễn Huy Tưởng: Toàn tập, tập 2, Sđd, tr.884.
(5), (6) Xin xem: Nguyễn Huy Tưởng - Về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H, 2003, tr.191.
(7) Xin xem: Nguyễn Huy Tưởng - Về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H, 2003, tr.211.
http://vienvanhoc.org.vn/news/tapchi/786/doc-lai-nhat-ky-nguyen-huy-tuong-nhan-ky-niem-50-nam-ngay-mat-cua-nha-van.aspx