Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

1. Từ phía Trung Quốc nhìn sang Việt Nam

Người viết : Mizuno Masumi

  Lời người dịch:
  Để kinh tế tăng trưởng bền vững, Việt Nam đang chú trọng đến việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài. Việt Nam dành nhiều ưu đãi, cố gắng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài và Nhật Bản đang dần trở thành đối tác quan trọng của Việt Nam.
  Mặt khác, Nhật Bản vì muốn phân tán rủi ro của việc tập trung đầu tư vào Trung Quốc nên đã nghĩ đến chính sách “Trung Quốc cộng một”.
  Việt Nam có tiềm năng trở thành “cộng một” và chính Việt Nam cũng muốn trở thành “cộng một” để phát triển. Nhưng phần cứng (cơ sở hạ tầng v.v..) và phần mềm (nhân cong v.v...) cùng với những chính sách ưu đãi của Việt Nam dành cho đầu tư nước ngoài có đủ sức cạnh tranh với nước khác hay không? Về chính sách vĩ mô, chắc hẳn Việt Nam đã sẵn sàng cho mọi cạnh tranh, nhưng về vi mô thì sao? Việt Nam mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào là điều trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nước ngoài, và cũng là yếu tố quyết định sự thành bại của việc thu hút đầu tư. Vì vậy ý kiến của đối tác đối với thực trạng ở Việt Nam là tài liệu đáng để Việt Nam tham khảo.
  Người dịch xin giớI thiệu bài viết của ông Mizuno, tổng giám đốc một công ti tư vấn đầu tư của Nhật Bản ở Trung Quốc đăng trên báo NNA chuyên về đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, liên tục đăng bốn ngày từ 5/12 đến 8/12/2006 trên bảng điện tử ở Mã Lai, so sánh môi trường đầu tư nước ngoài của Việt Nam với Trung Quốc.
 
SỰ THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG KINH DOANH Ở TRUNG QUỐC
VÀ KHUYNH HƯỚNG DI DỜI SANG VIỆT NAM
 
  Tháng mười vừa rồi, theo lịch hành trình bốn ngày ba đêm, tôi đã đến Hà Nội và thành phố Hồ chí Minh viếng năm công ty Nhật Bản nằm trong năm khu vực khai thác đầu tư nước ngoài.
  Tuy đang điều hành một công ty cố vấn đầu tư ở Trung Quốc, nhưng tôi đã đến viếng Việt Nam vì cần phải gấp rút có thông tin về Việt Nam để đáp ứng những đòi hỏi thông tin tăng lên trong những năm gần đây.
  Đòi hỏi thông tin về Việt Nam tăng lên trong bối cảnh có biến đổi trong chính sách nhằm đi đến “Trung Quốc cộng một” ở Nhật Bản. Sự lan tràn của dịch SARS (năm 2003) và những cuộc biểu tình chống Nhật (năm 2005) ở Trung Quốc là nguyên nhân trực tiếp khiến các nhà đầu tư Nhật Bản nhận thức được sự cần thiết phân tán đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
  Ngoài ra, trong những năm gần đây, đồng nhân dân tệ tăng giá, đất đai bị cấm cho thuê với giá rẻ, lương tối thiểu tăng lên, tỉ lệ hoàn lưu thuế xuất khẩu bị điều chỉnh thấp xuống là những lí do khiến giá thành sản phẩm ở Trung Quốc tăng cao, do đó một số ngành nghề và hình thái sản xuất không còn có thể sinh lợi được nữa.
  Ứng cử viên của “cộng một” là Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Thái và một vài nước khác. Nhưng Việt Nam nhờ gần với Trung Quốc về địa lí, được xem là ít có rủi ro về chính trị và tôn giáo, chế độ liên quan đến kinh doanh lại giống với Trung Quốc nên Việt Nam là vùng được quan tâm nhiều nhất trong việc phân tán đầu tư từ Trung Quốc.
  Từ nay, Việt Nam chắc sẽ có nhiều cơ hội trở thành điểm đến khi công ty Nhật Bản cần mở rộng hoặc di dời công xưởng, hoặc cần nơi sản xuất phụ phẩm cho công ty ở Trung Quốc.
  Thêm vào đó, từ tháng chín năm nay, Trung Quốc đã thay đổi chế độ gia công mậu dịch (thông báo – Tài thuế 2006số139), một số sản phẩm đã bị cấm không được dùng chế độ này.
  Những sản phẩm bị cấm gia công mậu dịch không còn cách nào khác hơn ngoài việc phải trả thuế cao và chắc chắn càng ngày càng có nhiều sản phẩm bị cấm.
  Những sản phẩm bị cấm có thể đổi sang hình thái mậu dịch tổng quát để tiếp tục gia công ở Trung Quốc nhưng vì thuế tăng nên khó có được lợi nhuận và trong thực tế không còn cách nào khác hơn là phải triệt thoái khỏi Trung Quốc.
  Đối với những xí nghiệp này, việc tìm ra nơi để di dời là việc hết sức cấp thiết và Việt Nam chắc chắn sẽ là một điểm nhắm quan trọng. Trong vài năm tới, việc di dời công xưởng đến Việt Nam chắc chắn sẽ tăng tốc.
  Thế nhưng, so với Trung Quốc, hạ tầng cơ sở của Việt Nam vừa nhỏ lại yếu kém nên khó có thể hấp thụ hết dòng chảy dồn dập của tư bản và có nhiều khả năng hỗn loạn sẽ xảy ra.
 
2. MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM.
 
  NgườI viết vì đã quen với môi trường đầu tư của Trung Quốc nên ấn tượng đối với Việt Nam, tuy chỉ là so sánh có tính cảm tính, là Việt Nam đi sau Trung Quốc hai mươi năm trong việc chỉnh bị hệ thống luật pháp, mười lăm hoặc hai mươi năm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, mười năm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
  Chính sách tổng quát của Việt Nam là hoan nghênh đầu tư nước ngoài nên đối với những ngành nghề không còn là đối tượng được hưởng ưu đãi ở Trung Quốc thì có thể nói Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.
  Nhưng hiện thời không thể phủ nhận một thực tế là cơ sở hạ tầng của Việt Nam yếu kém nên việc tư bản ngoại quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam chắc hẳn sẽ gây ra hỗn loạn. Ngoài ra hiện Việt Nam không có đủ khu công nghiệp cũng như khu cư trú dành cho người ngoại quốc.
  Đúng là giống với tình trạng của Trung Quốc cách đây mười lăm, hai mươi năm trước.
  Những xí nghiệp đầu tư ở Việt Nam cho rằng các thủ tục liên quan đến kinh doanh như quan thuế, quản lí ngoại tệ v.v… hiện nay ở tình trạng tương đối dễ dãi và có ý kiến cho rằng đó là ưu điểm của Việt Nam. Nhưng phần lớn vì luật pháp chưa được hoàn chỉnh và đầu tư nước ngoài chưa nhiều, nên chưa chắc từ đây về sau, tình trạng nầy vẫn được tiếp diễn.
 
  Nghĩa là, Việt Nam đúng là một điểm đầu tư hấp dẫn nhưng không phải là môi trường đầu tư có đủ mọi chức năng. Trong tương lai, với sự lớn mạnh của khu vực đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể thay đổi chính sách, tạo ra những khó khăn, hạn chế (như trường hợp Trung Quốc). Và đây là điểm cần phải lưu tâm.
 
  Dựa vào những điều mắt thấy tai nghe về thực trạng của các khu vực khai thác ở Việt Nam, tôi xin ghi lại một vài so sánh với môi trường đầu tư của Trung Quốc.
  Chế độ đầu tư ở Việt Nam (luật về thuế, quản lí ngoại tệ v.v… ) không phải là chuyên môn của người viết nên những điều ghi về chế độ này đều do phỏng vấn.
 
Tình trạng cơ sở hạ tầng.
Những khu vực đầu tư nước ngoài mà tôi đã thị sát là khu công nghiệp Thăng Long, khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Amata, công viên kỹ thuật Long Bình, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.
  Tất cả các khu công nghiệp trên đều do tư bản nước ngoài đầu tư nên tình trạng chỉnh bị tốt, cơ sở hạ tầng (cả phần cứng và phần mềm) không thua gì những khu công nghiệp của Trung Quốc.
  Nhưng, tất cả những khu công nghiệp này, qui mô đều nhỏ so với Trung Quốc, và hiện nay hầu như không còn chỗ trống do sự gia tăng gần đây của đầu tư nước ngoài.
  Khu công nghiệp Amata và Thăng Long đang được mở rộng nên có thể thương lượng được. Thế nhưng, ngoài hai khu này ra, việc thiếu khu công nghiệp để doanh nghiệp Nhật Bản có thể an tâm nhập cư đã gây ra tâm lí bất an rằng không biết Việt Nam có thể chào đón doanh nghiệp được không khi việc di dời đến Việt Nam tăng tốc.
  Lần này tuy không có dịp khảo sát tình trạng cảng biển, nhưng xem ra việc hoàn chỉnh đường xá từ những khu công nghiệp đến cảng biển còn kém xa so với Trung Quốc, trong vòng vài năm, nếu việc đầu tư tăng mạnh, việc vận chuyển hàng hóa chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.
  Những người được phỏng vần đều cho rằng chậm trễ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phần lớn là do khó khăn trong việc giải tỏa nhà dân.
  Có thể tình trạng của Việt Nam trái ngược với Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc đã cố ý kiềm chế khai thác vì việc lập mới khu công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng đã đi quá mức.
  Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đi quá mức đã làm kinh tế méo mó nhưng ở một khía cạnh nào đó đây lại là điểm mạnh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
  Trường hợp của Việt Nam, nếu việc xây dựng hạ tầng cơ sở vẫn liên tục chậm trễ thì trong tương lai gần có thể việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ gặp trở ngại trầm trọng.
  Việc Việt Nam đang thiếu khu công nghiệp, cơ sở thương mại, nơi cư trú cho người nước ngoài đã phản ánh vào giá cả.
  Theo phỏng vấn, giá thuê quyền sử dụng đất hiện nay vào khoảng từ $28 đến $108 dollar / ($108 là giá ở khu chế xuất Tân Thuận), nhiều nhất ở khoảng từ $40 đến $50 dollar / .
  Trong khi đó ở Trung Quốc giá thuê quyền sử dụng đất trong 50 năm thường được định ở mức từ 150 đến 250 nhân dân tệ (khoảng từ $19 đến $31).
  Sự khác biệt này phần lớn do sự khác nhau về số lượng đất có thể cung cấp. Dẫu sao đi nữa khi tính việc di dời cơ sở đến Việt Nam thì cần phải lưu tâm đến giá đất cao này (so sánh với khu công nghiệp cùng mức độ, giá nhượng độ đất ở Việt Nam cao gấp từ hai đến bốn lần giá ở Trung Quốc).
  Tôi cũng đã phỏng vấn vài người về giá mướn nhà dành cho người nước ngoài thì được biết là từ \200.000 đến \300.000 cho một phòng từ 60 đến 100, có nghĩa là cùng mức với giá mướn nhà ở Thượng Hải, nơi đắc nhất ở Trung Quốc.
 
Thị trường lao động và lương hướng.
Không có vấn đề thiếu lao động ở bất kì khu công nghiệp nào.
  Xí nghiệp không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lạo động giản đơn cũng như lao động có tay nghề tuy trong tương lai, cung cầu lao động sẽ ra sao là việc cần phải điều tra khi đầu tư nước ngoài tăng tốc.
  Ít ra việc lao động có khả năng nói tiếng Nhật không có nhiều so với Trung Quốc, về phía Nhật Bản, nhân viên của những hảng vừa hoặc nhỏ có khả năng nói tiếng Anh rất hạn chế nên đây cũng là vấn đề khó khăn khi nghĩ đến việc đầu tư ở Việt Nam. Về phí tổn lao động, lương của lao động giản đơn vào khoảng từ $50 đến $70 / tháng. Nếu tình ra tiền Trung Quốc thì vào khoảng từ 400 đến 560 nhân dân tệ.
  Ở Trung Quốc, lương tối thiểu tăng mỗi năm. Luơng tối thiểu ở khu vực công nghiệp của tỉnh Quảng Đông hiện nay vào khoảng 700 nhân dân tệ (gần bằng $88).
  Lương tối thiểu ở đặc khu Thâm Quyến là 810, ở Quảng Châu là 800, ở Đông Hoàn, Châu Hải, Huệ Châu là 700 nhân dân tệ.
  So sánh với 700 nhân dân tệ thì có thể nói lương ở Việt Nam chỉ bằng từ 60 đến 80% lương ở Trung Quốc. Xí nghiệp Nhật Bản thường định mức lương cho công nhân cao hơn lương tối thiểu nên tính ra có thể nói là lương ở Việt Nam chỉ bằng từ 50 đến 70% lương ở Trung Quốc.
  Dĩ nhiên để có một so sánh chính xác cần phải tính đến những phí tổn về phúc lợi, cách định tiền lương cho giờ phụ trội v.v… nên xin xem so sánh trên như một tài liệu tham khảo.
  Ngoài ra, ở những nơi như Quảng Đông, phần lớn công nhân là những người xa nhà nên xí nghiệp thường phải xây cất kí túc xá cho công nhân. Ở Việt Nam, dẫu xa nhà, hầu hết công nhân đều tự mình lo liệu chỗ ở, nên nếu tính thêm những phí tổn gián tiếp này thì phí tổn cho công nhân ở Việt Nam lại còn rẻ hơn nữa.
 
So sánh giá cả thuế vụ.
  Dưới đây là so sánh thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế lưu chuyển giữa Trung Quốc và Việt Nam.
  ● Thuế doanh nghiệp
  Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có nhiều ưu đãi cho thuế doanh nghiệp.
  Ở Trung Quốc, mức thuế tiêu chuẩn là 33%, nhưng đối với xí nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất thì mức thuế chỉ vào khoảng từ 15 đến 27%. Ngoài ra còn có các chế độ giảm thuế cho xí nghiệp như “hai miễn ba giảm”, hoặc “liên tục giảm nửa” (giảm thuế phân nửa nhưng không dướI 10%) dành cho xí nghiệp sản xuất để xuất khẩu (trên 70% sản phẩm dành cho xuất khẩu), hoặc “ngày miễn giảm thuế”.
  Ở Việt Nam, thuế doanh nghiệp có mức tiêu chuẩn là 28% nhưng đối vớI xí nghiệp sản xuất thì thuế được giảm từ 10 đến 15% trong vòng từ 12 đến 15 năm. Nhiều chế độ được thiết lập nhằm giảm thuế cho xí nghiệp như “bốn miễn bảy giảm” hoặc “ba miễn bảy giảm”. Xí nghiệp còn có thể hưởng chế độ “ngày miễn giảm thuế” trong khoảng thời gian dài.
  Nếu so sánh thì có thể nói Việt Nam có nhiều hơn nhưng tựu trung cả hai quốc gia đều có rất nhiều chế độ ưu đãi về thuế, nên việc tranh dành so sánh cũng không có ý nghĩa gì.
  Nhưng hiện nay ở Trung Quốc người ta đã bắt đầu bàn về việc thay đối chế độ thuế khoá và những ưu đãi về thuế đối với xí nghiệp nước ngoài có thể bị giảm thiểu trong một tương lai gần.
  Khi Trung Quốc thay đổi chế độ thuế khóa (thống nhất mức thuế đối với xí nghiệp trong nước và nước ngoài) thì ưu thế tương đối của Việt Nam sẽ nổi bật lên.
 
  ● Thuế thu nhập cá nhân
  Cả hai nước đều đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập cá nhân vượt mức. Mức thuế ở Trung Quốc là từ 5 đến 45%, và ở Việt Nam là từ 10 đến 40%.
  Cách tính thuế thu nhập có nhiều chỗ khác nhau nhưng đối với người nước ngoài thì cả hai nước đều có mức thuế vào khoảng 30% nên có thể nói là có cùng tiêu chuẩn với nhau.
  Nói gọn lại, thuế thu nhập cá nhân ở hai nước này cao.
 
  ● Thuế lưu chuyển
  Ở Trung Quốc, buôn bán phải đóng thuế giá trị gia tăng (mức thuế trung bình khoảng 17%), và dịch vụ phải đóng thuế kinh doanh (mức thuế trung bình khoảng 5%).
  Thuế VAT ở Việt Nam có mức trung bình khoảng 10%.
  Đặc trưng của thuế giá trị gia tăng ở Trung Quốc là có nhiều qui định hết sức tỉ mỉ nhằm hạn chế việc hoàn thuế (do xuất khẩu). Trường hợp Việt Nam, theo nguyên tắc, nếu xuất khẩu, thì có thể xin hoàn thuế toàn phần. Nhưng thực tế, có nhiều người cho rằng việc này gặp nhiều khó khăn nên cần phải điều tra làm rõ.
 
  ● Chế độ miễn thuế cho thiết bị sản xuất.
  Ở giai đoạn hiện tại, phía Việt Nam rõ ràng có một ưu điểm là cách vận dụng thuế gián tiếp đối với việc nhập khẩu các thiết bị máy móc sản xuất và thiết bị văn phòng.
  Trung Quốc cũng có chế độ miễn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu cho thiết bị mà nhà đầu tư nước ngoài cần nhập khẩu trong phạm vi đầu tư sản xuất. Nhưng chế độ này chỉ áp dụng cho những xí nghiệp nước ngoài thuộc ngành nghề được khuyến khích (trong khu chế xuất, những ngành nghề không được khuyến khích cũng có thể hưởng chế độ này).
  Mặt khác, ở Việt Nam, những thiết bị mà nhà đầu tư nước ngoài cần nhập khẩu để sản xuất, theo nguyên tắc, tất cả đều được miễn thuế. Thuế VAT đối với thiết bị văn phòng, theo nguyên tắc, đều được miễn.
  Có nghĩa là, ở Trung Quốc, những ngành nghề không được khuyến khích hay những ngành nghề thuộc diện gia công mậu dịch đã bị cấm, phải trả thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng khi nhập khẩu thiết bị (khoảng 30% giá trị : thuế giá trị gia tăng là 17% và thuế nhập khẩu trung bình khoảng 10%). Nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn được miễn.
  Như đã nói ở phần trên, đầu tư ở Việt Nam có phí tổn ban đầu trong việc mua đất, mướn nhà, tương đối cao nhưng có điểm tốt là tiết kiệm được thuế nhập khẩu thiết bị.
  Nói chung, những điểm tốt và những điểm không tốt trong phí tổn luôn thay đổi theo tình huống của nước sở tại nên cần phải khảo sát, quyết định đối với từng kế hoạch cụ thể.
 
Gia công mậu dịch (kakou boueki: xem chú thích).
Gia công mậu dịch rất thịnh hành ở Trung Quốc.
Chế độ gia công mậu dịch cũng có ở Việt Nam và vật liệu cần thiết cho việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.
Thế nhưng, hiện thời, những chế độ liên quan đến việc thanh toán bằng tiền nước ngoài, việc chuyển đổi nơi chế tạo, giới hạn tỉ lệ xuất khẩu là những điều chưa được biết rõ nên cần có thời gian điều tra.
Ít nhất, đối với những hạng mục bị cấm gia công mậu dịch ở Trung Quốc thì việc chọn lực Việt Nam để sản xuất là việc có lợi.
 
  3. Kết luận.
  Như đã nói ở bên trên, môi trường đầu tư ở Việt Nam còn nhiều bất cập do hạ tầng cơ sở yếu kém và giá cả thì chưa chắc rẻ hơn Trung Quốc.
  Nhưng về mặt thuế vụ, có nhiều nội dung lợi hơn Trung Quốc, đặc biệt đối với những ngành nghề không còn được ưu đãi, hoặc những sản phẩm bị cấm gia công mậu dịch thì việc di dời sang Việt Nam có hi vọng sẽ tiết kiệm được nhiều phí tổn.
  Sản nghiệp ở Việt Nam còn ở trong tình trạng kém phát triển nên việc tìm kiếm nguyên phụ liệu quốc nội còn gặp nhiều khó khăn. Ở giai đoạn này, tốt hơn là nên xem Việt Nam như là một nơi dùng để sản xuất những sản phẩm dưới hình thái gia công mậu dịch.
  Điểm bất an là chế độ ở Việt Nam có nhiều chỗ được xem là mềm mỏng nhưng thật ra phần lớn là do luật pháp chưa được hoàn chỉnh. Tài liệu ngoại ngữ liên quan đến luật pháp Việt Nam rất ít, việc nghiên cứu của người nước ngoài về các chế độ ở Việt Nam chưa có tiến triển nên khi nghĩ đến việc kinh doanh ở Việt Nam thì cần phảI khảo tra kĩ càng các chế độ như quan thuế, quản lí ngoại tệ v.v…
  Rủi ro trong kinh doanh và sự thay đổi chế độ khi đầu tư nước ngoài gia tăng (giảm thiểu các chế độ ưu đãi) là những điều mà chúng ta chưa nắm vững (so với Trung Quốc).
  Dẫu nói thế nào đi nữa, khi nói về việc chỉnh bị luật pháp và mức hiểu biết của ngườI nước ngoài đối với luật pháp Việt Nam, ngườI viết vẫn thấy tình trạng của Việt Nam hiện nay giống với tình trạng của Trung Quốc khoảng 15 hay 20 năm về trước.
  Thế nhưng có thể hi vọng ở sự phát triển của quốc gia này và thật sự đây là nước có tiềm năng.
  Tôi sẽ cố gắng nắm vững tình trạng xây dựng cơ sở hạ tầng và các chế độ liên quan vì đây là nước ứng cử viên quan trọng cho “Trung Quốc cộng một”.
Người viết : Mizuno Masumi
Kuala Lumpur 10/12/2006
Lê ngọc Thảo dịch
 
  Chú thích:
  Gia công mậu dịch (kakou boueki) : tiếng gọi chung của hai hình thái gia công “lai liệu gia công” (rairyou kakou) và “tiến liệu gia công” (shinryou kakou).
  Lai liệu gia công: nhà đầu tư nước ngoài sẽ cung cấp trang thiết bị và nguyên phụ liệu cho công ty đăng kí ở Trung Quốc để gia công. Công ty gia công cung cấp lao động và hưởng tiền gia công. Nhà đầu tư nhận toàn bộ sản phẩm để xuất khẩu (không được bán ở Trung Quốc).
  Tiến liệu gia công: Nhà đầu tư đăng kí lập công ti ở Trung Quốc, nhập khẩu trang thiết bị và nguyên phụ liệu, mướn công nhân để sản xuất. Toàn bộ sản phẩm dùng cho việc xuất khẩu.
Nguồn: http://www.erct.com