11:16' 7/10/2011
Một cuộc chiến “chống khủng bố” chưa từng có trong lịch sử
Theo nhiều chuyên gia
quân sự và an ninh, để chống khủng bố, trước hết phải sử dụng lực lượng
an ninh và tình báo, lực lượng đặc nhiệm và các biện pháp phi quân sự
khác, nhưng “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan lại sử
dụng một lực lượng quân sự đông tới hàng trăm nghìn quân, được trang bị
đến “tận chân răng”. Đó là Lực lượng liên minh chống khủng bố đa quốc
gia do Mỹ chỉ huy và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế ISAF
(International Security Assistance Force) dưới quyền chỉ huy của NATO.
Theo tuyên bố chính thức, nhiệm vụ chủ yếu của cả hai lực lượng quân sự
này là truy tìm và tiêu diệt các chiến binh của phong trào hồi giáo cực
đoan Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan và mạng lưới khủng bố An-kê-đa.
Chiến dịch “Tự do bền
vững" mở màn bằng các cuộc ném bom vào mục tiêu chiến lược của Ta-li-ban
ở các thành phố Ca-bun, Can-đa-ha, Hê-rát, Gia-la-la-mát, Ma-gia-ri
Sa-ríp và một số thành phố khác. Ngày 7-12-2001, căn cứ chủ yếu của
Ta-li-ban ở thành phố Ca-bun bị tiêu diệt. Trong vòng 2 tháng, chế độ
Ta-li-ban bị sụp đổ. Tháng 12-2001, thủ lĩnh chính của các nhóm đối lập ở
Áp-ga-ni-xtan tổ chức gặp nhau ở Bôn (Đức) để thống nhất kế hoạch thành
lập Chính phủ dân chủ mới do ông Ha-mít Ca-dai, một người thuộc dân tộc
Pu-xtun ở Áp-ga-ni-xtan làm Tổng thống lâm thời. Tháng 10-2004, trong
cuộc bầu cử toàn quốc, ông Ha-mít Ca-dai được bầu làm Tổng thống
Áp-ga-ni-xtan. Tiếp đến, tháng 9-2005, các cuộc bầu cử lập pháp được tổ
chức. Cũng trong năm 2005, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan đã ký kết thoả thuận đối
tác chiến lược, theo đó các bên cam kết xây dựng mối quan hệ chiến lược
lâu dài giữa hai quốc gia. Như vậy, kết cục ban đầu của “cuộc chiến toàn
cầu chống khủng bố” tới năm 2005 là Mỹ đã dựng lên một nhà nước ở
Áp-ga-ni-xtan để xúc tiến lợi ích chiến lược lâu dài của họ ở quốc gia
Trung Á này.
Tuy nhiên, những động
thái trên của Mỹ là hướng tới mục tiêu chiến lược lâu dài, là bước khởi
đầu để Mỹ thực hiện tham vọng hiện diện lâu dài tại khu vực có vị trí
cực kỳ quan trọng trong vành đai địa - chính trị được gọi là “Trung Đông
Lớn”, kéo dài từ Pa-ki-xtan, qua Áp-ga-ni-xtan tới các nước Trung Á
thuộc Liên Xô cũ (như U-dơ-bê-ki-xtan, A-déc-bai-dan, Cư-rơ-gư-xtan),
qua I-ran, I-rắc ở khu vực Trung Đông cho tới vùng Bắc Phi. Một vành đai
địa - chính trị ẩn chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ mà
các nước công nghiệp phát triển, đứng đầu là Mỹ đang mong muốn.
“Bàn cờ lớn” khó chơi
Ông Zbi-nép
Brê-din-xki, cố vấn an ninh quốc gia cho nhiều đời tổng thống Mỹ và nay
là cố vấn cho đương kim Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã từng ví khu vực
Trung Á mà tâm điểm là Áp-ga-ni-xtan là “bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI.
Theo ông, ai thắng được ván cờ này, người đó sẽ giành quyền bá chủ lục
địa Á-Âu và tiến tới lãnh đạo thế giới. Như vậy, bằng
việc phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan, Mỹ
đã chính thức tham dự cuộc chơi trên “bàn cờ lớn” này. Nhưng quả thật,
đây là ván cờ khó, nếu không muốn nói là cực kỳ hóc búa, bởi nơi đây hội
tụ lợi ích sống còn của nhiều quốc gia mà không dễ gì Mỹ có thể làm
chủ.
Mặc dù Mỹ và NATO tiếp
tục chiến dịch quân sự với sự hỗ trợ lực lượng của Chính phủ
Áp-ga-ni-xtan do Tổng thống Ha-mít Ca-dai đứng đầu vừa mới thành lập,
lực lượng Ta-li-ban đã quay trở lại thiết lập và phục hồi ảnh hưởng tại
nhiều vùng khác nhau. Điều khó xử đối với Mỹ là Ta-li-ban sử dụng các
khu vực có nhiều bộ tộc ở Áp-ga-ni-xtan sinh sống trên vùng tiếp giáp
giữa Áp-ga-ni-xtan với Pa-ki-xtan làm căn cứ hậu cần. Thêm vào đó, Bộ
chỉ huy tối cao của mạng lưới khủng bố An-kê-đa, đứng đầu là Ô-xa-ma Bin
La-đen chuyển sang Pa-ki-xtan để tiếp tục hoạt động. Tình hình này buộc
Mỹ phải áp dụng cái gọi là “chiến lược AfPak”, nghĩa là mở rộng “cuộc
chiến toàn cầu chống khủng bố” sang chiến trường Pa-ki-xtan. Kể từ đây,
quan hệ giữa Mỹ với đồng minh Pa-ki-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố
bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng.
Bất chấp các nỗ lực của
Mỹ trong việc thực hiện “chiến lược AfPak”, đến năm 2008, chiến thuật
chủ yếu của Ta-li-ban lại là tập trung tiến hành các vụ tiến công quân
Mỹ và NATO từ lãnh thổ Pa-ki-xtan. Trong tình thế đó, các lực lượng của
Mỹ và NATO phải phối hợp với quân đội Pa-ki-xtan tiến hành các hoạt động
càn quét Ta-li-ban trên biên giới với Áp-ga-ni-xtan. Tháng 2-2008,
Ta-li-ban tiến hành một trong những chiến dịch táo bạo nhất nhằm phá
hoại tuyến đường bảo đảm hậu cần của NATO đi qua lãnh thổ Pa-ki-xtan.
Theo tính toán, có tới 80% lương thực, vũ khí và đạn dược của Mỹ và NATO
được chuyên chở qua tuyến đường này. Do các đợt tiến công liên tục của
Ta-li-ban, hoạt động bảo đảm hậu cần của NATO gần như bị tê liệt. Trong
tình thế đó, Mỹ và NATO buộc phải nhờ Nga cho phép máy bay của NATO mở
một tuyến hành lang vận chuyển hậu cần đi qua không phận của Nga trên
tinh thần “cài đặt lại” quan hệ Mỹ - Nga sau khi Tổng thống Mỹ Ba-rắc
Ô-ba-ma bước vào Nhà Trắng.
Trước tình thế ngày
càng bế tắc, ngày 1-12-2009, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma công bố chiến
lược mới ở Áp-ga-ni-xtan dựa trên ba trụ cột. Một là, tăng thêm quân cho
chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Hai là, hợp tác quốc tế với Liên hợp quốc
và các đối tác quốc tế cũng như với nhân dân Áp-ga-ni-xtan. Ba là, hợp
tác chặt chẽ hơn nữa với Pa-ki-xtan. Theo chiến lược này, Mỹ điều động
thêm 30.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan để nhanh chóng ổn định tình hình nhằm
rút quân khỏi đây từ tháng 7-2011. Đối phó với chiến lược mới của Mỹ ở
Áp-ga-ni-xtan, trong 2 năm 2010-2011, Ta-li-ban chuyển sang tăng cường
sử dụng chiến thuật chiến tranh du kích nhằm vào các đoàn tuần tra, các
đội quân hộ tống hậu cần của NATO, rải mìn trên các tuyến giao thông vận
tải, và bất ngờ đột kích vào những vị trí sơ hở của đối phương. Đến
cuối tháng 5-2011, tỉnh Nu-ri-xtan tiếp giáp với Pa-ki-xtan đã hoàn toàn
nằm dưới quyền kiểm soát của Ta-li-ban.
Năm 2011, các lực lượng
tình báo và đặc nhiệm của Mỹ đã tiến hành hai chiến dịch được coi là
“thành công”. Trong đó, chiến dịch thứ nhất được thực hiện vào đêm ngày 1
rạng sáng ngày 2-5-2011 với kết quả là tiêu diệt được trùm khủng bố
Ô-xa-ma Bin La-đen. Và chiến dịch thứ hai thực hiện vào ngày 23-5-2011
trên lãnh thổ Pa-ki-xtan tiêu diệt Mô-ha-mét Ô-ma, một thủ lĩnh của
phong trào Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, do hai chiến dịch này
được tiến hành bí mật và do các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ thực hiện
trên lãnh thổ Pa-ki-xtan, nên đã bị phía Pa-ki-xtan phản đối, thậm chí
khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và quốc gia này bị đặt dấu hỏi nghi vấn.
Điều trớ trêu nữa là, sau hai “chiến dịch” đó, cán cân sức mạnh vẫn
không thay đổi. Theo các chuyên gia quân sự, việc cân bằng lực lượng
trên chiến trường Áp-ga-ni-xtan vẫn không có lợi cho cả Mỹ và NATO,
trong khi Ta-li-ban vẫn tổ chức các cuộc tiến công liên tục nhằm vào lực
lượng của Mỹ và quân chính phủ trên toàn lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, thậm
chí ngay trung tâm chỉ huy của NATO ở thủ đô Ca-bun.
Rút quân nhưng vẫn ở lại lâu dài
Theo số liệu của nhiều
nguồn tin độc lập, trong vòng 10 năm kể từ năm 2001, đã có 12.100 dân
thường Áp-ga-ni-xtan thiệt mạng, liên quân quốc tế do Mỹ và NATO chỉ huy
cũng bị mất 2.500 người trong các chiến dịch quân sự, trong đó Mỹ bị
thiệt hại nhiều nhất, với hơn 1.600 người và tiêu tốn khoảng trên 100 tỉ
USD mỗi năm. Theo kết quả điều tra dư luận trong năm 2011, có tới 56%
người Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm góc nhanh chóng rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan,
trong khi con số này ở năm 2010 là 40%.
Tháng 7-2011, Tổng
thống Ba-rắc Ô-ba-ma công bố kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan của
Mỹ, bởi theo ông, Mỹ đã “giành được những thắng lợi cơ bản”. Theo kế
hoạch của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan, việc Mỹ và NATO chuyển giao trách
nhiệm an ninh cho phía Áp-ga-ni-xtan sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2014.
Hiện Oa-sinh-tơn và Ca-bun đang tiến hành các cuộc đàm phán “bí mật” để
tiến tới ký kết một hiệp định bảo đảm an ninh lâu dài ở Áp-ga-ni-xtan.
Theo đó các lực lượng quân sự, lực lượng đặc nhiệm và các căn cứ không
quân của Mỹ sẽ được duy trì ở Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014, vào thời điểm
Mỹ sẽ rút 130.000 quân ra khỏi nước này. Theo nhận định của nhiều chuyên
gia quân sự, dưới hình thức này hay hình thức khác, Mỹ sẽ còn hiện diện
lâu dài ở Áp-ga-ni-xtan, chừng nào “ván cờ lớn” chưa ngã ngũ.
Nhìn lại sau 10 năm, có
thể thấy “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Mỹ phát động ở
Áp-ga-ni-xtan đã không đạt được mục đích đề ra là tiêu diệt mạng lưới
khủng bố An-kê-đa và lực lượng Ta-li-ban mà Mỹ cho là “che chở khủng
bố”. Mặc dù trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen bị tiêu diệt nhưng tổ chức
khủng bố An-kê-đa vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí phạm vi hoạt động còn
rộng khắp hơn so với thời điểm năm 2001. Thêm vào đó, phong trào
Ta-li-ban vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan và có ảnh hưởng
ngày càng lớn ở quốc gia này. Mỹ và liên quân vẫn không thành lập được
bộ máy quyền lực ổn định ở Áp-ga-ni-xtan. Chính phủ của Tổng thống
Ha-mít Ca-dai vẫn không được lòng dân bởi nạn tham nhũng của nhiều quan
chức, còn Quốc hội nước này cho đến nay vẫn chưa được Tòa án tối cao phê
chuẩn. Vấn đề khó khăn nhất và vẫn chưa được giải quyết hiện nay ở
Áp-ga-ni-xtan là việc xây dựng bộ máy quyền lực được đa số dân chúng
thừa nhận và ủng hộ.
Lối thoát cho sự bế tắc
hiện nay ở Áp-ga-ni-xtan là cần phải đạt được sự đồng thuận xã hội ở
quốc gia này nhằm xây dựng một chính phủ hòa hợp dân tộc, trong đó có sự
tham gia của phong trào Ta-li-ban. Người Mỹ đã hiểu được điều này và
trong thời gian qua họ đã bắt đầu có các cuộc tiếp xúc với đại diện của
Ta-li-ban. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan Ha-mít Ca-dai cũng đã tuyên bố, ở
Áp-ga-ni-xtan sẽ không thể tồn tại một nhà nước nếu không thu hút được
sự ủng hộ của những người dân đi theo Ta-li-ban.
Như vậy, từ chỗ tuyên
bố phát động “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” nhằm tiêu diệt các lực
lượng chủ yếu của Ta-li-ban và An Kê-đa, nay Mỹ lại chuyển sang bắt tay
với Ta-li-ban để xây dựng một chính phủ ổn định ở Áp-ga-ni-xtan. Phải
chăng đây là bài học mà Mỹ đã rút ra được và đem ra áp dụng trong các
cuộc bạo động chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, trong đó Mỹ đứng ra ủng
hộ các lực lượng đối lập bao gồm cả các lực lượng hồi giáo cực đoan,
như trong các sự kiện ở Ai Cập, Li-bi, Xi-ri và An-giê-ri...?./.