16:37' 22/9/2011
Tháng
11-1974, nhà lãnh đạo Pa-le-xtin Y-a-xơ A-ra-phát (Yasser Arafat) đã
đọc bài diễn văn đầu tiên của mình tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên
hợp quốc. Trước đại diện lãnh đạo các nước trên toàn thế giới, ông
Y-a-xơ A-ra-phát đã ca ngợi quyền chính đáng của nhân dân Pa-le-xtin
trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa
đế quốc. Cùng với thời gian, lập trường của Pa-le-xtin đã tiến triển
ngày một rõ hơn. Ngày 15-11-1988, Hội đồng Nhà nước Pa-le-xtin, cơ quan
lập pháp của Mặt trận giải phóng Pa-le-xtin (PLO) đã thông qua Tuyên bố
An-giê công bố Nhà nước Pa-le-xtin độc lập và nhận được sự ủng hộ của
94/192 nước thành viên Liên hợp quốc. Pa-le-xtin đóng vai trò là quan
sát viên của Liên hợp quốc. Cũng tại thời điểm này, nhà lãnh đạo
Pa-le-xtin Y-a-xơ A-ra-phát đã thừa nhận quyền tồn tại của I-xra-en.
Năm
1993, cả Pa-le-xtin và I-xra-en đã công nhận quyền tồn tại của nhau
nhưng kể từ đó, mối quan hệ giữa hai bên đã đi theo một tiến trình quanh
co, phức tạp. Sau vụ bạo lực của phong trào Intifada (phong trào ném
đá) thứ hai, tiếp đó là chiến dịch của I-xra-en tấn công dải Ga-da (mùa
đông năm 2008-2009), các nỗ lực nhằm nối lại cuộc đối thoại giữa hai bên
đều thất bại. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống B. Ô-ba-ma (Barack
Obama) đã có kế hoạch giúp đỡ để Pa-le-xtin và I-xra-en lại ngồi vào bàn
thương lượng, nhưng cuối cùng, do sức ép của cỗ máy vận động hành lang
Do Thái tại chính trường nước Mỹ, ông B. Ô-ba-ma buộc phải từ bỏ. Thất
vọng trước thái độ thiếu kiên nhẫn của Mỹ, sự bất lực của nhóm Bộ Tứ
(EU, Mỹ, Liên hợp quốc, Nga) và sự ngoan cố của I-xra-en, các lãnh tụ
Pa-le-xtin đã quyết định yêu cầu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc công
nhận Nhà nước Pa-le-xtin vào ngày 23-9.
Theo
một số nhà phân tích, nguyên nhân sâu xa khiến Pa-le-xtin quyết tâm
theo đuổi mục tiêu gia nhập Liên hợp quốc chính là do nước này và
I-xra-en không tìm được tiếng nói chung, ở các khu định cư của người Do
Thái ở khu Bờ Tây và đòi hỏi của I-xra-en về đường biên giới mới với
Pa-le-xtin, chứ không phải đường biên giới trước cuộc chiến tranh năm
1967. Vài năm trở lại đây, Bộ Tứ đã cố gắng đưa I-xra-en và Pa-le-xtin
ngồi vào bàn đàm phán nhưng không có kết quả. Người I-xra-en tuyên bố
rằng, họ rất mong muốn hòa bình với người Pa-le-xtin, nhưng thực tế lại
bật đèn xanh cho việc tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái trên
vùng đất chiếm đóng của người Pa-le-xtin. Hàng trăm cuộc thương lượng đã
diễn ra nhưng đều bất thành.
Bởi
vậy, thời gian qua, giới chức Pa-le-xtin đã thông qua nhiều kênh: ngoại
giao, đàm phán, diễn đàn quốc tế... để tranh thủ vận động cho quyết tâm
độc lập của họ. Tuy không chính thức thừa nhận, nhưng giới quan sát cho
rằng, sự kiện ngày 26-8, các nhóm vũ trang Pa-le-xtin ở Dải Ga-da đã
nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn mới sau nhiều ngày xung đột đẫm máu
với I-xra-en, cũng là nhằm ủng hộ cho bước đi của Ban lãnh đạo
Pa-le-xtin tại Liên hợp quốc trong những ngày tới… Tổng thống Ma-mút
Áp-bát (Mahmoud Abbas) đã nhấn mạnh, việc hướng đến một nhà nước độc lập
là quyết tâm, khát vọng không chỉ của ban lãnh đạo Pa-le-xtin mà còn là
của toàn thể nhân dân Pa-le-xtin.
Nếu
Pa-le-xtin được công nhận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, nó sẽ thay
đổi vị thế pháp lý của quốc gia này và mở đường cho Pa-le-xtin tham gia
vào hàng chục cơ quan Liên hợp quốc và các công ước quốc tế. Điều này
cũng cho phép Pa-le-xtin có thể theo đuổi các vụ kiện chống lại I-xra-en
tại Tòa án Hình sự quốc tế. Và quan trọng hơn hết, dù chưa chính thức
là thành viên Liên hợp quốc nhưng với quy chế của Đại hội đồng,
Pa-le-xtin cũng đã được công nhận là một quốc gia độc lập.
Khát
vọng của người dân Pa-le-xtin là chính đáng và rõ ràng. Việc Pa-le-xtin
nộp đơn xin gia nhập Liên hợp quốc cũng đã và đang làm phấn khích tất
cả những người dân Pa-le-xtin - những người từ nhiều thập kỷ nay phải
sống trong sợ hãi dưới làn bom đạn, xung đột. Nhưng dẫu có chiếm hơn 2/3
trong tổng số các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ
phiếu ủng hộ - thì tất cả mới chỉ là dự kiến. Triển vọng của vấn đề này
đến đâu rõ ràng còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Quan trọng nhất, Mỹ,
đồng minh thân cận của I-xra-en có thể chống lại, dù Mỹ có không công
khai phủ quyết nhưng rất có thể họ sẽ cố tình kéo dài thời gian bắt đầu
áp dụng.
Trước
đó, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma cũng đã thẳng thừng tuyên bố:
cần phải xem lại chính sách viện trợ cho Chính quyền Pa-le-xtin nếu một
chính phủ mới ra đời bao gồm các lãnh đạo của phong trào Pha-ta (Fatah)
và Ha-mát (Hamas). Họ cho rằng, “Chính phủ mới của Pa-le-xtin bất kỳ
như thế nào cũng cần phải tôn trọng các nguyên tắc của nhóm Bộ Tứ”. Bộ
Tứ đã đặt ra nhiều điều kiện, trong đó có việc từ chối nhóm Ha-mát, và
chỉ đồng ý khi nhóm này ngừng bạo lực, công nhận các thỏa thuận đã ký
trước đây với I-xra-en và công nhận Nhà nước I-xra-en.
Bên
cạnh đó, I-xra-en cũng đe dọa sẽ hành động đơn phương nếu Đại hội đồng
Liên hợp quốc công nhận Pa-le-xtin là một quốc gia độc lập. Bởi nếu điều
đó xảy ra, chắc chắn I-xra-en sẽ gặp phải trận “cuồng phong trong ngoại
giao” như một số nhà phân tích nhận định. Với I-xra-en, việc chiếm đóng
lãnh thổ một quốc gia láng giềng, mà đường biên giới được Liên hợp quốc
công nhận là “gay go hơn” rất nhiều khi chiếm đóng một vùng đất “đang
tranh chấp”. Đương nhiên, I-xra-en sẽ tìm cách chống lại điều này. Rất
có thể I-xra-en sẽ viện cớ vào một hành động của Ha-mát để sẵn sàng gây
hấn.
Cựu
Đại sứ I-xra-en Z.Ten-ni (Zvi Tenney) cho rằng, sáng kiến của
Pa-le-xtin nhằm thông qua bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc công
nhận một Nhà nước Pa-le-xtin vào ngày 23-9 tới không có giá trị pháp lý
bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc không có thẩm quyền quyết định. Chỉ có
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới có quyền quyết định vấn đề trên và
điều này có khả năng thất bại do vấp phải sự phản đối của Mỹ. Một sự
công nhận như vậy sẽ là không hợp lệ do các đường biên giới mà Nhà nước
Pa-le-xtin tuyên bố không tồn tại vì hiệp định ngừng chiến năm 1949 giữa
I-xra-en và Gioóc-đa-ni (hay còn gọi là đường biên giới Xanh năm 1967)
không có giá trị về biên giới. Hơn nữa, theo luật pháp quốc tế, một sự
tuyên bố độc lập đơn phương là vi phạm các thỏa thuận ký tại Ô-xlô quy
định “mọi giải pháp giải quyết cuộc xung đột I-xra-en-Pa-le-xtin phải là
kết quả của các cuộc đàm phán giữa I-xra-en và Chính quyền Pa-le-xtin”.
Nhiều
nhà phân tích cho rằng, dù Pa-le-xtin có được công nhận nhưng xung đột
I-xra-en-Pa-le-xtin cũng sẽ chưa thể được giải quyết một cách triệt để
khi hai vấn đề chính có quan hệ mật thiết với cuộc xung đột: đó là người
tị nạn Pa-le-xtin ở Li-băng và vấn đề cao nguyên Gô-lan, vùng lãnh thổ
Xi-ri bị I-xra-en chiếm đóng từ năm 1967, chưa được các nhà lãnh đạo
Pa-le-xtin tính tới một cách kỹ lưỡng. Nó có thể sẽ kéo theo một trào
lưu di dân lớn mà Pa-le-xtin không thể “kham nổi”, nhất là khi có tới ba
thế hệ chỉ biết đến các trại tị nạn và ở đó họ là những người tị nạn,
còn quê hương của họ về đất nước Pa-le-xtin chỉ là ảo tưởng.
Rõ
ràng, tương lai mối quan hệ hai bờ Địa Trung Hải, giữa phương Tây và
thế giới Hồi giáo, giữa phương Bắc và phương Nam, sẽ nằm tại Pa-le-xtin.
Nếu không giải quyết xác đáng và rõ ràng vấn đề Pa-le-xtin, sẽ khó tìm
kiếm sự bình yên và vì thế khó có tương lai. Liệu lá cờ Pa-le-xtin có
tung bay phấp phới trên bầu trời của mình hay không? Chắc chắn để có
được điều đó, các nhà lãnh đạo Pa-le-xtin còn rất nhiều việc phải làm.
Trước hết, họ cần phải đoàn kết, thống nhất các phe phái Pa-le-xtin lại
với nhau. Tiếp đó là xử lý đúng cách và khôn ngoan mối quan hệ với
I-xra-en. Sẽ không có hòa bình nếu không có công lý và lựa chọn chung
sống cùng nhau hợp lý./.