Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

16. Châu Á - động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới


TCCS - Trong khi tiến trình phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn còn chậm chạp, thì các nền kinh tế châu Á đã đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, sản lượng hàng hóa và xuất khẩu đã tăng trở lại gần bằng với thời kỳ tiền khủng hoảng. Châu Á trở thành điểm sáng nhất trên bức tranh kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á, đến năm 2030, châu Á có thể sẽ trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới.


“Trung tâm” hoạt động kinh tế thế giới


Sau khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, sang năm 2010 kinh tế châu Á tăng trưởng 9,4% - mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 20 năm qua, cao hơn mức 6,9% của năm 2009. Các nền kinh tế Đông Á tăng trưởng 8,6% nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ (chiếm tới 55,3% GDP của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á) vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ 10,3% và 9,1% - trở thành “đầu tàu” tăng trưởng của kinh tế khu vực và thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, châu Á đi đầu trong tiến trình phục hồi kinh tế và trở thành động lực của sự tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc được coi là quốc gia chính “chèo lái” nền kinh tế thế giới trong giai đoạn suy thoái vừa qua. Lần đầu tiên đóng góp của châu Á vào sự hồi phục kinh tế toàn cầu lớn hơn đóng góp của các khu vực khác. Hội nghị thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) nhận định, sở dĩ các nền kinh tế mới nổi chủ yếu ở châu Á đạt được kết quả trên là do đã tránh được sự thâm hụt trong trao đổi thương mại quốc tế, tích lũy một lượng dự trữ ngoại tệ lớn trước khi xảy ra khủng hoảng, kiềm chế tốt tỷ lệ thất nghiệp và nhu cầu nội địa phục hồi nhanh.


Ngoài ra, các nền kinh tế này có khả năng ứng phó hiệu quả với những “cú sốc” từ bên ngoài. Nhiều quốc gia đã có những thay đổi mạnh mẽ trong luật ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản; kích thích nhu cầu nội địa, thúc đẩy hợp tác tài chính với các nền kinh tế khác, trong khi phát triển mạnh kết cấu hạ tầng và dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan, đồng thời, phối hợp tốt với các định chế tài chính khu vực nhằm ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng mới.


Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của châu Á cũng gia tăng mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định đẩy sớm thời hạn thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 (theo lộ trình là năm 2020). Đây được xem là cột mốc quan trọng nhất kể từ năm 2002 sau khi ASEAN hoàn thành cơ bản Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để thực hiện Khu vực thương mại tự do ASEAN (CEPT/AFTA). Theo kế hoạch, từ năm 2015, AEC sẽ là một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất. Thị trường này sẽ phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN để từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới. Nguyên Tổng thư ký ASEAN, ông O.K.Ung (O.K.Yong) đưa ra hai lý do rất quan trọng để rút ngắn lộ trình thành lập AEC:
Thứ nhất, đến năm 2014, ASEAN sẽ hoàn tất hầu hết các thương lượng về khu vực mậu dịch tự do (FTA) với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân... Nghĩa là các thị trường ASEAN đã cam kết thực hiện những yêu cầu cụ thể của tự do hóa thương mại; thứ hai, thúc đẩy các nước trong ASEAN thực hiện tích cực hơn những chuyển đổi trong nước, tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua hội nhập nhanh hơn nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN.

Hiện nay, ngày càng có nhiều nước châu Á đẩy mạnh hợp tác trực tiếp với nhau trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư. Thương mại của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực đang gia tăng, trong đó thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt khoảng 200 tỉ USD. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tích cực đẩy mạnh hợp tác thương mại ba bên. Là những nền kinh tế lớn nhất của khu vực, chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu, hơn 70% tổng lượng kinh tế của khu vực châu Á và 2/3 tổng kim ngạch thương mại khu vực, sự hợp tác thương mại ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế châu Á.


Tại Đông Nam Á, Xin-ga-po trở thành điểm đầu tư lớn thứ hai của Ấn Độ. Từ Đông Á, dòng đầu tư của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang chảy tới khắp các nơi trong khu vực. Tại Trung Á, U-dơ-bê-ki-xtan và Ta-gi-ki-xtan đã bán điện cho Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan...


Theo IMF, với xu hướng phát triển hiện nay, trong vòng 5 năm tới, kinh tế châu Á sẽ tăng khoảng 50%, chiếm hơn 1/3 sản lượng thế giới và có thể sánh ngang với nền kinh tế Mỹ và châu Âu, còn trong vòng 20 năm tới, GDP của châu á sẽ vượt xa các nền kinh tế công nghiệp nhóm G7. Hiện các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đã tăng gấp đôi thị phần thương mại toàn cầu và tăng trưởng GDP rất mạnh mẽ, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.


Với những thành tựu trên, trung tâm hoạt động kinh tế thế giới đang dần dịch chuyển từ Tây sang Đông, sang khu vực châu Á. Sự dịch chuyển này được đánh giá là có tính lịch sử, được xem như một trong những chuyển biến quan trọng trong cục diện mới của nền kinh tế thế giới. Châu Á đã từng là trung tâm phát triển của thế giới ở thế kỷ XV. Sau đó, trung tâm phát triển này đã chuyển sang phía Tây và tồn tại từ đó đến nay. Giờ đây, thế giới đang chứng kiến trung tâm kinh tế thế giới đang có những bước chuyển dịch quay trở về châu Á và châu lục này được đánh giá sẽ trở thành khu vực quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ XXI.


Nhận định trên đây xuất phát từ một số hiện tượng đang diễn ra trong quá trình phát triển kinh tế của châu Á.
Một là, chuyển dịch từ nhà nước quốc gia sang mạng kết nối liên quốc gia. Trước đây, châu Á chịu sự chi phối khá mạnh từ nền kinh tế Nhật Bản. Song hiện nay, Trung Quốc đang khẳng định ưu thế và ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nền kinh tế châu Á, nhất là khi số người Trung Quốc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài ngày càng đông. Họ là những nhà kinh doanh độc lập và những gia đình doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Mỗi gia đình là một mạng công ty và xí nghiệp, các mạng này có thể kết nối với nhau. Thực tế là, hiện có một mạng lưới gồm 57 triệu người Trung Quốc sống ở nước ngoài, trong đó có 54 triệu người sống ở châu Á, và đây chính là mạng kết nối thương mại khu vực.

Hai là,
chuyển từ sản xuất để xuất khẩu sang sản xuất để tiêu dùng. Quá trình xây dựng nền kinh tế hướng về xuất khẩu đã nâng cao mức sống của người dân ở châu lục này và đến lúc chính họ lại trở thành người tiêu thụ. Nền kinh tế hướng về xuất khẩu được bổ sung thêm một động lực nữa là người tiêu dùng trong nước.

Ba là,
chuyển từ trạng thái cơ chế nhà nước kiểm soát sang cơ chế thị trường. Sự chuyển đổi này được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tại châu Á diễn ra mạnh mẽ hơn cả. Ngoại trừ Nhật Bản, các nước châu Á khác đều chú trọng tới việc mở cửa - thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế ở những nước này.

Bốn là,
quá trình đô thị hóa đang diễn ra trên toàn châu Á. Các vùng sản xuất nông nghiệp cần nhiều lao động đang nhanh chóng phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ. Các ngành sản xuất chuyển từ sử dụng nhiều lao động sang sử dụng lao động có trình độ cao.

Năm là,
đóng góp cho thế giới nhiều nền kinh tế lớn. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, đến giữa thế kỷ XXI sẽ xuất hiện 12 nền kinh tế hàng đầu của thế giới, trong đó, châu Á có 5 nền kinh tế là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a và Hàn Quốc. WB cho rằng, đây là kết quả của một loạt những nỗ lực của các nền kinh tế châu Á trong thời gian qua, thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau: Thứ nhất, hầu hết các nước châu Á đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Kết quả đạt được từ Vòng đàm phán U-ru-goay về thương mại đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế của khu vực, khiến hoạt động thương mại và đầu tư trở nên sôi động hơn. Tăng trưởng cao kéo theo tỷ trọng GDP của các nước châu Á trong tổng GDP của cả thế giới tăng lên. Nếu như năm 1992, tỷ trọng GDP của các nước OECD chiếm 81,5%, các nước đang phát triển là 15,7%, thì đến năm 2020, tỷ trọng GDP của OECD so với cả thế giới giảm xuống và của các nước đang phát triển tăng lên, tăng nhanh nhất là của Trung Quốc. Thứ hai, dòng vốn đầu tư vào các nước châu Á sẽ tăng lên. Theo dự báo của UNCTAD, châu Á sẽ trở thành khu vực tiếp nhận vốn đầu tư lớn nhất trong tương lai. Trong giai đoạn 1992 - 2020, FDI tại khu vực này sẽ tăng hằng năm hơn 6%, riêng ở Trung Quốc tăng khoảng 10%. Đầu tư tăng, năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) của châu Á cũng sẽ tăng nhanh hơn mức tăng của cả thế giới. Thứ ba, châu Á, đặc biệt là Đông Á đã trở thành thị trường thương mại lớn nhất thế giới. Không kể Nhật Bản, các nước và vùng lãnh thổ, như Trung Quốc, Xin-ga-po, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Ma-lai-xi-a đang đứng trong danh sách 20 nước và vùng lãnh thổ xuất khẩu lớn nhất của thế giới (Bảng 1). Kể từ năm 1992 đến nay, xuất khẩu của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa (NIEs), ASEAN và Trung Quốc bằng 160% mức xuất khẩu của Mỹ, 106% mức xuất khẩu của EU. Nếu tính cả Nhật Bản thì xuất khẩu của Đông Á lớn gấp 2 lần xuất khẩu của EU. Thứ tư, trước đây, Nhật Bản và các nước Đông Á đi theo con đường nhập khẩu công nghệ từ phương Tây bằng cách mua bằng sáng chế hoặc cử hàng loạt cán bộ đi học quản lý kinh doanh và sử dụng công nghệ hiện đại. Ngày nay, Nhật Bản, Hàn Quốc..., không những làm chủ được công nghệ hiện đại mà còn cải tiến và sáng tạo công nghệ mới. Trong tương lai, Mỹ và Tây Âu sẽ không còn giữ được vị trí độc tôn trên thị trường công nghệ, vì Nhật Bản và một số quốc gia Đông Á sẽ trở thành những quốc gia có tiềm năng lớn về xuất khẩu công nghệ.

Bảng 1. Tốc độ xuất nhập khẩu và tỷ trọng thị phần của các nước và khu vực

 trên thế giới giai đoạn 1992 - 2020 (%)

Các nước và khu vực
Xuất khẩu
Nhập khẩu

Tốc độ tăng
Tỷ trọng thị phần
Tốc độ tăng
Tỷ trọng thị phần

1992-2020
1992
2020
1992-2020
1992
2020
Cả thế giới
5,5
100
100
5,3
100
100
OECD
3,5
67,8
40,4
4
65,3
45,3
NIEs
6,5
7,4
9,7
6,3
7,2
9,4
Các nước đang phát triển
8,1
23,5
48,4
7,3
25,7
43,4
Trung Quốc
10
3
9,8
10,2
2,8
9,9
Ấn Độ
12
0,7
3,9
11
0,8
3,2
In-đô-nê-xi-a
8,8
1,1
2,7
7,8
0,9
1,8
Các nước chuyển đổi
6,2
3
3,6
5,9
3,4
3,9
ASEAN
8,9
9
22
8,5
8,7
20,1

                                 Nguồn: Global Economic Prospects, WB, 1997, 2003

Những trở ngại cần vượt qua để tiếp tục khẳng định, vươn xa


Ngân hàng Phát triển châu Á và các chuyên gia kinh tế châu Á tỏ ra thận trọng về khả năng tăng trưởng bền vững của khu vực. Một lý do chủ yếu được viện dẫn là nền tảng tăng trưởng của Trung Quốc. Theo chuyên gia Dư Vĩnh Định (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), sự gia tăng mức độ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu trong tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả lâu dài của các chương trình kích thích tăng trưởng của Trung Quốc. Ông cho rằng, một nền kinh tế bền vững không thể chỉ được xây dựng trên sắt thép và bê-tông. Xuất khẩu của Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái sẽ “bị chặn đứng bởi một bức tường xung đột và bảo hộ thương mại”. Trung Quốc cũng nhận thức rõ rằng, dù tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhưng mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào vốn và xuất khẩu như vậy sẽ không bền vững.


 Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 15 được tổ chức ở Ba-li (In-đô-nê-xi-a) vào tháng 4-2011 đã nhận định: kinh tế khu vực tăng trưởng mạnh, hầu hết các nước ASEAN hiện đã đạt hoặc thậm chí vượt qua mức tăng trưởng trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính - kinh tế và dự kiến sự phục hồi này vẫn sẽ còn tăng mạnh ở một vài nước. Khu vực tư nhân đang là nguồn động lực chính đối với tăng trưởng do đầu tư từ khu vực tư nhân đã hồi phục mạnh mẽ trở lại. Kinh tế khu vực được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức ổn định từ 5,8% - 6,5%.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu còn mới mẻ của châu Á hướng tới tiêu dùng nội địa vào thời điểm này vẫn chưa đủ mạnh để bù đắp cho sự thiếu hụt tại các thị trường xuất khẩu lớn nhất ở bên ngoài là Mỹ và châu Âu. Các chuyên gia cũng cảnh báo, mặc dù châu Á đã lợi dụng tốt thời cơ do cuộc khủng hoảng mang lại, song khu vực này vẫn chưa đủ khả năng để thực hiện được một sự chuyển dịch hoàn toàn sang tăng trưởng tự thân.

Việc mất dần lợi thế về chi phí lao động thấp ở các nền kinh tế châu Á đã dẫn tới “bẫy thu nhập trung bình” mà ở đó, các nước thu nhập trung bình không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất chi phí thấp ở phân khúc thấp của thị trường cũng như với các nước phát triển ở phân khúc cao của thị trường. Tăng trưởng kinh tế cao trong một thời gian khá dài đã kéo phần lớn các nước trong khu vực châu Á lên mức thu nhập trung bình trong vài thập niên gần đây, giúp hàng trăm triệu người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, khoảng 1,8 tỉ người vẫn phải sống ở mức dưới 2 USD/ngày và thực tế này vẫn sẽ tiếp diễn nếu không có biện pháp vượt qua hoặc tránh được “bẫy thu nhập trung bình”.


Châu Á có thể còn phải trải qua một chặng đường dài trên con đường phát triển của mình trước khi có thể tuyên bố thoát khỏi “lực hấp dẫn” của phương Tây. Hai câu hỏi được đặt ra cần có lời giải là,
thứ nhất, nếu nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế như Mỹ và châu Âu không còn mạnh, thì các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu ở châu Á làm thế nào có thể chống chọi với nguy cơ khủng hoảng kép, nhất là khi tăng trưởng được cảnh báo là quá nóng với những dấu hiệu đáng lo ngại là lạm phát? Theo kết quả các nghiên cứu mới đây, tỷ lệ lạm phát tăng, đặc biệt là giá lương thực tăng, sẽ khiến hàng chục triệu người ở châu Á, vốn đang ở ngưỡng nghèo khổ, rơi vào tình trạng bần cùng. Theo tính toán, nếu giá lương thực tăng thêm 10% thì châu á sẽ có thêm 64 triệu người nghèo, chiếm hơn 7% dân số. Ngoài ra, giá lương thực và lạm phát tăng cũng sẽ tác động mạnh tới ổn định kinh tế vĩ mô, nới rộng khoảng cách về thu nhập và có nguy cơ dẫn tới căng thẳng xã hội. Thứ hai, liệu các nền kinh tế khu vực đã bước vào một giai đoạn tăng trưởng bền vững, tự thân “miễn dịch” với các cuộc khủng hoảng kinh tế ở phương Tây trong thời gian tới hay chưa? Trong khi đó, sự thiếu hụt năng lượng, bắt nguồn từ sự thịnh vượng ngày càng tăng của châu Á, sẽ gây ra những căng thẳng mới hết sức nghiêm trọng. Nhật Bản là nước phụ thuộc lớn vào năng lượng nguyên tử và phải nhập khẩu gần như toàn bộ lượng dầu mỏ phục vụ cho nền kinh tế. Do phải nhập plutonium đã qua sử dụng để phục vụ các nhà máy điện nguyên tử, nên trong những thập niên tới, Nhật Bản sẽ "sở hữu" một kho nguyên liệu plutonium lên tới hàng trăm tấn.


 Nhằm đối phó với những rủi ro tiềm ẩn, như biến động của dòng vốn và áp lực lạm phát kết hợp với biến động giá hàng hóa gây tổn thương đến kinh tế, lãnh đạo các nước ASEAN tái khẳng định cam kết cần có những nỗ lực dứt khoát để bảo đảm ổn định hệ thống tài chính, tránh những biến động bất thường trong dòng vốn, duy trì tăng trưởng thông qua việc thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.
Tăng trưởng kinh tế cũng sẽ biến Trung Quốc và Ấn Độ thành các nền kinh tế phải nhập khẩu một khối lượng lớn năng lượng. Trong các thập niên tới, ở châu Á, sẽ tiếp tục diễn ra cuộc đua tăng trưởng giữa các nền kinh tế, sự cạnh tranh vẫn tiếp tục tăng lên và để đạt được những kết quả tốt nhất, các chính phủ ở châu Á phải trải qua những thời kỳ thử thách, điều chỉnh chính sách... phù hợp với tình hình mới.

Mặc dù châu Á vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn tiềm tàng, đe dọa tới triển vọng phát triển bền vững của châu lục như vậy, nhưng trong thế giới đang phát triển, tương lai kinh tế của châu Á vẫn sáng sủa nhất. Sự phát triển của kinh tế châu Á đang ngày càng khẳng định tính năng động và vai trò “động lực tăng trưởng” của khu vực này./.


-----------------------------------------


 (1) Rowan Gibson (1997), Rethinking the Future, Nicholas Brealey Publishing London
 

Nguyễn Bằng Việt 
Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội
Nguon: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/The-gioi-van-de-su-kien/2011/13320/Chau-A-dong-luc-tang-truong-cua-kinh-te-the-gioi.aspx