NCBĐ-Những
tuyên bố và hành động nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đang gây
căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Mỹ,
Nhật Bản và Úc cũng thể hiện sự quan ngại đối với an ninh của các tuyến
đường thông thương trên biển tại Biển Đông. Bài tham luận[1] sẽ
phân tích những thách thức trên biển này và xem xét những hệ lụy đối
với hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng bao gồm
Nhật Bản và Mỹ.
Tháng 3 năm 2010[2],
các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thông báo với quan chức chính quyền
Obama rằng Trung Quốc (Cộng hòa nhân dân - CHND Trung Hoa) sẽ không dung
thứ cho bất cứ hành động can thiệp nào tại Biển Đông, nơi mà hiện nay
Trung Quốc coi là một phần “lợi ích cốt lõi” thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Lực lượng Hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (viết tắt
tiếng Anh: PLA, viết tắt tiếng Việt: QĐGPND – chú thích: người dịch) và
các cơ quan an ninh hàng hải Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tàu chiến
và tàu tuần tra tại Biển Đông. Căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc
gia láng giềng Đông Nam Á đang leo thang. Mỹ, Nhật Bản và Úc cũng thể
hiện sự quan ngại đối với an ninh của các tuyến đường thông thương trên
biển (viết tắt – tA: SLOC) tại Biển Đông. Cũng có ý kiến cho rằng Hải
quân Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển tàu sân bay. Bài tham luận
này sẽ phân tích những thách thức trên biển này và xem xét những hệ lụy
đối với hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng bao
gồm Nhật Bản và Mỹ.
Khái quát về xung đột tại Biển Đông
Biển
Đông có bốn nhóm đảo, gồm quần đảo Đông Sa (tiếng Anh: Pratas); quần
đảo Hoàng Sa; bãi Trung Sa và quần đảo Trường Sa (xem Hình 1). Đài Loan
đã chiếm đóng quần đảo Đông Sa vào năm 1946, Trung Quốc đã chiếm đóng
quần đảo Hoàng Sa sau vụ đụng độ trên biển giữa Hải quân Trung Quốc và
Hải quân Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974. Tất cả đảo đá tại bãi Trung Sa
đều là bãi chìm, trừ hai đá thuộc bãi Scarborough do quân đội
Phi-lip-pin chiếm đóng.
Trọng
tâm chính là các tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa. Theo nhiều
nguồn tư liệu của Trung Quốc, diện tích biển quanh quần đảo Trường Sa
rộng khoảng 800 nghìn cây số vuông, chiếm khoảng 38% tổng diện tích Biển
Đông. Khu vực này bao gồm 230 đảo, đá chìm và đảo nhỏ[3].
Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều đưa ra yêu sách đối tất cả các
đảo, đá chìm, đảo nhỏ; trong khi đó Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a và Bru-nây
chỉ đưa ra yêu sách với một số đảo và đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Bốn bên đưa ra yêu sách, như Bru-nây, Ma-lai-sia, Phi-líp-pin và Việt
Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt:
ASEAN).
Hình 1: Đường đứt đoạn chữ U và các đảo tại Biển Đông
Vùng
biển bao quanh quần đảo Trường Sa được đánh giá là giàu có về nguồn lợi
dầu mỏ và hải sản. Đó là lý do chính khiến tất cả các bên yêu sách
khẳng định quyền chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, hiện
nay, chưa có bên nào thành công trong việc tìm kiếm dầu mỏ. Các chuyên
gia Nhật Bản cũng tỏ ra bi quan đối với việc sản xuất dầu mỏ và khí đốt
tại vùng biển bao quanh quần đảo Trường Sa[4].
Đúng là có một số mỏ dầu hoặc mỏ khí đốt tự nhiên đã được tìm thấy tại
Biển Đông, nhưng các mỏ này nằm tại những khu vực trũng địa chất thuộc
các vùng duyên hải Việt Nam, Sabah và Sarawak của Ma-lai-sia và quần đảo
Natuna của In-đô-nê-sia. Không có một mỏ dầu khí nào được tìm thấy
quanh quần đảo Trường Sa, bởi quần đảo này nằm ở vùng biển giữa và sâu
của Biển Đông.
Về
nguồn lợi hải sản tại Biển Đông, bao gồm vùng biển bao quanh quần đảo
Trường Sa, các thống kê mới đây cho thấy có khoảng 11,5 tỷ tấn cá được
đánh bắt vào năm 2001 (trong đó, Trung Quốc: 3,4 triệu tấn;
In-đô-nê-sia: 2,9 triệu tấn; Thái Lan: 1,9 triệu tấn; Việt Nam: 1,5
triệu tấn, Phi-líp-pin: 0,9 triệu tấn, Ma-lai-sia: 0,7 triệu tấn) [5].
Các thông kê cũng cho thấy Trung Quốc đánh bắt 5 triệu tấn hải sản vào
năm 1989. Điều đó cho thấy khả năng đánh bắt cá tại Biển Đông đang giảm
xuống[6].
Về
tình hình chiếm đóng hiện nay tại quần đảo Trường Sa (cụ thể là sự có
mặt của quân đội tại đây), Đài Loan đã chiếm đóng vào năm 1947,
Phi-lip-pin vào năm 1956, Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974 và Trung Quốc
vào năm 1988[7].
Chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo
Trường Sa vào tháng 8/1951 mặc dù Hải quân Trung Quốc là bên có mặt muộn
nhất trong nhóm các bên yêu sách tại quần đảo này. Tàu khu trục Giang
Đông (Jiangdong) của Hải quân Trung Quốc đã tấn công các tàu chở lính
của Việt Nam tại vùng biển quanh bãi Gạc Ma của quần đảo Trường Sa vào
tháng 3/1988, làm chìm hai tàu của Việt Nam và làm hư hại một tàu khác[8].
Hải
quân Trung Quốc đã dựng cột mốc lãnh thổ tại Đá Gaven vào tháng 7/1992
và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thể hiện sự quan ngại của họ
tuy nhiên họ không nhắc đến Trung Quốc trong Tuyên bố về Biển Đông[9].
Hải quân Trung Quốc cũng xây dựng một số đồn bốt quân sự cho lính đóng
quân trên bãi đá ngầm Vành Khăn mà cả Việt Nam và Phi-líp-pin cũng yêu
sách chủ quyền, vào tháng 2/1995 và sau đó họ đã mở rộng những cơ sở này
vào tháng 10/1998[10]. Bộ trưởng ngoại giao của các nước ASEAN đã công bố Tuyên bố về bãi Vành Khăn vào tháng 3/1995[11],.
Các quốc gia ASEAN đã không hài lòng với Trung Quốc vì sự thống trị
quân sự của nước này ở Biển Đông. Kể từ đó, các quốc gia ASEAN sử dụng
ngoại giao hội nghị[12] để giải quyết xung đột Biển Đông một cách hòa bình.
Các
nhà lãnh đạo ASEAN bắt đầu tìm kiếm các cách thức giải quyết hòa bình
cho xung đột Biển Đông tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF - diễn đàn này
bắt đầu từ năm 1994) và tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc
(khởi động từ năm 1997). Họ đã lên kế hoạch cho Bộ quy tắc ứng xử khu
vực tại Biển Đông (viết tắt – COC) để ngăn chặn các yêu sách của Trung
Quốc tại Biển Đông[13].
Các nước ASEAN đã đàm phán với Trung Quốc trong nhiều năm và cuối cùng
các bên cũng đi tới ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển
Đông (viết tắt: DOC) tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc vào
ngày 4/11/2002[14].
Về
tình hình chiếm đóng các đảo, đá tại quần đảo Trường Sa, một học giả
người Phi –líp-pin cho biết “Trung Quốc chiếm 7, Đài Loan chiếm 1, Việt
Nam 21, Ma-lai-si-a
chiếm 5 và Phi-líp-pin chiếm 9, tổng cộng là 43 đảo bị chiếm đóng”. Tuy
nhiên, hải quân Trung Quốc khẳng định Việt Nam đang chiếm 29 đảo, đá.
Một học giả người Trung Quốc cho biết “Trung Quốc chiếm 6 đảo, đá” [15].
Trung Quốc đã vạch ra đường đứt đoạn hình chữ U tại Biển Đông (xem hình
1), và giới ngoại giao Trung Quốc gọi đường chữ U đứt đoạn là ranh giới
của các vùng nước lịch sử của Trung Quốc một cách mơ hồ. Ngoài ra, luật
lãnh hải của Trung Quốc đã đưa ra yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ
các đảo tại Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa[16].
Yêu
sách của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa rất yếu vì nó không xuất
phát từ yếu tố cư trú lịch sử của người dân Trung Quốc. Yêu sách của bốn
nước ASEAN cũng thiếu tính thuyết phục với cùng một lý do. Một học giả
Nhật Bản có uy tín nhận định rằng không có bên yêu sách nào có thể đưa
ra bằng chứng rõ ràng về việc chiếm cứ hữu hiệu tại quần đảo Trường Sa
vào giai đoạn lịch sử cận đại. Mỗi bên đưa ra yêu sách đều có quyền tham
gia vào đàm phán giải quyết vấn đề lãnh thổ[17].
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây
Giáo sư. Koichi Sato, College of Liberal Arts, Đại học J. F. Oberlin, Tô-ky-ô, Nhật Bản
Bản gốc tiếng Anh: “South China Sea: China’s Rise and Implications for Security Cooperation”
Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.
[1]
Một số phần trong bài tham luận này được đăng trên bài viết của chính
tác giả, Koichi Sato, “China’s ‘Frontiers’: Issues Concerning
Territorial Claims at Sea - Security Implications in the East China Sea
and the South China Sea-”, đây là bài tham luận được trình bày tại
chương trình Global COE của Trung tâm nghiên cứu Sla-vơ, Đại học
Hokkaido ( http://src-h.slav.hokudai.ac.jp/ ). Tác
giả muốn dành những lời cám ơn đặc biệt tới Trung tâm nghiên cứu Sla-vơ
vì đã hỗ trợ tác giả trong việc nghiên cứu các vấn đề biên giới biển.
Những quan điểm trong tham luận này chỉ mang tính chất cá nhân, không
đại diện cho bất cứ tổ chức nào.
[2] New York Times, 23 tháng 4 năm 2010. “Lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” trong vấn đề lãnh thổ bao gồm Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
[3] Ji Guoxing, The Spratlys Disputes and Prospects for Settlement, Institute of Strategic and International Studies (ISIS) Malaysia, 1992, tr. 1.
[4] Akira Ishi và Kazuhiko Fuji, Sekai Wo Ugokasu Sekiyu Senryaku [Chiến lược dầu mỏ thế giới],
Chikuma Publishing, 2003, tr. 136-140. Bộ Tài nguyên Đất đai của Trung
Quốc đã tuyên bố một cách lạc quan rằng Biển Đông có thể có khoảng 23-40
tỷ tấn dầu mỏ (tương đương với 168 – 220 tỷ thùng dầu) và hơn 2000
nghìn tỷ khối (tcf) khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò địa
chấn của Mỹ vào năm 1993/4 cho rằng chỉ có 28 tỷ thùng dầu, Cơ quan
thông tin năng lượng Mỹ cho rằng chỉ có khoảng 7 tỷ thùng dầu. Theo
nguồn của Ralf Emmers, Geopolitics and Maritime Territorial Disputes in
the South China Sea: From Competition to Collaboration? Joshua Ho, ed., Realising Safe and Secure Seas for All, Select Publishing, 2009, tr. 147.
[5]
Guo Wenlu and Huang Shuolin, Nanhai Zhengduan Yu Nanhai Yuye Ziyuan
Quyu Hezuo Guanli Yanjiu [Nghiên cứu xung đột biển Đông và Quản lý hợp
tác các nguồn thủy sản ở biển Đông], Haijun Chubanshe, Beijing, 2007,
tr. 91-104.
[6] Shigeo Hiramatsu, Chugoku No kaiyo Senryaku [Chiến lược hải quân Trung Quốc], Keiso Shobo Publishing, 1993, tr. 27.
[7] Tatsuo Urano, Nankai Shoto Kokusai Funso Shi [Lịch sử các cuộc xung đột quốc tế về các đảo ở biển Đông], Tosui Shobo Publishing, 1997, Tokyo, tr. 1106-1175.
[8] Jane’s Defence Weekly, 28 tháng 5 năm 1988, tr. 1072, Shao Yonglin, Haiyang Zhanguoce [Chiến lược chiến tranh hải quân của Trung Quốc], Shiyou Gongyue Chubanshe, 2010, tr. 165. Shao Yonglin là giáo sư tại Học Viện Pháo binh thứ hai và là Đại tá của PLA.
[9] New Straits Times, 10 tháng 7 năm 1992, Tuyên bố về Biển Đông, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Manila, 22 tháng 7 năm 1992.
[10] Far Eastern Economic Review, 23 February 1995, pp. 14-16, Straits Times, 11 November 1998.
[11] Tuyên bố của Bộ trưởng các nước ASEAN về tình hình mới tại Biển Đông, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, Singapore, 18 tháng 3 năm 1995.
[12]
Bộ trưởng các nước ASEAN gọi nguyên tắc hội nghị của họ là “phương cách
ASEAN”, mặc dù nguyên tắc của các phiên họp như vậy còn rất mơ hồ.
Chính vì thế, tác giả chia “phương cách ASEAN” trong ngoại giao hội nghị
thành một bộ nguyên tắc gồm 6 đặc điểm. Thứ nhất, quá trình hoạch định
chính sách dựa trên đồng thuận; thứ hai, việc duy trì đối thoại được đặt
ưu tiên hơn so với giải quyết xung đột thông qua những người tham dự
hội nghị; thứ ba, ASEAN cũng tiến hành đàm phán tập thể với các đối tác
đối thoại bên ngoài; thứ tư, ASEAN tiến hành các hội nghị tùy theo thay
đổi của môi trường quốc tế; thứ năm, ASEAN giữ toàn bộ hoặc một phần
quyền tài trợ và chủ trì các cuộc họp; thứ sáu, ASEAN tiến hành các hội
nghị không chính thức, bao gồm các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng. Sáu
thành tố của ngoại giao hội nghị kiểu ASEAN tạo thành gói quy tắc mà tác
giả gọi là “Cơ chế ASEAN”. Xem Koichi Sato, “The ASEAN Regime: Its
Implications for East Asian Cooperation – A Japanese View,” Tamio
Nakamura ed., The Dynamics of East Asian Regionalism in Comparative Perspective, Institute of Social Science, University of Tokyo, 2007, tr. 19-30.
[13] Straits Times, 21/7/1999.
[14] Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông, Phnom Penh, 4/11/2002.
[15]
Rommel C. Banlaoi, Renewed Tensions and Continuing Maritime Security
Dilemma in the South China Sea: A Philippine Perspective, Tran Truong
Thuy ed., The South China Sea: Cooperation for Regional Security and
Development, Diplomatic Academy of Vietnam, 2010, tr. 148, Shao, sđd.,
tr. 202, Li Guojiang, Zhongguo Chugoku To Shuuhen Kokka No Kaijou Kokkyo
Mondai [Vấn đề biên giới biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng], Kyokai Kenkyu [Nhìn lại Biên giới Nhật Bản], No. 1, Trung tâm nghiên cứu Sla-vơ, Đại học Hokkaido, tr. 50.
[16] Far Eastern Economic Review, 27 April 1995, p. 28, People’s Daily, 26/02/1992.
[17]
Hidekuni Takeshita, Minami Shina Kai Funso No keii To Ryouyuuken Mondai
[Lịch sử xung đột biển Đông và các vấn đề lãnh thổ], tập 2, Ajiatorendo, 1992, IV, tr. 91.