DAVID S.PENA
(*)
Trong bài viết
này, tác giả đã luận chứng để làm rõ triển vọng phát triển của chủ nghĩa xã hội
trong thế kỷ XXI, đó là nỗ lực chuyển đổi hình thức thành xã hội xã hội chủ
nghĩa phát triển bền vững với bốn nội dung cơ bản: phát triển bền vững thể chế
chính trị - thể chế dân chủ nhân dân, phát triển bền vững thể chế kinh tế, nuôi
dưỡng các nét văn hóa đặc trưng của đất nước và phát triển bền vững môi trường.
Theo tác giả, xây dựng thành công nền văn minh xã hội chủ nghĩa phát triển bền
vững chính là đem lại những điều kiện cho sự chuyển biến từ chủ nghĩa xã hội lên
chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội
đầu thế kỷ XXI
Hai mươi năm
trước, các nhà chính trị phương Tây và các nhà tư tưởng của giai cấp tư sản đã
tuyên bố về sự diệt vong và kết thúc của chủ nghĩa xã hội, đồng thời khẳng định
về sự tiếp tục của nền chuyên chế tư bản chủ nghĩa toàn cầu. Họ cho rằng, sự sụp
đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và sự giải thể của Liên Xô
cũng có nghĩa là chủ nghĩa xã hội đã vấp phải một thất bại lịch sử không thể lấy
lại, tất thảy các nước xã hội chủ nghĩa sẽ nhanh chóng biến mất. Điều làm mọi
người ngạc nhiên là, chỉ vẻn vẹn 20 năm trôi qua, quan điểm đó đã đổ vỡ hoàn
toàn, dẫu nó không phải chịu một sự tấn công nào cả. Tình hình hiện nay rõ ràng
là ngược lại với sự mô tả, tuyên truyền của phương Tây. Chủ nghĩa xã hội vẫn
tiếp tục sống và hơn nữa, còn có bước phát triển tiến bộ; trong khi đó, chủ
nghĩa tư bản toàn cầu lại đang phải đối mặt với một giai đoạn suy thoái kinh tế
mang tính hủy diệt, cùng với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự không hiệu quả, nền
chính trị tê liệt, tình trạng thiếu trách nhiệm đối với môi trường và xã hội
xuống cấp nặng nề. Chỉ còn một cách, chủ nghĩa tư bản với nền tảng là chế độ
thúc đẩy tiêu thụ, tiếp tục thực hiện chính sách theo đuổi lợi nhuận tối đa bằng
sự trả giá của hòa bình, của cả loài người và trái đất, đó là kiểu chính sách
mang tính tự sát, phản động và không bền vững.(*)
Sự thực là, chủ
nghĩa xã hội hiện nay đã vượt xa so với những thành quả mà thể chế chủ nghĩa xã
hội Đông Âu và Liên Xô đã đạt được. Thể chế xã hội chủ nghĩa trước đây mang
trong nó những khuyết tật nghiêm trọng, song trên nhiều mặt, đã vượt qua rất
nhiều nước tư bản chủ nghĩa. Cho dù bị dự báo là sắp diệt vong, cho dù thế giới
tư bản chủ nghĩa âm mưu cố ý sắp đặt đủ loại rào cản, chủ nghĩa xã hội ngày nay
vẫn đạt được không ít thành tựu. Khi phải đối mặt với khủng hoảng tài chính toàn
cầu, chủ nghĩa xã hội, trên nhiều mặt, đã thể hiện tốt hơn hẳn so với chủ nghĩa
tư bản, thậm chí tại một số khu vực của thế giới, nó đã trở lại, nhất là tại
châu Mỹ Latinh.
Những thành công
của chủ nghĩa xã hội không được các nước tư bản chủ nghĩa phát triển thừa nhận;
song, bên cạnh đó, sự hiểu biết và suy tư cởi mở của bản thân người dân ở các
nước này về những ước mơ của chủ nghĩa xã hội lại luôn vượt qua sự không thừa
nhận đó ở mọi thời điểm của lịch sử. Năm 2009, cuộc điều tra dân ý ở Mỹ đã cho
thấy, 20% người Mỹ được hỏi cho rằng, chủ nghĩa xã hội tốt đẹp hơn chủ nghĩa tư
bản; 53% tin là chủ nghĩa tư bản tốt đẹp hơn; 27% chưa có lựa chọn. Chỉ một cuộc
điều tra dân ý chưa thể nói được điều gì về một vấn đề mang tính khẳng định. Tuy
nhiên, so sánh với những nhận xét không thiện cảm của một số nước tư bản phát
triển, con số phần trăm trên cũng có lợi rất nhiều cho chủ nghĩa xã hội. Cuộc
điều tra dân ý đó cũng cho thấy, có gần 70% người Mỹ ủng hộ kinh tế thị trường.
Điều này rõ ràng là cao hơn rất nhiều so với 53% số người ủng hộ chủ nghĩa tư
bản(1). Dựa vào tình hình người dân Mỹ ủng hộ kinh tế thị trường nhiều hơn so
với số ủng hộ chế độ tư bản chủ nghĩa, có thể nói rằng, nếu được giáo dục, họ sẽ
thừa nhận việc Trung Quốc đã giải bài toán kinh tế thị trường như thế nào, đó là
kinh tế thị trường không phải chỉ thuộc về chủ nghĩa tư bản. ở các nước xã hội
chủ nghĩa, kinh tế thị trường có thể phát huy tác dụng, vừa có tính công bằng,
vừa có tính hiệu quả(2).
Giờ đây, thập kỷ
thứ hai của thế kỷ XXI vừa bắt đầu, chúng ta có đầy đủ lý do để nhìn nhận một
cách lạc quan về tương lai của chủ nghĩa xã hội. Sau 20 năm suy đoán về sự sụp
đổ vĩnh viễn của chủ nghĩa xã hội được loan báo, tuyên truyền, loài người bắt
đầu thừa nhận rằng, chủ nghĩa xã hội là thể chế tiên tiến duy nhất có thể thay
thế sự độc tài tai hại của chủ nghĩa tư bản.
Tuy nhiên, tương
lai là cái không xác định. Chủ nghĩa xã hội vẫn đang phải đối mặt với những hiểm
họa đến từ toàn cầu hoá. Khi tình hình khách quan buộc các nước đế quốc chủ
nghĩa phải nhìn nhận chủ nghĩa xã hội như là một hiện thực sắp thoát thai, chứ
không phải chỉ như một loại hình thái ý thức, thì chúng vẫn tiếp tục dốc sức phá
hoại chủ nghĩa xã hội. Do đó, các nước xã hội chủ nghĩa không thể giống như ngày
xưa chỉ dựa vào bản thân để giành lấy vinh quang và thành tựu. Vậy thì, trong
phần còn lại của thế kỷ XXI, các nước xã hội chủ nghĩa phải làm thế nào để có
thể tồn tại và gặt hái thành công? Chiến lược sinh tồn của chủ nghĩa xã hội tất
yếu lấy việc theo đuổi sự phát triển bền vững làm nhiệm vụ cấp bách. Trước mắt,
vấn đề có tính sống còn của loài người là khả năng sinh tồn của chính nền văn
minh hiện đại. Đối với các nước xã hội chủ nghĩa, thông qua nỗ lực chuyển đổi
hình thức thành xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững, đặt lên hàng đầu
việc giải quyết vấn đề trên, cùng với việc xây dựng một hình mẫu cụ thể khích lệ
lòng người nhằm trả lời cho câu hỏi thực hiện phát triển bền vững như thế nào,
thì công việc đó là thực sự hợp lý.
Bốn nội dung cơ
bản của phát triển bền vững
Liên hợp quốc đã
định nghĩa (năm 1987) phát triển bền vững là: năng lực vừa thoả mãn nhu cầu của
thế hệ con người hiện nay, vừa không làm tổn hại đến sự thoả mãn nhu cầu của các
thế hệ con người tiếp sau. Nội dung của định nghĩa này rất rộng. Điều làm mọi
người phải ngạc nhiên là, có rất nhiều thảo luận có liên quan đến vấn đề phát
triển bền vững lại chỉ chú ý đến mặt phân phối tài nguyên và bảo vệ môi trường,
dường như những mặt này vẫn đạt được thành công dù không có sự hỗ trợ từ những
mặt khác của nền văn minh, trong khi trên thực tế, nếu không có sự hỗ trợ của
các mặt khác đó, toàn bộ cái gọi là phát triển bền vững sẽ không thể thực hiện
được. Ví dụ, định nghĩa này của Liên hợp quốc bị hiểu nhầm chỉ còn là một loại
lý luận bảo vệ môi trường bó hẹp trên góc độ kỹ thuật mà thôi. Giai cấp tư sản
giải thích phát triển bền vững như là vấn đề về các biện pháp bảo vệ tài nguyên
có tính điều chỉnh tình thế trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản. Giải pháp được đưa
ra đối với vấn đề không thể là gì khác ngoài việc đề cao bảo vệ tài nguyên và
phát triển năng lượng sạch. Phải khẳng định rằng, các biện pháp này có giá trị
riêng của nó, nhưng chúng có thể kéo dài mãi một xã hội mà về bản chất, không
thể tiếp tục được nữa sao? Trên nguyên tắc, chủ nghĩa tư bản có hay không có khả
năng phát triển một xã hội bền vững, giai cấp tư sản luôn né tránh và tảng lờ
vấn đề này. Như đã nói trên, định nghĩa của Liên hợp quốc rất rộng; do đó, vấn
đề phát triển bền vững môi trường có thể được nhập vào một vấn đề rộng hơn là
phát triển bền vững thể chế chỉnh thể của xã hội. Vấn đề đặt ra là chủ nghĩa xã
hội và chủ nghĩa tư bản, cái nào thích hợp hơn cho việc xây dựng một xã hội phát
triển bền vững trong tương lai?
Phát triển bền
vững môi trường không thể thực hiện được, trừ khi có sự ủng hộ của một số yếu tố
thuộc thể chế xã hội, như thể chế chính trị, thể chế kinh tế hay đặc trưng văn
hoá đất nước. Chính trị, kinh tế, văn hoá và môi trường, với tư cách bốn nội
dung cơ bản của phát triển bền vững, cần phải phối hợp nhìn về một hướng, ủng hộ
lẫn nhau, mới có thể thực hiện được một xã hội phát triển bền vững trên tổng
thể. Rõ ràng, kiểu phối hợp này phải nằm trong một thể chế xã hội có khả năng
điều hoà bốn nội dung cơ bản trên mới có thể được thực hiện.
Các đặc điểm của
bốn nội dung cơ bản
Tuy đặc điểm cụ
thể của bốn nội dung cơ bản của vấn đề phát triển bền vững không giống nhau tuỳ
theo tính đặc thù của các xã hội khác nhau, song chúng ta vẫn có thể thấy rõ một
số khía cạnh quan trọng trên mỗi nội dung:
1) Thể chế chính
trị của xã hội phát triển bền vững cần phải là thể chế dân chủ nhân dân, cũng có
thể nói, kiểu dân chủ này cần phải thực hành chương trình chính trị của nhân
dân. Quan niệm về chương trình chính trị của nhân dân chứa đựng trong nó tất cả
tư tưởng tiên tiến của loài người, bao gồm hoà bình và chính nghĩa, an toàn và
danh dự, duy trì lâu dài một môi trường hướng tới con người một cách lành mạnh.
Sáng tạo nên một xã hội phát triển toàn diện là một trong những nội dung quan
trọng của chương trình chính trị của nhân dân, bởi nó là nền tảng cho việc thực
hiện lợi ích chính trị lâu dài của nhân dân. Vì thế, xây dựng xã hội phát triển
bền vững là một bộ phận trong nhiệm vụ tổng thể xây dựng thể chế dân chủ nhân
dân. Không có phát triển bền vững, cũng không có thể chế dân chủ nhân dân; ngược
lại, không có thể chế dân chủ nhân dân thì cũng không có phát triển bền vững.
Nếu thể chế dân chủ nhân dân xa rời nhiệm vụ xây dựng một xã hội phát triển bền
vững, khi đó có thể xem là nó đã rơi vào tự mâu thuẫn.
2) Thể chế kinh
tế của xã hội phát triển bền vững cần phải phát huy chức năng sản xuất, thoả mãn
yêu cầu vật chất cơ bản mà việc thực hiện các nội dung khác nhau của chương
trình chính trị nhân dân cần đến. Chế độ chính trị và chế độ kinh tế của nhân
dân phối kết cùng vận hành, đây là yêu cầu không thể lảng tránh trong công cuộc
xây dựng xã hội phát triển bền vững. Nếu thể chế kinh tế ngáng trở việc thực
hiện chương trình chính trị cũng có nghĩa là phát triển bền vững không thể thực
hiện được. Do vậy, trong một xã hội phát triển bền vững, kinh tế cần phải được
phát triển dưới sự chỉ đạo của chính quyền của nhân dân. Thể chế kinh tế của đất
nước thực sự cần phải tạo ra của cải vật chất để phục vụ nhân dân, chứ nhất định
không thể chỉ là đem lại đồ dùng xa hoa cho một số ít người. Thể chế kinh tế
nhân dân chống lại hết thảy những chính sách kinh tế đi ngược lại chương trình
chính trị của nhân dân, có hại đối với chế độ dân chủ của nhân dân, có hại đối
với sự phát triển bền vững lâu dài xã hội của nhân dân, cũng như chống lại việc
tối đa hoá lợi nhuận trước mắt có được bằng các phương cách thối nát, không bền
vững. Thể chế chính trị nhân dân ủng hộ hết thảy những chính sách kinh tế hướng
đến nâng cao tổng thể chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao năng lực tự
chủ của đất nước thông qua thúc đẩy bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, chuyển
đổi hệ thống sang sử dụng năng lượng có thể tái sinh để phát triển lực lượng sản
xuất. Tuy nhiên, nhất thiết không được hiểu sai rằng phát triển bền vững chỉ là
vấn đề bảo vệ môi trường trên khía cạnh kỹ thuật hẹp của nó; rằng có thể được
giải quyết một cách riêng rẽ tách khỏi các mục tiêu chính trị tốt đẹp của con
người. Nếu một thể chế kinh tế không thể thúc đẩy phúc lợi của nhân dân và phát
triển bền vững của trái đất thì cũng có nghĩa là thể chế kinh tế ấy đã tự gieo
mầm cho sự diệt vong của chính nó. Bởi lẽ, một khi nhân dân ý thức được rằng cái
thể chế kinh tế như vậy là không đáng tồn tại thì họ cũng sẽ nhanh chóng kết
thúc nó.
3) Nuôi dưỡng
các nét văn hoá đặc trưng của đất nước một cách hợp lý có quan hệ mật thiết đến
sự nghiệp xây dựng xã hội phát triển bền vững. Chỉ dưới sự hỗ trợ của văn hoá
quốc gia, các nội dung quan trọng của phát triển bền vững mới có thể phát triển.
Còn ngược lại, mọi công sức mà phát triển bền vững đã thực hiện sẽ tiêu tan hoàn
toàn trong các quan niệm giá trị và hành vi không phối hợp được với nhau.
Một đất nước độc
lập và tự do chính là nền tảng tất yếu cho một nền văn hoá quốc gia dân tộc tiên
tiến. Không có gì quan trọng hơn là giữ gìn nền độc lập, tự do của chủ quyền đất
nước; bởi vì, chỉ có giải phóng nhân dân khỏi chế độ phong kiến, chế độ nô lệ
thuộc địa và chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa, thì xã hội mới có thể tiến bộ.
Phải giữ gìn nền tự do và độc lập, phải chống lại chủ nghĩa đế quốc, phải bảo vệ
chủ quyền vốn có của đất nước đối với lãnh thổ của nó, các nước mới có thể lựa
chọn con đường phát triển cho chính mình.
Văn hoá nhân dân
cần phải tạo ra một tình cảm chung hướng đến mục tiêu của một đất nước vững
mạnh, đồng thời cần phải nhận thức được lợi ích chung của việc cùng với nhân dân
các dân tộc khác thúc đẩy phát triển theo hướng văn minh của phát triển bền
vững. Để vượt lên khỏi các hành vi chính trị, kinh tế và văn hoá theo kiểu phát
triển không bền vững trước đây, văn hoá nhân dân cần phải được xây dựng trên nền
tảng của tất thảy những tư tưởng tiên tiến trong văn hoá truyền thống và hiện
đại. Cần phải vứt bỏ các quan niệm giá trị chống lại loài người, sự phát triển
không bền vững của chế độ nô lệ, chế độ phong kiến và xã hội tư bản chủ nghĩa.
Đặc biệt, cần phải phê phán chủ nghĩa lợi kỷ (chỉ biết lợi cho mình) của giai
cấp tư sản, quan niệm giá trị tối đa hoá lợi nhuận cũng như mỹ miều hóa việc hô
hào cho lòng tham, cho các hành vi tội phạm, cho hoạt động chiến tranh đế quốc
chủ nghĩa. Những quan niệm giá trị hiện có phù hợp với phát triển bền vững cần
phải được giữ gìn và kết hợp hài hoà với các nhu cầu phát triển của xã hội tương
lai.
Văn hoá được
quyết định bởi giáo dục. Xã hội phát triển bền vững cần có một nền giáo dục thực
sự giúp nhân dân tôn trọng cao độ những khía cạnh tích cực của lịch sử và văn
hoá độc đáo của đất nước, hiểu biết một cách khoa học các nước khác trên thế
giới, nhận thức được rằng để có thể xây dựng nền văn minh phát triển bền vững
mỗi người cần phải điều chỉnh chính các quan niệm giá trị và hành vi của mình.
Một đất nước thiếu khoa học sẽ rất khó khăn khi đối mặt với các nhu cầu tự
nhiên, còn một dân tộc mang tâm lý tự ti văn hoá là một dân tộc không thể tiến
hành tự phê bình mang tính xây dựng, hoặc là một dân tộc không thể chống lại xâm
lược văn hoá được. Một đất nước cần phải dựa trên nền tảng của sự khẳng định đầy
đủ về các đặc tính văn hoá của chính mình để tích cực học hỏi các nền văn hoá
khác, cùng nhau chia sẻ tri thức, cũng như cần phải chống lại ảnh hưởng tiêu cực
của văn hoá ngoại lai, nhất là chống lại những tuyên truyền nhạt nhẽo cho cái
thể chế xã hội có tính cướp bóc, chống lại sự mỹ miều hoá biểu dương cho các
hoạt động phát triển không bền vững chạy theo mục đích tối đa hoá lợi nhuận của
chủ nghĩa tư bản.
4) Phát triển
bền vững môi trường chỉ là một trong bốn nội dung cơ bản của xã hội phát triển
bền vững, nhưng lại là nội dung không thể bỏ qua. Một mặt, nó thể hiện đỉnh cao
của những nỗ lực xây dựng văn minh phát triển bền vững; mặt khác, nó là một trụ
cột quan trọng hỗ trợ cho văn minh phát triển bền vững. Phát triển bền vững môi
trường hàm chứa trong nó những nền tảng vật chất cơ bản của đời sống và văn hoá
con người. Vì thế, nếu chúng ta không giữ gìn nguồn năng lượng không thể tái
sinh, không cố gắng lợi dụng các dạng năng lượng có thể tái sinh để bảo vệ tài
nguyên nước và không khí cũng như giảm bớt biến đổi khí hậu trái đất, thì cuối
cùng sẽ đưa tới sự đổ vỡ của nền văn minh hiện đại và xã hội loài người giật lùi
trở lại trình độ trước văn minh. Tất cả mọi người đều dễ dàng hiểu được chân lý
này, trừ một số người bị lòng tham dục, sự tự mãn và những quan điểm lệch lạc
phản khoa học bịt mắt, đánh lừa. Theo nghĩa hẹp của nó, phát triển bền vững môi
trường là kết quả của sự hiểu biết khoa học đúng đắn về môi trường tự nhiên. Tuy
nhiên, nó vẫn cần phải có thể chế chính trị đúng đắn, thể chế kinh tế đúng đắn
và một nền văn hoá đúng đắn, cùng nhau xây dựng một xã hội có thể dùng thực tiễn
thực nghiệm khoa học để tìm kiếm lợi ích cho con người. Điều này cho thấy tính
quan trọng của một thể chế xã hội có thể đem lại sự ủng hộ trên mọi khía cạnh
đối với phát triển bền vững.
Chủ nghĩa xã hội
phát triển bền vững
Thực hiện chương
trình chính trị, kinh tế, văn hoá và môi trường của nhân dân cũng chính là thực
hiện phát triển bền vững một cách chân chính. Các chương trình này cùng tạo nên
bốn nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Kiểu loại xã hội có thể phát triển
bốn nội dung cơ bản này của phát triển bền vững có tên gọi riêng của nó – chủ
nghĩa xã hội. Trên thực tế, khái niệm chủ nghĩa xã hội tự nó đã chứa đựng nội
dung là tập trung vào phát triển bền vững. Thông qua sự mô tả và hình dung về
một chế độ văn minh hướng tới con người, chúng ta không thể dùng được khái niệm
nào khác hơn là xây dựng một chế độ văn minh xã hội chủ nghĩa phát triển bền
vững (3).
Chủ nghĩa xã hội
là định hướng chỉ đạo mà quá trình xây dựng văn minh loài người phát triển bền
vững cần có, bởi chủ nghĩa xã hội và các chương trình chính trị vì con người là
hoàn toàn như nhau. Do đó, một xã hội phát triển bền vững cần có một chính phủ
nhân dân, chính phủ đó thực hiện và bảo đảm quyền lợi của việc xây dựng chủ
nghĩa xã hội và chống lại sự bãi bỏ hoặc xem nhẹ quyền lợi ấy. Chính phủ như vậy
cần phải vững vàng, tin tưởng, kiên quyết phương hướng xã hội chủ nghĩa, chống
lại những sức ép của chủ nghĩa tư bản và những tác động của giai cấp tư sản đến
từ trong và ngoài nước, chúng yêu cầu lập lại chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng
chế độ dân chủ của giai cấp tư sản, chống lại loài người.
Thông qua xây
dựng bốn nội dung cơ bản của phát triển bền vững để thực hiện các chương trình
của nhân dân, kiểu chế độ xã hội chủ nghĩa như vậy chính là chế độ phát triển
bền vững. Trong quá trình xây dựng đó, chế độ xã hội chủ nghĩa cần phải cố gắng
đưa nhân dân thoát khỏi đói nghèo, nâng cao mức sống toàn diện, bảo vệ đất nước
độc lập, xây dựng văn hoá tiên tiến. Nó cần phải phát triển sức sản xuất, nâng
cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sáng tạo, tăng thêm thu nhập của nhân dân, đồng
thời đảm bảo công bằng và chính nghĩa trong việc làm ra và phân phối của cải xã
hội, chống lại một cách có hiệu quả các hiện tượng thối nát trong hiện thực đời
sống, từ đó phát triển xã hội trên nền tảng hoà bình và bảo vệ môi trường.
Chính phủ xã hội
chủ nghĩa cần phải xác định và thực hiện hài hoà nhiều mục tiêu. Điều này đòi
hỏi phải có những kế hoạch khoa học tầm xa và sự điều chỉnh quy hoạch chi tiết.
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển bền vững không thể bắt chước các
phương pháp không khoa học, không có trình tự mà thể chế kinh tế của giai cấp tư
sản đã sử dụng, các phương pháp này chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, bất
chấp việc gây ra những nguy hại cho con người và môi trường sống của con người.
Sự phát triển quá mức của quy luật giá trị, chủ nghĩa tôn sùng vật chất và sự
tha hóa như là nền tảng của chủ nghĩa tư bản đã mang lại tính không bền vững cho
thể chế kinh tế của giai cấp tư sản. Những tính chất riêng có này của chủ nghĩa
tư bản đã khiến sản xuất chỉ để phục vụ cho sự suy đồi, khiến chiến tranh được
xem như một hoạt động thỏa mãn nhu cầu cơ bản của loài người “tốt hơn” cả hoạt
động sản xuất. Chủ nghĩa tư bản cổ vũ cho lòng tham, cho hành vi ăn cướp, xấu xa
và bóc lột, chứ không cổ vũ cho sự kiểm soát lòng tham, cho sự hào phóng và lẽ
công bằng. Nó thúc đẩy phát triển trên cơ sở các quan hệ quốc tế mang tính bóc
lột, gạt bỏ sự phát triển trong hòa bình trên cơ sở bình đẳng giữa các nước.
Chúng ta chỉ cần nhớ đến các hậu quả tai hại mà thể chế kinh tế của giai cấp tư
sản đã gây ra trên thế giới suốt mấy trăm năm lịch sử sẽ thấy ngay rằng việc
kinh tế của giai cấp tư sản không thể phát triển bền vững chính là do chủ nghĩa
tư bản không thể phục vụ nhân dân.
Trên những điểm
nhấn lịch sử trước mắt, mối đe dọa lớn nhất đối với sự tiến bộ của loài người
nằm ở chỗ các nền kinh tế nói chung đều chịu sự kiểm soát của chủ nghĩa tư bản.
Phương pháp giải quyết vấn đề ở đây chính là chuyển hướng sang chủ nghĩa xã hội
phát triển bền vững. Hãy nhớ lại hội nghị cấp cao toàn thế giới về biến đổi khí
hậu tại Copenhagen vừa qua. Tính chất không hợp lý và chống lại loài người của
chủ nghĩa tư bản đã đưa tới chỗ một số nước tư bản phát triển không đếm xỉa đến
kết luận của các nhà khoa học toàn thế giới, không muốn thừa nhận trách nhiệm
lịch sử không thể chối bỏ của chính họ đối với sự nóng lên của khí hậu trái đất,
muốn đổ vấy trách nhiệm cho các nước đang phát triển. Điều đó có nghĩa là một
vài chính phủ đế quốc âm mưu cướp đoạt quyền lợi của sự phát triển kinh tế của
các nước đang phát triển (như Trung Quốc và ấn Độ). Những hành vi như thế đã tạo
nên mâu thuẫn, làm mất đi rất nhiều thời gian quý báu. Đó chính là ví dụ mang
tính khái quát về cách mà các nước tư bản chủ nghĩa dẫm đạp lên các vấn đề phát
triển bền vững, khủng hoảng khí hậu và quyền con người.
Cụ thể như tại
nước Mỹ, mọi người thường được nghe cách nói như sau: các nước đang phát triển
chính là nhân tố chủ yếu nhất tạo ra sự nóng lên của khí hậu trái đất, bởi vì
tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước này đang tăng thêm hàng
năm. Rõ ràng, họ không chịu thừa nhận rằng, tuy các nước đang phát triển chiếm
phần lớn trong tổng số dân trái đất, nhưng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính
chia theo đầu người của họ so với các nước phát triển lại thấp hơn rất nhiều.
Hơn nữa, cách nói này không có tính lịch sử, nó đã bỏ qua một sự thực là, chúng
ta có thể chứng minh một cách hết sức thuyết phục rằng các nước phát triển phải
chịu trách nhiệm về khủng hoảng khí hậu của trái đất. Chất khí gây hiệu ứng nhà
kính đã có mặt trên tầng khí quyển mấy chục năm. Theo những thống kê từ năm
1800, ít nhất 70% lượng khí carbon là do các nước phát triển tạo ra (Shah,
2009). Tại nước Mỹ, một vài hệ thống truyền thông tư nhân cánh hữu rất có sức
mạnh, họ rêu rao rằng khủng hoảng khí hậu trái đất là một sự lừa dối học thuật
không có căn cứ của các thế lực chống Mỹ, làm cho rất nhiều người Mỹ nghĩ rằng
khí hậu trái đất nóng lên là cái gì đó không hề có căn cứ khoa học. Một cuộc
khảo sát dân ý gần đây ở Mỹ cho thấy, chỉ có 28% người Mỹ được hỏi cho rằng giải
quyết vấn đề khí hậu trái đất nóng lên là việc cần làm ngay trong năm 2010;
trong khi đó, 80% người Mỹ được hỏi cho rằng phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội
việc làm, chống chủ nghĩa khủng bố là những việc cần làm ngay. Rõ ràng, nhân dân
Mỹ đã luôn không nhận được sự nhắc nhở, rằng nếu mất kiểm soát đối với sự nóng
lên của khí hậu trái đất, thì tăng trưởng kinh tế và công ăn việc làm cũng không
thể bền vững. Họ cũng không hay biết rằng khủng hoảng khí hậu sẽ làm nảy sinh
mâu thuẫn và tăng thêm chủ nghĩa khủng bố.
Ngược lại, chủ
nghĩa xã hội phát triển bền vững tạo nên một nền văn hóa nhân dân tiên tiến,
theo đuổi kiểu phát triển có trách nhiệm và hòa bình, nó giáo dục nhân dân về
tình hình của khủng hoảng khí hậu và tạo nên những nhu cầu thực sự về một xã hội
phát triển bền vững. Nó sẽ thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên vấn đề môi trường,
đồng thời hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để chuẩn bị đối mặt với những
hậu quả tồi tệ nhất do sự nóng lên của khí hậu trái đất. Các nước tư bản chủ
nghĩa phát triển né tránh trách nhiệm đối với khủng hoảng khí hậu, điều đó lại
đem tới cơ hội cho chủ nghĩa xã hội - dẫn dắt thế giới bắt đầu xây dựng một nền
văn minh phát triển bền vững thực sự.
Để có thể đạt
tới văn minh phát triển bền vững, chủ nghĩa xã hội cần phải cân bằng và phối hợp
bốn nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Điều này có nghĩa là các khía cạnh
chính trị, kinh tế, dân tộc/văn hóa và môi trường của chủ nghĩa xã hội phát
triển bền vững đều phải được quản lý tốt hơn, làm cho chúng trở thành tiền đề và
thúc đẩy lẫn nhau trong một khối thống nhất mang tính biện chứng. Nếu không đạt
tới sự hài hòa và thống nhất, mối quan hệ giữa bốn nội dung cơ bản này sẽ không
thể được xử lý đúng mức, dẫn tới sự mất cân bằng có thể phá hoại xã hội. Cuối
cùng sẽ đưa tới sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và sự trở lại của chủ nghĩa tư
bản. Lấy một ví dụ, nếu khi phát triển sức sản xuất mà không tính toán đến nhân
tố môi trường hay một số hậu quả tiêu cực, như tài nguyên thiên nhiên mất đi và
khí hậu trái đất nóng lên, sẽ khiến sự phát triển kinh tế bị ngưng đọng, gây khó
khăn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển bền vững. Một khi sự
phát triển của chủ nghĩa xã hội bị dừng lại, chủ nghĩa tư bản sẽ có được cơ hội
phát triển cho mình. Ngược lại, nếu như bảo vệ môi trường và nhu cầu tiến bộ về
kinh tế không thể điều hòa cùng hướng, khi đó sự phát triển của sức sản xuất sẽ
gặp khó khăn, nhu cầu cơ bản của con người không được đáp ứng đầy đủ. Nếu như sự
phát triển của dân tộc mà mất đi sự dẫn dắt của một nền văn hóa tiên tiến tôn
trọng khoa học và lợi ích chung, khi đó chủ nghĩa vô chính phủ hay chủ nghĩa lợi
kỷ sẽ chiếm ưu thế, xã hội chắc chắn sẽ xuống cấp thành một thứ chủ nghĩa tư bản
có tính chất xã hội đen.
Cho dù sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển bền vững được quyết định bởi sự hài hòa
cùng hướng của các nội dung cơ bản của phát triển bền vững, nhưng mục tiêu hài
hòa này không hề là sự ngưng đọng hay không thể biến đổi. Mà ngược lại, phải
thực hiện sự hài hòa không ngừng tiến hóa, không ngừng được điều chỉnh theo các
yêu cầu phát triển của xã hội, từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cao hơn của chủ
nghĩa xã hội, và cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, xây
dựng thành công nền văn minh xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững chính là đem
lại những điều kiện cho sự chuyển biến từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng
sản. (Còn nữa)
Người dịch:
ThS. Trần Thuý Ngọc
Viện Triết
học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
*******************
(*) Tiến sĩ, Giám đốc thư viện Campus Kendall của Dade College ở Miami, Đại học
công lập bang Palm Beach, Hoa Kỳ.
([1])
Xem: Báo cáo Rasmussen năm 2009.
(2) Yang Jinhai. The Future of China’s Socialist Market Economy (Tương lai của
nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Nature, Society, and Thought
20, no.1, 2007, pp.61-79.
(3) Do phần này trong bài viết theo bản dịch tiếng Trung tối nghĩa, nên chúng
tôi dịch từ bản gốc tiếng Anh của tác giả, theo Kỷ yếu Hội thảo Kinh tế chính
trị thế giới lần thứ 5 (bản tiếng Anh), tr.6 – N.D