Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2011

4. Lịch sử Ấn Độ

Lịch sử Ấn Độ được ghi chép sớm nhất giờ đây nằm ở phế tích, vùng phía tây đất nước, ở nơi khi xưa là thung lũng màu mỡ của người Indu. Vào khoảng năm 3000 TCN, khu đô thị tại Mohenjodaro và Harappa (ngày nay, cả hai đều ở Pakistan) thuộc nền Văn minh Thung lũng Indus. Cho đến ngày nay, tàn tích của những thành phố này chỉ rõ sự hiện hữu của người dân có mức độ phát triển cao, thể hiện ở các khu dân cư – các khu này cho thấy một sự hiểu biết tinh tường về thiết kế đô thị, được bố trí theo hình kẻ ô gồm các con đường lát đá chạy vuông góc với nhau, nhà gạch xây chắc chắn, kho lúa gạo, nhà tắm công cộng và thậm chí cả hệ thống thoát nước nữa.

Cư dân của nền văn hóa chủ yếu là nông nghiệp này cũng sử dụng tiền tệ, tham gia hoạt động kinh doanh và sử dụng chữ viết. Những con dấu khai quật được cho biết một số điều về cuộc sống và thời đại của họ. Trên những con dấu được tìm thấy nhiều nhất thường có hình con trâu, tượng trưng cho nền văn hóa nông nghiệp; còn trên các con dấu khác có hình nữ thần, cho thấy phụ nữ được kính trọng.

Một thay đổi lớn diễn ra cùng với sự xuất hiện của người Aryan vào năm 1500 TCN. Một số nhà sử học cho họ là quân xâm lược, số khác cho rằng họ là dân di cư đi thành từng làn sóng kế tiếp nhau. Người ta hiện đang tranh cãi về việc liệu có phải người Aryan ép buộc cư dân của nền Văn minh Thung lũng Indus đi về phương nam, hay sự di cư này là do các yếu tố khác gây ra, như động đất và lũ lụt chẳng hạn. Dù do nguyên nhân nào đi chăng nữa, thì kết quả là, những người Aryan đầu tiên đã ổn định cuộc sống ở thung lũng Indus và trở thành xã hội nông nghiệp và lập nên các cộng đồng làng xã nhỏ ở Punjab.

Về phần mình, người Aryan cũng có một số đóng góp đáng kể. Họ mang theo kỵ binh và tôn giáo của họ. Chiến tranh kỵ binh khiến văn hóa Aryan lan nhanh khắp miền bắc Ấn Độ, gieo mầm các đế chế lớn. Tiếng Phạn – ngôn ngữ của người Aryan – là cơ sở và nhân tố chung trong nhiều ngôn ngữ Ấn Độ, còn đền thờ các vị thần, thần thoại và truyền thuyết của người Aryan trở thành nền tảng của tôn giáo Hindu.

Lối sống định cư này đã dẫn đến việc hình thành các hệ thống hành chính, hình thức chính phủ và các mô hình xã hội phức tạp, mà quan trọng nhất trong số đó là sự hình thành chế độ đẳng cấp. Với mục đích ban đầu là hoạt động như chế độ phường hội, chế độ đẳng cấp đã chuyển thành chế độ xã hội chính trị khắt khe dựa vào nguồn gốc. Thời kỳ này cũng chứng kiến sự xuất hiện các vương quốc và nước cộng hòa, sự kiện hai bộ sử thi Ấn Độ vĩ đại Ramayana và Mahabharata; cả hai tác phẩm đều được cho là ra đời vào khoảng thời gian này. Có tính chất phúng dụ và tượng trưng cao, hai bộ sử thi cung cấp một số bài học hay nhất về sự khôn ngoan, từng trải. Điều này được thấy đầy đủ trong Bhagwad Gita, một phần của Mahabharata có lời khuyên dạy của Thần Krishna cho hoàng tử Arjuna nhà Pandava. Không lấy gì làm ngạc nhiên khi ta tìm thấy các bản văn khác như bốn tập kinh Vêđa – tất cả cùng giúp biến nền văn hóa thô lậu, thiếu tế nhị và hiếu chiến thành nền văn minh tao nhã, tinh vi.

Đến thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, tinh thần đúng đắn của Ấn Độ giáo bị “kẹt” trong cách lý giải theo lễ nghi và khắt khe vốn khiến cho các nhà tư tưởng như Mahavir và Gautama Buddha tìm kiếm và đưa ra các con đường khác – đó là đạo Giai-na (Mahavir) và đạo Phật (Gautama Buddha). Điểm chung cho cả hai tôn giáo này là sự nhấn mạnh lòng khoan dung, tự tu tập và phi bạo lực. Ở những người theo đạo Giai-na, điều này được thể hiện rõ hơn. Tín đồ Giai-na truyền thống đeo mặt nạ vải và quét sạch đường trước khi đi để không sinh vật nào bị đau hay bị giẫm bẹp. Phật tử biểu lộ đức tin này thông qua phương pháp tiếp cận mang tính quan điểm. Đạo Giai-na lan truyền chủ yếu ở Ấn Độ, thường là các vùng phía tây, còn đạo Phật được đưa sang các vùng đất khác, bắt đầu từ Sri Lanka rồi lan sang Đông và Đông Nam Á.

Vua Mauryan – Ashoka Đại đế (268-231 TCN), cháu hoàng đế Ấn Độ vĩ đại đầu tiên Chandragupta Mauryan – là người quan trọng nhất trong số những người có trách nhiệm truyền bá đạo Phật. Vương quốc mà Ashoka thừa kế từ người cha Bindusara, trải dài gần như toàn bộ tiểu lục địa. Nói về tham vọng hoàng đế thì Ashoka đã thôn tính thành công một vài vương quốc mà vương quốc cuối cùng là Kalinga. 

Sự kiện đó làm thay đổi cuộc đời của vị vua này và tiến trình lịch sử Ấn Độ. Mệt mỏi với nỗi ân hận khi nhìn thấy quá nhiều máu đổ, Ashoka nhận ra tính phù phiếm của quyền lực thế gian. Ông trở thành Phật tử nhưng không bao giờ ép buộc tôn giáo của mình cho thần dân. Tuy nhiên, ông không tiếc công sức tạo điều kiện truyền bá đạo Phật, dù là dưới dạng sắc dụ khắc trên đá hoặc trụ đá hay cử sứ giả đi các nước.

Hình bốn con sư tử trên đỉnh trụ đá Ashoka – quốc huy Ấn Độ – được cho là tượng trưng cho việc truyền bá giáo pháp Phật đi khắp bốn phương.

Đến thế kỷ thứ hai, miền Bắc Ấn Độ bị chia thành nhiều công quốc nhỏ. Tuy nhiên, ở miền Nam nổi lên ba vương triều lớn – đó là Cholas, Pandyas và Cherasl; ba vương triều này đã chiến đấu để giành uy quyền tối cao trong vùng. Chính trong thời kỳ này, sự giao dịch với các tàu buôn La Mã lần đầu tiên được thiết lập. Thánh Thomas được cho là đã đến Kerala vào thế kỷ thứ nhất sau công nguyên và thành lập cộng đồng Cơ đốc giáo ở đó.

Ở miền Bắc, giai đoạn từ năm 320 đến 480 sau công nguyên chứng kiến sự xuất hiện và phát triển của đế chế Gupta ở Magadha. Thời kỳ này, còn được gọi là Thời đại vàng son của Ấn Độ, chứng kiến sự phát triển của các loại hình nghệ thuật cổ điển. Nghệ thuật, kiến trúc và các công trình điêu khắc đáng chú ý nhất của thời kỳ này vừa hoàn hảo về kỹ thuật lại vừa sinh động trong nét mới lạ. Hoạt động nghệ thuật đa dạng và các khuynh hướng tư tưởng mới có ảnh hưởng rất mạnh. Các luận thuyết uyên bác đề cập đến nghệ thuật tình yêu – đó là Kamasutra.

Tất cả những thứ này đều tồn tại trong thời gian ngắn. Quân xâm lược Hun (Hungnô) ở tây bắc đã làm cho đế chế Gupta sụp đổ nhanh và tiếp theo đó là một thời kỳ bất ổn về chính trị kéo dài.

Do vậy, trung tâm phát triển chuyển về phía nam vùng núi Vindhya. Trong vòng 600 năm kể từ giữa thế kỷ thứ 6, bốn vương quốc lớn – Chalukyas, Cholas, Pallavas và Pandyas – dính líu vào cuộc xung đột bất phân thắng bại. Thời kỳ này chứng kiến sự phát triển của nền văn hóa Tamil với phong cách nghệ thuật và kiến trúc khác biệt (cũng như hệ thống chữ viết khác biệt), và đạt đến tột đỉnh vào thế kỷ 12 dưới thời Cholas.

Các vương quốc ở phía nam biểu lộ sự nhân nhượng dân chủ mà về một ý nghĩa nào đó, về cơ bản là mang tính chất Ấn Độ. Trong suốt thời Cholas, những người đi biển đã đưa văn hóa Ấn Độ và Ấn Độ giáo vượt biển đến với các nước ở Đông Nam Á; ở đó, cả hai thứ đều trở nên phổ biến và được người dân ưa thích. Quay trở lại Ấn Độ, ở Kerala, triều đại nhà Cheras tiếp đón dòng người buôn Ả Rập tràn đến Ấn Độ khi họ phát hiện ra tuyến đường đến nước này một cách nhanh nhất, bằng cách sử dụng gió mùa. Nhiều người quyết định định cư ở Ấn Độ và được phép tự do hành đạo. Hậu duệ của họ là cộng đồng Moplah hay tín đồ Hồi giáo Malabar. Đặc điểm liên văn hóa này thể hiện rõ nhất ở quần đảo Lakshadweep ngoài khơi bờ biển Kerala, nơi đạo Hồi truyền thống được tuân theo một cách nghiêm ngặt y hệt như truyền thống mẫu hệ phi Hồi giáo du nhập từ đất liền.

Ảnh hưởng của đạo Hồi ở miền nam được lặp lại ở miền bắc. Bị lôi cuốn bởi những câu chuyện về vùng đồng bằng màu mỡ ở Punjab và số lượng lớn đền Ấn Độ giáo, vua Mahmud của vương quốc Ghazni ở Afghanistan tấn công Ấn Độ lần đầu tiên vào thế kỷ 10 sau công nguyên. Những kẻ tấn công khác ở Trung Á đi theo Mahmud. Cuối thế kỷ 12, Qutb-ud-din Aibak lập ra triều đại Slave ở Delhi, tạo dựng trung tâm của vương quốc Hồi giáo Delhi hay sự cai trị của các vua Thổ Nhĩ Kỹ hoặc Afghan – đó là Khiljis, Tughlaqs, Lodis.

Nhưng bộ tộc Mughals – bộ tộc Trung Á do Babur lập ra vào thế kỷ 16 – tạo ra ảnh hưởng lâu dài hơn nhiều. Mặc dù chinh phục Hindustan là tham vọng của Babur, nhưng Babur chưa bao giờ quan tâm đến việc định cư ở Ấn Độ – vùng đất không có loại “dưa thung lũng Ferghana” nổi tiếng mà ông rất thích. Nhưng số phận đã dành cho Babur hướng phát triển khác. Sau trận Panipat đầu tiên thắng Ibrahim Lodi, Babur tự xưng là người sáng lập triều đại Mughal.

Con trai Babur là Humayun củng cố nền móng của triều đại Mughal vững chắc hơn, nhưng sự vĩ đại của triều đại này lại được thừa nhận dưới thời cháu Babur là Akbar (1562-1605). Sức mạnh trần thế không phải là lý do duy nhất giải thích tại sao hoàng đế này được gọi là Akbar Đại đế. Ngoài việc sáp nhập các vùng đất rộng lớn vào đế chế của mình, Akbar còn nỗ lực thực hiện một trong những thể chế hành chính hiệu quả hơn, được tiếp nối hàng thế kỷ sau đời ông. Nhưng di sản của Akbar sẽ luôn là việc ông đã cố gắng tạo ra nền văn hóa bao gồm những điều tốt đẹp nhất của Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong tôn giáo Din-e-llahi của mình. Để thực hiện ý tưởng của mình, thậm chí ông còn kết hôn với công chúa Ấn Độ, trong khi kiến trúc Sikandra và thành phố do ông tạo dựng – Fatehpur Sikri ở gần Agra – thì pha trộn xu hướng Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Văn hóa Mughal đạt đến tột đỉnh dưới thời cháu Akbar là Shah Jahan – vốn được biết đến là nhà kiến tạo và bảo trợ nghệ thuật vĩ đại. Shah Jahan dời thủ đô từ Agra đến Delhi mặc dù ông dành bờ sông Yamuna ở Agra làm nơi yên nghỉ mãi mãi cho người vợ yêu quí Mumtaz Mahal – đó là Taj Mahal. Là một mẫu hình tuyệt vời của kiến trúc và công trình bằng đá, giờ đây Taj thu hút cả các nguyên thủ quốc gia lẫn khách du lịch có cùng cảm quan về cái đẹp và kỳ quan. Như một tổng thống Mỹ khi đến thăm quan Taj đã nhận xét: “Thế giới chia thành hai nửa: những người đã nhìn thấy Taj và những người chưa.”

Aurangzeb – hoàng đế Mughal cuối cùng – mở rộng đế chế sang tận miền nam Ấn Độ, nhưng do thái độ không khoan dung đối với các tôn giáo khác vốn có ở ông và sự trỗi dậy của dòng họ Rajput và Maratha đang thách thức đế chế, nên thời kỳ trị vì của ông là một thời kỳ náo loạn. Đó là khởi đầu cho một sự cáo chung bởi vì các hoàng đế kế tiếp không thể ngăn chặn được các cuộc nổi dậy và ngày càng trở nên vô dụng sau khi đế chế Anh nắm quyền ở Ấn Độ. Thậm chí Hoàng đế Mughal cuối cùng là Bahadur Shah Zafar còn bị quân Anh trục xuất khỏi Ấn Độ, đưa đến Burma rồi chết trong cô đơn ở đó.

Ảnh hưởng của Hồi giáo tới văn hóa Ấn Độ thật lớn. Hồi giáo ảnh hưởng lâu bền đến sự phát triển tất cả các lĩnh vực của nỗ lực của con người, ngôn ngữ, quần áo, ẩm thực, tất cả các loại hình nghệ thuật, kiến trúc, thiết kế đô thị, phong tục và giá trị xã hội.

Trong lĩnh vực tôn giáo, lời răn dạy của hai nhân vật tôn giáo vĩ đại thế kỷ 14-15 – Kabir và Nanak – phản ánh sự hấp thu cả hai nền văn hóa. Dựa vào tín đồ Hindu Bhakti (mộ đạo) và tín ngưỡng Hồi giáo Sufi, tinh thần khoan dung của Ấn Độ giáo và các tư tưởng về bình đẳng của Hồi giáo, họ thực hành một thứ tôn giáo chủ trương cuộc sống đơn giản và kinh nghiệm thực tiễn. Kabir nhấn mạnh tính độc nhất của thần thánh trong câu thơ của mình, còn Guru Nanak lại lập ra đạo Sikh có nhiều người theo ở Punjab.

Làn sóng ảnh hưởng tiếp theo làm thay đổi tiến trình lịch sử Ấn Độ bắt nguồn từ người châu Âu mà cuối cùng là người Anh. Những người đi biển vùng tây bắc Âu, Anh, Pháp, Hà Lan và Bồ Đào Nha đến Ấn Độ vào đầu thế kỷ 17 và thiết lập các thương điểm dọc bờ biển Ấn Độ. Những người mới đến này nhanh chóng bộc lộ sự ganh đua lẫn nhau và tìm kiếm sự giúp đỡ của người trị vì địa phương trong việc chiến đấu cùng phe với họ, củng cố lãnh thổ hay vị trí kinh doanh của họ. Cuối cùng, việc này biến thành tham vọng chính trị và họ lợi dụng tình trạng bất hòa giữa những người trị vì Ấn Độ. Người Anh là kẻ chiến thắng cuối cùng và thiết lập uy quyền chính trị tối cao ở miền đông Ấn Độ sau trận Plassey năm 1757; đến cuộc chiến tranh độc lập lần thứ nhất năm 1857 thì người Anh đã thống trị phần lớn tiểu lục địa này.

Không giống những người đi trước, người Anh không định cư ở Ấn Độ để thiết lập đế chế địa phương. Thay vào đó, Ấn Độ giúp thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp non trẻ ở Anh bằng cách cung cấp nguyên vật liệu thô rẻ, vốn và thị trường bị khống chế lớn cho công nghiệp Anh. Vùng đất này được tổ chức lại theo chế độ zamindari (địa chủ) hà khắc nhằm tạo điều kiện thu thuế, đồng thời ở một số vùng, nông dân bị buộc phải chuyển từ trồng cây lương thực sang các cây thương phẩm như cây chàm, đay, chè và cà phê. Điều này dẫn đến nạn đói và các cuộc nổi dậy trên phạm vi lớn.

Một thế kỷ tích tụ mối bất bình dẫn đến sự kiện thường được gọi là binh biến và ngày nay gọi là Chiến tranh Độc lập Ấn Độ lần thứ nhất năm 1857. Binh biến mau chóng gây ra cuộc xung đột tự phát chống lại luật pháp Anh, như Chủ thuyết Truất quyền của Dalhousie. Các tiểu vương quốc, tầng lớp quý tộc và nông dân cùng nhau nổi dậy chống lại người Anh. Cuộc nổi dậy bị đàn áp dã man và năm 1858, Ấn Độ trở thành lệ thuộc vào Anh.

Nhưng mầm mống độc lập đã được gieo. Từ đó trở đi, thông qua giáo dục và cải cách xã hội cho đến các cuộc khởi nghĩa vũ trang và phong trào chính trị, khí phách Ấn Độ luôn sục sôi chống lại xiềng xích bóc lột của Anh. Hệ thống đường sắt rộng lớn do Anh thiết lập đã làm cho sự thống nhất Ấn Độ trở thành rõ ràng trong ý niệm, bởi vì cùng với sự đi lại của người dân thì các ý tưởng và tư tưởng độc lập cũng viên du theo. Do một nhóm người nước ngoài không thể cai trị được nổi một đất nước to lớn như Ấn Độ, nên người Anh bắt đầu kiến tạo đội ngũ tinh hoa bản xứ để giúp họ trong nhiệm vụ này. Những người này – vốn được giáo dục theo truyền thống và tư tưởng tốt nhất của Anh – đã khắc sâu những quan niệm phương Tây vào cơ cấu xã hội và trí thức Ấn Độ. Chủ yếu nhờ nỗ lực của lớp trí thức được Tây hóa này, mà các ý niệm về dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, lan truyền đến quần chúng nhân dân Ấn Độ và lên đến cực điểm ở phong trào tự do. Đây cũng là thời kỳ biến động xã hội lớn lao với sự hiện diện của Raja Ram Mohan Roy, Bankim Chandra Chatterjee và Vidyasagar – tất cả đều là người vùng Bengal và lãnh đạo các phong trào cải cách xã hội to lớn. Năm 1885, Đảng Quốc đại Ấn Độ được thành lập và nhận thức tâm lý về thống nhất quốc gia được hình thành. 

Cuối thế kỷ 19, phong trào tự do đến được với dân thường nhờ việc các nhà lãnh đạo, như Bal Gangadhar Tilak và Aurobindo Ghose, phát động phong trào Swadeshi (dùng hàng quốc nội). Nhưng chỉ khi Gandhi, một trong những nhà lãnh đạo có sức hấp dẫn lớn nhất Ấn Độ, xuất hiện thì quần chúng mới hoàn toàn được huy động.

Mohandas Karamchand Gandhi là luật sư người Ấn Độ học luật ở Anh. Ở Nam Phi, ông nổi tiếng nhờ việc tổ chức cộng đồng người Ấn xa xứ chống lại chủ nghĩa Apacthai. Về sau, ông đưa ra phương pháp phản đối phi bạo lực gọi là satyagraha và được gọi là Mahatma hay Linh hồn Vĩ đại. Khi trở về Ấn Độ vào năm 1915, ông trở thành nhân tố quyết định của Đảng Quốc đại vốn đang tìm kiếm một lãnh tụ như thế. Như Jawaharlal Nehru nói: “Ông là luồng không khí mới khiến chúng tôi vươn vai, hít một hơi dài và đem lại sức sống mới cho phong trào tự do”.

Dưới sự lãnh đạo của Gandhi, Đảng Quốc đại phát động một loạt phong trào quần chúng – phong trào phi bạo lực, bất hợp tác (1920-1922), phong trào bất tuân dân sự (1930); và khởi đầu với cuộc Hành trình muối, Gandhi đã thu hút và khích động người dân Ấn Độ bằng việc dẫn đầu đoàn người đi theo từ Sabarmati đến Dandi, cách xa 200 dặm, để làm muối, tức là vi phạm Luật muối của người Anh. Phong trào độc lập lớn mạnh dần. Tháng 8 năm 1942, phong trào “Quit India” (đòi thực dân Anh rút khỏi Ấn Độ) được phát động chống lại thực dân Anh và thực dân Anh đã dùng đến biện pháp đàn áp dã man. Người Anh hiểu ra rằng, chỉ có thể duy trì đế chế của mình ở Ấn Độ với cái giá phải trả khổng lồ. Cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, Chính phủ Anh bắt đầu các bước đi có tính thể chế để thực hiện chuyển giao quyền lực cho Ấn Độ.

Ngày 15 tháng 8 năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập. Trong bài phát biểu lúc nửa đêm tại Nghị viện Ấn Độ, vị Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru nói: “Từ bao năm qua chúng ta đã ước hẹn với số phận, và nay là lúc chúng ta thực hiện lời hứa, không phải một cách đầy đủ hay trọn vẹn mà là một cách cơ bản. Ngay vào thời khắc lúc nửa đêm, khi cả thế giới đang chìm trong giấc ngủ thì Ấn Độ sẽ thức giấc để được sống và hưởng tự do. Thời khắc lịch sử hiếm hoi đang đến, khi chúng ta bước ra khỏi quá khứ để đến với tương lai, khi một thời đại sẽ kết thúc, khi hồn thiêng dân tộc, vốn bị áp bức bao lâu nay, sẽ bắt đầu cất tiếng.”

Trong ba năm tiếp theo, Ấn Độ đã xây dựng Hiến pháp duy trì bộ khung của nền dân chủ hiện đại vốn được tạo thành chủ yếu trên mô hình nghị viện Anh, nhưng bao gồm các ý tưởng của ít nhất chín Hiến pháp khác trên thế giới. Ấn Độ trở thành nước cộng hòa vào ngày 26 tháng 1 năm 1950, khi Hiến pháp có hiệu lực và người dân Ấn Độ được quyền bầu cử, được đảm bảo quyền tự do ngôn luận, thể hiện và tín ngưỡng, và quyền được bảo vệ chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử.

Ấn Độ áp dụng chế độ nghị viện để lãnh đạo quốc gia, với hai viện – Lok Sabha (Hội đồng Nhân dân) và Rajya Sabha (Hội đồng các bang) – là cơ quan lập pháp tối cao của đất nước. Các bang cũng theo phương thức này, mặc dù một số bang bỏ qua hình thức thượng viện. Tổ chức hành pháp và tư pháp là hai bộ phận khác của bộ máy quản lý ở Ấn Độ. Hệ thống hành chính của thực dân Anh vẫn là “khung sắt” của chế độ quản lý, có nhiệm vụ thực thi luật pháp và các chính sách.

Các chính phủ trước đi theo lý tưởng của ý tưởng xã hội chủ nghĩa và thế tục, tìm cách đưa nhà nước Ấn Độ vượt qua khỏi tình trạng ủng hộ một tôn giáo, một sắc tộc hoặc một đẳng cấp nhất định hay sự phân tầng xã hội nào đó. Điều này vẫn còn là phương châm quản lý của Ấn Độ, với dân số hơn một tỉ người thuộc mọi giáo phái tôn giáo và thành phần xã hội. Về chính sách đối nội, nó dẫn tới một loạt hành động quyết đoán và các chính sách cải cách ruộng đất nhằm tạo ra một trật tự bình đẳng hơn.

Về chính sách đối ngoại, tư tưởng trên khiến các nhà lãnh đạo đất nước thiên về ủng hộ quan điểm mang tính xã hội chủ nghĩa và điều này đưa Jawaharlal Nehru – Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ – trở thành một trong những người sáng lập Phong trào Không Liên kết (NAM), không tham gia khối phương Tây do Mỹ đứng đầu hay khối Xô-viết do Liên Xô cũ đứng đầu. Mặc dù vậy, sau năm 1971, Ấn Độ thực sự liên kết khăng khít hơn với Liên Xô cũ, phát triển một mối quan hệ sâu sắc và bền vững. Với việc kết thúc Chiến tranh lạnh và Liên Xô cũ tan rã thành nước Nga và các nước độc lập khác, mối quan hệ của Ấn Độ mở rộng ra, bao gồm cả các nước cộng hòa mới.

Trong lúc đó, mô hình kinh tế hỗn hợp mà Ấn Độ đi theo trong hơn 40 năm đã bị triệt tiêu sau năm 1991. Nhiều cải cách kinh tế nâng cao một cách cơ bản mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ vốn giờ đây đang là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Sự tăng trưởng của khu vực công nghệ cao ở Ấn Độ cũng làm mối quan hệ Ấn-Mỹ và quan hệ của Ấn Độ với các nước khác trên thế giới thêm vững chắc, vì Ấn Độ dường như có khả năng tốt hơn trong việc “vật lộn” với những phức tạp của trật tự kinh tế mới đang nổi lên trên thế giới.

Ngày nay, trong trật tự thương mại quốc tế đã xuất hiện, với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên của GATT và sau đó là WTO, Ấn Độ luôn cố gắng không mệt mỏi nhằm đảm bảo sao cho lợi ích của thương mại toàn cầu đến với các nước đã phát triển cũng như các nước đang phát triển. Toàn cầu hóa đã thu hẹp thế giới và cảm nhận về việc không còn khoảng cách hiếm khi rõ hơn so với, chẳng hạn, dân chài vùng biển Kerala – những người thậm chí trong lúc ở ngoài khơi vẫn có thể kiểm tra được thông tin giá cá mới nhất ở các thị trường bán buôn.

Bước sang thế kỷ 21, giờ đây Ấn Độ có thể tự hào về một số thành tựu. Đó là nước dân chủ lớn nhất trên thế giới với hơn một tỷ người dân tham gia tích cực vào các quá trình chính trị - xã hội của đất nước. Ấn Độ là nền kinh tế mạnh và phát triển, vững bước tiến vào khu vực công nghệ cao và hướng tới một xã hội dựa trên các nguyên tắc thế tục và bình đẳng.