Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

22. Yếu tố địa-chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay

Võ Minh Tập

“Yếu tố địa-chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay” là một vấn đề thời sự, việc tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện vấn đề này là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc, góp phần phục vụ cho công việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu lịch sử thế giới hiện đại.
Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn đó, vấn đề “yếu tố địa-chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay” là đề tài đầy lý thú và đem lại những kết quả hữu ích. Do đó, chúng tôi đã chọn vấn đề này làm đề tài này.

I. Yếu tố Địa chiến lược toàn cầu của Mỹ sau chiến tranh lạnh (1989 - 2007)

1. Địa chiến lược toàn cầu của Mỹ thời Bush cha

Giai đoạn Bush cha lên nắm quyền mang tính chuyển tiếp từ thời kỳ chiến tranh lạnh sang hậu chiến tranh lạnh. Điều đó có nghĩa là quan hệ Mỹ - Xô vẫn chi phối chính sách đại chiến lược của Mỹ trong thời gian từ đầu năm 1989 khi Bush cha vào Nhà trắng đến cuối năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Chiến lược ngăn chặn (containment) - một chiến lược đã được Mỹ triển khai từ sau chiến tranh thế giới thứ Hai để chống CNXH - vẫn là trọng tâm trong chính sách địa chiến lược của Mỹ dưới thời Bush cha. Tuy nhiên, việc Gorbachov phát động cuộc cải tổ ở Liên Xô một cách không có bài bản và lạc hướng đã đẩy Liên Xô suy yếu từ bên trong một cách nhanh chóng hơn (cải tổ chính trị tiến hành trước và không định hướng đã đưa tới sự suy giảm vai trò của Đảng Cộng sản và dấy lên trào lưu đa nguyên đa đảng về chính trị, li khai về dân tộc, và đình trệ về kinh tế).
Hậu quả là đã làm giảm vai trò của Liên Xô trên trường quốc tế. Liên Xô đã cắt giảm viện trợ cho các chính phủ đồng minh, chủ động triển khai chính sách hoà hoãn với phương Tây, cùng với Mỹ cắt giảm vũ khí hạt nhân và kết thúc chiến tranh lạnh. Hi vọng của Gorbachov là nhanh chóng tạo ra điều kiện bên ngoài thuận lợi để quay vào cải tổ bên trong. Nhưng kết quả là phe XHCN sụp đổ và bản thân Liên Xô cũng tan rã ngay sau đó.
Trong bối cảnh đó, Bush cha chỉ là người hoàn tất thành công chiến lược ngăn chặn do các tổng thống tiền nhiệm xây dựng nên. Nhưng Bush cha được đánh giá cao vì các lý do sau:
- “Khuyến khích” và “phối hợp” tốt với Gorbachov trong việc đưa Liên Xô vào con đường giảm căng thẳng quốc tế, cắt giảm vũ khí, giảm viện trợ cho đồng minh, tức là gián tiếp tiếp tay cho Liên Xô bỏ đi những mặt mạnh và thế mặc cả trong quan hệ với Mỹ và phương Tây. Nói cách khác, Bush cha đã dùng hoà hoãn để làm Liên Xô mất đi thế mạnh trong quan hệ với Mỹ.
- Chính sách đại chiến lược của Bush đối với Liên Xô cũng có tác dụng đối với nội trị Liên Xô. Điều này tưởng chừng không quan trọng, vì dù muốn hay không Liên Xô cũng phải tiến hành cải tổ do tình hình kinh tế, chính trị và xã hội đã tới mức phải thay đổi, gánh nặng chạy đua vũ trang và bao cấp cho đồng minh đã trở nên quá sức, và đã quá tốn kém trong cuộc can thiệp vào Afganixtan. Nhưng Bush cha được coi là đã “có công” trong việc tạo ra một môi trường bên ngoài hoà hoãn cho Liên Xô để phái của Gorbachov có thể thắng thế với phái cứng rắn trong nội bộ Liên Xô. Nếu quan hệ Mỹ - Xô không cải thiện và còn căng thẳng, phái cứng rắn còn có vai trò, và từ đó sẽ hạn chế được Gorbachov đẩy perestroika không đi quá xa, nhượng bộ Mỹ, buông Đông Âu về đối ngoại và xáo trộn hệ thống chính trị về đối nội.
- Chính sách địa chiến lược này cũng có tác dụng đối với quan hệ của Liên Xô với đồng minh Đông Âu. Do căng thẳng Mỹ - Xô giảm đi (kết hợp với Mỹ tăng cường quan hệ và Liên Xô cắt giảm viện trợ kinh tế cho các nước này) nhu cầu của các nước XHCN Đông Âu dựa vào ô bảo trợ an ninh và kinh tế của Liên Xô đã giảm đi đáng kể. Trong khi đó, cải tổ chính trị ở Đông Âu mà Mỹ cũng khuyến khích càng làm tăng xu thế bài Xô ở khu vực này. Có thể nói, chính sách hoà hoãn với Liên Xô của Bush cha là một mũi tên bắn trúng nhiều mục đích, làm Liên Xô sụp đổ từ nhiều phía.
- Liên quan tới các điểm trên, Bush cha còn được đánh giá tốt vì đã quản lý thành công sự sụp đổ của Liên Xô. Như đã nêu ở trên, Mỹ ủng hộ Gorbachov và một phần vì thế mà phái cứng rắn không giành được quyền lực, từ đó không thể gây lại căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Theo lô-gích thông thường, để cứu vãn sự sụp đổ của Liên Xô, phái cứng rắn có thể gạt Gorbachov khỏi quyền lực, tạo ra căng thẳng mới trong quan hệ với Mỹ và phương Tây để có lý do xiết chặt quyền lực trong nước và chặn đứng xu thế các nước Cộng hoà li khai khỏi Liên bang Xô-viết và các nước đồng minh Đông Âu tách khỏi Liên Xô. Nhưng điều đó xảy ra khi đã quá muộn: phe cứng rắn tiến hành đảo chính khi các nước XHCN Đông Âu đã biến mất và Liên Xô đang đứng bên bờ tan rã. Liên Xô sụp đổ mà Mỹ không tốn một viên đạn.
- Mỹ cũng nhanh chóng cộng tác với Nga, Ukraina và một số nước khác để quản lý kho vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược mà Liên Xô để lại. Một trong những lo ngại lớn nhất của Mỹ là kho vũ khí khổng lồ đó sẽ bị đánh cắp và bán cho các nước khác đang phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng Mỹ đã ngăn chặn được khả năng này: kho vũ khí được bảo quản chặt chẽ; Nga vẫn cam kết với các hiệp định giải trừ vũ khí, các nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ như Ukraina, Belarus, Kazakhstan tuyên bố không sở hữu vũ khí hạt nhân. Mối lo ngại của Mỹ về phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt đã được dẹp yên.
- Mỹ cũng tiếp tục cộng tác với Nga để tiếp tục xu hướng cải cách ở Nga, không cho Nga quay lại đường lối XHCN, bởi vì xét cho cùng, chiến tranh lạnh xuất phát trước hết từ các yếu tố ý thức hệ trong chính sách đại chiến lược của các nước và trong quan hệ quốc tế.
Nhưng tính chuyển giai đoạn trực tiếp trong chính sách địa chiến lược của Bush cha đã được thể hiện rất rõ khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Khi Liên Xô sụp đổ (nhất là theo một cách tương đối đột ngột), các chiến lược gia của Mỹ đều gặp khó khăn trong việc xây dựng một chiến lược cho thời kỳ mới. Khó khăn này là có thật, và vì các lý do sau:
Thứ nhất, nước Mỹ đã sống với chiến tranh lạnh và chính sách ngăn chặn hơn 40 năm. Trong quãng thời gian đó, nhiều thế hệ quan chức, chính khách và học giả của Mỹ đã kế tiếp nhau để hoàn thiện chính sách ngăn chặn. Như vậy, Mỹ thiếu kinh nghiệm và kiến thức cho việc xây dựng chính sách địa chiến lược cho một giai đoạn hoàn toàn mới.
Nhìn chung, mọi đánh giá về chính sách địa chiến lược của Mỹ giai đoạn này đều đánh giá cao chính quyền Bush cha về kết cục của chiến tranh lạnh có lợi cho Mỹ và xử lý tốt cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ Nhất năm 1991. Nhưng nhất trí chung cũng cho rằng nước Mỹ chưa sẵn sàng để bước vào một thời kỳ mới chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế đương đại. Nói cách khác, nếu thắng cử nhiệm kỳ 2, Bush cha chưa có chính sách cho giai đoạn hậu chiến tranh lạnh.
Thứ hai, nếu như ở Mỹ chính sách đối nội - nhất là chính sách kinh tế - luôn luôn có vị trí ưu tiên so với chính sách đối ngoại thì tình hình này càng rõ rệt khi Mỹ ra khỏi chiến tranh lạnh. Vào cuối thập niên 1990, kinh tế Mỹ đang ở vào giai đoạn suy thoái trầm trọng. Một tác giả đã cho rằng nếu như Liên Xô tử vong sau chiến tranh lạnh thì Mỹ cũng tử thương.[1] Chính vì thế, khi bước vào kỳ bầu cử, thành tích chiến lược to lớn – giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh lạnh và trong chiến tranh vùng Vịnh (1991) – cũng không đủ để Bush cha vượt qua Clinton để thắng cử nhiệm kỳ 2. Khẩu hiệu tranh cử “Sự quan tâm của tôi tới các vấn đề kinh tế như luồng ánh sáng la-de” đã đưa Clinton vào Nhà trắng[2]. Rõ ràng là sau chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ lại hướng ưu tiên vào chính sách đối nội, vừa theo truyền thống chính trị Mỹ, vừa vì sự bức bách từ một nền kinh tế đang suy thoái.
Thứ ba, và liên quan tới hai lý do trên, chương trình vận động tranh cử của Bush cha đã quá chú trọng vào chính sách đối ngoại (tuy thành công trong quá khứ nhưng không hứa hẹn trong tương lai) không có sức hấp dẫn cử tri Mỹ bằng chương trình tranh cử của Clinton tập trung vào chính sách đưa Mỹ hùng mạnh trở lại về mặt kinh tế. Như vậy, dù thắng lợi vẻ vang trong chiến tranh lạnh, Bush cha vẫn thất cử.
Thất bại của Bush cha do đó cũng đồng nghĩa với sự suy giảm vai trò của chính sách đối ngoại so với chính sách đối nội ở Mỹ. Khi Bush cha kết thúc nhiệm kỳ, các giới ở Mỹ vẫn chưa nhất trí về một chiến lược đối ngoại mới.

2. Địa chiến lược toàn cầu của Mỹ dưới thời Clinton

Trong 4 năm đầu tiên, Clinton tập trung vào các vấn đề kinh tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là các giới ở Mỹ không tiếp tục hình dung về chiến lược toàn cầu của Mỹ cho thời kỳ chiến tranh lạnh. Các học giả Mỹ dường như đã đi đầu trong cuộc thảo luận về chiến lược đối ngoại. Các cuộc tranh luận học thuật nổ ra, liên quan tới mục tiêu mới của chiến lược toàn cầu và đối tượng mới của chiến lược đó. Dưới đây xin điểm qua một số lập luận chính và những chính sách đại chiến lược chính của Mỹ dựa trên các mạch lý luận này.
- Mỹ vẫn là số một: Sự thắng thế của CNTB trước CNXH dường như đã khẳng định thuyết “quyền lực mềm” của Nye. Khi "chủ nghĩa bi quan" nổi lên mạnh mẽ ở nước Mỹ trong giai đoạn 1970s đến giữa 1990s luận điểm của Joseph Nye về "sức mạnh mềm" đã trở thành một điểm tựa mới cho những người thuộc trường phái lạc quan. Theo Nye, Mỹ dù có suy yếu về các chỉ số sức mạnh cứng nhưng vẫn còn dư sức mạnh mềm, và đủ để cho các nước khác đi theo một cách tự nguyện, "tâm phục, khẩu phục." Khi Liên Xô và phe XHCN thế giới sụp đổ, Mỹ bắt đầu thoát khỏi suy thoái và liền sau đó được hưởng một thời gian dài tăng trưởng kinh tế liên tục và trở thành siêu cường toàn diện và duy nhất trên thế giới. Dường như luận điểm của Nye đã được chứng minh.
- Sự cần thiết phải có đối thủ: Vào đầu thập niên 1990s, khi phe XHCN thế giới không tồn tại với tư cách là một thế lực có thể thách thức được phe TBCN, Fukuyama đã nêu một luận điểm gây tranh cãi về "sự cáo chung của lịch sử." Mặc dù xuất phát từ hướng phân tích hoàn toàn khác, Fukuyama dường như đã đồng quan điểm với Nye khi cho rằng sau chiến tranh lạnh không có nước nào địch nổi với Mỹ về "sức mạnh mềm." Nhưng trong khi Nye tự hào thì Fukyuama có phần bi quan về sức mạnh mềm ấy vì những điểm không hoàn hảo của CNTB nếu không có lực lượng đối lập sẽ không bị kiềm chế và trở thành bệnh khó chữa. Tóm lại, theo Fukyuama, Mỹ cần có một đối thủ để làm cho Mỹ mạnh hơn, đúng như nguyên tắc “check and balance” yêu cầu.
Với bài báo "Xung đột giữa các nền văn minh[3]," Huntington cũng đưa ra một luận điểm gây tranh cãi không kém khi cố gắng xác định rõ hơn đối tượng của Mỹ trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh là ai. Huntington cho rằng tương lai của loài người sẽ đánh dấu bởi những cuộc đụng độ lớn, không phải giữa các ý thức hệ chính trị như trong thế kỷ 20, mà là sự đụng đầu giữa các quốc gia. Nhưng các quốc gia này không đại diện cho chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia đó, mà là cho các nền văn minh mà chúng được nhóm vào dựa trên các tiêu chí về ngôn ngữ, tôn giáo, và nền văn hoá. “Xung đột giữa các nền văn minh sẽ là giai đoạn tiếp theo của tiến hoá xung đột trong thế giới hiện đại.” Theo Huntington dự đoán, xung đột sẽ chủ yếu diễn ra giữa văn minh phương Tây với văn minh Hồi giáo và Khổng giáo vì các nền văn minh khác vừa gần và vừa có thể được lôi kéo vào văn minh phương Tây. Đặt trong bối cảnh khi bài viết ra đời, hầu hết độc giả đều diễn giải ẩn ý của tác giả rằng đụng đầu Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi.
Tiếp theo mạch lý luận của chủ nghĩa hiện thực thì về mặt nội dung, cuộc đụng đầu đó là sự tranh giành vị trí bá quyền giữa một cường quốc đang thống trị thế giới với một nước lớn đang lớn mạnh lên với sức mạnh chưa cân bằng với nước bá quyền. Mearsheimer còn cho rằng sau chiến tranh lạnh, đụng đầu nước lớn là không tránh khỏi, và đó là đặc điểm chính của mối quan hệ Mỹ - Trung và hướng của chính sách địa chiến lược Mỹ đối với Trung Quốc. Và đây chính là tâm điểm của thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” (China threat theory) mà những người thuộc phái hiện thực ở Mỹ đã nêu ra từ giữa thập kỷ 1990.
Những người theo chủ nghĩa Tự do cũng lên tiếng tự cho là đã phát hiện ra “một điều gần giống quy luật trong QHQT,” rằng các nền dân chủ không lâm chiến với nhau, bởi vì dân chủ có bản chất là hoà bình. Sau khi bị chỉ trích cả về lô gích và phương pháp luận, những người Tự do sửa lại luận điểm đó, và thêm rằng các nền dân chủ không đánh nhau nhưng vẫn sẵn sàng lâm chiến với các nước phi dân chủ vì sự mở rộng của nền dân chủ trên phạm vi thế giới. Điều đó có nghĩa rằng giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng xung đột vì ý thức hệ khác nhau.
Tất cả các mạch lập luận này đều có tác động lớn vào cuộc tranh luận trong giới học thuật và hoạch định chính sách ở Mỹ. Và tác động ấy thể hiện qua các điểm sau đây:
Thứ nhất, giới học thuật ở Mỹ nói chung thống nhất với nhau rằng đánh giá sức mạnh của một cường quốc cần phải dựa vào cả hai tiêu chí định lượng và định tính như Nye đã khái quát thành sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Và trên các tiêu chí này, Mỹ vẫn là một nước siêu cường toàn diện và vượt trội.
Thứ hai, quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh vẫn bị chi phối bởi xung đột quốc tế, mặc dù nguyên nhân có thể khác nhau. Đó có thể là nguyên nhân văn hoá/văn minh, chủ nghĩa dân tộc, thay đổi trong so sánh lực lượng giữa các nước lớn, và khác biệt trong chế độ chính trị giữa các nước “dân chủ” và “phi dân chủ.”
Cuối cùng, và liên quan tới hai điểm trên, Trung Quốc bị coi là ứng cử viên số một cho cuộc đụng đầu trong tương lai với Mỹ, vì Trung Quốc đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết: Trung Quốc là một nước lớn đang lên có chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, đại diện cho nền văn minh Khổng giáo, và là một nước chuyên chế với ý thức hệ khác với ý thức hệ TBCN. Có một số người cho rằng: "Trung Quốc có thể trở thành nước đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ có khả năng thách thức Mỹ trong việc kiểm soát hệ thống quốc tế." Nói cách khác, việc Trung Quốc hùng mạnh hơn và đang mở rộng vai trò và ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới là một thực tế và ngăn Trung Quốc không trở thành một thách thức đối với Mỹ là một mục tiêu chiến lược hàng đầu đối với Mỹ sau chiến tranh lạnh. Ngoài ra, các giới ở Mỹ còn nhất trí rằng do Trung Quốc không phải là một nước dân chủ, việc chuyển hóa chế độ Trung Quốc sang nền dân chủ là cần thiết, và cần phải khuyến khích (bằng cách tạo điều kiện cho Trung Quốc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới) theo đúng lô-gic của lý luận “nền hoà bình giữa các nền dân chủ” (democratic peace) cho rằng giữa các nước dân chủ không có chiến tranh. Tháng 2/1995, chính quyền Clinton đưa ra chiến lược toàn cầu có tên Chiến lược an ninh quốc gia cam kết và mở rộng. Nội dung chủ yếu của Chiến lược này là Mỹ cam kết tiếp tục can dự vào các công việc của thế giới trên tư cách “người lãnh đạo thế giới” nhưng chú trọng hơn tới vai trò “trọng tài” mà bớt dần vai trò “sen đầm”; và mở rộng cộng đồng các quốc gia dân chủ, tăng vai trò của các thể chế đa phương trong đó Mỹ là hạt nhân[4]. Chính sách này đã được sự tán đồng ở một mức nào đó ở ngoài, nhưng lại bị phản đối ở bên trong nước Mỹ. Phê phán của về chiến lược này sẽ làm rõ hơn một số nội dung của nó.

3. Địa chiến lược của Bush con

Từ trước khi Bush thắng cử những người Tân bảo thủ đã có "chủ kiến" về một dạng chính sách đối ngoại mới của Mỹ. Nhiều học giả đã viết bài "Hai điều đáng khen cho chính sách đối ngoại của Clinton," trong đó đưa ra luận điểm rằng chính sách đối ngoại của Clinton thành công vì sau chiến tranh lạnh đã (i) duy trì được vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ và (ii) làm được việc đó với một cái giá phải chăng, nhất là đã bắt các đồng minh của Mỹ và các tổ chức quốc tế "chia sẻ gánh nặng lãnh đạo” của Mỹ. Do đó dự đoán bất kể ai sẽ vào Nhà trắng, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng sẽ không có thay đổi lớn. Ngay lập tức, phe Cộng hoà, trong đó có những người Tân bảo thủ, đã công kích luận điểm đó, cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ trong suốt 8 năm dưới thời Clinton thực chất là không thành công, cũng trên hai điểm (i) không nhân thời cơ xác lập được vị thế mạnh tuyệt đối của Mỹ vì không dám hành động một mình, và vì nguyên nhân là (ii) không dám trả giá cho việc xác lập vị trí độc tôn. Richard Haass - lúc này làm Phó giám đốc kiêm Trưởng ban nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, từng làm Vụ trưởng vụ Chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Bush cha – do đó kết luận rằng nhiệm kỳ tổng thống của Clinton là “nhiệm kỳ bị bỏ phí,” và rằng Clinton có một chính sách đối ngoại mà nhân dân Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ muốn chứ không phải là một chính sách đối ngoại mà Mỹ cần. Tức là những người Tân bảo thủ chủ trương Mỹ phải sử dụng thế mạnh vượt trội một cách quyết liệt để chứng tỏ sự lãnh đạo của mình, dù việc đó dẫn đến chủ nghĩa đơn phương, phiêu lưu quân sự, mất lòng mọi người, và tốn kém tiền của. Tóm lại, những người Tân bảo thủ mơ ước về một "đế chế Mỹ," muốn xác lập đế chế đó bằng mọi giá, nhất là bằng biện pháp quân sự và hành động đơn phương, và do đó không hài lòng với chính sách đối ngoại trung dung của Clinton.
Nhóm vận động hành lang có tên Dự án cho một thế kỷ Mỹ mới, với các thành viên chủ chốt như Cheney, Rumsfeld, Bush (em), Wolfowitz, Libby, Abrams, Khalizad, và Perle từ năm 1997 đã khẳng định: thách thức chủ yếu đối với Mỹ là định hình một thế kỷ mới phục vụ cho các nguyên tắc và lợi ích của Mỹ. Điều này đòi hỏi Mỹ phải có một quân đội mạnh và sẵn sàng đáp ứng các thách thức trong hiện tại và tương lai, một chính sách đối ngoại mạnh dạn và có ý thức trong việc thúc đẩy các nguyên tắc Mỹ ở nước ngoài, và một bộ máy lãnh đạo quốc gia dám chấp nhận trách nhiệm toàn cầu của Mỹ[5].
Đầu năm 1998, nhóm này vận động tổng thống Clinton loại bỏ tổng thống Hussein. Tháng 9/2000, nhóm này lại gây sức ép đối với Clinton về một chiến lược mới, trong đó "loại bỏ Hussein chỉ là bước mở đầu, càng không phải là điểm cuối của một chiến lược được xây dựng nên để duy trì sự vượt trội của Mỹ trên toàn cầu và không cho các nước khác thách thức quyền lãnh đạo của Mỹ, thậm chí mơ ước tới vai trò khu vực và toàn cầu lớn hơn." Clinton đã không chấp nhận ý kiến này. Bush con cũng không theo lời khuyên của nhóm Tân bảo thủ, dù phải dựa vào họ về chính sách đối ngoại. Lý do là đảng Cộng hoà 8 năm không chiếm được Nhà trắng và tổng thống Bush lại không có kinh nghiệm về đối ngoại nên những người Tân bảo thủ đã từng phục vụ trong chính quyền của Reagan và Bush cha có cơ hội quay lại chính trường. Do đó, có thể nói rằng khi Bush con thắng cử, Tân bảo thủ quay trở lại chính quyền, nhưng chưa có được vị thế áp đảo như trong giai đoạn sau. Và khi cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ nổ ra ngày 11/9, hoàn cảnh cụ thể của tình huống khẩn trương đã làm cho sự lựa chọn chính sách đối ngoại của phe Tân bảo thủ đã trở thành gần như duy nhất. Đơn phương và đánh chặn là hai dấu ấn quan trọng nhất của chiến lược này. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Iraq đã gần như làm phá sản chiến lược này, chính thức kết thúc “thời khắc” đơn cực của Mỹ.

II.  Kết quả vận dụng yếu tố địa chiến lược toàn cầu của Mỹ sau chiến tranh lạnh
Từ sau chiến tranh lạnh, tâm điểm chiến lược đối ngoại của Mỹ là củng cố vị trí siêu cường toàn diện và vượt trội. Hành vi của Mỹ không khác gì các nước trong lịch sử có được điều kiện tương tự. Do đó, sự kiện 11/9 chỉ là cái cớ để Mỹ triển khai mạnh mẽ hơn chiến lược này. Có thể coi sự hung hăng mới của bá quyền Mỹ là tình cờ, là sản phẩm của sự phản ứng của tính cách và sự kiện. Nhưng những nhân tố sâu xa hơn cho thấy nếu việc chuyển chính sách là tình cờ, thì nó cũng là một điều tình cờ chỉ chờ dịp để xảy ra. Sự sử dụng quyền lực một cách mạnh mẽ và đơn phương của Mỹ không chỉ đơn thuần là sản phẩm của vụ 11/9, của chính quyền Bush, hoặc của nhóm Tân bảo thủ - mà là sản phẩm lô-gích của vị trí không bị thách thức của Mỹ trong hệ thống quốc tế hiện nay.
Nếu xét từ lô-gíc hưng vong của các đế chế, Mỹ cũng sẽ đến lúc không còn giữ được vị trí lãnh đạo thế giới. Do phải bành trướng ra ngoài, các đế chế sẽ phải tăng chi phí quân sự để đảm bảo an ninh trước sự cạnh tranh của các nước lớn khác cũng như sự bất phục của các nước bị thống trị. Đến lúc nào chi phí quân sự quá mức nền kinh tế chịu đựng được, đế chế đó sẽ sụp đổ. Nhưng sự suy yếu sẽ diễn ra từ từ, và mất nhiều thời gian hơn với một nước như Mỹ. Và ngay cả hiện nay khi Mỹ bị sa lầy ở Iraq và cuộc chiến chống khủng bố ngày càng tốn kém, mức chi phí quân sự cũng chỉ ở mức 3,6% tổng sản phẩm quốc nội. Tức là Mỹ vẫn còn có thể chịu đựng được sự căng trải này.
Nhưng những yếu tố nội sinh trong hệ thống chính trị Mỹ cũng có thể làm cho việc Mỹ suy yếu xảy ra sớm hơn (mặc dù điều này không có nghĩa là Mỹ sụp đổ sớm.) Các yếu tố đó liên quan tới bản chất và cách vận hành của thể chế chính trị Mỹ, với các đặc điểm sau:
Thứ nhất, quá trình hoạch định chính sách địa chiến lược của Mỹ trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh đã bị chi phối quá nhiều bởi tư duy nhiệm kỳ và tính cạnh tranh cao của một nền dân chủ bị coi là phát triển quá mức. Hậu quả là trước tiên là tính kế thừa (continuity) của chính sách rất ít: các chính phủ sau bao giờ cũng phê phán chính sách của chính phủ trước, bất kể chính sách đó có hiệu quả hay không; mỗi một tổng thống thuộc đảng đối lập lên cầm quyền đều kéo theo sự ra đi hàng loạt của các quan chức cấp cao trong chính quyền. Khi lên cầm quyền, một trong các nguyên tắc cai trị của Bush con là ABC (Anything But Clinton), tức là làm ngược lại những gì mà Clinton đã chủ trương.
Thứ hai, tư duy nhiệm kỳ làm bộc lộ sự vênh giữa các chính sách/chiến lược dài hạn được tuyên bố và nhu cầu tìm kiếm thành tựu ngắn hạn để phục vụ cho vận động tranh cử. Việc xây dựng chiến lược cho giai đoạn hậu chiến tranh lạnh đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nhưng tổng thống Mỹ cùng lắm cũng chỉ được 8 năm để thử sức. Thông thường, trong nhiệm kỳ đầu, tổng thống có hai năm đầu làm quen công việc, hai năm sau ghi điểm cho các dự án “mì ăn liền” và vận động tái cử. Chẳng hạn như việc đưa quân Mỹ tham gia các hoạt động can thiệp nhân đạo sau chiến tranh lạnh có thể nâng cao địa vị của Mỹ hơn. Nhưng chỉ vì hình ảnh một lính Mỹ bị phiến quân Xôma- li giết và kéo lê xác trên đường phố Mogadishu đã đủ để Clinton hạ lệnh rút quân Mỹ về nước vì sợ dư luận chỉ trích.
Thứ ba, trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, do căng thẳng quốc tế giảm đi và do liên quan tới các điểm nêu trên, sự nhất trí trong nội bộ Mỹ về chính sách đối ngoại không được cao như trước. Kết hợp với các bê bối của lãnh đạo cao cấp, lòng tin vào lãnh đạo của người dân Mỹ cũng giảm đi. Điều đó có nghĩa là sự chất vấn, chỉ trích của các giới ở Mỹ đối với chính sách của chính phủ cũng tăng lên. Các kiến trúc sư của chiến lược ngăn chặn giành được sự ủng hộ của mọi giới. Nhưng đến cuối thập kỷ 1990, lòng tin vào chính quyền đã giảm sút mạnh, người lãnh đạo không được lòng dân nữa, và báo chí cũng không hướng dẫn nổi dư luận.
Kết quả là Mỹ không thiếu vật chất và không thiếu chuyên gia, nhưng luôn thiếu ý chí của lãnh đạo và nhất trí của xã hội để theo đuổi một chính sách cần phải được có tính kế thừa cao và phải được hoạch định và triển khai trong một hoàn cảnh rất phức tạp và điều kiện rất khó khăn của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, chưa thể có kết quả ngay. Như vậy, tiến trình hoạch định và nội dung chiến lược/chính sách của Mỹ luôn luôn ở vào tình trạng “quá độ” và “dò dẫm về đại chiến lược.”
Ngoài ra, các tính chất và đặc thù của thời kỳ mới cũng góp phần hạn chế khả năng hành động của “đế chế” Mỹ. Một số học giả và quan chức Mỹ hoài niệm về quá khứ chiến tranh lạnh: khi thế giới phân chia làm hai, mọi việc đều đơn giản hơn. Nhưng Mỹ cũng không thể phát động một cuộc chiến tranh lạnh mới để lãnh đạo thế giới theo phương thức cũ. Đó là vì:
- Thế giới đã bước vào thời kỳ ngày càng lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Đây là kết quả của một tiến trình chính Mỹ góp phần thúc đẩy. Do đó, Mỹ không thể đơn phương hành động, nhất là về quân sự, vì phải tính đến quyền lợi của bản thân Mỹ, đồng minh Mỹ và các chủ thể khác.
- Chính trị thế giới cũng bước vào một giai đoạn mới, với các nước lớn khác và cả các nước nhỏ và yếu hơn Mỹ tăng cường đấu tranh đòi bình đẳng hơn trong việc quyết định các vấn đề chính trị - an ninh quốc tế, nhất là trên các diễn đàn đa phương.
- Các vấn đề toàn cầu nổi lên (môi trường, khủng bố, bệnh dịch, tội phạm xuyên quốc gia) đòi hỏi phải có giải pháp đa phương và sự tham gia của nhiều nước.

Tóm lại, từ sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, dưới thời 3 tổng thống thuộc hai đảng, Mỹ đã trải qua một số lần vận dụng lý thuyết Địa chính trị của các học giả trước dây và thử nghiệm địa chiến lược toàn cầu với cơ sở sức mạnh vượt trội và với mục tiêu khẳng định vị thế độc tôn của Mỹ trên thế giới. Chính quyền Bush con có tham vọng nhất, muốn xây dựng mô hình đế chế. Tuy nhiên, do cả yếu tố khách quan và chủ quan kể trên, giấc mơ đế chế rất khó thực hiện: chính quyền Bush con chỉ đạt được điều mà các nhà nghiên cứu gọi là khoảnh khắc đơn cực (unilateral moment). Và khoảnh khắc này, theo nhiều học giả Mỹ, đã qua.
Các sự kiện từ sau ngày 11/9/2001 đã cho thấy Bush con (với đội ngũ trợ lý Tân bảo thủ vốn rất muốn tạo ra đột phá về chiến lược) đã đưa chiến lược toàn cầu của Mỹ đi hẳn theo hướng xây dựng đế chế dựa trên sức mạnh to lớn về kinh tế và quân sự, cũng như sự tự tin về sức hấp dẫn của mô hình Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề chính lại nằm ở “giấc mơ lớn” đó. Trong cuộc vấn động tranh cử năm 2000, Bush nói Mỹ cần một chính sách đối ngoại "khiêm tốn hơn." Nhưng mục tiêu và quan niệm của học thuyết Bush lại chỉ vào một hướng ngược lại. Do đó, thách thức lớn nhất của Mỹ hiện nay là phải gạt bỏ được ham muốn xây dựng đế chế. Chỉ đến khi đó, địa chiến lược chiến lược toàn cầu của Mỹ mới được xây dựng trên cơ sở thực tế hơn và đạt được đồng thuận lớn hơn cả trong và ngoài nước. Và từ giờ cho đến khi đó, dường như chính sách đối ngoại và địa chiến lược toàn cầu của Mỹ vẫn luôn ở vào tình trạng quá độ và không ổn định. Nhiều học giả đã cho rằng hiện nay Mỹ chỉ cần theo đuổi một chính sách thực tiễn, linh hoạt, tuỳ vào hoàn cảnh. Phải chăng Mỹ đang phải xây dựng chính sách theo hướng “dò đá qua sông?”

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.      Năm 2000, Nguyễn Thế Lực, Nguyễn Hoàng Giáp (2000). “Khái quát lịch sử phát triển tư tưởng địa-chính trị thế giới”, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 3.
2.      Michael Yahuda (2006), Các vấn đề chính trị quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, Nxb Văn học, Hà Nội.
3.      Maridon Tuareno (1996), “Sự đảo lộn của thế giới địa chính trị thế kỷ XXI”. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4.      Thomas J. McCormich (2004), “Nước Mỹ nửa thế kỷ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh”. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
5.      Zbigniew Brzezinski (1999), “Bàn cờ lớn”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6.      Nguyễn Văn Dân (Chủ biên, 2003), “Khủng bố và chống khủng bố với vấn đề an ninh quốc tế”.Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
7.      Nguyễn Đình Luân (2003),“Tìm hiểu logic địa-chính trị trong chiến lược đối ngoại của Mỹ sau Chiến tranh lạnh”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 6.
8.      Hồ Châu (2005), “Chiến lược Á - Âu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh - nhìn từ góc độ địa-chính trị”. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, Số 8.
  1. John Bellamy Foster (2006), “The New Geopolitics of Empire”, Tạp chí Monthly Review.



[1] Sức mạnh tổng hợp của Mỹ đã giảm đáng kể, GDP từ chỗ chiếm 40% GDP thế giới trong
những năm 1950, chỉ còn khoảng 23-25% vào đầu những năm 1990.
[2] Bill Clinton (2006), Cuộc đời tôi, bản dịch của Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà nội.
[3] Samuel Huntington (1993), “Clash of Civilization,” trong Foreign Affairs, tập 72, số 3, trang 22-49.
[4] Hà Mỹ Hương, “Nhìn lại sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ sau chiến tranh lạnh,” Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện QHQT, số 68.
[5] Xem Tuyên bố về các nguyên tắc của Dự án, trên trang web http://www.PNAC.org.